Tháng 3/1975 – Tây Nguyên nắng khô mưa nhão máu người (kỳ 2)

Ngay cả khi thế giới này chỉ là một nhà thương điên

thì nó cũng chưa đủ để diễn tả những gì đang xảy ra nơi

đây.

Chỉ có thể nói đó là sự điên loạn được kích hoạt đến

tận cùng giữa một kho thuốc nổ…

Hồi ức Lê Công Tư

Lê Công Tư

Chiếc jeep bắt đầu tiến sâu vào vùng lửa đạn, rồi anh nhận ra chiếc xe bắt đầu đi vào một bình nguyên hẹp. Nhìn bản đồ thì đây là thị trấn Cheo Reo. Những bình nguyên mà người ta thỉnh thoảng vẫn thấy ở những vùng cao, nơi người dân tộc tận dụng để trồng lúa nước. Nơi đây xe cộ bị quăng vất, bỏ lại ngổn ngang giống như một bãi rác chứa xe hư, nó cho phép anh đoán ra là trước anh đã có không biết bao nhiêu người tìm cách thoát thân trên con đường này.

Bên trái là chiếc xe nhà của ai đó màu trắng, mở toang cửa hông. Một cô gái chết ngồi, thân cô như muốn nghiêng đổ ra ngoài. Mái tóc dài xõa bết xuống bùn đất như ngàn con rắn nhỏ màu đen đang tìm đường trốn chạy một thân xác đã không còn dưỡng chất. Dưới đất là những chiếc va li bị lục tung, trông rất giống một vụ cướp.

Xe cộ ngổn ngang đến độ chẳng còn đường để đi. Anh tính leo lên một ụ đất để đi cho nhanh. Có đứa bé khoảng ba tuổi nằm chết trên đó tự bao giờ, hai mắt đã bị con gì ăn mất. Anh chợt hiểu đứa bé đã chết trước ở đâu đó dưới đường đầy bùn đất và người có tâm nào đó đã đặt bé nằm lên chỗ cao ráo như tình cảm cuối cùng có thể dành cho một bé con trươc khi tiếp tục chạy ra biển.

Có lẽ chẳng có cái gì trên đời này khiến anh xúc động hơn cái chết của một đứa trẻ, bất kể nó là da vàng, trắng, hay đen, đang sống ở châu Phi hay Nam Mỹ, bởi chẳng có gì đáng tồn tại trên cõi trần này hơn sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng. Nó xứng đáng tồn tại gấp ngàn lần những lãnh tụ ba búa, những tượng đài mà mỗi lúc nhìn vào chỉ thấy đó là thủ phạm gây ra những thảm họa với xiềng xích ngu đần và những thảm kịch để lại trên đầu trên cổ nhân loại.

Lúc anh đang nghĩ ngợi lan man thì một ai đó la lên: Nhìn lên trời kìa. Ngước mắt nhìn lên trời, anh gần như anh không còn tin vào mắt mình khi trông thấy một người đã bị rớt khỏi máy bay, đang rơi tự do xuống cánh rừng trước mặt, trong khi chiếc phi cơ đang lao nhanh vào sườn núi phía tây như một vật thể bay tự do. Anh không thể biết số phận chiếc máy bay này sẽ ra sao vì nó đã lao khuất ra khỏi tầm nhìn. Anh chỉ có cảm tưởng là nó sẽ nổ tung ngay lúc đâm vào sườn núi nào đó ở cánh rừng bên kia.

Đạn nổ thưa dần rồi im bặt như thể súng đạn cũng đã quá mệt mỏi, cũng cần nghỉ ngơi. Buổi chiều xuống chậm, khô khốc giữa một đám người rệu rã tan hoang vì mệt mõi và lo sợ. Mọi người ăn qua loa cái gì đó rồi tìm một lùm bụi chui vào ngủ qua đêm.

