Tình cát (kỳ 2)

 Nguyễn Quang Lập

5

Ngày thứ ba, một ngày dài hơn thế kỉ.

Xin thề kiếp sau không làm báo. Có làm báo cũng không dây với bọn sâu bọ. Không dây với bọn sâu bọ thì làm báo làm gì… ô hay?

Con Thà Nhà đài gọi điện cho mình, nói đàn bà muốn kiếm được nhiều tiền mà không phải làm đĩ thì làm gì nhỉ? Mình nói bừa: Làm báo. Nó cười vang, nói làm báo cũng là làm đĩ mày ơi! Ừ nhỉ!

Đôi khi mình thấy tởm mình quá…

Note: Có khi Hoàng chết non. Bệnh nặng quá rồi.

*

Hoàng vươn vai vặn lưng, anh lững thững lội xuống sông.

Dòng sông ban mai xanh ngắt, lăn tăn những sợi sóng bạc, lóng lánh nắng. Hoàng lội ào ra. Nước ngập đến đâu mát lịm đến đó. Anh lặn sâu xuống đáy sông. Lớp cát mịn màu vàng sẫm lẫn những viên cuội nhỏ trắng muốt. Những chú cá bé tí đang ngút ngoắt đuôi quanh những cụm rêu. Một hai con cua già nửa bò nửa bơi lệt bệt. Đám ốc xoắn trắng bợt nằm lúc lắc nhả bọt. Vùn vụt đám cá chuồn phóng đại lên mặt sông. Đám cá đuối cắn đuôi nhau thung thăng như đám rước của con trẻ.

 Thế giới bé con của Hoàng hiện ra trước mắt, rất gần, gần đến nỗi chỉ cần với tay là chạm phải. Hoàng ráng đuổi theo đám cá đuối. Chúng cứ bơi lượn lờ thế mà đuổi mãi không kịp. Hoàng ngạt thở ngoi lên, anh lật ngửa thả nổi trên nước. Chỉ cần khẽ vẫy hai tay anh có thể nằm yên trên mặt sông hàng giờ liền.

 Hoàng đã nằm như thế này đợi Thùy Linh. “Chờ đợi mãi cuối cùng em cũng đến”. Từ trong đám cây bần men bờ sông, Thùy Linh bước ra, trắng muốt và lấp lánh. Cô tung tăng lội ra sông, hướng về phía Hoàng và lật mình chao nghiêng, như mảnh trăng non chao nghiêng xuống dòng sông những hoàng hôn đứng gió…

Đố bắt được đấy! Thùy Linh bơi một quãng xa, lật nghiêng người về phía Hoàng vẫy vẫy. Thật không? Thật đấy! Rồi nhé!… Hoàng nhún mình lao thẳng phía Thùy Linh. Bằng lối bơi ếch nhuần nhuyễn, chỉ một nhoáng anh đã đuổi kịp Thùy Linh. Hoàng cầm lấy chân trái Thùy Linh kéo lùi. Đừng có hòng nhé! Thùy Linh kêu toáng lên, cô úp mặt đập nước lia lịa. A ha! Bơi như chuồn chuồn đạp nước thế thì… Cứ đuổi kịp xem nào! Rồi nhé!… Hoàng dướn lên vượt trước Thùy Linh, anh đột ngột quay gập ngược trở lại, chồm lên chực ôm ghì lấy Thùy Linh.

Cậu Hoàng về khi mô đó? Người đàn bà giặt chiếu nghiêng người tránh cú vồ của Hoàng, chị tủm tỉm chào anh. Chị biết anh không cố tình sàm sỡ. Vâng, em mới về…Hoàng ngượng ngập chào Chị Giặt Chiếu. Không biết nói gì thêm, anh quay lại bờ sông, lặn một hơi thật dài. Giá lặn mất tăm được thì tốt, thật ngượng quá đi mất. Rõ ràng anh vừa trải qua một cơn mê bất chợt. May mà anh không đè nghiến Chị Giặt Chiếu ra bờ sông, may quá.

