Tiếng vọng từ Chernobyl (kỳ 10)

Svetlana Alexievich

T. Vấn dịch

Ba Mẩu Độc Thoại

Độc Thoại

_____________________________

về những cuốn phim chiến tranh

Đây là điều tôi giữ kín. Không ai khác được biết. Tôi chỉ kể cho duy nhất một người bạn của tôi mà thôi.

Tôi làm công việc quay phim. Tôi đến đó mang theo tất cả những gì tôi đã được chỉ dạy : đối mặt với chiến tranh, người ta sẽ trở thành một nhà văn thực thụ. Giã từ vũ khí* là quyển sách gối đầu giường của tôi. Khi tôi đến, thấy dân chúng đang cuốc đất trong vườn, chung quanh có cả xe xúc đất, máy gieo hạt. Tôi sẽ làm gì đây? Không có cảnh súng nổ đạn bay nào để quay phim cả.

Cảnh quay đầu tiên của tôi là tại trụ sở ban nông nghiệp. Người ta đặt một cái máy truyền hình lớn giữa sân khấu rồi tụ họp mọi người chung quanh. Họ đang nghe ông Gorbachev nói chuyện – ông ta bảo mọi chuyện đều ổn cả, chúng ta đang làm chủ tình hình. Trong ngôi làng mà chúng tôi đến quay phim người ta đang làm công việc “giải xạ”. Người ta đang chùi rửa các mái nhà. Nhưng làm sao có thể chùi rửa cái mái nhà của một bà cụ già nếu nó đã bị dột? Còn với đất, để giải xạ thì phải xúc đi hẳn lớp đất màu mỡ trên mặt. Sau đó chỉ còn lớp cát vàng. Có một bà cụ, bảo sao là bà làm đúng như thế, bà ném bỏ lớp đất trên mặt đi nhưng giữ lại chỗ nào có phân bón để sử dụng sau này. Thật tiếc tôi đã không quay cảnh đó.

Đi đến đâu, hễ thấy tôi là mọi người lại kêu lên: “Đây rồi, người của phim ảnh đây. Chờ chút nhé, chúng tôi sẽ đi tìm cho các ông những nhân vật anh hùng.”. Họ dẫn đến giới thiệu với chúng tôi một ông già và đứa cháu trai của ông. Cả hai đã vất vả suốt hai ngày trời lùa lũ bò ra khỏi khu vực ngay bên cạnh trạm Chernobyl. Cảnh quay xong, một chuyên viên về gia súc đã gọi chúng tôi đến xem một cái hố khổng lồ, nơi đó người ta chôn xác bò bằng máy ủi đất. Nhưng lúc ấy tôi lại không bận tâm quay cảnh cái hố chôn súc vật. Thay vào đó, tôi đi tìm những cảnh phù hợp với truyền thống vĩ đại của những phim tài liệu về lòng yêu nước : Mấy người lái xe ủi đất đang ngồi đọc báo Sự Thật, với hàng tít lớn ngay trên đầu trang báo : “Đất nước sẽ không bỏ rơi những người dân đang gặp hoạn nạn!“. Thậm chí, tôi còn gặp may mắn hơn nữa là lúc ấy có một con cò trắng đang đứng giữa cánh đồng. Thật là một biểu hiện đầy ý nghĩa! Bất kể mọi thảm họa đang đổ xuống trên đầu chúng ta, chúng ta vẫn sẽ chiến thắng! Đời sống vẫn cứ tiến về phía trước.

Những con đường làng. Đầy bụi bậm. Tôi đã biết đó không chỉ là bụi, mà còn là bụi phóng xạ. Tôi đậy kín máy quay phim lại để bảo vệ mặt kính. Dạo đó là vào tháng 5 trời rất khô hạn. Tôi không biết mình đã nuốt bao nhiêu bụi. Sau một tuần lễ, các cục hạch bạch huyết cầu trên da tôi sưng tấy lên vì chất phóng xạ. Chúng tôi sử dụng rất tiết kiệm phim giống như người lính tiết kiệm đạn dược, vì có tin viên bí thư thứ nhất ủy ban trung ương đảng cộng sản Belarus là Slyunkov sẽ đến thăm. Không ai cho chúng tôi biết đích xác nơi ông bí thư sẽ ghé lại nhưng rồi chúng tôi cũng tìm ra được. Mấy hôm trước, tôi lái xe đi trên con đường đất bụi nhiều đến độ tưởng như đang lái xe xuyên ngang một bức tường đất. Thế rồi, hôm sau thấy nó được sửa chữa, lát mặt đường bằng xi măng dầy đến hai ba lớp. Tôi đoán ngay đó sẽ là nơi người ta đứng chào đón viên lãnh tụ đảng đi qua. Sau đó, tôi đã quay được cảnh mọi người đi trên con đường xinh xắn, sạch sẽ với lớp xi măng mới tinh vừa được lát trên mặt. Nhưng lề đường thì vẫn là lớp đất bụi. Tôi có quay cảnh lề đường nhưng sau đó đổi ý, không sử dụng nó trong kịch bản.

Không một ai hiểu được rõ ràng cái gì đang xẩy ra, đó là điều đáng sợ nhất. Máy đo độ nhiễm phóng xạ cho biết một loạt những số liệu, nhưng báo chí lại đăng tải những số liệu hoàn tòan khác. Dần dà tôi cũng tự mầy mò hiểu được đôi điều : Tôi có đứa con nhỏ ở nhà, cùng với người vợ yêu thương . . . thế thì tôi là thứ ngu ngốc nào để mà lại có mặt ở đây? Chà, có thể người ta sẽ ban thưởng cho tôi huân chương. Nhưng vợ tôi sẽ bỏ tôi mà đi. Sự cứu rỗi duy nhất ở đây là biết cách diễu cợt mọi chuyện. Có hàng tá những câu chuyện diễu cợt được lan truyền.Trong một ngôi làng người ta chỉ tìm thấy có một anh chàng vô công rồi nghề và 4 phụ nữ. “Thế chồng của chị đâu rồi ?”. Họ tự diễu cợt với nhau như thế. “Ôi, thằng vô lại cũng trốn biệt qua làng bên rồi!”. Nếu mà mình lúc nào cũng cứ cố nhìn mọi việc bằng con mắt nghiêm chỉnh, thí dụ như, ở Chernobyl này – người ta đang lát lại đường xá – thì phải hiểu rằng cuộc sống vẫn cứ trôi đi như nó phải trôi đi. Mọi việc đã xẩy ra như nó phải xẩy ra. Tôi đã từng có cảm giác này khi một người thân của tôi qua đời. Bình minh vừa rạng, chim chóc bay lượn đây đó, những con chim sẻ cất tiếng hót vang, bỗng trời đổ mưa. Vậy mà người thân của tôi qua đời. Bà có hiểu được không? Tôi muốn giải thích cái tâm cảnh ấy một cách ngắn gọn, cái tâm cảnh đã khiến tôi khó thể quên được.

