Tháng năm ở Đại Trại (kỳ 2)

Tiểu thuyết

Mai Sơn

năm

BÌNH ĐÁNG LẼ không mang bộ mặt buồn rầu như thế này nếu hắn không chịu tù đày nhiều lần vì vượt biên bất thành. Lần vượt biên sau cùng hắn đi trên một chiếc thuyền nhỏ chở chín người. Hắn mang theo một chỉ vàng, khâu trong tay áo. Nửa khuya, một chiếc tàu lớn, ngang hông có chữ Chiến Thắng, chặn lại, kéo hết chín người lên tàu, bắt cởi hết quần áo ra, đập nát hết các thùng chứa nước, rồi thả lại xuống tàu. Sau đó, thuyền Chiến Thắng chạy ngược chiều tàu của anh, lấy hết tốc độ và sức mạnh đâm vào. Mũi tàu chẻ làm đôi thành hình chữ V ngược. Chưa chìm. Tàu Chiến Thắng cột chiếc tàu vượt biên của Bình đằng sau, chạy hết tốc lực, quyết nhấn chìm nó và những người ngồi trên đó. Vẫn không chìm… Bình quyết định nhảy xuống biển tự tử, để rồi thấy mình tỉnh dậy trong nhà giam.

Đầu óc ngổn ngang, rối rắm muôn vàn câu hỏi, chưa có một quyết định gì rõ ràng về những gì phải làm theo trình tự, anh tìm đến Bình. Bình sống trong một căn hộ chung cư. Bây giờ là mùa mưa, lối vào chung cư ngập nước, vài con chuột chết mập mạp ngửa bụng nổi lềnh bềnh. Có đêm anh ngủ lại nhà Bình, đêm đó không nghe thấy mưa, nhưng sáng hôm sau xuống hầm giữ xe, nước ngập lênh láng, anh đứng nhìn ngao ngán. Trong khi dân sống ở chung cư cởi giày, bọc ny lông vào hai bàn chân lội nước, anh tần ngần một hồi rồi cũng lao xuống. Nói theo ngôn ngữ của chính quyền và báo chí là do triều cường. Nghe rất kêu vang và khó hiểu. Vì chỉ khi nào nhà cửa, đường sá bị ngập lụt thì hai từ này mới nghe nói đến. Như một tiếng hân hoan.

Bình kéo anh xuống tầng dưới, một cái quán nhỏ, hai cái ghế gỗ, vài chai bia 333 và một ít mồi, thường là kêu lấy lệ gói bò khô để trả thêm tiền cho chủ quán chứ hai người không mấy khi đụng tới.

Anh nói khi hai người chưa kịp ngồi ấm chỗ.

Con Thủy bị công an bắt sáng nay.

Bình gần như bật dậy.

Sao vậy?

Nó đi biểu tình.

Trời. Nó hiền khô mà. Bây giờ phải làm sao?

Anh nốc một hơi hết nửa ly bia và kể tóm tắt mấy thông tin anh có được từ sáng đến giờ. Bình nghe xong, nói một tràng như đang đọc một bản án.

Bọn họ bắt người dễ dàng như trở bàn tay. Không dưng. Vô cớ. Nhưng đến mức bắt một cô gái như con Thủy thì không còn gì để nói. Chúng nó khốn nạn quá. Con Thủy có ở trong tổ chức nào không?

Thực sự là tao không biết.

Cứ cho là nó ở trong tổ chức nào đó thì cái cách nó biểu tình bất bạo động như vậy cũng không có tội tình gì. Họ không được phép bắt nó.

Bạn anh thật ngây thơ. Họ đã bắt con anh. Có phải họ muốn làm vậy để gieo rắc sự sợ hãi cho anh không? Anh nói,

Nhưng họ vẫn bắt.

Mọi sự đã thay đổi nhiều kể từ vài năm nay. Trước, người dân sợ hãi, rút vào trong sự im lặng riêng tư. Hoặc chỉ thầm thì nhỏ to với nhau về tâm trạng bất bình, phản kháng của mình. Mọi sự đóng kín trong một cái nồi áp suất. Nhưng do vậy mà không có nhiều vụ bắt bớ. Nay, người ta bớt sợ hãi, thì tin tức về những vụ khủng bố, đàn áp, đe dọa, quấy nhiễu ngày càng nhiều. Vấn đề là tin tức. Một người bạn anh thường xuyên bị an ninh quấy nhiễu nhưng anh ta nhất định không nói với ai. Không có công việc gì dễ làm như gieo rắc sợ hãi cho xã hội. Họ tấn công một người phụ nữ yếu đuối ngoài đường chỉ vì cô ta dám phản đối chính quyền phường, quận nơi cô ta sinh sống, và một lát sau, từ cả hai phía, chính quyền cố ý và người dân vô tình tiếp tay cho việc làm đó khi cùng đưa tin về sự vụ này. Ai mà không ngán bạo lực chứ!

Bọn họ suốt ngày chơi dao trong đầu một cách thích thú, say mê.

Anh tự nhủ phải cố gắng giữ bình tĩnh và vạch ra được những gì cần làm. Bây giờ là làm theo đúng pháp luật đàng hoàng hay làm theo luật rừng đây? Ở cái xứ sở này có pháp luật nghiêm minh sao? Ai đó đã nói, cái đất nước này có cả một rừng luật, nhưng người ta luôn xử theo luật rừng.

Tao đi với mày. Bình đột ngột đứng dậy nói, lúc đó đã gần nửa đêm, và người chủ quán đang lịch kịch dọn dẹp, chuẩn bị đóng cửa.

Đi đâu?

Chứ không phải mày nói mày sẽ đi khắp nơi để tìm cho ra con Thủy à?

Nhưng tao chưa biết bắt đầu từ đâu. Tao chỉ mới biết bắt đầu từ chỗ này, quán rượu này, với mày. Ngày vợ tao chết, dù thấy như đất trời đảo lộn, tao còn biết sắp xếp trong đầu mọi thứ hậu sự theo lớp lang để cuối cùng đưa bả về nấm mồ. Còn vụ này thì tao gần như bất lực.

Mày quen biết nhiều mà.

Mày muốn nói phải chạy thuốc? Nhưng tao hỏi mày, vụ này tiền bạc có giải quyết được không?

Tao chắc một trăm phần trăm vấn đề gì trong xã hội này cũng giải quyết được bằng tiền.

Nhưng mày nhớ rằng thằng bạn mày đang nghèo xơ xác nhé.

Tao biết. Tao sẽ phụ với mày.

Hết đòi đi chung, bây giờ đòi phụ tiền. Anh cảm động với thằng bạn. Nhưng anh không nghĩ như bạn anh.

Nhưng tao không tin là Thủy có làm gì sai, thì việc gì mình phải hối lộ chạy chọt. – Anh nói.

Người bạn nhìn anh ngạc nhiên.

Ai cũng có thể bị bắt giam. Ai cũng có thể có tội. Và ai cũng có thể ở tù mà không cần bản án. Vụ này hết sức phức tạp và nguy hiểm. Tao không biết an ninh đã có hồ sơ đen của Thủy chưa hay nó chỉ bị bắt lần đầu vì hành vi bộc phát? Con bé Thủy có ở trong tổ chức nào không?

Làm sao tao biết được?

Đó mới là vấn đề. Bọn họ sợ nhất là các hoạt động chính trị có tổ chức.

Tao không tin con Thủy ở trong tổ chức nào. Nó chỉ phản ứng bằng cảm xúc bồng bột. Như bao nhiêu thanh niên khác.

Mày không biết gì về con mày cả.

Sao mày nói vậy?

Nó phải ở trong một tổ chức, dù là nhỏ nhất, thì mới có thể bày tỏ được sự phản kháng.

