Tiếng chim hót và tiếng hổ gầm (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 126)

Tương Lai

đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội

tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng[1]

clip_image002Sau tiếng chim hót gửi đến những bạn thân quen đón năm mới 2022 liệu tiễn năm Tân Sửu, đón năm Nhâm Dần mà nghe nói là năm “long hổ giao tranh” nên phân vân không hiểu các bạn tôi có muốn nghe tiếng hổ gầm không đây? Nói chuyện Hổ, chẳng hiểu sao tôi cứ lướng vướng về thân phận con Hổ đang

Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua …

…Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi

Con hổ nhớ rừng, con hổ đang khát khao nghe “tiếng gió gào ngàn”, nghe “giọng nguồn hét núi”,

khát khao về

những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm cảnh giang sơn ta đổi mới?

Con hổ của khát vọng tự do

Bước chân lên dõng dạc đường hoàng

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng

Vờn bóng âm thầm lá gai, cỏ sắc

Vậy thì đây là thân phận con hổ hay là thân phận con người đang khao khát một “giấc mộng ngàn to lớn”?

Là tiếng gầm trong cũi sắt! Thế tiếng gầm khi đã “thoát cũi sổ lồng” khi hổ đã “thả về rừng” thì tiếng gầm của “chúa sơn lâm” trong “những đêm vàng bên bờ suối, say mồi đứng ngắm ánh trăng tan” sẽ còn dữ dội, đắm say cỡ nào? Nó sẽ

ngân vang giữa cảnh oai linh nước non hùng vĩ;

là nơi giống hùm thiêng (ta) ngự trị[2]

Cho nên không lạ khi Hổ lại là con vật được xếp số một trong hàng ngũ các loại động vật sống trên hành tinh của chúng ta. Trong một cuộc thăm dò dư luận của kênh truyền hình Animal Planet trên 50.000 người đến từ 73 quốc gia cho biết kết quả hổ là con vật được yêu thích nhất trên thế giới. Theo kết quả bỏ phiếu thì hổ nhận được 21% số phiếu bầu.

Thì ra “hùm thiêng, chúa sơn lâm” quá đáng sợ, cũng lại là rất “đáng yêu”.

clip_image004

Ở một khía cạnh khác, qua sự thăm dò xếp loại những con vật này cũng cho thấy được tình cảm và khát vọng của con người trong chiều sâu thẳm của nó, sức mạnh và tự do. Bởi vậy cho rằng con Hổ chỉ ẩn sâu trong tâm thức của người Phương Đông, nhất là trong văn hoá đậm sắc Đông Nam Á cũng không hẳn đã đúng hoàn toàn. Thì đó, giữa thủ đô hoa lệ của nước Pháp chẳng đã sừng sững một bức tượng hổ rất dũng mảnh và thanh thoát đó sao. Khát vọng về sức mạnh nội lực gắn liền với tự do không của riêng một dân tộc nào. Thì đó, những từ TỰ DO được lặp lại hai lần trong lời của bài Quốc ca Pháp (và khi hát cũng lặp lại hai lần) đã biểu tỏ khí phách của một dân tộc.

Amour sacré de la Patrie,

Conduis, soutiens nos bras vengeurs!

Liberté, Liberté chérie[3]

Dẫn ra những chuyện trên chỉ nhằm nói lên một điều là: con hổ chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt trong tâm thức của con người, nhưng cũng không thể phủ nhận biểu tượng hổ đã chìm sâu vào tâm thức của người Việt.

Người ta hay viện dẫn câu thành ngữ

Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt

Tri nhân tri diện bất tri tâm 知人知面不知心

vốn gốc thành ngữ chữ Hán nhưng rồi người Việt dùng lâu hoá quen chứ thật ra, đâu chỉ “hoạ hổ” mới “nan hoạ cốt”. Bất cứ một động vật nào cũng rất khó để “vẽ cốt”, tức là vẽ cái khí chất của nó, dù vẽ con mèo cho đến vẽ con người, cũng thế thôi. Gắn với “nan hoạ cốt” của chuyện vẽ hổ nhằm gợi lên mối liên tưởng với con vật vốn có dáng dấp đường bệ “Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng”.

