Tình cát (kỳ 1)

Nguyễn Quang Lập

N Q Lập

 

Văn Việt: Có thể xem Hoàng, nhân vật chính trong “Tình cát” là tính cách điển hình, được gia công khá kỹ lưỡng về một nhà văn mắc phải hội chứng “suy thoái chức năng tư duy” mỗi khi anh ta hồi tưởng về những kỷ niệm khủng khiếp thời chiến tranh. Những cơn mê sảng triền miên của chàng trai làng cát với tư cách phóng viên báo, từng là lính trận đào ngũ bất đắc dĩ, luôn bị ám ảnh bởi những bóng ma chết trẻ, tạo nên một không gian u ám làm người đọc bị cuốn theo với tâm trạng phấp phỏng. Những pha làm tình nóng bỏng được phục hiện toàn vú với mông tạo nên hình ảnh thị giác đầy khiêu khích, cùng vô số cảnh nhậu nhẹt của đám quan chức huyện Tuy chiêu đãi đoàn nhà báo bằng tiền thuế của dân, hay thói đỏng đảnh nổi loạn bất cần đời của Ly Ly trong cuộc cuộc tình đầy tai tiếng với người đàn ông hơn mình đến hai giáp, tuy có tạo nên được những cú sốc nhưng hoàn toàn chưa phải là chủ đề tác phẩm. Tư tưởng của “Tình cát” nằm ở phần dưới tảng băng chìm. Chiến tranh đã phá hủy tư tưởng nhân văn. Đến thời hậu chiến, những gì còn lại, chẳng những không hồi sinh mà lại tiếp tục bị xóa sổ.  Những ký ức đau buồn một thời lần lượt hiện về xen kẽ với hiện tại bằng thủ pháp đồng hiện giống như một cuốn phim tư liệu. Đất nước đã bình yên một phần tư thế kỷ, nhưng với Hoàng, vẫn không gột rửa được nỗi ám ảnh cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài hơn mười năm. Tâm hồn nhạy cảm của anh bị tổn thương vì đã nhìn thấy quá nhiều máu chảy khi mà vừa thoát khỏi nỗi kinh hoàng của bom đạn lại rơi ngay vào cơn khủng hoảng tinh thần: đạo đức và nhân sinh. Hệ ý thức lỗi thời đẻ ra thiết chế toàn trị lại được gia cố bằng đủ thứ khẩu hiệu sáo rỗng hình thành một xã hội đồng phục là nguyên nhân của tệ tham nhũng. Tham nhũng cho dù được gọi là quốc nạn, nhưng chính nó lại là nguồn dinh dưỡng nuôi sống guồng máy công quyền. Việc ban lãnh đạo huyện Tuy xây nghĩa trang liệt sĩ hoành tráng rồi dùng xương trâu bò, thậm chí còn sai đám âm binh đào trộm mộ người chết lấy hài cốt bỏ vào cho đủ số lượng để rút ra 15 tỷ đồng chia chác với nhau, đúng là tội ác tay trời nhưng lại là “chuyện thường ngày ở huyện”, chẳng hề hấn gì đến lương tâm loại công bộc lưu manh chính trị như Phó Chủ tịch Văn Xã hay Trưởng phòng Thương binh- Xã hội.

Cái chết đột ngột của nhà văn Hoàng ngay trên vùng cát quê hương sau những nỗ lực giải cứu người thủ trưởng cũ bất thành cùng với việc gã Sở Khanh Phó Chủ tịch Văn Xã – chính danh thủ phạm vụ bê bối nghĩa trang liệt sĩ hai nghìn mộ – trở thành Bí thư Huyện ủy là cú đòn cuối cùng kết liễu cuộc đời chàng văn sĩ lãng tử. Đó không phải là bi kịch cá nhân mà là bi kịch của cả một dân tộc. Thùy Linh, chị Rá, Lý, Nụ, Lương, Chiến lái xe và hàng ngàn nữ thanh niên xung phong Trường Sơn… đều là những thân phận con người không may sinh ra ở một vùng đất liền năm là diễn trường giao tranh khốc liệt. Khác với Hoàng, họ là những vật hiến tế cho thần chiến tranh, còn anh, là vật hiến tế cho những hồn ma luôn hiện về trong giấc mơ đòi giải phóng thân phận mình khỏi nhà tù ý thức hệ.

Văn Việt xin trích giới thiệu một số chương trong cuốn tiểu thuyết đặc sắc này cùng bạn đọc.

 

 

 

 

 

4

Ngày thứ hai. Sợ Hoàng rồi, mưa nắng thất thường quá.

Hoàng đúng là nhân vật tiểu thuyết. Thế nào là nhân vật tiểu thuyết? Điếu biết. Biết chết liền.

Ngoài một bà tên Lý, phát hiện thêm một bà tên Nụ. Nghe bọn Huy Đức, Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên nói Hoàng có cả thảy 43 người tình. Đàn ông thật tởm.

 Phải khẳng định mình không yêu hắn để khỏi phải lăn tăn. Nhưng mình vẫn muốn ngủ với hắn, thế mới tởm, he he!

