Tập sách cái cười & sự lãng quên (3)

Milan Kundera

PHẦN II.

Mama

 

KỲ I.

1.

Có thời Marketa không ưa mẹ chồng mình. Đó là thời gian vợ chồng cô chung sống với gia đình chồng (bố chồng cô còn tại thế) và Marketa phải triền miên chịu đựng tính khí riết róng, dễ giận của bà. Cuối cùng vợ chồng cô chịu hết nổi và dọn ra riêng. Châm ngôn của hai người lúc đó là “càng xa Mama càng tốt”. Họ dọn về một thị trấn tọa lạc tuốt đầu bên kia đất nước và mỗi năm chỉ một lần về thăm.

Thế rồi một hôm cha Karel qua đời và Mama sống một mình. Họ gặp lại bà tại đám tang, trông bà thiểu não, khổ sở, hình như thân hình bà co rút lại so với dạo trước. Cả hai có cùng một ý nghĩ trong đầu: “Mama, về ở với tụi con. Mama không thể ở đây một mình được”.

Câu nói xoay vòng vòng trong đầu hai người, nhưng không ai có thể thốt thành lời. Lại càng không thể nói vào hôm sau đám tang lúc ba người ra ngoài đi dạo, một buổi đi dạo chẳng vui tí nào, vì trong lúc đi, buồn bã chán chường như thế mà miệng Mama vẫn không ngớt trách móc hai người, tất cả mọi tội lỗi vì sao bà khổ sở, khốn nạn như ngày hôm nay, bà trút cả lên đầu lên cổ vợ chồng Karel. “Không có gì trên đời này có thể thay đổi con người Mama”. Karel bảo vợ lúc hai người ngồi trên tàu hỏa về nhà. “Đáng buồn thật, nhưng chắc mình đành phải tiếp tục ‘càng xa Mama càng tốt’ thôi”.

Năm tháng trôi qua, Mama vẫn thế, nhưng có lẽ Marketa mới là người có nhiều đổi thay, bởi đột nhiên cô nhận ra những gì mẹ chồng cô đối xử với hai người thực ra đều vô hại, và chính cô mới là kẻ thực sự gây thương tổn cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu chỉ vì cô đã đặt nặng cái tính khí hay cằn nhằn của bà, xem nó quá quan trọng. Lúc trước cô nhìn bà như đứa trẻ nhìn lên người lớn, nhưng bây giờ vai trò hai người đảo ngược, Marketa là người lớn và, từ khoảng cách xa xôi, trong mắt cô, Mama trông bé nhỏ và yếu đuối như đứa trẻ. Marketa cảm thấy lòng mình trở nên khoan dung và cô kiên nhẫn hơn với bà, thậm chí cô bắt đầu biên thư thường xuyên cho bà. Bà già chẳng mấy chốc quen lệ, khẩn khoản cô cứ viết thật nhiều, càng nhiều càng tốt, bởi chỉ những lá thư của cô mới giúp bà tạm xóa nỗi sầu cô quạnh bà đang gánh chịu.

Cách đây không lâu, câu nói xoay vòng vòng trong đầu hai người hôm đám tang cha Karel lại quay về. Nhưng một lần nữa chính anh con trai là người ngăn chặn lòng tử tế của cô con dâu, thay vì bảo “Mama, về ở với tụi con”, hai người mời bà sang chơi một tuần lễ.

Đó là mùa lễ Phục Sinh, cậu con trai lên mười không có nhà. Cuối tuần sau mới có buổi hẹn hò với Eva. Họ sẵn sàng tiếp đón bà sang chơi suốt tuần lễ, trừ ngày Chủ nhật. “Mẹ sang chơi với chúng con nguyên tuần nhé”, họ bảo bà. “Từ thứ bảy này đến thứ bảy sau. Chủ nhật sau chúng con bận rồi. Chúng con có việc phải đi”.

Chẳng việc gì phải khai báo với bà về Eva, họ mập mờ bảo bà như thế. Trên điện thoại, Karel lặp đi lặp lại hai ba lần, “Từ thứ bảy này đến thứ bảy sau. Chủ nhật sau chúng con bận rồi. Chúng con có việc phải đi”. Bà trả lời, “Được mà, các con dễ thương lắm, lúc nào các con muốn mẹ về, mẹ sẽ về ngay, các con đừng lo. Mẹ chỉ mong thoát cảnh sống cô độc này trong chốc lát”.

