Tiếng vọng từ Chernobyl (kỳ 16)

Svetlana Alexievich

T. Vấn dịch

Ba Mẩu Độc Thoại

Độc Thoại

_____________________________

về Tự Do và ước mơ một cái chết bình thường

Đó chính là tự do. Bà mang cảm tưởng mình là một người tự do. Không dễ gì hiểu được cái cảm giác ấy, chỉ những người đã từng tham dự vào một cuộc chiến tranh mới có thể thực sự hiểu cảm giác đó là gì. Tôi đã gặp được những người như thế. Những chàng trai trong cơn say, kể lể về nỗi nhớ nhung ấy. Nỗi nhớ nhung mình đã từng được tự do như thế nào, khi họ tìm cách đào thoát khỏi chiến trường. Nhưng lệnh của Stalin : không được quay lui, dù một bước. Lính của đơn vị đặc biệt không được quyền tháo chạy. Cứ bóp cò súng, thì hy vọng sẽ sống còn, và sau đó nhận được 100 gram thuốc lá loại rẻ tiền. Ngoài chiến trường có cả hàng ngàn cách khác nhau để chết. Chẳng hạn, đạn pháo nổ làm tung xác ra thành từng mảnh, nhưng nếu bà cố gắng hết sức mình, bà có thể đánh lừa được – thần chết, cấp trên, hòn tên mũi đạn, cả người chết nằm trong chiếc quan tài thương tích đầy mình, cả đấng thượng đế quyền năng – tất cả bà đều có thể lừa được. Và sống sót!

Có thứ cảm thức cô độc khi sống trong tự do. Tôi biết cái cảm thức ấy. Tất cả những người có mặt tại lò phản ứng đều trải nghiệm cái cảm thức ấy. Hãy tưởng tượng bà đang ở trong giao thông hào của vùng địa đầu giới tuyến. Sợ Hãi và Tự Do. Bà sống cho tất cả mọi thứ trên đời. Đó không phải là điều mà ai cũng có thể hiểu được, nhất là những người chỉ sống một cuộc sống bình thường. Bà còn nhớ người ta đã chuẩn bị chúng mình như thế nào trước khi chiến tranh nổ ra không? Bất kể họ tuyên truyền như thế nào, não trạng của chúng ta chưa bao giờ có thể sẵn sàng cho chiến tranh. Tôi cũng thế.

Có hai người lính đến nhà máy chỗ tôi làm việc và gọi tôi ra. Họ hỏi :

“Anh có thể phân biệt được xăng và dầu cặn không?”

Tôi hỏi .

“Thế mấy ông định đưa tôi đi đâu?”

“Anh hỏi đi đâu là sao? Tình nguyện viên cho Chernobyl thì đi đâu nào !”

Khả năng chuyên môn quân sự của tôi thuộc lãnh vực nhiên liệu tên lửa. Đó là một chuyên ngành bí mật. Từ nhà máy, họ dẫn tôi đi thẳng, với chỉ chiếc áo thun trên người. Họ thậm chí không cho tôi ghé qua nhà. Tôi bảo họ : “Tôi cần phải báo cho vợ tôi biết.” Họ trả lời : “Đừng lo! đích thân chúng tôi sẽ báo cho cô ấy biết.”

Trên xe bus có cả thẩy 15 người chúng tôi. Tất cả đều là sĩ quan trừ bị.

Tôi thấy mến họ ngay. Chúng tôi bảo nhau, nếu không còn lựa chọn nào khác thì chúng ta đã sẵn sàng lên đường. Có việc cần làm, thì chúng ta chẳng ngại xăn tay áo vào cuộc. Nếu được lệnh phải đến phục vụ ở trạm năng lượng hạt nhân, chúng ta sẽ leo lên mái để dọn dẹp.

Ở lối vào những ngôi làng đã được di tản, người ta lập những trạm gác cao nghệu, lính canh lúc nào cũng súng ống sẵn sàng. Chung quanh là những rào chắn kiên cố. Những tấm bảng cấm được dựng lên với nội dung : “Lề đường đã bị nhiễm xạ. Cấm không được ngừng lại hoặc đi trên lề đường”. Cây cối phủ một màu xám xịt vì được bơm lên đó một loại chất lỏng chống lại sự nhiễm xạ. Những thứ như thế làm chúng tôi muốn phát điên lên được. Thời gian đầu không ai dám ngồi trên cỏ, hay ngồi xuống đất. Không ai dám đi bộ, chỉ có chạy. Nếu có xe đi ngang, chúng tôi vội lấy mặt nạ ra đeo ngay để tránh hít phải bụi đất bay mù. Hết giờ làm việc chúng tôi chỉ ở quẩn quanh trong khu lều của mình. Vài tháng sau thì mọi chuyện chúng tôi xem như bình thường. Dẫu sao đó cũng là nơi chúng tôi đang sống. Chúng tôi hái trái cây, bắt cá ăn. Loại cá chó ở đó ngon không chê được. Còn cá tráp thì nhậu bia là tuyệt nhất. Hẳn là bà cũng đã nghe người ta kể về những điều này rồi chứ gì? Chúng tôi chơi đá banh. Chúng tôi đi bơi! Ha ha ! {Cười lớn}. Chúng tôi tin mỗi người đều có số phận riêng của mình. Chúng tôi tin ở thuyết định mệnh, chứ không tin ở lý trí. Đó là cái não trạng của một nền văn hóa truyền thống. Tôi tin vào số phận! Ha Ha Ha! Bây giờ thì tôi là một thương binh bậc hai. Tôi bị bệnh ngay sau đó. Nhiễm độc phóng xạ. Lúc ấy tôi còn không có thẻ khám bệnh ở bệnh viện đa khoa. Tôi cũng chẳng thèm quan tâm tới việc ấy làm gì cho nhọc xác. Vả lại, tôi không phải là người duy nhất nhiễm bệnh. Thế thì không phải đó là số phận đã định cho bọn tôi thì là gì nào?