Con hổ đã vượt qua sự sàng lọc của quá trình tiến hóa để có màu lông như hệ thống

ngụy trang, bảo vệ nó rất tốt trong bối cảnh rừng rậm – theo Fennell nhà khoa học về động vật học. Hổ có dáng đi đặc trưng được gọi là hổ bộ, bốn chân khi đi rất khoan thai,nhưng chắc chắn, mỗi bước chân đặt xuống đất thì các xương cốt, cơ bắp trên phần thân thể đều lộ ra. Nhưng không vì thế mà dễ vẽ được cái thần thái của “chúa sơn lâm”. Cho nên, phải chăng hồn vía của câu thành ngữ kia dồn vào vế sau “bất tri tâm”, nhằm biểu đạt cái khó của việc nhìn nhận cốt cách con người, có khi lại là “cáo mượn oai hùm” hoặc chỉ là “miệng hùm gan sứa” cho nên khó để mà “trông mặt mà bắt hình dong”. Người ta đã thống kê Việt Nam có hơn 1.200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. trong đó đúc kết nhiều tri thức rất sâu sắc ví như câu thành ngữ thâm thuý

Hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng

Liệu hổ đáng sợ hơn hay người đáng sợ hơn đây? Nhất là người có quyền. Quyền càng tột đỉnh thì sự tha hoá của y cũng càng tột đỉnh dữ dằn “vằn vện” đến quá khó lường: chuyện này thì bàn dân thiên hạ đều “thực mục sở thị” chẳng phải chỉ mặt nêu tên.

clip_image006

Trong tâm thức Việt, Hổ là thần bảo vệ cho cuộc sống muôn dân. Vì thế, Hổ được đắp nổi trên các bức bình phong trước cửa đình Bức tranh “Ngũ Hổ” thuộc dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội) phản ánh nhiều mặt của tâm thức người Việt được vẽ theo nguyên lý ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), ngũ phương (trung tâm, Đông, Tây, Nam, Bắc), ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh). Qua tranh, người xem đã cảm nhận đây như là một vũ trụ thu nhỏ: phía trên đầu năm Ông Hổ là chòm sao Bắc Đẩu (Đại Hùng tinh) in trên nền trời xanh có mây ngũ sắc vần vũ. Hai Hổ màu đen và trắng cũng đang cưỡi mây. Đó là thế giới của bầu trời. Hai Hổ ở dưới màu xanh và đỏ đang cưỡi dãy núi nhấp nhô. Đó là thế giới của mặt đất. Hổ màu vàng ở giữa có kích thước to hơn cả. Có hương án bày trước mặt, bên phải Hổ có cắm một hàng kiếm, bên trái được treo những lá cờ ngũ sắc.[4] …Để thổi hồn cho bức tranh, các nghệ nhân xưa đặc biệt chú ý phối màu khi vẽ tranh ngũ hổ. Màu sắc trong tranh cũng phải lộng lẫy, uy linh, giống với những bức tranh khác của dòng tranh Hàng Trống, ngũ hổ được tạo bởi bản in những nét màu đen, sau đó người thợ sẽ dùng bút lông để tô màu. Năm con hổ với những màu sắc khu biệt, rõ ràng nhưng lại rất uyển chuyển. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân đã vờn chuyển màu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối khác nhau. Vì vậy, khi nhìn bức tranh ngũ hổ, người xem sẽ cảm nhận được những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ oai phong, đặc biệt, những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên lấy thế đập xuống đất để bật chồm lên của những chúa sơn lâm. Những con mắt hổ hừng hực như nội lực của loài mãnh chúa.[5]

Thật thú vị khi nhớ lại rằng hình tượng hổ chìm sâu trong tâm thức người Việt đến độ được vận dụng vào trong tư duy quân sự về cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm: “Nó sẽ là một cuộc chiến giữa voi và hổ. Nếu hổ đứng yên thì sẽ bị voi giẫm chết. Nhưng hổ không đứng yên. Ban ngày nó ẩn nấp trong rừng và ra ngoài vào ban đêm. Nó sẽ nhảy lên lưng voi, xé những mảnh da lớn, và rồi nó sẽ chạy trở lại vào rừng tối. Con hổ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi con voi sẽ chảy máu đến kiệt sức và chết. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương sẽ như vậy”. Đó là câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc phỏng vấn của New York Times.[6]