Tôi bắt đầu quay cảnh những cây táo đang ra hoa. Cảnh bầy ong thơ thẩn bay vo vo hút nhụy từ những bông hoa màu trắng cô dâu. Mọi người ai cũng bận rộn giữa những khu vườn hoa nở rộ. Tôi cầm máy quay phim trên tay mà vẫn không hiểu gì hết. Có cái gì đó không ổn ở đây. Ánh sáng quay phim bình thường, hình ảnh đẹp, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì khác lạ. Và rồi tôi chợt nhận ra : Mũi tôi không ngửi được mùi thơm đáng lẽ phải có của một vườn hoa. Sau này tôi mới được biết rằng đôi khi cơ thể con người phản ứng lại sự xâm nhập của một lượng lớn chất phóng xạ bằng cách tạm ngưng sự hoạt động của một chức năng nào đó. Lúc ấy, tôi nghĩ đến mẹ tôi, bà đã 74 tuổi và không còn phân biệt được mùi gì. Từ đó, tôi cho rằng chức năng ngửi của mình đã bị hỏng. Tôi hỏi 3 người bạn đồng sự : “Cây táo có mùi gì không?” “Họ chẳng ngửi thấy mùi gì cả.”. Vậy là có một điều gì đó không ổn xẩy ra với chúng tôi. Ngay đến cả hoa Tử đinh hương như thế mà chúng tôi cũng không ngửi thấy được mùi. Tôi có cảm tưởng chung quanh mình tất cả đều không có thật. Và chính mình đang ở trong một cảnh phim được dựng lên từ sự tưởng tượng. Tôi không thể lý giải được điều gì nữa. Từ trước tới nay tôi chưa hề đọc hay nghe nói về một trường hợp tương tự.

Hồi nhỏ, tôi được một chị trong xóm kể cho nghe về kinh nghiệm du kích trong thời chiến tranh của chị. Một lần, đơn vị của chị bị quân Đức bao vây rất chặt, nhưng bọn chị vẫn tìm cách thoát được. Tay chị bế đứa con trai mới 1 tháng tuổi của mình chạy dọc theo một khu vực đầm lầy trong rừng. Bọn Đức bám theo rất sát mà đứa bé cứ khóc. Chúng có thể lần theo tiếng khóc ấy để bắt giữ toàn bộ đơn vị du kích đang tìm cách lẩn trốn. Thế là chị đành phải bóp mũi đứa bé để nó không thể khóc được nữa. Chị kể câu chuyện với một giọng bình thản như thể người mẹ ấy không phải là chị, và đứa bé không phải là con chị. Tôi không nhớ tại sao chị lại kể cho tôi nghe câu chuyện này. Nhưng tôi nhớ rất rõ cảm giác kinh hoàng của chính mình. Sao mà chị có thể làm như thế được? Tôi cứ tưởng rằng cả đơn vị du kích ấy tìm cách thoát khỏi vòng vây là để cứu đứa bé, chứ không phải để bảo toàn mạng sống của những con người khỏe mạnh kia bằng cách bóp mũi đứa bé đến chết để nó thôi không khóc. Vậy đâu là mục đích của sự sống? với tôi, tôi chắc mình không thể sống bình thản sau một sự việc như thế xẩy ra. Dù khi ấy tôi vẫn còn là một đứa bé nhưng sau khi nghe câu chuyện, tôi đã mang cảm giác khó chịu mỗi khi nhìn thấy chị hàng xóm.

Còn chị ấy thì nghĩ thế nào về tôi? {Im lặng một lúc.} Đây là lý do tại sao tôi không muốn nhớ chút gì đến những ngày tháng tôi sống ở Khu Cấm. Tôi đã tưởng tượng ra nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng tôi không muốn mở cánh cửa của sự tưởng tượng. Thay vào đó, tôi muốn biết những gì thuộc về tôi, phần nào là có thực và phần nào là không thực.

Một đêm, tôi thức giấc trong căn phòng ở nhà tạm nghỉ vì một âm thanh đơn điệu và thứ ánh sáng màu xanh rất kỳ lạ. Tôi kéo tấm màn cửa sổ, nhìn xuống thấy những chiếc xe có dấu hiệu chữ thập đỏ được trang bị còi hụ nhưng lại di chuyển trong sự im lặng hoàn toàn. Tôi cảm thấy đầu óc choáng váng. Tôi nhớ loáng thoáng những phim chiến tranh đã xem thời nhỏ. Lớn lên sau chiến tranh, chúng tôi đứa nào cũng thích xem phim chiến tranh, với những cảnh gây cảm giác rất mạnh nơi chúng tôi, đại loại như nếu tất cả mọi người đều đã bỏ thành phố di tản hết cả, chỉ còn lại một mình mình, thì mình sẽ phản ứng như thế nào cho đúng đây? Chẳng lẽ mình sẽ giả vờ chết? Hay làm gì khác?

Ở Khoyniki, có một tấm bảng “Ghi Công” được dựng lên ngay giữa trung tâm thành phố. Tất cả những người tiếng tăm nhất thành phố đều có tên trong bảng ghi công ấy. Nhưng lại chính là viên tài xế tắc xi nát rượu đã chạy vào khu nhiễm phóng xạ để cứu những đứa bé ở khu nhà trẻ chứ không phải bất cứ một ai có tên trên bảng ghi công ấy. Con người ta ai thực sự như thế nào thì sẽ trở nên như thế thôi. Sau đó là cái vụ di tản. Đám trẻ con được cho đi trước bằng những chiếc xe bus to tướng. Tôi chợt nhận ra là mình đang quay những cảnh phim y hệt như người ta quay những cảnh phim trong thời chiến. Mọi người trước mặt tôi kia cũng có những cử chỉ động tác tương tự những cảnh trong cuốn phim mà nhiều người ưa thích – Khi đàn sếu bay qua **– cũng một giọt nước mắt đơn độc và lời giã biệt ngắn ngủi. Thì ra chúng tôi thẩy đều vô thức phản ứng theo một cung cách quen thuộc. Chúng tôi muốn chứng tỏ mình đã sống đúng với vai trò mà xã hội mong đợi, và đây cũng là điều chúng tôi muốn ghi nhớ. Ngay đến một bé gái nhỏ cũng đang giơ tay chào tiễn biệt mẹ mình theo cái cách có ý nghĩa rằng “mọi chuyện sẽ ổn cả thôi mẹ ạ. Con sẽ tỏ ra can đảm và chúng ta sẽ chiến thắng!”.

Tôi nghĩ tới lúc mình sẽ đến Minsk và ở đó người ta cũng chuẩn bị để di tản. Tôi phải nói lời chia tay với vợ và con trai tôi như thế nào đây? Tôi tưởng tượng chắc mình cũng sẽ lập lại một cử chỉ giống hệt bé gái kia : Chúng ta sẽ chiến thắng! Chúng ta là những chiến binh quả cảm mà. Trí nhớ của tôi vẫn còn rõ ràng hình ảnh cha tôi trong bộ quân phục, mặc dù ông chưa hề một ngày trong quân đội. Chỉ có bọn tư sản mới chỉ nghĩ đến tiền bạc và chỉ có những người không yêu nước mới chỉ quan tâm đến cuộc sống của riêng mình. Sự đói khát là một trạng thái bình thường của cuộc sống. Tổ tiên chúng ta đã từng sống qua bao nhiêu gian khổ, và chúng ta cũng phải trải qua những đoạn đời khó khăn tương tự. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ trở thành con người đúng nghĩa.

Chúng tôi đã được tôi luyện như thế. Nếu mỗi ngày qua đi chúng tôi chỉ phải làm việc và được ăn uống no đủ thì quả đó là một sự kiện lạ lẫm và không thể chịu đựng được.