Tôi là một người lính. Tôi vào nhà dân chúng, những ngôi nhà đã bị bỏ hoang. Một cảm giác nào đó . . . này là đất mà lại không thể trồng trọt được. Này là những con bò cái cứ húc sừng vào cổng vườn như muốn bước vào, nhưng cổng đã bị khóa chặt vì nhà đâu có còn ai ở đó, sữa từ bầu vú nó cứ chảy tong tỏng xuống đất. Nhìn thấy cảnh ấy tạo cho mình một cảm giác kỳ quái. Những ngôi làng có người còn ở lại thì họ nấu rượu Vodka đem bán cho chúng tôi. Chúng tôi có nhiều tiền mà. Lương làm việc được trả gấp ba lần ở ngoài, tiền trợ cấp từ quân đội cũng lớn gấp ba lần bình thường. Sau đó chúng tôi nghe có lệnh từ trên đưa xuống. Lệnh bảo ai uống được rượu Vodka có thể tình nguyện ở lại thêm một đợt nữa. Vậy thì hẳn rượu Vodka cũng có tác dụng tốt chăng? Ừ thì cũng có thể nói thế. Ít ra là về mặt tâm lý nó có tác dụng. Chúng tôi tin chuyện đó cũng như chúng tôi đã tin vào những chuyện khác.

Và đời sống người nông dân vẫn trôi đi êm đềm : họ gieo trồng một thứ gì đó, nó lớn lên, ra hoa kết trái, rồi hái đem về nhà. Nhưng giờ thì tình hình đã khác. Họ không còn vai trò gì trên những cánh đồng của mình nữa. Họ không cần biết đến những Sa hoàng, những chính quyền Xô Viết, những con tàu vũ trụ không gian, những trạm năng lượng phản ứng nguyên tử, những buổi họp đảng ở thủ đô. Vậy mà giờ đây họ không thể tin được rằng mình đang phải sống trong một thế giới kỳ quái, thế giới của Chernobyl. Dầu vậy, người nông dân vẫn bám trụ. Họ chỉ chết vì những chấn thương tâm lý. Họ cất giấu những hạt giống. Họ hái những trái cà chua còn xanh, gói chúng lại. Bà hiểu thế nào là phá hủy, chôn vùi, ném tất cả những gì bà thấy trước mặt vào thùng rác chứ? Đấy, đó là những gì chúng tôi đã làm ở đó. Chúng tôi đã thủ tiêu sức lao động của người nông dân, thứ tài sản duy nhất của họ vốn có từ ngàn xưa . Chúng tôi đã tự biến mình thành kẻ thù của họ.

Tôi từng ao ước được phục vụ ở lò phản ứng. Người ta bảo : “Không phải lo. Tháng cuối cùng trước khi cho về nhà họ sẽ phái anh đến đó. Được ở trên cả mái lò phản ứng nữa đấy.”. Quả đúng vậy. Sáu tháng ở đó thì sau 5 tháng làm nhiệm vụ di tản dân chúng, tháng thứ sáu chúng tôi được đưa đến lò phản ứng. Những câu chuyện nửa đùa nửa thật lại nhắc đến nhiệm vụ ưu tiên trên mái lò phản ứng. Và lời đồn đãi rằng đã lên đến mái lò rồi thì về nhà cũng chỉ còn sống được thêm 5 năm nữa. Nhiều lắm là 7 năm, hoặc may hơn nữa thì 10 năm. Nhưng phần lớn đều chỉ nói đến con số 5 năm. Hẳn phải có một lý do nào đó mà tôi không biết. Họ dựa vào đâu mà dám quả quyết như vậy. Lại ra vẻ như “chẳng có gì để hoảng sợ cả”.

“Người nào tình nguyện lên mái lò phục vụ, hãy bước về phía trước!”. Nghe thế, cả đội chúng tôi cùng tiến lên. Viên chỉ huy của chúng tôi có một cái máy phát quang cảnh trên mái lò : Những mẩu than chì nằm vương vãi, nhựa đen chảy lênh láng. Ông ta bảo: “các cậu thấy cái mớ xà bần ấy chứ? Nhiệm vụ của mình là dọn dẹp hết cái đống lộn xộn ấy. Cái chỗ góc này, các cậu phải đào một cái lỗ để chuyển mớ xà bần ấy xuống”. Trên nguyên tắc, chúng tôi chỉ phải ở trên đó 45 hoặc 50 giây thôi. Nhưng trong thực tế, phải cần đến ít nhất là vài phút. Phải leo lên đó, một người đi lấy xe cút kít, những người khác ném than chì lên xe, rồi ném chúng xuống qua cái lỗ ở một góc. Mỗi người chỉ làm vài động tác như thế. Sau đó đi xuống. Dù vậy, không thể làm xong trong khoảng thời gian dưới một phút được.

