Tập sách cái cười & sự lãng quên (13)

Milan Kundera

PHẦN V

Petrarch lên án cái cười của Boccaccio

Chiếc tắc-xi chở đầy nhóc các thi sĩ biến mất vào trời đêm. Anh sinh viên bỗng nhớ ra đã đến lúc phải về nhà với Kristyna.

“Thưa thi sĩ, em phải về nhà”. Anh bảo Petrarch.

Petrarch gật đầu, nắm cánh tay anh sinh viên và kéo anh đi về hướng khác. Ông bảo anh:

“Cậu biết không, cậu còn trẻ nhưng cậu tinh tế và nhạy cảm lắm, cậu là người duy nhất biết lắng nghe kẻ khác”.

Anh sinh viên chụp ngay lấy cơ hội: “Cô gái đứng đó ngay giữa phòng với thanh sắt trên tay, xinh đẹp, lẫm liệt, uy nghi như vị anh thư Jean d’Arc với cây thương sẵn sàng tử chiến với quân thù! – Thi sĩ thấy không, em có thể lặp lại từng chữ những điều thi sĩ nói ban nãy, không sót một chữ nào”.

“Hơn nữa, mấy gã say đó không được nghe đoạn kết của câu chuyện! Chúng nó nào muốn nghe chuyện gì ngoài những điều về chính chúng nó”.

“Vâng, nhất là đoạn thi sĩ kể vợ thi sĩ sợ cô gái giết chết thi sĩ, rồi thi sĩ tiến lại gần cô ta thấy mặt cô ta ánh lên nét an bình thánh thiện, như một phép lạ nhiệm màu”.

“A, cậu bạn nhỏ của tôi! Chính cậu mới là thi sĩ, chứ không phải mấy gã say kia!”.

Petrarch nắm cánh tay anh sinh viên kéo về phía nhà riêng của ông ở ngoại ô thành phố.

“Thế… đoạn kết câu chuyện ra sao? Thưa thi sĩ”. Anh sinh viên hỏi ông.

“Ra sao à?… Vợ tôi thấy thương hại cô gái và cho cô ngủ lại nhà. Nhưng cậu thử tưởng tượng xem có thể đoán được chuyện gì xảy ra sau đó không. Bà mẹ vợ tôi ngủ trong căn phòng vẫn dùng làm phòng chứa đồ phía sau nhà bếp. Bà thức dậy sớm lắm, và khi thấy các cửa sổ bị đập phá tan tành, bà chạy vội sang khu nhà kế bên nhờ anh thợ sửa cửa kính, lúc đó tình cờ đang làm việc bên đó, sang thay tất cả cửa kính căn hộ chúng tôi. Lúc chúng tôi thức giấc, mọi thứ trở lại y như cũ, không một dấu vết gì về biến cố kinh động buổi tối hôm trước. Thế có lạ không cơ chứ! Tôi có cảm tưởng như đó là một giấc mơ”.

“Còn cô gái?”. Anh sinh viên hỏi.

“Cũng biến mất luôn. Có lẽ cô lặng lẽ lẻn ra về từ sáng sớm”.

Ngay lúc đó Petrarch đứng giữa đường nhìn anh sinh viên, nét mặt nghiêm lại: “Này cậu bạn nhỏ, tôi sẽ đau lòng lắm nếu cậu đánh đồng chuyện của tôi với những mẩu chuyện bông phèng của lão Boccaccio người ta đọc lúc lên giường ngủ. Cậu nên nhớ rằng Boccaccio là một thằng cha ngu xuẩn hết nước nói. Boccaccio không bao giờ hiểu ai, bởi vì hiểu là chìm đắm vào, đồng hóa với. Đó là bí mật của thi ca. Chúng ta quên mình đi để hòa nhập vào người đàn bà chúng ta yêu thương, vào ý tưởng chúng ta đặt trọn niềm tin, chúng ta bốc cháy bên trong miền đất chúng ta yêu”.