Bóng tối phủ quanh rừng đầy đe dọa. Anh biết quanh đây là hàng trăm ngàn người đang lẩn với những bất an cùng sợ hãi, với nỗi chết đang lờn vờn ẩn hiện trong cái tử địa này. Anh thầm nghĩ nếu phải vĩnh viễn nằm lại nơi đây thì quả là cay đắng, cho dù cơ may thoát khỏi chốn này cũng ngang bằng với chuyện nằm lại nơi đây. Nằm trong bụi nghĩ ngợi lan man, anh chợt nhớ mẹ mình. Chẳng biết giờ này bà đang sống chết ra sao? Vẫn còn ở Đà Lạt hay đã trôi giạt về một chốn nào? Có đứa nào đang ở bên mẹ hay bà chỉ đang thuỉ thủi một mình… Cuối cùng thì giấc ngủ cũng đến, chập chờn nửa tỉnh nửa mê rồi thức dậy với tiếng chim hót vang lừng như để đón chào một ngày mới.

Mọi người ăn uống rồi lục tục lên xe. Súng đạn hình như cũng bắt đầu thức dậy. Chúng chào đón ngày mới bằng những loạt đạn thưa thớt, thăm dò rồi tăng dần, cho đến trưa thì đã dòn dã như pháo đêm giao thừa. Điều la lùng là dù đạn nổ rang nhưng chưa thấy ai chết. Chỉ một chặp sau là anh hiểu ra, đó chỉ là những loạt đạn bắn đi để trấn an một nỗi sợ hãi nào đó. Còn những xác xe xác người đang nằm lăn lóc đầy đường là họ đã chết từ trước đó mấy ngày. Tuy nhiên, mọi thứ hé lộ, dự báo cho anh biết đây sẽ là đoạn đường không chút bình yên. Nó thực sự biểu lộ tính ác liệt lúc anh thấy cả một buôn làng của người dân tộc đang chìm trong lửa đỏ. Đạn nổ rát cả mặt.

Đứa trẻ trên xe đang muốn chết khát, cái cổ nhỏ bé của nó đã ngoẽo sang một bên. Tay sĩ quan cha đứa bé quyết định: đàng nào cũng chết, phải quay lại phía đầu làng để lấy nước. Chiếc xe đang loay hoay tìm cách quay đầu thì anh nghe một tiếng nổ chát chúa sát bên mình. Anh bị đẩy té sấp xuống mặt đường, cảm thấy ngạt thở vì lượng không khí quanh xe đã bị đốt sạch. Lúc đứng dậy để lấy chiếc ba lô đang bị móc vào cái cái ăng-ten ở phiá sau xe, anh nhìn thấy cả bảy người trên xe hình như đã chết sạch. Tay tài xế chết ngồi, úp mặt vào vô-lăng. Đứa bé mặt đầy máu úp vào lòng mẹ. Những người còn lại thì chết ngả chết nghiêng đủ kiểu, mặt mày bê bết máu. Anh vội bỏ chạy, leo lên một chiếc GMC đã chật cứng người

Ngồi trên mui xe đủ để anh nhìn thấy khá rõ mọi sự. Dưới bầu trời xanh lơ của một buổi trưa tháng Ba, cả đoàn xe có đến hàng ngàn chiếc đang nằm gọn giữa một thung lũng ở Cheo Reo. Vẫn còn một tay đại tá công binh tên Thọ đang ra sức chỉ huy cuộc tháo chạy tán loạn này, cho dù tất cả mọi sự đã nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ vị tướng tài giỏi nào.

Bốn chiếc xe reo chuyên chở cây rừng đang nằm chắn ngang đường với đồ đạc bừa bãi bị bỏ lại quanh xe, dễ khiến anh nghĩ rằng cả bốn chiếc đều đã dính đạn pháo của Việt Cộng trước đó. Tay đại tá ra lệnh cho một chiếc thiết giáp mở con đường mới.

Một chiếc thiếp giáp gầm lên như con thú sắp tử thương trước lúc lao vào tử địa. Nó chỉ gầm được nửa phút, anh đã nghe một tiếng nổ khô khốc. Từ giữa chiếc thiếp giáp một cụm khói bốc lên. Chẳng thấy một ai thoát đươc ra ngoài. Nó nằm im như một thỏi sắt nguội. Có lẻ tất cả đều đã chết hết trong rồi.

Nhìn năm chiếc xe nằm bất động, anh đoán là Việt Cộng đã đặt ở đó một chốt chặn. Chỉ cần một khẩu B40, cộng sản đã chặn đứng đươc cuộc tháo chạy của những người dân cùng lính của cả vùng tây nguyên.