Báo chí cứ huyên hoang : “Không khí ở khu vực chung quanh lò phản ứng trong lành, không bị ô nhiễm.”. Chúng tôi đọc báo, cười rồi chửi thề. Không khí trong lành ư? Vậy sao chúng tôi ai cũng thấy mình quả là bị nhiễm xạ nặng rồi. Họ đưa cho chúng tôi mấy cái máy đo độ nhiễm xạ để tự kiểm tra. Có anh vừa đặt vào, số đo chỉ 5 roentgen, nhưng ngay tức thì nó nhẩy lên quá con số cho phép. Anh khác thì vừa đặt vào nó cho ngay con số 200 roentgen, con số thực sự vượt quá bất kỳ giới hạn nào. Người ta bảo, chỉ sống được 5 năm thôi và không ai có thể có con được. Nếu không chết sau 5 năm thì sao nào? . . .{Cười} Thôi thì đủ lọai truyện tiếu lâm. Nhưng lại vô cùng lặng lẽ, không một chút hỏang lọan. 5 năm . . . từ đó đến nay đã 10 năm rồi, tôi vẫn sống. Thế đấy! {Cười} Họ tặng thưởng cho chúng tôi huy chương.Tôi có hai cái. Rồi còn những bức hình chân dung : Marx, Engels, Lenin. Cờ đỏ.

Một hôm, trong chúng tôi có một anh đột nhiên biến mất. Chúng tôi cho rằng anh ta đã đào ngũ. Hai ngày sau, người ta phát giác ra anh ta ở trong bụi cây, treo cổ tự tử. Thực ra, chúng tôi ai cũng mang cảm giác muốn chết phứt đi cho rồi, bà hiểu không? Thế rồi viên chính ủy đơn vị cho tập họp mọi người lại. Ông ta bảo anh chàng xấu số nhận được một bức thư cho biết chị vợ ở nhà ngọai tình. Chẳng ai biết câu chuyện có thực như vậy không. Một tuần lễ sau chúng tôi được cho về. Nhưng hình ảnh anh chàng treo cổ trong bụi rậm cứ ám ảnh tôi mãi.

Trong tóan chúng tôi có một anh đầu bếp. Anh ta vì sợ quá, không dám ngủ trong lều chung với chúng tôi, nên khăn gói quả mướp mùng mền chiếu gối vào nhà kho, kiếm một hốc dưới những cái thùng gỗ đựng bơ và thịt hộp ngủ ở đó. Bỗng nhiên có lệnh truyền xuống : tập họp ngay một toán đưa lên làm việc trên mái lò phản ứng. Mọi người ở đây ai cũng đã làm việc ở đó rồi. Nhưng mặc, họ cần người thì phải thi hành. Thế là tên anh ta được gọi đến. Anh chàng mới chỉ lên mái có một lần. Hiện giờ anh đầu bếp của chúng tôi là phế binh loại 2. Chúng tôi liên lạc với nhau rất thường để nhắc nhau những hồi ức về một thời kỳ đầy khốn khó ấy. Tôi nghĩ đó là điều mà bà nên viết đấy.

Báo chí của nhà nước toàn là nói láo cả. Không một tờ báo nào dám viết về việc chúng tôi đã phải tự chế lấy những trang phục bảo hộ cần thiết, về những chiếc áo nhựa có pha chì, về những thứ đồ lót được may bằng chì chúng tôi mặc vào người. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Tại một ngôi làng, người ta chỉ cho chúng tôi chỗ có hai nhà chứa gái. Hãy nghĩ xem. Chúng tôi là một lũ đàn ông trai trẻ bị buộc phải xa nhà đã 6 tháng. Trong 6 tháng ấy chúng tôi không hề biết đến đàn bà. Đó là một tình hình không thể bảo là an toàn. Thế nên, chúng tôi ai cũng ghé đến khu nhà chứa. Các cô gái làng sẵn sàng ra đón tiếp, dù rằng các cô đều mũi lòng khóc lóc vì cho rằng mình sắp chết. Chúng tôi mặc những chiếc quần lót bằng chì ở bên ngoài quần dài. Bà hãy viết điều đó xuống nhé! lại còn những câu chuyện tiếu lâm rất thú vị nữa. Này nhé : một con robot do Mỹ chế tạo được cho lên mái lò làm việc. Sau 5 phút thì nó bị mất khả năng vận hành. Người ta lại đưa một con robot khác do Nhật chế tạo. Cũng chỉ được 5 phút, con robot này bị mất khiển dụng. Đến lượt con robot của Nga. Nó ở trên đó được cả hai tiếng đồng hồ. Qua hệ thống loa phóng thanh, có tiếng của vị chỉ huy : “Binh nhì Ivanov! Sau hai tiếng làm việc đồng chí có thế đi xuống nghỉ giải lao và hút thuốc.” Ha-ha! {Cười}