Anh sinh viên chăm chú nghe với tất cả nhiệt tâm, trước mặt anh hiện lên hình ảnh Kristyna. Chỉ mấy tiếng đồng hồ trước đó, anh còn nghi ngờ về cái duyên dáng dễ yêu của cô. Bây giờ nghĩ lại anh thấy tự xấu hổ, thầm trách sao mình tệ đến thế, bởi lòng nghi ngờ ấy thuộc về cái ít tốt lành hơn (Boccaccio) của phân nửa hữu thể con người anh; nó vọt lên từ phần yếu đuối chứ không phải sức mạnh của anh: nó chứng tỏ anh không dám đi vào một tình yêu toàn diện, với tất cả tâm hồn và thể xác, nó chứng tỏ anh sợ bị phủ trùm bởi một người đàn bà yêu anh.

“Tình yêu là thi ca, thi ca là tình yêu”. Petrarch lại nói tiếp, và anh sinh viên quyết tâm yêu Kristyna với tất cả nhiệt tình và lòng yêu mến to tát. Mới ban nãy Goethe choàng lên cô chiếc áo hoàng gia lộng lẫy, và bây giờ Petrarch thổi bùng ngọn lửa trong tim anh. Đêm nay anh có đến hai nhà thơ vĩ đại ban phúc lành. Petrarch nói tiếp:

“Mặt khác, cái cười là chất nổ đánh văng chúng ta ra ngoài thế giới và ném chúng ta trở lại cõi cô đơn lạnh lẽo. Đùa cợt là rào cản giữa con người và thế giới, là kẻ thù của tình yêu và thi ca. Đó là lý do vì sao tôi nhắc cậu thêm lần nữa, và tôi muốn cậu hãy ghi nhớ: Boccaccio không hiểu tình yêu là gì. Không bao giờ tình yêu có thể là cái cười được. Tình yêu và cái cười không hề đi đôi với nhau”.

“Vâng”, anh sinh viên tỏ vẻ hết sức đồng ý với ông nhà thơ. Hình như đối với anh thế giới được chia làm hai phe, phe tình yêu và phe đùa cợt, anh biết anh thuộc phe nào, và anh sẽ dấn bước đứng vào đoàn quân của Petrarch.

Thiên thần bay lượn trên giường ngủ anh sinh viên

Cô không hề bực tức hay giận dữ trong lòng, cô cũng không nóng ruột đi đi lại lại trong căn phòng áp mái nhỏ xíu đó, cô không buồn rầu, không ngồi tựa cửa sổ lo âu mong đợi. Cô thay áo ngủ rồi cuộn mình trong chăn, cái chăn đầy hơi hướm con trai vì có lẽ lâu ngày không giặt. Anh đánh thức cô với nụ hôn trên môi, và để chặn trước không cho cô trách cứ chuyện anh về trễ, anh huyên thuyên kể cô nghe những chuyện không thể tin nổi vừa xảy ra hồi tối tại Câu lạc bộ Nhà văn, về vụ chạm trán nảy lửa giữa Boccaccio và Petrarch, rồi Lermontov mắng nhiếc các thi sĩ khác như thế nào. Nhưng cô chẳng thấy những chuyện đó thú vị chút nào, cô ngắt lời anh giọng đượm nghi ngờ:

“Chắc anh quên cuốn sách”.

Lúc anh đưa cô cuốn sách với chữ ký và lời tặng của Goethe, cô không tin mắt mình. Cô đọc đi đọc lại mấy dòng chữ, không thể tin được, mà hình như đó là hiện thân toàn bộ cuộc phiêu lưu kỳ lạ không kém giữa cô và anh sinh viên, từ mùa hè vừa qua với những cuộc đi dạo bí mật trong rừng, cho đến tất cả những tình cảm trìu mến, thân ái cô chưa bao giờ tận hưởng trong đời.

Trong lúc đó anh sinh viên cởi quần áo và nằm xuống đi-văng bên cạnh cô. Cô xoay người ôm anh thật chặt. Chưa ai ôm anh như thế bao giờ. Chân thật, mạnh mẽ, tha thiết, nồng nàn, như một người mẹ ôm con, người chị ôm em, trìu mến, đam mê. Hồi tối, Lermontov lặp đi lặp lại từ “chân thật” mấy lần, và anh sinh viên nghĩ cái ôm của Kristyna xứng đáng nhận lãnh danh hiệu ấy, một tổng hợp tất cả những tính từ biểu hiện một cái ôm tuyệt diệu.