Tao thực sự lo ngại vì không biết chính xác nó đang ở đâu. Khi gọi điện thoại cho tao Thủy cũng nói không biết đang ở đâu

Có thực là nó bị công an bắt không?

Sao mày hỏi vậy?

Câu hỏi khủng khiếp quá khiến anh bất giác cầm điện thoại lên, bấm số của Thủy. Anh nhìn đồng hồ: 11 giờ đêm.

Chuông reo. Một hồi. Hai hồi… Đến hồi thứ 10 thì có tiếng Thủy.

Ba hả?

Ừ, con đang ở đâu?

Con thực sự không biết. Con hỏi họ nhiều lần họ không trả lời.

Anh nghe tiếng Thủy và người đàn ông với giọng nói cho thấy còn trẻ đang nói chuyện qua lại.

Ba tôi muốn biết tôi đang ở đâu?

Cô cứ nói đây là bí mật.

Bí mật sao lại nạp pin điện thoại cho tôi?

Cấp trên của tôi bảo sao tôi làm vậy?

Anh hỏi dồn dập khi nghe con trả lời “không biết”.

Con có sao không? Con sẽ ngủ ở đâu? Con ăn uống, vệ sinh thế nào? Con có đang bị tobe không?

Ngày mai mới đến kỳ kinh của con. Con được cho ăn, nhưng con nuốt không vô, con chỉ uống nước. Con đang nằm trên chiếc giường gỗ, có mùng, và tấm mền hôi rình.

Con cần ba làm gì không? Ba phải làm gì?

Ba phải cho tất cả mọi người biết về tình trạng của con.

Điều đó có nguy hiểm cho con không?

Con không biết.

Có ai đang nghe con và ba nói chuyện không?

Chắc là có. Nhưng con không nghĩ con là nhân vật nguy hiểm.

Anh nghe đầu giây bên kia quát lên: “Thôi!”

Và những tín hiệu điện thoại tắt dần, vắng lặng.

Bình có thể không nghe Thủy nói gì trong điện thoại, nhưng chắc chắn anh đã nghe tất cả những câu nói của anh và suy ra những gì Thủy trao đổi với anh. Đột nhiên mặt Bình sáng lên vẻ dữ dội.

Có chết tao cũng đem Thủy ra khỏi tay bọn khốn này.

Trong phút chốc, trước mắt anh, Bình trở lại là một người đàn ông đầy bản lĩnh như bốn chục năm trước khi hắn còn học chung lớp, chung trường trung học với Bình. Vẫn còn nguyên nét cương nghị trên mặt hắn, một chàng trai từng là tổng thư ký hội học sinh trường trung học T. nhờ chiến thắng dễ dàng trong cuộc tranh cử vào chức vụ này bằng một bài diễn văn hùng biện. Tập hợp quanh hắn là những học sinh tài giỏi của các lĩnh vực văn nghệ, báo chí, thể thao… Bình tổ chức bãi khóa, biểu tình toàn trường dễ như trở bàn tay. Bình là con nhà giàu, một hãng nước mắm lớn nhất thị xã, nhưng hắn luôn bỏ quên cái phong cách sang trọng để hòa đồng với hầu hết bạn đồng môn nghèo khó, trong đó có anh. Bình xài sang là khi vào nhà sách mỗi cuối tuần, mua rất nhiều sách mới trước con mắt thèm thuồng của bạn bè, hoặc khi trong lớp, trong trường có những sự kiện quyên góp. Đặc biệt, vào những đợt đóng góp “cây mùa xuân chiến sĩ” vào mỗi dịp tết đến, một mình Bình bỏ tiền ra thuê hẳn một đội văn nghệ nổi tiếng nhất thị xã với vài ca sĩ, nhạc công hay nhất, mua vô số quà bánh, thuốc lá, rượu bia, sách báo rồi thuê xe chở tất cả đến một tiền đồn xa xôi trong vùng đang có chiến sự về đêm, hoặc thuê tàu thuyền chạy ra một đơn vị quân đội đóng ngoài đảo xa. Bình càng không giấu được sự hào phóng của mình khi không thể làm ngơ một người bạn học là lớp trưởng, tên Kiên, học giỏi nhất nhưng gia cảnh kinh tế thì mạt hạng. Kiên lúc nào cũng bị cái án đi quân dịch treo lơ lửng trên đầu. Không ai biết hắn cưu mang người bạn bất hạnh đó kiểu gì, nhưng mọi người đồn đoán Bình đã mua cho Kiên cái giấy “Động viên tại chỗ” để được miễn quân dịch hai năm liền, để cùng bạn bè yên tâm học hành chuẩn bị thi tú tài 2. Nhưng không kịp nữa, biến cố 75 đã đổ ập xuống. Khi quân đội miền bắc chiếm đóng thị xã, rồi chiếm cả miền nam, hãng nước mắm của gia đình hắn hoạt động cầm chừng được một vài tháng thì bị nhà nước trưng dụng, cha mẹ hắn bị kết án là tư sản bóc lột, mà trong danh sách những người bị bóc lột có cả ba Kiên làm công nhân chế biến nước mắm tập sự. Bình nói với bạn bè sẽ không thèm đi học nữa, nhưng ngày nào Bình cũng vào trường tìm gặp bạn trò chuyện, đi lang thang trong sân trường mỗi khi chiều xuống khi các bạn đã về hết.

sáu

SAU MỘT ĐÊM SUY NGHĨ, anh quyết định không nhờ vả ai cả, tự anh sẽ làm hết sức mình để giải thoát cho con gái.

Sáng sớm anh gọi cho đứa em gái đến nhà lấy mọi thứ quần áo, tư trang cần thiết của Thủy bỏ vào một cái vali.

Anh viết một lá đơn gởi cho Ủy ban phường, nơi anh cư ngụ. Một lá đơn khác, gởi cho Công an quận. Một thông báo ngắn sẽ đăng báo cho biết con gái anh bị bắt cóc ngay giữa Sài Gòn. Anh mừng thầm vì đã nghĩ ra được cái thông báo này. Nhưng liệu báo chí có chịu đăng không?

“Vào sáng ngày 11/11/2016 con gái tôi tên Nguyễn Thị Hoàng Thủy, sinh ngày 10/9/1994, bị một nhóm người bắt cóc đưa lên xe chạy mất, theo tường trình của một vài người bạn của con gái tôi đang cùng nhau đi biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm Biển Đông tại quảng trường trung tâm thành phố vào sáng ngày….

Đã hai ngày qua tôi không nhận được thêm tin tức gì của con gái ngoại trừ một cuộc điện thoại ngắn, nó nói an ninh đang bắt giữ nó, nhưng tôi không tin. Nếu cơ quan an ninh đang bắt giữ nó, họ phải thông tin cho người thân của nó, là tôi. Hơn nữa, nếu cơ quan nào bắt nó, họ phải tìm đến nhà nó, tức là nhà tôi, để khám xét theo đúng thủ tục bắt người.

Tôi cầu cứu mọi người về trường hợp con gái tôi bị bắt và có thể bị khủng bố tinh thần lẫn thể xác. Những kẻ bắt giữ con gái tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này”.

***

Anh cột cái va li nhỏ đựng đồ đạc quần áo của Thủy sau xe máy, rồi chạy ra quán cá phê nơi Bình đang đợi anh. Từ giờ này anh có cảm giác mình là kẻ đang dập dềnh trên sóng to gió lớn mà Bình là cái phao của anh. Anh đi với Bình đến công an phường trình báo. Bình đứng bên ngoài. Viên công an trực ban đọc xong lá đơn, nhìn anh lạnh lùng, như muốn ăn tươi nuốt sống anh, trong khi chung quanh, những cái bóng màu xanh lá cây chợt tối lại như bóng ma lởn vởn qua lại dòm ngó anh như một con quái vật.