Trước khi leo lên mái lò, viên chỉ huy cho tập họp chúng tôi lại để nghe lệnh. Có vài anh lên tiếng phản đối: “Chúng tôi đã lên đó một lần rồi, lẽ ra giờ này chúng tôi phải được cho về nhà rồi chứ!”. Về phần tôi, dù là chuyên viên dầu khí, người ta vẫn đưa tôi lên mái lò phản ứng. Nhưng tôi không nói gì. Thực ra thì tôi muốn lên đó, nên không phản đối. Viên chỉ huy bảo : “Chúng ta chỉ cần những người nào tình nguyện lên mái. Số còn lại các anh đứng riêng ra một bên.Tòa án quân sự đặc biệt sẽ làm việc với các anh.”. Nghe thế, mấy người phản đối đứng túm tụm với nhau bàn tán, sau đó họ đồng ý tình nguyện lên mái lò. Họ hiểu ra rằng một khi đã có lời thề phục vụ tổ quốc thì mọi người phải thi hành lệnh trên ban xuống. Không một ai không tin rằng mình có thể bị bỏ tù vì tội không thi hành lệnh cấp trên. Thời gian ở tù có khi kéo dài hàng hai, ba năm. Mặt khác, nếu một người lính bị nhiễm hơn 25 roentgen, thì cấp chỉ huy của người này có thể bị đi tù về tội đầu độc thuộc cấp của mình. Thế nên sẽ không có ai bị nhiễm hơn 25 roentgen cả. Ai cũng phải bị nhiễm ít hơn con số 25. Bà hiểu chưa? Nhưng dù sao thì mấy thanh niên này rất đáng khen. Có hai người trong đội bị ốm. Một người khác tình nguyện đi thay. Mặc dù anh ta đã tình nguyện lên mái ngày hôm đó rồi. Ai cũng ngưỡng mộ sự hy sinh đó. Và anh ta được thưởng 500 rúp. Một anh khác làm việc trên mái. Nhiệm vụ của anh ta là tạo một lỗ hổng để người lên sau có thể ném những mảnh than chì xuống qua lỗ hổng đó. Thời gian ở trên đó đã đủ lâu để anh được đi xuống. Dưới này chúng tôi phất tay ra dấu cho anh biết đã hết giờ. Nhưng anh ta vẫn cứ tiếp tục quỳ gối làm nốt công việc đang dang dở. Cái lỗ hổng ấy phải được hoàn tất để những người lên sau làm việc. Thế nên, chỉ đến khi xong xuôi, anh ta mới chịu đứng dậy leo xuống. Người ta thưởng cho anh ta 1000 rúp. Hồi ấy, với số tiền đó, bà có thể mua hai chiếc xe gắn máy. Giờ thì anh ta trở thành phế binh loại 1.

Giải ngũ. Chúng tôi leo lên xe. Suốt đoạn đường đi ngang qua Khu Cấm xe chúng tôi để còi hụ inh ỏi. Tôi nhìn lại những ngày tháng ấy. Tôi có cảm tưởng mình là một thứ gì gần gần như lập dị kỳ quái rất khó tả. Một thứ gì đó không có thật trên cõi đời này. Tôi không có từ nào để nói về chính mình những năm tháng ấy. Bà có thể cho là tôi “phi thường”, “khác thường”. Bà sử dụng bất cứ tĩnh từ nào cũng chưa hẳn diễn tả được cái cảm tưởng của tôi khi ấy. Nó là gì tôi chưa bao giờ dám quả quyết. Nhưng từ đó đến nay, tôi chưa bao giờ tìm lại được cái cảm thức ấy, kể cả khi tôi đang yêu.

Aleksandr Kudryagin , Thanh Lý Viên

Độc Thoại

_____________________________

về cái bóng của thần chết

Bà cần biết những dữ kiện chi tiết về khoảng thời gian đó? Hay bà chỉ muốn nghe câu chuyện của riêng tôi? Chẳng hạn như, trước đó tôi không phải là một nhiếp ảnh gia, thế mà lúc ấy tôi đã cầm lấy máy hình và chụp, chỉ đơn giản vì tôi mang theo bên mình một cái máy chụp hình. Giờ thì chụp hình đã trở thành nghề nghiệp của tôi. Dù rất muốn, tôi vẫn không thể nào rũ bỏ được cái cảm giác mới mẻ từ lúc ấy nó đã bám vào tôi. Bà có hiểu được không? {Trong lúc vừa nói chuyện, anh ta vừa trải những tấm hình ra trên bàn, trên ghế, trên bệ cửa sổ: hình những bông Hướng Dương khổng lồ to cỡ tay lái xe hơi; hình một tổ chim sẻ trong ngôi làng vắng hoe không còn một bóng người; hình một nghĩa trang lẻ loi phía bên ngoài treo tấm bảng có hàng chữ: “Độ nhiễm xạ rất cao. Không được vào.”; hình một chiếc xe đẩy của em bé đậu trên sân cỏ căn nhà bỏ hoang, các cửa sổ được che đậy kín mít, và trong chiếc xe đẩy có một con quạ ở tư thế như thể nó đang canh chừng cái tổ của mình; hình một khung cảnh cổ điển của những con chim sếu đậu trên một cánh đồng trơ trọi.}.