Tay đại tá vẫn tiếp tục ra lệnh cho mấy chiếc thiết giáp còn lại phải mở một con đường máu ra biển. Thay vì chạy về phía trước, cả bốn chiếc còn lại đều chạy tản vào những bụi cây trong thung lũn. Có lẽ họ không muốn số phận của mình sẽ giống như chiếc đầu tiên. Và lúc này thì những người lính cộng sản biết rõ là mình phải làm gì để kết thúc.

Sau này nhớ lại, anh nhận ra rằng đây là một cuộc truy sát dã man nhất không thua gì tết Mậu Thân 1968 ở Huế, đại lộ kinh hoàng 1972 ở Quảng Trị, vì thực chất cuộc chống đỡ trong lúc lui binh khỏi tây nguyên của quân đoàn 2 chỉ là một cuộc kháng cự lấy lệ. Cái mà họ muốn là được ra tới biển an toàn, và dù vậy, đa số người chết đều là nhân dân vô tội cùng với trẻ con. Có những chiếc xe nổ tung vì đạn pháo, trong khi trên xe chỉ có toàn con nít và đàn bà.

Chỉ khoảng sau ba phút, cả thung lũng đã đầy cứng người với xe nằm im bất động, hứng chịu cơn mưa đạn pháo. Một quả đạn pháo rơi ngay vào lòng chiếc GMC chật cứng người cách xe của anh khoãng ba mươi mét. Da thịt cùng quần áo của những người trên xe tung lên trời như một cơn mưa giẻ rách.

Đến giờ này thì anh nhận ra rằng không còn bất cứ chổ trú ẫn an toàn nào ở cái thung lũng này. Khuôn mặt lạnh lùng của thần chết hiển hiện rõ như ban ngày. Nó xé toẹt rồi lấy đi từng mạng sống con người. Chưa có lúc nào anh thấy mạng sống con người lại vô nghĩa, rẻ rúng, tàn mạt như lần này. Nó lấy đi mạng sống của từng người như thể nó chính là chủ nhân của sự sống vậy. Lần đầu anh có cảm tưởng câu “Trở về cát bụi” xem ra chẳng trúng trật gì với những cái chết tươi rói, khi những miếng thịt người vẫn còn hồng, còn máu tươi tràn lan trên đất vẫn còn nóng hổi… Những giấc mơ đời chưa kịp tới vẫn còn ở trên cao. Để đến được với những giấc mơ ấy con người phải bay lên chứ không thể thành bụi cát…

Trên đầu anh là một bầu trời xanh lơ đang thản nhiên dửng dưng nhìn ngó những con rối của tạo hóa chơi trò sanh tử…

Rồi tiếng đạn pháo thưa dần, cùng lúc đó anh thấy người lính đang đứng trên pháo tháp của một chiếc thiết giáp đang vẫy qua vẫy lại một lá cờ màu trắng được làm từ miếng ra trải gường. Ban đầu anh còn lơ ngơ chưa hiểu là gì, phải đến nửa phút sau anh mới lờ mờ nhận ra đó là lá cờ hàng. Và cũng là lần đầu anh biết thế nào là lá cờ của những người lính xin được đầu hàng.

Buổi trưa hôm đó là ngày 19 tháng ba năm 1975, có thể coi là ngày xóa sổ quân đoàn 2 cùng tất cả những đơn vị lính tráng trú đóng ở tây nguyên. Thấp thoáng sau những bụi cây là sự xuất hiện của những người lính cộng sản. Hình như họ đang tiến hành những thứ thủ tục gì đó với các hàng binh. Có cuộc cãi cọ mà anh nghe không rõ giữa kẻ chiến thắng với người bại trận. Anh thấy họ đạp người lính này chúi đầu vào xe tăng, kế đó là một tiếng nổ khô khốc. Tiếng nổ khô khan khiến anh nghĩ nhiều đến cái chết của một kẻ bị tử hình vì đã thua trận mà còn bướng bỉnh.

Vội vã chạy vào bìa rừng, anh cởi ngay bộ quần áo lính đang mặc trên người. Đó cũng là ngày cuối cùng anh mặc bộ đồ lính. Thấp thoáng sau những lùm bụi, khóm lá, tán cây đầy những người lính tình cảnh giống hệt anh, những gương mặt hoang mang tận cùng, tràn đầy sợ hãi.