Trên đầu viên công an là những khẩu hiệu về đảng, về sự trung thành tuyệt đối, về sự tồn tại của chế độ.

Con chú là phản động à? – Cậu ta hỏi anh nhẹ bang, như không hề nghĩ rằng với câu nói đó cậu ta có thể bị nghiền nát dưới sự phẫn uất của anh, nếu sự phẫn uất của anh có thể biến thành sức lực vật chất. Anh cảm thấy bàn tay mình bất giác động đậy.

Anh muốn tát vào cái mặt bụ bẫm của cậu ta.

Sao cậu nói vậy?

Cậu ta nhìn xoáy vào mặt anh. Anh trừng mắt nhìn lại.

Đi biểu tình gây rối là phản động chứ còn gì nữa?

Ai nói với cậu đi biểu tình là gây rối, là phản động hả? Biểu tình là một quyền công dân được ghi trong hiến pháp. Biểu tình là biểu lộ thái độ của mình trước những điều trái tai gai mắt của chính quyền. Chính quyền làm sai, mình có quyền biểu tình phản đối.

Thôi, chú về đi. Có tin gì mới chúng tôi sẽ báo cho chú. – Cậu ta thoắt trở lại bình tĩnh, không hẳn vì nể nang một người lớn tuổi như anh, mà có thể vì vụ này vượt ra ngoài khả năng xử lý của cậu ta.

Mặc cậu ta, anh chỉ cần vậy. Anh không tin cái cơ quan này có thể giúp đỡ được gì cho mình.

Bất chợt nhớ đến một đêm khuya năm ngoái khi cậu ta vào nhà anh kiểm tra hộ khẩu dịp trước tết. Sau khi nhìn chiếu lệ cái sổ hộ khẩu, hỏi han qua loa, cậu ta quay ra thì anh nắm vai cậu ta giữ lại, như người lớn giữ vai một đứa trẻ trên hè phố. “Có cái này cho cậu”. Anh lấy cái hộp quẹt zippo mới toanh trong tủ ra tặng cậu ta. Anh làm điều đó một cách vui vẻ, nhưng hình như trong sâu xa vô thức anh muốn hối lộ cậu ta, một đại diện quyền lực ở cấp thấp nhất, một phần trong cái hệ thống sinh sát của chế độ này, dù anh chẳng làm điều gì sai trái. Sáng hôm sau con gái anh vặn hỏi anh “Sao ba tặng nó món quà quí giá như thế chứ? Nó có xứng đáng đâu! Mà ba cũng đâu có làm gì mờ ám để phải quà cáp cho nó?” Anh cứng họng, xấu hổ. Con gái anh còn chì chiết chuyện này nhiều ngày sau nữa, vì đó là món quà của người thân từ bên Mỹ gởi tặng anh. Dù không hút thuốc nhưng lẽ ra anh phải giữ lại cái bật lửa đẹp đó, có thể cho con gái để nó tặng bạn trai nó, chẳng hạn. Ân hận một thời gian rồi cũng quên. Không lâu sau đó anh lại tiếp tục tặng quà cho một viên công an phường khác, cũng sau một lần kiểm tra hộ khẩu. Lần này là chai rượu Tây. Anh đã cố giấu không cho con gái biết. Tại sao anh phải làm vậy? Anh không tự hỏi lúc đó. Lúc này anh mới có chút phản tỉnh, nhưng vẫn chưa kịp hiểu ra.

Anh còn nhiều chuyện khẩn bách với đứa con gái anh.

Việc tiếp theo, anh nói với Bình khi rời khỏi trụ sở công an phường, là đến trường đại học X, nơi Thủy là sinh viên khoa tiếng Anh.

Thoát khỏi cánh cổng bảo vệ lạnh lùng và cái thang máy chật cứng người cười nói nhốn nháo, anh nháo nhào chạy đến phòng giảng viên của khoa, nơi anh từng đến một lần trước đây hôm Thủy bị hạ huyết áp được đem đến đây, nằm ngất trên bàn.

Anh đi qua những căn phòng ngăn lại bằng những tấm kính, như những cái hồ cá, người ngồi bên trong có vẻ dài ra, uốn éo, như bơi trong nước; những lối đi nhỏ hẹp, có lúc anh phải dừng hẳn lại vì sợ va phải kính.

Từ ông trưởng khoa ngoại ngữ, đến bà trưởng bộ môn tiếng Anh, cô thư ký khoa, và một vài giảng viên anh quen mặt, không ai muốn nhìn anh lâu. Họ chỉ ngước lên rồi nhanh chóng cúi xuống công việc của họ. Hình như họ đã biết chuyện gì đã xảy ra với con gái anh. Và họ bình tĩnh, thờ ơ trước câu hỏi của anh: “Con tôi giờ đang ở đâu? Nó bị người ta bắt vì chuyện gì?” Đối với họ có thể đó là một câu hỏi hoặc là quá ngớ ngẩn để quan tâm, hoặc là quá bí hiểm để trả lời. Cuối cùng, cũng có một người đồng ý nói chuyện với anh. Một người đàn ông cao to. Không biết từ đâu ông lù lù đến gần anh, đưa tay ra cho anh bắt, rồi kéo ghế mời anh ngồi. Cái nhìn anh bị hút vào cái quần trắng láng, xếp ly, mới cáu của ông ta.

Tôi là Thanh, tiến sĩ, giảng viên triết học. Không chờ anh hỏi, ông tự giới thiệu ngay cả khi chưa ngồi xuống ghế.

Anh không hiểu sao một tiến sĩ triết lại gặp anh. Rồi lòng thầm hỏi, sao có thể gọi là triết học một môn học đã bị chính trị hóa tối đa như thế dù Marx có thể là một triết gia lớn? Anh nghĩ rồi gạt ngay cái ý tưởng mỉa mai đó ra khỏi đầu.

Anh nóng lòng hỏi ngay,

Chắc các anh chị biết Thủy đã mất tích. Tôi muốn biết rõ con tôi bị bắt trong trường hợp nào?

Tôi thật sự không biết. Tôi tưởng là nó bị bắt tại nhà chứ?

Anh kêu lên,

Nó bị bắt giữa trung tâm Sài Gòn. Bạn trai nó thông báo với tôi.

Khi nào? Mà chú cần bình tĩnh, và nói nhỏ một chút.

Anh hít một hơi sâu.

Sáng chủ nhật vừa rồi.

À, cô Thủy đi biểu tình?

Tôi không biết.

Trời đất! Chú phải biết chứ? Tôi nghe nói sáng chủ nhật vừa rồi có một cuộc biểu tình nhỏ ở trung tâm Sài Gòn.

Ông có thể giúp tôi liên lạc với con gái tôi càng sớm càng tốt không?

Tôi không dám hứa. Nhưng tôi sẽ cố gắng.

Giọng điệu ông ta không khác với viên công an trẻ ở phường lúc này. Có vẻ như ông ta vừa hả hê vừa bực bội khi biết tin con gái anh bị bắt. Ông mời anh đi ra ngoài, tìm một quán cà phê cóc. Ông làm như thể câu chuyện của anh không xứng đáng diễn ra trong văn phòng trường, hay là nó có thể làm vấy bẩn đến thanh danh của ông. Vừa ngồi xuống cái ghế đẩu quán cà phê vỉa hè ngay trước cổng trường, ông nói: “Tôi đã nhắc nhở Thủy mấy lần rồi”.

Anh hỏi ngay,

Anh nhắc nhở nó điều gì?

