Thầy bói

Nguyễn Đức Tùng

Khi bạn yêu một người nào, mỗi khoảnh khắc đều là một khoảnh khắc của lo âu.

Bạn hỏi: tôi có đi được không?

Không.

Có.

Bạn hỏi: tại sao tôi phải đi?

Tại sao không.

Điều gì là quan trọng nhất?

Bạn chưa đặt đúng câu hỏi.

Tôi có thể để lại một thứ gì, không mang theo, được không?

Không.

Chúng tôi chạy xe Honda một mạch từ Lý Thường Kiệt về Nguyễn Kim. Tháng Chạp trời tối sớm, cảnh vật đổi khác, quanh những ngọn đèn đường thiêu thân bay mù như khói. Liên Hương ra dấu dừng lại. Nàng muốn đi xem bói. Cả Sài Gòn, cả nước đi xem bói. Thời trước người ta xem để hỏi ngày lành tháng tốt, tai ương, hạnh phúc, nhưng năm ấy, mọi người chỉ hỏi: có đi được không?

Trước cửa nhà người thầy bói, gánh bún riêu bốc khói.

Chúng tôi gõ cửa. Không có câu trả lời cho mọi người. Khi bạn ngồi nhìn những lá bài chia đều trên chiếu hoa, nhìn khói nhang bay lên, bạn muốn nhìn kỹ vào số phận, ngày sắp tới, như muốn nhìn thấy đường chỉ tay uốn lượn dưới kính lúp. Bạn những muốn để cho chiếc kính lúp ấy nói chuyện với mình. Cửa hé, một đứa trẻ thò đầu ra, chúng tôi đưa xe vào, khóa dưới cầu thang, lên gác. Một phụ nữ còn khá trẻ, chưa đến bốn mươi, son phấn vừa phải, ngồi xếp bằng trên chiếu. Chị hút thuốc lá, thấy chúng tôi vào liền dụi vào gạt tàn, rót nước trà nóng mời khách. Mùi nước hoa rẻ tiền của chị gắt, nhưng cử chỉ lịch thiệp làm tôi quên. Trà B’lao thơm. Chị vào việc ngay, bảo tôi gieo quẻ. Liên Hương ngồi xuống bên cạnh, hơi dựa người vào tôi, xúc động, mở to mắt.

Tôi cúi nhìn những viên xúc xắc, nhìn cái mu rùa sau lưng chị không dùng tới, bộ quân bài đen đỏ rải thoăn thoắt trên chiếu. Mọi thứ đều chờ đợi, vận động, chuyển hóa. Giấc mơ của tôi, giấc mơ của Hương, ý tưởng của cha tôi, ý tưởng của mẹ nàng, sự nghi ngờ của người tổ trưởng dân phố, sự sa lầy của xã hội, giọng nói thuyết phục của người chủ thuyền, cơn mưa cuối năm, bài hát hào hùng trên loa phóng thanh, ca khúc Ngô Thụy Miên êm như nhung trong quán cà phê trước cổng trường Vạn Hạnh xô lệch, nơi Liên Hương ghé lại lấy học bạ, tiếng khóc của trẻ hàng xóm trên gác kế bên, tất cả đều chuyển động, thay đổi, tác động lẫn nhau tạo ra đường chạy, đường xoay của các con xúc xắc, khuôn mặt bí mật của con đầm cơ, đường tình duyên tan vỡ hay trọn vẹn của con bồi già, cuộc ra đi.

Tôi nằm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Có đúng không?

Không.

Tôi nhìn thấy một con dao.

Có máu?

Có.

Vậy thì không đáng sợ.

Tôi không muốn đi xa. Tôi nhớ thành phố này.

Xúc cảm không quyết định số phận của bạn.

Làm thế nào để vượt qua chúng?

Không thể.

Chúng tôi có thể ra đi an toàn không?

Không có cuộc ra đi nào là an toàn cả.

Nhưng có một điều gì tốt đẹp ở đó chứ?

Có.

Tại sao tôi phải ra đi?

Tự do không phải là một ý tưởng. Tự do là một kinh nghiệm cá nhân, không thể chia sẻ.

Nhưng tôi có cần tự do không?

Nhiều người không cần nó. Họ cần thứ khác, như hạnh phúc.

Mọi thứ có linh hồn không?

Không.

Tôi hình dung thấy mọi thứ cùng tồn tại, quyết định lẫn nhau. Tôi xóc bài theo lệnh của chị thầy bói, chia bài ra, lật một nửa những quân bài, trả lời các câu hỏi. Lật hết bài ra. Tôi trả lời như máy. Hương níu tay tôi. Nàng sợ hãi, một nỗi sợ hãi vô hình như dự báo.Thấy tôi tỏ vẻ hoang mang, chị nói, anh thắp hương rồi xin bài lần nữa. Tôi đứng lên trước bàn thờ. Chị bảo, không phải chỗ ấy, qua bàn thờ bên kia. Tôi qua bàn thờ bên trái. Tôi đứng trước bức tượng Phật bằng gỗ, màu vàng như nghệ, ông Phật gầy gò trơ xương, ngồi kiết già, hai tay ôm mặt. Tôi khấn vái bức tượng hai tay che mặt. Xong, ngồi xuống, chị bảo, chia bài. Tôi chia bài. Tôi hỏi lại thêm một lần câu đã hỏi.

Chúng tôi có đi được không?

Anh đi được. Chị thì không.

