Thư gửi Tổng thống

Annie Ernaux

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'NTR'

(Nhà văn Pháp Annie Ernaux, sinh 1940, vừa được Uỷ ban Nobel công bố trao tặng Giải thưởng Nobel văn chương 2022 với lời tuyên dương “vì sự dũng cảm và sự sắc nhọn của con dao mổ mà bà dùng để lật lên những cội rễ, sự ghẻ lạnh và những hạn chế chung của ký ức cá nhân.” Đây là bức thư bà gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2020 khi đại dịch Covid 19 lên cao. Trong bức thư này bà chất vấn lối tu từ kiểu quân sự của ngài Tổng thống khi nói về việc chống dịch. Một lối nói mà ở Việt Nam ta các nhà lãnh đạo cũng hay dùng.)

* * *

“Tôi viết cho ngài bức thư / Ngài có thể đọc / Nếu có thời gian”. Ngài là người yêu văn học, nên chắc câu này có gợi lên điều gì đó. Đây là câu đầu bài hát “Kẻ đào ngũ” của Boris Vian viết năm 1954 giữa cuộc chiến tranh Đông Dương và cuộc chiến tranh Algerie. Hiện nay, mặc dù ngài tuyên bố, nhưng chúng ta không phải đang ở trong một cuộc chiến, kẻ thù ở đây không phải là con người, không phải là đồng loại của chúng ta, nó không hề có suy nghĩ hay ý muốn làm hại, nó không biết đến các biên giới và các sự khác biệt xã hội, nhưng nó cứ tiếp diễn một cách mù quáng khi nhảy từ người này sang người khác. Các vũ khí, vì ngài đã dùng đến các từ ngữ quân sự, đó là những chiếc giường bệnh viện, những chiếc máy thở, những cái khẩu trang và những thiết bị xét nghiệm, đó là đông đảo các thầy thuốc, các nhà khoa học, các người chăm sóc. Vậy mà kể từ khi trở thành người lãnh đạo nước Pháp ngài đã điếc lặng trước tiếng kêu báo động của giới y tế và điều mà người ta đọc thấy trên những tấm biểu ngữ biểu tình hồi tháng mười một năm ngoái – "Nhà nước đếm tiền, dân đếm xác" – giờ đây vang lên một cách bi thảm. Nhưng ngài chỉ thích nghe những kẻ biện hộ cho sự đứng ngoài của Nhà nước bằng cách chủ trương sự tối ưu hoá các nguồn lực, sự điều tiết dòng chảy, toàn là thứ tiếng lóng công nghệ không có thực chất nhấn chìm con cá của thực tế. Nhưng hãy nhìn xem, đó là những dịch vụ công vào lúc này bảo đảm phần lớn hoạt động của đất nước: các bệnh viện, hệ thống giáo dục quốc gia và hàng nghìn các giáo sư, các viện sĩ được trả lương thấp của nó, EDF [Ngành điện lực Pháp], Bưu điện, tàu điện ngầm và SNCF [ngành đường sắt Pháp]. Còn những người mà ngài từng nói họ không là gì cả thì nay là tất cả, họ vẫn tiếp tục dọn các thùng rác, tính tiền ở các quầy hàng, giao bánh pizza, bảo đảm cho cuộc sống này những nhu cầu thiết yếu cả về vật chất và tinh thần.

Dùng cái từ “phục hồi” để nói sự tái thiết sau cơn chấn thương là một sự lựa chọn từ ngữ lạ lùng. Chúng ta chưa đến giai đoạn đó. Hãy cẩn thận, thưa ngài Tổng thống, trước những tác động của thời kỳ giam hãm, đảo lộn dòng chảy của mọi sự này. Đây là thời thích hợp để truy xét nguyên nhân. Thời để mong muốn một thế giới mới. Không phải là thế giới của các ngài. Không phải là thế giới nơi những kẻ ra quyết định và những nhà tài chính cứ nhắc lại không biết xấu hổ điệp khúc “làm việc nhiều hơn nữa” cho tới mức 60 giờ một tuần. Phần đông chúng tôi không muốn một thế giới mà đại dịch làm phơi bày những sự bất bình đẳng hiển nhiên. Phần đông chúng tôi, ngược lại, muốn một thế giới nơi các nhu cầu thiết yếu, thực phẩm an toàn, chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, giáo dục, văn hoá được bảo đảm cho tất cả mọi người, một thế giới mà sự đoàn kết hiện nay đã cho thấy là có thể. Ngài nên biết rằng, thưa ngài Tổng thống, chúng tôi sẽ không để cuộc đời mình bị đánh cắp nữa, chúng tôi chỉ có một cuộc đời, và “không có gì quý hơn cuộc sống” – lại một bài ca của Alain Souchon. Cũng không được bịt miệng những sự tự do dân chủ của chúng tôi mà hiện nay đang bị hạn chế, sự tự do sẽ cho phép bức thư này của tôi – trái với bức thư của Boris Vian bị cấm phát trên đài – sáng nay sẽ được đọc trên làn sóng của đài phát thanh quốc gia.

Comments are closed.