*

Nghe tin hai phóng viên một tờ báo lớn về huyện, dù Ly Ly đã nói đi nói lại: “Anh Hoàng về thăm quê, nhân thể ghé thăm huyện”, thường vụ huyện ủy vẫn bỏ dở cuộc họp đầu tháng ùa ra tiếp đón.

Người ta quá biết tên tuổi Ly Ly, tay nhà báo khét tiếng chống tiêu cực. Thành tích của cô thật đáng sợ: Hơn năm chục ông tham nhũng rũ tù, một tử hình chín chung thân. Không một phóng sự nào của cô mà Thủ tướng không phê một câu: “Cần kiểm tra và làm rõ.” Chỉ riêng sự có mặt của Ly Ly cũng đã làm cho cả phố huyện xôn xao, huống chi Hoàng, nhà báo lão thành, nhà văn hàng đầu của đất nước, tự hào thay là đứa con của huyện Tuy.

Hai phút xã giao quanh bàn trà, những cái bắt tay vồ vập cùng với cái nhìn trộm xoi mói: “Chúng nó về đây làm gì nhỉ?” Người ta thừa hiểu những phóng viên gạo cội như Ly Ly và Hoàng về cơ sở không bao giờ chỉ để lấy thành tích cả, đấy là việc của các phóng viên chíp hôi mới nhập môn báo chí. Nhất định có một chuyện động trời sẽ được khui ra. Chuyện động trời là chuyện gì? Tuyệt không ai biết. Nếu khui ra thì chuyện gì mà chẳng động trời.

Vài ba câu đưa đẩy ngọt nhạt hoàn tất lối giao tiếp văn phòng, người ta lôi Hoàng và Ly Ly ra nhà hàng. Chiều nay vui cái đã, rồi các đồng chí cần chi chúng tôi xin cung cấp đầy đủ. Chủ Tịch Huyện nở nụ cười chất phác. Nhìn mặt biết ông đã quá mệt mỏi vì những cuộc tiếp khách triền miên. Cuộc nhậu nào cũng quan trọng không thể không có ông. Vắng ông người ta sẽ không mạnh mồm gọi món, dù ông có dặn đi dặn lại: “Cứ phỉ phê vào!”.

Phỉ phê là từ riêng của Chủ Tịch Huyện, có từ thời ông còn cắt cỏ chăn trâu. Lên huyện công tác mười năm ông vẫn liên tục dùng nó, chẳng ai thèm để ý. Khi ông trở thành người cán bộ đầu tàu, ngay lập tức “phỉ phê” bị cấp dưới, đặc biệt đám trợ lý của ông, ăn cắp bản quyền. “Phỉ phê” được ứng dụng khắp nơi, trong các cuộc nhậu, các cuộc tỉ thí cờ bạc, những mơn trớn trong hoan lạc, các cuộc họp nhỏ và các hội nghị lớn. Đến nỗi nghị quyết nào của huyện ủy “phỉ phê” cũng được xuất hiện đôi ba lần.

Đó không phải là bệnh tật của riêng huyện Tuy. Đó là nạn dịch đã lây lan từ thời Hoàng chưa sinh ra. Một đôi ba từ quen mồm của các vị cầm cờ thế nào cũng được đám trợ lý khai thác triệt để, cấp dưới hồn nhiên hưởng ứng rầm rộ, coi đó là thái độ biểu hiện lòng trung thành với cấp trên mà người ta nói trại ra là lập trường tư tưởng vững vàng.

Ngoài mặt Chủ Tịch Huyện làm ra vẻ không quan tâm lắm việc thiên hạ nâng niu thứ ngôn ngữ nhà quê vô nghĩa rỗng tuếch của mình, trong bụng ông lại khấp khởi mừng thầm. Nó chứng tỏ quyền lực của ông đang được củng cố ngày mỗi vững chắc thêm.

Chủ Tịch Huyện ngồi đối diện với Ly Ly, nụ cười đôn hậu thường trực dưới bộ ria mép. Tui vừa đọc bài xi măng lò đứng của Ly Ly… Được không anh? Ly Ly gọi người đàn ông hơn mình hai giáp bằng anh ngọt xớt. Cô gắp cho ông một miếng mồi ngon và mở to mắt chờ đợi. Ly Ly viết ai dám bảo không được. Thủ tướng còn khen, hạng tui là cái chi.

Chủ Tịch Huyện cười khơ khơ khơ. Chả hiểu ông cười về nỗi gì. Cấp dưới của ông được thể cười hùa. Bữa cơm từ thăm dò khách khí nhanh chóng chuyển sang vui vẻ thân mật. Người ta đua nhau tán dương bài báo của Ly Ly, tán dương luôn loạt phóng sự của cô, chờ dịp cô cao hứng để thăm dò lý do thực sự hai người lặn lội về đây.

