Lưu Thuỷ Hương
Chương 15: Hỏa lực miền Đông
Con đường trở về Laksevåg không gặp nhiều khó khăn vì thời tiết. Đường du lịch liên tỉnh, may quá, vẫn còn chưa bị chặn. Từng chuyến phà Lavik – Oppedal rùng rùng chở khách sang bờ. Tôi ngồi trên tầng hai, nhìn gió lạnh quất từng hồi qua bong tàu sũng nước. Giờ đây tôi không còn mang cảm giác sợ hãi phải chạy trốn sự thật. Còn một cái khủng khiếp hơn. Tôi phải đối diện với sự thật.
Văn phòng ông Amberg hiện ra ở cuối đường, trong màn tuyết mỏng. Tôi thận trọng dừng xe ở đầu dường, khuất phía sau contain đổ rác. Chỉ có ông Amberg biết chính xác vị trí căn nhà tôi thuê trên núi. Cảm giác đau đớn tràn qua tim, khi tôi nghĩ tới ánh mắt ân cần ấm áp của ông. Bọn sát thủ chuyên nghiệp sẽ không chừa một thủ đoạn tàn ác nào để lấy thông tin. Ông Amberg từng là nhà leo núi chuyên nghiệp, sự dũng cảm và sức chịu đựng của ông có lẽ chỉ làm thảm hoạ thêm tồi tệ hơn. Những tấm cửa kéo của văn phòng vẫn đóng im ỉm vào ban ngày, báo hiệu điều không lành. Tôi ngồi mãi trong xe, liên miên nghĩ ngợi và thấy mình sợ thắt ruột chuyện phải đến gõ cửa. Nhiệt độ trong xe tắt máy càng lúc càng lạnh thêm. Nhiều cuốn phim kinh dị lướt qua trong đầu, ở đâu tôi cũng tìm ra hình ảnh một người hùng ào ào xông vào nguy hiểm. Họ đâm đầu vào nguy hiểm sờ sờ trước mặt mà không có thời gian để suy tính. Tôi lại có quá nhiều thời gian để suy tính mà không biết nguy hiểm nằm ở đâu.
Tôi hít sâu một hơi. Khí lạnh tràn vào buồng phổi không làm tôi can đảm hơn mà chỉ tuột ra một cơn ho rũ rượi. Tôi kéo kín cổ áo, lóng cóng trèo ra khỏi xe.
Tuyết gom ra hai bên lề đường đã đóng thành băng. Đôi giày tôi bám chặt lên mặt đường rải đá dăm lần mò về phía cánh cửa sơn xanh. Những tấm cửa kéo bằng gỗ dày đóng kín im lìm thật đáng sợ. Một sát thủ chuyên nghiệp sẽ không bao giờ đứng như trời trồng trước cửa căn nhà có hiểm họa. Họ sẽ vùn vụt leo lên tường vòng ra lối sau. Họ sẽ nhanh chóng mở lưới thông hơi đột nhập vào tầng hầm. Matt Damon sẽ cố thủ ở một chỗ rất xa, bắn vào chiếc xe màu đen đậu trước cửa phòng du lịch. Chiếc xe nổ tung. Khói lửa mịt mù. Khi bọn sát thủ trong nhà hoảng hốt xông ra, gã sẽ – từng phát – từng phát chính xác lấy đi sinh mạng đối phương. Đó là Matt. Đó là Buoune.
Tôi, Doctor Nguyen, gõ lộp cộp lên lớp gỗ dày và mếu máo gọi:
“Ông Amberg. Ông Amberg ơi.”
Bên trong vẫn lặng thinh. Tôi ghé mắt nhìn qua khe cửa kính. Gian phòng tối om. Ông Amberg ngồi dựa ngửa sau bàn giấy trong một tư thế bất thường. Trong bóng tối phía sau thấp thoáng hiện ra khuôn mặt sát thủ đẹp như trẻ thơ của Brat Pitt, ánh mắt cau có của Leonardo DiCaprio. Tôi cúi thấp người xuống, xộc tay vào túi áo khoác. Không có súng ống gì, chỉ có chùm chìa khóa lạnh tanh và hai viên kẹo ho. Bộ dao mổ nằm sau cốp xe, lẫn trong đám quần áo lót.
Tôi lại dí mắt nhìn sâu vào căn phòng tối. Bàn tay bị bằm nát của kẻ xấu số buông thõng bên thành ghế. Ánh mắt kinh hãi mở trừng trừng trên bộ mặt bị một vết chém ngang còn ứa máu.
Ông Amberg. Tôi bụm miệng lao trở ra xe.