Nhìn qua kẽ lá, anh thấy những người lính đang đứng bất động, hai tay giơ lên trời, quần áo đầy bụi bặm, mặt mũi mệt mỏi bơ phờ, cái rã rời tận cùng của những kẻ chỉ muốn mọi sự kết thúc cho xong sau một cuộc quần thảo kéo dài mấy chục năm trời.

Đi sâu vào cánh rừng phía trước với hy vọng không bị bắt làm tù binh, sau khi định vị bản đồ theo la bàn, anh nhận ra là nếu cắt ngang khu rừng trước mặt để đi qua bên kia dông núi đang chắn phía trước, anh sẽ đến được đầu đèo để ra Phú Yên. Thấy tình hình vẫn còn quá ngổn ngang, anh chui vô một bụi rậm nằm im chờ chiều xuống. Bãi chiến trường ngoài kia cũng đã lắng dần tiếng súng. Bọn họ đã đi đâu hết, còn trong rừng thì vẫn đầy người, hình thành từng nhóm nhỏ lính có dân có, mặt mũi tuyệt vọng lo lắng rã rời…

Trời vừa sập tối, anh, chui ra khỏi bụi rậm. Đi qua hết cánh rừng thưa là những rẫy sắn của người dân tộc, thấp thoáng bên kia rẫy sắn có ánh đèn. Ngôi làng này cũng đã nằm dưới sư kiểm soát của cộng sản. Anh nhận ra điều này từ một bản tin của đài Hà Nội được phát đi từ chiếc radio của ngôi nhà nào đó trong xóm về tình hình chiến cuộc.

Anh phải đi vòng quanh trong những lùm lá rậm quanh làng như một tên trộm để tránh phải vô làng. Tiếng nói phát ra từ chiếc radio nhỏ nghe càng lúc càng xa rồi mất hẳn, đủ để anh biết là mình đã xa ngôi làng và đang ở gần chân núi. Lờ mờ trong núi là bóng của rất nhiều người đang ẩn hiện như những bóng ma. Cũng như anh, tất cả đều muốn rời khỏi cái mê cung này càng sớm càng tốt.

Một cô gái thấy anh đeo bình đông nước bên hông liền hỏi anh:

-Anh còn nước không cho em uống, anh nói:

-Cô uống đi, nhưng uống vừa thôi, bởi không chắc gì tìm được nước ở chốn này đâu.

Khi biết anh có nước, cả ba người còn lại cũng xúm vào xin uống. Lúc này thì quả thật nước còn cần hơn cả Phật, Chúa, vàng bạc, châu báu, kim cương… vì nó đồng nghĩa với sự sống. Họ chuyền nhau uống hết bình nước. Cô gái đã có phần tỉnh táo:

-Em chỉ muốn về tới Nha Trang

-Tôi cũng muốn về đó. Cô cứ đi theo tôi, tôi có địa bàn, bản đồ. Có thể tôi với cô tới được Nha Trang nhưng cũng không loại trừ là tôi dẫn cô tới chỗ chết.

-Anh nói gì nghe ghê quá.

-Những gì đang xảy ra còn ghê gấp ngàn lần điều tôi nói.

-Kinh khủng quá anh ơi, em lạc hết cha mẹ rồi, chẳng biết họ sống chết ra sao… Đến Nha Trang anh ghé nhà em chơi, em sẽ đãi anh một chầu.

-Hy vọng tôi còn sống để ăn cái chầu cô đãi.

-Anh nhớ cái địa chỉ nhà của em…

-Yên tâm, tôi không lạ gì nơi đó. Tôi đã ở đó gần hai năm.

Bọn họ gồm ba người, mới quen nhau chưa đầy một buổi: hai đứa học sinh mặt mũi con non choẹt với một cô gái đang lạc cha mẹ. Họ bắt đầu cùng anh mò tìm con đường lên đầu dông núi. Mãi đến sáng, trời đất còn mờ mờ, anh nhận ra cả bọn đang ở trên sườn cao nhất của dông núi này. Trước mặt anh vẫn còn tiếp nối những đồi núi chập chùng, vẫn chưa thấy con đường đèo đâu cả cho dù anh biết chắc nó đang ở phía trước. Hai đứa học sinh nhìn anh tỏ vẻ hoài nghi khi thấy trước mặt chúng vẫn tiếp tục là rừng xanh núi đỏ. Bỗng nhiên anh đâm ra hoang mang với cái bản đồ đang cầm trong tay, với cả cái la bàn, chẳng lẽ nó đã hư nên cho phương giác sai…

Cô gái đề nghị nên hỏi đường người dân tộc đang ngồi hút thuốc. Cô nói:

-Em đoán đó là người của vùng này.