Bức tranh dân gian “Ngũ hổ” không chỉ dừng lại ở một tác phẩm hội họa nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông. Để thổi hồn cho bức tranh, các nghệ nhân xưa đặc biệt chú ý phối màu khi vẽ tranh ngũ hổ. Việc bố trí màu sắc của từng con hổ xung quanh hổ vàng cũng không phải là vô tình. Nếu như trong tranh ngũ hổ của làng tranh Đông Hồ, màu sắc của năm con hổ được bố trí theo quan hệ tương khắc, thì ngũ hổ của Hàng Trống lại thể hiện sự tương sinh giữa các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trên đầu hổ vàng, dưới mặt trời đỏ rực rỡ có bảy chấm trắng là hình tượng của chòm đại hùng tinh. Chân hổ vàng trấn lên một miếng phù có ghi “pháp đại uy nỗ”. Hai bên hổ vàng: bên phải có năm thanh kiếm, bên trái có năm lá cờ lệnh. Hình ảnh của cờ lệnh và kiếm trong tranh ngũ hổ thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vũ trụ và sự tương tác với trái đất.[7] Đúng là ẩn chứa thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông và tại sao lại là năm con hổ, lý do đã được sơ bộ trình bày ở trên.

Nhưng liệu điều đó có mâu thuẫn với nét “độc tôn” của hổ thể hiện trong thành ngữ “một rừng không có hai hổ”. Hơn nữa, liệu “độc tôn” và “độc quyền” có dây mơ rễ má gì với nhau không. Xoay quanh chuyện này sẽ gay cấn đây. Chẳng vậy loạng quạng thế nào mà vừa mới đây cũng vì lấn cấn chuyện hổ mà lãnh đạo thị xã Phú Thọ bị một phen hú vía, phải cấp tốc cho chuyển ngay tắp lự đàn hổ gầy nhom như thể đàn chó đã được dựng làm tượng trang trí vườn hoa đón Xuân Nhâm Dần. Người ta giải thích rằng mấy con hổ này là do doanh nghiệp tặng. Chẳng biết thực hư ra sao. Có thể là ông chủ doanh nghiệp nào đó tặng đàn hổ, và vị quan chức tiếp nhận đàn hổ đó cùng sở hữu một trình độ văn hoá hơi bị lùn và cũng gầy còm như mấy con hổ đem tặng, đã nhanh nhẩu đặt ngay vào Quảng trường Bình Minh giữa thị xã “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi”!

Có lẽ họ không biết rằng trong cái thời buổi nhạy cảm vào lúc cuộc đốt lò “chống tham nhũng và tiêu cực” dưới sự lèo lái của cụ Tổng đang bập vào một canh bạc lớn mà các con bài đang dần dần được hé mở, hứa hẹn một trận thư hùng “được ăn cả, ngã về không” sao? Nguy hơn, nếu chẳng may vớ phải mấy tay “dư luận viên” giàu tính nghề nghiệp thính mũi tinh mắt, nhạy bén ngửi thấy ra trong chuyện “cọp bầy” này một ẩn ý tế nhị ngầm chứa cái tội tày trời “diễn biến hay tự diễn biến” gì đó ở tỉnh nhà hiện đang nuôi dấu một cuộc loạn chiến giành ghế giữa các “con hổ” có thế lực, và càng nguy hiểm hơn là ám chỉ ở trung ương, nơi cung đình “bí hiểm” với

… “Những cảnh không đời nào thay đổi,

Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối[8]

đang sắp diễn ra một cuộc chiến để chấm dứt tình trạng “một rừng không thể hai cọp” chăng? Dám lắm chứ.