Đoạn đường ngắn mươi ba cây số từ Laksevåg về phi trường Bergen trở thành cơn ác mộng dài mịt mùng. Tôi phóng xe như người mù trong đoạn đường hầm, không còn biết tới vận tốc, một trăm hai hay một trăm sáu hay một trăm tám… chiếc Fiat nhỏ rung lên như con thú trong cơn hoảng loạn.
Không biết bằng cách nào tôi mò được tới phòng bán vé. Như một đoạn phim bị cắt ngang, tôi tỉnh dậy, thấy mình ôm cái vali nằm co ro trong góc tường. Sáng sớm mai mới có vé cho tôi về Berlin. Max Krusovice sẽ chờ tôi ở phi trường cùng lệnh bắt giam. Không, có lẽ gã chưa biết gì hết. Bọn sát thủ luôn đi trước cảnh sát một bước. Tôi lục điện thoại di động trong giỏ xách. Cái iPhone tội nghiệp nằm lẫn trong đám vớ len bốc mùi hôi. Từ lúc trên phà tắt máy để cắt sóng, tôi gần như quên hẳn nó cùng với nền văn minh con người. Thật ra, một bác sĩ pháp y thì không có kinh nghiệm gì về mấy thứ máy móc này, nhưng phim ảnh Hollywood luôn dạy rằng phải cẩn thận với sóng điện thoại. BKA sẽ truy ra địa điểm gọi ngay sau vài phút kết nối đường giây. Nhưng bây giờ thì tôi mặt kệ, chẳng thà bị BKA bắt giam còn hơn bị giết chết trong cơn hoảng loạn ở xó xỉnh nào đó.
Trong di động lưu lại hàng loạt tin nhắn. Ba tin của cô Diễm. Sáu bảy cái tin của con Thảo. Quái lạ, con nhỏ này từ ngày lấy chồng sanh con rất ít khi liên lạc với chị hai nó. Tôi mở cái tin cuối cùng. “Mạ qua được lần phẫu thuật kế tiếp. Chị ở đâu?”
Cảm giác kinh hãi tràn qua lòng. Tôi run rẩy mở cái tin nhắn đầu tiên của con Thảo, nó được gửi đi một ngày sau khi tôi rời Berlin. “Mạ tự tử. Tình trạng rất nguy kịch. Chị ở đâu?”
Tôi đọc hết mười cái tin nhắn của con Thảo và cô Diễm mới hiểu qua tình hình. Mạ tự tử trong nhà, uống hết hũ thuốc trợ tim, cắt mạch máu cổ tay, lết được ra tới cửa thì hết sức. Ngay buổi sáng đó, cô Diễm có hẹn với mạ đi xem bếp mới ở IKEA. Cô gọi cửa, kêu điện thoại liên tục, không thấy mạ trả lời. Cô la hoảng lên làm hàng xóm chạy sang. Họ gọi cảnh sát tới phá cửa, tìm ra mạ nằm sóng sượt trong nhà. Mạ qua hai lần phẫu thuật và được truyền máu. Hiện nay mạ nằm ở nhà thương Rudofl Virchow, tình trạng sức khoẻ vẫn chưa rõ.
Tin nhắn nào con Thảo cũng kết thúc bằng câu hỏi đầy bất lực: “Chị ở đâu?”. Câu hỏi như cú đấm trực diện. Tôi thấy tối tăm cả mặt mày. “Chị ở đâu?” Ngoài chính tôi ra, chỉ có hai người có thể trả lời câu hỏi này. Đó là mạ và ông Amberg.
Tôi nhớ lại lần gọi điện cuối cùng cho mạ, giọng cười rúc rích sung sướng của mạ khi nhắc tới giàn bếp mới. Không lẽ gì mạ lại tự tử ngay hôm trước khi đi với cô Diễm ra IKEA xem bếp. Thời gian sau này mạ trẻ ra và rất yêu đời, hoàn toàn không có dấu hiệu gì muốn quyên sinh.
Tôi gọi cho Stephan Beck, bác sĩ trưởng khoa tim mạch bên Rudolf Virchow. Anh ta đang có giờ họp buổi chiều. Cô thư ký bảo tôi để lại tin nhắn.
Tôi gọi điện thoại cho con Thảo. Nó khóc rống bên kia đầu dây.
“Mạ xanh lè chỉ còn thở thoi thóp. Mạ lại không chịu ăn, không chịu uống thuốc. Chị đi đâu mấy ngày nay? Rủi mạ chết rồi sao? Chị nhờ bạn bè bên nhà thương đó lo cho mạ, được không?”
*
Từ sân bay Tegel, tôi thuê taxi về thẳng nhà thương Rudolf Virchow. Nhà thương nằm rất gần sân bay, theo đại lộ Saatwinkler Damm về trung tâm quận Wedding chỉ hơn năm cây số nhưng lòng tôi đốt cháy cả con đường.
Xe chưa kịp dừng tôi đã nhảy xuống, suýt nữa thì quên lấy theo hành lý, quên trả tiền taxi.
