Thay máu

Truyện Trương Quang

Thông thường, chỉ có ba người hay ngồi lại với nhau sau khi kết thúc lớp học vào cuối tuần. Họ chọn văn phòng khoa để có thể có một chút nhàn nhã, ít ra cũng không bị những con muỗi, mỏng như những hạt bụi nhưng rất lì lợm, quấy rối nếu ngồi ở những chiếc ghế đá đặt dọc con rạch nhỏ. Cả ba đều sinh vào năm Tuất, năm sinh sản ra những con người hào phóng, nhưng rất vô trách nhiệm. Rất ngẫu nhiên là cả ba đều độc thân vào thời điểm ấy. Đồng nghiệp người Mỹ ly dị từ lâu, đến nay vẫn còn như chim bị trúng tên chưa dám tiến thêm một bước nữa. Anh bạn người Đức sinh sau một giáp, vẫn còn đang phân vân giữa các mẫu người vợ Âu hay Á lý tưởng. Riêng anh, có vợ con đàng hoàng, nhưng xa gia đình, cũng đuợc coi như… độc thân. Mặc dù đến từ ba châu lục khác nhau, những điểm tương đồng tình cờ này đã đem ba người đến gần với nhau, họ xem nhau là bạn đồng cảnh hơn là đồng nghiệp.

Người bạn Đức lôi từ bọc ni-lông ra mấy chai rượu vang đỏ và những chiếc ly giấy, đặt lên giữa cái bàn ngổn ngang giấy tờ và sách vở, phấn khởi:

“Cám ơn Đức Chúa Trời, hôm nay là thứ sáu!”.

Anh nghĩ một cách bâng quơ, thứ sáu rồi ư? Thời điểm chấm dứt của những ngày dài không phải của mình và là khởi điểm của một thời gian ngắn hơn, nhưng riêng tư, khỏi phải chia sẻ với ai. Anh không cố tâm thê thảm hóa khiến những ngày cuối tuần trở nên buồn hiu, mà tìm cách thu xếp để tận hưởng những thời khắc hiếm hoi đó, như một vị chân tu trịnh trọng uống từng giọt sương mai óng ánh trên một cánh lá xanh.

Thường thì họ chỉ uống chút rượu cho vui với nhau, chẳng ai say sưa cả. Anh thì tuyệt nhiên không uống được rượu, chi nhâm nhi đôi chút với bạn bè cho vui thôi. Đồng nghiệp người Mỹ loay hoay tìm cái nút mở chai, giọng đầy triết lý:

“Trong mỗi con người chứa bao nhiêu lít máu nhỉ. Giả thử mình uống hết vài chai này, máu sẽ được thay bằng rượu vang, mình sẽ ra sao nhỉ?”.

“Ra sao à? Thì mày sẽ đi đứng, ăn ngủ, suy nghĩ, nói năng, yêu đương một cách khác, vì thân thể mày không còn được nuôi dưỡng bằng máu, mà bằng rượu vang. Hiểu chưa, ngài giáo sư?”.

Cả ba cùng cười, vô tư như những đứa trẻ. Vô tư hơn cả đám sinh viên trẻ họ vẫn dạy.

“Nào, uống mừng nghề dạy học!”.

“Uống chống nguy cơ nhồi máu cơ tim!”. Một người đáp ứng.

Người bạn Mỹ khề khà sau một hớp rượu:

“Tao chỉ muốn đứng tim, gục xuống khi đang đứng lớp. Chết như thế mới lãng mạn, mới thực sống chết vì nghề!”.

Anh nhìn vào trong cái cốc giấy, màu rượu vang sóng sánh, dưới ánh đèn sáng chợt đỏ óng như máu, chao đảo như đời mình. Từ ba chục năm nay, anh liên tục thay đổi công việc, không bao giờ ở cùng một chỗ quá hai năm. Đôi khi anh đã nghĩ là mình có thể thích nghề dạy học, nhưng chưa bao giờ anh thiết tha đến nỗi có những ý nghĩ lãng mạn như thế. Anh tận tâm, sôi nổi với bài giảng, nhưng không say mê, gắn bó với nghề nghiệp. Một sự phân biệt rạch ròi giữa lớp học và đời người, giữa cái chung và cái riêng, giữa máu và hơi thở.