Thế nhưng tối thứ bảy, khi Marketa hỏi mấy giờ sáng mai cô phải đưa bà ra ga tàu hỏa thì bà tỉnh bơ nói sẽ ở lại đến thứ hai mới về. Marketa ngạc nhiên nhìn bà trong lúc bà nói tiếp: “Karel bảo tôi là vợ chồng cô thứ hai bận việc đi đâu đó nên sáng thứ hai tôi lấy tàu về nhà”.

Dĩ nhiên Marketa có thể bảo bà, “Mama, mẹ nhầm rồi, mẹ về ngày mai, Chủ nhật, chứ không phải thứ hai”, nhưng cô không đủ can đảm nói thế. Cô không thể bịa ra một địa danh nào đó cho câu nói dối. Và sau khi nhận ra mình đã không tính toán kỹ bịa chuyện vắng nhà, cô im lặng, trong lòng đành chấp nhận bà sẽ ở lại cho đến hết ngày Chủ nhật. Cô tự trấn an dù sao bà ngủ trong phòng thằng con tuốt phía bên kia căn hộ, chắc sẽ không có gì phiền toái. Cô bảo Karel giọng phiền trách:

“Anh, đừng khó khăn với mẹ. Nhìn mẹ kìa. Chỉ nhìn mẹ thôi, em đã thấy xốn xang trong dạ”.

2.

Karel nhún vai chịu thua. Marketa nói đúng: Mama thực sự đã thay đổi. Bà vui lòng với mọi thứ, bà biết ơn, toại ý với mọi thứ. Trước khi bà đến, Karel đã phập phồng chờ đợi một tuần lễ trong nhà đầy tiếng chì tiếng bấc chỉ vì những chuyện vớ vẩn, cỏn con. Nhưng không, không hề có chuyện đó xảy ra.

Hôm qua hay hôm kia gì đó, trong lúc ra ngoài đi dạo, nhíu mắt nhìn về khoảng cách xa xa, bà hỏi anh: “Cái ngôi làng trăng trắng xinh xinh ở đằng kia là cái gì thế, con?”. Có ngôi làng nào đâu, chỉ là những khối đá người ta xếp chồng lên nhau làm biên giới. Karel thấy thương xót mẹ, mắt bà kém lắm rồi.

Nhưng thị giác không tinh tường nữa của bà hình như biểu hiện cái gì cơ bản hơn: cái họ thấy to, bà thấy nhỏ; đá biên thùy, trong mắt bà, là nhà cửa làng mạc ở khoảng cách xa xa.

Thực ra, điều ấy chẳng mới có nơi con người bà. Sự khác biệt là có lúc nó khiến hai người khó chịu. Ví dụ như, vào một buổi tối, xứ sở hai người bị đoàn xe tăng một quốc gia láng giềng khổng lồ sang xâm chiếm. Chuyện ấy gây cú sốc dễ sợ khiến ai nấy kinh hoàng trong một thời gian dài và không ai còn tâm trí đâu nghĩ đến việc gì khác. Lúc đó là tháng tám, lê trong vườn đã chín. Tuần lễ trước đó, Mama gọi ông dược sĩ đến hái lê. Nhưng ông ta không đến và cũng chẳng nhắn lại một lời xin lỗi. Mama không thể tha thứ ông ta được, điều này khiến vợ chồng Karel nổi cáu. Hai người trách bà: Mọi người ai nấy đang rối tinh lên với xe tăng quân cướp nước, còn mẹ thì chỉ nghĩ đến những quả lê. Rồi họ dọn nhà đi xa, đem theo ký ức những chuyện vặt vãnh như thế của bà mẹ.

Nhưng có thật tăng thì hệ trọng hơn lê? Thời gian trôi qua, Karel nhận ra trả lời câu hỏi này không hiển nhiên như anh từng suy nghĩ, và trong lòng anh dấy lên mối thương cảm bí mật với cái nhìn của mẹ anh, một cây lê thật to ở tiền cảnh và đâu đó tuốt đằng xa một cái xe tăng không to hơn con cánh cam bao nhiêu và sẵn sàng bay lên mất dạng bất cứ lúc nào. A, đúng rồi! Sự thật là Mama đúng: tăng có thể bị tiêu diệt còn lê thì vĩnh cửu.

Trong quá khứ, Mama muốn biết tất cả về anh con trai, bà lên cơn giận nếu anh giấu diếm bất cứ thứ gì về cuộc sống anh. Bởi thế bây giờ, để làm vừa lòng bà, họ kể hết cho bà nghe những gì họ đang làm, chuyện gì xảy ra trong cuộc sống, cả những trù tính cho tương lai, họ đem ra nói hết. Nhưng không bao lâu họ nhận ra bà lắng nghe họ kể chỉ vì lịch sự thôi, thi thoảng bà ngắt lời họ, nói về con chó lông xù bà nhờ người hàng xóm trông nom hộ trong lúc vắng nhà.

