Tết này tôi không có tết (Thư ngỏ gửi cho tất cả lúc giao thừa)

Đào Tiến Thi

Khoảng 6 giờ sáng ngày 9/1/2020, tôi nhận được tiếng kêu cứu từ một phụ nữ ở Đồng Tâm. Người phụ nữ không muốn xưng tên cho tôi biết xã Đồng Tâm đang bị bao vây và đe dọa. Sự việc sau đó như thế nào tôi đã kể, nay không cần kể lại. Chỉ có một điều cần nói thêm: khoảng giữa buổi sáng, chị cho rằng cụ Kình đã bị giết thì tôi không tin. Tôi bảo chị: “Không ngu dại gì mà họ giết cụ Kình”. Đấy hoàn toàn là suy nghĩ thật của tôi lúc đó chứ không phải là lời động viên. Vì sao vậy? Vì cụ Kình là biểu tượng của những gì cao đẹp nhất, chả nên đụng vào. Ấy là khí tiết ngay thẳng, chính trực, bảo vệ đến cùng lẽ phải. Ấy là tinh thần xả thân vì cộng đồng, không gì đe dọa hay mua chuộc được. Ấy là tinh thần khoan dung, không hận thù, chỉ tranh đấu bằng lý lẽ, bằng chứng cứ,… Tôi cứ nghĩ họ tấn công kiểu gì thì cũng phải giữ an toàn cho cụ Kình, không vì “sai sót kỹ thuật” mà gây thương tích cho cụ. Bởi nó sẽ rất mang tiếng, như đã từng xẩy ra cách đây gần 3 năm, khi viên sỹ quan, có lẽ do quá say lập công, mà đá cụ gãy xương đùi.

Thế nhưng rồi mọi sự diễn ra ngoài sức tưởng tượng: cụ Kình bị giết bằng nhiều phát đạn. Chưa dừng lại ở đấy, người ta giao thi thể cụ cho gia đình mà không nói lý do cụ chết. Lại còn bắt gia đình xác nhận cụ Kình chết ở ngoài Đồng Sênh chứ không phải ở nhà cùng với xác nhận đất đồng Sênh là đất quốc phòng chứ không phải đất nông nghiệp. Thật không gì quái đản hơn.

Vụ việc chưa dừng ở đó. Suốt từ đó cho đến giờ, người ta bảo vệ bằng được “lẽ phải” cho những kẻ tấn công và đổ tất cả những gì xấu xa cho cụ Kình và người dân Đồng Tâm.

Người ta còn phong tỏa cả tiền phúng viếng cụ Kình. VTV cố tình đưa hình ảnh những người phúng điếu và kêu gọi giúp đỡ gia đình cụ Kình là những kẻ “kích động gây rối” và “tiếp tay cho khủng bố”. Tóm lại là bằng mọi cách, họ tạo ra một biểu tượng, rằng ở Đồng Tâm có một nhóm khủng bố mà cụ Kình là trùm khủng bố.

Ngoài các phương tiện chính thống, còn có những kẻ giấu mặt tấn công trên mạng xã hội, tấn công vào bất cứ ai tỏ ra thương xót và bảo vệ cụ Kình. Đám người – ngợm được gọi là “bò đỏ” này không cần lý lẽ gì, chỉ lấy những câu chửi tục và những hình ảnh tục tĩu nhất làm vũ khí, đặc biệt chúng dùng số đông để áp đảo. Việc này khiến tôi nghĩ đến câu chuyện xưa vua Lê chúa Trịnh “trị tội” Trạng Quỳnh bằng cách cho quân lính đến ỉa đái khắp quanh nhà Quỳnh, sao cho bẩn đến không thể chịu nổi thì sẽ buộc phải thua cuộc!

Nhân danh chính thống và với đầy đủ phương tiện, người ta đã làm được những việc “phi thường”. Không ít người tin và buộc phải tin.