Chúng tôi sống cùng dãy nhà với những thanh lý viên trong khu vực thuộc về một cơ quan chuyên trách kỹ thuật. Họ là những thanh niên còn rất trẻ. Thường hay đem qua cho chúng tôi cả thùng rượu Vodka để đối phó với chất phóng xạ. Bất ngờ chúng tôi được biết có một nhóm y tá cũng ở trong khu. Tất cả đều là nữ. Mấy anh thanh niên bàn tán : “Vậy là mình có thứ để vui rồi!”. Trong số họ có hai anh chàng tinh nghịch chạy qua bên đó rồi trở về ngay với cặp mắt tròn xoe đầy kinh ngạc. Họ thấy mấy cô gái đi ngoài hàng lang, mặc những bộ quần áo rộng thùng thình, dài phết đất, với bộ dạng không một chút thiết tha gì đến chung quanh. Trông họ giống nhưng những chiếc móc trên đó người ta treo những miếng vải cũ kỹ, xốc xếch. Có người chân đi dép, có người chân mang ủng rách lòi cả ngón chân. Bên ngoài họ khoác lớp trang phục bằng mủ đã được sát trùng. Đêm đến có người cứ để nguyên như thế leo lên giường, không buồn cởi chúng ra. Một cảnh tượng thật kinh khủng. Mà thực sự mấy cô gái này không phải là y tá, họ chỉ là những học viên thuộc một học viện quân sự nào đó. Người ta bảo rằng họ chỉ phải ở đây vào mấy ngày cuối tuần thôi, nhưng khi chúng tôi dọn đến, các cô gái ấy đã ở đây từ hơn một tháng rồi. Họ kể lại đã được đưa đến khu lò phản ứng và đã nhìn thấy đám cháy. Nhờ vậy chúng tôi mới được biết về vụ cháy vì duy nhất chỉ có họ mới kể lại với chúng tôi về việc này. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn hình dung ra được hình ảnh họ đi qua dẫy hành lang với bộ dạng của những người mắc bệnh mộng du.

Báo chí đưa tin rằng, thật may mắn hôm ấy gió đã thổi đi một hướng khác, không về hướng thành phố, không về hướng Kiev. Đúng thế. Nhưng nó lại thổi về hướng Belarus, về hướng tôi, về làng Yurik của tôi. Chúng tôi đang đi vào rừng hái bắp cải. Trời ạ, chẳng có ai nói cho chúng tôi biết điều gì cả. Từ trong rừng, chúng tôi về lại Minsk. Rồi tôi đi làm bằng xe bus. Trên xe, tôi nghe người ta bàn tán về vụ Chernobyl : có mấy phóng viên đến quay phim ở đó, và một người đã bị chết trong lúc làm nhiệm vụ. Anh ta chết vì bị lửa thiêu cháy. Tôi băn khoăn không biết anh phóng viên nhiếp ảnh ấy là ai, liệu tôi có biết anh ta không. Rồi tôi nghe : anh phóng viên còn rất trẻ, nhưng đã có hai con. Họ cho biết tên của anh: Vitya Gurevich. Đúng là đoàn quay phim chúng tôi có một người với cái tên đúng như thế. Nhưng nguồn tin về hai đứa con thì có vẻ khác lạ. Sao anh ta chẳng cho chúng tôi biết gì về việc này? Khi tôi sắp đến sở, người ta cho tin tức chính xác hơn : Họ của anh chàng phóng viên xấu số không phải là Gurevich, mà là Gurin, Sergei Gurin. Trời đất ơi! Sergei Gurin lại chính là tôi! Chuyện thật tức cười. Tôi bước vào sở với sự nôn nóng lúc mở cửa ra sẽ nhìn thấy hình của mình chễm chệ trên bệ tưởng niệm. Và ngay lúc đó là sự thắc mắc hết sức tức cười : “Họ lấy hình của mình ở đâu nhỉ? Chắc là từ phòng nhân viên chăng ?”.

Những tin đồn như vậy xuất phát từ đâu? Tôi cho rằng do bởi sự không cân xứng đến độ vô lý giữa tầm vóc của thảm họa và con số những nạn nhân của nó. Một trận chiến nổ ra, chẳng hạn như ở Kursk, với con số thương vong hàng ngàn người, đó là điều có thể hiểu được. Nhưng ở Chernobyl, trong vài ngày đầu tin tức loan báo con số thiệt mạng chỉ khoảng độ 7 người. Rồi thêm vài người nữa. Thế rồi, ngay sau đó, sự thiệt hại được cho biết to lớn đến độ hầu như phi lý khiến không ai hiểu được, nào là “di hại cả hàng mấy thế hệ” hay “mãi mãi bị tiêu hủy” , hoặc “chẳng còn gì sót lại”. Từ đó, đẻ ra những tin đồn về những con chim có 3 đầu, hay chuyện con gà mổ chết con chồn, hoặc những con nhím bị rụng hết lông v.v.. và những câu chuyện vô lý tương tự. Sau này, chính phủ cần thêm người đi làm việc ở Khu Cấm. Một anh phóng viên nhiếp ảnh trình giấy chứng nhận mình bị mắc khối u trong cơ thể để được miễn trưng dụng. Một anh xin đi nghỉ phép thường niên. Tóm lại, ai cũng tìm cớ để né tránh. Thế nên, mặc dù tôi vừa mới từ Khu Cấm được mãn nhiệm trở về, vẫn được lệnh trình diện. Họ bảo “anh phải đến đó lần nữa!”. Tôi phản đối : “Nhưng tôi mới ở đó vừa về đến nhà!”. “Đấy, chính vì vậy mà chúng tôi cử anh đi đấy. Anh đã từng ở đó rồi thì việc quay trở lại lần nữa không còn là vấn đề. Ngoài ra, anh cũng đã có con cái. Còn những người khác thì họ còn quá trẻ và chưa có con cái gì.”. Ôi, Chúa ơi! Có thể tôi muốn có 5 hay 6 đứa con thì sao! Nhưng người ta tiếp tục làm áp lực, đại khái như, chúng tôi sắp sửa phải tái xem xét lương bổng của nhân viên, anh đã có công trạng như thế này thì chắc chắn sẽ được tăng lương thôi. Câu chuyện nghe vừa buồn vừa tức cười. Tôi đã hầu như bỏ được nó ra khỏi tâm trí của mình.

Trước đây, đã có lần tôi quay một cuốn phim về những người đã từng sống trong các trại tập trung. Họ tránh gặp gỡ nhau. Tôi có thể hiểu được tại sao. Có cái gì không được tự nhiên lắm trong việc tụ họp nhau lại rồi nhớ đến những ngày tháng chiến tranh. Nhất là với những người đã từng bị sỉ nhục, đầy đọa chung với nhau, hoặc chứng kiến cảnh những con người khi bần cùng đã đối xử với nhau như thế nào. Ở Chernobyl tôi cảm thấy mình hiểu được điều gì đó đã xẩy ra nhưng thực sự không muốn nói về nó. Chẳng hạn như sự thật hiển nhiên là mọi lý tưởng nhân loại đều chỉ có giá trị tương đối. Trong những tình huống cực kỳ khác thường, con người không cư xử giống như được mô tả trong những quyển sách. Thậm chí còn ngược lại với sự mong đợi. Không phải ai cũng có thể làm anh hùng.

