Thriller Bờ Bên Kia

Lưu Thủy Hương

Chương 9: Cảnh sát liên bang

Max Krusovice chờ tôi ngoài hành lang, cùng một người đàn ông ngũ tuần đầu hói má phệ.

“Andreas Brandt. Thanh tra BKA, Wiesbaden, điều tra viên về tội phạm người Việt tại Đức.”

“Chào ông. Doktor Nguyen.”

Tôi chỉ gật đầu chào, cố kèm theo một nụ cười niềm nở. Trong khuôn viên viện Pháp Y này, không khi nào tôi bắt tay ai. Người đàn ông cũng mỉm cười, một nụ cười thân thiện chuyên nghiệp. Tôi đứng thẳng lưng chờ đợi. Loại đàn ông này sẽ không nói những câu vô bổ kiểu như “tôi có nghe nói về cô”, hay hỏi những câu xã giao “ca phẫu thuật vừa rồi ra sao”. Ông ta là người của BKA – Bundeskriminalamt – cảnh sát hình sự liên bang từ trung tâm đầu não Wiesbaden, ông ta biết hết mọi thứ.

“Ở đây hơi nóng.” Người đàn ông bỗng cất giọng.

Hành lang lạnh lẽo, trong suốt mùi thuốc sát trùng.

“Cuối hành lang là nhà xác, thưa ông.” Tôi mỉm cười, nhắc khéo. “Tôi đang giờ nghỉ giải lao, có thể mời ông vào phòng làm việc uống tách trà.”

Tay nhân viên của BKA theo tôi vào phòng làm việc. Tôi chậm rãi pha ba tách trà thảo mộc, thật chậm rãi, để giờ nghỉ giải lao yên ổn trôi qua. Max tự động theo vào, lựa một chỗ khiêm tốn bên cạnh cửa sổ và tránh nhìn tôi. Gã biết là tôi chỉ có 30 phút giải lao, sau vụ gặp gỡ không hẹn trước này tôi sẽ chửi gã một trận.

Tôi gặp Max cách đây hơn mười năm, khi tôi mới chân ướt chân ráo về viện Pháp Y, khi Max đã là một thanh tra đầy năng lực của sở cảnh sát thành phố. Sau buổi giải phẫu, tôi cởi bỏ khẩu trang. Gã đứng bên bồn rửa tay, trố mắt ra nhìn tôi. Hai bàn tay còn đầy bọt xà bông bất động đưa về phía trước. Kiểu nhìn trời trồng của gã làm Professor Heidengard phải lên tiếng:

“Anh chưa nhìn thấy xác chết bao giờ hay sao?”

“Không phải là xác chết. Ồ, không phải xác chết. Cô ấy là người quen cũ.”

Đến lượt tôi trố mắt nhìn anh ta:

“Cái gì? Quen bao giờ?”

“Hồi đó trong trường trung học Humboldt, niên khoá tôi học chỉ có hai cô gái Á Châu.”

“Một cô hiền lành và một cô điên khùng?” Một cảm giác hưng phấn tràn qua lòng như gió mát, tôi bật cười lớn.

“Phải, một cô nhỏ nhắn tròn trịa nhu mì và một cô…” Ánh mắt Max cũng sáng lên sau cặp kính mỏng thanh lịch.