Tôi kéo vali ào ào qua mấy bậc tam cấp, xông thẳng vô phòng cấp cứu. Tôi đọc tên mạ như bò rống, không ai hiểu tôi nói gì. Tôi đánh vần lặp bặp cũng chẳng ra hồn. Cô ý tá trực tưởng tôi không biết tiếng Đức, cô thản nhiên đẩy cây viết và tờ giấy sang cho tôi. Không còn sức để la, tôi phải viết tên mạ ra giấy.
Người phụ nữ trẻ điềm nhiên lục tìm tên bệnh nhân trong computer, trong khi tôi thở hổn hển tự trấn tĩnh mình. Cô đưa cho tôi địa chỉ bên khoa hồi sức, kèm theo lời chỉ dẫn tận tình dành cho người ngoại quốc. Tôi kéo vali phóng ra khỏi cửa, tiếng cô chỉ còn loáng thoáng sau lưng.
Mạ nằm sau tấm kính trong suốt. Dây nhợ đeo đầy mình. Thân hình mỏng tanh của mạ dán sát trên tấm nệm trắng. Khuôn mặt im lìm như đã chết. Tôi đau đớn nhận ra, đó chính là mạ. Không phải người đàn bà luôn tất tả mang mâm bánh lá chạy từ trong bếp ra phòng khách, chân trật trẹo kéo lê đôi dép nhựa, miệng cười giả lả. Lại không phải là người phụ nữ phơi phới tuổi hồi xuân, săm soi dáng mình trước kính, nôn nao chờ tới cuối tuần để đi tăng gô xì lô.
Đó là mạ, tả tơi tuyệt vọng trong bóng đêm ký ức.
Trong bóng đêm ký ức của hai mẹ con, tôi quỵ xuống thảng thốt gọi. Mạ ơi. Mạ ơi.
Tiếng mạ nghẹn ngào vang lên từ miền kinh hãi. Nhắm mắt lại. Nhắm mắt lại đi. Con ơi.
Mạ ơi.
*
Stephan vừa gọi điện thoại. Mạ đã qua cơn nguy kịch, chỉ thiếu sự phấn đấu và không chịu hợp tác với bác sĩ. Tôi nói vài lời cảm ơn người bạn thời trung học và nhờ anh đặc biệt chăm sóc mạ. Câu hỏi trong đầu tôi cứ lớn dần, nhưng lúc này tôi không thể hỏi thẳng Stephan. Có thật là mạ tự tử? Người đang có thông tin chính xác nhất về mạ chỉ có thể là Max. Hắn là thanh tra hàng đầu ở Berlin, kẻ không bỏ qua một chi tiết nhỏ nào của vụ án.
Tôi lại thuê taxi về nhà lấy xe, không có cả thời gian lên phòng rửa mặt. Dường như có ai lấy khoan máy châm từng mũi vô thái dương tôi, không đau, nhưng có những tiếng rè rè rất dễ sợ. Bọn sát thủ hành xử rất dã man, chúng sẵn sàng giết người để lấy thông tin, nhưng chúng không hề có ý định giết tôi. Những câu hỏi kỳ dị của Chấn, mối quan tâm dai dẳng của hắn đối với ngành pháp y cứ lẩn khuất trong màn sương dày đặc. Chỉ có thể là Chấn và đồng bọn của hắn. Chúng đang cần sự trợ giúp của một bác sĩ pháp y để rửa sạch những dấu vết tội ác.
Hiện nay Chấn đang ở trong tù, theo lời cô Diễm, nhưng đồng bọn của hắn vẫn còn hoạt động bên ngoài. Chú Minh có lần nói, muốn tìm ai bên phía Đông này cứ tới Đồng Xuân Center mà hỏi. Đó là khu chợ trung tâm, niềm tự hào của cộng đồng người Việt gốc Bắc tại Berlin. Max thường nói đến nó như một trong những điểm nóng của thành phố về ẩm thực phương Đông, hàng hóa không nguồn gốc, dịch vụ massage, cắt tóc làm móng tay, dịch vụ chạy thuế chạy giấy tờ và cả môi giới tình dục. Nhân viên của Max được cử đến dây hàng tuần để ăn phở và cắt tóc.
Đoạn đường từ trung tâm Berlin sang quận Lichtenberg vào giữa trưa ngày thứ bảy tương đối vắng vẻ, tôi chỉ mất khoảng hai mươi phút nhấn ga. Xe chạy vào đường Herzberg là lạc vào một thế giới khác, thế giới của những người tóc đen, của đì đùm bao bị hàng hóa, của những người phụ nữ trẻ đẩy xe nôi… Tôi theo bóng dáng người Á Châu chạy xe tới cái cổng chợ cầu vồng vàng khè bắt ngang qua hai dãy nhà cũ kỹ. Đồng Xuân Center.