Vậy anh có biết đầu con đèo nằm ở đâu không?

Người đàn ông lấy tay chỉ về phía trước mặt:

-Nó kia kìa. Nhưng tôi không dám xuống đó vì Việt Cộng đang đầy dưới đó. Tôi thấy cả xe của họ chạy dưới đó, tôi đi ngõ khác.

-Ngõ nào?

-Tôi đi theo tiếng chim kêu cùng với dấu của lá cây.

-Nghĩa là sao?

-Tụi tôi cứ nhìn lá cây, nghe chim hót là có thể đi đến bất cứ chỗ nào.

Không nghe tiếng xe chạy dưới đó, anh nói cám ơn rồi dẫn cả bọn đi về hướng trước mặt. Qua hai cụm đồi nhỏ lúp xúp những bụi cây, trước mặt anh hiện ra một đoạn đèo ngắn uốn quanh qua một sườn đồi rồi biến mất khỏi tầm mắt. Nhìn con đèo mất hút sau những cánh rừng, anh thấy trong đầu hiện ra xa xa là đường chân trời, nơi đó có thành phố đầy nằng, có phố chợ, có người qua kẻ lại, những thứ mà trước đây chưa bao giờ anh nhận ra chút ý nghĩa nào, giờ lại trở nên vô giá. Chỉ cần được đi lơ ngơ ở nơi đó đã là điều vô cùng tuyêt diệu. Anh thèm tất cả những thứ đó, như là dấu hiệu xác chứng về sự sống.

Bây giờ là tháng ba, đất trời khô khan, chẳng chút gì bảo đảm là nơi đây có nước. Anh dặn dò cho có lệ, dù chẳng tin gì vào lời mình nói:

-Trong lúc đi nhớ chú ý đến những khe nước, con suối. Nếu không cả đám có thể chết khát.

Con đường đèo vắng ngắt không có lấy một bóng người. Những người lính Bắc Việt chắc đã di chuyển xuống miền xuôi. Trước mặt anh là những cánh rừng thưa khô khốc, chứng tỏ đã từ lâu nơi đây không hề có lấy một giọt mưa. Thỉnh thoảng họ gặp vài con suối khô trơ đá, và thời tiết bắt đầu nóng lên. Cứ đi loanh quanh loay hoay mãi trên những cánh rừng đã khiến cho cái la bàn và cái bản đồ trở nên vô dụng. Chúng có thể giúp anh xác định phương hướng nhưng không thể xác định được sư an toàn. Đã không biết bao lần phải bỏ cái hướng được xác định từ bản đồ để đi theo một hướng khác đầy cảm tính vì thấy nó an toàn hơn. Và rồi anh tự hỏi sẽ luần quần trong những cánh rừng thêm mấy ngày vô vọng nữa…

Đến gần chiều thì họ tới một cụm đồi nhỏ, có ba người lình đang ngồi, mặt mày khô khốc vì thiếu nước. Trong bọn này một đứa anh biết vì anh của thằng này học cùng với anh ở Đà lạt. Anh hỏi:

-Em có phải là em của Kim không?

-Dạ phải, sao anh biết?

-Tao là bạn học của thằng anh mày.

-Dạ em là Chi, em của anh Kim. Anh có nước không?

-Tao e rằng nước còn trong bình không đủ cho ba mạng, may lắm mỗi đứa được một nắp.

Khi anh đưa cái bình đông cho thằng gần nhất, nó mở nắp run rẩy thế nào làm rơi cả bình đông xuống đất, chút nước ít ỏi tràn ra, thấm hết vào đất. Khoản nước ít ỏi đó đã đốt rụi cơn khát, tiêu tan mọi hy vọng. Ảo ảnh xuất hiện. Người lính đánh rơi bình nước bắt đầu cơn mê sảng. Hắn nói tiếng Huế. Trong cơn mê sảng hắn nói như ngâm thơ: Kìa kìa dưới kia là mây trắng, bên kia là mấy bờ mây trắng… Tóc tai mặt mũi thằng cha này trông khá thi sĩ. Hắn rút ra một quả lựu đạn rồi rủ mấy người:

-Có ai muốn tự sát với tôi không?