Trước đây, Karel xem thái độ đó là tính tự kỷ của bà, nó nhỏ nhặt, không đáng nói; nhưng bây giờ anh biết không phải thế. Thời gian trôi qua lâu hơn là anh nhận biết. Mama đã vứt bỏ cây gậy chỉ huy của ông thống chế, của chức năng làm mẹ, và đặt chân vào một thế giới khác. Trong một buổi đi dạo khác, ba người bị một cơn bão bất ngờ đổ xuống. Họ xốc nách bà, mỗi người một bên, giữ cho gió không thổi bay bà đi. Nhấc thân thể nhẹ hẫng của mẹ trong tay, Karel thấy xốn xang, anh nhận ra mẹ anh thuộc về cảnh giới những loài sinh vật khác: nhỏ bé hơn, nhẹ hơn, dễ bị thổi bay đi hơn.

3.

Khoảng xế trưa Eva đến nơi. Marketa lái xe ra ga tàu hỏa đón cô, bởi cô xem Eva như một người bạn. Cô không ưa bạn gái Karel. Nhưng với Eva thì khác. Sự thật là chính Marketa gặp Eva trước.

Chuyện ấy xảy ra sáu năm về trước. Vợ chồng cô đang nghỉ mát tại một thị trấn khoáng tuyền. Cứ cách ngày cô lại đi tắm hơi. Trong lúc ngồi trên băng gỗ dài bên cạnh những người đàn bà khác trong phòng tắm hơi, toàn thân mồ hôi tươm ra nhễ nhại, cô thấy một cô gái dáng người cao ráo, trần truồng, bước vào. Mặc dù không quen biết nhưng hai người đều nở nụ cười xã giao thân thiện, cô gái nhanh chóng bắt chuyện với Marketa. Bởi cô gái là người cởi mở và Marketa ưa tính cách thân thiện đó của cô nên hai người làm quen thật dễ dàng.

Cái duyên dáng trong tính cách khác thường đó của Eva đã thu hút Marketa: Cách nói chuyện của cô gái ngay lập tức khiến Marketa có cảm tình với cô! Như thể hai người hẹn hò gặp nhau nơi đó. Thay vì bắt đầu câu chuyện bằng những điều dông dài thông thường như tắm hơi rất tốt cho sức khỏe, làm bạn ăn ngon ngủ ngon này nọ, cô gái bắt chuyện nói thẳng về chính cô, khá giống như người ta đăng báo kết bạn thư tín và ngay trong lá thư đầu tiên cố nhồi nhét thật nhiều thông tin về mình gửi cho người bạn tương lai.

Theo chính miệng cô gái nói về mình thì Eva là con người như thế nào? Cô là một phụ nữ chuyên đi chinh phục đàn ông, với tất cả vui tươi, hào hứng. Chinh phục đàn ông nhưng cô không muốn cưới họ. Cái lối cô chinh phục đàn ông giống như đàn ông chinh phục đàn bà. Với cô, không có tình yêu mà chỉ có tình bạn và xác thịt. Bởi thế cô có nhiều bạn: đàn ông không sợ cô đòi cưới, đàn bà không sợ cô giật mất chồng. Hơn nữa, giả như có ngày cô lấy chồng thì anh chồng cô cũng chỉ là người bạn và cô cho phép anh ta làm bất cứ thứ gì anh ta thích và cô cũng chẳng đòi hỏi anh ta làm cái gì cho cô.

Sau khi tâm sự tất cả những điều này với Marketa, cô bảo Marketa có một thân hình tuyệt mỹ và điều đó hiếm hoi lắm, bởi ít ai trên đời có được một thân hình thật sự đẹp. Cô nói tự nhiên đến nỗi nếu câu nói ngợi khen ấy thốt từ miệng một người đàn ông, chưa chắc Marketa đã thấy sung sướng bằng. Cô gái làm trí óc Marketa xoay chuyển. Cô có cảm tưởng như đặt chân vào cảnh giới của chân thật, và cô hẹn Eva hai hôm nữa lại gặp nhau trong phòng tắm hơi, cũng quãng giờ này. Sau đó, cô giới thiệu Eva với Karel, nhưng trong mối quan hệ tay ba này Karel luôn luôn là kẻ đứng ở ngôi vị thứ ba.