Người ta hỏi tôi: “Sao anh không chụp ảnh màu? ảnh màu ấy mà!”. Nhưng Chernobyl, nghĩa đen của nó là một sự cố ảm đạm, đen tối. Chẳng có màu sắc gì ở đó cả. Còn câu chuyện của tôi? đơn giản nó chính là những chú thích cho mấy tấm hình này {ngón tay chỉ vào những tấm hình}. Thôi được rồi. Tôi sẽ cố để kể thành lời câu chuyện của tôi, dù thực sự nó nằm ngay ở trong những bức hình này. {Lại dùng ngón tay chỉ vào những bức hình}.

Lúc ấy tôi đang làm ở trong một xí nghiệp, và cũng đang sửa soạn hoàn tất lớp học hàm thụ về lịch sử ở một trường đại học. Ở xí nghiệp, tôi là thợ hàn bậc hai. Họ cho lệnh gom chúng tôi lại thành một tổ và khẩn cấp đưa chúng tôi đi như thể đưa người ra mặt trận.

“Đưa chúng tôi đi đâu đây?”

“Nơi người ta bảo các anh phải đến.”

“Chúng tôi sẽ phải làm gì?”

“Các anh làm điều người ta bảo phải làm.”

“Nhưng chúng tôi là những người thợ xây dựng.”

“Thì các anh cũng sẽ làm công việc xây dựng.”.

Chúng tôi xây những công trình dùng để yểm trợ: Khu giặt dũ, nhà kho, lều ngủ. Tôi được giao nhiệm vụ rỡ những bao xi măng. Đó là loại xi măng gì, xuất xứ từ đâu, chúng tôi không ai thắc mắc. Người ta chở đến thì chúng tôi rỡ xuống. Cứ thế, cả ngày chúng tôi xúc xi măng. Đến cuối ngày, xi măng bám vào áo quần, vào trang thiết bị bảo hộ, vào đầu tóc chân tay thành một lớp bọc màu xám kín đến độ chỉ còn nhìn thấy hàm răng trắng nhỡn của mỗi người. Xong một ngày, chúng tôi cởi ra, rũ sạch lớp xi măng để hôm sau lại khoác lên người.

Chúng tôi được tham dự những buổi thảo luận chính trị – ở đó, người ta bảo chúng tôi là những anh hùng, đang hoàn thành nhiệm vụ cho đất nước như những người lính ngoài mặt trận. Toàn là những thuật ngữ quân sự. Bec là gì? Curie là gì? Milliroentgen là gì? Chúng tôi hỏi viên chỉ huy. Ông ta không có câu trả lời, bảo ở học viện quân sự người ta không dậy chúng tôi những thứ đó. Milli, Micro, chỉ toàn là thứ ký tự của người Tàu đối với viên chỉ huy của chúng tôi. “Các anh biết những điều đó để làm gì? Cứ làm theo lệnh. Ở đây các anh là chiến sĩ.”. Phải rồi, chiến sĩ – chứ không phải tội phạm.

Một ủy ban ghé thăm. Họ bảo: “Thế này nhé! mọi thứ ở đây đều ổn cả. Độ phóng xạ trong môi trường ở mức an toàn. Nhưng mà cách đây 4 ki lô mét tình hình rất tồi tệ. Đã có lệnh di tản dân chúng ra khỏi nơi đó. Nhưng ở đây mọi thứ đều ổn cả.”. Đi theo với ủy ban có một chuyên viên đo độ nhiễm xạ. Ông ta mở nút vận hành trên cái hộp đeo trên lưng, rồi với tay huơ một cái ống dài ngang qua những chiếc ủng chúng tôi đang mặc. Thốt nhiên ông ta nhẩy nhổm qua một bên – đó là thứ phản ứng tự nhiên mà ông ta không thể tự mình kềm chế được.

Nhưng đây mới là phần thú vị trong câu chuyện dành cho bà, một nhà văn. Theo bà thì chúng tôi sẽ nhớ việc xẩy ra như vậy trong thời gian bao lâu? Nhiều lắm là trong vài ngày chứ gì! Người Nga thường thì không chỉ suy nghĩ cho riêng mình, cho cuộc sống của riêng mình, hãy đồng ý như thế đã. Không chỉ những chính trị gia của chúng ta không có khả năng nhìn thấy giá trị của những cá nhân riêng lẻ, mà chính chúng ta cũng không có khả năng đó. Bà hiểu ý tôi muốn nói gì không? Chúng ta không được giáo dục để có khả năng đó. Mà là ngược lại. Tất nhiên là ở trong Khu Cấm mọi người đều uống rượu. Uống rất nhiều. Đêm xuống là không còn ai tỉnh táo nữa. Sau một hai ly đầu, người ta nhớ vợ, nhớ con, hoặc kể lể về công ăn việc làm. Hoặc nguyền rủa các ông sếp của họ. Nhưng đến khi đã cạn một hai chai Vodka, thì điều duy nhất nói đến trong các câu chuyện là số phận của đất nước và cấu trúc của vũ trụ. Gorbachev và Ligachev, Stalin. Liệu chúng ta có trở thành được một đế quốc vĩ đại? Liệu chúng ta có đánh bại được người Mỹ? Thời điểm ấy là năm 1986 – máy bay của ai tốt hơn, tàu vũ trụ của ai đáng tin cậy hơn? Ừ thì nhà máy hạt nhân Chernobyl phát nổ, nhưng chúng ta đã đưa được người vào không gian đầu tiên! Bà hiểu chưa nào? Cứ thế chúng tôi uống rượu, bàn tán cho đến khi khản cả cổ, cho đến khi trời sáng. Vấn đề là chúng tôi không có máy đo độ nhiễm xạ, mà người ta cũng không cung cấp cho chúng tôi một vài loại bột đặc biệt nào đó để phòng khi? Rằng chúng tôi không có máy giặt để giặt dũ những thứ quần áo bảo hộ mỗi ngày một lần thay vì một tháng hai lần? Chuyện đó để sau sẽ nói. Hoặc chờ đến giữa câu chuyện đã, bà nhé! Khỉ thật! chúng tôi được nuôi dưỡng như thế mà!

