Thư gởi con trai nhân kỳ nghỉ hè

Nguyễn Đức Tùng

Viết theo yêu cầu của nhà giáo Phạm Toàn.

Anh chưa kịp đọc bài mới.

Nay xin gởi theo anh, về cõi khác. 27. 6. 2019.

NĐT


1. SAXOPHONE

Mùa hè đã đến. Năm nay chúng ta sẽ có một mùa hè bận rộn. Khi cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, con tìm thấy ở tầng hầm trong góc tối, sau chồng sách vở bụi bặm, chiếc kèn saxophone bám đầy mạng nhện. Lau chùi xong, nó trở nên bóng loáng, té ra đó là cái kèn khá mới. Con lấy làm ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy ta thổi kèn saxophone hay chơi nhạc cụ nào cả. Chiếc kèn này ta đã mua hơn ba mươi năm trước, mang theo hành lý trong tất cả những chuyển dời đây đó. Đáng ngạc nhiên là sau khi nhiều thứ mất đi, nó vẫn y nguyên.

Con ngạc nhiên hơn khi thấy ta thổi kèn, tất nhiên vụng về, nhưng không phải cái cách của một người chưa bao giờ sử dụng. Thực ra ta từng học một khóa chơi kèn hai tháng. Bên cạnh chụp hình, tập rửa phim, một môn võ thuật hiếm thấy, yoga, và nhiều thứ sở thích lông bông khác, những năm ấy. Ta từng thổi trọn vẹn một hoặc hai bản nhạc, hình như không đến nỗi tệ, ít nhất người dạy nhạc, một cô giáo đã quên tên, từng khen nếu tiếp tục có thể trở thành người chơi khá. Dù đó chỉ là lời khích lệ xa sự thật, thì có một điều chắc chắn là khi còn trẻ, ta đã biết thổi kèn chút đỉnh và say mê nó. Thế thì vì sao chiếc saxophone nằm trong tối rất lâu, không được ngó ngàng tới, và vì sao ta không còn nghĩ về nó một lần nào nữa, sau khi đã cặm cụi khuân về nhà mới, nhiều năm trước?

Công việc bận rộn, lo toan, áp lực đời sống, những ưu tiên quan trọng hơn đã lấy đi của nhiều người từ thuở thanh xuân những sở thích của họ. Có người đánh mất thú chơi thể thao. Có người lúc bé đọc tiểu thuyết, thích toán học, khi lớn lên lại ngạc nhiên trước sự mơ mộng của người khác, trở nên thực dụng. Người thực dụng bao giờ cũng tẻ nhạt vô vị, dù họ có thể thành công. Bây giờ ta nhớ ra, một mùa hè, đã có một lý do quan trọng khiến phải xếp xó nhạc cụ xinh đẹp ấy. Trong khi con còn bé, nếu có một sở thích nào, đừng bỏ rơi, hãy tiếp tục. Đừng nhét chiếc kèn saxophone của con vào góc tối một tầng hầm sau tấm mạng nhện, hãy đặt nó gần chỗ ngồi của con, bên bàn học, cạnh giường ngủ, nơi con có thể nhìn thấy mỗi ngày.

Buổi sáng khi thức dậy, con hãy nhìn nó một thoáng, hãy ngắm nhìn nỗi mơ ước của mình trong một giây thôi, nhưng cứ thế, mỗi ngày.

Ngay cả khi suốt đời con không cầm nó lên, thì nó vẫn ở đó, trong đáy sâu tiềm thức, và sẽ gọi tên con khi nào con cần tới.

2. ĂN MẶC

Được giải trong kỳ thi kết thúc huấn luyện lifeguard, nhân viên cứu hộ trẻ, con được cha mẹ hứa tặng đôi giày. Nhưng hóa ra con muốn một đôi giày quá đắt tiền, như chúng bạn. Mẹ không đồng ý.

Những thiếu niên mới lớn bằng tuổi con, lớp sáu, lớp bảy, bắt đầu có nhu cầu mặc đẹp. Biết chọn lựa áo quần, giày vớ. Đó là sự phát triển tự nhiên. Ngày trước ta cũng thế, vào đệ thất, muốn có một cái đồng hồ và chiếc xe đạp, hồi ấy không phải dễ kiếm. Gần đây mẹ than phiền rằng con đã bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn. Quá nhiều thứ đắt tiền. Lý do vì các bạn cùng lớp đều ăn diện thế. Gần như tất cả bạn con đều được cha mẹ sắm điện thoại, sử dụng internet, mang đồng hồ đẹp, mang áo quần đắt tiền. Vì trường của con là trường tôn giáo mặc đồng phục, nên áo quần không có nhiều chọn lựa. Tuy nhiên trong những sinh hoạt khác, con muốn được như chúng bạn.

Mẹ con không đồng ý với việc sắm điện thoại, cấm tự do vào internet, không thích trẻ ăn mặc sang trọng. Sau này con sẽ nhận ra có một người mẹ nghiêm khắc là may mắn. Bây giờ thì chưa. Ta cần giải thích với con, vì sự hiểu biết làm tăng khuynh hướng nghe lời, vui vẻ mà nghe.

