Tôi Đi Học

Nguyễn Ngọc Hoa là bút hiệu của một kỹ sư đã về hưu, hiện sống ở tiểu bang North Dakota- Hoa Kỳ vào mùa hè; và Texas- vào mùa đông. Trước 1975, ông dạy học và là cố vấn kỹ thuật khi sống ở Sài Gòn.

“Tôi đi học” là một trong những truyện viết trong khoảng từ năm 2013-2014 và đã ấn hành dưới tiêu đề “loạt truyện Thời Thơ Ấu”, kể lại những chuyện tác giả trải qua hay nghe thuật lại trong thời ấu thơ của mình… Mặc dù được sắp xếp theo thứ tự thời gian, mỗi truyện có tình tiết riêng và diễn tiến tương đối độc lập… Do đó, tập truyện không phải là tự truyện và cũng không hẳn là truyện dài…

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu với các bạn…

Truyện

Nguyễn Ngọc Hoa

Mẹ tôi kể khi vừa mới biết đi lẫm chẫm, tôi đã được bà con họ hàng ai cũng khen là kháu khỉnh và hiền như cục bột. Anh tôi lớn hơn tôi bốn tuổi, là cháu đích tôn trong một gia đình hiếm hoi. Ông nội là con một và chỉ có hai người con trai, nhưng người con lớn là bác tôi mất sớm nên chỉ còn một mình cha tôi. Không những ông tôi là trưởng tộc mà gia đình còn có nhiều ruộng đất và giàu có nhất làng, nên ai nấy đều luôn có chuyện xin xỏ, nhờ vả, hay vay mượn cầm cố. Ông sợ bà như sợ cọp nên bà nội mới là người cầm quyền sinh sát trong họ ngoài làng.

Khi anh tôi ra đời, ông tôi đặt tên anh là Quang, cái tên ông đã lục gia phả tham khảo và lựa chọn kỹ càng, để không những mang ý nghĩa anh sẽ mang lại vinh quang cho dòng họ, mà cần nhất là không trùng tên với bất cứ ai, từ tổ tiên ông bà đến làng nước xóm giềng. Nhưng bà nội gạt đi, cấm không ai được gọi anh bằng cái tên đẹp đẽ đó, sợ người cõi âm nghe thấy mà bắt đi. Do đó, anh được gọi là thằng Gái để đánh lừa các hồn ma bóng quế. Mỗi khi trời sấm sét, bà bắt thằng Gái ngậm mấy hạt gạo giả bộ như đang ăn để tránh sét đánh, vì trời đánh tránh ba ăn.

Thằng Gái được bà nội nuông chiều rất mực, muốn gì được nấy, ai mà động tới hắn thì kể như khó sống với bà. Là con so, thằng Gái ra đời với thể chất èo uột, bệnh hoạn liên miên, và thầy lang thầy pháp đến nhà thăm bệnh trừ tà hầu như hàng tuần.

Mẹ kể một hôm anh Đồng, anh họ tôi, trịnh trọng mang áo dài, đội khăn đóng và cắp dù đến nhà, có lẽ để nhờ cậy chuyện gì đó. Kể về vai vế thì anh ngang hàng với tôi, nhưng anh đã ngoại tứ tuần, suýt soát tuổi ông nội. Trước tiên, anh gặp thằng Gái, và hắn thấy cây dù đen dài bóng loáng là đòi lấy chơi. Anh bấm bụng đưa cây dù cho cậu bé, khổ sở than thầm nhìn cây dù quý bị thằng Gái xé tan tành chỉ còn trơ gọng.

Một lúc sau chị vú giữ thằng Gái la hoảng lên. Không biết thằng Gái gấp mở cây dù hư thế nào mà hạ bộ bị cọng dù kẹp. Cậu bé đau quá, ngã xuống giẫy đành đạch, mắt trợn trừng rồi bất tỉnh. Cả nhà túa ra, người thì lấy dầu tràm xoa bóp, người thì đun bếp sắc thuốc, người thì bắc thang lên hồi nhà gọi ba hồn bảy vía của thằng Gái về nhập lại xác, và người thì đi mời thầy cúng. Rốt cuộc, anh Đồng bị mất dù, công việc gặp bà nội không thành, mà từ đó anh bị bà ghét bỏ về tội đã làm hại cháu cưng của bà.