Nhớ ai mà hét ầm lên rứa cậu? Hoàng vừa nổi lên đã thấy Chị Giặt Chiếu đang nhìn mình, nụ cười tươi rói. Hoàng ngắm mãi nụ cười tươi rói ấy. Về quê mới thấy những nụ cười tươi rói trên gương mặt già nua của những người đàn bà. Đàn bà quê thường thế. Lam lũ bần hàn đã vắt khô những gương mặt xinh tươi nhưng nụ cười và đôi mắt thì không cưỡng được, vẫn lấp lánh xuân xanh giữa già nua xám xịt.

Nếu Thùy Linh vẫn còn sống ở đâu đó với một ông chồng chân quê và một đàn con líu ríu năm một thì chắc gì cô đã khá hơn Chị Giặt Chiếu. Hay đây là Thùy Linh? Có thể lắm chứ. Bao nhiêu năm rồi còn gì. “Thời gian khổ đau làm biến dạng con người.” Ai đã nói thế nhỉ? À đúng rồi, Hoàng vừa đọc được trong trường ca Ảo ảnh tình yêu của G. Boccaccio, nhà thơ Ý khét tiếng một thời. Phải thế này mới đúng: Thời gian khổ đau đã bóp méo nàng, bóp méo cả tình yêu vĩnh cửu.

Chào cậu. Chị Giặt Chiếu vắt chiếu qua vai, quay lại nhìn Hoàng, nụ cười thân thiện. Chị cúi đầu đi ngược lên đê. Hoàng đứng ngóng theo. Lúc lúc chị ngoái đầu nhìn lại, tuồng như muốn nói một điều gì.

Có khi Thùy Linh cũng nên. Dân Thị Trấn có ai ra sông giặt chiếu bao giờ. Sông nước lợ thì giặt giũ cái gì. Vả, có giặt giũ tắm táp thì người ta ra bến sông, sao lại ra đây?

Thùy Linh! Hoàng kêu to. Anh chạy thục mạng lên đê. Chị Giặt Chiếu dừng lại chờ anh… Hoàng vượt lên trước chị, chắn ngang lối đi. Có phải Thùy Linh không? Hoàng đây. Hoàng đây mà! Chị Giặt Chiếu cúi đầu tủm tỉm cười, mãi sau mới ngước lên, nụ cười vẫn không tắt. Tui tên Nhàn, con ông Mẹt Lân. Hoàng đứng ngây. Cậu không nhớ tui mô. Nhưng tui thì nhớ cậu. Thật không chị? Thiệt. Chị cúi mặt nghiêng người đi qua Hoàng.

Chị Giặt Chiếu đã mất hút trong xóm chợ cuối bờ đê. Đúng rồi, chị Nhàn con ông Mẹt Lân, học trước Hoàng một lớp. Thùy Linh làm gì có ở nơi đây. Cô đã ra đi lúc mười sáu tuổi, cô không đủ can đảm trở về nơi đây dù chỉ một ngày. Hoàng biết chắc như vậy…

*

Ngày Hoàng còn làm liên lạc cho Xê Trưởng ở Tây Trường Sơn, cơm chiều xong Xê Trưởng đủng đỉnh đến chỗ Hoàng, đứng xỉa răng không nói gì. Hoàng thấy hơi lạ. Mi có em mô dấm sẵn ở nhà không? Hoàng muốn nói không, nhìn mặt Xê Trưởng anh linh cảm mình sắp được thưởng công. Dạ có! Hoàng ngước mắt chờ đợi. Sang hậu cần lĩnh hai yến gạo, bán đi rồi về quê. Bốn ngày đó nghe, liệu hồn cho đúng hạn.

Hoàng sướng run. Anh không ngờ mình được hưởng lộc của Xê Trưởng. Lính binh nhì nhập ngũ chưa đầy năm đã được thủ trưởng thả cho về bốn ngày quả là đại phúc. Sau này Hoàng mới biết đơn vị chuẩn bị chuyển vào núi Giàng, anh cũng chuẩn bị chuyển sang làm trắc thủ hệ tọa độ, khỏi phải làm cần vụ cho Xê Trưởng. Bốn ngày phép bất ngờ là vì vậy.

 Hoàng đi ngay trong đêm. Vác hai yến gạo không kịp bán hùng hục băng rừng vừa đi vừa chạy, ra đến cửa rừng vừa trời sáng.