Giữa sương mù lạnh lẽo, mấy lều thịt nướng bên ngoài khu nhà lồng chợ vẫn bốc khói tưng bừng, thơm ngát mùi hành tỏi. Tôi tò mò dừng xe một chút, nhìn quanh. Mạ đi chợ Đồng Xuân về hay kể: “Người ta nướng thịt ngoài trời thông thoáng, rồi mới đem vô nhà hàng trong chợ làm món bún chả Bắc.” Món này ở nhà Mạ gọi là bún thịt nướng, dễ ăn mà đậm đà, ai cũng thích, từ người Việt sành điệu cho tới người Đức mới làm quen với thức ăn Việt. Mỗi lần sang đây chơi, mạ đều mua về cho tôi với con Thảo, con Thùy mỗi đứa một gói. Bao tử tôi bây giờ cồn cào dữ dội. Suốt hai ngày nay tôi chỉ gặm vài lát bánh mì khô và uống cà phê đen.
Mấy dãy nhà lồng chợ xây bằng bê tông kiên cố, xe cộ đậu kín cả hai bên. Tôi ngạc nhiên nhận ra, đa phần là BMW, Audi, Mercedes loại đắt tiền hay siêu hạng. Chấn thường nói, chiếc xe là bộ mặt của con người. Giàu nghèo gì cũng phải chăm chút cái mã bốn bánh. Tôi đoán, kiểu sống của người Việt miền Bắc có vẻ cũng là kiểu sống của người Nga hay người Ba Lan. Phương châm của người Nga, người Ba Lan rất rõ ràng mạch lạc, họ tuyên bố thẳng thừng trên báo chí trên tivi: “Mình phải cho thiên hạ thấy cái mà mình có”. Cái dễ dàng cho thiên hạ thấy nhất là xe cộ, áo quần, đồng hồ đeo tay… Văn hóa và kiến thức là những thứ ở phía sau, hay là thứ không cần có.
Tôi tìm được một chỗ ngoài bãi xa, khiêm tốn đậu chiếc Nissan cà tàng phía sau mấy thùng rác.
Những dãy nhà lồng có đánh số phía trước: Halle 1, Halle 2, Halle 3… Có rất nhiều Hallen như vậy, bên ngoài hè giăng đầy bản hiệu, tiếng Đức, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Ả rập. Thời trang tóc nam nữ. Travel & more. Euro Asia Restaurant Ẩm thực. Nails Open. Người ta lom khom chui ra chui vào mấy ô cửa to có treo tấm nhựa dày xẻ dọc.
Tôi chẳng có sự chọn lựa nào, cứ bước thẳng tới Halle gần nhất. Lách qua khung cửa treo màn nhựa dày chống gió và lạnh, tôi bước vào khoảng không gian khác lạ. Ở đây ẩm ướt, đông đúc, ồn ào và đậm đặc mùi vị. Tiếng nhạc oang oang, tiếng chén dĩa va chạm, tiếng người mua bán gọi nhau. Mùi thịt nướng, mùi nước phở, mùi rau cải chua, mùi xà bông gội đầu… lẫn lộn. Tôi dừng lại bên bức tường lem luốc bẩn thỉu dán đầy giấy quảng cáo, phân vân tự hỏi, mình tìm gì trong chốn hỗn tạp này. Bao tử tôi nhanh chóng trả lời: “Rồn rột”.
Tôi bước vào hàng ăn bên cạnh tiệm cắt tóc. Cửa hàng khá lớn, nhưng còn nhiều chỗ trống. Mùi phở bốc lên thơm tho diệu kỳ. Tôi hối hả kêu một tô phở chín.
Chưa đầy năm phút, cô chạy bàn đã bưng ra tô phở bốc khói. Suýt nữa tôi hét lên vì mừng rỡ. Phở nóng thơm mùi quế, mùi hành, mùi gừng. Trước đây tôi thường than phiền, nước lèo ở các quán không đậm đà béo ngọt như mạ nấu nhưng hôm nay lại thấy ngon lạ lùng. Đây phải là tô phở ngon nhất mà tôi được thưởng thức. Những tiếng rè rè trong đầu dường như đã giảm bớt khi làn nước nóng êm đềm chảy xuống bao tử. Đầu tôi giãn dần ra cho khát vọng ăn uống có chỗ vùng vẫy. Sau tô phở sẽ là dĩa bánh cuốn với chả quế, hay cả một mâm bún thịt nướng. Tôi chúi đầu xuống bàn ăn, không biết gì tới khách khứa xung quanh.
Ai đó kéo ghế ngồi trước mặt tôi.
“Chị ăn khoẻ thế. Mới đi làm ca về à?”