Anh sinh viên có cảm tưởng thân thể anh đã sẵn sàng đón nhận tình yêu. Với một tâm thế khoan khoái chờ đợi, cái của mình không mất đi đâu, anh nằm im nhẩn nha thưởng thức phong vị ngọt ngào của giây phút cái ôm kéo dài.

Cô lua lưỡi vào miệng anh, rồi hôn như mưa khắp mặt anh. Đầu lưỡi anh chạm chiếc răng vàng nằm ở hàm trên bên trái, anh nhớ lại câu nói của Goethe: Kristyna sinh ra làm người chứ không phải cái máy tính! Cô chính là người đàn bà một thi sĩ cần có để yêu! Anh muốn hét lên vì sung sướng. Và câu nói của Petrarch vẫn văng vẳng bên tai anh, “Tình yêu là thi ca, thi ca là tình yêu”, và “hiểu là chìm đắm vào, đồng hóa với” kẻ khác, bốc cháy bên trong người đó. (Vâng, tất cả ba thi sĩ đều có mặt với anh ngay tại đây, họ bay lượn trên giường ngủ anh như những thiên thần đang vui sướng hát ca, ban phúc lành cho anh!). Cảm thấy hưng phấn dâng lên tột độ, anh sinh viên quyết định đã đến lúc chuyển hóa cái chân thật của Lermontov, một cái ôm suông bất động, thành hành động có thật của tình yêu. Anh lật ngửa thân hình Kristyna, trèo lên người cô, và lấy đùi đẩy hai chân cô giạng ra.

Nhưng ơ hay, cái gì thế này? Kristyna không chịu! Cô khép hai đùi thật chặt, bướng bỉnh y như những lần nằm trong bụi rậm trong rừng!

Anh muốn hỏi tại sao cô cưỡng lại anh, nhưng anh không nói được. Kristyna quá e lệ, quá mong manh đến nỗi sự lên tiếng của cô sẽ làm tan biến tất cả mọi chức năng tình yêu. Anh chỉ dám sử dụng thứ ngôn ngữ duy nhất còn lại là thở và vuốt ve. Nhưng phải chăng hai người đã vượt qua cái nặng nề của ngôn ngữ? Phải chăng anh đang bốc cháy bên trong cô? Cả hai đều bốc cháy cùng một ngọn lửa như nhau! Và bởi thế, trong im lặng dai dẳng, anh hì hụi cố dùng đùi đẩy hai chân cô giạng ra.

Cô cũng im lặng. Cô cũng sợ, không dám mở miệng nói tiếng nào, và chỉ biết diễn tả mọi thứ bằng hôn hít và vuốt ve. Nhưng sau cùng, sau lần thứ hai mươi lăm cố giạng đôi chân cô ra mà không được, cô nói khẽ vào tai anh: “Đừng anh, em sẽ chết mất”.

“Cái gì?”.

“Em sẽ chết, thật đấy, em sẽ chết”.

Kristyna lặp lại câu nói, cô lại lua lưỡi thật sâu vào miệng anh nhưng cặp đùi vẫn khép chặt.

Trong lòng anh sinh viên dấy lên một cảm giác lạ lùng, thất vọng xen lẫn sung sướng. Anh thèm khát đến hoang dại được làm tình với cô, đồng thời muốn khóc lên vì sung sướng. Chưa bao giờ có người đàn bà nào yêu anh như Kristyna. Tình yêu cô cho anh to lớn đến nỗi nó có thể giết chết cô, cô yêu anh đến độ cô sợ làm tình với anh, bởi nếu làm tình với anh, cô sẽ không bao giờ có thể sống mà không có anh, cô sẽ chết vì buồn khổ thương nhớ mất thôi. Anh sung sướng quá, anh điên lên vì sung sướng, bởi đột nhiên, không thể ngờ, và chẳng phải làm gì để xứng đáng nhận lãnh, anh đạt được ước nguyện anh mong chờ từ bấy lâu nay, một tình yêu vô hạn, mà tất cả hành tinh này với sông ngòi, biển cả, đại lục, núi non chẳng có nghĩa lý gì.