Xét cho cùng, con người chúng ta vốn là những kẻ bán lẻ những thảm họa. Thảm họa lớn, thảm họa nhỏ. Trong đầu tôi vẫn còn giữ những hình ảnh khó quên. Viên chủ tịch nông trang muốn có được hai chiếc xe để chuyển vận cả gia đình ông ta cùng với tất cả quần áo, bàn ghế trong nhà. Và thế là bên cơ quan đảng cũng đòi phải có được một chiếc xe, để cho công bằng. Trong khi đó, đã nhiều ngày người ta không có đủ xe cộ để di tản những nhân viên và học viên của một trường huấn luyện y tá. Vậy mà ở đây 2 chiếc xe vẫn không đủ chở đi hết những đồ đạc của gia đình chủ tịch nông trang, bao gồm cả những hũ lớn đựng bánh mứt và dưa chua. Tôi đã chứng kiến họ chất những thứ ấy lên xe. Nhưng tôi không quay cảnh đó. {Bỗng nhiên cười lớn}.

Chúng tôi có mua một ít xúc xích, một ít thịt hộp trong tiệm thực phẩm, nhưng lại sợ không dám ăn. Đi đâu, chúng tôi cũng mang những thứ thực phẩm ấy theo, đơn giản chỉ vì không muốn vất chúng đi. {Trở nên nghiêm túc}. Guồng máy của sự ác vận hành hữu hiệu dưới những điều kiện, trong đó không thể không kể đến sự tồn tại của những huyền nhiệm. Đó là một điều mà tôi đã hiểu được. Lúc nào người ta cũng sẵn sàng ngồi lê đôi mách, nịnh bợ chủ, lo giữ cái máy truyền hình cũ mèm và cất kỹ chiếc áo lông xấu xí của mình. Con người rồi sẽ như vậy cho đến ngày tận thế. Luôn luôn là như vậy.

Tôi cảm thấy buồn vì đã không giúp gì được những người trong nhóm làm phim của chúng tôi đòi những quyền lợi sau khi mãn nhiệm công việc ở Chernobyl. Một người trong anh em chúng tôi cần thuê một căn hộ ở chung cư. Tôi tìm đến ủy ban công đoàn, bảo họ : “Xin hãy giúp chúng tôi. Chúng tôi đã ở Khu Cấm 6 tháng trời. Chúng tôi xứng đáng được hưởng quyền lợi như đã được hứa hẹn.”. Họ trả lời : “Được rồi. Đem giấy xác nhận đến đây. Phải có dấu đóng đầy đủ đấy!”. Chúng tôi đến gặp Khu Ủy trong Khu Cấm. Ở đó chỉ còn lại một người phụ nữ, chị Nastya, đi đâu tay cũng cầm cây móp lau nhà. Những người khác đã bỏ đi hết rồi. Cũng còn có một tay giám đốc. Ông ta giữ hàng đống những giấy xác nhận mà chúng tôi cần. Nào, xem nào! anh này đã ở đâu nào, đã quay những cảnh phim nào. Một vị anh hùng, phải không ?

Trong hồi ức của tôi có một cuốn phim dài, vĩ đại, nhiều chương đoạn. Cuốn phim mà máy quay của tôi không bao giờ ghi lại {Im lặng}. Chúng ta đều là những kẻ đi bán lẻ những thảm họa.

Tôi nhớ có lần chúng tôi cùng với những người lính vào căn lều của một bà cụ già .

“ Bà ơi! Mình đi thôi!”

“Được rồi, các cháu ạ!”

“Vậy bà hãy thu tóm đồ đạc nhanh lên nhé!”

Chúng tôi ra ngoài, hút thuốc, chờ. Một lúc sau, bà già bước ra, trên tay bà có một bức tượng, con mèo và cái túi nhỏ. Gia tài của bà cụ chỉ có thế.

“Bà cụ ơi, bà không thể mang theo con mèo được. Người ta cấm vì lông của nó chứa đầy chất phóng xạ!”.

“Không được, các cháu ơi! bà sẽ không đi nếu không được mang theo con mèo. Để nó ở lại làm sao được? bà không thể để nó ở đây một mình. Nó là gia đình của bà đấy.”

Thế đấy, từ bà cụ già cương quyết không chịu bỏ rơi con mèo, từ cây táo không có một mùi vị gì, tôi đã bắt đầu suy nghĩ. Từ lúc này trở đi, tôi chỉ quay phim súc vật. Có lần tôi đã cho lũ trẻ con coi những thước phim tôi quay ở Chernobyl, cha mẹ chúng tỏ ra rất khó chịu : sao ông lại làm thế? trẻ con đâu cần phải biết những việc này. Vậy là chúng cứ phải sống trong sự sợ hãi giữa những lời bàn tán, những tin đồn, khiến máu chúng thay đổi, hệ thống miễn nhiễm của cơ thể chúng bị đứt đoạn. Buổi công chiếu những thước phim Chernobyl của tôi được người đến xem chật rạp, trong khi tôi thực sự chỉ mong có 5 hoặc 10 người đến là đủ thành công rồi. Họ xem và đặt ra đủ loại câu hỏi, nhưng có một câu hỏi làm tôi nhớ mãi. Đó là câu hỏi từ một cậu bé có cử chỉ nhút nhát, miệng lắp bắp chứng tỏ cậu thuộc loại trầm lặng, ít nói : “tại sao không có ai giúp đỡ những con thú vật?”. Cậu bé đặt câu hỏi ấy đã là người đến từ tương lai. Tôi không thể trả lời được câu hỏi. Nghệ thuật của chúng ta là chỉ nói về nổi đau khổ và tình yêu của con người, chứ không của tất cả các loài sinh vật khác. Với chúng ta, chỉ có con người là đáng kể. Chúng ta không tự hạ mình xuống một mức độ ngang tầm với thú vật, cây cỏ vì chúng thuộc về một thế giới khác. Vì vậy, ở Chernobyl, con người phẩy tay với hết thẩy những chủng loài khác không phải mình.

Tôi tự mình tìm hiểu, đi hỏi dò khắp nơi, được cho biết rằng trong những tháng đầu sau khi tai nạn xẩy ra, có người đã đề nghị thực hiện một dự án di tản thú vật cùng với con người. Nhưng di tản như thế nào? Làm cách nào để tạo dựng một môi trường sống cho chúng? Hãy cứ cho là người ta có thể di tản những sinh vật sống trên mặt đất, thế còn những sinh vật sống trong đất, như con trùng, con sâu, thì sao? rồi lại còn những sinh vật bay trên trời? di tản lũ chim sẻ, chim bồ câu như thế nào đây? Chúng ta sẽ phải làm sao với chúng, khi không hề có bất cứ một phương tiện gì để có thể “thông tin liên lạc” với các sinh vật không phải con người? Đó chính là thế lưỡng nan mang tính triết học. Một cuộc đổi mới về cảm thức đang diễn ra ở đây.