Khuôn mặt ông ta dường như đang nở ra từng thớ thịt, và cái miệng tỏ vẻ khinh miệt khiến nó gần như méo qua một bên.

Cô ta hay viết về những vấn đề chính trị đưa lên mạng, quá nhạy cảm, đúng hơn là quá nguy hiểm, tôi bảo cô ta không nên làm thế, cứ tập trung vào chuyện học. Nhưng cô ta không nghe. Nhiều lần cán bộ an ninh đại học, thông qua tôi, muốn gặp cô ta để nói chuyện, nhưng cô ta không chịu gặp họ.

Anh nhìn ông, không hẳn là tức giận hay thất vọng. Vì ông hết sức thành thật. Anh ước gì ông có thể ngồi lại với anh đủ lâu để anh có thể tranh luận với ông, dù lúc này anh không có một lý lẽ nào trong đầu, chỉ là một mớ cảm xúc giận dữ bất lực. Và ông thì chẳng khác gì tay công an kia: công khai nói rằng cha con anh đáng bị trừng phạt vì đã không đi cùng con đường với họ.

Anh nói,

Người dân thấy chính quyền làm sai, thì không có quyền biểu tình phản đối sao?

Ông trả lời tự tin, như cái máy,

Mọi góp ý đều phải đúng mực, không cực đoan, và đúng luật pháp.

Trong đầu anh vẫn chưa có lý lẽ gì rõ ràng, nhưng anh cảm thấy mình chỉ cần nói những gì bao lâu nay mình vẫn lầm bầm một mình:

Bằng cách nào để phán xét một hành động là không đúng mực, cực đoan, và sai luật pháp?

Ông ngồi ngay ngắn lại trên ghế, và lần đầu tiên ông nhìn lâu vào mắt anh.

Rất dễ thấy, chú ạ. Vì đó là những cái quá cá biệt, những con người lẻ loi. Như người ta đi vào đường ngược chiều vậy. Chú hiểu tôi nói không? – Giọng ông ta bỗng cao lên, như người ca sĩ chuyển qua một cung bậc khác.

Bây giờ không chỉ là vẻ mặt tự tin, mà cả giọng nói ông ta nữa cũng là cái giọng tự phụ và đắc thắng, nhưng cố kềm giữ. Nhưng dáng ngồi đã phản bội ông ta, ông ta gần như ưỡn người ra, khoan khoái, như hiện thân của chân lý, của sức mạnh. Trong một lúc anh cảm thấy mình hoang mang. Hình như anh, con gái anh, và Bình đang cô đơn lạc lõng, và cái hình ảnh đi ngược chiều mà ông ta nói đến hiện ra trong tâm trí anh. Anh thấy lẽ ra đó phải là cách nói năng của anh, cách nói năng bóng bẩy thường có khi anh đùa giỡn với đám học trò của mình ngày nào.

Anh lo sợ thật sự. Lần đầu tiên từ nhiều năm nay anh thấy anh và con gái cùng đi trên một con đường. Nếu anh tranh cãi thêm với tay giáo sư này, tình cảnh đó sẽ thêm đậm nét. Không, anh đã chôn chặt sự bất lực của mình. Bình bạn anh có thể đi với anh đến cuối con đường, nhưng Thủy con anh thì không. Anh không muốn nói gì với Thủy, chưa bao giờ thổ lộ dù chỉ ít nhiều sự bất mãn, hay bi quan hay phản kháng của mình. Phải chăng vì thế mà cha con anh không thân nhau? Anh nhớ một lần anh ngồi thật lâu trong phòng ngủ của con, lần đó nó bị bệnh nằm mấy ngày. Khi đứa em gái anh săn sóc nó xong, giao việc lại cho anh, anh mới nhìn rõ khuôn mặt nó, khuôn mặt dĩ nhiên có nhiều nét giống mẹ nó, nhất là cái mũi nhỏ thanh tú, và đôi lông mày xa nhau. Anh sờ tay lên trán nó. Anh nắm tay nó. Anh giữ khuôn mặt nó trong tay, nâng đầu nó lên, cho nó hớp nước. Nhưng tuyệt nhiên không nói gì. Hình như nếu nói bất cứ điều gì ra thì một trong hai người sẽ bật khóc. Vì mỗi người đều có chung một chất chứa không bao giờ dám thổ lộ, không bao giờ dám đối mặt: những kỷ niệm về một người đàn bà. Nó muốn nghe anh nói; anh muốn nghe nó nói. Chắc chắn như vậy. Anh suýt ứa nước mắt. Nhưng anh không cần giấu diếm. Anh thương con và anh phải chiến đấu đến cùng. Cuộc chiến đấu đó bắt đầu từ hôm nay, ở đây, với người đàn ông này. Nếu ông ta muốn.

Anh vẫn chưa có gì rõ ràng trong đầu, ngoài những nỗi niềm mà anh và bạn bè thường than vãn với nhau.

Phải, chúng tôi cô đơn như những con người đi tìm tự do. Còn số đông kia không biết mình bị giam cầm, không biết mình bị đánh cắp tự do.

Ông giáo sư cựa quậy trên ghế, ngửa cổ uống cạn ly cà phê đá. Ông trừng mắt nhìn anh,

Chú cũng cực đoan như con gái chú thôi.

Anh nói rằng nói một ai đó cực đoan là cách dễ nhất để gây bạo động hoặc chấm dứt tranh luận. Nhưng càng lúc anh càng cảm thấy mình đối đáp kém đi.

Ông giáo sư được trớn, nói tiếp,

Đất nước cần sự ổn định chính trị, chú à. Phản biện là cần thiết, nhưng cần nằm trong khuôn khổ và sự kiểm soát của chính quyền. Chính quyền có đủ cơ chế để tiếp nhận phản biện và phê phán của người dân mà chú.

Đến đây thì cơn giận trong anh kéo đến. Người đàn ông này đã hiện rõ là một tuyên truyền viên chính trị khoác áo khoa bảng. Ông ta không cần che giấu nữa. Anh từng nghe nói người ta đã cài vào các trường đại học những cán bộ an ninh tư tưởng – văn hóa.

Anh thấy phái kéo ông ta vào bài diễn thuyết của mình. Anh hỏi,

Ông có hiểu ổn định chính trị của các ông thực chất là gì không?

Ông giáo sư có vẻ muốn rời khỏi ghế, nhưng không kịp nữa rồi. Tấm lưới ngôn từ của anh đã chụp lên ông ta. Lời lẽ của anh đã tuôn ra như súng máy. Bài diễn thuyết này anh gần như thuộc lòng vì cứ lấy mình và bạn bè ra làm khán giả trung thành qua những đêm dài phẫn hận.

Về cái gọi là ổn định chính trị, có thể nói các ông đã và đang thành công, nhờ vào những chiến lược như: độc quyền cai trị, dập tắt tiếng nói yêu nước, gieo rắc sợ hãi, từ chối giáo dục khai phóng (tức là ngu dân), tuyên truyền nhồi sọ, che giấu sự thật, làm tổn thương tất cả mọi tầng lớp dân chúng khi bắt họ phải cắm đầu cắm cổ mưu sinh, không còn thì giờ để mưu cầu điều gì khác, những giá trị nhân bản khác, phá nát những trụ cột tinh thần, văn hóa, đạo đức khiến người dân cảm thấy bơ vơ, nhấn chìm đất nước vào vũng lầy của đói nghèo, lạc hậu trong vô vàn dự án vô tri, vô trách nhiệm. Các ông cũng thành công nhờ vào những chiến thuật, thủ thuật, thủ đoạn giữ gìn an ninh trật tự được vận dụng hàng ngày, ở khắp mọi nơi. Thành công, vâng, rất thành công là khác, nếu nhìn quốc gia như nó được bao bọc vây kín giữa bốn bề thành lũy. Nhưng, nếu xét quốc gia như một thành viên của cộng đồng nhân loại, nó có còn đáng gọi là quốc gia nữa không khi mà những đặc tính nổi trội của người dân lại là cam chịu, sợ hãi, phẫn hận, bất lực, đói khát vật chất, trống rỗng tinh thần, mất hết những trụ đỡ từ xã hội, từ cộng đồng và trên hết là không còn tin vào chính quyền của mình nữa. Một khối người như thế nhất định là mối đe dọa bùng nổ vào bất cứ lúc nào, một sức phá hoại và hủy diệt. Lâu nay xã hội đã cảm nhận sự đe dọa đó, đã nhìn thấy sự đổ vỡ từng phần đó. Rồi thời gian sẽ làm thối rữa mọi thứ. Một đơn cử: hầu hết trí lực xã hội hiện nay đều dồn vào mục tiêu phản kháng chính trị hoặc phản-phản kháng. Rất ít trí lực dành cho xây dựng. Một quốc gia như thế này chắc chắn sẽ như con tàu chìm mất vào đại dương tối tăm.

