Thế giới này sao giống một nhà thương điên

Truyện ngắn Lê Công Tư

Tranh Nguyễn Trọng Khôi

 

Vốn là một kẻ lơ ngơ, anh chẳng bao giờ quan tâm tới chuyện phải mang theo một thứ gì hay không mang theo thứ gì. Cho đến một hôm, ở một thành phố lạ, chẳng có khách sạn nào chịu cho anh thuê phòng vì anh không mang theo thẻ căn cước – một mảnh giấy nhỏ, bọc nhựa, có ảnh của anh dán trong đó, một đôi dòng lý lịch trích ngang cùng với một vài dấu vết đặc biệt riêng tư, để cảnh sát dễ nhận diện ra anh nếu anh có trộm cắp hay móc túi ai đó. Nói chung đó là những thứ xác nhận anh được coi là một con người đã qua kiểm dịch. Giống như một con chim được xác nhận là không có bệnh trước khi người ta cho nó nhập vào thành phố để nướng nó trên lò than.

Phải có lúc vướng vào những chuyện như thế này mới thấy quả đất là có lòng, nó chẳng quan hoài gì đến chuyện anh có giấy tờ hay không có giấy tờ. Nó mặc nhiên công nhận anh là cư dân của nó. Muốn đi đâu thì đi, ngủ đâu thì ngủ, làm gì thì làm.

Tối hôm đó, anh ra ngồi suốt đêm ngoài bờ sông, trên một chiếc ghế đá. Bên kia sông là Thủ Thiêm. Chỉ có mấy cái bảng quảng cáo dựng dọc theo bờ sông là sáng. Mấy cái điện thọai di động, mấy cái vỏ xe được vẽ trên mấy bảng quảng cáo này cùng thức suốt đêm với anh.

Cũng may sao là tối hôm đó trời không mưa. Anh có thể ngồi suốt đêm trên ghế đá mà cảnh sát không đến làm phiền anh. Họ ngỡ anh là thi sĩ đang đi tìm một tứ thơ nào đó. Họ giữ ý với anh, họ sợ xúc phạm một nhà thơ. Nếu hôm đó trời mưa, anh buộc phải qua đêm dưới một mái hiên nào đó. Cảnh sát sẽ bắt anh vì tội sống vô gia cư, lang thang, du đãng.

Từ hồi nào đến giờ, sự bần cùng dễ bị đồng hóa với tội lỗi. Cho dù anh có ngồi trên ghế đá hay ngủ dưới mái hiên thì anh vẫn là anh, chẳng khác một mảy may nào. Vậy mà chẳng ai buồn nghe anh phân trần về chuyện này. Họ nói: “Đó là điều dĩ nhiên”. Anh vẫn cố lý sự: “Dĩ nhiên thế nào được, chỉ cần thay đổi tư thế từ ngồi sang nằm, từ công viên sang vỉa hè đã là thay đổi từ ông sang thằng. Mà nào có ông có thằng gì đâu, đó chỉ là một gã không tìm được chỗ trọ”.

Tối hôm đó, anh bắt đầu suy nghĩ về chuyện mình phải mang theo cái gì và không mang theo cái gì. Những cái được mang theo không ít thì nhiều buộc phải gắn liền với một nhu cầu nào đó. Nếu anh đem theo một tấm bùa hộ thân, thì rõ ràng anh đang cần một sự che chở của một mãnh lực siêu nhiên. Nếu anh đem theo một chiếc đồng hồ thì anh cần biết đến một đôi khoảnh khắc của thời gian.

Vốn đơn giản hết cỡ, anh chỉ mang theo những gì tối cần thiết, những thứ có thể giúp anh cảm thụ cùng phát hiện ra những gì đang xảy ra ở chung quanh, cho phép anh tiếp xúc với thế giới, nhận diện thế giới, để đồng ý hay không đồng ý với nó đôi điều. Anh mang theo mắt, mũi, tai, miệng để có thể nhìn ngó, nếm, nghe, ngửi. Nghĩ cho cùng thì cả thế giới ra, vào theo những ngõ này.

Vốn là người ưa nhìn, ngó, hiếu kỳ, đi đâu anh cũng mang theo đôi mắt. Anh chỉ thực sự cảm thấy đôi mắt có ý nghĩa như thế nào khi có một lần, anh giẫm vào một người hành khất mù đang ngồi bên vỉa hè. Bà ta mắng vào mặt anh: “Bộ đui hả”. Cái lần đó anh cảm thấy chạnh lòng. Anh nhận ra mình đã làm tổn thương một thế giới khác. Một thế giới tăm tối, chỉ còn biết sống nhờ vào lòng thiện hảo, dễ cảm thấy bị xúc phạm vì sự mù lòa cố tình hay vô ý nào đó.