“Mẹ chồng tôi sang thăm, bà đang ở trong nhà”, Marketa bảo Eva, giọng ngượng ngùng lúc cô lái xe đưa Eva về nhà. “Tôi sẽ giới thiệu cô là em họ tôi. Hy vọng cô không cảm thấy phiền hà”.

“Trái lại là đằng khác”, Eva đáp lời, rồi cô bảo Marketa kể chuyện gia đình cho cô nghe.

4.

Mama chưa bao giờ tỏ ý muốn biết về gia đình cô con dâu mình, nhưng tất cả những danh xưng gọi nhau trong gia đình như anh-em, cháu-chắt, chú-dì này nọ làm tim bà ấm áp: chúng ở cùng một cầu vực bình yên bao gồm những cảm nghĩ quen thuộc.

Điều bà đã biết từ lâu bây giờ được xác nhận: anh con trai bà là một kẻ lập dị hết thuốc chữa. Như thể sự có mặt của bà trong nhà lúc có người bà con khác đến thăm gây khó chịu cho mọi người. Họ muốn nói chuyện riêng tư ư? Nhưng đấy đâu thể là lý do họ muốn đẩy bà về sớm một ngày. May thay, bà biết cách xử trí. Bà chỉ việc nói mình nghe sai, và bà cười thầm trong bụng vì cái cô con dâu dễ thương đã không biết làm thế nào để đuổi bà ra khỏi nhà sáng Chủ nhật.

Vâng, bà công nhận họ quả dễ thương hơn so với dạo trước. Ít năm trước đây, ở hoàn cảnh tương tự, Karel chỉ lạnh lùng mời bà ra khỏi nhà. Cái mẹo vặt bà làm hôm qua thực ra đã giúp hai người nhiều lắm. Chí ít, lần này họ không phải tự trách đã đuổi mẹ mình về lại cái nơi chốn hiu quạnh buồn chán ấy của bà mà chẳng có lý do nào chính đáng.

Hơn nữa, Mama rất vui gặp cô gái bà con này. Cô gái thật dễ thương. (Cô làm bà nhớ đến một người nào đó. Nhưng là ai?). Suốt hai tiếng đồng hồ, Mama ngồi trò chuyện với cô. Thuở còn con gái, Mama chải tóc kiểu gì? Bà thắt bím, dĩ nhiên rồi, đó là thời Đế quốc Áo-Hung, Vienna là thủ đô. Mama theo học tại một trường Trung học Czech, Mama là một cô gái yêu nước. Bỗng nhiên bà muốn hát cho ba người nghe những bài ca ái quốc mà bà hay hát thuở đó. Hay đọc thơ! Bà vẫn thuộc nằm lòng nhiều bài thơ. Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt (vâng, đương nhiên là cuộc chiến 1914, chính xác là năm 1918 khi Cộng hòa Czechoslovak được thành lập, Chúa ơi, cái con bé này còn không biết Cộng hòa được công bố thành lập năm nào à!), tại buổi lễ mừng trong trường học, Mama được gọi lên đọc một bài thơ. Buổi lễ mừng nước nhà độc lập, Đế quốc Áo cáo chung! Và không thể tin được, đọc đến khổ thơ cuối thì đầu óc cô nữ sinh bỗng nhiên trống rỗng; cô không thể nào đọc nốt những vần thơ cuối! Cô im bặt, mồ hôi từ trán tươm ra ướt đẫm hai hàng lông mày, cô xấu hổ muốn chết. Nhưng ngay lúc đó, thật bất ngờ, tiếng vỗ tay vang lên như phá vỡ hội trường! Mọi người ai nấy đều nghĩ là bài thơ chấm dứt ở đó, chẳng ai biết còn một khổ nữa mới hết! Dầu vậy, Mama buồn lòng lắm. Xấu hổ quá, bà chạy bay xuống rồi chui vào toa-lét khóa cửa lại. Chính ông hiệu trưởng đã phải chạy đi tìm cô nữ sinh đáng thương, ông đập cửa toa-lét kêu cô gái đừng khóc nữa và ra ngay bởi vì cô đã thành công ngoài mức tưởng tượng.

Cô gái cười ngất sau khi nghe, trong lúc Mama nhìn cô chằm chặp một lúc thật lâu: “Chúa ơi, con làm bác nhớ đến một người mà bác không biết người nào. Thật rõ chán…”.

“Nhưng lúc chiến tranh chấm dứt, mẹ đâu còn học Trung học nữa”. Kerel cất tiếng.

“Anh nói cái gì thế, tôi phải biết chứ, tôi phải biết tôi học Trung học thời gian nào chứ”.