Trong thoáng chốc mấy chai rượu đã gần cạn. Người bạn Đức xoay xoay cái ly giấy trong tay, giọng khô lại.

“Bố tao mất rồi. Mẹ tao gọi hôm qua”.

Anh ta như nói với chính mình. Anh để ý thấy những đôi chân gác trên bàn không ngo ngoe như thường lệ. Báo tin bố mất mà mặt tỉnh queo, mặc dù anh ta đã theo dõi, sống theo từng phút, từng giây cuối cùng của người cha trong cơn hấp hối. Anh tự nghĩ, không biết rồi mình có thể thanh thản, nhẹ nhàng như thế trước cuộc chia ly vĩnh viễn với bố mẹ mình không. Anh thua xa anh bạn người Âu, chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ có thể chôn chặt tình cảm trong lòng, như đóng chặt một cái ngăn tủ âm u, như đồng nghiệp người Đức.

Người bạn Mỹ đi ra cửa, nói với trở lại để tránh phải trao đổi lời chia buồn nhạt nhẽo.

“Tao đi kiếm cái gì để uống thêm”.

Anh ngồi im lặng, không biết nói gì với người bạn. Trong cơn lâng lâng của rượu và cảm giác mất mát vu vơ, anh có cảm giác cái vóc dáng to lớn của người bạn ngồi trước anh nhòe nhoẹt trong ánh đèn. Anh đến gần, để tay lên vai bạn, nói một lời thật giản dị, nhưng đỏ gay mặt ngay vì thấy vô nghĩa.

“Ít ra ông cụ đã ra đi yên thấm, không đau đớn nhiều lắm, phải không?”.

Người bạn Mỹ đã trở lại từ bao giờ, đứng lặng im ở ngưỡng cửa, như một chiếc bóng. Anh ta rót tiếp vào ly cho các bạn.

“Uống mừng ông cụ đã ra đi, nào!”.

Anh ngạc nhiên thấy không có một chút gì lạ thường trong câu mời chào dường như không hợp thời này. Phải rồi, uống mừng một người đã ra đi. Tại sao không nhỉ? Ông cụ hiểu rõ thuốc lá là nguyên nhân làm sẽ ngắn đi cuộc sống của mình, nhưng vẫn hút đến hơi thở cuối cùng. Thật đúng là một lão già Bavarian cứng đầu. Người bạn giải thích.

Anh nâng ly, nghe giọng mình rất thành thật.

“Uống đi, rồi tụi tao sẽ đưa mày ra phi trường. Chắc sẽ kịp chuyến bay tối nay”.

Phải rồi, anh chợt thấy nhẹ lòng khi nói được điều này thay cho lời chia buồn nhạt nhẽo vừa rồi. Anh ta phải có mặt bên người mẹ của mình vào lúc này. Anh ta là con một trong gia đình mà. Anh lại bâng khuâng tự hỏi mình là thứ mấy trong cái gia đình đông đúc ở nhà nhỉ, mà sao lúc nào cũng vấn vương, lo âu cho một điều gì sắp xảy ra.

Cả ba bước ra cửa, mặc những chai, ly vung vãi trên bàn. Ngửa mặt nhìn trời đêm mông lung lấp lánh ngàn sao trên trời, anh ngỡ là mình đã được thay máu bằng thứ rượu vang đỏ chát, nhưng chưa cảm nhận có gì thay đổi trong anh cả.

Anh vẫn còn có thể khóc như một người thường. Mà nước mắt ứa ra thật, vô cớ.

May mà không ai thấy.

AIT, 1998

Comments are closed.