Rượu Vodka ở đó quý hơn cả vàng. Không dễ gì tìm mua được. Mọi thứ ở trong các ngôi làng chung quanh chúng tôi đều say xỉn cả : rượu Vodka, ánh trăng, kem bôi da, dầu sơn móng tay, bình phun. Hãy cứ hình dung lũ chúng tôi, với cái chai 3 lít đựng ánh trăng, hay một chai nước hoa hiệu Shipr, thế là đủ để chúng tôi say sưa với những câu chuyện không bao giờ dứt. Trong chúng tôi có cả các thầy giáo, các kỹ sư này nọ. Chưa kể còn có các đơn vị tình nguyện quốc tế : Nga, Belarus, Kazakhs, Ukraina v..v.. Chúng tôi có các buổi tranh luận triết học – với đề tài tại sao chúng ta lại biến thành tù nhân của chủ nghĩa Duy Vật, và điều ấy giới hạn chúng ta với tư cách một vật thể của thế giới này, nhưng Chernobyl vẫn là cánh cổng mở ra cho chúng ta bước vào vô tận. Tôi còn nhớ những buổi thảo luận về số phận của văn hóa Nga, về sức hút của nó với những bi kịch. Bà không thể hiểu được bất cứ điều gì nếu không có cái bóng của tử thần soi rọi. Và chỉ trên nền tảng của văn hóa Nga bà mới có thể bắt đầu hiểu được ý nghĩa của các thảm họa. Chỉ có văn hóa Nga mới được chuẩn bị cho bi kịch. Chúng ta đã từng sợ nào là bom hạt nhân, mây hình nấm, thế rồi sự việc lại xoay sang một tình huống như thế này.Chúng ta biết rằng một căn nhà có thể bị cháy thiêu chỉ bởi một que diêm, một cầu chì điện hỏng hóc, nhưng sự kiện Chernobyl chẳng hề giống như những gì chúng ta đã từng tưởng tượng. Chúng ta đã nghe những lời đồn đại cho rằng ngọn lửa cháy ở Chernobyl không phải là lửa của trần thế, thậm chí nó không phải là lửa, nó là sấm sét, là ánh sáng chói lọi. Nó không có màu xanh, nhưng lại giống như bầu trời. Cũng chẳng có khói phát ra từ ngọn lửa. Các nhà khoa học của chúng ta trước đây là thượng đế, nhưng nay họ đã là những thiên thần gẫy cánh, thậm chí là ma quỷ đáng nguyền rủa. Họ đã giấu diếm những bí mật của thiên nhiên, và bây giờ họ vẫn chưa chịu từ bỏ. Tôi là một người Nga, gốc gác ở Bryanschin. Tôi biết một ông già, lúc nào cũng ngồi bó gối trong căn nhà bị nghiêng và nó có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Vậy mà ông ta không lúc nào ngừng nói về số phận của thế giới. Ở đâu cũng có những triết gia kiểu nhà thông thái Aristotle như vậy. Ngay cả ở một nhóm nhỏ công nhân xí nghiệp. Ngay cả ở một quầy bia uống đứng. Trong khi đó chúng ta đang ngồi ngay dưới một lò phản ứng hạt nhân. Bà thử tưởng tượng xem chúng ta có thừa mứa triết lý tới cỡ nào.

Các phái đoàn báo chí đến gặp chúng tôi, săn tin chụp hình. Họ dàn dựng nên những cảnh như thế này: họ để một cây đàn vĩ cầm trên cửa sổ một căn nhà bỏ hoang, rồi chụp hình. Họ đặt tên cho bức hình là “Bản hợp tấu Chernobyl”.Lẽ ra họ không cần phải bịa đặt ra những thứ đó làm gì. Họ chỉ cần biết và nhớ những hình ảnh có thật: một quả địa cầu bị xe máy kéo cán bẹp dúm ngay giữa sân trường; quần áo phơi trên ban công vẫn còn ở đó cả năm trời và giờ thì đã ngả màu đen; những nghĩa trang quân đội bị bỏ hoang, cỏ ở đó mọc cao hơn cả bức tượng người lính và bên cạnh, tượng cây súng có một tổ chim nằm chênh vênh. Cửa một căn nhà đã bị kéo sập, bên trong đồ đạc mất hết, chỉ còn lại tấm màn cửa và những bức hình gia đình. Người ta đã lìa bỏ căn nhà, nhưng hồn người vẫn còn ở lại qua những khung hình trên bệ cửa.