“Anh hiểu! Anh sẽ chết cùng với em!”. Anh thầm thì rót vào tai cô, rồi lại vuốt ve, hôn hít, gần như rớt nước mắt khóc cho tình yêu của cô. Cùng lúc, cảm giác dịu êm to tát ấy chẳng trấn át nổi ham muốn xác thịt đang sôi sục trong lòng anh, và nó khiến anh đau đớn không chịu nổi. Anh lại tiếp tục thúc đùi vào giữa cặp đùi khép chặt của Kristyna để mở đường cho anh đi vào thân thể cô, mà đột nhiên anh cảm thấy nó còn kỳ bí hơn cả Chén Thánh của Đức Chúa Jesus.

“Không, anh sẽ không sao. Em mới là người bị chết”. Kristyna bảo anh.

Anh tưởng tượng ra nỗi hoan lạc vô biên, một nỗi hoan lạc có thể giết chết anh, và anh đáp lời cô: “Chúng ta sẽ cùng chết với nhau! Cùng chết với nhau một lượt!”. Và cứ thế anh tiếp tục thúc đùi cố xoạc hai chân cô ra. Trong vô vọng, bởi cô khép chặt lắm, và anh đành thúc thủ. Như muốn đầu hàng.

Hai người không biết nói gì thêm, anh vẫn nằm ép lên người cô. Kristyna lắc đầu trong lúc anh mở thêm vài đợt tấn công nữa vào thành trì cặp đùi trước khi hoàn toàn bó tay (hay chính xác hơn, bó đùi). Anh nằm vật ra giường bên cạnh cô. Cô thò tay nắm cây vương trượng, tình yêu của cô, đang dựng đứng vinh danh cô, và cô nắm chặt lấy nó với tất cả lòng chân thật xán lạn: Chân thành, mạnh mẽ, tha thiết, nồng nàn, như một người mẹ, người chị, trìu mến, đam mê.

Trong lòng anh sinh viên là một kết hợp kỳ lạ giữa cái chân phước một tình yêu vô hạn và nỗi chán chường xác thịt không được thỏa mãn, chị vợ anh hàng thịt vẫn nắm chặt vũ khí tình yêu của anh, cô chẳng tìm cách cho anh thỏa mãn cơn thèm muốn, mà chỉ nắm lấy nó trong tay mình như một món vật hiếm quý, giá trị rất lớn, một món vật cô không muốn gây tổn thương, cô chỉ muốn giữ nó mãi mãi như thế. Cương cứng. Nóng bỏng.

Một buổi tối như thế là quá đủ, suốt đêm chẳng có chuyện gì xảy ra nữa cho đến sáng.

Ánh sáng tẻ nhạt của ban mai

Vì ngủ trễ lắm nên mãi gần trưa hôm sau hai người mới tỉnh giấc, cả hai đều bị nhức đầu. Kristyna sẽ phải ra đón chuyến tầu hỏa về lại dưới quê. Hai người không nói gì nhiều. Kristyna nhét bộ áo ngủ và cuốn sách của Goethe vào xách tay rồi mặc lại bộ cánh quê mùa, vẫn đôi giày đen và xâu chuỗi hạt to đùng.

Như thể ánh sáng tẻ nhạt của buổi mai xuyên thủng bầu không khí im lặng, như thể thi ca của đêm tối bị văn xuôi của ban ngày đẩy lui, với giọng nói thật thà quê lậu Kristyna bảo anh sinh viên: “Anh biết không, anh đừng nên gần tôi, tôi có thể chết. Bác sĩ dặn tôi sau khi đẻ đứa con đầu lòng tôi không được bao giờ có thai lần nữa”.

Anh sinh viên ném cái nhìn chán nản sang cô: “Cô nghĩ tôi sẽ làm cô có thai à? Cô xem tôi là hạng người gì cơ chứ?”.

“Đàn ông nào cũng nói như thế. Họ luôn luôn chắc mẩm về chính họ. Tôi quen một người bạn bị như thế. Những thanh niên trẻ như anh nguy hiểm lắm. Khi nó xảy ra thì tôi biết xoay xở ra làm sao?”.