Tôi giật mình nhìn đồng hồ, 14 giờ 35. Gã thanh niên ngồi trước mặt còn khá trẻ, chắc bằng cỡ tuổi thằng Cường. Một khuôn mặt điển trai. Tóc tỉa lòa xòa. Hàng lông mày mảnh như con gái. Nhưng làn môi thâm tái và hàm răng cửa ố vàng do hút thuốc làm gã có vẻ dơ và xấu. Gã nói giọng Bắc Trung Bộ cố nhại giọng Nam.
Tôi chậm rãi gật đầu dù không biết gã đang nghĩ tới “ca” gì.
“Vất vả thế.”
Tôi gật đầu.
“Đi một mình à?”
Tôi lại gật đầu.
“Chị là dân bên này?”
Không lẽ thằng này nói gì mình cũng gật đầu. Tôi lắc đầu, cũng không rõ bên này là bên nào.
“Vậy chị là dân bên Tây à?”
Tôi gật đầu, vội vàng húp thêm muỗng nước phở. Giọng thằng này nặng chịch lại làm điệu bộ uốn éo thật khó nuốt.
“Nhìn qua là em biết ngay. Dân bên Tây ăn mặc cứ lôi thôi thế nào. Đẹp như chị mà chịu khó tỉa tót một tí là thành hoa hậu.”
Tôi trợn mắt nhìn gã. Ánh mắt vuốt ve của gã sỗ sàng đáp trả.
“Dáng vóc đúng chuẩn thế kia, ngực nở, mông tròn, chân dài, chỉ tội không biết ăn diện.”
Gã lại tiếp lời, giọng nhả nhớt pha thêm vài ký đường củ cải. Ánh mắt lại vuốt ve, nào là ngực, nào là chân, nào là mông, dù là chân và mông đang khuất dưới tấm trải bàn. Tôi cố chống lại cảm giác khó chịu đang bò trên da. Bàn tay tôi bất giác đưa lên che ngang miệng. Chưa nghe gã bình luận tới mặt mũi. Nào mắt, nào miệng, nào môi. Sao nhà hàng này không có tấm gương nào. Từ hai tuần nay tôi chẳng còn hồn vía để soi gương. Bộ áo quần lê lết từ Na Uy về tới đây thì đang bốc mùi chua. Chưa bao giờ tôi đặt mình vào tình thế bị động trước đàn ông. Bao giờ tôi cũng rất tự tin với nhan sắc của mình. Bỗng nhiên trong bộ dạng lem nhem này lại gặp trúng một thằng nhóc mắt diều hâu, tâm cú vọ.
“Xe chị đậu ở đâu? Để em ra trông hộ. Không khéo đậu nhầm chỗ cấm. Quanh đây để bảng cấm cả nhưng nhiều người không thấy.”
Suýt nữa tôi làm rớt cái muỗng xuống tô phở. Cách đây ba năm, ba tôi cũng ngồi trong chợ Đồng Xuân này, một cô gái trẻ cũng hỏi ba câu đó.
“Xe chú đậu ở đâu? Để cháu ra trông hộ. Không khéo đậu nhầm chỗ cấm.”
Đó là cách hỏi thăm dò của người bên đây (ờ, tức là bên Đông). Họ cần nhìn chiếc xe để đánh giá tình hình tài chánh đối phương. Lúc đó ba chỉ chạy chiếc VW Passat bình thường, nhưng cô gái Nghệ đó cũng không buông ba ra. Tôi nghĩ tới chiếc Nissan cà tàng của mình ngoài bãi, nếu anh chàng này nhìn thấy nó thì cuốn gói chạy dài. Bất giác tôi ngồi thẳng dậy, mỉm cười:
“Tôi đi tàu điện.”
Cuộc chơi đã rõ ràng, tôi biết gã là ai, muốn gì. Ánh mắt gã thoáng vẻ thất vọng, nhưng rồi gã nhanh chóng đổi sang cười thân thiện, thôi kiểu đãi bôi.
“À. Dân làm thuê cả mà. Chị sang đây lâu chưa?”
“Lâu lắm rồi, cũng không nhớ rõ.”
“À. Thế là có giấy un đấy.”
Tôi lắc đầu vì ghét cái chữ giấy un. Nó có nghĩa là unbefristete aufenthaltserlaubnis, giấy phép cư trú vô thời hạn. Thằng khỉ lại hỏi:
“Thế thì phải quốc tịch Đức?”
Tôi miễn cưỡng gật đầu, nghĩ bụng, nếu thằng này hỏi thêm một câu nữa thì tôi đuổi nó đi.