Một cuốc xe hai yến gạo, thượng sĩ lái xe tải vớ được món hời cười tít mắt, cho Hoàng ngồi hẳn ca-bin. Hoàng ngủ như chết mặc kệ ca-bin nóng như lửa, xốc nẩy như điên. Bốn giờ chiều về đến ngã ba ven Thị Trấn, Hoàng nhảy ra khỏi xe, chạy ù ù về nhà. Dọc đường về Hoàng không hề nhớ ba anh, nghĩ tới cũng không. Còn cách nhà chừng ba cây số, nghĩ đến giây phút được gặp ba, Hoàng bỗng phát cuồng chạy như bị ma đuổi.

Dân Thị Trấn đã sơ tán về trảng cát, bốn dãy nhà hầm nửa chìm nửa nổi trong cát kéo dài tới xóm Mổ. Hoàng lột dép chạy chân không trên cát, vừa chạy vừa hỏi nhà. Không ai tỏ ra mừng rỡ hay ngạc nhiên khi thấy Hoàng về, tựa như Hoàng ra chợ vừa về vậy. Người ta xởi lởi chào anh, vui vẻ chỉ nhà cho anh, tuyệt không ai hỏi Hoàng đi đâu về, vì sao vắng nhà lâu thế. Mọi người đã biết chuyện nhà Hoàng rồi, không ai nỡ chạm vào nỗi buồn của riêng anh.

 Ba Hoàng vẫn ngồi yên bên vách lầm bầm nói những điều tối tăm. Hoàng gọi đến cả chục lần ông mới đờ đẫn ngẩng lên. Cơm rồi à, sớm rứa? Ông không hề biết Hoàng đã xa nhà cả năm trời, cũng không nhận ra bộ quân phục trên người Hoàng. Với ông tất cả vẫn như cũ. Ông vẫn đang ngồi ở văn phòng Bí Thư Huyện Ủy, Hoàng vẫn đang theo học cấp ba, Thị Trấn dưới tay ông cầm trịch vẫn đói no theo từng trang nghị quyết ông vẫn cao giọng đọc trước muôn vàn hội nghị….

Mới một năm tóc đã bạc trắng ông cũng chẳng nhận ra. Cả khay trà đã đen đặc xù mốc trắng bợt nổi lềnh phềnh bốc mùi chuột chết ông cũng không hề biết. Cái cách ông ngồi như ngồi đợi xe trước mỗi lần đi công tác hoặc chờ ai đó đến để hội ý, để ra lệnh, để phê bình mỗi ngày công vụ: điềm tĩnh, thong dong trên ghế nhưng đôi mắt đăm chiêu chứa chan bao nhiêu vấn đề chưa được giải quyết, không cách nào giải quyết được.

Vĩnh viễn trong ông chỉ còn những vấn đề, không một cái gì không một ai tồn tại trong trí nhớ của ông. Bệnh tật trời đày đã ấn ông lút chìm vào quá vãng, một quá vãng không hề có người thân và những quan hệ riêng tư, chỉ còn trơ khấc những vấn đề thời ông còn đương chức.

Hoàng ngồi xuống bên ông, lặng lẽ dúi đầu vào vai ông khóc thầm. Ba ơi ba, ba chết đi có phải sung sướng hơn không?

Nằm dài suốt một ngày, Hoàng gượng đứng dậy, một ngày rưỡi đã trôi qua, phải làm một cái gì nếu không thời gian bốn ngày sẽ đứt. Anh chạy đến nhà Thùy Linh, được nửa đường mới nhớ ra Thùy Linh đã không còn ở đấy, Thị Trấn đã bị bom Mỹ san phẳng. Hỏi mãi mới biết Thùy Linh trú tại quán thịt chó Cu Le hơn một năm rồi, sau ngày bố cô chết trận.

Hoàng quay lại, chạy một hơi hai cây số cát, đứng tựa cửa quán thịt chó thở dốc. Ông Cu Le đã dẹp quán. Quán rỗng không, mùi thịt chó chưa tan, hãy còn trỉn và tanh mùi mồ hôi chó lẫn với mùi dồi chó hấp. Ông Cu Le ngồi ở bậc cửa trông ra. Giống hệt ba Hoàng, hình như ông đang chờ đợi ai, chờ đợi một cái gì.