Chán nản đến cùng cực, anh bảo cô anh nào phải tay mơ, anh biết cách không bao giờ làm cô có thai. “Có thật là cô so sánh tôi với bạn trai người bạn nào đó của cô không?”.

Cô nói lúng búng gì đó trong miệng như xin lỗi. Anh thấy không cần thiết phải nói gì thêm để thuyết phục cô. Chắc cô tin anh. Anh không phải anh chàng nông dân quê mùa dốt nát, về những vấn đề tình yêu này nọ, chắc anh biết nhiều hơn anh thợ sửa xe dưới tỉnh. Có lẽ cô đã không đúng khi không chịu cho anh làm tình đêm qua. Nhưng cô không hối tiếc. Một đêm tối yêu nhau ngắn ngủi (bên trong đầu óc của Kristyna, tình yêu xác thịt chỉ có thể là cái gì thực ngắn ngủi và vội vã) luôn luôn để lại trong lòng cô ấn tượng một cái gì hay hay nhưng nguy hiểm và gian trá. Trải nghiệm cô có với anh sinh viên đẹp đẽ hơn thế nhiều.

Anh đưa cô ra trạm tầu hỏa, chưa lên toa tầu cô đã thấy rúng động với ý nghĩ ngồi một mình trong phòng toa tưởng nhớ lại tất cả những gì vừa xảy ra trong đêm. Cô cứ thầm nhủ, với tính cách thực tế tủn mủn của một người đàn bà dung dị, rằng cái cô vừa trải nghiệm là của riêng cô và “không ai có thể tước đoạt của cô được”. Cô vừa trải qua một đêm với một chàng trai mà nhân ảnh như không có thực, lẩn khuất đâu đó, cách xa, và suốt đêm cô nắm cái của quý cứng ngắc của anh chàng mà ngủ! Cái gì đó chưa bao giờ xảy ra trong cuộc đời cô! Có thể cô sẽ không bao giờ gặp lại anh, nhưng chẳng hề chi, bởi cô vẫn tin cô không thể tiếp tục gặp anh. Cô vui với ý nghĩ cô có một món vật của anh cô có thể giữ suốt đời làm kỷ niệm: cuốn sách của Goethe với lời ký tặng không ngờ, cô có thể dùng nó bất cứ lúc nào như bằng chứng minh hiển cuộc phiêu lưu của cô không phải là giấc mơ.

Về phần anh sinh viên, anh chán nản vô cùng. Đêm qua, chỉ cần một câu nói có ý nghĩa là đủ! Chỉ cần gọi sự vật bằng những cái tên chính xác của chúng là đủ! Chỉ cần có thế thôi là anh đã chiếm được thân xác cô rồi! Cô sợ anh làm cô có thai, còn anh thì nghĩ cô sợ hãi, bị choáng ngợp bởi tình yêu vĩ đại của cô! Ném cái nhìn vào hố sâu vô tận nỗi xuẩn ngốc của mình, anh muốn phá lên cười, cười điên dại.

Từ trạm tầu hỏa, anh trở về miền đất hoang lạnh với những đêm tối không có tình yêu, cái litost theo về với anh.

Thêm vài ghi chú về lý thuyết Litost

Với hai thí dụ lấy ra từ cuộc đời anh sinh viên, tôi đã phân giải hai phản ứng cơ bản của con người khi đối diện với cái litost của chính hắn. Nếu kẻ kia yếu đuối hơn, ta sẽ tìm ra lý do và lý lẽ để làm đau kẻ đó, như anh sinh viên đã làm với cô bạn gái bơi nhanh hơn anh.

Nếu kẻ kia mạnh mẽ hơn, ta chỉ có thể gián tiếp trả thù – một cú đánh gián tiếp, giết người bằng cách tự tử. Cậu bé chơi vĩ cầm cố tình bấm sai nốt, cậu làm đi làm lại cho đến khi ông thầy điên lên và ném cậu ra ngoài cửa sổ. Trong lúc từ lầu cao rơi xuống đất, cậu hả hê sung sướng với ý nghĩ ông thầy sẽ bị ghép vào tội sát nhân.

