Tết này chưa chắc em về được…

Thụy Khuê

Tôi không biết viết điếu văn. Cũng không thích viết bài phúng giỗ.

Những lời này chỉ là một email dài ngoại lệ gửi anh, như mỗi mùng một Tết, sau khi nhận được email của anh, thường chỉ mấy dòng, như:

– Bao giờ TK về uống café?

Hoặc:

– Mậu truyện ư? Có thực chăng?

Khi tôi đặt tên truyện của anh là Mậu truyện.

Mấy chữ ngắn gọn này, thường khiến tôi vui cả buổi, niềm vui có khi kéo dài mấy ngày Tết. Và đã bao nhiêu Tết trôi qua, mỗi lần anh nhắc: Bao giờ vế uống café, tôi lại khất anh bằng câu thơ Nguyễn Bính: Tết này chưa chắc em về được…

Sáng nay nhận được email của anh Minh. Anh Minh lúc nào cũng là người báo tin cho tôi sớm nhất, những người tôi quý mến lần lượt ra đi, gần đây: Quỳnh Giao, Đinh Cường, anh Nguyễn Ngọc Bích… rồi anh Dương Nghiễm Mậu…

Tôi định viết về Quỳnh Giao, nhưng tiếng hát pha lê cao vút của Quỳnh Giao như đã trong tôi tự bao giờ, tôi không cần viết, vì Quỳnh Giao luôn luôn ở đó, có đó, còn đó.

Tôi định viết về Đinh Cường, nhưng tranh Đinh Cưòng trên tường nhìn tôi, hàng ngày tôi vẫn sống với những người bạn nghệ sĩ, sống cùng tác phẩm của họ, bởi tác phẩm là phần tinh túy nhất chứa đựng linh hồn và thể xác họ còn đọng lại trên thế gian này.

Tôi không định viết về anh Dương Nghiễm Mậu, bởi vì xưa nay, tôi không “trao đổi” nhiều với anh. Tôi chưa gặp anh. Tôi chưa biết gì về con người anh. Mới đây, Aki, một sinh viên Nhật Bản làm luận án về Khái Hưng sang Paris; trong câu chuyện, Aki kể ở Sài Gòn em có gặp bác Dương Nghiễm Mậu, tôi sáng mắt lên, hỏi: chắc bác ấy ít nói lắm phải không? Aki phá lên cười ! Ồ, không, bác ấy nói nhiều lắm, nói nhiều mà nói nhanh, có lúc em không hiểu gì hết! Vậy là tôi lại nhầm về anh. Tôi tưởng anh ít nói, như trong email, như trong Mậu truyện.

Tôi bảo tác phẩm của anh chịu ảnh hưởng triết học hiện sinh, đâu như anh nói với Trần Vũ: thời đó anh chưa đọc Sartre. Tôi lại nhầm về anh. Nhưng cũng chẳng sao, anh cho tôi hiểu thêm một điều nữa: một tác giả có thể chịu ảnh hưởng của một dòng tư tưởng, không thông qua sự đọc sách mà qua cuộc sống, Sài Gòn thời ấy nhuộm mầu sắc và không khí hiện sinh, trong học đường, ngoài xã hội.

Mậu truyện do tôi “sáng tác”, tôi đã kể cho độc giả nghe Mậu truyện. Anh cũng là độc giả, anh đã đọc, và ngày Tết anh viết thư hỏi tôi: Mậu truyện ư? Có thực không? Tôi không trả lời, vì biết anh đã biết rõ: Mậu truyện của anh thực như Từ Thức nhập thiên thai, thực như văn chương dẫn con người vào một thế giới chưa từng có.

Tết năm nay, sẽ không có email nữa, mãi mãi tôi sẽ lỗi hẹn với anh, không có dịp ngồi đối diện với anh bên cốc café, để “nội soi” con người anh, để “điều tra” xem tại sao trong một con người “bé tý” như thế, mà có thể gói ghém tất cả những trái phá đau thương của một dân tộc trong hai mươi năm nội chiến và gần nửa thế kỷ hoà bình.

Anh Dương Nghiễm Mậu,

Tết này chưa chắc em về được

Yên Cơ, 3/8/2016, Thụy Khuê.

Comments are closed.