Ly Ly thừa biết vậy, cô làm ra vẻ đang hứng chí trước dàn tụng ca láu lỉnh nhà quê kia. Cô nói huyên thuyên, chuyện gì chẳng ra chuyện gì, chút khoe khoang, chút hù dọa, chút tâm tình khiến Chủ Tịch Huyện và đám cấp dưới của ông không biết đằng nào mà lần. Họ chỉ biết cười và “đúng rồi”.

Hoàng thảnh thơi uống rượu. Không ai còn để ý đến anh nữa. Anh thoát khỏi những câu hỏi chán ngấy đại loại: “Dạo này có tác phẩm nào mới không?”, hoặc những lời khen ngợi nhai lại lời lẽ của đám phê bình vẫn viết nhăng cuội. Rụt cổ tì cằm vào ly rượu, Hoàng lim dim quan sát Ly Ly và đám cán bộ huyện bây giờ đã lên cơn phấn khích. Chủ Tịch Huyện đã vứt bỏ bộ mặt nghiêm nghị, tay múa miệng kể một chuyện cười cũ rích ông đã kể đi kể lại hàng trăm lần, lần nào cấp dưới của ông cũng ôm bụng cười lăn lộn.

Ly Ly cũng cười, dù đấy là thứ chuyện cười mà đám nữ nhà báo chán chồng mê trai của cô vẫn hay sáng tác. Khả năng khích động đàn ông của Ly Ly thật không ai bì được, riêng mặt này có thể gọi cô là một thiên tài. Cúc áo ngực vô tình tuột ra một chiếc, mở ra khe ngực sâu với hai bờ vun lên trắng muốt chảy tuột vào kín đáo. Ly Ly rướn lên, gắp bỏ cho người này chạm cốc với người kia. Với người nào cô cũng nở một nụ cười tươi tắn cùng với vòm ngực hở rất vừa tầm mắt. Toe toét với người này lúc này, e lệ với người khác lúc khác, xoay trở đảo điên một vòng, khiến gã nào cũng có cảm tưởng cuộc rượu này là của cô và gã. Nhất định sẽ có cái gì đó sau cuộc rượu, con bé có cặp tuyết lê đến chó cũng phải thèm kia sẽ dành cho gã.

Đã đến lúc mọi người tranh nhau nói, tranh nhau ngoắc tay cạn cốc với Ly Ly. Chủ Tịch Huyện chừng đã say, ai nói gì cũng “ừ hé!” rồi ngửa cổ cười khơ khơ khơ. Nhốn nháo trước mắt Hoàng những cái mặt say. Những cái mặt say tranh nhau trổ tài với người đẹp, cố rặn ra những lời ca du dương và đua nhau kể những chuyện tục tĩu lẫn lộn với sâu sắc. Hoàng cũng đã say, mắt mờ dần, chợt lóe sáng chợt tối sầm. Đám người nhốn nháo quanh Ly Ly bỗng như lũ ác quỉ trong tranh của Beckmann, vũ điệu những bàn tay gớm guốc quanh người đàn bà tuyệt vời.

Hoàng thấy buồn nôn. Anh lẻn rời bàn tiệc đi ra ngoài.  Đêm trăng non buồn và đẹp như bao nhiêu đêm trăng tuổi mười sáu của anh. Vẫn vậy thôi, bầu trời màu tím than, vầng trăng màu nõn chuối, vô vàn những ngôi sao li ti… Hoàng ngửa mặt nhìn trời, lững thững đi ra phía bờ sôngNinh.

Hoàng đứng trước hòn đá Trịnh-Nguyễn phân tranh. Cái trán vĩ đại hai mươi năm vẫn là cái trán vĩ đại, vẫn trơ ra không hề sứt mẻ. Ừ nhỉ hay nhỉ, cái gì cũng trơ ra cùng nhật nguyệt.

Hoàng ngả mình xuống hòn đá, lịm đi giữa rười rượi gió…

*

Một tháng sau trận B52 ở suối Voang, Hoàng được chị Nụ dắt đi tìm “đơn vị đực rựa”, theo cách nói của chị. Những cô gái trong hang đá nhận ra họ không được và không thể giữ Hoàng lâu hơn được nữa. Sau cái chết của Lý, Hoàng biến thành một thằng cù lần, anh bịt tai khâu mồm suốt ngày nằm dài trong hang đá. Tìm được một hốc đá ở cuối hang, Hoàng chui vào đấy ngủ từ sáng đến tối.

Chị Nụ là người gần gũi Hoàng hơn cả. Những lúc rảnh rỗi, thường là vào đêm, chị chui vào hốc đá ngồi tỉ tê tâm sự. Hoàng nằm nhắm nghiền mắt mặc kệ chị kể kể nói nói. Chẳng nhớ chị kể gì nói gì. Hình như là những chuyện buồn cười ở quê thời chị còn con nít. Chị muốn Hoàng cười to một tiếng.

Một lần mỏi quá, chị nằm dài ra, dịch sát Hoàng, bắt anh gối đầu lên tay mình, miệng không ngớt nỉ non. Hoàng ngủ. Giấc ngủ bập bềnh những nỉ non khó hiểu của chị Nụ.