Tôi muốn thực hiện một cuốn phim có tên “Những Con Tin” để nói về thú vật. Một điều kỳ lạ đã biến đổi tôi mạnh mẽ. Mỗi ngày, tôi cảm thấy mình gần gủi hơn với thú vật, với cây cối, với chim chóc. Khoảng cách giữa tôi và chúng đã mỗi ngày mỗi thu hẹp lại. Đã nhiều năm nay tôi thường lui tới Khu Cấm. Có khi tôi thấy một con heo rừng chạy ra từ một ngôi nhà bị bỏ hoang, có khi là một con nai. Đó là những cảnh phim mà tôi đang quay. Cuốn phim của tôi sẽ cho người xem nhìn mọi sự việc qua con mắt của một loài thú. Người ta thấy vậy, hỏi tôi : “Ông đang quay phim gì vậy? Hãy nhìn xung quanh kìa. Chiến tranh vừa nổ ra ở Chechnya đấy!”. Nhưng mà ông thánh Francis vẫn đi giảng đạo cho lũ chim chóc nghe. Ông ta đối xử với chúng thật bình đẳng. Thử hỏi điều gì sẽ xẩy ra, nếu lũ chim nói chuyện với thánh Francis bằng ngôn ngữ chim của mình chứ không phải chính thánh Francis đã tự hạ mình xuống nói chuyện với chúng?

Sergei Gurin

Nhà quay phim

Chú Thích :

*Giã từ vũ khí (A Farewell to arms). Một tác phẩm chiến tranh kinh điển của nhà văn Mỹ Ernest Hemmingway (1899-1961).

**Khi đàn sếu bay qua (The cranes are flying)(1957)- Phim của đạo diễn người Georgia Mikhail Kalatozov mô tả sự độc ác của chiến tranh và nỗi thống khổ mà người dân Xô-Viết phải chịu đựng sau trận đệ nhị thế chiến.

Tiếng kêu trầm thống

Hãy thôi đi, hỡi những người tử tế! Chúng tôi phải sinh sống ở đây! Các người nói xong rồi đi, còn chúng tôi phải ở lại!

Đây này, tôi có những tấm thẻ khám bệnh để ngay trước mặt tôi đây. Lúc nào tôi cũng giữ chúng trong người. Ngày nào tôi cũng cầm chúng trên tay. Ngày nào tôi cũng phải sử dụng đến chúng.

Anya Budai –sinh năm 1985- 380 đơn vị Bq*

Vitya Grinkevich –sinh năm 1986- 785 đơn vị Bq

Nastya Shablovshaya –sinh năm 1986- 570 đơn vị Bq

Alyosha Plenin –sinh năm 1985- 570 đơn vị Bq

Andrei Kotchenko –sinh năm 1987- 450 đơn vị Bq

Người ta bảo làm sao mà có thể như thế được chứ? Thế thì chúng sống sao được với ngần ấy phóng xạ trong cơ thể mình? Đã có ai thử nghiệm một tình trạng tương tự như thế này chưa? Riêng tôi, tôi đọc sống với thực trạng ấy mỗi ngày. Mấy người liệu có thể giúp gì được chúng tôi không? Không ư? thế mấy người đến đây làm gì? chỉ để hỏi những câu hỏi? Hay để an ủi chúng tôi? Tôi từ chối việc đem nỗi đau khổ của những đứa trẻ ấy ra làm vật trao đổi. Làm đối tượng triết lý. Xin hãy để cho chúng tôi được yên ổn một mình. Chúng tôi cần phải sống ở đây.

Arkady Pavlovich Bogdankevich

Nhân viên y tế nông thôn

Chú Thích :

*Bq , viết tắt của Becquerel, là một trong 3 đơn vị đo độ nhiễm phóng xạ, đặt theo tên của người phát hiện ra chất phóng xạ là nhà Vật Lý Học người Pháp Antoine Henri Becquerel (1852-1908). Ông cùng với Marie Curie và Pierre Curie đoạt giải thưởng Nobel về vật Lý năm 1903.

Độc Thoại

_____________________________

về một tân quốc gia

Người kể : Nina Konstantinovna và Nikolai Prokhorovich Zharkov, cả hai đều là thầy giáo. Nikolai dạy môn nghiên cứu về lao động. Nina dạy môn văn chương.

Nina:

Tôi nghe nói về cái chết thường quá đến độ tôi không còn để ý gì đến nó nữa. Bà có bao giờ nghe trẻ con bàn về cái chết chưa? vậy mà bọn học trò lớp bẩy của tôi tranh luận với nhau về vấn đề liệu cái chết có đáng sợ hay không đấy! Thường thì trẻ con hay hỏi những câu đại loại như : Mình từ đâu mà ra? Người ta tạo ra em bé bằng cách nào? bây giờ thì chúng nó lại quan tâm đến những gì sẽ xẩy ra sau một cuộc chiến tranh nguyên tử. Chúng không còn thích thú với văn chương cổ điển nữa. Tôi đọc thơ Pushkin cho chúng nghe, vậy mà tôi chỉ thấy từ lũ học trò của tôi những ánh mắt lạnh lùng, xa vắng. Chung quanh chúng bây giờ đã bao trùm một thế giới khác. Chúng đọc những cuốn sách giả tưởng và tìm thấy trong đó những điều hấp dẫn hơn, như con người đang tìm cách ra khỏi quả đất, chiếm lĩnh thời gian vũ trụ hay những thế giới khác. Chúng không sợ hãi cái chết như cái cách mà người lớn sợ hãi cái chết, mà chỉ xem chết như là một cái gì khác thường, kỳ bí.

Tôi hay băn khoăn về điều này – khi cái chết luẩn quẩn chung quanh, nó buộc người ta phải suy nghĩ. Tôi dạy môn văn chương Nga ở trường. Học trò của tôi bây giờ khác xa lũ học trò cũ của tôi 10 năm trước đây. Chúng phải đối diện thường trực với cảnh một người nào đó bị đem đi chôn, cảnh một vật gì đó bị đem đi vùi đâu đó dưới lòng đất. Nhà cửa, cây cối, tất cả mọi thứ đều cần bị chôn vùi. Nếu phải đứng xếp hàng chờ một việc gì đó lâu hơn 15 hay 20 phút, thế nào cũng có đứa bị ngất xỉu, máu mũi phun ra. Chẳng có gì có thể làm lũ trẻ bây giờ ngạc nhiên và cũng chẳng có gì khiến chúng vui lên được. Lúc nào chúng cũng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Da mặt chúng xanh mướt, xám xịt. Chúng không thiết chơi đùa chạy nhẩy. Thảng khi có đứa đánh nhau, hay làm vỡ kính cửa sổ, các thầy cô giáo lại tỏ ra vui sướng. Thế nên chúng tôi ít khi nào la rầy học trò, vì chúng đâu còn là những đứa trẻ bình thường nữa. Đứa nào cũng phát triển rất chậm. Bảo chúng lập lại một điều gì đó của bài học, chúng không làm được. Bảo chúng lập lại một câu văn, chúng cũng không thể. Đến nước này thì có lẽ chỉ nên hỏi chúng : “Các em đang ở đâu? Ở đâu?”.