Hình như nó biết tôi bắt đầu bực mình nên không hỏi nữa mà đổi sang giọng tâm tình:
“Tâm sự với chị: em làm việc ở tiệm mỹ phẩm cạnh đây. Chị có nhu cầu xâm mắt, xâm môi, xâm chân mày thì em bố trí lịch ngay. Nói thật với chị nhé, ngay khi chị vừa bước chân vào quán em đã biết chị là dân bên Tây rồi. Chị em bên này mười người thì cả mười đều biết tỉa tót, đánh chân mày, kẻ viền môi. Có ai lại để lem nhem như chị đâu.”
Tôi cố kiềm lại cảm giác muốn đưa tay lên rờ chân mày. Cả đám rừng Na Uy đang mọc tua tủa trên đó. Nhưng rồi tôi chỉ gật đầu, đổi suy nghĩ sang dĩa bánh cuốn. Dù gì tôi cũng mới tan ca về.
“Cho chị thêm một dĩa bánh cuốn chả và ly cà phê sữa.” Tôi nói với cô chạy bàn vừa đi ngang.
Thằng khỉ lại tiếp lời:
“Chị ăn khỏe nhỉ.”
Tôi im lặng. Gã vẫn không buông tha:
“Để em chọn màu xâm cho chị. Đẹp đúng chuẩn luôn. Màu chân mày tiệp đúng với màu lông của chị.”
“Hả?”
“Thì xâm màu chân mày đúng theo màu lông.”
Tôi nhìn thẳng vào mắt gã. Thằng khỉ chu miệng ra tục tĩu:
“Lông nâu, đúng không nào?”
Đồ quỷ. Thay vì tát vào mặt nó, tôi lại ngồi đệt mặt ra, suy nghĩ xem lông mình thực sự màu gì. Nâu hay đen? Ủa, sao mà nó biết. Đám lông bên dưới đang từ từ dựng đứng lên. Không biết bao nhiêu lần trong đời bác sĩ pháp y, tôi phải trực tiếp khám nghiệm phần bên dưới cơ thể nạn nhân trong những nghi án hiếp dâm. Chuyện lông lá người khác đối với tôi chẳng là cái gì kỳ lạ, vậy mà nghe thằng quỷ nhỏ này nói tôi thấy hoảng. Hèn gì mà các chiến sĩ chống cộng mút mùa như ba tôi và chú Đặng chỉ chạm mặt quân thù có một lần là buông vũ khí.
Tôi nhất quyết ngồi thẳng dậy, lạnh lùng trả đũa:
“Chọn không đúng thì tính sao?”
“Chưa qua kiểm nghiệm thì không thể cho kết quả chính xác.”
Gã con trai lại nhích sang chiếc ghế cạnh tôi, cười mơn trớn:
“Đang cô đơn đúng không? Ai lại một mình vào quán ăn hai suất bao giờ. Để anh gọi món xôi gà nhé.”
“Tôi không ăn xôi.”
“Ấy, ăn nếp vào cho nó dính.”
Tôi lắc đầu chịu thua, nói theo kiểu của ba: chiến sĩ ta không chịu nổi hoả lực của địch. Nhưng thay vì ghét nó, tôi lại thấy thằng quỷ nhỏ này thật dễ mến. Nếu rảnh rỗi, tôi sẽ rủ nó đi uống cà phê tâm sự, tìm cho nó một việc làm tử tế. Mặt mày nó sáng sủa, biết đâu lại có cơ hội học hành tiến thân. Tôi đổi giọng thân tình:
“Thôi. Không nói nhảm nữa nghe. Em giúp chị tìm một người, được không?”
“Ai?” Nó nhanh nhảu hỏi.
“Ba của chị. Tên là Thành, sáu mươi bốn tuổi.”
“Thất lạc à?” Nó cười cười.
“Ừ. Ba chị sang đây ăn phở, cũng gặp một người như em, rồi bỏ nhà đi theo cô ta.”
“Thế thì không tìm được nữa. Bọn đấy đã múc được ai rồi thì chẳng nhả ra nữa.”
“Chẳng nhả ra là sao?”
“Là ngủ với nó hai lần, thì nó giở giọng Nghệ ra.”
Tôi lúng túng hỏi:
“Giọng Nghệ là giọng gì?”
“Là giọng khủng bố. Mày không lấy, tao cắt đầu.”
“Lấy cái gì?” Tôi lại thấy rối rắm.
Nó không trả lời ngay mà hích cùi chỏ lên khuỷu tay tôi, ánh mắt ra vẻ đắm đuối.
“Lấy nhau.”
Tôi phì cười muốn vả lên má nó một cái, nhưng rồi tôi đưa tay lên che miệng ngáp. Nó ghé miệng vào tai tôi thì thầm mơn trớn:
“Em mệt à? Anh đưa em về nhà nhé?”
Tôi lắc đầu, nghiêm khắc nhìn nó bằng ánh mắt tôi vẫn dành cho thằng Cường, mỗi khi thằng em tôi vật vã không chịu ngồi vào bàn học:
“Có muốn chị xách tai em lôi đi không?”
