Thêm đôi điều về bản dịch cuốn Tập sách cái cười & sự lãng quên

Trịnh Y Thư

Chỉ sau không đầy ba tháng toàn bộ bản dịch cuốn Tập sách cái cười & sự lãng quên của nhà văn Milan Kundera được đăng trên trang mạng Văn Việt.

Thiết tưởng cần nói thêm đôi điều về việc dịch nhan đề sách. Bản Anh ngữ của sách là The Book of Laughter and Forgetting; và bản Pháp ngữ Le livre du rire et de l’oubli. Cả hai có lẽ dịch sát nghĩa từ nguyên tác tiếng Tiệp Kniha smíchu a zapomnení. Tôi đã đắn đo khá nhiều trong lúc tìm một nhan đề tiếng Việt khả dĩ cho… “văn vẻ” một tí mà ý nghĩa không đi quá xa tựa sách nguyên thủy. Quả tình không dễ dàng chút nào. Tìm hiểu thêm, tôi biết người Trung quốc dịch là Tiếu Vong Thư, ngắn gọn, súc tích, sát với tinh thần Trung văn, nhưng hiển nhiên tôi không thể bắt chước hay mô phỏng họ, dịch là “Sách cười và quên” được. Bạn bè cũng có vài đề nghị, nhưng sau cùng tôi quyết định dịch là: Tập sách cái cười và sự lãng quên, nghe không “văn vẻ,” thậm chí không thuận nhĩ đối với đa phần độc giả người Việt, vốn quen với những nhan đề bóng bẩy, “kêu”. Tuy nhiên, sau khi suy xét, tôi thấy nó phù hợp nhất với cuốn sách này của Kundera, và tôi đã làm một chọn lựa tuy khó khăn nhưng quả tình không thể làm khác hơn.

Đúng ra nhan đề sách là Tập sách của cái cười và sự lãng quên, nhưng tôi bỏ chữ “của” vì ngữ pháp tiếng Việt cho phép tôi làm vậy. Nhưng tại sao lại “cái cười” thay vì “cười” hay “tiếng cười?”.

Trước hết, nếu dịch là “tiếng cười” thì chẳng những không chính xác, mà còn làm hạn hẹp ý nghĩa và tinh thần cuốn sách cũng như chủ ý tác giả. Do đó, tôi có thể yên tâm gạch bỏ cụm từ “tiếng cười” ra khỏi bộ từ vựng của tôi. Còn lại chỉ có thể là “cái cười”. Mạo từ “cái” tôi thêm vào không phải là tùy tiện cho xuôi tai, bớt cộc lốc. Từ “cái” trong tiếng Việt có một hàm nghĩa rất lớn: nó đứng trước sự việc để nhấn mạnh, nhưng nó cũng cho sự việc tính phổ quát. Vâng, “cái” gì cũng có thể là “cái” được, từ cái bàn cái ghế, cái ăn cái uống, chí đến “cái con mẹ”, “té cái bịch”, “tát cái bốp”, v.v. “Cái” là “Mẹ” (Bố Cái Đại Vương, con dại cái mang); “cái” còn là to rộng, lớn lao (sông cái, đường cái). Nếu có thể làm một bảng danh mục các trường hợp từ “cái” được sử dụng trong tiếng Việt, có lẽ tôi phải mất cả trang giấy. Bởi vậy, tại sao không là “cái cười” trong trường hợp này? Và, quan hệ hơn, tôi thấy nó quả phù hợp với ý nghĩa đặc trưng của tính hài trong cuốn sách, mà tôi nhận định trong phần dẫn nhập, Lời người dịch. “Cái cười” và “té cái bịch” có lẽ nằm trong cùng một hệ cơ số.

Rồi đến cụm từ “sự lãng quên” tôi cũng có đôi chút bối rối. Xin nói ngay, “lãng quên” có lẽ là một từ mới trong tiếng Việt, và thường được định nghĩa là: Quên mất, không chú ý đến nữa. Tôi nói “mới” bởi ở những bộ từ điển cũ như cuốn Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ, không có động từ này mà chỉ có “lảng quên” hay “quên lảng”, – xin chú ý, “lảng” dấu hỏi – và được định nghĩa là “Cố tìm việc nghĩ khác, việc làm hay thú vui để quên đi cái việc đáng buồn hay trái ý”. Truyện Kiều của Nguyễn Du không hề có cụm từ “lãng quên,” mà chỉ có động từ “lảng” với ý nghĩa là tản, vẹt qua nơi khác, như “lảng tránh”. Như vậy, tôi nên chọn “lãng quên” hay “lảng quên”, bởi ý nghĩa của hai cụm từ đó khác nhau, cùng là “quên” nhưng một bên là “quên” do vô thức sai khiến, và bên kia, “quên” có ý thức. Vấn đề cho tôi ở đây là cả hai đều sai, cả hai đều không cùng ý nghĩa mà Kundera muốn nói đến.

Ngay trong Phần I của tác phẩm – Những cánh thư thất lạc – Kundera đã đưa ra định nghĩa sau về “cái quên”, và nó chính là chủ đề tái hiện hoài hoài suốt cuốn sách:

“Cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là cuộc đấu tranh của trí nhớ chống lại sự lãng quên [forgetting]”.

Ngay tức khắc, nó cho thấy tôi sẽ không bao giờ lột dịch từ forgetting sao cho đúng với ý nghĩa mà Kundera muốn đặt ra. Về điểm này, Kundera nói rõ trong tập tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết:

“… con người luôn luôn ấp ủ tham vọng muốn viết lại tiểu sử của chính mình, muốn thay đổi quá khứ, muốn bôi xóa mọi dấu vết của chính hắn và kẻ khác”.

Ông cũng nói thêm, nó không phải sự lừa dối, nó tuyệt đối không có công lý trong đó, nhưng cùng lúc nó đem lại nguồn an ủi.

Xem ra, “lảng quên” có vẻ gần với điều Kundera muốn nói hơn là “lãng quên”. Nhưng nếu tôi dùng từ “lảng” ở đây thì chắc chắn có người bảo tôi viết sai chính tả! (Kỳ thực, điều đó đã xảy ra cho tôi).

Có vẻ như tôi bế tắc.

Để chạy làng, tôi có thể dịch là Tập sách cái cười và cái quên. Nhưng thú thật tôi là kẻ yếu bóng vía, dũng cảm lắm cũng chỉ lân la mân mó vành ngoài chứ vành trong thì chẳng dám!

Để an ủi phần nào, tôi tự nghĩ “lãng quên/ lảng quên/ gì gì quên” đều không có kết luận, như văn chương, như nghệ thuật, không bao giờ kết thúc, không bao giờ là chân lý, không bao giờ viên mãn, nên tôi cứ việc thả cho nó bay phất phơ ngoài khí quyển mà chẳng mong có ngày nó tìm được chỗ đáp an toàn trên mặt đất.

_DSC0148 - Copy

Dịch giả Trịnh Y Thư gặp gỡ Văn Việt tại Sài Gòn, tháng 1/2017: Nhà thơ Hoàng Hưng, Nhà văn Vũ Thành Sơn, Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, Nhà thơ Ý Nhi, dịch giả Trịnh Y Thư (từ trái sang).

Comments are closed.