Cô nhỏ nhắn tròn trịa nhu mì đó là chị Dạ Lý, con gái cô Diễm. Chị là mẫu con gái ngoan hiền thường được mang ra làm gương tốt cho mấy đứa loi choi khác. Cuối tuần chị ở nhà học làm bánh, nấu ăn. Bánh chị Lý làm ngon tuyệt. Bánh táo nho khô, bánh kem chanh, bánh mứt mơ, bánh chuối chiên, bánh bò nướng… Tôi vẫn nhớ những buổi chiều thứ bảy, cả đám con gái ngồi hít hà xuýt xoa trong căn bếp thơm nức mùi kem trứng của cô Diễm. Chị Lý không chỉ trổ tài ở nhà, tiệc tùng nhà ai chị cũng tự nguyện lăn xả vô bếp làm tới đổ mồ hôi. Gặp người lớn chị luôn vòng tay chào, đầu cúi gần đụng đất. Sau này chị yêu một anh sinh viên người Việt gốc miền Bắc ở Leipzig, bị vợ chồng cô Diễm chối bỏ, “gia đình ni không sui gia với đám bên kia bức tường”. Chị Lý chia tay gia đình, theo người yêu sang Tiệp sinh sống. Từ đó tôi không còn nghe tin chị nữa, nhưng tôi vẫn bồi hồi nhớ tới khoảng không gian hiền hoà trong căn nhà bếp của chị và tiếng chị thỏ thẻ, bánh gần chín rồi, chao ơi, thơm dữ ri. Chao ơi, chị Lý ơi.

Max lại tiếp lời:

“Một cô thì cao lớn và hiếu động. Ờ, tôi bị cô ấy thúc vô lưng một lần đau điếng.”

“Ồ, xin lỗi anh.” Tôi giật mình nhìn sang Professor Heidengard, cố làm ra vẻ bất ngờ vì bị tấn công. Cái quá khứ tội lỗi này không biết rồi sẽ dẫn cuộc chuyện trò đi về đâu.

“À!” Max chỉ nói vậy và thu mình chờ đợi con mồi.

“Tôi không nhớ nổi. Hồi đó tôi hay thúc vô lưng những đứa con trai…” Tôi nhìn Max, chàng trai có thân hình lực sĩ vạm vỡ, cao xấp xỉ 1mét 90. “Ờ, những đứa con trai gầy gò yếu đuối.”

“Hồi lớp mười tôi rất gầy gò và yếu đuối.” Max lặp lại vẻ chế nhạo.

“Nhờ cú thúc đó mà anh lớn bổng lên? Chắc anh phải cảm ơn cô Nguyen.” Professor Heidengard theo dõi cuộc đối thoại, tủm tỉm lên tiếng bảo vệ học trò.

“Không. Nhờ vậy mà tôi trở thành fan của cô ấy. Mà hình như cả đám con trai trong trường thời đó đều là fan của cô Nguyen, nhưng không đứa nào dám mở miệng ra nói.”

“Nói ra chết liền.” Tôi cười thật, nếu không có Professor Heidengard ở đây thì tôi nhảy cẫng lên mà cười.

Max liếc qua bàn mổ, gật gù:

“Chết chắc. Nhưng tôi cứ kiên nhẫn chờ có dịp thôi.”

Max chờ tôi thật. Gã chờ suốt năm năm sau đó, thường xuyên phôn cho tôi rủ đi ăn trưa. Rồi Max lấy vợ, sanh con. Ba năm sau, họ chia tay nhau. Cô vợ trẻ của Max không chịu nổi cách sống của người chồng luôn chạy theo công việc. Không một buổi chiều yên tĩnh. Không một ngày cuối tuần trọn vẹn cho vợ con. Chúng tôi vẫn hẹn nhau đi ăn trưa ở quán Đũa Tre, mỗi khi có chuyên án nghiêm trọng. Thỉnh thoảng trong lúc phấn khích, tôi lại cười vang thúc vô lưng Max và gã giả bộ la lên oai oái. Đó là dịp cho chú Minh chủ quán Đũa Tre dọa dẫm, bao giờ hai đứa làm đám cưới chú ủng hộ ba mâm vịt quay. Chú biết tôi rất sợ món vịt quay. Tôi sợ lớp da khô sẫm màu như da xác ướp, thịt bên trong có những chỗ vẫn còn tươi đỏ.