Tình cảnh đó khiến tôi thường xuyên phải động não. Giống như tôi đang sơn bức tường bằng nước, không ai biết là tôi đang sơn tường, không ai có thể đoán hoặc mảy may có chút xíu ý niệm gì về việc tôi đang làm. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ chỉ xoay quanh Chernobyl. Anh chị ở đâu khi nó phát nổ? anh chị ở cách đó bao xa? Anh chị thấy những gì? Có thấy người chết không? Có thấy người ta bỏ đi không? Mà họ đi đâu? Tôi còn nhớ mấy tháng đầu sau vụ nổ các nhà hàng ăn uống nở rộ – “Chúng ta chỉ sống có một lần,” “Nếu phải chết thì hãy cứ nghe nhạc cái đã”. Rồi lính tráng, quan chức dồn dập đến. Cho đến giờ, Chernobyl là thứ không thể tách rời với chúng tôi. Là “chuyện thường ngày ở huyện”. Một phụ nữ trẻ mang bầu đột nhiên lăn ra chết, chẳng có triệu chứng gì báo trước. Một đứa bé gái lớp 5 treo cổ tự tử. Cũng chẳng vì lý do nào cả. Dù đó là bé gái nhỏ. Nhưng có một lý do chung cho tất cả mọi thứ xẩy ra ở đây. Lý do đó là Chernobyl. Bất kể hễ có chuyện gì xẩy ra, ai cũng bảo : Chernobyl ấy mà.Người ta bực bội trách chúng tôi : “Mấy người ốm là vì sợ. Cái sợ đã làm cho mấy người bị bệnh. Đúng là hội chứng sợ phóng xạ.”. Nếu thế thì tại sao lũ trẻ con lại mắc bệnh và chết? Chúng còn trẻ nên đâu có biết đến sợ hãi, cả chưa hiểu được sợ hãi là gì mà!

Những ngày tháng ấy vẫn còn hằn trong trí nhớ của tôi. Cổ họng tôi nóng bỏng. Cả thân người lúc nào cũng một cảm giác nặng nề. Bác sĩ bảo tôi mắc chứng bệnh tưởng, vì lo lắng bị bệnh nên tôi đã bị bệnh. Ông ta còn bảo ở đây ai cũng mắc bệnh này hết vì Chernobyl. Tôi bảo ông ta : “Bệnh tưởng gì? cả người tôi đau nhức, cảm thấy mình suy yếu dần”. Cả tôi lẫn chồng tôi đều ngại không dám nói cho nhau biết rằng đôi chân của mình bắt đầu tê dại dần đi. Tất cả mọi người, bạn bè, không chừa một ai đều than phiền về tình trạng sức khỏe của mình. Chỉ bước ra đường thôi là muốn nằm ngay xuống đó vì quá mệt mỏi. Đám học trò thì sẵn sàng nằm ngay trên bàn mà thiếp đi ngay giữa giờ học. Ai cũng tỏ vẻ chán nản, buồn bã. Cả ngày cũng khó kiếm một nụ cười, một khuôn mặt sinh động. Từ 8 giờ sáng cho đến 9 giờ tối, trẻ con bị buộc phải ở trường, không được đi ra ngoài chơi đùa chạy nhẩy.

Chúng được cấp phát quần áo : gái thì váy và áo khoác, trai thì quần tây, áo sơ mi và áo khoác ngoài. Mỗi tối chúng về nhà với bộ quần áo này. Theo hướng dẫn, các bà mẹ phải giặt dũ sạch sẽ áo quần cho con mình mỗi ngày trước khi tới trường. Nhưng, trước hết là mỗi đứa chỉ được phát độc nhất có một bộ quần áo. Thứ nữa là mẹ chúng đã quá đủ bận rộn với công việc nhà – nào gà, nào bò, nào lợn. Cuối cùng, chính chúng cũng không hiểu tại sao lại phải giặt quần áo mỗi ngày. Những vết bẩn trên quần áo chúng chỉ là mực, đất bụi hay vết dầu bám vào, không phải những thứ độc hại có thể là giảm tuổi thọ xuống chỉ còn một nửa. Khi cố tìm cách giải thích sự cần thiết phải giữ cho áo quần sạch sẽ với cha mẹ của đám học trò, tôi có cảm tưởng họ nghĩ rằng tôi là một tay pháp sư đến từ một bộ lạc châu Phi đáng cố thuyết phục họ tin vào một điều gì. “thế cái chất phóng xạ này là cái gì? không nghe được nó mà cũng chẳng thấy được nó . . . Được rồi, để tôi nói cho chị nghe về phóng xạ nhé : Tôi không có đủ tiền để sống cho đến kỳ lương kế tiếp. Ba ngày qua chúng tôi chỉ ăn khoai tây và uống sữa. Được chưa ?”. Và bà mẹ ấy bảo quên đi, đừng để ý gì đến những điều bà nói. Vì sữa và khoai tây là những thứ người ta cấm không cho sử dụng. Ở các tiệm thực phẩm, chính quyền có cho đem bán loại thức ăn chiên xào kiểu Tàu và bột kiều mạch, nhưng những gia đình nghèo như thế này thì lấy đâu ra tiền để mua những thứ đó đem về? Sống ở đây chúng tôi cũng được lãnh tiền phụ cấp – một thứ tiền tử – nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, chỉ đủ mua hai hộp thực phẩm. Việc phải giặt dũ quần áo mỗi ngày chỉ để dành cho một thành phần nào đó, với tình trạng gia cảnh nào đó. Ở đây, không có gia đình nào đáp ứng được tiêu chuẩn đó nên không dễ dàng gì để giải thích sự khác nhau giữa những đơn vị đo lường chất phóng xạ như Becs hay Roentgen.

Với tôi, sự việc hiện tại xẩy ra như một thứ định mệnh. Chẳng hạn như mọi người không được ăn những thứ trồng trong vườn nhà mình trong mùa đầu tiên, nhưng người ta cứ nấu, cứ ăn không chừa thứ gì. Họ đã tốn bao công sức cho việc trồng tỉa những thứ ấy. Hãy thử bảo họ rằng họ không thể ăn dưa leo, cà chua trồng ở vườn nhà xem. Họ sẽ trả lời : Không thể ăn nghĩa là sao? Mùi vị chúng bình thường mà. Chúng tôi ăn vào, không thấy bụng đau gì hết. Và ban đêm cũng chẳng thấy vườn dưa, vườn cà sau nhà có dấu hiệu gì của chất phóng xạ “sáng lấp lánh” cả. Hồi năm đầu tiên sau vụ nổ, người hàng xóm của tôi vào rừng đốn cây về làm sàn nhà. Làm xong, lấy máy đo phóng xạ kiểm lại, độ nhiễm xạ của cái sàn nhà vượt quá mức cho phép cả trăm lần. Nhưng họ cũng chẳng tháo lớp ván sàn ấy bỏ đi, nghĩ rằng rồi thì mọi chuyện cũng sẽ ổn cả thôi, dẫu họ không làm những việc lẽ ra họ phải làm. Mới đầu, người ta còn đem các thứ sản phẩm trồng sau nhà đến trạm kiểm dịch để kiểm tra – thứ nào cũng bị nhiễm xạ vượt quá mức an toàn. Và rồi thì người ta chán không buồn đi kiểm tra nữa. Họ bảo “Không thấy, không nghe là tốt nhất! Ai mà biết được các ông bà khoa học gia ấy còn nghĩ ra được những thứ gì nữa!”. Thế là mọi việc cứ y như không có gì xẩy ra : đất vườn lại được cầy xới, gieo hạt, và thu hoạch. Điều không ai có thể nghĩ được đã xẩy ra, nhưng người ta vẫn phải sống cuộc đời của mình, dẫu có thế nào. Chernobyl làm sao có thể quan trọng hơn việc bị cấm không cho ăn quả dưa leo mình trồng sau vườn nhà. Suốt mùa hè, học sinh vẫn phải đến lớp. Trường học đã được những người lính tẩy rửa bằng một loại bột khử xạ đặc biệt sau khi đã cào đi lớp đất dầy trên mặt ở chung quanh . Đến mùa thu, một toán sinh viên được phái đến để thu gom củ cải đường ngoài đồng. Đó là những sinh viên đến từ các trường dạy nghề. Còn thì không ai được đến gần. Chernobyl đâu có tệ hại bằng việc bỏ mặc khoai tây rữa nát trên cánh đồng.