Hai người lính kia đồng ý chết chung với hắn. Đứa em trai Kim nói với anh như thể trăng trối:

-Anh có về tới Đà Lạt nói với anh Kim là có gặp em trong rừng.

-Được, tao sẽ nói nếu tao còn sống.

Cả ba đứa ngồi chụm lại. Chúng đói khát run rẩy đến độ chưa mở được kíp thì quả lựu đạn đã rơi lăn lóc xuống hẻm núi. Không thằng nào còn đủ hơi sức để đi nhặt. Chúng ngồi im đó với một cơn điên cùng đám mây trắng chắc vẫn còn ở đâu đó trong đầu…

Bọn anh tiếp tục đi xuống đèo với những cái đầu lênh đênh mơ hồ, mơ hồ cả khi anh thấy bên đèo có một nhóm người đang ngồi ăn cơm, mơ hồ đâu đó là tiếng nói của cô gái:

-Anh ơi, họ có nhiều nước với cả thức ăn nữa. Em sẽ mua chứ không xin.

Rồi anh loáng thoáng nghe cô gái thương lượng mua nước với thức ăn, rồi anh thấy họ đã cho không chứ chẳng chịu mua bán. Rồi cả bọn được uống nước thỏa thuê…

Trong số đó có một người phụ nữ tuổi đã khá cao mà vẫn giữ được vẻ quý phái sang cả lạ thường giữa cuộc phong trần, vẫn còn nguyên nét đài các của con nhà trâm anh thế phiệt. Bà đổ vào tay anh một nhúm muối rồi nói:

-Tôi đổi hai chỉ vàng lấy ống muối này đó. Còn nước thì đổi bằng đồng hồ.

Cả bọn quyết định ngủ lại chỗ này. Anh vứt cái mùng cho cô gái:

-Cô chui vào mùng mà ngủ đi, ở đây nhiều muỗi lắm.

-Còn anh?

-Tôi quen rồi.

Hai đứa học sinh cũng tìm một cái bụi nhỏ để qua đêm. Còn phần anh, mệt mỏi đến rã rời, chỉ thèm một giấc ngủ. Đến nửa đêm, anh thấy có ai lay nhẹ mình. Mở mắt ra là cô gái.

-Anh vào mùng ngủ với em đi, em sợ quá. Mà em không chịu nổi thấy anh ngủ với muỗi.

Thấy anh ngần ngại, cô gái kéo anh vô mùng. Cảm nhận đầu tiên là cơ thể nóng ấm của cô, sau đó cô chủ động ôm lấy anh trong tiếng thì thầm:

-Anh yêu em đi… Chẳng biết ngày mai sống chết ra sao…

Anh nhận ra là mình mệt mỏi đến rã rời với cuộc thắng thua này, mệt mỏi đến tan nát với cuộc chiến tranh chết tiệt này… Cuộc làm tình chẳng ra làm sao, có thể là vì nền đất quá ứng, vì nỗi mệt mỏi đã quá ngưỡng. Anh chẳng thấy hứng thú gì và hình như cô gái cũng thế. Cái mà cả hai tìm được là hơi ấm của chút tình người còn rơi rớt giữa chốn rừng sâu.

Anh không thể nhớ là đã quanh quẩn trên những cánh rừng ở Phú Bổn này mấy ngày đêm, phải đi sâu vào bao nhiêu cánh rừng xa tiếng súng… và rồi cuối cùng đến trưa hôm đó, anh thấy loáng thoáng sau những tán lá cây là một con sông trong vắt đang trải mình dưới nắng trưa mùa hạ.

Sinh ra rồi lớn lên trên cao nguyên, lại là người hay di chuyển nên anh đã nhìn thấy khá nhiều con sông, nhưng chưa bao giờ có một khúc sông để lại trong anh ấn tượng sâu thẳm như lúc anh nhìn thấy thượng nguồn sông Ba buổi chiều hôm đó… Con đường ra biển, tới một nơi nào đó có con người sinh sống chỉ còn là vấn đề thời gian nếu anh cứ đi dọc theo con sông này.