Tôi nhìn sang Max. Gã thanh tra trưởng sở cảnh sát thành phố ngồi bên cửa sổ, giả bộ ngó lơ ra bên ngoài. Brandt, nhân viên cục cảnh sát liên bang, không muốn bỏ lỡ thời gian. Ông ta đi thẳng vô vấn đề:

“Tôi lên Berlin vì vụ cháy xe tuần vừa rồi. Trước đó tôi có gọi cho Professor Heidegard, đề nghị cô trực tiếp giám định pháp y vụ này. Nhưng Professor từ chối.” Brandt nói chậm và đều. Từng chữ rót vô tai tôi, nghe như lời buộc tội.

“Thời khoá biểu của tôi kín mít, lại đang tham gia giám định pháp y cho những vụ giết người hàng loạt ở khu nhà ga Nollendorfsplatz.” Tôi cũng thong thả trả lời.

“Tôi biết. Bốn cô gái điếm bị kẻ lạ đâm chết trong nhà trọ bằng dao nhọn. Họ có cùng thông số: tóc đen, luống tuổi và đặc biệt phốp pháp. Dấu vết ADN của kẻ tình nghi tìm thấy hiện trường trong cả bốn trường hợp đều giống nhau. Vết đâm trên ngực trái cũng có cùng thao tác.”

Người của BKA biết mọi thứ. Brandt lại tiếp tục:

“Nếu so với thời điểm 20 mươi năm về trước, khi giới mafia thuốc lá Việt Nam mở những cuộc thanh trừng đẫm máu trong cộng đồng họ, thì tình hình người Việt – Berlin hiện nay khá là yên ổn. Tuy nhiên phía sau bộ mặt chăm chỉ cần cù làm ăn của những người định cư hợp pháp vẫn liên tục xuất hiện những vụ án mạng mang tính cá nhân tàn bạo và những vấn đề tiêu cực của hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp.”

Tôi cười thầm, không biết cái ông ta gọi là “hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp” của người Việt hiện nay đang chiếm bao nhiêu phần trăm, phần ngàn trong biển người tị nạn đang ồ ạt tràn vào nước Đức, chủ yếu từ Syrien, Trung Đông và Châu Phi. Con số người tị nạn đến từ những nước không có chiến tranh như Kosovo, Albanien, Serbien vẫn đang đứng đầu bảng, chỉ sau Syrien. Trong chín tháng đầu năm 2015, con số riêng cho dân Kosovo đã vượt qua ngưỡng 30.000 người. Trong khi đó, con số người Việt Nam vượt qua biên giới Đông Âu đang dừng ở khoảng dưới 300 người/ năm. Dĩ nhiên, tất cả chỉ là con số thống kê theo tài liệu của BKA. Nhưng tôi hình dung, trong khi bạn đồng nghiệp của Brandt đang mất ăn mất ngủ, xất bất xang bang trước biển người tị nạn mới thì ông ta cứ thủng thỉnh với vài vụ án lẻ tẻ gói gọn trong cộng đồng người Việt.

“Tôi lại cứ tưởng, chúng tôi là cộng đồng chăm chỉ và hội nhập tốt nhất hiện nay ở Đức.” Tôi trả lời hết sức trịnh trọng.

“Đúng. Cộng đồng người Việt là cộng đồng chăm chỉ và hội nhập rất tốt. Nhưng các vụ án mạng mang tính cá nhân đang có chiều hướng gia tăng và các tổ chức buôn người đang đi vào hoạt động hoàn chỉnh. Họ không chỉ đưa người sang Đức, họ còn tiến tới hoàn thiện cả khâu định cư qua các tổ chức môi giới hôn nhân, kết hôn giả mạo, mua bán giấy khai sinh, tư vấn luật tị nạn, tạo nơi ở cùng công ăn việc làm.”

Ủa, thì sao? Tôi cố gắng không tỏ thái độ chế giễu, chỉ nghiêm túc nhìn vô cái bình nấu nước để trước mặt. Trong khi báo chí mỗi ngày kêu gào, nội các chính phủ cãi như mổ bò, đảng cực đoan kêu gọi dân chúng xuống đường: làm sao giải quyết nơi ăn chốn ở cho hàng trăm ngàn người tị nạn đến từ những nước khác, làm sao để họ sinh sống và hội nhập – thì người Việt Nam lặng lẽ tự “hoàn thiện khâu định cư” và hội nhập nhanh chóng. Họ khôn như chuột, họ chăm như kiến, họ yên phận như cừu và họ bị lên án.