Không có việc gì là không quan trọng, không có cái gì là quá nhỏ. Tôi muốn được ghi nhớ hết thẩy mọi điều một cách chính xác ở cả những chi tiết nhỏ nhất: khoảng thời gian nào trong ngày tôi đã chứng kiến việc ấy, bầu trời lúc ấy có màu gì, cảm tưởng của tôi lúc ấy ra sao. Loài người đã từ bỏ nơi này mãi mãi rồi. Và chúng ta là những người đầu tiên trải nghiệm cái khái niệm “mãi mãi”. Bà không thể bỏ qua bất cứ một chi tiết nhỏ nhặt nào. Khuôn mặt của hai nông dân già nua – trông họ giống như hai bức tượng. Họ là những người ít hiểu biết nhất về những gì đang xẩy ra.Họ chẳng bao giờ ra khỏi vườn nhà họ, mảnh đất họ sở hữu. Họ có mặt trên cõi đời này, biết yêu đương, biết đem bát cơm về cho gia đình bằng chính mồ hôi của mình, và cứ thế tiếp tục cuộc sống họ đang sống. Rồi chờ đợi sự ra đời của lũ cháu chắt. Đến khi hoàn tất xong cuộc sống trần gian, họ rời khỏi mảnh đất quen thuộc chỉ để hoà làm một với đất, trở thành đất. Một cái lều của người nông dân Belarus. Với chúng ta, những cư dân thành thị, nhà là một cái máy để chúng ta sống trong đó. Với người nông dân, nhà là toàn thể thế giới, là toàn thể vũ trụ. Khi bà lái xe đi ngang qua những ngôi làng bỏ hoang, bà muốn được nhìn thấy bóng người. Những ngôi nhà thờ đã bị cướp bóc sạch trơn – dù vậy, khi bước chân vào, ngửi thấy mùi nến – bà lại muốn được quỳ xuống cầu nguyện.

Tôi muốn ghi nhớ hết thảy mọi chuyện đã xẩy ra, vì thế, tôi dùng máy hình ghi lại hết. Đó là câu chuyện của tôi. Cách đây không lâu, chúng tôi đã chôn cất một trong số những người bạn của chúng tôi đã từng ở Chernobyl. Anh ta chết vì bị ung thư máu. Chúng tôi tổ chức một buổi canh thức, và theo truyền thống Slavic, chúng tôi uống rượu. Chúng tôi trò chuyện với nhau mãi đến nửa đêm. Ban đầu, chúng tôi nói về người chết. Còn sau đó? Lại một lần nữa về số phận của đất nước và về cấu trúc của vũ trụ. Liệu quân đội của Nga sẽ rời khỏi Chechnya hay không? Liệu sẽ có một cuộc chiến tranh khu vực lần thứ hai bùng nổ hay thực ra nó đã xẩy ra rồi? Liệu Zhirinovsky sẽ trở thành tổng thống? Liệu Yeltsin được tái đắc cử? Cả câu chuyện về hoàng gia nước Anh với công nương Diana, về nền quân chủ nước Nga. Cả về Chernobyl với những giả thuyết khác nhau. Có người cho rằng những sinh vật ngoài hành tinh biết trước về thảm họa và đã trợ giúp chúng ta; người khác thì lại bảo đó chỉ là một thử nghiệm, chẳng bao lâu nữa những đứa trẻ với tài năng đặc biệt hơn người sẽ được sinh ra. Hoặc cũng có thể nước Belarus sẽ biến mất, như những người Schythians. Chúng ta là những nhà siêu hình học.

Chúng ta không sống trên quả đất này, mà là sống trong những giấc mơ, trong những cuộc trò chuyện đầy tính triết lý. Bởi vì chúng ta cần phải thêm một chút gì đó vào cuộc sống tẻ nhạt hàng ngày mới có thể hiểu được nó. Kể cả khi chúng ta sắp sửa đối diện với cái chết.

Viktor Latun, Nhiếp Ảnh Gia

Độc Thoại

_____________________________

về một đứa trẻ bị thương tật

Một hôm, con gái tôi thỏ thẻ với mẹ: “Mẹ à, nếu mai mốt con có đẻ ra một đứa bé bị thương tật, con sẽ vẫn thương yêu nó mẹ ạ.”. Bà có thể tưởng tượng được không? Con gái tôi mới học lớp 10 mà nó đã có ý tưởng như thế. Bạn bè cùng lớp nó cũng vậy, đứa nào cũng đều suy nghĩ về điều ấy. Chẳng là có cặp vợ chồng bạn của chúng tôi mới đây hạ sinh được một đứa con trai, đứa con đầu của họ. Đó là một cặp đôi trẻ tuổi, cả hai đều xinh xắn. Vậy mà đứa con họ sinh ra miệng rộng kéo lên đến gần mang tai nhưng lại không có cái tai nào cả. Dạo sau này tôi không ghé thăm họ thường như trước đây nữa, nhưng con gái tôi thì vẫn hay ghé qua với đứa bé. Nó muốn đến đó để chỉ nhìn, hoặc cũng có thể là để thử thách chính mình.