Đã lâu lắm rồi anh mới lại thấy làng mạc của con người thấp thoáng đâu đó bên kia sông. Những mái tôn ánh lên dưới nắng trời rải rác bên bờ con sông nhỏ đầy đá sau hơn một tuần lễ quanh quẩn trong những cánh rừng Phú Bổn. Chưa bao giờ anh thấy cái gì thân quen gần gũi như thế cho dù nó vẫn còn ở khá xa. Cô gái reo lên:

-Thấy làng thấy người rồi, vậy là mình sống rồi.

Loáng thoáng bên kia sông là những rẫy bắp trồng lẫn với sắn mì. Anh nói cô gái tìm chỗ có bóng mát ngồi chờ anh bơi qua sông lấy bắp về. Bảy, tám người lính cùng theo anh lội qua sông, trong số này có một tay phi công vẫn còn mặc nguyên bộ đồ bay. Hỏi hắn sao không đi máy bay, hắn đáp do ham chơi ngoài Pleiku nên khi quay về phi trường thì đã quá muộn.

Dòng sông mùa hạ cạn chứ không sâu như anh tưởng, có thể lội qua mà không cần phải bơi. Khi tới bờ bên kia, anh thấy trên bờ có một đống lửa nhỏ với mấy trái bắp đang vùi trong đó, gần đó là một người đàn ông dân tộc đang lui cui cho bắp vô gùi. Anh lấy tay chỉ vào mấy trái bắp rồi chỉ vô bụng mình, người đàn ông dân tộc cười hiền khô, chỉ vô mấy quả bắp đang vùi trong lửa. Mấy người lính móc bóp trả tiền cho người dân tộc chủ rẫy, ông xua tay cười cười như muốn nói, cứ ăn đi tiền với bạc gì.

Ăn xong một bụng bắp, mỗi người mang theo một xâu bắp sống với củ mì rồi về lại bên này sông. Hai đứa học sinh đã chuẩn bị xong một đống lửa nhỏ.

Ăn bắp no, cả bọn đi dọc một khúc sông xanh đến rợn người, đầy đá, có cảm tưởng đây là khúc sông có thể có cá sấu, bởi vẻ hoang dã của nó khiến anh nhớ đến những con sông bên châu Phi mà anh thấy trong phim ảnh. Đi ngang một bãi cỏ lau cao lút đầu người, anh thấy một thanh niên trần truồng đang bò quanh, làm nát một vùng cỏ. Gần như không nhận biết gì về sự có mặt của người chung quanh, anh ta cứ bò quanh chẳng nói năng gì, trên đùi là một vết sâu đã khô máu to gần bằng miệng chén.

Cô gái nhìn người thanh niên vẻ chạnh lòng rồi cô để lại trên bờ cỏ mấy trái bắp nướng, còn anh như cảm được con người này đã đi gần hết đường đời, đang nghe lời mời gọi của cõi chết, đang nói lời từ giã thế giới này bằng sự câm lặng bò quanh lần cuối cái mặt đất tàn nghiệt này.

Qua khỏi bãi cỏ tranh là một bãi sông khá rộng, bên dưới bóng cây to là một người đàn bà mặc bà ba đen mặt mũi sưng vù, tím bầm đang ngồi trong tư thế thiền. Trước mặt người phụ nữ là con sông đầy nắng, bên kia sông là đồng vắng, xa hơn nữa là những dãy núi xanh thấp, buồn thiu nằm chắn ngang đường chân trời. Đôi mắt đục mờ của người phụ nữ như đã chạm đến cõi hư vô, cái cõi mà những nỗi khổ đau đã hóa đá. Cuộc đời như thể đang xa dần khi sự sống đang tháo gỡ dần những ràng buộc của nó với thân xác… Cô gái níu chặt tay anh nói khẽ:

-Nhìn ghê quá anh ơi…

-Anh sợ người này không qua khỏi đêm nay.

-Em cũng nghĩ vậy.

Nói xong cô để lại mấy củ sắn đã nướng dưới gốc cây rồi nói:

-Biết đâu chị ấy sẽ cần đến thứ này.

Còn anh thì có linh cảm những kẻ đi đến chỗ này sau anh sẽ thấy người đàn bà đã chết tự hồi nào, bên cạnh là mấy củ sắn vẫn còn nguyên vẹn.

Comments are closed.