Khi muốn thay đổi, người ta muốn mặc quần áo mới, để tóc kiểu mới, xăm mình, đeo bông tai. Những thay đổi ấy chỉ là bề ngoài. Những thứ con cần thay đổi là bên trong. Là sự hiểu biết, sức suy nghĩ, chiều sâu của tình yêu thương, cảm giác về công bằng và bất công, trí tò mò về thế giới. Những thay đổi này kéo theo tất cả thay đổi bên ngoài khác. Khi con tử tế hơn, nụ cười sẽ đẹp hơn, khi con sâu sắc hơn, khuôn mặt con sẽ sáng hơn. Ta không phản đối chuyện mặc đẹp, nhưng chúng là thứ yếu.

Người trẻ cũng có nhu cầu gây ấn tượng lên người khác, nhất là bạn cùng trang lứa, cùng giới hay khác giới, nhu cầu tự khẳng định và thấy mình là quan trọng, nổi bật. Nhu cầu được chú ý, khen ngợi. Gần như mọi người, già hay trẻ, đều có nhu cầu ấy, nhưng ở mức độ vừa phải và không ảnh hưởng đến những giá trị căn bản. Ở một số người trẻ, việc thích nổi bật này hướng dẫn các hành vi khác. Thực ra, đằng sau nó là lo sợ.

Lo sợ điều gì?

Lo sợ bị đánh giá thấp, bị coi thường, bỏ rơi. Lo sợ không thuộc về một nhóm người, tầng lớp tinh hoa. Lo sợ không phải là một phần tử của đám đông như bầy cừu, mà bị tách ra. Bị bắn sẻ. Con có cách khác để gây ấn tượng lên người chung quanh, dễ thực hiện hơn. Đó là không để ý đến việc người khác đánh giá mình như thế nào qua ăn mặc, chỉ cần sạch sẽ gọn gàng. Hãy để mọi người nhìn con như một đứa bé tốt bụng, giỏi, khiêm tốn. Tốt bụng là vị tha, không ích kỷ, nhìn quanh trước khi tiến lên. Con sinh ra đời không phải để giành lấy cho mình càng nhiều càng tốt. Giỏi là hoàn tất một công việc, thực hiện trọn vẹn một bổn phận. Ta nhấn mạnh chữ một. Không ai giỏi tất cả mọi thứ. Khiêm tốn không phải là lễ phép, mà sâu xa hơn, là tin rằng người đối diện tốt hơn ta, ít nhất về một mặt nào đó, và thành thật tin như thế. Tốt bụng, giỏi, khiêm tốn, là các phẩm chất quyết định nhân cách một đứa bé. Đó là viên kim cương, được cầm trong tay, nó sẽ chiếu sáng, và con không cần đến một trang sức lấp lánh nào khác.

Vả lại, và ta sẽ trở lại vấn đề này trong một thư khác, mục đích của đời sống không phải là vui chơi. Đời sống trước hết là một bổn phận phải hoàn tất. Khi hoàn tất bổn phận, tất nhiên con sẽ có vui thú.

3. NGƯỜI CHO MÁU

Hôm nay xem các con chơi đùa, cãi lộn, khi khóc khi cười, ta nhớ đến các anh chị em của ta ngày trước. Có một câu chuyện về tình thương yêu trong gia đình. Chuyện ấy do nhà văn Anne Lamott kể lại, nay ta chép theo trí nhớ.

Một đứa bé trai tám hay chín tuổi có một người em gái bị bệnh ung thư máu, sắp chết. Mọi người cho cậu bé biết rằng nếu được truyền máu, cô em sẽ sống, nếu không, phải chết. Bác sĩ nói với cậu bé rằng máu của cậu có thể thích hợp để truyền cho người em gái và ông muốn hỏi ý cậu có đồng ý cho máu hay không. Trước hết họ xét nghiệm bằng cách lấy máu để thử. Phép thử chứng tỏ là cậu bé có thể truyền máu cho người em gái của mình.

Thế là người ta hỏi rằng cậu có đồng ý để tặng một số máu khá lớn cho cô bé đang đau yếu và sắp chết. Cậu bé nói với bác sĩ và cha mẹ rằng nó muốn có một ngày suy nghĩ về việc ấy.

Ngày hôm sau, cậu ta nói với bác sĩ và gia đình rằng cậu đã sẵn sàng để hiến máu.

Người ta mang người cho máu đến bệnh viện. Cậu bé được đặt trên một cái giường nằm cạnh em nó. Cả hai được nối vào dây chuyền tĩnh mạch để chuẩn bị cho công việc. Cô y tá lấy ra một lượng máu khá lớn từ thằng bé, kế đến lại mang máu ấy truyền cho em nó. Cậu bé nằm rất lâu trên giường của mình, đăm chiêu, im lặng, nhìn máu trong cái bịch nhựa trong suốt nhỏ giọt vào mạch máu của em nó.