Những chuyện lùm xùm cuối năm Trâu đầu năm Cọp, với cung cách điều hành cuộc chống đại dịch COVID-19, một cuộc chiến chưa có tiền lệ, có thể xem là sự thử nghiệm năng lực của bộ máy lãnh đạo và điều hành đất nước, nhất là thử thách cái gọi là “hệ thống chính trị” được phổ biến mạnh mẽ từ “triều đại” Nguyễn Phú Trọng. Lại nữa chuyện này xem ra có dây mơ rễ má với một câu hỏi lớn chưa có lời đáp về sự khởi nguồn đại dịch từ Vũ Hán bên Tàu. Chuyện này như một chất xúc tác làm tăng thêm sự lúng túng trong cái thế đã “cưỡi lên lưng cọp”.

Nguy hơn nữa, nói như cách nhận định của nguyên uỷ viên Trung ương Lê Doãn Hợp đã dẫn ở bài trước: “Khi diễn tập, chúng ta làm rất tốt và bài bản, nhưng khi có chuyện xảy ra thì bên cạnh Đảng và nhà nước, chỉ còn rõ nhất Quân đội và Công an”.[9] Gì gì đó thì còn chưa rõ, nhưng do không biết tin vào ai, trong hoang mang lo sợ khi bị nhốt vào những “khu cách ly”, dòng người ào ạt đổ xô trên các nẻo đường rời đô thị, nơi họ từng đổ xô đến kiếm sống, nay đành liều nhắm mắt đưa chân chạy ngược trở lại nơi từng dứt áo ra đi. Và, dài bất tận những mảnh đời phiêu bạt về quê:

Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than
đứt ruột.
tiếng thở dồn người chống dịch xả thân
thắt ruột.
tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von
sốt ruột.
tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi
lộn ruột
….

… âm dương lập lờ ảo ảo hư hư,

không có giấc mơ, chỉ toàn ác mộng
mập mờ như ngủ như thức

người và ma lẫn lộn tù mù
ta thu bóng ngồi uống trà với gió
chén rượu suông cụng với chính hồn mình

….Dịch bệnh bung toang không hề hư vô
là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
lời sấm truyền ngày tận thế tự thân 
hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?
con người hiền lương con người nhân đức
gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!
[10]

Hết đất làm người ư? Mạo muội khuyên ông bạn thơ của tôi lưu ý thêm câu thành ngữ vừa dẫn “Hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng”.

Vậy “vằn” ngoài da đáng sợ hay “vằn” trong bụng” đáng sợ? Câu hỏi này thì cha ông ta xưa đã từng giải đáp. Nhiều trang sử qua các triều đại đã ghi rành rành! Trong “Ngục trung nhật ký”, Hồ Chí Minh cũng từng chua chát và kín đáo nói lên cái nghịch lý nhằm phê phán chính quyền tỉnh Quảng Tây đã vô lý bắt giam mình:

Cao sơn lộ hổ chung vô dạng, 高山遇虎終無恙

Bình lộ phùng nhân khước bị giam. 路逢人卻被監

Núi cao gặp hổ mà vô sự

Đường phẳng gặp người, bị tống giam (Khương Hữu Dụng dịch thơ)

Còn Văn Cao thì cay đắng lên án sự tàn bạo của một cơ chế trói buộc con người, bóp chết khát vọng tự do, kìm toả và làm băng hoại sáng tạo của người nghệ sĩ

Có lúc
một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ

Có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
[11]

Hình ảnh “hổ” và “người” đặt cạnh nhau nhằm diễn đạt tâm trạng trên một chiều sâu suy tư, một tầm cao văn hoá của nhà thơ. Không có một tầm cao văn hoá, không thể có những tứ thơ trên. Ấy thế mà, với trò diễn về lễ tịch điến năm nay, người ta lại phục dựng một cách kệch cỡm biểu tượng “hổ vằn ngoài da” lên nét dáng hiền lành nhẫn nại của con trâu, chắc là muốn gợi ý năm nay là năm cọp!

clip_image008

Muốn trở về nguồn cội thì phải nhớ cho rằng, lễ Tịch điền có nguồn gốc từ rất xa xưa do vua Thần Nông, một vị vua huyền thoại được xem là thủy tổ của người Việt, khai mở. Về sau, lễ này mang bóng dáng của ý nghĩa tế Thành hoàng, Thần Nông, các thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nên còn được gọi là Hạ điền cầu bông.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa xuân [năm Đinh Hợi 987], vua [Lê Đại Hành] lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi [Duy Tiên, Hà Nam] được một hũ nhỏ vàng. Lại cày núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân [Kim Ngân điền]”.