Tôi tặng tiền thưởng cho chị, đứng lên, ra về. Hương lặng lẽ theo sau. Trong khi đứng ở cửa phòng, nhìn xuống thang gác, tôi thấy môt thằng bé mười ba mười bốn tuổi, tay cầm bó hoa, đi lên trước một người đàn bà mập mạp, đang nâng chiếc áo cưới màu trắng lộng lẫy, dài lượt thượt. Thấy tôi nhìn tò mò, chị thầy bói khẽ cười bảo: ngày mai là ngày đám cưới của em. Chúng tôi đứng tránh qua một bên cho họ đi lên, bó hoa hồng đỏ, áo đầm trắng. Ra đường, tôi thấy lòng mình thật vui, tâm trạng lo âu và thất vọng không còn nữa. Suốt ngày chạy đi đây đó chưa kịp ăn, hai chúng tôi đều đói. Tôi dựng xe Honda trước gánh bún riêu. Chúng tôi ngồi xuống. Tôi không biết nói gì để an ủi Liên Hương, cô gái Bắc kỳ dịu dàng thương khó. Mưa rơi lay phay, đèn đường bật sáng, chiếu những giọt mưa li ti trên má nàng. Tôi nhìn thấy thời tiết mùa màng thay đổi, tôi chấp nhận vẻ đẹp của chúng. Hầu hết chúng ta đều sống lo lắng, sống với đủ mọi dự định, thèm khát, ước muốn. Ngày mai. Nhưng hôm nay, cuộc sống này là của tôi. Tôi đi bên cạnh người yêu dấu. Tôi vừa chúc phúc cho một người đàn bà quá tuổi sắp lấy chồng, có thể không phải lần đầu tiên, nhưng cũng có thể. Tôi ngồi bên gánh bún riêu nóng hổi, thơm lừng, lửa than quạt đỏ trong gió lạnh, người đàn bà đon đả chào khách, sắp chén bát ra, lọ ớt, lọ tiêu. Tôi sắp được ăn một bát bún nóng, đặt trái ớt cay xé lên lưỡi, bên người thiếu nữ không biết sẽ đi cùng tôi bao nhiêu dặm đường, bao nhiêu cuộc đời, hay tôi đang dẫn nàng vào một canh bạc một ăn một thua. Thực ra, trong thâm tâm, tôi có muốn bỏ đi không? Tôi sắp xếp mọi chuyện, kể những lý do tôi muốn bỏ đi và muốn ở lại, thành hai cột dọc như khi bạn làm bảng kê khai chi tiêu, tôi xóa đi xóa lại nhiều lần. Trong khi ấy, niềm vui nhỏ bé này, ngồi trước cửa nhà một người đàn bà vừa đọc ra bản đồ những ngôi sao số phận của mình, đêm trước ngày đi lấy chồng, ngồi trước gánh hàng thưởng thức mùi cà chua, mùi mắm ruốc, mùi riêu cua, mùi tía tô thơm nức, trò chuyện với người thiếu nữ mình hy vọng sẽ đi suốt đời với mình, niềm vui ấy là nhỏ bé hay lớn lao. Không có gì lạ lùng hơn, huyền bí hơn khoảnh khắc bạn ngồi im, lòng tin tưởng, nhìn vào chính khoảnh khắc ấy, cố gắng đi tìm ý nghĩa của nó. Bạn biết một giây phút như thế, một buổi chiều như thế, dưới cơn mưa nhỏ, thời gian sẽ đứng lại, hầu hết những người mà bạn gặp không nói cho bạn nghe về một giây phút như thế, vì họ không nhớ, nhưng người nào cũng có. Trong những khúc quanh của đời mình hay cả khi mọi thứ bằng phẳng. Cảm nhận của tôi về sự sống, cái chết, niềm hy vọng cuối cùng trong một xã hội tuyệt vọng, con đường trên biển, vừa mơ hồ như buổi chiều lên đèn, vừa sáng rõ như đường chỉ tay dưới ánh sáng mặt kính lúp. Tôi đi tìm câu trả lời cho số phận nhưng không có một câu trả lời nào như thế cả. Ngược lại, trong giây phút ấy trong khi đi tìm câu trả lời kia tôi đã sống một thời gian thật đẹp, thật ý thức, ở đó mọi chuyện đều có thể xảy ra, như ngôi chợ bên sông mới nhóm. Vào lúc ấy bạn không giữ lại bất kỳ môt lời hứa vĩnh cửu nào, bất kỳ một sự thật muôn năm nào, sự đúng sai rành rẽ nào. Thời gian hỗn độn, không có gì bạn có thể giữ lại được. Sự hoàn tất của một khoảnh khắc là chiều sâu mà bạn chạm tay tới, sự giao thoa của hai bề mặt tạo nên cát tuyến, giờ phút hai người lính bồng súng đổi gác cho nhau, là khe hở để tên trộm thời gian đi xuyên qua. Buổi chiều ấy, lòng tôi thật buồn, nhưng một điều gì choán ngợp tâm hồn tôi, làm tôi quên mất nỗi buồn của mình. Một điều gì trong suốt, giản dị, tôi đã từng biết tới, nhưng quên bẵng. Một điều gì xảy ra khi bạn băng qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết, giữa điều bạn yêu quý ngàn lần và sắp mất đi và điều đang xảy tới. Một điều gì xảy ra khi bạn bị đẩy vào chân tường, nhắm mắt lại, nhìn thấy ông Phật có hai tay che mặt, sự tầm thường trở nên cao quý, bạn nhớ lại thức ăn đã từng ăn và âm nhạc đã từng nghe và mặt nước đã từng cúi xuống và tô bún riêu nóng. Tôi nắm chặt tay người thiếu nữ dưới gậm bàn, bàn tay run rẩy, nhưng nàng tỏ ra sung sướng, mặt ửng hồng trong gió tối.

NĐT

Comments are closed.