Mặt ông giáo sư đỏ bừng lên; ông thấp thỏm cựa quậy trên ghế, nhìn quanh, nửa như muốn bỏ chạy, nửa như sợ hãi có ai đang nghe những lời ghê gớm của anh. Phải, ông ta sẽ bị kỷ luật nếu ngồi đối đáp, trò chuyện với một “phần tử phản động” nói oang oang nơi công cộng những điều ghê gớm, ngược lại hoàn toàn với giáo điều, nghị quyết mà hàng ngày ông và các đồng chí của ông vẫn tụng niệm.

Anh dừng lại rất lâu sau câu cuối cùng đó. Anh ngước nhìn tòa nhà cao tầng lạnh lẽo trước mặt và bất giác cảm thấy cái khối bê tông tráng lệ này được làm ra để vây nhốt tinh thần, nuốt hết tình người, không cho ai thoát ra như một cá nhân. Nó đóng hộp tất cả mọi người. Anh nhìn thấy một khoảng trời xanh hiện ra ở cuối đỉnh cao tòa nhà. Anh cố gắng nhìn ông tiến sĩ triết Mác-Lênin một lần cuối. Khuôn mặt này sẽ lưu mãi trong trí nhớ anh như một biểu tượng của tinh thần trí thức bị sa đọa. Anh im lặng không nói hỏi gì thêm, mặc cho ông ngồi lúng túng. Và anh không rõ ông rời khỏi chỗ ngồi từ lúc nào, bằng cách nào mà anh không hay biết. Anh trả tiền cà phê, trong lòng rất khó chịu vì không muốn trả cho phần của ông ta chút nào.

Bình đứng từ xa, xắn tay áo nhìn đồng hồ, rồi hướng cái nhìn sốt ruột về phía anh.

Anh sực nhớ lúc này việc cấp bách là đưa được bao quần áo đến cho con anh. Nhưng biết đưa đến đâu bây giờ? Anh lấy điện thoại ra. Màn hình trắng trơn. Và lần đầu tiên anh thật sự hoang mang: nếu không phải nó bị công an bắt thì sao? Anh phải lần lại từ đầu để tìm hiểu xem con anh bị bắt trong hoàn cảnh nào.

Lúc ấy khoảng 10 giờ sáng. Ở quán cà phê C., anh ngồi ngoài sân, có thể nghe được tiếng nước chảy rì rì dọc từ mái nhà xuôi theo vách đá. Nhạc của quán luôn là nhạc dịu êm không lời phát liên tục, như thể đó là một cái nền mỏng của âm thanh. Trong khung cảnh êm đềm đó anh nhận tin sét đánh.

Bình sốt ruột, đứng bậy dậy khỏi cái ghế đẩu của quán cà phê vỉa hè, hỏi anh,

Có tin gì mới không?

Anh lắc đầu. Bình hỏi tiếp,

Bây giờ đến đâu để tìm thông tin đây? Công an quận? Công an Thành phố?

Cứ đi đến Công an quận trước đã. – Anh đáp.

Nhưng tại sao không thông báo cho Hồng một câu? Gần hai ngày nay mình đã để cô đứng ngoài biến cố này. Anh tự hỏi và quyết định gọi cho cô, chỉ để cho cô biết tình trạng của anh và không thắc mắc vì sao anh không gọi cho cô gần hai ngày nay.

Anh biết chắc chắn là Hồng không muốn rơi trực diện vào những hoàn cảnh như thế này. Cô là phi chính trị, muốn đứng ngoài chính trị, muốn quên nó, vì chịu không nổi sức nặng của nó đè lên tâm hồn cô.

Hồng bật khóc trong điện thoại khi nghe anh nói vắn tắt chuyện Thủy bị bắt và những diễn biến sau đó. Anh hơi bất ngờ, dù biết Hồng vẫn thường khóc trước những câu chuyện thương tâm. Nhưng Hồng ghét nói về chính trị, như rất nhiều phụ nữ khác.

Anh chỉ báo để em biết trong mấy ngày tới hoặc lâu hơn có thể anh sẽ không liên lạc với em.

Giọng Hồng tỉnh rụi như chưa hề khóc vài phút trước.

Em phải đi với anh, dù em không thích chuyện này chút nào. Em sẽ cùng anh đi tìm Thủy. Em cũng có một vài quan hệ có thể nhờ vả. Đây là một tai nạn ghê gớm. Và anh biết em rồi đó, em không thể đứng ngoài nhìn những chuyện như thế này, huống chi đây là con gái anh. Anh có muốn em đi cùng anh không?

Anh muốn nói anh đã có Bình những ngày này, nhưng không hiểu sao, anh trả lời nhẹ nhàng,

Em đến nhà anh đi.

Hồng sẽ làm được gì? Anh chỉ mơ hồ thấy cô sẽ an ủi anh phần nào thôi.

Hồng không thích chính trị, nên mỗi lần gặp nhau, hai người tránh đề tài đó. Dĩ nhiên Hồng biết anh mang nặng những ưu tư về chính trị, về xã hội. Hồng biết cuộc sống hiện tại của anh hoàn toàn bị che khuất bởi những mất mát trong quá khứ. Nhưng trước mặt cô, anh hoàn toàn là người của hiện tại, với đầy ắp dự kiến. Anh dạy Anh văn ở một trung tâm nhỏ, ban đêm ngồi dịch sách, cho nên luôn bị sức ép từ những hạn cuối của các công ty xuất bản. Khi rảnh anh vùi đầu đọc các loại sách nghiên cứu chỉ để trao đổi với bạn bè. Anh đặc biệt thích đọc lại lịch sử Việt Nam hiện đại. Với anh, lịch sử dân tộc làm nên một chiều kích của thân phận con người, hiện hữu con người, và nếu lịch sử bị xuyên tạc, bị che đậy, bị diễn dịch theo uy quyền thì phải tìm cách phục dựng lại nó, cũng chính là phục dựng lại những đống đổ nát trong tâm trí của chính mình. Đọc lịch sử không phải vì tò mò. Hồng thích nghe anh kể những câu chuyện lịch sử lâu nay nằm trong bóng tối lần đầu tiên được vén màn lên, những chuyện thâm cung bí sử, và những nhân vật lịch sử được trả lại đúng như nguyên vẹn không tô vẽ hay bôi nhọ. Ngoài ra, anh chơi đàn và Hồng hát rồi vuốt ve nhau, ôm ấp, và làm tình. Như vậy là đủ hết thời gian mỗi lần gặp nhau. Với Hồng bên cạnh, anh quên hết. Nhưng với Bình bên cạnh, anh trở lại là người bi quan mà hầu hết mọi người đều muốn tránh xa. Hồng cũng nhiều lần tránh xa anh, bỏ anh những lúc anh chưa kịp quay lại với con người sôi nổi bên cô, những lúc anh còn chìm đắm trong dĩ vãng đen tối. Người ta không thể sống với quá khứ được sao, nếu hiện tại không đáng để chăm chú và tương lai không đáng để chờ đợi?