Muốn phục dựng một truyền thống văn hoá thì cũng phải trên một cái tầm văn hoá tương xứng. Thiếu một bề dày văn hoá sẽ dẫn đến những hành động phi văn hoá. Phải chăng những quan chức dàn dựng bối cảnh để Chủ tịch Nước phục dựng “lễ Tịch Điền” cũng cùng kích cỡ “văn hoá hơi bị lùn” của các quan chức ở thị xã Phú Thọ đem bày đám hổ còm nhom như muốn tranh ăn trên Quảng trường, rồi hốt hoảng phải dời đi ngay vì “nhạy cảm”. Sự “sáng tạo” nào cũng phải trên cái nền của văn hoá, thiếu đi cái nền đó, một thiện chí đôi khi trở thành một biếm hoạ!

Mới đây vừa được ông bạn già gửi cho một tư liệu quý, cuốn Lan Trì kiến văn lục. Tác giả là danh sĩ Vũ Trinh thế kỷ 18, 19 biệt hiệu Lan Trì ngư giả. Ngoài việc biên tập chính Hoàng Việt luật lệ, trong Lan Trì kiến văn lục, ông đã ghi chép bốn chuyện về hổ rất có ý nghĩa. Ngoài chuyện kể, ông để lại những lời bình rất thâm thuý và sống động mà nay đọc lại cứ như thể ông nói về đương kim triều đại: “Làm sao có được trăm nghìn vị chúa sơn lâm như thế để trừ hết mọi sự bất bình cho nhân gian hôm nay. Và ước gì có thể thả bà hổ này ra để mời những vị quan cao kia,những kẻ ngồi cao ngất ngưỡng trên công đường mà nhai xương hút tủy người ta, vào trong rọ!”.[12] Cái “rọ” ấy hình như bây giờ người ta dùng để “nhốt quyền lực” và đổi tên là “cái lồng”, một sáng tạo “vĩ đại” của ông Trọng.

Liệu có phải cái lồng nhốt quyền lực của ông Tổng có khe hở lớn đến cỡ nào mà để cho “quyền lực” chui ra, khuynh loát cả cuộc chiến đấu chống lại đại nạn ập đến với hành động thất nhân tâm của Công ty Việt Á “âm dương lập lờ ảo ảo hư hư” nhập ba triệu bộ kit xét nghiệm của Trung Quốc giá 21.560 đồng về thổi giá lên 470.000 đồng, bán cho 62/63 tỉnh thành để trục lợi. Một công ty con với một trụ sở bé tí hin làm sao buộc 62 tỉnh thành mua sản phẩm nhập của Tàu được, nếu không là một hoạt động “lũng đoạn nhà nước”. Phải có những thế lực của những “ông trùm”, “bà trùm” mới có được sự lũng đoạn ấy.

Nguyễn Quang Dy đúng khi anh viết: “Có thể nói các nhóm lợi ích thân hữu đã làm giàu nhanh trên mồ hôi, nước mắt, và cả sinh mạng của hàng triệu đồng bào, ngay trong đại dịch… Muốn biết xu hướng “đốt lò” sắp tới, hãy chờ xem cách xử lý các vụ đại án (như Việt Á) liệu có triệt để không, hay “đầu voi đuôi chuột” vì “sợ vỡ bình”[13].

Cái “bình” gì, quý giá cỡ nào, mà người giữ bình cứ hai tay ôm chặt không nhường cho ai khi sức cũng đã tàn, lực cũng đã kiệt nhưng vẫn cứ “cố đấm ăn xôi”. Không những thế lại dám khơi khơi nói trong cuộc họp báo ngay khi Đại hội 13 bế mạc: “Tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”.[14] Cứ muốn hỏi thử trong số 1.590 đại biểu dự Đại hội, kể cả những vị ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn và các quan chức cấp cao ngồi ngay hàng ghế đầu, liệu có ai nghe được câu “cũng xin nghỉ” ấy không? E khó đây? Chưa chừng là điều “tối mật”, phải giữ mình chớ có dây vào.