“Tôi có thể giúp gì được cho ông trong chuyện này?” Tôi nhìn đồng hồ và nhắc khéo.

“Tôi muốn cô trực tiếp giám định pháp y trong những vụ việc sắp tới, có liên quan đến các tội phạm người Việt.”

“Tất cả các nhân viên pháp y ở viện đều được đào tạo chuyên ngiệp như nhau. Không có điều luật nào quy định, người Việt phải mổ xác người Việt, người Nga phải mổ xác người Nga, người Mỹ phải cắt đầu người Mỹ, vân vân và vân vân. Thưa ngài thanh tra! Chúng tôi cộng tác với BKA nhưng lịch làm việc của chúng tôi hoàn toàn không do BKA sắp xếp. Để hiểu rõ thêm vấn đề, xin ông liên hệ với Professor Heidengard.”

“Không phải vô lý khi tôi đề nghị cô trực tiếp giải quyết vấn đề này. Ngoài chuyện cô có đôi bàn tay bằng thép, như cách nói của Professor Heidengard, cô còn có mối quan hệ gần gũi với cộng đồng người Việt Đông – Berlin.”

Tôi đứng lên nhìn đồng hồ, ra hiệu kết thúc giờ giải lao.

“Cảm ơn nhận xét của ông.”

*

Berni rót cho tôi ly nước lạnh khi vừa thấy tôi bước vào phòng giải lao. Ông biết tôi thường không ăn gì suốt cả ngày làm việc, chỉ uống nước lã và trà thảo mộc. Tôi và ông còn đúng bảy phút trước khi bắt đầu công việc kế tiếp. Berni đặt ly nước trước mặt tôi và cười rụt rè:

“Vẫn như mọi khi, rất tuyệt.” Ông không hỏi về cuộc gặp gỡ vừa rồi của tôi với nhân viên BKA. Berni chỉ quan tâm tới công việc giải phẫu.

“Rất tuyệt?” Tôi hồ nghi nhắc lại.

“Ừ.”

Tôi bỗng thấy nhẹ lòng, hơi nóng phừng phừng trên mặt đột nhiên dịu xuống.

“Ồ, cảm ơn Berni. Không có sai phạm nào đáng tiếc xảy ra?”

“Hoàn toàn không. Trừ mỗi vết rách bên dái tai phải. Bình thường thì cô đã nhận ra…”

Tôi giật mình trố mắt nhìn ông:

“Vết rách nào?”

“Vết rách bên tai phải. Cô ta có xỏ lỗ cả hai bên tai, nhưng cả hai bên đều không đeo khuyên.” Berni lưỡng lự nói, dù ông biết tôi luôn tôn trọng tuyệt đối mọi nhận xét của ông.

Đúng là cô gái luôn đeo khuyên. Loại khuyên tròn rất hợp với khuôn mặt bầu bĩnh xinh xắn của cô.

“Ông báo ngay bên cảnh sát, tìm kiếm chiếc khuyên tại hiện trường, và nhờ người cộng sự xuống nhà xác chụp cho tôi vài tấm hình hai lỗ tai.” Tôi dừng lại một chút rồi nói. “Ông nghĩ sao, có phải là cuộc án mạng vì tình? Có phải vì vậy mà chiếc nhẫn bị hung thủ tháo ra khỏi ngón tay? Mà tôi chắc là nhẫn đính hôn, chưa phải là nhẫn cưới.”

“Đó là ngón tay của bàn tay trái. Tay bên trái luôn đeo nhẫn đính hôn. Tay bên phải đeo nhẫn cưới.” Berni khẳng định.

