Đào Tiến Thi
“Cụ Kình bị bắn ngay trước mặt tôi, người bắn đứng trước cụ Kình khoảng 1 mét, nòng súng to như cổ tay, nhắm thẳng vào ngực cụ Kình. Cụ Kình ngã xuống, chết trước mặt tôi, sau đó chó nghiệp vụ vào kéo xác cụ Kình đi”. Đó là lời khai của ông Bùi Viết Hiểu, một trong những bị cáo trong vụ án Đồng Tâm.
Cái chết của cụ Kình là một cái chết vừa THƯƠNG TÂM, vừa DỮ DỘI, vừa OANH LIỆT. Cụ sẽ sống mãi với lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử chống nạn cướp đất của người nông dân Việt Nam.
Xin nói ngay một điều rằng: Có được đất nước Việt Nam ngót ba mươi ba vạn cây số vuông cong cong hình chữ S như hôm nay là nhờ bàn tay khai phá của hàng triệu nông dân Việt Nam qua trường kỳ lịch sử hàng nghìn năm. Và cùng với bàn tay “đào gốc bốc chà” ấy là bàn tay đánh giặc giữ đất, cả giặc ngoại xâm và nội xâm. Cho nên nước Việt từ khi có đế vương thì tất cả các bậc vua chúa, dù sáng hay ngu, hiền hay ác, đều tôn trọng quyền sở hữu ruộng đất của người nông dân (đất của nhà nước, nhà chùa, của các thân vương có sở hữu riêng, rất rõ ràng).
Trong các vụ tranh chấp đất thời xưa cũng có hiện tượng kẻ mạnh lấn át kẻ yếu, có quan lại ăn hối lộ mà xử bất công, nhưng bên cạnh đó vẫn có những ông quan chính trực, và nhất là ở trên cao nhất, có vua. Nếu vụ việc đã đưa lên đến vua thì nhìn chung có thể tin ở công lý (tất nhiên là công lý của thời phong kiến). Xin lấy trường hợp quan tri huyện Bùi Hữu Nghĩa với vụ giải quyết khiếu kiện của người dân Khmer rạch Láng Thé cách đây 172 năm làm ví dụ.
Danh sỹ Bùi Hữu Nghĩa (1807 – 1872) khi ấy đang làm tri huyện Trà Vang (tương đương với tỉnh Trà Vinh ngày nay) lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long, dưới quyền của Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện. Ông đã giúp người dân Khmer ở Láng Thé giữ đất chống lại bọn địa chủ người Hoa tham lam.
Nguyên là lúc Gia Long chạy trốn Tây Sơn đã được những người dân Khmer ở vùng rạch Láng Thé che chở, cho nên khi lên ngôi, Gia Long miễn thuế vĩnh viễn cho tất cả những người Khmer đến khai thác nguồn lợi thủy sản ở rạch Láng Thé.
Thấy nguồn lợi quá lớn, một số địa chủ người Hoa đã hối lộ Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện để giành quyền khai thác cá tôm ở con rạch trên. Người Khmer do ông trưởng sóc Nhêsrok dẫn đầu đã kéo đến gặp Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa để khiếu kiện. Biết rõ hành động ỷ quyền của nhóm người Hoa do đám quan lại cấp trên của ông bảo kê, ông phán: “Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao!".
Nghe vậy, những người dân Khmer kéo đến đấu lý với đám người Hoa giàu có, cuối cùng dẫn đến xô xát và họ đã giết chết 8 người Hoa.
Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện vốn đã ghét sẵn Bùi Hữu Nghĩa liền cho bắt những người Khmer, đồng thời bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa giam lại, đệ sớ về triều đình tố cáo ông tội “kích động dân Khmer làm loạn”.
Bà vợ của Bùi Hữu Nghĩa là Nguyễn Thị Tồn đã lặn lội (quá giang ghe bầu) ra tận kinh đô Huế kêu oan. Bà tìm gặp cụ Phan Thanh Giản đang làm Thượng thư Bộ Lại để trình bày. Cụ Phan Thanh Giản đã giúp bà thảo tờ “trạng” kêu oan và bày cho cách đến gặp Tam pháp ty (nơi nhà vua đặt trống kêu oan, bất cứ người dân nào oan ức có thể đến đó gióng lên hồi trống kêu oan). Và bà Nguyễn Thị Tồn đã làm một việc táo bạo là "Kích cổ đăng văn" (Đánh trống, đội đơn) kêu oan cho chồng.
Bà Từ Dũ Thái Hậu (mẹ vua Tự Đức) biết chuyện, vô cùng cảm động, đã tiếp đón bà, phong tặng bà bốn chữ “Liệt phụ khả phong”.
Sau sự kiện chấn động này, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết, song bị “biếm trích” (giáng chức, đày đi làm quan xa). Ông làm thủ ngự đồn Vĩnh Thông (chắc như trưởng một đồn biên phòng ngày nay) thuộc tổng Châu Phú, tỉnh Châu Đốc ít năm rồi xin về quê dạy học. Pháp đến xâm lược, ông cùng các sỹ phu Nam Kỳ tổ chức và động viên nhân dân đánh Pháp. Ông nổi tiếng trong cuộc bút chiến với phái đầu hàng đứng đầu là Tôn Thọ Tường.
Thế đấy, tuy Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện tham lam, khiến cho nén bạc của đám người Hoa đâm toạc tờ giấy công lý, nhưng bên cạnh đó lại có Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa chính trực, dũng cảm, có Thượng thư Phan Thanh Giản tốt bụng, có vua Tự Đức công minh. Cho nên những người dân lành Khmer giữ được đất, bà Nguyễn Thị Tồn được khen và Bùi Hữu Nghĩa thoát tội.
Còn hôm nay? Cụ Kình bị giết nhưng lại mang tiếng là “giết người”. Và hàng chục người dân Đồng Tâm trong đó có nhiều người là con cháu cụ đang đối diện với bản án về tội danh “giết người”. Trước một tòa án mà công lý hết sức mong manh.