“Nhưng mẹ ra trường năm cuối trước khi chiến tranh chấm dứt. Lúc đó đất nước vẫn còn thuộc Đế quốc Áo-Hung mà”.

“Tôi biết rất rõ tôi ra trường năm nào, anh chẳng cần nhắc nhở tôi”, bà lộ vẻ khó chịu ra mặt, trả lời Karel. Nói thế nhưng bà biết Karel nói không sai. Đúng vậy, bà tốt nghiệp lúc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Vậy thì ký ức cái buổi lễ mừng chiến tranh chấm dứt tại trường học kia từ đâu ra? Đột nhiên Mama ngập ngừng và bà im bặt.

Marketa phá vỡ bầu không khí im lặng bằng cách quay sang nói chuyện với Eva, và những điều cô nói chẳng liên quan gì đến buổi đọc thơ của Mama hay cái năm lịch sử 1918.

Mama cảm thấy như bị bỏ rơi, bà chìm đắm giữa những hồi tưởng của riêng mình, đột nhiên không ai quan tâm đến chuyện của bà nữa, cả cái ký ức thảm hại của bà như đều quay lưng lại bà.

“Các con ở ngoài này nói chuyện vui vẻ nhé, các con còn trẻ, có nhiều chuyện để nói với nhau, mẹ đi nghỉ đây”. Bỗng dưng lại biến thành nạn nhân của cái phiền muộn không vui, bà bỏ vào phòng thằng cháu trai.

5.

Trong lúc Eva tới tấp hỏi chuyện Mama thì Karel đưa mắt nhìn cô với vẻ dịu dàng, trìu mến. Mười năm trời biết cô, lúc nào anh cũng thấy cô như vậy. Thẳng thắn và dạn dĩ. Anh quen cô (lúc đó vợ chồng còn chung sống với cha mẹ) dễ dàng y như vợ anh ít năm sau đó quen cô. Một hôm, anh nhận được lá thư từ người đàn bà xa lạ. Cô bảo cô thấy anh ngoài đường và cô quyết định biên thư làm quen, vì đối với cô những quy ước xã hội chẳng có nghĩa lí gì khi cô cảm thấy người đàn ông quyến rũ, thu hút. Cô bị Karel thu hút và cô là người đi săn đuổi đàn ông. Một người săn đuổi đàn ông đầy kinh nghiệm khó quên. Cô không tin vào tình yêu, cô không cho phép nó xảy ra. Chỉ là tình bạn và đam mê nhục dục. Kèm theo lá thư là bức ảnh một cô gái khỏa thân trong tư thế khêu gợi.

Thoạt đầu, Karel nghi đây là trò đùa bỡn kẻ nào mạo danh gạt anh cho vui, và anh chần chừ chưa hồi âm cô gái. Nhưng sau cùng, không cưỡng lại được, anh biên thư rủ cô gái đến căn hộ nhỏ của một anh bạn. Eva đến nơi, dáng người cao gầy, ăn mặc lôi thôi lếch thếch như một thiếu nữ mới lớn, cao ngồng, vớ đại bộ quần áo của bà ngoại mình khoác lên người ra đường. Cô ngồi giải thích cho anh nghe về quan niệm của cô, rằng những quy ước xã hội chẳng có nghĩa lý gì đối với cô nếu có người đàn ông nào đó quyến rũ, thu hút cô. Chỉ là tình bạn và đam mê nhục dục. Thế thôi. Khuôn mặt cô bỗng thoáng hiện lên đôi nét ngượng ngùng và gắng sức, điều này khiến Karel cảm thấy ái ngại cho cô chứ không thấy ham muốn. Nhưng rồi anh tự nhủ không nên bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào.

“Tuyệt vời!”. Anh nói như trấn an cô. “Cuộc hội ngộ của hai kẻ săn đuổi”.

Suốt thời gian ngồi xuống, bây giờ anh mới mở miệng được, và với câu nói này, cuối cùng anh ngắt lời cô gái, một bản tự thú tràng giang đại hải. Ngay tức khắc, cô gái lấy lại can đảm, cô thấy nhẹ nhõm sau khi một mình anh dũng biện bạch gần mười lăm phút đồng hồ.

Anh bảo cô, bức ảnh cô kẹp trong phong thư đẹp lắm, đoạn anh hỏi (với tính cách một kẻ săn đuổi) cô có thấy hưng phấn khi khỏa thân như thế không.

“Em là người thích khoe của, anh ạ”. Cô nói với tất cả sự ngây thơ, như thể cô đang thú nhận với anh cô là một tín đồ giáo phái tái thanh tẩy.