Đây là hai phương pháp cổ điển. Phương pháp thứ nhất thường thấy xảy ra giữa tình nhân, vợ chồng. Phương pháp thứ hai, ta có thể tìm thấy không biết bao nhiêu thí dụ từ lịch sử loài người. Tất cả những gì ta được dạy dỗ, chủ nghĩa anh hùng chẳng qua chỉ là cái litost tôi minh họa với thí dụ cậu bé và ông thầy dạy vĩ cầm. Giống dân Persian chinh phục giống Peloponnesus khi giống Spartan phạm phải hết sai lầm quân sự này đến sai lầm khác. Y như cậu bé không chịu chơi vĩ cầm đúng nốt, họ bị sự phẫn nộ làm mờ mắt và đã hành động không đúng. Không đủ sức đánh trả, cũng không thèm đầu hàng hay bỏ chạy, họ bị cái litost sai khiến đến nỗi bị tiêu diệt đến sinh mạng cuối cùng.

Liên tưởng về chuyện này, tôi nghĩ chẳng phải tình cờ mà ý tưởng về cái litost có căn nguyên từ miền đất Bohemia. Lịch sử xứ Czech – một câu chuyện không bao giờ dứt về những cuộc nổi dậy chống lại những thế lực mạnh hơn, một chuỗi những chiến bại vinh quang đi vào lịch sử và dẫn đến thảm cảnh bị tiêu diệt của chính những người làm lịch sử đó. Đó chính là litost.

Tháng Tám năm 1968, hàng ngàn chiến xa Nga tràn sang xâm lăng mảnh đất bé xíu đó, tại một tỉnh lị tôi thấy viết trên tường khẩu hiệu sau: “Chúng ta không muốn thỏa hiệp, chúng ta muốn chiến thắng!”. Bạn phải hiểu vào thời điểm đó chẳng có chọn lựa nào khác ngoài chiến bại, và cái tỉnh lị này khước từ thỏa hiệp, muốn chiến thắng! Đó là litost nói! Kẻ bị nó sai khiến trả thù bằng chính cái chết của mình! Xác cậu bé nát nhừ nằm dưới vệ đường, nhưng linh hồn bất tử của cậu sẽ muôn đời mãn nguyện bởi ông thầy dạy đàn đã buộc dây thòng lọng lên cái chạc ba cửa sổ, tự tử rồi.

Nhưng bằng cách nào anh sinh viên trả thù Kristyna đây? Trước khi anh nghĩ đến cô đã ngồi yên vị trên tầu hỏa rồi. Lý thuyết gia quen thuộc với loại tình huống này gọi đó là “litost bị chặn”.

Nó là cái gì tệ hại nhất có thể xảy ra. Cái litost của anh sinh viên mỗi phút mỗi phình to ra, và anh không biết phải làm gì để ngăn chặn nó. Bởi không có ai để trả thù, anh đành chọn cách an ủi. Đó là lý do vì sao anh nghĩ đến Lermontov. Anh nhớ Goethe và Voltaire đã làm nhục Lermontov như thế nào, và anh đã đứng lên nói to cho các thi sĩ ngồi quanh bàn nghe về cái tự hào của anh, như thể họ là ông thầy dạy đàn và anh khiêu khích cho họ ném anh ra khỏi cửa sổ xuống vệ đường.

Cần có Lermontov an ủi lúc này như người ta cần ông anh cả khuyên nhủ trong cơn buồn bã, anh sinh viên thọc sâu tay mình vào túi áo khoác. Tay anh bỗng chạm phải vật gì như tờ giấy gấp tư. Một mảnh giấy lớn xé ra từ cuốn tập học trò, trên viết dòng chữ: “Em chờ anh, em yêu anh, Kristyna. Nửa đêm”.

Anh chợt hiểu ra. Chiếc áo khoác tối hôm qua anh treo trong phòng. Câu viết tìm thấy trễ chỉ chứng minh điều anh đã biết. Anh không chiếm đoạt được thân xác Kristyna vì chính sự ngu xuẩn của anh. Cái litost tràn ứ trong người anh không tìm ra lối thoát.