Ai là người phải chịu trách nhiệm đây? Còn ai nữa, ngoài chính chúng tôi?

Trước đó, chúng tôi không hề chú ý đến cảnh vật xung quanh mình. Nhưng chúng vẫn hiện hữu. Như trời xanh, như không khí, những thứ mặc nhiên tồn tại, không lệ thuộc chút nào đến con người. Ngày xưa, tôi thích vào rừng, nằm ngửa nhìn ngắm bầu trời. Có khi chìm đắm trong sự thích thú đến quên cả tên mình. Ngày nay, rừng vẫn đẹp như thuở nào, vẫn chín đầy những trái dâu rừng, nhưng không còn ai đi hái chúng nữa. Vào mùa thu, hiếm khi nào có bóng dáng người lảng vảng trong rừng. Nỗi sợ đã chiếm lĩnh tâm hồn, đã bắt rễ trong tiềm thức của chúng tôi rồi.

Chúng tôi vẫn xem truyền hình, vẫn đọc sách, vẫn thả bay trí tưởng tượng. Trẻ con lớn lên ở trong nhà, chứ không ở trong rừng, không trên những dòng sông. Vì bây giờ chúng chỉ được phép ngắm nhìn rừng và sông thay vì chơi đùa chạy nhẩy ở ngoài đó. Chúng đã trở thành những đứa trẻ hoàn toàn khác bình thường. Vậy mà tôi vẫn cứ diễn đọc Pushkin, một nhà thơ mà tôi tin rằng bất tử, cho chúng nghe. Trong đầu tôi vừa thoáng qua một ý tưởng khủng khiếp : Liệu rồi đây toàn bộ nền văn hóa của chúng ta có trở thành một kho chứa đồ cũ kỹ cùng với những bản thảo mốc meo hay không? Và tất cả những gì tôi yêu thích liệu có cùng chung số phận ? . . .

Nikolai :

Bà biết đấy, chúng tôi ai cũng đã được huấn luyện trong quân đội. Chúng tôi biết cách chận đứng và vô hiệu hóa một cuộc tấn công nguyên tử. Chúng tôi phải sẵn sàng để đối phó với những loại vũ khí hóa học, sinh học trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng lại bất lực với việc phải tống ra khỏi cơ thể mình những hạt bụi phóng xạ.

Tất nhiên, không thể so sánh tình cảnh hiện nay mà chúng ta phải đối diện như trong một cuộc chiến tranh, nhưng ai cũng nhìn nhận sự việc theo cái cách ứng xử của thời chiến. Hồi nhỏ, tôi đã từng sống trong một thành phố Leningrad bị bao vây nhiều ngày. Dầu vậy, chúng ta cũng không thể so sánh với những gì đang xẩy ra ở đây được. Lúc ấy, thành phố Leningrad là một mặt trận, với súng đạn liên tục xối xả trên đầu. Rồi đến nạn đói, kéo dài nhiều năm, đã đẩy con người xuống mức chỉ sống bằng bản năng của loài thú vật. Trong khi đó thì, ở đây, nào, hãy bước ra khu vườn sau nhà mà xem mọi thứ đều xum xuê sung túc. Đây là những thứ không thể so sánh. Nhưng tôi muốn nói đến một việc khác. Sao, tôi lại quên mất mình định nói gì rồi. À, đúng rồi! Khi trận chiến nổ ra, người ta chỉ trông chờ vào phép lạ để sống sót. Nếu bị chết, người ta sẽ chết vào ngay lúc này, lúc trận chiến vừa mở màn, chứ không phải lúc nào đó trong tương lai. Vào mùa đông, nạn đói bắt đầu. Ở Leningrad dạo đó người ta lấy bàn ghế giường tủ ra đốt, bất cứ thứ gì bằng gỗ, rồi đến cả sách báo, cả giẻ rách cũng bị ném vào lò bếp. Một người đang đi trên đường phố, anh ta ngồi xuống. Ngày hôm sau, đi ngang qua thấy anh ta vẫn còn ngồi đó. Thế có nghĩa là anh ta đã bị cóng và có thể anh ta sẽ ngồi đó cho đến tuần tới, thậm chí cho đến khi mùa xuân trở về, lúc mà thời tiết ấm áp hơn. Không ai có đủ sức để kéo anh ta ra khỏi cảnh bị tê cóng. Đang đi trên đường mà ai bị ngã cũng mong có người đến đỡ mình dậy. Nhưng thường thì người ta bước qua luôn chứ không ghé lại giúp kẻ bị ngã. Vì chính họ đôi khi cũng chỉ vừa đủ sức để lết về nhà. Tôi còn nhớ hình ảnh dân chúng đi trên đường thật chậm rãi. Vì họ không đi mà chỉ bò, lết. Bà không thể nào so sánh những hình ảnh như thế với bất cứ thứ gì khác.

Khi trạm phản ứng hạt nhân phát nổ, mẹ tôi vẫn còn ở chung với chúng tôi. Bà thường nói : “Mẹ con mình đã từng sống qua những giai đoạn đen tối nhất. Đã từng sống sót sau trận vây thành Leningrad. Sẽ chẳng thể có cái gì lại tệ hại hơn những thứ mình đã kinh qua ấy được.”.

Chúng tôi đã được rèn luyện để đối đầu với tao loạn, với chiến tranh nguyên tử. Chúng tôi đã xây những tầng hầm tránh bom nguyên tử, giống như người ta tìm cách tránh những miểng đạn pháo không cho chúng ghim vào người. Nhưng bụi phóng xạ có mặt ở khắp mọi nơi. Nó ở trong bánh mì, trong muối. Nó có cả trong không khí con người thở.Vậy là chúng tôi hít vào phổi phóng xạ, nuốt vào bụng phóng xạ. Khi không có bánh mì, không có muối để ăn thì người ta có thể ăn bất cứ thứ gì tìm được, kể cả đốt cháy sợi dây lưng bằng da lên để chỉ ngửi được mùi da cháy cho đỡ đói. Điều ấy có thể hiểu được. Nhưng trong hoàn cảnh này thì thật không dễ gì hiểu. Chung quanh ta tất cả mọi thứ đều đã bị nhiễm độc phải không? Vậy thì mình sẽ sống sao đây? Mấy tháng đầu tiên bao trùm một nỗi sợ hãi. Bác sĩ, giáo sư, nói chung là giới trí thức, đều bỏ của chạy lấy người. Họ ba chân bốn cẳng ra đi không một chút luyến tiếc. Còn các viên chức mặc đồng phục vì kỷ luật khắt khe không dễ gì mà thoát đi được nếu không chịu từ bỏ thẻ đảng viên. Vậy ai là người chịu trách nhiệm đây? Muốn trả lời câu hỏi liệu chúng tôi sẽ sống như thế nào thì cần thiết phải tìm cho ra ai là người chịu trách nhiệm cho mọi thứ hỗn loạn này. Ai đây? Các viên chức nghiên cứu khoa học hay nhân viên của trạm phản ứng? Tay giám đốc sếp sòng? Những nhân việc trong ca trực? Tại sao người ta không tìm cách phát triển ngành chế tạo xe hơi mà lại đi xây một nhà máy phản ứng hạt nhân để làm gì? Chúng tôi yêu cầu hãy dẹp các trạm nguyên tử và tống cổ hết các khoa học gia nguyên tử vào tù! Chúng tôi nguyền rủa họ không tiếc lời. Nhưng mà kiến thức tự nó không bao giờ là tội phạm. Bây giờ thì ngay các nhà khoa học cũng chỉ là nạn nhân của Chernobyl. Sau vụ Chernobyl, tôi muốn mình là kẻ sống sót, chứ không muốn bị chết. Vì tôi muốn hiểu, muốn biết điều gì đã xẩy ra.