Anh bảo cô anh muốn nhìn thấy cô khỏa thân.

Thấy nhẹ người, cô hỏi anh trong căn hộ này có máy hát không.

Có chứ, có máy hát, nhưng anh bạn này của Karel nghe toàn nhạc cổ điển – Bach, Vivaldi, Wagner opera. Karel cảm thấy cảnh tượng sẽ rất kỳ khôi nếu anh để cô gái thoát y theo tiếng hát opera cao vút của Isolde. Eva cũng chẳng chọn được đĩa nào. “Không có đĩa nhạc pop nào ở đây sao?”. Không, chẳng có đĩa nhạc pop nào. Không tìm ra giải pháp, Karel đành đặt vào máy một tổ khúc của Bach. Anh nhấc ghế ngồi ở góc phòng để có thể quan sát toàn diện.

Eva gắng gượng uốn éo thân hình theo nhịp điệu khúc nhạc, nhưng chỉ được một lát cô bảo anh cô chẳng thể nào làm được với tiếng nhạc như vậy.

Cất cao giọng, anh trả lời như quát: “Câm miệng! Cởi quần áo ra!”.

Nhạc Bach cao vời vợi như vọng xuống từ thiên đình tràn ngập gian phòng, Eva tiếp tục nhẫn nại uốn éo thân hình. Cái âm thanh đó, không ai trên đời có thể khiêu vũ theo nó được, chỉ làm Eva khổ sở trăm bề. Karel thầm nghĩ từ khoảnh khắc cô cởi chiếc áo len đến lúc cô tụt cái quần lót, phải là một quãng thời gian dài vô tận đối với cô. Tiếng nhạc vẫn vang đều, Eva vặn mình theo nhịp điệu sinh-cốp, ném hết mảnh vải này đến mảnh kia xuống sàn nhà. Cô không nhìn vào Karel mà hoàn toàn tập trung vào chính cô cùng những động tác như một cầm thủ vĩ cầm đang trình tấu từ trí nhớ một đoạn nhạc khó và sợ bị phân trí nếu nhìn xuống khán giả. Lúc không còn mảnh vải che thân nào, cô quay mặt vào tường đưa tay xuống bụm lấy hạ thể. Karel lúc đó cũng đã tự cởi hết áo quần, nhìn phần lưng cô gái đang thủ dâm, toàn thân anh bốc lửa. Thật tuyệt vời, và thật dễ hiểu, kể từ lúc đó trở đi Karel bao giờ cũng làm tình với cô từ phía sau.

Hơn nữa, cô là người đàn bà duy nhất không thấy khó chịu vì tình yêu Karel dành cho Marketa. “Vợ anh nên hiểu, anh yêu cô ấy nhưng anh là gã đàn ông đa mang say mê theo đuổi đàn bà, tuy rằng điều ấy không đe dọa cô ấy. Nhưng không người đàn bà nào hiểu được. Không, ngàn lần không, không người đàn bà nào trên đời hiểu được đàn ông”. Cô nói thêm, nét mặt trở nên đăm chiêu, buồn bã, như thể chính cô là người đàn ông bị hiểu sai.

Đoạn cô bảo anh cô sẵn lòng làm bất cứ điều gì để giúp anh.

6.

Phòng đứa cháu nội cách phòng vợ chồng vỏn vẹn sáu mét, qua hai lần tường mỏng, Mama ngủ trong đó. Cái bóng của bà vẫn dõi theo tâm trí hai người. Nó ám ảnh Marketa.

Rất may, Eva nói chuyện huyên thuyên. Khá lâu rồi cô không gặp lại vợ chồng Karel, và có nhiều chuyện xảy ra trong thời gian vắng mặt: cô dọn nhà sang một thị trấn khác, và điều quan trọng nhất, cô kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi, ông chồng tìm thấy nơi cô một người bạn tuyệt vời, không ai có thể thay thế được, và bởi, như chúng ta biết, Eva có một tính cách đặc biệt rất tốt để làm bạn và cô chối bỏ tình yêu, một tình yêu vướng víu những thứ lùng nhùng rất phiền hà như lòng ích kỉ và tính điên rồ.

Cô cũng có công việc mới. Lương khá nhưng cô bù đầu bù cổ, không kịp thở. Ngay ngày mai, cô đã phải quay về đi làm rồi.

Marketa chưng hửng: “Cái gì? Mấy giờ cô đi?”.

“Có một chuyến tốc hành lúc năm giờ”.