“Không. Đó là tập tục của người Đức và người Áo. Người Việt Nam thường chỉ đeo nhẫn tay bên trái, bất kể nhẫn ăn hỏi hay nhẫn cưới, do thói quen lao động.”

“Vậy sao?” Berni tỏ vẻ ngạc nhiên. “À. Mà cả khuyên tai cũng bị mất. Một bên tai bị rách, có vẻ như do xô xát mà ra. Bên tai kia không xây xước, chiếc khuyên có thể bị tháo gỡ.”

Tôi không trả lời ngay, không phải để suy nghĩ mà để nghỉ mệt.

“Đúng vậy. Khuyên tai và nhẫn đều bị lấy mất. Nhưng tôi không nghĩ là trấn lột. Cũng có thể án mạng mang tính tâm lý. Vì giận dữ, vì bị khích động. Cô ta tự tới khu nhà vườn hẻo lánh để gặp hắn ta và có mang sẵn chìa khóa. Chắc rồi họ cãi nhau.” Tôi nhấp ngụm nước, nhăn nhó vì thấy quặn thắt trong bao tử. Bộ mặt thằng bạn trai của cô gái hiện ra sau những chậu hoa treo đong đưa. Một bộ mặt nhờn nhợt da dầu, luôn né tránh và không mang chút thân thiện nào. Ngay từ đầu mình đã không ưa hắn, tôi mỏi mệt nghĩ thầm.

Berni ra vẻ quan sát đôi bàn tay của ông xếp ngay ngắn trên bàn, bỗng rồi ngước lên phân vân nhìn tôi:

“À, tôi có được phép hỏi cô một câu?”

Tôi cố cười:

“Ông hỏi hai câu cũng được.”

“Hình như cô không được khoẻ? Mặt cô tái nhợt và thao tác dường như không dứt khoát như mọi khi.”

Tôi giật mình, thấy mình đang ngồi ngả ngớn, đầu sắp chúi xuống bàn. Tôi lật đật kéo vạt áo, ngồi thẳng lại.

“Tôi ăn không tiêu, bị mất ngủ cả đêm hôm qua. Rồi lại quên để đồng hồ reo…”

Đang trả lời quàng xiên bỗng tôi dừng lại, thấy ớn lạnh. “Bàn tay thép” của viện Pháp Y có những thao tác không dứt khoát? Cả ngày hôm nay tôi bị cuốn vô công việc, quên mất những nỗi ám ảnh trong nhà vệ sinh, nhưng sức lực tôi rõ ràng cạn kiệt. Có kẻ nào đã lọt vô căn hộ của tôi và để lại dấu hiệu chết chóc trên tường. Ai? Nhằm mục đích gì?

“Không phải vì nạn nhân là người quen?” Berni nhẹ nhàng hỏi tiếp.

“Không. À, có đôi lần tôi mua hoa chỗ cô ấy. Một cô gái rất dễ mến.”

“Lần cuối cùng cô nghỉ phép là khi nào?” Tiếng Berni loáng thoáng.

“Hả?” Tôi giật mình hỏi lại.

Căn phòng lại mờ đi một thoáng, chiếc xe bốc cháy lại hiện ra.

“Lần cuối cùng cô nghỉ phép là khi nào?” Berni nhắc lại.

Tôi nói nhập nhằng:

“Từ khoảng… hai năm. Hay ba năm gì đó.”

Berni gật đầu:

“Cô nên nghỉ vài tuần. Không có bác sĩ pháp y nào làm việc suốt ba năm không nghỉ phép như cô. Tôi đoán là ba năm. Thật điên rồ.”

“Còn vụ ngày thứ năm vừa rồi?” Tôi cố ra vẻ tươi cười, nói lãng đi.

“Vụ nào ngày thứ năm?”

“Bốn người chết cháy trong xe.”