Sự kiện “Việt Á” vừa bung bét toé loe về “những thành tựu vĩ đại của chuyện “đốt lò” và phép mầu nhiệm của cái “lồng nhốt quyền lực” của cụ Tổng chưa kịp hạ nhiệt thì lại nảy nòi ra vụ án nhục nhã “Cục Lãnh sự” ở Bộ Ngoại giao. Ai đó đã giải thích khá rõ: “Vì liên quan nhiều lợi ích nên bộ phận lãnh sự trong nước cũng như ở các đại sứ quán thường là nơi mang lại nhiều tiếng xấu nhất cho Bộ Ngoại giao. Lên mạng chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bao nhiêu phàn nàn, lên án, tố cáo… của cư dân mạng, nhất là người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, nói về việc họ bị gây khó dễ, ăn chặn, lạm thu… bởi cán bộ lãnh sự ở các đại sứ quán của Việt Nam như thế nào”.[15]

Cần nói thêm, Bộ Ngoại giao phải là cầu nối đất nước với thế giới, đấy là nơi quy tụ khá nhiều những bộ phận tinh hoa về phẩm chất và trình độ văn hoá để có thể đủ sức chuyển tải những gì tốt đẹp của truyền thống quật cường và nhân ái mà dân tộc đã được hun đúc trong trường kỳ dựng nước và giữ nước với bạn bè năm châu.

Vết nhơ này dường như đã là bức biếm hoạ với những nét hoàn tất bức tranh băng hoại của bộ máy quản lý và vận hành đất nước theo một mô hình chuyên chế của một ý thức hệ đã quá lạc hậu phơi ra trước thế giới khó mà che đậy được nữa.

Vì vậy, trở lại với những nét vằn trên lưng con trâu giả hổ kia, suy cho cùng, nói lên sự lạc hậu của trình độ cán bộ, quan chức được đào tạo theo một quy trình được tụng ca là chặt chẽ và nghiêm minh, nhưng thật ra nó cũng dối trá như cách dựng “hổ giả” kia. Vì không được học hành cẩn thận, “học giả bằng thật”, trong quy trình “thân quen” với sự công khai cái “giá biểu làm bằng giả” để kiếm được cái “ghế thật” đã tạo ra một lớp quan chức có ý tưởng kỳ quặc vẽ “vằn hổ” lên “lưng trâu”, đem cái ác quen ứng xử với dân trùm lên cái thiện vốn có của cuộc sống hàng ngày rất gần gũi, nhân ái “Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”, Cấy cày vốn nghiệp nông gia, Ta đây, trâu đấy…”

Thật ra cũng chỉ là chuyện con trâu, con hổ vào năm con trâu chuyển sang năm con hổ, nhưng oái oăm thay, nó lại trưng ra trước bàn dân thiên hạ một hiện tượng văn hoá rất phi văn hoá vào lúc đang rầm rộ mở ra những hội thảo, hô hào, răn dạy rùm beng về văn hoá. Nào là “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Nào là hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng[16] Rồi chính người đang hùng hồn rao giảng kia cũng là người tự đặt ra câu hỏi: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?”.[17] Vì sao ư? Vì sự tham nhũng quyền lực của chính người muốn nhốt quyền lực vào trong một cái lồng, trừ ông ta. Tham nhũng quyền lực đến độ giẫm đạp lên cả điều lệ đảng để tiếp tục ngồi lại trên cái ghế quyền lực. Sự đổ vỡ bung bét của bộ máy cán bộ quản lý theo đúng quy trình của chính người thao túng quyền lực tạo ra, là hệ quả tất yếu chẳng có gì phải bàn cãi. Những gì diễn ra vào những ngày kết thúc năm con Trâu mở đầu năm con Cọp cho thấy sự thất bại thảm hại của cuộc chiến chống tham nhũng mà thực chất là cuộc tranh giành quyền lực với những thủ đoạn thanh toán đối thủ theo cách của quan thầy họ Tập áp dụng bên Tàu. Các nhóm lợi ích thân hữu đã làm giàu nhanh trên mồ hôi, nước mắt, và cả sinh mạng của hàng triệu đồng bàongay trong đại dịch. Đó không chỉ là tội về kinh tế và hình sự mà còn là “giặc nội xâm”, nguy hiểm không kém virus Corona. Vì lòng tham, họ có thể tiếp tay cho “giặc ngoại xâm” trong cuộc chiến âm thầm không tiếng súng[18].