Ở hố sâu chán nản

Xế chiều, anh nghĩ các ngài thi sĩ chắc đã thức dậy sau cuộc rượu tối hôm qua. Có thể họ đã có mặt tại Câu lạc bộ Nhà văn. Nhảy một bước bốn bậc thang, anh phóng lên tầng hai tòa nhà, đi qua phòng gửi áo choàng, rẽ phải vào khu tiệm ăn. Không phải khách quen, anh ngừng lại tại lối vào đưa mắt nhìn bên trong. Anh thấy Petrarch và Lermontov đang ngồi tại phía cuối phòng cùng hai người lạ mặt. Bên cạnh họ có cái bàn trống và anh đến ngồi xuống. Hình như không ai để ý đến anh. Thậm chí anh có cảm tưởng như Petrarch và Lermontov liếc nhìn anh mà không nhận ra. Anh gọi một ly cô-nhắc; dòng chữ buồn vô hạn và đẹp vô hạn của Kristyna vang vang một cách đớn đau trong đầu anh: “Em chờ anh, em yêu anh, Kristyna. Nửa đêm”.

Anh ngồi đó khoảng 20 phút, nhắp từng ngụm cô-nhắc nhỏ. Petrarch và Lermontov chỉ ngoáy sâu vết thương và nỗi buồn của anh thôi chứ chẳng an ủi anh chút nào. Anh bị mọi người bỏ rơi, Kristyna bỏ rơi anh, các thi sĩ bỏ rơi anh. Anh ngồi đây, một mình trong cô độc, không ai làm bạn ngoại trừ một tờ giấy học trò trên viết dòng chữ “Em chờ anh, em yêu anh, Kristyna. Nửa đêm”. Anh như muốn đứng lên giơ tờ giấy lên cao khỏi đầu vẫy vẫy để mọi người trông thấy nó, để mọi người biết rằng anh, một sinh viên, được yêu, yêu vô hạn.

Anh gọi người phục vụ đến trả tiền ly rượu. Đoạn châm một điếu thuốc. Anh không muốn ngồi lại Câu lạc bộ Nhà văn nữa, nhưng anh cũng không muốn về căn gác trọ, nơi không có người đàn bà nào nằm chờ đợi anh. Ngay lúc dụi tàn thuốc lá vào chiếc gạt tàn, anh để ý thấy Petrarch ngoắc tay gọi anh lại. Nhưng trễ quá rồi, cái litost của anh đã đẩy anh ra khỏi câu lạc bộ về cõi cô đơn sầu thảm của anh. Anh đứng dậy, và trong giây phút chót, một lần nữa anh rút ra mảnh giấy với lời nhắn yêu của Kristyna. Mảnh giấy không còn mãnh lực cho anh niềm vui nữa. Nhưng nếu anh để nó lại trên bàn, rất có thể sẽ có người nhận ra nó và biết rằng anh sinh viên đã được yêu, một tình yêu vô hạn.

Anh bỏ ra cửa.

Vinh quang đến bất ngờ

“Cậu bạn của tôi ơi!”. Anh sinh viên bỗng nghe tiếng gọi sau lưng, anh quay lại và nhận ra Petrarch. “Cậu về rồi đấy à?”. Ông xin lỗi vì đã không nhận ra anh ngay. “Tôi mà uống say rồi thì suốt ngày hôm sau cứ mơ mơ màng màng, chẳng còn biết trời đất gì nữa”.

Anh sinh viên giải thích anh không muốn làm phiền ông vì có người lạ mặt ngồi chung bàn.

“Mấy thằng hâm đấy mà”. Petrarch kéo anh sinh viên trở lại bàn anh ngồi khi nãy. Anh ngượng ngùng nhìn mảnh giấy nằm hơ hỏng trên mặt bàn. Phải chi nó chỉ là miếng giấy bé xíu cho anh đỡ ngượng, đằng này nó là tờ giấy to tướng chường ra cho thấy rõ hành vi vụng về của kẻ cố tình bỏ quên nó trên bàn.

Trợn ngược đôi mắt đen tò mò, Petrarch nhìn ngay ra mảnh giấy và ông cầm lên xem xét: “Cái gì thế này? A, cậu bạn của tôi, thư của cậu, phải không?”.