Sáng. Dập dềnh tấm thân nõn nà của Thùy Linh giữa dòng sông. Cặp tuyết lê trắng ngần nở phồng trong nắng sớm, nhấp nhô nhấp nhô….

Đêm. Đôi bờ mi dài khép hờ và nụ cười ngượng ngập rúc sâu vào nách Hoàng. Bờ môi hồng tươi khép mở, cái lưỡi mềm ấm nóng rụt rè trên môi anh. Hoàng riết Thùy Linh vào lòng, tay trượt dài xuống hõm tiên lúc này đã dầm dề thủy dục.

Có ai đó đẩy Hoàng lên, giúp anh lún sâu vào. Mái tóc xõa phủ kín mặt anh, cột cổ anh chặt cứng. Hoàng giật hai ba lần cổ vẫn mắc cứng trong mái tóc. Anh thúc mạnh, mỗi lần thúc mỗi lần giật ngược cổ lên. Mặt Hoàng vẫn bị vùi trong tóc, mái tóc ngậy mùi lá bưởi rừng. Hoàng giật mạnh, thúc mạnh, mạnh nữa. Rồi! Cái cổ đã bung ra khỏi mớ tóc.

Hoàng thấy mình trần như nhộng trong hốc đá. Sông Ninh và hòn đá Trịnh-Nguyễn phân tranh biến mất. Bên anh là chị Nụ đang nằm sấp, da thịt trắng ngần rung rung trong đêm. Hình như chị đang khóc vì những ham hố quá trớn. Cũng có thể chị đang cười khúc khích sau vô tình kiếm chác được thỏa thuê. Hoàng vùng dậy vội vàng mặc quần áo, bỏ hốc đá đi thẳng.

Hoàng muốn bỏ trốn, trốn đi đâu cũng được miễn là thoát ngay khỏi cánh rừng này. Anh đi dúi dụi xuống suối Voang, bên kia bờ suối là ở đâu không cần biết, cứ bừa đi như lúc mới ra đi rồi tất sẽ đến một nơi nào đó. Một tiếng “toác!” bất chợt vang lên trong đêm. Tiếp sau là tiếng hổ gầm vang động. Hoàng sởn cả da gà, đứng dúm dó bên gốc cây lớn. Hoàng nín thở quay gót. Rón rén được dăm bảy bước, anh vùng chạy. Hoàng chạy rối mù trong đêm tối giữa cánh rừng săng lẻ.

Một người đứng chắn ngang. Hoàng bập đánh hự vào ngực người đó, vòng tay siết anh chặt cứng. Hoàng, chị đây! Chị Nụ, vẫn là chị Nụ, người chị can trường của cánh rừng con gái. Không thể nào thoát khỏi vòng tay cứng như sắt của chị.

Không! Hoàng cố rứt ra. Bình tĩnh, Hoàng! Chị Nụ đây mà… Không!… Buông ra!… Hoàng ẩy mạnh, chị Nụ ngã ngồi. Anh nhảy đại sang bên, chạy. Chị Nụ bật khóc. Chị nằm úp trên tảng đá, bật lên một tiếng nấc dài. Tiếng nấc nhói đau tức tưởi. Hoàng quay lại ngồi xuống cạnh chị, đầu bẻ gập lặng câm.

Chị Nụ ngồi dậy thong thả cuốn tóc. Để mai chị đưa em đi. Em làm thế này bĩ mặt các chị quá… Hoàng ngước lên mừng rỡ. Chị biết em khinh chị lắm. Nhưng em không biết đâu… các chị cực lắm em ơi! Chị Nụ nói như rên. Hai tiếng “em ơi” chua xót nghẹn ngào vói lên giữa rừng đêm nghe như tiếng vọng mơ hồ một linh hồn đã chết.

*

Hóa ra “đơn vị đực rựa” không xa lắm. Không tới nửa ngày đường họ đã đến nơi.

Thằng ni thì lính tráng chi hè! Xê Trưởng ngửa cổ phun hết khói thuốc lào. Phải cảnh giác đồng chí ơi! Xê Trưởng say thuốc, ông nằm dài ra không cần biết mình đang tiếp khách.Tụi con nít tưởng đi bộ đội sướng lắm, đua nhau bỏ nhà đi cả. Rứa đo! Tui còn lạ chi. Xê Trưởng cười khơ khơ khơ.

Không anh ạ. Nó lạc đơn vị thật. Chị Nụ hạ giọng ngọt mềm, không mấy khi chị ngọt mềm như vậy. Rứa đơn vị mô, nói nghe coi? Nó mới nhập ngũ có một ngày. Chị Nụ chép miệng. Máy bay đuổi chạy gần chết, tóa hỏa tam tinh, còn biết đơn vị nào đâu. Xê Trưởng cười khơ khơ khơ. Chị coi bầy tui như con nít.