Nhưng bây giờ thì hiện tại đang trương phình từng phút quanh anh, theo cách của một trái bóng mà người ta đang bơm lên, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Hiện tại đang chiếm giữ anh hoàn toàn. Nhưng nó chiếm giữ anh bằng mênh mông không lời, không điểm tựa, không manh mối.

Hồng chỉ lớn hơn Thủy con anh vài tuổi. Và hai người phụ nữ này rõ ràng không hợp nhau. Thủy không niềm nở với Hồng lần đầu anh đưa Hồng về nhà; và Hồng cảm thấy điều đó. Dần dần hai người trở thành hai thái cực, có người này thì không có người kia; anh chỉ đưa Hồng về nhà khi nào không có Thủy. Có lần anh hỏi thẳng Thủy: “Con có vẻ không thích cô Hồng?” Thủy cũng thẳng thắn trả lời: “Ba biết rồi mà. Con còn yêu mẹ”.

Hồng ở ngoại thành, xa, mất gần hai giờ chạy xe máy. Mỗi lần đi chơi về khuya, anh muốn cô ở lại với anh, nhưng thường cô giận dỗi nhất định đòi chạy xe máy về vì sợ đi lại trong căn nhà có ánh mắt lạnh lẽo của Thủy. Anh không ngăn được. Hoặc anh ngăn cản chiếu lệ, để rồi thường chịu đựng tâm trạng lo âu suốt hai giờ đồng hồ chờ cô nhắn tin đã về đến nhà. Có thật là Thủy lạnh nhạt với Hồng vì còn yêu mẹ nó không? Anh chưa từng có ý định tìm hiểu vấn đề này.

***

Rời khỏi trường, Bình chở anh đến trụ sở công an quận. Đang đi, điện thoại chợt rung lên gay gắt trong túi anh.

Stop Bình. Mình có điện thoại.

Giữa dòng xe cộ, Bình phải xoay xở một hồi mới tấp vô lề được. Lưng áo Bình đẫm mồ hôi. Phía trước cái tấm lưng gầy này là một gương mặt cứng rắn. Trong một lúc anh nghĩ Bình có thể đưa anh đi bất cứ nơi đâu. Anh tìm một chỗ trên hiên nhà. Buổi trưa nắng dễ làm người ta muốn điên. Nắng không quá gắt, nhưng cứ gây nhức nơi mắt, xoáy vào đầu khiến ta nghĩ đến quá khứ, mà quá khứ toàn là những chuyện không vui.

Một dãy số lạ, và một tin nhắn: “Con anh sẽ được thả sớm. Anh đừng đi tìm nữa”.

Vẻ thất thần vụt hiện như một đám mây trên mặt anh khiến Bình từ xa giật mình, vội dựng chống xe, đến gần anh.

Có gì vậy? – Bình hỏi.

Anh run run giọng trả lời:

Một tin tốt. Nhưng quái lạ. Mày xem đây.

Trong một lúc anh thấy chóng mặt. Sáng giờ anh chưa ăn gì, chỉ uống ba, bốn ly cà phê gì đó. Có thực đây là một tin nhắn liên quan đến anh không? “Thả sớm” là bao lâu nữa. Đây chắc hẳn là tin nhắn của một người đầy quyền lực. Có vẻ như đã có sự can thiệp của ai đó chăng? Nhưng anh đã có động thái chạy chọt nào đâu. Bình tỏ ra nhẹ nhõm. Hắn chạy xe chậm rãi hơn, bớt căng cứng hơn với hai vai bớt cựa quậy như bị đau từ hôm qua đến giờ. Và hắn đột ngột tấp vào một quán cà phê máy lạnh, đối diện cơ quan công an quận, nói “tao buồn ngủ, vô đây chợp mắt chút”. Lúc đó là 12 giờ trưa. Họ leo lên tầng hai, tìm một cái bàn trong góc. Bình vừa ngồi xuống, quơ tay cầm bảng menu, viết thức uống vào mảnh giấy nhỏ, rồi trượt người trên ghế, một lúc sau có vẻ như đã chìm vào giấc ngủ ngon lành, như thể cái tin mà anh nói tin tốt là dành cho hắn, chứ không phải cho anh. Bất chợt anh nhận ra đây là quán cà phê mà cách đây hai năm anh đã thề không bao giờ đặt chân đến nữa. Đêm đó hai người ngồi uống cà phê ở tầng trệt. Bên ngoài cửa kính là cái cột điện sắt bốn chân hình cái tháp, trên cao và lưng chừng vô số dây điện đen thui cũ kỹ chằng chéo vào nhau như một ổ rắn. Anh đang nhìn cái ổ rắn đó, định đưa máy điện thoại chụp một tấm hình, thì đột nhiên một toán đâm thuê chém mướn ào ào túa ra từ một chiếc taxi bảy chỗ ngồi đậu bên kia đường. Tên đi đầu mặt trắng trẻo đẹp trai (làm anh nhớ đến tuồng cải lương gì đó anh xem hồi nhỏ trong đó kép chính là một tay tướng cướp có vẻ đẹp ngang tàng chết chóc). Hắn mặc áo thun đen, quần trắng, rất điệu đàng như thể đi ăn tiệc, tay cầm con dao ngắn lưỡi sáng loáng như một cánh hoa xương rồng mọc giữa nắm tay, xông vào quán, la hét: Thằng nào, Thằng nào, Ngồi im, Đụ má, Giết … Một đám theo sau hắn tay huơ những lưỡi kiếm Nhật dài ngoằng đồng thanh la theo: Giết nó, giết nó, giết nó… Tất cả lao vào quán như một cơn bão. Anh vừa định thần nhận thấy cơn bão sắp xô vào mình, thì bản năng cũng lập tức đẩy anh đứng dậy, cùng với Bình chạy thoát ra quán, không ngoái lại lần nào, cánh cửa dập lại sau lưng như tấm màn nhung khép lại một thảm kịch với anh và Bình, nhưng có lẽ chỉ mới bắt đầu trong đó.

Anh tự hỏi bây giờ phải làm gì đây? Làm theo lời dặn trong tin nhắn, hay làm theo trình tự mà anh và Bình đã đặt ra? Tức là lát nữa sẽ vô cơ quan công quan quận trình báo? Trên chiếc bàn kính, ly sinh tố bơ màu xanh của Bình mới vơi một ít với cái ống hút màu đen nghiêng trên vành ly nằm ngoài tầm tay với của anh. Có lẽ anh đã đẩy nó ra xa kịp trước khi cơn buồn ngủ ập đến, với chiếc mũ lưỡi trai đen che mặt và hai bàn tay đan vào nhau đặt dưới cái bụng xẹp lép. Ngay phía trên đầu Bình là bức tranh tĩnh vật ba trái táo. Ngẫu nhiên hay ngay khi bước vào quán Bình đã chọn cái chỗ ngồi thích hợp này? Màu sắc của bức tranh tỏa một thứ ánh sáng dịu nhẹ xuống quanh người anh. Một cõi sống chết đẫm máu được giấu kín đằng sau tấm màn bình yên Bình giăng ra che kín mình.

Trái với Bình đang có vẻ được thư giãn, anh thấy mình bối rối và căng thẳng.