Về khi mô, con? Dạ mới. Hoàng nhìn kĩ bốn xung quanh, chỉ còn đống bàn ghế nằm chồng lên nhau, không một ai trong đó.

Đi rồi. Bốn ngày rồi… Không thèm ngước lên nhìn Hoàng, cũng chẳng thèm đợi Hoàng hỏi, ông Cu Le biết anh đến đây tìm ai. Thế là Thùy Linh đã đi. Hoàng chôn chân giữa sân cát… Đi mô bác? Ông Cu Le không nói, mở to mắt nhìn ra sân cát lóa nắng, nước mắt sống chảy ròng ròng ông không hề để ý. Nó đi tìm mạ… Không biết đi về mô. Ông Cu Le quệt mắt xỉ mũi, ngửa mặt nhìn Hoàng, đôi mắt già nua héo hắt.

Nắng bỗng rực lên màu vàng rợn, điên đảo quay cuồng trước mắt Hoàng. Anh ráng sức quay lưng, lảo đảo đi như kẻ say nắng, bươn ra phía bờ sông.

Hoàng một mình chơ vơ trên tảng đá Trịnh-Nguyễn phân tranh suốt cả một buổi chiều, đầu óc lởn vởn những câu hỏi tối tăm: Thùy Linh đi đâu? Đi để làm gì? Tại sao lại đi? Y hệt như anh đã hỏi chính anh buổi chiều thê thảm trên đường 15 năm ngoái.

Năm năm sau Hoàng mới biết Thùy Linh đi tìm mẹ ở bến sông Son. Khi cô đến, mẹ cô vừa chết cách đó bốn ngày. Nếu Thùy Linh lùi lại bốn ngày sẽ gặp Hoàng, đi sớm bốn ngày sẽ gặp mẹ cô.

Sao số phận trớ trêu cay nghiệt thế này?

*

Anh thật quá lắm! Ném cái túi nhỏ vào bụng Hoàng, Ly Ly thả mình xuống tảng đá. Hoàng nằm yên hút thuốc. Khiếp, hút là hút! Ly Ly giật điếu thuốc trong tay Hoàng vứt đi. Suốt một ngày anh làm gì mà không lo việc phỏng vấn cho xong? Anh quên. Quên! Quên, tại sao Chủ Tịch Huyện cho người ra gọi, anh không thèm trả lời người ta một tiếng? Ai gọi đâu nhỉ? Mặt Hoàng lơ ngơ như bò đội nón. Có ai gọi anh đâu? Chán anh lắm.  

Biết có nói thêm nữa cũng vô ích, Ly Ly ngán ngẩm đứng dậy, thản nhiên tụt váy lội thẳng ra sông, ngập mình cho chìm dần trong nước.

Mát lạnh đến tận xương. Bao nhiêu mệt nhọc suốt ngày đeo theo Phó Chủ Tịch Văn Xã được nước sông đánh cho tan loãng. Ly Ly lật ngửa, nổi bồng bềnh trên mặt sông. Hoàng hôn rải một màu đỏ ối. Gió hiu hiu thổi. Bầu trời màu tím than, lấp ló những ngôi sao mới mọc. Đẹp quá. Hoàng hôn của Levitan mới gọi là hoàng hôn.

Ly Ly nhắm mắt thở đều tận hưởng chút thư thái trời cho. Suốt ngày leo trèo động Gió mệt bã người. Hết hang này lại hốc kia, gắn xi nụ cười trên môi, kiên nhẫn chìa tay cho Phó Chủ Tịch Văn Xã nắm lấy nhấc lên tụt xuống trên những lối mòn chật hẹp, dốc và trơn, tưởng tất cả các khớp xương đã trật ra ngoài, khô cứng.

Một ngày vô tích sự. Tuyệt không moi được ở hắn ta bất kì một điều gì. Hắn nói liên miên đủ chuyện trên trời dưới biển trừ mỗi chuyện Ly Ly cần biết. Gớm, gầy khô như que củi mà dai sức kinh hồn. Phó Chủ Tịch Văn Xã đi lại trong cái hang bốn tầng lởm chởm đá cứ như đi dạo công viên không có vẻ gì gắng sức, mặt mày tươi tỉnh như không, mồm miệng vẫn dẻo quẹo, mắt rắn thỉnh thoảng loé lên mời mọc.