Lần đó anh chẳng mù lòa gì. Anh chỉ để quên đôi mắt ở nhà. Mỗi tối trước lúc ngủ, anh lấy đôi mắt mình ra, bỏ chúng vào trong một cái hộp nhỏ. Trước kia cái hộp này dùng để đựng một chiếc khẩu cầm, vốn là món quà sinh nhật của một đứa nhỏ. Anh gặp nó giữa một đồng lúa, nó cho anh cái hộp không. Sợ anh buồn vì cái hộp chẳng có giá trị gì, nó nói: “Để chú đựng dế”. Anh mang cái hộp đó về, để trên mặt bàn. Chiều nào cánh đồng ở ngoài kia cũng chui vào đó nằm ngủ. Anh phát hiện ra điều này từ những tiếng lào xào ở bên trong. Khi hé mở nắp hộp ra, anh thấy người ta hái lúa ở trong đó. Đó là ban ngày, còn ban đêm cái hộp trống không. Anh không còn chơi dế nữa. Để khỏi phụ lòng đứa nhỏ, anh dùng cái hộp đó đựng đôi mắt của mình sau khi giặt sạch nó.

Có một con quỷ nhỏ. Ai quăng nó ra ngoài đường. Anh nhặt nó về để trên mặt bàn. Nó nhìn anh chẳng nói năng gì, mặt mũi buồn thiu. Anh nhìn nó một hồi rồi nói: “Mày cứ ở đây một thời gian nếu muốn. Lúc nào không thích nữa thì cứ đi. Tao chẳng giữ làm gì. Tuy nhiên để mày yên tâm ở lại, tao sẽ tạo một công việc để cho mày đỡ chán. Tao giao cho mày giữ con mắt thứ ba của tao”. Con mắt giúp anh nhìn thấy những hình ảnh thường xuất hiện trong những giấc mộng. Con quỷ con hỏi anh: “Sao ông không ngủ một giấc cho sâu. Có hay ho gì ba cái hình ảnh hiện ra trong giấc mộng đâu”. Anh phải diễn giải cho con quỷ con hiểu ra là những hình ảnh được nhìn bằng con mắt này là những hình ảnh của thực tại đã bị bóp méo, biến dạng, cong queo, dị hình, dị tật… Không thể cho rằng chúng chẳng có một ý nghĩa gì. Biết đâu chừng chúng xuất hiện để bổ túc cho một thế giới đã được định hình. Sợ con quỷ con chưa hiểu hết, anh mang một lô tranh của Picasso cho nó xem rồi nói: “Đó! Mày thấy chưa, có thể gọi Picasso là thượng đế cũng được. Bởi ông ta góp phần điểm xuyết, bổ túc cái thế giới này thêm một lần nữa. Một thế giới chưa bao giờ hoàn chỉnh”. Con quỷ con nhìn tranh một hồi lâu rồi nói: “Có một dạo bị điên, con cũng thấy thế gian xuất hiện như thế này. Quả đất như bị chao nghiêng, những trật tự bị đảo lộn và mọi thứ đều bị xô lệch”.

Anh thích nhìn con quỷ con này mỗi lúc nó trình bày một điều gì. Bởi đôi mắt nó ngây thơ như con trẻ.

Anh nói với nó: “Tao thường xuyên có cảm tưởng một nửa thế giới được xây dựng bằng một nửa cái đầu tỉnh táo. Nửa còn lại đuợc dựng lên từ một nửa cái đầu điên loạn. Chỉ có một điều đáng nói là sự điên lọan của mấy thằng nghệ sĩ là để bổ túc cho một thế giới chưa hoàn chỉnh. Còn sự điên loạn của mấy thằng làm ra luật pháp là đốt cháy những giấc mơ được nhìn ra từ con mắt thứ ba”.

Con quỷ nhỏ vốn lười. Anh lại là người dễ tính. Năm thì mười họa, nó mới chịu thắp đuốc đi trong đêm tối, tới giấc ngủ của anh để cài con mắt thứ ba ở một cánh đồng rộng, nơi mà những giấc mơ thường đi qua để rồi vướng bẫy. Những giấc mơ cứ thưa dần. Cho đến một hôm, nó nói: “Công việc này chán quá ông ơi. Ông tìm thằng khác thay tôi đi. Nhìn thế gian bằng hai con mắt là đủ rồi. Ông còn bày đặt con mắt thứ ba, con mắt thứ tư”. Anh hỏi nó: “Vậy theo chú mày, tao phải làm gì với con mắt này. Dù sao tao cũng đã mang theo nó mấy chục năm nay”. “Tôi thấy ông nên quăng nó đi. Ông nên quăng bớt nhiều thứ đi. Như vậy dễ sống hơn. Ông nội của tôi vốn là một con quỷ chột mắt. Vậy mà ông ta nhìn rất rõ mọi điều, rõ hơn ông rất nhiều”.