Sự tương phản giữa hai người không phải chỉ xuất hiện lúc này. Ngồi bên nhau, bao giờ anh cũng là người nói nhiều, say sưa, văng mạng, hò hét; trong khi đó Bình yên lặng lắng nghe, kiên nhẫn chịu đựng, chỉ thỉnh thoảng chen vào vài lời. Bình vì thế thành ra một kiểu mẫu người, luôn dẫn anh đến một suy nghĩ. Người ta chỉ quan niệm một người yêu nước qua lời lẽ hùng hồn của họ, qua những cánh tay vung lên, qua vẻ đằng đằng sát khí, qua những lời hô hào hiệu triệu, qua những tổ chức đoàn thể hoành tráng mà họ tham gia với tư cách người lãnh đạo hoặc thành viên. Người ta không bao giờ hình dung nổi một người yêu nước lại là một người lặng lẽ, một người đang câu cá chẳng hạn, một người dạy học cho dăm ba học trò, một người ngồi uống cà phê trầm tư ở vỉa hè, một người không hành động mà chỉ mơ mộng, suy tư.

Tóm lại, lòng yêu nước thường được mọi người quan niệm là một cái gì rất ồn ào, chất chứa bùng nổ, chực chờ phá hủy. Không có lòng yêu nước thiết tha, sâu thẳm. Như Bình bạn anh ngồi đây. Không có lòng yêu nước của một kẻ cô độc. Như Bình bạn anh đang ngủ say đây. Không có lòng yêu nước nơi một người thất nghiệp, nơi một kẻ từ chối đám đông hoặc bị đám đông độc tài từ chối.

Anh gọi một ly cà phê. Không thể hình dung nổi thức uống thức ăn nào có thể đổ vào bụng anh lúc này. Anh nhìn xuống đường phố qua cửa kính. Bây giờ là giờ cao điểm trưa trên đường phố. Dòng sông người và bụi bặm và khói và những hình thù nặng nề quằn quại của sắt thép, của nhựa, của cao su đang chuyển động không dứt. Một chiếc xe bus chầm chậm trôi đi trong dòng nước như một con thuyền chết máy chỉ còn chuyển động theo quán tính mà vây quanh là nhung nhúc cá nhỏ, nhung nhúc xe máy; lúc nào cũng có những con cá cứ lượn qua lượn lại ngay trước mũi chiếc thuyền này; áp lên mặt kính cửa xe là những cái đầu gục đổ, mắt nhắm nghiền, tóc tai rũ rượi, thê thảm hơn cả những người ngồi trên xe tang; chiếc xe con thuyền có lúc khựng lại, anh thoáng thấy khuôn mặt cố giữ bình tĩnh của người lái xe; nhưng nếu một lúc nào đó buồn bực, một lúc nào đó chán ngán, ông ta có thể đâm vào đàn cá kia, có sao đâu nhỉ? Ông được người ta giao cho nhiệm vụ chở hàng chục con người trên chiếc xe này băng qua những con đường đầy nghẹt xe máy. Xe máy, xe máy, xe máy. Mỗi người dân một xe máy như thể đó là cái vỏ vật chất của một sinh vật người, nó còn sinh động hơn cả áo quần. Người Việt Nam có một cái vỏ sắt để đi lại giữa đời. Với chiếc xe máy ai cũng nghĩ mình đang sở hữu, sở hữu một cỗ máy phức tạp, bắt nó làm theo ý mình. Với chiếc xe máy ai cũng nghĩ mình tự do. Không phải lệ thuộc vào giờ giấc của các phương tiện công cộng, phải chung đụng với người khác trên đó. Căn cước của người Việt Nam, xét từ bề ngoài, là chiếc xe máy. Chính quyền biết điều này. Họ duy trì sự trạng đó; họ cột chặt mười triệu người dân thành phố này vào bảy triệu rưỡi chiếc xe máy để người dân bảo vệ huyết mạch kinh tế cho chế độ, không cần phát triển giao thông công cộng làm gì. Khi cần một lượng tiền lớn cho ngân sách, họ chỉ đơn giản tăng giá xăng dầu lên, thì cả một thành phố lập tức “đóng góp”. Khi anh nói với Bình về những suy nghĩ này, Bình bật ra một câu làm anh nhớ mãi: một người Việt, một chiếc xe máy, và ngày ba bữa cơm!

Sao nghe giống truyện trinh thám quá vậy? – Bình thức dậy, hỏi anh.

Không, tao không thấy giống truyện trinh thám. Đây là chuyện có thực.

Vậy mày đã thử nhắn tin trả lời chưa?

Anh giật mình. Câu hỏi Bình vừa thốt ra bình thường vậy mà sao nãy giờ anh không đặt ra cho mình. Anh lắc đầu, hỏi,

Trả lời sao?

Cứ hỏi đại khái, sắp về là lúc nào. Để xem họ trả lời sao. – Bình ngồi thẳng lưng dậy, nhón vào miệng một muỗng sinh tố đặc sệt màu xanh. Nắng hắt lên khuôn mặt tư lự của anh những vệt dài, đó là bóng chiếu từ khoảng hở của cái rèm che. Những vệt trông khắc khoải.

Tao nghĩ là họ sẽ không trả lời. – Anh trả lời bạn.

Mày cứ nhắn đi, không mất mát gì hết. Nếu đây là một vở kịch, do họ đạo diễn và họ cuốn chúng ta vào, thì hãy cứ đóng cho tròn một vai. Không thể chống lại được.

Tại sao phải làm như vậy?

Tao linh cảm là mày cần phải làm vậy. Sức mạnh của họ ghê gớm lắm, và nó biến hóa ở khắp mọi hình thức. Mày nghe lời tao đi, có mất mát gì đâu. – Bình đã tỉnh ngủ, nói một hơi.

Sao lại không mất mát?

Mất cái gì? – Bình hỏi.

Mất sự tự trọng của mình. Đây là câu chuyện nghiêm túc, dù con tao có làm gì sai, dù có kết thúc bằng một vụ án đi nữa, thì cũng phải trong sáng rõ ràng mọi chuyện, giữa một công dân và chính quyền. Sao lại có cái kiểu nhắn tin như thể con Thủy bị bắt cóc vậy? Nếu tao nhắn tin trả lời, ngay lập tức họ nghĩ rằng tao tin điều họ nói. Và đó là tự mình nộp mạng cho họ. Là cùng với họ chơi trò chơi cút bắt.

Bình nói,

Thì tao đã nói, nghe như chuyện trinh thám mà. Và nếu chính quyền này bắt cóc một người dân của mình cũng đâu có gì lạ. Chẳng phải họ đang bắt làm con tin tất cả chúng ta đó sao?

Không, không phải tất cả chúng ta đều là con tin của chúng, ít nhất là tao, hoặc ít nhất là tao với mày. Chúng không phải là thượng đế có tiếng nói chung quyết đến số phận của tao. Tao có thể né được những đòn đánh của chúng. Còn khi thiên lôi đánh, thì đơn giản là không tránh được. Tao cũng thấy đêm đêm mày vẫn chơi những bản đàn hay nhất. Cái đó là niềm vui sống của mày mà bọn chúng không thể tước đoạt.

Tao đàn nghe cũng tệ nhiều rồi.

Anh nói,

Tao biết. Vì cho đến giờ này mày vẫn chưa sắm nổi cây đàn cho ra hồn.

Cái đó chỉ một phần của thực tại. Cái chính là tiếng đàn của tao, hay nghệ thuật mà chúng ta yêu mến, nghệ thuật mà chúng ta muốn thấy nói chung chỉ còn là lời than vãn, hay lời an ủi, lời biện minh cho một cuộc sống không trọn vẹn, một cuộc sống méo mó.

Nhưng vẫn còn tính người chứ?

Dĩ nhiên.