Xê Trưởng ra sau nhà đứng đái, vừa đái vừa nói vào. Bảy năm lính, ba năm rừng Trường Sơn, tui lạ chi lính lạc rừng. Lính lạc rừng khôn bỏ cha, có đứa mô ngu ngơ như thằng ni. Xê Trưởng đi vào lấy nước súc miệng, nhổ toẹt ngay dưới chân. Nhưng thôi, cứ để hắn đó cho tui. Chị Nụ vui vẻ nháy mắt với Hoàng.

Anh nhận nó anh nhé? Chị Nụ hướng về Xê Trưởng, cái nhìn khẩn khoản. Nói rồi, cứ để hắn đó cho tui. Xê Trưởng rít thêm một điếu thuốc lào nữa. Ông há miệng phun khói thuốc, trợn mắt nhìn theo khói thuốc đang cuồn cuộn bay thẳng tới mặt Hoàng. Cứ như quyết định nhận Hoàng theo khói thuốc lào từ cổ họng tuôn ra. Khói thuốc lào tan cũng là lúc thủ tục nhận một người lính mới được hoàn tất. Thật khỏe re.

Chị Nụ ra về. Chị chào hai ba lần Hoàng mới ngước lên. Bắt gặp cái nhìn trách móc ươn ướt nhớ thương hờn dỗi, chỉ một thoáng thôi cũng đủ cho Hoàng xốn xang một nỗi ăn năn.

*

Ngồi đó nghe! Xê Trưởng xách điếu cày bỏ đi, đi đâu không rõ, mãi không thấy về. Hoàng ngồi buồn thiu trong lán. Thi thoảng có người đi qua, ngó vào một cái rồi bỏ đi thẳng. Doanh trại lính tên lửa buồn thiu. Đời lính lạnh lẽo, tẻ nhạt thế này a?

Hoàng đứng dậy cẩn thận ngó quanh, rón rén đi ra sân. Cẩn thận ngó quanh một lần nữa vẫn không thấy ai, anh vùng chạy về phía chị Nụ đang trở về hang đá. Chẳng có ma nào đuổi theo. Cửa doanh trại không ai gác, cũng chẳng hề có cái bót gác uy nghiêm như Hoàng tưởng tượng. Một đôi người đi tắm dưới suối lên, thấy Hoàng chạy như ma đuổi họ chỉ dừng lại nhìn theo, chẳng ai thèm lên tiếng hỏi lấy một câu.

Chị Nụ vừa lội qua suối Hoàng cũng vừa đuổi kịp. Sao? Chị Nụ sửng sốt nhìn. Hoàng lúng ta lúng túng hết ngước nhìn chị Nụ lại cúi nhìn chân mình. Anh ngồi bệt, găm mặt vào đầu gối. Hay là muốn về lại chỗ các chị? Chị Nụ vỗ nhẹ vai Hoàng. Lính tráng thì ở đâu cũng thế thôi. Có điều ở đây có anh có em chứ chỗ chị rặt mỗi đàn bà con gái… Hoàng không hề ừ hử. Mày rồi cũng đến khổ thôi em… Chị Nụ thở ra ngao ngán.

Bốn chiếc F105 từ hướng Đông Nam ập đến, bay sát sạt, tiếng rít làm nứt toác cả cánh rừng yên tĩnh, trong chốc lát biến mất tăm giữa ngút ngàn rừng dẻ Tây Trường Sơn.

Muốn thế nào thì nói đi, chị còn về, trưa rồi. Chị Nụ cầm vai Hoàng lắc lắc. Hoàng vẫn nín thinh. Bỏ tính con nít đi em ạ, không khổ lắm đấy. Ở đây không phải như ở nhà đâu. Chị Nụ âu yếm vuốt tóc Hoàng. Mười lăm phút không ai nói một lời, Hoàng vẫn găm mặt vào đầu gối, cứ như có hòn đá tảng đè lên sau gáy anh.

Thôi, chị về đây. Chị Nụ chép miệng quay gót. Chị Nụ! Hoàng bật dậy chộp tay chị Nụ. Chưa kịp hiểu ra làm sao chị đã bị Hoàng ôm chặt cứng. Ơ…! Run lên một tiếng kêu như khóc. Em ơi thế này có phải không?… Hoàng như điếc bập mặt vào cổ chị hôn tới tấp…

Chị Nụ khụy xuống, từ từ lựa chiều cho Hoàng dằn ngửa chị ra. Chị vò tóc Hoàng, vò và giật từng cơn đau điếng. Hoàng chúi mặt vào bộ ngực đầy vun, lúc này đã phồng lên quá cỡ. Anh hối hả dấn sâu vào, thúc mạnh. Riết chặt lấy cổ Hoàng, chị bật cong nhịp nhàng cùng với những tiếng hức hức như tiếng nấc hờn dỗi của con trẻ.

Nước mắt Hoàng vụt trào không cách gì kiềm chế, trong chốc lát đã ướt đầm ngực chị. Mỗi lần thúc mạnh là mỗi lần nước mắt trào vọt. Hoàng thúc như điên, đâm tan nát đóa diêu bông người chị can trường suốt đời anh ngưỡng mộ.