“Chúa ơi, cô phải dậy từ bốn giờ sáng! Mệt chết!”. Thốt nhiên, cô thấy buồn bực trong lòng, nếu không muốn nói là nổi giận, vì Mama không chịu về sớm. Ở cách xa nhau lại không có nhiều thời gian, Eva đã gắng thu xếp dành ngày Chủ nhật này cho Marketa, vậy mà chỉ vì cái bà mẹ chồng như bóng ma lẩn quẩn trong nhà khiến cô không toại ý, không có thêm thời gian cho Eva.

Đang vui trong lòng, Marketa bỗng xịu xuống, và trời đang mưa nhỏ bỗng chuyển thành giông bão, có tiếng chuông điện thoại reo vang. Karel bước lại nhấc điện thoại. Giọng anh ngập ngừng, có cái gì mơ hồ, không rõ rệt trong những câu trả lời kiểu nhát gừng của anh khiến Marketa có cảm tưởng anh đang chọn chữ chọn câu để cố tình che giấu ý nghĩa những điều anh đang nói. Cô chắc mẩm trong bụng anh lại đang hò hẹn với người đàn bà nào đó rồi.

“Ai gọi thế, anh?”. Cô hỏi. Karel bảo một người bạn đồng nghiệp ở thị trấn gần bên, tuần sau cô ấy sang đây bàn chuyện công việc với anh. Từ lúc đó trở đi, Marketa giữ thái độ im lặng, nửa lời cũng không nói.

Chẳng lẽ cô ghen đến thế sao?

Thuở hai người mới yêu nhau, dĩ nhiên, cô ghen. Nhưng năm tháng trôi qua, tính ghen tương của cô bây giờ có lẽ chẳng qua chỉ là một thói quen.

Nói cách khác: bất cứ quan hệ yêu đương nào cũng dựa trên một giao kết bất thành văn, ký kết nhưng không hề suy tính, giữa hai người yêu nhau trong vòng vài tuần lễ đầu tiên của cuộc tình. Lúc đó họ còn sống như trong giấc mơ, nhưng cùng lúc, chính họ cũng không hề hay biết, họ đang đặt bút ký, như những luật sư không khoan nhượng, vào bản hợp đồng với những điều khoản cực kỳ chi tiết. Ôi, những kẻ yêu nhau! Hãy cảnh giác những ngày mới yêu! Một lần bạn bưng khay điểm tâm vào giường, bạn sẽ phải bưng suốt đời, trừ phi bạn sẵn sàng chấp nhận bạn là kẻ không biết yêu, là kẻ phản bội.

Những tuần lễ đầu của cuộc tình, giữa Karel và Marketa đã có sự thỏa thuận, đó là, Karel sẽ là kẻ không chung thủy và Marketa sẽ phải chấp nhận nó, nhưng Marketa có quyền làm người tốt lành hơn và Karel phải nhận tội lỗi về phía mình. Không ai biết rõ hơn Marketa, làm người tốt lành hơn buồn bã như thế nào. Cô tốt lành hơn thật đấy, nhưng chỉ vì chẳng có cái gì tốt lành hơn.

Dĩ nhiên, Marketa biết rõ mười mươi cú điện thoại chính nó chẳng có ý nghĩa gì. Điều quan hệ không phải cuộc đối thoại, mà là cái gì nó biểu hiệu. Nói một cách ngắn gọn, nó tượng trưng cho toàn thể cảnh huống cuộc đời cô: tất cả những gì Marketa làm, cô làm cho Karel và vì Karel. Cô chăm sóc mẹ anh. Cô giới thiệu người bạn thân thiết nhất của cô cho anh. Cô tặng cô gái cho anh như một món quà. Chỉ cho anh và cho thú vui hoan lạc của anh. Tại sao cô làm tất cả những điều ấy? Tại sao cô phải tự chuốc vào người nỗi đau đớn buồn khổ? Tại sao cô phải làm như Sisyphus lăn tảng đá ngàn cân lên đỉnh núi? Cô làm cái gì thì Karel cũng vô tư, chẳng hề quan tâm. Anh hẹn hò với đàn bà khác, bỏ cô một mình, trốn nhà đi chơi.

Thời học Trung học, cô là một cô gái bất trị, nổi loạn, căng tràn sự sống. Ông thầy dạy toán hay bỡn cô: “Marketa à, sẽ chẳng ai trị được em! Chưa chi mà thầy đã thấy ái ngại cho người chồng sau này của em!”. Cô phá lên cười hãnh diện, dường như câu nói của ông thầy là một điềm báo vui. Thế nhưng không hiểu sao mọi sự đảo nghịch, cuối cùng cô biến thành vai trò hoàn toàn trái ngược, ra ngoài mọi tiên liệu, mọi ý nguyện, mọi phẩm vị cô hằng ấp ủ. Và tất cả những việc này xảy ra chỉ vì cô đã lơ lảng, không chịu đọc kỹ bản hợp đồng vào tuần lễ đầu tiên của cuộc tình.