Berni hạ giọng:

“Tất cả đều là người Á Châu. Quái đản. Gã tài xế còn nguyên một lượng thuốc viên chưa tiêu trong bao tử. Ông Steinbach đã gửi mẫu xét nghiệm nội tạng sang bên KT 41. Ba người đồng hành kia bị giết chết trước khi bị nhét lên xe, ít nhất là một ngày trước khi xảy ra tai nạn trên đường cao tốc. Cả ba đều bị đâm vào ngực trái. Vết đâm tuyệt đối chính xác bằng dao nhọn, cắt đứt cuống tim. Cả ba vết cắt đều như một, không sai một ly.”

“Ông nghĩ là của một tên sát thủ chuyên nghiệp?”

Berni ưu tư lắc đầu:

“Tôi nghĩ, đúng hơn là của một bác sĩ giải phẫu.”

Tôi rùng mình. Cả ba vết cắt đều như một.

“Còn chiếc xe?”

“Toà án hình sự đang chờ kết quả của bên KT 3.”

Tôi nhìn ông đăm đăm:

“Nói tiếp đi, Berni.”

“Tôi dám cá với cô là, nó bị đốt sau khi tài xế mất tay lái đâm vào lề đường. Nếu xe cứu hoả đến trễ vài giờ, tình trạng xác chết sẽ rất khó giám định.”

Giọng nói của Chấn vang lên xa xăm. “Bệnh viện nào ở Berlin tiến hành giám định pháp y cho các vụ tai nạn giao thông? Trong trường hợp xác định danh tính của xác chết?”

*

Tôi bước ra khỏi phòng Professor Heidengard. Tờ giấy xin nghỉ phép có chữ ký của xếp nằm yên ổn trong giỏ đựng laptop. Tôi nhanh chóng lên chương trình đi nghỉ đột xuất, chỉ cần biến khỏi thành phố này ba tuần, tìm đến một nơi nào có biển xanh và nắng ấm.

“Cô cần biển xanh và nắng ấm.” Professor Heidengard vừa ký tên lên giấy phép vừa gật gù. “Cứng đầu cứng cổ như cô mà cũng có phần thưởng?”

Tôi đoán ông nhắc tới cuộc trò chuyện với thanh tra cục hình sự liên bang. “Cô còn có mối quan hệ gần gũi với cộng đồng người Việt Đông Berlin”. Giọng nói của Brandt chậm rãi vang lên bên tai. Đó là lời cảnh cáo của BKA. Người của BKA biết mọi thứ. Chắc chắn là họ biết tôi quen Chấn. Số điện thoại của tôi nằm trong máy di động của gã. Những chuyện vặt vãnh như vậy quá dễ kiểm tra. Và – người đầu tiên có được thông tin đó chính là Max Krusovice.

Nhưng tôi không sợ Max bằng sợ lời đe dọa trong nhà vệ sinh, tôi chỉ cần gạch tên Max khỏi danh sách bạn đồng minh. Khi đầu óc thảnh thơi một chút thì hình ảnh trái tim bị đâm thủng lại hiện ra đỏ loè loẹt đầy hung tợn. “Cả ba vết cắt đều như một, không sai một ly”. Tôi rùng mình nghĩ đến cảnh về đến nhà, và phát hiện một sự xáo trộn nào đó, hay thêm một hình ảnh đe dọa khác được vẽ lên tường. Ai có thể ngủ trong căn hộ khi biết rằng đêm qua có kẻ lạ mặt đi ngang dọc khắp nơi. Có khi hắn còn mò vào phòng ngủ giữa lúc tôi đang say giấc li bì. Ai có thể chắc chắn rằng, hắn sẽ không trở lại đêm nay. Có khi bây giờ hắn đang ngồi lù lù trong phòng khách nhà tôi.

Trong lúc hoảng loạn, tôi bỗng nghĩ đến một người. Một người duy nhất có thể che chở, bảo bọc cho tôi. Một người thật sự có đủ sức mạnh và sự điềm tĩnh. Tôi mở cốp xe tìm túi đựng bộ đồ karate – gi. Nó nằm sau thùng carton đựng giấy báo cũ cùng với đôi giày đánh squash từ suốt hai mùa đông nay.

Comments are closed.