Hoàng không phóng được, mãi vẫn không phóng được. Nước mắt Hoàng không ngừng chảy. Không cố được nữa, anh nằm vật ra bất động, mắt mở trừng trừng nước mắt chảy ròng ròng. Khát nước kinh khủng, chưa bao giờ khát thế này.

Bên anh gương mặt rám nắng khô giòn biến mất, thay vào đó là gương mặt thanh tân chứa chan hạnh phúc. Gương mặt hồng tươi ánh lên rực rỡ. Đôi mắt tỏa sáng lấp lánh một điều gì không thể tả. Những giọt mồ hôi lấm tấm óng ánh nắng trời và nụ cười mê mệt nở lịm trên môi.

Đến chết Hoàng cũng không thể quên gương mặt đẹp diệu kì buổi trưa ngày cuối cùng tuổi mười bảy của anh.

*

Hoàng hấp tấp quay trở lại doanh trại. Cậu mô về? Xê Trưởng gườm gườm nhìn anh. Một tiếng rốc két đanh gọn chát chúa. Tiếng rít sởn óc của bốn chiếc F105 vừa quay trở lại. Khói bốc ngùn ngụt phía cánh rừng chị Nụ đang đi.

Hoàng quay lưng bỏ chạy, lập tức bị Xê Trưởng túm cổ áo giữ lại. Đi mô? Vào nhận quân trang! Hoàng lủi thủi đi theo Xê Trưởng, ruột gan bỗng như sôi. Xê Trưởng không cần biết Hoàng đang nghĩ gì, ông ném cho anh đống quân trang mới. Từ nay cậu làm liên lạc cho tôi, ăn ngủ với tôi luôn, rõ chưa?

Sau này Hoàng mới biết liên lạc là nói cho oách, thực ra là làm Osin cho Xê Trưởng, ấy là theo cách nói thời nay, lính tráng vẫn gọi là công vụ. Xê Trưởng không hề có tiêu chuẩn vương giả này, cũng như các đại đội trưởng khác ông mặc nhiên chiếm dụng lính liên lạc, biến Hoàng thành một tạp vụ kiểu Osin.

Ngày thứ nhất không phải làm gì, ngồi nghe Xê Trưởng nhắc nhở quân lệnh cũng đủ oải người. Khuya lắm Xê Trưởng mới cho mắc màn đi ngủ. Hoàng nằm yên nghe Xê Trưởng rít thuốc lào và đọc báo. Xê Trưởng đánh vần rất khó nhọc đã thế lại đọc cực to, cứ như chữ nghĩa mắc họng cố khạc ra cho bằng được. Cứ năm bảy chữ ông lại ngừng đọc, rít một điếu thuốc lào. Đọc mãi vẫn chưa xong tin thắng trận không đầy hai trăm chữ. Ở đâu ra những người lính như thế này trong quân chủng rặt những tay có chữ? Chịu.

Xê Trưởng nằm dài ra giường. Ông ngáp, tiếng ngáp ớ ợ ơ nghe gớm chết. À!… Xê Trưởng ngoảnh mặt sang Hoàng. Cái cô lúc trưa đưa cậu đến đây tên chi? Dạ… Nụ. Chết rồi! Hoàng giật bắn, lập cập chạy đến giường Xê Trưởng. Sao ạ? Rốc két bắn thủng bụng, chết ngay tắp lự! Gớm, ruột phơi đầy suối ăn của tiểu đoàn. Xê Trưởng ngáp dài. Thôi ngủ đi. Mai tôi giới thiệu cậu với anh em.

Hoàng rơi xuống giường, nằm trơ cho đến sáng, lồng ngực rỗng không, rỗng đến nghẹt thở. Anh không khóc, không hề nhỏ được một giọt nước mắt nào.

*

Anh buồn cười, đi lúc nào không báo cho người ta một tiếng? Ly Ly dằn mình xuống cạnh Hoàng, cô muốn xổ ra một tràng cho hả giận. Anh say. Hoàng mở mắt lờ đờ. Say thì không thể có mấy lời cáo lỗi à? Ly Ly gắng ngậm miệng cố tránh một cuộc cãi cọ vô ích.

Hoàng ngồi dậy vớ chai nước suối tu một hơi sạch chai. Em không biết đó thôi. Trong cuộc rượu, nếu say thì trốn về, ngu mà cáo lỗi xin về. Chẳng những không ai cho về mà còn bị người ta ép uống thêm cho đến chết. Nhưng đây là chốn lạ, đâu phải bạn bè của anh? Ly Ly vẫn ngứa mồm muốn cãi. Người ta bỏ ra một đống tiền mời mình thì mình cũng phải thế nào, ai lại thế! Chà, tiền của chúng nó đâu… Hoàng lầu bầu.