Lẽ ra chúng tôi có thể dọn đi khỏi nơi này. Nhưng vợ chồng tôi suy nghĩ mãi rồi quyết định cứ ở lại. Thực ra chúng tôi sợ phải đi nơi khác. Ở đây, tất cả chúng tôi đều là những người bị lây nhiễm, không nhiều thì ít, thế nên chúng tôi sẽ chẳng e dè gì nhau. Có ai cho mình quả táo, hay trái dưa trồng từ vườn nhà của họ, chúng tôi nhận và ăn thoải mái, chứ không xấu hổ dấu dấu diếm diếm rồi đợi khi không có ai nhìn thấy thì vất chúng đi. Ở đây, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm, cùng chia sẻ với nhau một số phận. Đi nơi khác, chúng tôi sẽ trở thành người ngoại quốc, kẻ cùi hủi ai cũng lánh xa. Người ta đã quá quen thuộc với những tên gọi như “Những kẻ bị nhiễm xạ (Chernobylites)”, “Những đứa trẻ ở Chernobyl”, “Dân tị nạn từ Chernobyl”. Nhưng người ta không biết chút nào về chúng tôi, vậy mà họ sợ đến gần chúng tôi. Người ta không muốn cho chúng tôi ra khỏi nơi đây và một vòng đai cảnh sát bao quanh không cho ai lọt ra ngoài hẳn sẽ làm họ hài lòng. {Ngưng lại}.Bà không thể thuyết phục tôi rằng không hề có những chuyện như vậy. Chính bản thân tôi đã trải qua những tình huống tương tự. Hồi đó . . . tôi dắt con chạy về Minsk định ở nhờ nhà cô em gái. Nhưng bà có thể tưởng tượng được không? chính em gái ruột của tôi đã không dám mở cửa cho mẹ con tôi vào nhà vì lúc ấy nó có con nhỏ đang còn tuổi bú sữa mẹ. Thế là mẹ con tôi phải ngủ tại nhà ga xe lửa.

Lúc ấy có lúc tôi muốn điên lên vì những ý nghĩ ngông cuồng. Đi đâu bây giờ đây? Hay là tự tử chết cho rồi để khỏi phải chịu đựng đau khổ? Những ngày đầu là như thế đấy! Ai cũng bị ám ảnh bởi những chứng bệnh khủng khiếp, những chứng bệnh chưa từng bao giờ nghe nói đến. Tôi là một bác sĩ. Vậy mà tôi cũng chỉ suy đoán từ những gì người khác nói tới. Các con tôi đi tới đâu cũng đều mang cảm tưởng mình là những kẻ xa lạ. Ở một trại hướng đạo mùa hè mà con tôi tham dự, lũ bạn đứa nào cũng sợ không dám đến gần nó. Chúng bảo: “Con bé đó đến từ Chernobyl. Đêm xuống là người nó sáng lóng lánh.” Ban đêm, bọn chúng còn khiến con bé đi quanh quẩn trong vườn tối để chúng có thể kiểm chứng xem có thật là người con tôi phát ra ánh sáng hay không.

Người ta nói về chiến tranh, những người thuộc về cái thế hệ chiến tranh ấy, rồi họ đem chúng tôi ra so sánh với họ. Thế nhưng những người thuộc thế hệ chiến tranh ấy họ sung sướng, vì họ là những kẻ chiến thắng. Vinh quang của sự chiến thắng giúp họ có thêm sinh lực để tiếp tục sống, tiếp tục tồn tại. Họ chẳng có điều gì để sợ hãi. Chỉ có những ước vọng được học hành, được xây dựng lại cuộc sống và sinh con đẻ cái. Về phần chúng tôi thì hoàn toàn khác. Chúng tôi lo sợ cho con cái của mình, cho cháu chắt của mình, những đứa trẻ chưa được sinh ra, chưa hiện hữu. Chúng chưa được sinh ra mà chúng tôi đã lo sợ cho chúng rồi. Ở đây người ta ít cười, ít hát hò trong những dịp hội hè lễ lậy. Phong cảnh đã thay đổi, những cánh rừng mọc um tùm trên những vùng đất trước đây là đồng cỏ canh tác. Thế nên tính cách con người cũng thay đổi theo. Mọi người đều cảm thấy suy nhược. Thứ cảm giác của tận cùng thế giới. Chernobyl là một sự hóa thân, một ẩn dụ, một biểu tượng. Và chính nó đã làm thay đổi cách nghĩ, thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng tôi.

Có lúc tôi nghĩ có lẽ tốt nhất là bà không nên viết điều gì về chúng tôi cả. Để khỏi phải làm cho người ta hoảng sợ. Chẳng có ai lại đi kể chuyện về ung thư trong căn nhà có người đang mắc bệnh đó. Như người ta không bao giờ bàn tán về một người nào đó bị án tù khổ sai chung thân. Vậy thôi!

Nadezhda Afanasyevna Burakova, cư dân một ngôi làng trong vùng Khoyniki.

Comments are closed.