Thi sĩ Thạch Quỳ “báo mộng” bên Cổ Loa Thành

Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Một nhà sản xuất phim phía Nam tìm đến T. cận, khi biết hắn đang có kịch bản TÌNH SỬ LOA THÀNH (tên tạm đặt), vào đúng ngày Rằm cuối năm đã mời hắn đi thăm Đền Cổ Loa – Đông Anh, thắp hương cho Thục chủ An Dương Vương và bắt đầu bàn về kế hoạch thực hiện phim, kết hợp xây dựng phim trường (Studio Film) Loa Thành.

Đúng hôm đó, được tin nhà thơ Thạch Quỳ qua đời; nhớ thương ông, tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ của ông:

Màu lông ngỗng ngây thơ trong trắng quá

Nên máu người phải đổ Mỵ Châu ơi…

(Qua Đền Công – Ghi chuyện cũ)

và chợt hiểu rằng: lão thi sĩ đã “báo mộng” cho người làm phim qua hai câu thơ Minh triết kia… Máu Mỵ Châu phải đổ, chẳng phải vì nàng phản bội vua cha và Đất Nước như xưa nay mọi người vẫn lầm lẫn, mà bởi sự trong trắng của tâm hồn nàng cùng khát vọng Hòa bình của một dân tộc đã bị tham vọng lang sói của bọn Đại Hán bao đời truy lùng, tiêu diệt…

Bên Giếng Ngọc – nơi Trọng Thủy trẫm mình, chúng tôi lắng lòng xót xa thương cảm cùng nỗi niềm của đôi lứa yêu thương nhau chân thành song đã bị lợi dụng và hủy hoại bởi những âm mưu bẩn thỉu đẫm máu của loại người tham lam vào bậc nhất thế gian, loại người “ăn thịt người uống máu người” suốt cả mấy ngàn năm nay – như văn hào Lỗ Tấn đã tố cáo!

Dưới đây là trích đoạn trao đổi giữa nhà sản xuất và người làm phim bên những vết tích thành cổ, trong âm hưởng lời “báo mộng” kia.

 

Không có mô tả.

Giếng Ngọc đối diện Đền Cổ Loa, MA NAT chụp

NSX: Tác giả và đạo diễn sẽ nói gì với người xem qua bộ phim này?

MA NAT: Phải cám ơn ngài đã hỏi điều này trước tiên, chứ không hỏi nhà sản xuất sẽ thu lời lãi bao nhiêu từ dự án phim này… Nếu vậy, tôi xin được nói qua cái Lý do ra đời của bộ phim điện ảnh về Loa Thành đã.

Có những khái niệm mang màu sắc cổ xưa đầy huyền thoại của hàng ngàn năm trước đã thấm sâu vào đời sống hiện đại một cách tự nhiên, như hơi thở, như tâm lý hàng ngày, tuy người ta không để ý tới chúng, song thực ra chúng là ánh xạ thẳm sâu của Ký ức Dân tộc, và bao lâu nay đã làm nền tảng cho đời sống tâm hồn con người cả lúc vui sướng hạnh phúc lẫn khi đói khát bất hạnh… Như là những tên đường phố, những mẩu văn trích trong sách giáo khoa, những câu thơ bất chợt, những khảo cứu chuyên đề, những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu, những phút trầm tư bên các di tích cổ xưa về An Dương Vương, Thành Ốc, Nỏ thần, Cao Lỗ, Mỵ Châu – Trọng Thủy, Áo lông ngỗng, Giếng Ngọc…

Nói theo nhà sử học Nga P.V. Pozner: “Các truyền thuyết về thời tiền sử Việt phản ánh truyền thống sử học truyền khẩu về địa bàn cổ xưa nhất của các bộ lạc tiền Việt, cho nên nó cũng mang tính lịch sử”… Đằng sau những mẩu ký ức còn sống động ấy là vẻ đẹp bi hùng lộng lẫy của lịch sử một dân tộc, chứa đựng những ẩn số có khả năng giải mã những vấn đề nhân sinh nóng bỏng cho nhiều thời đại, nhiều vùng quê trên trái đất…

Thành Cổ Loa là toà thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm Kinh đô nước Âu Lạc. Thành Cổ Loa còn được gọi là thành Ốc (Loa Thành), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai. Loa Thành gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú vào bậc nhất của kho tàng văn hóa dân tộc Việt – về việc Vua An Dương Vương định đô xây thành, về việc chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một lần được hàng ngàn mũi tên đồng, về mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu – Trọng Thuỷ… Từ bao đời nay, dấu vết của ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật được huyền thoại hoá đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt Nam. Thành Cổ Loa và các di tích liên quan quanh đó – như Đền Cao Lỗ, Đền Sái, v.v., còn là các điểm tham quan, du lịch độc đáo bậc nhất của Thủ đô thời hiện tại… Từ số phận Loa Thành đã có biết bao bài học Lịch sử – Văn hóa quan trọng đối với nhiều thời đại, và hôm nay lại càng có ý nghĩa đối với công cuộc “về nguồn” nói chung.