Anh nhớ có một lần thơ thẩn trong một bảo tàng viện. Anh đứng trước một con khỉ nhỏ bằng đất nung. Nó lấy hai tay bịt mắt, mũi, miệng nó lại. Anh hỏi con khỉ: “Tại sao mày lại bịt đi những cửa ngõ nơi thế giới ra vào?”. Nó nhìn anh một cách quan sát, dọ hỏi rồi trả lời: “Tôi đang tập hội thần, định thần, lắng thần. Lúc đó thế giới sẽ xuất hiện trong trẻo hơn”. Lời lẽ của nó dễ khiến anh nhớ đến Tôn Ngộ Không, ông nội của nó. Anh vừa cười vừa hỏi: “Chú mày nói năng như thể là người của chốn thiền môn?”. Nó nói nhỏ: “Mô Phật” rồi im luôn. Sự im lặng đó, sau này anh đọc ra ở những bầu trời.

Năm sáu tuổi, anh cùng gia đình rời khỏi cái cư xá hỏa xa đó. Sau này mỗi lúc nhớ lại cái khoảng trời thơ ấu này, anh chỉ còn nhớ cánh rừng thông ở sau nhà, đoàn tàu lửa chạy qua trước mặt với nhà ga nằm ở trên kia. Anh mang tất cả những thứ này theo anh đi đây đi đó. Cũng may là cánh rừng thông anh mang theo, nó cứ vậy hoài, không lớn nữa. Nếu không những cành nhánh của nó đã đâm ra khỏi cái đầu của anh, bộ rễ của nó chắc cũng đã làm nghẹn cổ anh.

Cái đoàn tàu cũng vậy, nó cứ chạy quanh trên giường, bởi không tìm được con đường nào để đi vào bên trong. Anh chợt nhớ những con đường hầm mà tàu lửa hay chui qua. Anh há miệng, cả đoàn tàu rì rầm chui vào trong đó. Nhiều lần anh nghe nó hú ở trong máu, rồi trôi mất xuống những đường chân trời. Sợ nó bỏ đi luôn, anh nhét cái nhà ga vào trong túi quần. Nó nằm chung với mấy viên bi cùng những mẩu bánh mì vụn. Mấy chục năm sau, nhiều lần đút tay vào túi quần để lấy ra một cái gì đó, có lần anh lấy ra cả một tuổi thơ đẫm nước, như thể nó vừa mới dầm mưa ở đâu đó về cùng những cơn gió dại.

Cũng là hồi nhỏ, anh thường cảm thấy xấu hổ khi tình cờ hay vô ý thấy một người đàn bà nào đó ở truồng. Nghĩ cũng lạ, đúng ra người xấu hổ, mắc cỡ phải là người đàn bà nọ chứ đâu phải là anh. Lớn lên, anh có tò mò đọc mấy cuốn sách phân tâm học viết về những phức cảm kỳ lạ này, anh cũng chẳng hiểu thêm một cái gì. Nó lù mù.

Năm anh ba mươi bốn tuổi, có một lần phải đi đến một làng xa xôi để họp mấy người công nhân lấy mủ ngo. Khi họp xong thì trời đã khuya. Anh phải quay về cái làng dân tộc để ngủ. Anh bỗng thấy một người phụ nữ ở truồng đang đứng khóc rấm rứt trong bụi chuối. Anh nhớ hoài cái màu trắng nhờ nhợ như sữa đục của cơ thể người đàn bà nọ. Nó chẳng gợi lên bất cứ một thèm muốn gì. Nhưng cũng từ đó, cái hình ảnh này anh cũng mang theo đi đây đi đó như một nỗi buồn không sao tan nổi, nó cứ ám vào anh hoài. Đã từ rất lâu, anh mơ hồ nhận ra mình là kẻ hoài nghi những tiếng cười. Hình như anh tin vào những vết bầm xanh trên da thịt của con người nhiều hơn. Có lẽ chính cuộc sống đã cho phép anh tin như vậy. Và anh đã đạp bừa lên mọi sự mà đi với hy vọng rằng một ngày nào đó những niềm tin này sẽ đảo ngược.