Một số bạn bè tôi “chia sẻ” với tôi rằng “sao dân Đồng Tâm ác thế?” Có vị phó giáo sư viết thư cho tôi lên án cụ Kình về tội giết người man rợ! Bà chị tôi ở quê gọi điện cho vợ tôi: “Bảo nó đừng có động đến Đồng Tâm mà chết”.

Nguyên lý Tăng Sâm giết người của người Tàu từ mấy nghìn năm trước được vận dụng triệt để và tỏ ra thật hữu hiệu.

Một số bạn bè của tôi tuy vẫn còn lương tri nhưng quá sợ hãi cũng lảng tránh. Họ tìm vui quên ở những chỗ khác, tưởng như vẫn thanh cao, tưởng như vẫn có trách nhiệm lắm. Một người quen của tôi tiếp tục chủ đề chữ Quốc ngữ sôi nổi vừa rồi, viết bài gửi vào email tôi khiến tôi phát cáu, phải bảo anh ấy: “Vụ Đồng Tâm là một cú đấm nảy lửa của nhà cầm quyền vào công lý và lương tri người Việt Nam. Với giới trí thức ưu thời mẫn thế, phải thấy đau xót cực độ cho gia đình cụ Kình và người dân Đồng Tâm, đồng thời cũng là nỗi sỉ nhục đối với chính mình, nếu mình im lặng. Em là người say mê khoa học, riêng về chuyện chữ Quốc ngữ vừa rồi, em định về sửa bài tham luận để đăng tạp chí, nhưng xảy ra vụ Đồng Tâm nên vẫn bỏ nguyên đấy. Bây giờ, chí ít là trong những ngày này, em thấy khoa học chỉ còn là sự lảm nhảm của những người có khối óc nhưng không có trái tim”.

Chưa bao giờ tôi thấy lương tri bị nhạo báng như lúc này.

Nếu chọn cách sống không cần lương tri, chỉ vục mặt vào miếng ăn sẽ rất dễ sống. Người ta sẽ để cho anh ăn thỏa thuê. Và anh được sống. Nhưng sống theo nghĩa tồn tại. Tồn tại để làm gì? Để được vục mặt vào miếng ăn. Chỉ có thế và chỉ có thế.

Vậy thì “Tồn tại hay không tồn tại?” (To be or not to be). “Con người còn có ra gì, nếu đem tất cả phần tinh túy và giá trị của đời mình vào việc ăn, việc ngủ? Chỉ là con vật, không hơn” (Shakespeare). Nếu anh đã tiếp thu được cái gì đó từ văn minh nhân loại thì anh khó lòng mà sống theo cách tồn tại.

Tôi hình dung lúc này nếu Galile sống lại và đến Việt Nam, người ta ra lệnh cho ông chọn “trái đất quay hay không quay” và nếu chọn cách thứ nhất, sẽ tống ông vào thẳng nhà tù, ông sẽ chọn cách nào?

Chưa biết Galile chọn cách nào nhưng nếu là 96,2 triệu dân Việt Nam đang sống trên dải đất chữ S này thì tôi chắc có ít nhất 96 triệu sẽ chọn cách thứ hai. Vâng, họ sẽ bảo trái đất không quay. Để được tồn tại. Họ cũng có cái lý của họ. Trước hết tồn tại cái đã rồi sống sau. Còn chán thời gian. Hãy đợi đấy!

Chỉ có nhiều nhất 200 ngàn người chọn cách thứ nhất.

Người phụ nữ gọi điện kêu cứu hôm 9/1 thì từ trưa hôm đó cho đến bây giờ, tôi không thể liên lạc được nữa. Chắc chị đã bị bắt rồi. Vì chị chọn cách thứ nhất.

Tôi chọn cách thứ nhất: tôi bảo trái đất quay.

Tôi chấp nhận không chỉ nhà tù mà sẵn sàng lên máy chém.

Chẳng phải tôi muốn làm anh hùng. Chỉ vì tôi không thể nói trái đất đứng yên.

Comments are closed.