Anh nói,

Vậy được rồi. Đừng bao giờ lầm lẫn gán cho bọn họ kỳ tích là đã tàn phá phần nhân tính, phần linh hồn của chúng ta, dù nhiều lúc họ đã đẩy chúng ta đến bờ vực.

Bình đột nhiên lơ đãng khỏi cuộc trò chuyện, mắt chớp nhanh, và anh cũng vậy, vì lúc bấy giờ trong quán đang vang lên một giai điệu mở đầu cho ca khúc The bridge over troubled water

Anh tiếp tục cho tuôn chảy dòng suy tưởng trong đầu,

Rất nhiều mật ngọt bọn họ không được hưởng. Nói đúng hơn, họ không biết đó là mật ngọt của cuộc sống. Buồn ư? Thì đã sao. Đây là nỗi buồn của riêng chúng ta. Là bí mật của cuộc sống.

Đột nhiên một cô gái nhỏ nhắn như cây lau đeo ba lô nặng trĩu sau lưng hiện ra ở đầu thang máy, đang lơ ngơ tìm chỗ ngồi. Anh bất giác nhìn quanh như thể tìm giúp chỗ cho cô.

Cô gái này cũng là quà tặng của chúng ta, cho chúng ta thấy sự hồn nhiên của hiện tại và kỳ vọng của tương lai, không phải là quà tặng dành cho bọn họ. Bọn họ không biết đến quà tặng tinh thần.

Bình nói, như trôi chảy cùng với anh,

Bọn họ chỉ biết cướp bóc của cải vật chất. Họ có thể dùng quyền lực để giảm trừ anh thành một con vật kinh tế. Nhưng khi làm vậy, họ cũng đồng thời giảm trừ anh thành một con vật đẹp nhất, con vật đó chỉ cần những điều kiện tối thiểu để thở và sống như một thành viên xã hội mà không bị kết án đã phản lại xã hội.

Phía sau sự bình tĩnh lặng lẽ của Bình là những tư tưởng ghê gớm, những chất vấn chết người. Do đó mà hắn phải giấu kín, vì thấy khó chia sẻ với ai, ngoài anh. Bình triệt để đứng ngoài cuộc đời này, hoặc chỉ chơi với chút ít thân xác, còn linh hồn hắn đã bị cướp mất trên biển năm nào. Hắn không tham dự vào cuộc đời này, chỉ làm vừa đủ để sống, dù chỉ cách đây mấy năm thôi hắn tuyên bố sẽ không chấp nhận sống an phận thủ thường, bất chấp cái cơ chế bó hẹp của chế độ này nhiều lần ngăn cản hắn, ngăn chặn cái dòng máu kinh doanh chảy trong bản năng được di truyền từ ba mẹ hắn. Khi đã tịch thu hết tài sản của gia đình hắn, thì họ vẫn không thể tịch thu được cái đầu óc kinh doanh của ba mẹ hắn. Ba của Bình đã kiên nhẫn chờ đợi, và khi họ cởi mở một chút, thì ông lập tức gầy dựng lại mọi thứ từ hai bàn tay trắng. Rồi ông bà qua đời. Bình tiếp tục công việc. Nhưng tính cách của Bình đã hại Bình. Bình chỉ muốn làm ăn đàng hoàng, theo tấm gương của ba mẹ hắn, chứ không chấp nhận hối lộ, không chấp nhận gian dối. Chúng nó, Bình có lần kể, “cái bọn có giọng nói lanh lảnh the thé lên bổng xuống trầm đó đã gài bẫy để tao hợp tác làm ăn với chúng, vì tao cũng có lúc nhẹ dạ, rồi đẩy tao tới chỗ phạm sai lầm, phạm tội, như người ta thường nói, là tay tao đã lỡ nhúng chàm, và trở thành cùng hội cùng thuyền với chúng. Tao đi tù, như tụi mày đã biết, vì những phi vụ chạy án không thành. Chúng cướp hết tài sản của tao. Nhưng tao chỉ có thể mắc sai lầm một lần thôi. Ra tù thì tao phải là chính tao. Tao mất tất cả khi ra tù. Nhưng tao tự nhủ sẽ làm lại từ đầu”.

Nhưng cái quán tính mạnh mẽ của hắn chỉ làm được bấy nhiêu đó thôi, chống lại mọi tham vọng của hắn. Hắn phụ vợ bán tạp hóa. Sáng dọn hàng ra, ngồi xuống, đứng lên tiếp khách, bán hàng. Vắng khách thì đọc ngấu nghiến những cuốn sách lạ lẫm, không ai biết là sách gì. Chiều tối dọn hàng, đóng cửa, không cần biết lời lãi trong ngày là bao nhiêu.

Linh hồn hắn chỉ lặng lẽ trở về nhập vào cái xác của hắn khi ngồi bên anh, cạnh những chai bia, những ly rượu.

***

Anh nghe lời Bình, mở điện thoại nhắn: “Xin lỗi ai nhắn cho tôi vậy? Có thật là con tôi sắp về không? Sắp về là lúc nào về?”

Anh bấm send mà ngỡ mình gởi một nỗi niềm vào hư vô, biết chắc là không bao giờ nhận được hồi đáp. Anh từng có một thời gian dài chịu đựng những tin nhắn khủng bố. Liên tục có những tin nhắn đòi giết anh, chẳng hạn, “chiều nay khi mày đi về đường đó, xe tải sẽ nghiền nát mày”, hoặc vu khống, “mày vừa rời khỏi khách sạn với một phụ nữ vợ của người ta, mày đã bị chụp ảnh, mày sẽ đi tù”. Mới đầu anh tưởng họ gởi nhầm tin nhắn vào số máy của anh. Nhưng hóa ra không nhầm, vì họ biết rõ biển số xe gắn máy của anh. Biết anh vừa rời khỏi quán ăn nào, quán cà phê nào, vừa đi qua con đường nào. Nhưng vì sao họ khủng bố anh thì anh chịu, không thể biết được. Và ai khủng bố? Anh nhắn lại, hỏi vài điều, thì không bao giờ được trả lời, mà chỉ để nhận thêm những tin nhắn rùng rợn khác. Rốt cuộc anh cũng mày mò cái điện thoại Blackberry để tìm ra cách ngăn chặn những tin nhắn này – chúng có thể đến trong máy nhưng “chết cứng” cùng với đống tin nhắn rác rao bán nhà đất, sim điện thoại, xe máy, gái gọi…

Năm phút, mười phút, hai chục phút đã trôi qua. Anh không hay biết khách ăn cơm trưa đang đầy dần lên trong quán. Gần như không còn một chỗ trống. Mùi nước hoa, mùi thơm vải sạch, mùi da thịt thanh tân của các cô gái dậy lên trong phòng. Như thể họ đang vây quanh anh, chăm chú nhìn anh đang diễn xuất trên một sân khấu nhỏ. Nhưng anh không nhìn thấy gì, vì mọi giác quan đều chờ đợi một hồi chuông, hay một tiếng reo nhỏ phát ra từ cái điện thoại cùi bắp đặt trên mặt kính bàn cạnh ly cà phê của anh. Anh mong thấy nó rung nhẹ lên, xoay nửa vòng. Nhưng nó vẫn nằm im đó, chống lại mọi kỳ vọng của anh.

Đột nhiên có một tia sáng chạy trong đầu anh: câu nói của Hồng mới nãy, “Em cũng có một vài quan hệ có thể nhờ vả”. Nhưng không lý nào cô đã làm được chuyện ghê gớm đó chỉ trong vòng chưa đến một giờ đồng hồ.

Bây giờ làm gì đây? Hay cứ ngồi chờ đợi cho đến khi có một tin nhắn mới?

M.S.

Comments are closed.