Lúng túng cố giả vờ ngượng như thể mình lơ đễnh bỏ quên giấy tờ riêng tư, anh đưa tay ra định giật mảnh giấy từ tay Petrarch.

Nhưng ông thi sĩ đã cất cao giọng, đọc: “Em chờ anh, em yêu anh, Kristyna. Nửa đêm”.

Ông nhìn vào mắt anh sinh viên: “Nửa đêm nào thế? Tôi hy vọng không phải đêm hôm qua!”.

Anh sinh viên hạ mắt xuống: “Vâng, chính là đêm hôm qua”. Anh không tìm cách giật mảnh giấy từ tay Petrarch nữa.

Ngay lúc đó Lermontov tiến lại bằng đôi chân ngắn ngủn của ông. Ông bắt tay anh sinh viên:

“Rất vui gặp lại cậu ở đây. Hai thằng cha kia”, ông đưa mắt về phía hai người đàn ông ngồi bàn bên kia, “mắc bệnh ngu, không thể nói chuyện với chúng nó được”. Đoạn ông ngồi xuống cạnh anh sinh viên.

Petrarch không đợi Lermontov yên vị, đọc lời nhắn yêu của Kristyna ghi trên mảnh giấy. Ông đọc đi đọc lại, giọng lên bổng xuống trầm như thể đó là một câu thơ.

Điều này khiến tôi chợt nghĩ ra điều sau: người không thể tát má cô bạn gái vì cô bơi nhanh hơn mình, cũng không biết làm sao cho giống Persian đến giết mình, khi hắn không có lối thoát cái litost của hắn, thì cái đẹp của thi ca sẽ bay đến giải cứu hắn.

Cái gì còn lại từ câu chuyện tuy đẹp nhưng hết sức rối rắm, bề bộn này? Chính là thi ca, chỉ có thi ca là còn lại. Lời ký tặng trên cuốn sách của Goethe Kristyna cầm về, và mảnh giấy sơ sài với dòng chữ đóng con dấu vinh quang bất ngờ lên anh sinh viên.

“Cậu bạn của tôi ơi”, Petrarch lại nói, ông nắm cánh tay anh, “cậu thú nhận đi, thú nhận cậu có làm thơ, thú nhận cậu là một thi sĩ!”.

Anh sinh viên hạ mắt xuống, anh thú nhận rằng Petrarch đúng.

Và Lermontov còn lại một mình

Lermontov là người anh sinh viên muốn tìm gặp tại Câu lạc bộ Nhà văn, nhưng từ giây phút đó trở đi, anh mất Lermontov và Lermontov cũng mất anh. Lermontov ghét cay ghét đắng những kẻ vui sướng vì tình yêu. Ông nhăn mặt khó chịu tỏ vẻ khinh bỉ loại thơ với những cảm xúc nhạt nhẽo và câu chữ cao kỳ sáo rỗng. Ông bảo thơ hay là loại thơ chân thật như món vật làm ra từ bàn tay người công nhân. Ông không ngớt chê bai và không che giấu nỗi bực dọc với Petrarch và anh sinh viên. Chúng ta biết rõ tại sao. Goethe cũng biết rõ. Nó có căn nguyên từ sự thiếu đàn bà, thiếu trầm trọng, thiếu thậm tệ. Cái litost kinh khiếp đó có căn nguyên từ sự thiếu đàn bà.

Ai là kẻ thấu hiểu điều này hơn anh sinh viên? Nhưng cái gã ngốc nghếch không thể cảm hóa nổi đó chỉ nhìn thấy khuôn mặt cau có của Lermontov, chỉ nghe thấy giọng nói cay độc của ông, chỉ thấy ông đang làm nhục mình.

Tôi quan sát họ từ khoảng cách thật xa, ở tầng cao nhất khu chung cư tôi cư ngụ trên đất Pháp. Petrarch và anh sinh viên đứng lên. Họ lạnh lùng bỏ mặc Lermontov ngồi lại một mình. Và Lermontov ngồi lại một mình.

Hỡi Lermontov thân mến, thần bản mệnh của nỗi thảm sầu đó, người xứ Bohemia chúng tôi gọi là litost.

—————————————————–

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

(Còn tiếp)

Comments are closed.