Hiện nay, người ta có những phản ứng rất khác nhau. Khoảng thời gian 10 năm vừa qua đã hình thành một cách đo lường thời gian bằng đơn vị chiến tranh. Cuộc chiến cuối cùng kéo dài 4 năm. Tính như vậy thì chúng tôi đã trải qua hơn 2 cuộc chiến tranh.Người ta đã nhìn 10 năm ấy như thế nào? hãy nghe nhé : “Mọi chuyện thế là xong” . “Rồi thì cũng ổn hết cả thôi!”. “Mười năm qua rồi đấy. Mình chẳng còn có gì phải sợ hãi nữa !”. “Tất cả chúng ta sẽ chết! Sớm thôi !”. “Tôi muốn ra khỏi nơi đây”. “Họ phải giúp chúng tôi chứ !”. “Ối dào! Mặc xác mọi chuyện đi. Chúng tôi phải sống cái đã !”. Đấy, người ta nghĩ thế đấy. Chúng tôi nghe nói những điều như thế mỗi ngày. Tôi thì tôi cho rằng chúng tôi chỉ là những chất liệu ròng cho một cuộc thực nghiệm khoa học trong căn phòng thí nghiệm quốc tế. Dân số Belarus là 10 triệu người thì trong số đó có 2 triệu sống trên những mảnh đất bị nhiễm độc xạ. Một phòng thí nghiệm lớn ra trò rồi còn gì nữa. Hãy viết xuống những dữ kiện, những con số, thí nghiệm tất cả những gì quý ngài muốn thí nghiệm. Từ khắp nơi trên thế giới, từ Moscow, từ Petersburg, từ Nhật Bản, từ Đức, từ Áo, người ta đổ về đây để viết luận án tốt nghiệp đại học. Họ đang chuẩn bị cho tương lai đấy! {một khoảng im lặng rất lâu}.

Tôi đang nghĩ đến điều gì thế nhỉ? À, tôi lại đang rút ra những sự so sánh nữa rồi. Tôi đang nghĩ đến việc mình có thể nói đủ điều về Chernobyl, nhưng lại không thể nói được gì về cuộc bao vây thành Leningrad năm xưa. Mới rồi họ có tổ chức một cuộc họp mặt “Những đứa trẻ ở Leningrad bị phong tỏa”. Tôi cũng được mời và đã có mặt. Nhưng tôi không cách gì nặn ra được một chữ để phát biểu trong lúc ở đó. Chỉ kể về nỗi sợ hãi ư? Như thế không đủ. Chỉ về sự sợ hãi – ở nhà chúng tôi không bao giờ được phép nói về cuộc phong tỏa ấy, vì mẹ tôi không muốn chúng tôi nhớ đến những năm tháng ấy làm gì. Nhưng chúng tôi lại nói về Chernobyl. Ồ không {Ngưng lại}. Chúng tôi không nói chuyện đó với nhau, mà chỉ là cuộc đối thoại khi tiếp xúc với những người từ bên ngoài đến : người ngoại quốc, ký giả, họ hàng ở xa. Ở trường học, không ai bàn tán gì về sự kiện Chernobyl, nhưng khi đám học trò được đi ra nước ngoài thì chúng kể hết mọi chuyện chúng biết được. Chúng đi Áo, đi Pháp, đi Đức. Chúng đến đó để chữa bệnh. Tôi có dịp hỏi mấy đứa nhỏ về nội dung những cuộc đối thoại của người dân những xứ đó với chúng, điều gì làm họ quan tâm nhất khi gặp gỡ người đến từ Chernobyl. Nói chung thì chúng chẳng nhớ nổi địa danh nơi chúng đến, tên họ người chủ nhà nơi chúng tạm trú ngụ, nhưng lại nhớ rất rõ những món quà chúng nhận được, những thứ thức ăn thơm ngon chúng đã được ăn. Có đứa còn được cả máy hát băng. Chúng trở về nhà trong những bộ quần áo mà bố mẹ chúng không bao giờ có đủ khả năng mua sắm. Giống như là người ta đem chúng ra triển lãm vậy. Đến giờ, chúng vẫn cứ trông chờ sẽ có người đến đem chúng đi ra nước ngoài lần nữa. Sẽ lại được ăn mặc đẹp, được nhận những món quà. Chúng quen như thế rồi, và đó đã là một cách sống, một cách nhìn thế giới bên ngoài. Sau cái kinh nghiệm “đi nước ngoài” khó quên ấy, sau cuộc trình diễn đắt tiền ấy, lũ trẻ phải quay lại trường học ở quê nhà. Trong lớp, tôi nhận ra học trò của mình giờ đã là những kẻ có óc quan sát. Tôi dẫn chúng đến phòng làm việc của mình, chỉ cho chúng xem những bức điêu khắc bằng gỗ tôi đã thực hiện. Lũ trẻ thích lắm. Tôi bảo : “Các em có thể tự mình làm được những thứ như thế này chỉ bằng những mẩu gỗ đơn giản lấy từ thân cây. Hãy thử làm đi !”. Nhờ lũ học trò, tôi như vừa thoát khỏi cơn ngủ vùi dằng dặc, cùng với cảm tưởng mình đã ra khỏi bóng tối của cuộc phong tỏa thời chiến tranh mà nhiều năm nay tôi bị nó ám ảnh.

Chúng tôi ai cũng sống lặng lẽ. Không ai kêu gào, không ai than thở. Và luôn luôn nhẫn nại. Bởi vì chúng tôi chưa tìm ra lời để nói. Bởi vì chúng tôi sợ hãi mỗi khi định lên tiếng. Bởi vì chúng tôi không biết phải lên tiếng như thế nào.

Chúng tôi đang sống qua một thời đoạn không bình thường, nên những vấn đề từ đó nẩy sinh cũng không bình thường. Thế giới đã chia ra làm hai phía : Phía bên chúng tôi, những người của Chernobyl, và phía bên quý vị, những người không thuộc về Chernobyl. Bà có nhận ra không? Ở đây không có ai bảo mình là người Nga, người Belarus hay người Ukraine cả. Chúng tôi tự gọi chính mình là người Chernobyl. “Chúng tôi ở Chernobyl”. “Tôi là người Chernobyl.”.

Như thể người ở Chernobyl là một dân tộc riêng biệt. Là một quốc gia mới lập.

Comments are closed.