Ly Ly không biết đối đáp thế nào mỗi khi Hoàng giở võ cùn. Anh chàng được chiều chuộng từ tấm bé, vừa lớn đã thành danh, từ nhà ra ngõ từ ngõ ra đời đâu đâu cũng được nâng niu chiều chuộng. Nhiều quá hóa nhàm, Hoàng mất dần niềm vui mà lắm kẻ chỉ mong có được một lần trong đời. Anh thấy đó là thứ tình cảm không cần thiết, có nó chẳng vui sướng tự hào gì, lắm khi chỉ tổ phiền toái. Hoàng thích sống cho anh, cho chỉ mỗi mình anh thôi. Hình như anh đang âm thầm cắt đứt mọi ràng buộc với người đương thời, lẳng lặng chui vào quá vãng. Có phải thế không nhỉ?

Mọi người tìm anh đến chết, gọi điện khắp nơi. Ly Ly đã hết nhăn nhó, cô thấy nhẹ nhàng hơn. Em về nhà khách, không có. Đoán thế nào anh cũng ra đây nhưng em không nói với ai hết. Nói ra sợ người ta biết chỗ bí mật của tụi mình. Ly Ly nằm xuống bên Hoàng mân mê vành tai anh rủ rỉ.

Vớ vẩn. Tìm làm gì, anh đâu còn con nít. Với lại xứ này là chốn của anh… Ngốc lắm! Ly Ly kéo tai Hoàng. Người ta đâu cần tìm anh. Anh có chết đi thì cũng thây kệ. Người ta đang chứng tỏ với em. Thấy họ lăng xăng chạy đi chạy lại em mót cười đến chết. Khiếp quá, đang vui vẻ bỗng mất tích một nguyên khí quốc gia… Nguyên khí cái con… Ly Ly chộp lấy vật mà Hoàng chực văng ra. Anh không được nói thế mà nó tự ái! Hoàng cười khục khục.

Chưa khi nào em ghét anh được mười phút. Tức thế! Ly Ly phát mông Hoàng mấy phát. Cô ngồi dậy, vén tóc. Thôi, không đùa nữa. Em bảo này, vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Ngày mai anh gặp tay Chủ Tịch Huyện làm cái Interview. Phải nịnh nó một chút kiếm thêm ít tiền. Xem chừng ở đây hơi lâu đấy. Vụ này chúng nó ém kĩ lắm. Sao em không phỏng vấn? Tên anh to bằng cái nia, phỏng vấn chúng mới thích. Còn em làm gì? Em đi chơi động Gió, tay Phó Chủ Tịch Văn Xã hẹn em rồi. Hắn chỉ hẹn mình em thôi. Tất nhiên em cũng muốn cho anh ra rìa.

Cái mũi hếch vênh vênh đắc chí. Hoàng cười tủm, rút thuốc châm lửa hút. Anh biết mọi việc đã được Ly Ly khéo léo sắp đặt. Dù ham vui đến đâu cô cũng không quên mục đích họ về đây.

Có vẻ như tay Phó Chủ Tịch Văn Xã là nguồn gốc của việc khai man hai ngàn mộ liệt sĩ để rút tiền nhà nước. Mỗi mộ bảy triệu rưỡi bao gồm các khoản từ tìm kiếm hài cốt đến xây cất. Một ngàn mộ là bảy tỉ rưỡi, hai ngàn mộ là mười lăm tỉ. Tiên sư mấy thằng nhà quê chưa thành thục bốn phép tính lại tính nhẩm rất nhanh tiền triệu tiền tỉ.

Phó Chủ Tịch Văn Xã cũng có mặt trong cuộc nhậu. Cái mặt hóp dài, đôi kính cận bốn diop, mái tóc lưa thưa trước trán rậm rì ở gáy gây cho người ta cảm tưởng đây là tay trí thức khắc khổ, lên chức lên quyền cũng nhờ khắc khổ và có tri thức. Hắn không quá vồ vập cũng không quá rụt rè trước một đại danh là Hoàng và “tên sát nhân lương thiện” là Ly Ly. Là kẻ kiệm lời nhất trong đám nhậu, với cái nhìn ngơ ngác của anh cận thị và nụ cười khiêm nhường của người có học, hắn dễ gây ấn tượng với đàn bà, nhất là loại đàn bà ngổ ngáo như Ly Ly.

Cả nhà tôi đều đọc sách anh. Phó Chủ Tịch Văn Xã nhỏ nhẹ nói với Hoàng. À thế ạ? Hoàng lịch sự đáp lại. Anh không còn rung động trước những thông tin đại loại như vậy. Phó Chủ Tịch Văn Xã đoán được thái độ của Hoàng, hắn vừa rót bia vừa chiết ra một thứ giọng cực chân thành. Anh có biết vợ tôi nói thế nào không? Vợ tôi nói ông Hoàng rồi khốn nạn cả đời. Đàn ông mà đa đoan chẳng thấy ai hạnh phúc cả. Hắn rủ rỉ nói, kính cận bốn diop che được đôi mắt rắn khô lạnh, chúng ánh lên vẻ thật thà chân chất.

Hoàng lập tức chú ý ngay nhận xét đáo để kia. Hắn làm như không để ý đến Hoàng, vẫn rủ rỉ nói. Tôi bảo nhà văn mà đơn đoan đâu gọi là nhà văn. Ừ thì anh cũng viết ra văn đấy, nhưng cái thứ văn chương đơn đoan hỏi sống được mấy hồi? Hắn ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Hoàng như muốn hỏi: “Tôi nói vậy có đúng không?”