Nó bỗng rụt đầu lại, cười bẽn lẽn. Chắc ở nhà nó cũng có một bà chị hung dữ. Tôi hỏi tiếp:
“Ở đây em có quen ai tên Chấn không?”
“Chấn nào? Ở đây cơ man là Chấn. Chấn râu. Chấn vẩu. Chấn giò thủ… Chấn – Hằng, Chấn xây dựng…”
Tôi lưỡng lự một chút, bắt lấy cái tên đầu tiên có vẻ gần gũi nhất:
“Chấn râu. Chấn có râu quai nón tỉa rất kỹ. Cao ráo. Đẹp trai. Dân đua xe. Chạy BMW X6 màu thép xám. “
Nó hơi sững lại nhìn tôi dò xét, rồi ngập ngừng hỏi:
“Chấn Hà Nội hay Chấn Nghệ An?”
“Chấn Hà Nội.”
Thằng quỷ nhỏ lại nhìn tôi thật kỹ. Ánh mắt nó dừng rất lâu ngay cạnh bàn, như đang cố nhìn cho ra phần còn lại bên dưới. Rồi khuôn mặt nó trắng bệt ra một cách khó hiểu.
“Ấy… chị chờ một tí nhé.”
Nó tất tả đi ra cửa, biến mất giữa đám đông mua bán ồn ào trên hành lang. Tôi ngồi một mình, cố ăn cho xong ăn dĩa bánh cuốn nóng. Hành cháy, nước mắm pha, hai miếng chả lụa, hai miếng chả quế… không còn ngon lành như tôi nghĩ. Ly cà phê phin đậm đen tưởng giúp tôi tỉnh táo trong khi chờ đợi, không ngờ lại làm tôi đổ mồ hôi, đâm ra nóng nảy khó chịu. Dường như có cái gì không ổn trong căn phòng này. Tôi ngước mắt nhìn quanh, những bộ mặt xa lạ vội vã quay đi. Có ánh mắt nào phía sau lưng vẫn bám theo dai dẳng. Tôi quay phắt lại. Người phụ nữ mặc áo đầm dạ hội đỏ tía mào gà ngồi trong góc phòng. Cô ta bắt gặp ánh mắt tôi, lúng túng nhìn lảng ra cửa sổ. Từ khi quen Chấn, tôi cũng làm quen với kiểu mặc áo dạ hội vào ban ngày của các bà các cô bên này. Họ thích khoác lên người những bộ áo diêm dúa bất kể mưa hay nắng, bất kể đi ăn phở hay đi mua rau cải. Ngay trong những dịp đua xe cá độ, giữa ban ngày, trời nắng chang chang mà họ cũng nhộn nhịp kéo tới, nào sườn xám, nào đầm maxi, nào áo xẻ tận mông.
Người đàn bà đang nhìn đăm đăm lên kính cửa sổ, bỗng quay phắt lại. Ánh mắt cô ta hướng về phía sau lưng tôi thảng thốt như nhìn thấy bóng ma. Đám khách trong nhà hàng cũng đồng loạt quay sang, nhìn về cùng một phía. Tôi quay thẳng người lại, nhìn ra cửa.
Một gã đàn ông thấp đậm, tuổi khoảng gần sáu mươi, đầu trọc lóc, đang bước vào giữa phòng ăn. Hai tên vệ sĩ đi sau, cao khoảng hai mét, chỉ mặc phong phanh áo thun ba lỗ, thản nhiên khoe bắp tay trần cuồn cuộn giữa tiết trời lạnh lẽo. Bọn này người da trắng, râu quai nón đen dày, mũi vẹo mất sụn. Tôi đoán chúng là dân đấm bốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đàn ông đầu trọc tiến thẳng về phía tôi. Cô bé chạy bàn đang khệ nệ bưng bún ra, đụng phải đám người mới vào, cô gần như phải nhảy vội qua một bên để tránh đường. Tô bún nóng trên tay cô chao đi, đổ ào xuống vạt áo. Gã đàn ông trọc đầu không thèm nhìn đến cô bé, chỉ hướng về phía quầy nói cộc lốc: “Cho một trà sen.”
Tôi nhìn cặp mắt hốt hoảng của cô gái, nhìn bàn tay phỏng nước run rẩy cố giữ thẳng tô bún, lòng bỗng tràn lên một cảm giác bất nhẫn. Gã trọc đầu kéo ghế ngồi trước mặt tôi. Ánh mắt gã không giấu giếm vẻ xăm xoi thô lỗ. Cái đầu trọc lóc của gã làm tôi liên tưởng đến một hình ảnh nào đó, nhưng nó thoảng qua mơ hồ không nắm bắt được. Tôi lắc đầu, gạt bỏ suy nghĩ, nói thẳng thừng:
“Lẽ ra ông phải xin lỗi người ta.”