Kể ra hắn cũng khá, món văn hóa thứ gì cũng biết một chút. Không như một số kẻ văn hóa úp nơm, mới gặp tưởng là ghê gớm lắm, chỉ cần khéo vặt lát sau là sạch vốn. Hắn khác, khá trường vốn. Ở xó xỉnh này biết cặn kẽ Oscar Wild, Marcel Proust là không phải tay vừa. Riêng âm nhạc, hội họa hắn có thể nói suốt ngày. Cái gì cũng vậy ở đâu cũng vậy, kẻ biết thì nhiều kẻ nghiện rất hiếm. Phó Chủ Tịch Văn Xã đúng là con nghiện hội họa, cả âm nhạc nữa, một con nghiện có đẳng cấp. Chả phải thứ nghiện ngập văn hóa tiểu thị dân vẫn đầy khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Thành, ngay trong tòa soạn của Ly Ly cũng có cả một đống.

Thấy Ly Ly có vẻ không còn thở ra hơi, Phó Chủ Tịch Văn Xã đưa cô vào một hốc đá có tảng đá phẳng lỳ y như tảng đá Trịnh-Nguyễn phân tranh. Ly Ly chỉ muốn vứt ngay nụ cười cô đã quyết gắn xi trên môi nằm vật ra đánh một giấc, mặc kệ hắn muốn đi đâu thì đi.

Nói ra thì bảo nịnh đầm chứ Ly Ly giống hệt một nữ họa sĩ mà tôi rất mê. Đang xòe lửa hút thuốc nhìn vu vơ ra ngoài, tự nhiên Phó Chủ Tịch Văn Xã quay lại mắt hấp háy nhìn cô, buông một câu như vô tình buột miệng. Ai anh? Lempicka. A, Hoàng cũng bảo thế. Ly Ly cười thầm. Hóa ra đàn ông thằng nào cũng giống thằng nào. Chỉ một bài, không có bài thứ hai. Để rồi xem, thế nào hắn cũng nhắc đến bức sơn dầu Hoa Ly Ly nổi tiếng của bà ta.

Nhiều người bảo Lempicka hoa hòe hoa sói, hội họa của bà ta là thứ hội họa bình dân. Nhưng tôi rất thích tranh của Lempicka vì tôi cũng chỉ là hạng bình dân. Giọng hắn khá chân thành, không mảy may có mùi nổ. Tranh của bà lúc nào cũng tươi rói, tràn trề nhựa sống. Đặc biệt bức Hoa Ly Ly… Suýt nữa Ly Ly cười phì. Đôi mắt kính bốn diop nhìn Ly Ly như soi, ý chừng muốn hỏi: “Cô đang cười vào mũi tôi phải không?”. Ly Ly ném cho hắn cái nhìn khích lệ: “Không. Em đang nghe anh đấy chứ!”.

Phó Chủ Tịch Văn Xã tránh cái nhìn của Ly Ly, mơ màng nhìn khói thuốc. Ly Ly đã xem bức Hoa Ly Ly chưa? Chắc xem rồi phải không? Thế nào anh Hoàng cũng chẳng giới thiệu cho Ly Ly. Hắn chậm rãi lên tiếng. Vâng. Em xem rồi. Anh Hoàng chẳng bao giờ cho em xem cái gì. Tự em tìm lấy đấy. Người nào biết tên em đều nhắc bức tranh đó, thành ra em tò mò cố tìm xem cho bằng được chứ tranh Lempicka thì em chẳng thích, anh Hoàng cũng thế. Ly Ly thủ thỉ, cố giữ giọng thật ngọt thật mềm.

Phó Chủ Tịch Văn Xã cười bẽn lẽn, làm như ngượng lắm về cái gu sến của mình. Thì đúng rồi. Chỉ loại công dân hạng ruồi như tôi mới mê mấy thứ hoa hòe hoa sói đó thôi. Nhưng dứt khoát anh Hoàng phải thừa nhận Lempicka đẹp tuyệt vời, đúng không? Ly Ly cố nhịn cười. Hắn ra bài hai rồi đây. Vâng. Anh Hoàng cũng bảo bà đó đẹp tuyệt vời và giống em. Anh có nghĩ thế không?