Mở đầu cho năm Hổ với những bung bét tệ hại kết thúc năm con trâu lầm lũi nhẫn nại chịu đựng, liệu có thể nghĩ về con hổ đang “gặm một mối căm hờn trong cũi sắt” đã “thoát cũi sổ lồng” trở về rừng để “trong những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn … lặng ngắm cảnh giang sơn ta đổi mới[19] được chăng để xoá dần đi nỗi ám ảnh về hình tượng hổ bị giam trong cũi sắt đã dẫn dắt dòng suy tư khi viết bài trong cái Tết Nhâm Dần. Một ám ảnh về thân phận chăng? Bản thân tôi cũng có chút trải nghiệm để mạo muội chia sẻ với tâm trạng Văn Cao, một nghệ sĩ bậc thầy từng “Có lúc. Một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ. Thế mà rồi ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt”.

Duyên do là, năm mười lăm tuổi, tôi đã từng nếm trải cảm nhận về mùi hổ trong rừng cỏ tranh trên đường vượt Trường Sơn leo qua U Bò, Ba Rền ra khu IV rồi trèo Dốc Cun đến Hoà Bình để lên Tuyên Quang, Việt Bắc. Đến nay, khi đã bước vào tuổi 87, dư âm của cảm nhận đó gắn liền với những gì đang diễn ra vẫn còn ám ảnh trong những khoảnh khắc suy tư vào những đêm mất ngủ.

clip_image009

Một liên tưởng vụt đến: Tượng Lý Thái Tổ uy nghi giữa quảng trường vườn hoa Chí Linh (nay gọi là Quảng trường Lý Thái Tổ) gợi nên bao suy tư về vận nước. Cái thế “Rồng cuộn Hổ ngồi” in đậm dấu ấn tâm linh của Hà Nội là lý do để Lý Thái Tổ chọn đặt thủ đô. Đọc lại “chiếu dời đô” cuả Lý Công Uẩn – người sáng lập ra triều Lý – càng thấy cái tầm nhìn và tâm thức của người đã gây dựng nên một triều đại kéo dài 216 năm, mở ra kỷ nguyên Đại Việt (大越), rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam ta. Chiếu dời đô có đoạn: “Ở trung tâm bờ cõi đất nước được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh thống khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Trong Đại Việt sử ký tiền biên, Ngô Thì Sĩ viết: “Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền, hình thể Đại Việt không nơi nào hơn được nơi này”.

clip_image011Cho dù đã từng xảy ra hiện tượng một lũ vô học đến nhảy nhót, la hét dưới chân tượng nhằm phá đám lễ dâng hương biểu thị lòng yêu nước và tự hào dân tộc của những người dân Hà Nội xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, – một vết nhơ khó xoá – thì hành vi phản văn hoá nhục nhã ấy cũng không làm ô uế được biểu tượng thiêng liêng – “hình thể Đại Việt không nơi nào hơn được nơi này” – đã in đậm dấu ấn trong tâm thức người dân và trí thức Hà Nội, tâm thức người Việt bốn phương trời. Đúng vậy, từ bốn phương trời.

Tôi dừng lại bài viết với cảm hứng về trận bóng đá ngày “Mồng Một Tết con hổ” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, người đã gửi tặng tôi hai cuốn sách Khi đồng minh nhảy vàoKhi đồng minh tháo chạy giúp tôi có điều kiện hiểu sâu những sự kiện với những mênh mông thế sự từ những chiều cạnh khó tìm thấy trong nước và cả những thông tin đọc được từ nước ngoài vốn rất phong phú.

Anh viết: “Thủ tướng Chu Ân Lai, một con người học thức uyên thâm đã biết quá rõ về lịch sử nhà Hán cũng như những triều đại khác nên rất khâm phục khí phách của người Việt. Liệu câu chuyện bóng đá ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần có được giới chức Trung Quốc suy nghĩ?”.