Gã đàn ông không thèm nhìn về phía cô chạy bàn, gã chỉ nhếch mép cười, khoát tay ra hiệu. Tên vệ sĩ có xăm hình nàng tiên cá trên bắp tay trái, đi về phía cô gái. Gã móc túi lấy ra tờ hai mươi euro màu xanh, dúi thẳng tờ giấy vô nách áo nạn nhân.
“Tiền bồi thường đây. Huề cả làng nhé.”
Kỳ lạ, thằng khổng lồ da trắng này nói tiếng Việt rất sõi. Gã trọc đầu ngồi trước mặt tôi lên tiếng:
“Nghe bảo, cô tìm cậu Chấn?”
Tôi gật đầu.
“Thằng Chấn về Việt Nam. Ba tuần nữa thì sang.” Người đàn ông dựa ngửa người ra phía sau, nhìn tôi qua cặp mắt nửa khép.
Những kẻ này đã săn đuổi tôi suốt mấy ngày qua, giờ đây đối diện với họ tôi không thấy sợ hãi, chỉ thấy tức giận.
“Ông có chắc không? Ông có biết chắc người tôi tìm là ai không?” Tôi xẵng giọng.
“Chắc. Tôi thấy cô đi với cậu Chấn hai lần, vào dịp đua xe.”
Như có ai đấm vào bao tử tôi. Đám đồ ăn sắp dâng ngược lên cuống họng. Tôi nhìn sững cái đầu trọc bóng loáng, nhưng không sao nhớ nổi, mình có gặp người đàn ông này hay chưa. Bao quanh Chấn luôn có nhiều người, nhưng lão này có một vẻ chững chạc, kẻ cả rất đặc biệt. Lẽ nào đã gặp rồi mà không nhận ra. Cái đầu trụi lũi bóng loáng như xoay vòng trước mắt tôi. Rõ ràng hình ảnh này gợi lên một liên tưởng cụ thể nào đó. Tim tôi bỗng nhói đau. “Mạ”. Liên tưởng kết nối với hình ảnh của mạ.
“Các ông muốn gì?” Tôi không kiềm nổi, gần như hét lên.
Người đàn ông thoáng chút bối rối.
“Thằng Chấn không nói với cô hay sao?”
“Nhờ ông nói lại với anh ta. Hãy để cho tôi yên. Giữa tôi và anh ta chẳng dính líu gì với nhau.”
Khuôn mặt người đàn ông hơi cau lại.
“Không ngờ thằng này cư xử quá tệ với cô. Nó chỉ đẻ thêm việc cho người khác. Cô về đi, tôi sẽ gọi điện báo cho nó biết.”
“Ông không thể gọi điện cho anh ta. Tôi biết Chấn ngồi tù từ ba tuần nay.”
“Ừ. Thằng đấy kể như lãnh án chung thân.” Người đàn ông bỗng phì cười. Hai tên vệ sĩ phía sau cũng toét miệng cười.
Tôi choáng váng đứng dậy. Dường như cả quán đang toét miệng ra cười. Bọn người mang bộ mặt ngây ngô lam lũ này chẳng phải là thực khách bình thường.
“Để tôi thay cô vả vào mặt nó.” Người đàn ông nói thêm.
“Tôi sẽ báo cảnh sát.”
Ánh mắt người đàn ông tối xầm lại:
“Cô không cần làm ầm ĩ như thế”
“Tôi cảnh cáo ông. Tôi sẽ báo tin cho cảnh sát.”
“Đừng có kéo cảnh sát vào chuyện cá nhân. Nếu có hậu quả thì ngồi đây cùng giải quyết.” Gã gầm gừ. Cái đầu trọc bắt đầu đỏ ửng lên.
Tôi chống hai nắm tay lên bàn, thì thầm đau khổ:
“Hãy để cho gia đình tôi yên.”
Gã đàn ông lưỡng lự quan sát tôi, rồi chậm rãi gật đầu.
Tôi hoàn toàn không biết gã là ai. Một cái gật đầu chẳng xác nhận được điều gì. Nhưng tôi không còn gì để nói thêm.
Ở quầy tính tiền, cô bán hàng người miền Trung nói rặt thổ ngữ, lại lí nhí thật khó nghe. Tôi nhét tờ năm mươi euro xuống khay nước rồi bỏ đi. Cô bán hàng la lên the thé, hình như là gọi tôi lấy tiền thối.
Nhiều tiếng la the thé đuổi theo tôi đến tận cửa. Những tiếng cười kỳ dị bỗng nổi lên trong đầu. Tôi muốn hóa điên. Cái đầu trọc lóc và hình ảnh của mạ có mối liên hệ gì?