Lời khen ngợi rất độc, đánh đổ sự thờ ơ của Hoàng. Anh không còn xem thường người nói chuyện với mình nữa. Rõ ràng đây là loại độc giả cao thủ mà bất kì nhà văn nào cũng muốn lắng nghe họ. Cái cách lấy lòng rất chuyên nghiệp không ngờ ở nơi xó xỉnh quê mùa này cũng có người biết.

Rõ là loại đàn ông cáo già. Loại này thường quyến rũ đàn bà sắc sảo thông minh như Ly Ly dễ như trở bàn tay. Trước mắt đàn bà không lúc nào cố gồng mình lên, ngược lại, họ làm như đang cố thu mình lại, rủ rê mời gọi đàn bà con gái bằng vẻ khiêm nhường ẩn chứa nhiều bí mật thú vị. Họ thường khép mình chăm chú lắng nghe hết thảy, thỉnh thoảng thả ra vài nhận xét vu vơ nhưng chứa đựng cả một bể học và sự từng trải. Lại ngồi im chăm chú lắng nghe, chỉ hơi khẽ gật đầu trước những nhận xét sắc sảo và mỉm cười độ lượng với những ý kiến ngô nghê. Sự lặng lẽ chết người đánh bạt tất thảy thứ đàn ông lắm mồm to xác.

Ngày mai hắn đưa Ly Ly đi động Gió. Hoàng thấy lo lo. 

Sao thở dài? Ghen hả? Ly Ly búng mũi Hoàng hai búng. Quỉ cái! Chẳng có gì không đọc được. Thứ đàn bà quá thông minh luôn đi guốc trong bụng đàn ông thường vẫn bị chết đứ đừ trước những gã đàn ông rủ rỉ rù rì như Phó Chủ Tịch Văn Xã.

Ừ, ghen. Khéo không chỉ một ngày động Gió anh chẳng còn em nữa… Hoàng thật thà thú nhận. Ly Ly cảm động. Cô vuốt vuốt ngực anh. Bao nhiêu năm yêu anh, giờ mới được hưởng một chút ghen tuông của anh. Vinh dự tự hào quá đi mất!

Hoàng kéo mặt Ly Ly, khẽ hôn lên trán. Chỉ chờ có thế, Ly Ly riết anh trong chiếc hôn dài ngậm hơi nghẹt thở. Em không mệt à? Hoàng lùa tay vào mớ tóc dày của Ly Ly. Sao hỏi thế? Định trốn tránh quyền lợi của người ta à? Ly Ly rướn lên sấp mặt lên cổ Hoàng, tóc xõa ra trùm kín mặt anh.

Mùi hoa bưởi thơm nồng. Chỉ có hoa bưởi làng Thuần huyện Tuy mới có mùi như thế. Hoàng chẳng biết đâu, nghe Thùy Linh nói vậy. Thùy Linh nói gì nhỉ? Ly Ly giơ nắm đấm dứ dứ trước mặt Hoàng. Anh có nói gì đâu? Xời, có nói gì đâu… ghét anh lắm. Tiếng dỗi hờn rưng rưng.

Ừ, có nói gì đâu, chỉ có mùi hoa bưởi làng Thuần. Thơm thật thơm, thơm như mùi con gái mười sáu… Mùi hoa bưởi đã đột ngột đóng cửa mọi giác quan, kéo Hoàng vào giấc ngủ sâu.

Dòng sông chảy lênh loang, lấp lánh màu lá mạ. Tiếng chim “Đi… soạn cho hết” cất lên một lần rồi chết hẳn. Chập chờn xanh đỏ. Những vạch quang phổ bảy màu lần lượt trượt qua và biến mất tăm. Tiếng đàn cò rên rỉ ở đâu đó xa lắm. Nghe như tiếng trẻ con khóc. Những cột khói nở bung, túa ra hai màu vàng tím, cuồn cuộn bốc lên trời. Mặt chị Nụ và mặt Lý xếp chồng lên nhau, nửa này ửng hồng, nửa kia tái nhợt. Nghe như tiếng ai hát một câu gì đã biết từ lâu lắm nhưng nhớ mãi vẫn không ra. Tiếng ô tô lao xuống vực. Vệt đèn pha chói sáng, xói sâu vào hốc mắt. Kia kìa, ô tô đang lao tới Thùy Linh. Kìa, nhanh lên… Cứu!…

Hoàng hét ngược.

Sáng rồi. Nắng vàng rực tràn trề bãi sông. 

Ly Ly đã đi động Gió, để lại trên mình Hoàng một vệt mực bút bi kéo loằng ngoằng từ ức tới rốn: “Tiền em để dưới góc trái tảng đá. Ăn những gì anh thích, làm những gì em dặn. Em đi hú hí với bọn gian thần đây! Ai bảo tối qua ngủ khì không chịu cho em? – I hate you!

 

N.Q.L.

Comments are closed.