Cô không thấy thú vị nữa với vai trò người tốt lành hơn. Đột nhiên, tất cả những năm tháng của cuộc hôn nhân đè lên cô như cái bao tải nặng trịch.

7.

Marketa càng lúc càng buồn rầu, còn mặt Karel thì đã bắt đầu lộ ra nhiều dấu hiệu khó chịu, bực bội. Eva hốt hoảng. Cô có cảm tưởng mình là kẻ gây nên sự bất hòa trong đời sống vợ chồng Marketa, cô liến thoắng nói luôn miệng để phá tan đám mây mù đang phủ lấp gian phòng.

Nhưng lực bất tòng tâm, cô chỉ làm cho bầu không khí trở nên căng thẳng thêm. Karel ngoan cố im lặng, lòng ứ tràn cơn giận vì anh nghĩ Marketa đã giận hờn một cách quá vô lý. Và bởi vì không thể trấn át nỗi cay đắng trong lòng, hay không đủ bao dung để hóa giải cơn giận của chồng, Marketa đứng dậy bỏ vào bếp.

Trong lúc đó ở ngoài này, Eva hết lời khuyên giải Karel đừng làm hỏng buổi tối mà cả ba người chờ đợi bấy lâu. Nhưng Karel vẫn không nguôi ngoai chút nào: “Đã đến lúc tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi chán cái cảnh này lắm rồi! Lúc nào tôi cũng là kẻ có tội, không tội này thì tội kia! Tôi chán làm kẻ luôn luôn bị nhồi nhét cái cảm giác tội lỗi vào người! Tội lỗi gì ba cái vặt vãnh đấy! Toàn chuyện vặt vãnh bâng quơ! Không, không, tôi chịu hết nổi cô ấy rồi! Chịu hết nổi rồi!”. Anh đi vòng vòng quanh phòng, miệng lặp đi lặp lại câu nói, mặc cho Eva khẩn khoản van nài.

Thế là cô bỏ mặc anh ngoài phòng khách, vào bếp tìm Marketa. Trốn trong bếp, Marketa biết rõ chuyện đáng tiếc lẽ ra không nên xảy ra. Eva cố giải thích, cô không nên nghi ngờ Karel chỉ vì một cú điện thoại vu vơ. Tận thâm tâm, Marketa biết rõ lần này cô không có chứng cớ rõ rệt, nhưng cô trả lời Eva: “Nhưng tôi không thể tiếp tục sống như thế này được nữa. Lúc nào cũng thế. Năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, toàn là đàn bà và dối trá. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Mệt mỏi, thật là mệt mỏi. Chừng đó đủ rồi”.

Eva nhận ra cả vợ lẫn chồng đều bướng bỉnh như nhau. Cô quyết định sẽ đem ra áp dụng cái ý tưởng lãng đãng thoáng hiện trong tâm trí cô lúc trên đường đến đây, cái ý tưởng thoạt nghe thì có vẻ khiếm nhã nhưng biết đâu sẽ là cái gì hay ho. Nếu cô muốn giúp vợ chồng Karel vượt qua khó khăn này thì cô không nên rụt rè mà phải chủ động. Hai người yêu thương nhau, nhưng họ cần người thứ ba lấy đi gánh nặng họ đang gánh vác trên người. Một người khác đứng ra cứu giúp họ. Dự tính của cô trong chuyến đi này nếu thực hiện được sẽ đem lại lợi ích chẳng riêng gì cho cô (vâng, không thể chối cãi lợi ích cho cô là trên hết, và nó chính là nguyên do khiến cô hơi lo ngại, bởi cô không bao giờ muốn làm bất cứ hành vi ích kỉ nào đối với bè bạn) mà nó còn đem lại lợi ích cho cả Marketa và Karel.

“Cô nghĩ tôi phải làm gì?”. Marketa hỏi Eva.

“Chị ra ngoài bảo anh ấy đừng buồn giận nữa”.

“Nhưng tôi không chịu nổi. Tôi không muốn nhìn thấy con người đó nữa”.

“Vậy thì chị hạ mắt chị xuống đi. Làm thế chị sẽ lấy lại cảm tình của anh ấy ngay”.

(Còn tiếp)

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

Comments are closed.