Phải ngồi suốt đêm trên một ghế đá ngoài bờ sông, mới thấy đêm đi qua rất chậm. Tất cả những giấc ngủ đều lừa phỉnh con người. Bởi nó tạo nên một ảo tưởng là đêm trôi qua rất nhanh. Nó đủ chậm để anh nhìn ngó lại đôi điều cùng hoài nghi mọi thứ. Cái mà anh hoài nghi nhất chính là cái thẻ căn cước. Cả cái lý lịch lẫn những dấu vết nhận dạng đều quá đỗi mù mờ. Có một triệu đứa trẻ con sinh cùng ngày với anh. Mười ngàn thằng cũng như anh, nặng ngang bằng anh và cũng có một nốt ruồi nhỏ ở dưới mí mắt trái như anh. Những thằng như vậy đem bắn không hết vì chúng đầy mặt đất.

Có một lần, anh nói với tay công an làm căn cước cho anh, là hãy thay đổi cái dấu vết nhận dạng của anh đi. Điều này chỉ giúp cho họ truy nã anh nhanh, gọn và chính xác hơn mỗi lúc anh phạm tội. Thay vì ghi: “Có một nốt ruồi dưới mí mắt trái”, hãy ghi: “Gã đàn ông này thường cất hai con mắt của mình trong một cái hộp. Hắn có mang theo trong đầu một cánh rừng ngo mà hắn thấy hồi sáu tuổi và hắn mãi mãi vác trên lưng hắn một người đàn bà ở truồng. Ai thấy con người này ở đâu, hãy báo cho đồn công an gần nhất”. Sợ anh công an chưa hiểu rõ, anh nói thêm: “Trên thế giới đâu có người thứ hai có những dấu vết riêng như vậy, kể cả khi anh tra cứu hết pho lịch sử của loài người”. Đây là cái chân dung toàn diện nhất mà anh đang có được. Một diện mạo không lầm lẫn với bất kỳ ai. Cái lần đó, anh công an nhìn anh như thể anh bị mất trí. Còn anh, anh phải ngồi suốt đêm ngoài bờ sông chỉ vì không mang theo thẻ căn cước, một thứ giấy tờ thổ tả nhất mà anh biết được. Nó chỉ nên được sử dụng khi mặt đất này là một dưỡng trí viện. Có lẽ cũng đúng thôi, vì lý lịch của loài người còn quá đỗi mù mờ. Mù mờ như cái thẻ căn cước vậy. Đúng ra những ông chủ khách sạn phải rõ chuyện này. Họ cứ để anh ngủ. Lỡ đêm khuya cảnh sát có bất ngờ đến xét phòng, họ chỉ cần nói: “Có gì đâu anh hai, chẳng ai có thể phạm tội trong lúc ngủ. Hơn nữa, lúc ngủ đêm trôi qua rất nhanh, chẳng ai kịp động thủ. Còn nếu anh ta có nằm mơ đi bẻ khóa, cạy cửa nhà ai đó thì cảnh sát đâu có chịu trách nhiệm về chuyện này”.

Chắc là anh phải viết một lá đơn khiếu nại về việc mình bị đối xử tàn tệ.

KÍNH GỬI MẶT ĐẤT

ĐƠN THƯA TRÌNH VÌ ĐÃ BỊ ĐỐI XỬ TỒI TỆ

Tôi vốn là cư dân của mặt đất. Từ hồi nào đến giờ, suốt một thời gian dài cư ngụ nơi đây, tôi chẳng làm phiền ai điều gì để phải va chạm với luật pháp. Và cũng chẳng bao giờ tha thiết tiếp xúc với ba cái thứ này. Điều này cũng có nghĩa là tôi đang sống bên lề luật pháp. Ngần ấy thứ cũng đủ chứng tỏ tôi là một cư dân tốt.

Cho đến một hôm, tôi phải đi đến một thành phố lạ. Tôi đã không thể thuê phòng vì thiếu một thứ giấy tờ gì đó. Trước khi ra tới được một bờ sông để ngồi ở đó suốt đêm, tôi đã đi loanh quanh để tìm cho mình một chỗ nằm. Đủ để nhận ra rằng trên cái quả đất rộng rãi này, có khi không có chỗ đặt lưng cho một con người. Cái điều tồi tệ này diễn ra trên khắp mặt đất. Nghe nói ở cái xứ Mỹ xa xôi kia, cái tình trạng này đang diễn ra tệ hại nhất. Thật là đáng xấu hổ cho cái cõi ta bà này.

Kính đơn,

Lê Công Tư

Anh đã gởi lá đơn này cho mặt đất. Nó im lặng chẳng nói năng gì. Tính nó từ hồi nào đến giờ vẫn vậy. Còn con người, họ chẳng quan hoài gì đến đơn thư của anh. Họ bận cày bừa, đào xới, chinh phục, khám phá, chế tạo… Ngày nào họ cũng hì hục cày những luống cày xuống nỗi im lặng của đất.

Comments are closed.