Loa Thành (và cụm Di tích quanh Loa Thành) đã in đậm trong các lĩnh vực hoạt động tinh thần của người Việt Nam từ cổ xưa đến hiện tại, như: lĩnh vực Khảo cổ học, lĩnh vực Nhân văn (Triết học, Minh triết, Lịch sử, Văn học dân gian, Văn hóa học, Văn hóa liên ngành…), lĩnh vực Kiến trúc – Quy hoạch Đô thị, lĩnh vực Du lịch (loại hình Du lịch Văn hóa – Lịch sử và Du lịch Tâm linh), lĩnh vực sáng tạo Văn học – Nghệ thuật (Mỹ thuật & Điêu khắc, Âm nhạc, Sân khấu, Văn chương – như văn xuôi của Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… Thơ của Thạch Quỳ, Hoàng Nhuận Cầm, Thế Dũng…).

Nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật Điện ảnh, một tác phẩm điện ảnh lớn xứng đáng với tầm vóc Lịch sử – Văn hóa – Triết lý của Loa Thành vẫn còn là khát vọng của nhiều thế hệ người làm phim cũng như khán giả xem phim Việt Nam. Trong khi đó, trên thế giới, những Di tích lịch sử lớn mang dấu ấn trí tuệ – công sức vĩ đại của con người như Lăng mộ Ai Cập, Tử Cấm Thành Bắc Kinh, Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc, v.v. đều đã được đưa lên màn ảnh từ lâu, trên nhiều góc độ, góp phần tái hiện Lịch sử và số phận dân tộc họ trong việc quảng bá Đất Nước – Con người và giáo dục truyền thống cho các thế hệ nối tiếp. Bộ phim điện ảnh TÌNH SỬ LOA THÀNH đã tới lúc phải ra đời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thông qua vẻ đẹp Lịch sử dân tộc của đông đảo người Việt Nam trong nước cũng như ở nhiều nơi trên thế giới…

NSX: Vậy đạo diễn sẽ lý giải thế nào trong bộ phim tương lai cái tư tưởng đã găm vào đầu bao thế hệ người Việt: “Trái tim lầm lỡ để trên đầu/Nỏ thần sơ ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” lên án nàng Mỵ Châu?

MA NAT: Thưa ngài, thực ra đó là một tư tưởng sai lầm tệ hại, sản phẩm của một thời uốn nắn Lịch sử theo chủ quan và các tư liệu thiếu thốn nên đã gọi Triệu Đà là “Giặc xâm lược”. Nhưng sự thật là, nước Nam Việt do Triệu Đà xưng đế cũng tựa như “An Dương Vương thế Hùng Vương/ Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân/ Triệu Đà là vị hiền quân/ Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời/ Nước Tàu cậy thế đông người/ Kéo quân áp bức giống nòi VIệt Nam” – như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong “Lịch sử nước ta”. Mấy chục năm qua, giới nghiên cứu lịch sử nước nhà đã “minh oan” cho Triệu Đà, trả lại vị trí – vai trò lịch sử đích đáng của ngài trong nhiều bài khảo cứu, công trình nghiên cứu lịch sử – tiêu biểu là cuốn sách “Nhà Triệu – Mấy vấn đề lịch sử” (Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh triết & Hội Nhà văn xuất bản, 2017).

Có dịp thư thả sẽ trao đổi với ngài kỹ hơn, còn ở đây, người làm phim chúng tôi chỉ xin hé lộ đôi chút nội dung tư tưởng phim liên quan tới hai nhân vật chính – Mỵ Châu và Trọng Thủy: Đôi lứa yêu nhau này thuộc hai “tiểu vương quốc” (chứ chưa có “quốc gia độc lập tự chủ”) kết thông gia với nhau giữa một cuộc chiến là đỉnh cao của mâu thuẫn nội bộ khi mà tiến bộ xã hội đã đặt ra nhu cầu liên minh bộ lạc, nhằm tiến tới sự ra đời của Nhà nước sơ khai… Đó là cơ sở xã hội – lịch sử để chúng tôi sẽ xây dựng thiên Tình sử bi thảm bên tòa thành cổ xưa này theo cách khác hẳn so với định kiến trước nay; còn nếu các ngài muốn trung thành với ý tưởng miêu tả Mỵ Châu là kẻ khờ dại, vô tình phản bội lại cha mình và Đất nước, và Trọng Thủy là gián điệp nguy hiểm, thì xin cứ mời tác giả và đạo diễn khác ạ…

Comments are closed.