Rất thú vị là nhà trí thức từng có điều kiện hiểu sâu nội tình của “phía bên kia” trong cuộc chiến tranh hao người tốn của đã cung cấp những thông tin đáng giá cho độc giả của bài viết của tôi:

Riêng đối với Việt Nam, có thể là các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc ngày nay đã quên hoặc không biết đến sự kính phục mà chính thế hệ lãnh đạo cách mạng đàn anh đã dành cho con người Việt Nam. Mời độc giả theo dõi một ghi chú cho lịch sử về tâm sự của chính người vẽ Đường Lưỡi Bò ở Biển Đông: “Hai người nữ anh hùng ấy đã đánh bại tổ tiên của chúng tôi là những người bóc lột’ (These two heroines who defeated our ancestors who were exploiters).

Đây là câu do chính cựu Thủ tướng của Chủ tịch Mao ở Trung Quốc, ông Chu Ân Lai nói với Cố vấn Tổng thống Mỹ Henry Kissinger. Lúc ấy ông Kissinger bí mật đi gặp ông Chu để sắp xếp chuyến viếng thăm của Tổng thống Nixon vào tháng 2, 1972.

Sau đây là tài liệu của Tòa Bạch Ốc đã được giải mật ghi biên bản cuộc họp kín tại Bắc Kinh giữa hai người vào ngày 9 tháng 7, 1971:

‘Thủ tướng Chu: Việt Nam là một nước anh hùng.

Dr. Kissinger: Họ là một dân tộc anh hùng, một dân tộc vĩ đại.

Thủ tướng Chu: “Họ là một dân tộc vĩ đại, anh hùng và đáng khâm phục. Hai nghìn năm trước Trung Quốc đã xâm lược họ, và Trung Quốc đã bị đánh bại. Lại bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng’”.[20]

clip_image013

Tiếc là khi Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết: Từ trận bóng đá ngày Tết tới chuyện lịch sử” anh chưa kịp chứng kiến đội bóng đã nữ Việt Nam giành quyền vào World Cup bóng đá nữ 2023 để anh có thêm vài dòng sau câu: “Trung Quốc đã bị đánh bại. Lại bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng. Thôi thế cũng là đủ đẹp.

Chúng ta đang nghe tiếng hổ gầm xoá tan không khí ngột ngạt của

tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von
sốt ruột.
tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi
lộn ruột

Ngày 9.2.2022

 

[1] Thế Lữ, “Nhớ rừng (Lời con hổ ở vườn Bách Thú)”.

[2] Thế Lữ, “Nhớ rừng (Lời con hổ ở vườn Bách Thú)”.

[3] Với tình yêu thiêng liêng cho Tổ quốc Dẫn dắt giục giã công cuộc rửa thù của ta. Nền tự do, nền tự do thân yêu.

[4] Dẫn theo VOV.VN, thứ ba 1.2.2022.

[5] Dẫn theo VOV.VN, thứ ba 1.2.2022.

[6] Trả lời phóng viên David Schoenbrun của báo New York Times trong cuộc phỏng vấn ngày 11 tháng 9 năm 1946 tại Paris. Duiker, William, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, 2000, tr. 379.

[7] Dẫn theo VOV.VN, thứ ba 1.2.2022.

[8] Thế Lữ, “Nhớ rừng (Lời con hổ ở vườn Bách Thú)”.

[9] Vietnnamnet 25.10.2021. Dẫn lại theo RFI. 27.10.2021

[10] Nguyễn Duy, “Thời mắc dịch”.

[11] Văn Cao, “Có lúc”.

[12] Dẫn theo nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh.

[13] Nguyễn Quang Dy, bài đăng trên Viet-Studies.

[14] Tuổi Trẻ 01/02/2021.

[15] Lê Hồng Hiệp, BBC.17.2.2021.

[16] VNExpress 24.11. 2021.

[17] Theo tường thuật của báo Thanh Tra. BBC ngày 21.2.202.

[18] Nguyễn Quang Dy, bài đăng trên Viet-Studies.

[19] Thế Lữ, “Nhớ rừng (Lời con hổ ở vườn Bách Thú)”.

[20] BBC, 4/2/2022.

Comments are closed.