Mẹ nói bà nội mất khi tôi mới biết bò; tôi không nhớ gì về bà. Trong lúc tên thằng Gái do bà đặt, tên thằng Bé gắn liền với tôi nảy sinh như một mối duyên tình cờ. Nhà ông nội nằm sau lưng Đồn Genie (Công Binh) Pháp, ở giữa là một thửa đất rộng họ dùng để thả nuôi cừu. Một buổi trưa hè nóng nực, anh lính Pháp gốc Phi Châu có nhiệm vụ trông coi đàn cừu vào nhà tránh nắng và xin nước uống. Thấy tôi dễ thương, anh làm quen và dần dà xin phép được bồng ẵm và nựng nịu cậu bé vừa mới biết đi. Anh gọi tôi là Mon Petit (“Chú Bé Con của Tôi”), mang cho tôi nhiều bánh kẹo và thức ăn Pháp. Tôi thích nhất những thanh chocolat màu nâu đậm, ngọt ngào mà có một chút vị đắng và trở thành thằng Bé lúc nào không hay.

Rồi một hôm, anh lính Pháp đến nhà cùng với một người thông ngôn và xin gặp mẹ tôi. Sắp mãn hạn phục vụ tại Đông Dương, anh xin nhận thằng Bé làm con nuôi, đưa về Pháp cho ăn học thành bác vật (kỹ sư). Nếu mẹ bằng lòng, anh xin tặng tất cả số tiền anh dành dụm được từ lúc quen tôi. Mẹ trả lời, “Cha thằng Bé làm quan một (thiếu uý), anh đừng nói vậy ông không bằng lòng đâu”. Ngày từ biệt chúng tôi để về nước, anh khóc sướt mướt.

Tôi lớn dần trong sự yêu thương chiều chuộng của bà ngoại. Ngoại ở phía bên kia đường nhìn xéo qua Đồn Genie, là người duy nhất dám la mắng thằng Gái mỗi khi hắn quá. Ngoại sống một mình. Ông ngoại mất sớm và ngoại chỉ có hai người con là mẹ và cậu Các. Cậu lớn hơn mẹ, bỏ nhà theo kháng chiến khi mẹ mới mười ba tuổi, mười năm trước khi tôi ra đời. Nhà ngoại rộng thênh thang, chất đầy hàng hóa mà ngoại mua bán, và có một căn để chứa gà sống. Ngoại luôn dành sẵn cho tôi con gà trống đẹp nhất nhốt trong cái lồng nhỏ hình quai vạc, món đồ chơi duy nhất của thằng Bé trong thời thơ ấu.

Đáng nhớ nhất là những lần tôi được ngoại cho đi theo ra Chợ Tam Tòa, chợ chính của thị xã. Ngoại đặt tôi ngồi trong cái thúng ở đằng trước, thúng sau chất hàng cho cân rồi nhẹ nhõm gánh đi. Ra chợ, tôi được các bạn hàng của ngoại cưng chiều, quà vặt món gì cũng được ăn. Ngoại nói nhờ tôi mau mắn mà ngoại mua may bán đắt, khi nào ngoại cũng hết hàng sớm. Có lẽ vì vậy mà hàng năm vào ngày ba mươi Tết, bà con láng giềng đều tìm tôi cho tiền, dặn sáng mồng một Tết phải đến nhà họ đạp đất (xông đất) đầu năm. Thằng Gái đôi khi cũng được tiền, nhưng dặn phải ở nhà, đừng đến mà mang xui xẻo cho gia chủ suốt năm.

Thằng Gái tám tuổi mà vẫn chưa chịu đi học, mẹ và ông nội nói thế nào cũng không nghe. Sau cùng, ông tìm ra giải pháp: cho thằng Bé đi học với hắn cho có bạn. Anh tôi nói đi học khó vô kể, thầy dữ lắm thường bắt học trò quì xơ mít, và đám học trò cũ thì hay bắt nạt đánh đập học trò mới. Tôi nghe thấy sợ quá, lên nhà ngoại trốn biệt. Mẹ phải nhờ ngoại trần tình năn nỉ, tôi thương ngoại nên xiêu lòng chịu đi học với thằng Gái, nhưng với một điều kiện: phải cho tôi đem theo con gà cưng.

Một buổi sáng đầu thu lành lạnh, trên con đường đất dẫn tới trường làng, ông nội lưng đeo bị đựng sách vở giấy mực và vai cõng Thằng Gái ngồi ngất ngưởng. Tay ôm chặt chiếc lồng gà, tôi lẽo đẽo theo sau. Vậy là tôi đi học.

Comments are closed.