Nó kín đáo thở dài.

Khi sắp kết thúc, bác sĩ đến thăm cả hai để xem tình hình của chúng ra sao. Cậu bé liền mở lớn mắt và hỏi ông ta: “Thưa bác sĩ, còn bao lâu nữa thì cháu sẽ chết?”

4. NGÀY LỄ MẸ

Hôm nay ngày lễ mẹ, chúng ta đi chơi, các con ríu rít tìm mua quà cho mẹ. Nhiều gia đình cũng rộn ràng đi nhà thờ, đi ăn trưa, ăn tối với nhau. Chúng ta ghé thăm một vườn ươm cây, mua những cây giống mới để thay cây chết năm ngoái. Ta tìm được những loại cây ưa thích, một cây lê, vài cây bông lài dây leo đỏ và clematis trắng. Khi ra cửa trả tiền trước một mình, ta ngạc nhiên nhìn thấy trong góc xe đẩy còn có một chậu hoa hồng màu vàng, nhỏ bé. Mẹ con đã đặt vào đó khi nào không rõ. Ta quay lại hỏi và được biết là mẹ muốn mua chậu bông nhỏ ấy để lát nữa đây, khi bốn cha con chúng ta đi bơi thì mẹ con sẽ mang nó đến một nơi chốn khác.

Một nơi khác ấy ở bên ngoài thành phố. Ở đó mùa này hoa hồng và hoa tử đinh hương chắc đã nở rộ, chim rừng đã về hót líu lo, ta chắc thế.

Đó là nơi yên nghỉ của bà ngoại các con.

Tệ thật, đúng là ta đã quên mất. Chúng ta đã quên mất. Trong ba giờ tới trong khi chúng ta đưa nhau đến bể bơi, mẹ con dự định lái xe một mình lặng lẽ đi thăm mộ của bà ngoại, mẹ của mẹ con. Ta hình dung mẹ sẽ ngồi đó một mình, trong mấy giờ đồng hồ chúng ta vui đùa, sẽ ngồi ở đó và trò chuyện với bà.

Sự vô tâm cũng gần như thói vô ơn.

Trong ba giờ ấy, chắc mẹ con sẽ trò chuyện với bà ngoại, nhắc kỷ niệm thời thơ ấu, sẽ khóc một mình, và chắc chắn sẽ lau nước mắt trước khi ra về và chúng ta sẽ không hề hay biết.

Ngày ta còn bé, khi bà nội của các con, tức là mẹ của ta, mộ của bà nay vẫn ở làng cũ, có chuyện gì buồn, hay thương nhớ người thân, nhớ cha mẹ, nhớ anh trai, nhớ chị, bà thường khóc trong bóng tối, không ai biết, trừ ta ra. Vì ta là con út, bao giờ cũng lẽo đẽo theo mẹ. Những ngày ấy khi mẹ ta buồn, bao giờ buổi tối ta cũng đến bên giường ngồi nhìn mặt bà, chờ khi bà đã ngủ, để biết chắc rằng trên mí mắt của mẹ ta những giọt lệ đã khô. Không còn một giọt lệ nào nữa cả.

Sau này lớn lên con cần nhớ rằng, những người phụ nữ trong đời chúng ta, đôi khi khóc một mình mà không cho chúng ta biết.

5. CƠN BÃO

Mùa thu nhiều năm trước, cơn bão lớn quét qua một thị trấn gần Ngũ đại hồ, nơi ta sống một thời gian ngắn. Đó là cơn bão lớn, hàng trăm hay hàng ngàn ngôi nhà bị đổ sập, những cột điện bật gốc, hàng ngàn cây cổ thụ bị bứng khỏi mặt đường. Sau cơn bão là lũ lụt, mất điện kéo dài, bệnh tật. Sau cơn bão, ta có việc lái xe ngang qua, nên ghé vào thăm.

Năm nay một cơn bão khác lại đến với nó. Khi ngồi xem trên màn hình cảnh tượng ấy, mưa vun vút trên mặt người phóng viên, ta nhớ lại căn nhà ở đó. Lần ấy, khi ta trở về, ở khu phố cũ tất cả không còn gì nữa, chỉ còn mỗi một căn nhà, không lớn lắm nhưng khang trang, hai tầng trong một khu vườn yên tĩnh, vẫn còn đứng sừng sững ở đó.

Ta không tin ở mắt mình. Đó chính là căn nhà ta đã ở thuê năm xưa, trong một phòng nhỏ trên gác, dùng chung bếp với chủ nhà. Ta đứng ngoài đường rất lâu. Bất cứ một người chủ nhà nào cũng có thể nhìn ra ngay đặc điểm của ngôi nhà. Đó là sự xây cất vững vàng, chắc chắn.

Trong những cơn bão của cuộc đời con sau này, chỉ những thứ gì kiên cố nhất, vững chắc nhất, bền chặt nhất, được xây dựng một cách trung thực nhất, chỉ những thứ ấy mới có thể lâu bền.

Nguyễn Đức Tùng

Comments are closed.