Phó Chủ Tịch Văn Xã ngồi dựa vào vách đá, bẻ bẻ mấy ngón tay, giọng buồn buồn. Đến Chúa trời cũng nghĩ thế nữa là tôi. Nghe thì sến nhưng nhìn mặt hắn thật tội. Mặt của một kẻ thông minh đa cảm trước người đẹp rụng rời không thể cầm lòng, thủ phận biết mình khó lòng kham nổi, lý trí buộc ngồi yên trái tim không giấu được, nó trào ra từ đôi mắt ươn ướt và bờ môi run run. Nếu đây là diễn thì quả là một pha diễn thiên tài.

 Ly Ly chợt thấy mủi lòng, suýt nữa thì tắc lưỡi để yên cho hắn sấn đến. Một không gian lành lạnh, mờ mờ sáng, yên tĩnh vô cùng, dễ dàng dụ dỗ người ta thoát qua những ràng buộc khó chịu của đời thường, tắc lưỡi buông thả đức hạnh đi đến tận cùng dan díu. Huống hồ Ly Ly không là kẻ cứng nhắc, từ trước đến nay chưa bao giờ cô để cho đức hạnh giam cầm. Một nhát tình chốc lát tình cờ nhặt được đôi khi làm nóng lên cuộc sống vốn tẻ nhạt, biết đâu đấy. Chỉ cần Ly Ly ngước lên, dán ánh mắt ướt rượt của mình lên trước mũi hắn là lập tức hắn sẽ sà đến. Không nói, không cần nói bất kì một lời nào hết, hắn đủ khôn ngoan để biết điều đó, một cái chạm khẽ mơ hồ cũng đủ kéo cả hai vào trận tình ngẫu hứng.

“Thôi thì dùng tạm một chút có sao đâu”. Thoáng chờm lên trong Ly Ly ý nghĩ ấy, may thay nó cũng chỉ thoáng chờm lên thôi, ngay lập tức cô đã nhận ra đó là ý nghĩ quái gở. Hắn là ai? Một đối tượng cô và Hoàng đang truy kích. Chính hắn chứ không ai khác đang có trong tay toàn bộ hồ sơ vụ án hai ngàn nấm mộ giả.

Ly Ly cụt hứng. Thốt nhiên cô muốn đá vào mặt hắn một cái, đá thế nào cho vỡ tan cặp kính cận bốn diop kia mới đã. Những thằng đểu có chữ thường đắp điếm bộ mặt giả nhân rất khéo, người thường ít ai nhận ra. Sống gần bọn này rất nguy hiểm, chỉ cần vài giây không cảnh giác chúng sẽ ăn thịt mình như chơi, chí ít cũng lột truồng mình ra trước mắt thiên hạ.

Ly Ly đang nghĩ gì thế? Phó Chủ Tịch Văn Xã rụt rè hỏi, vẻ rụt rè của con đực đang săn mồi Ly Ly chẳng lạ gì. Ly Ly cười, nụ cười của quỉ cái. Em đang nghĩ xem em có giống Lempicka thật không. Giống! Một trăm phần trăm, anh thề đấy! Phó Chủ Tịch Văn Xã hồ hởi nói, khéo léo thay đổi đại từ êm như nhíp, mắt rắn đã lộ sáng nhiều hơn.

Không anh ạ. Ly Ly lắc đầu, cố tạo ra vẻ đượm buồn quyến rũ. Phó Chủ Tịch Văn Xã háo hức chờ đợi. Em có hai điều khác biệt với Lempicka. Một là em chỉ đứng ngang rốn bà ta, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hai là bà ta quá nuông chiều bọn đực giả nhân trong giới thượng lưu. Từ Paris đến Los Angeles không nơi nào bà ta không cho chúng bú mớm. Em thì ngược lại, đối với bọn đó có cơ hội là em ỉa vào mặt chúng.

Mặt Phó Chủ Tịch Văn Xã đổi màu, cái nhìn trộm rất nhanh. Ly Ly rất bản lĩnh, thiên hạ đồn đại quả không sai. Cái cười tái nhợt, hắn gắng kéo căng bờ môi xám ngoét cho ra dáng một nụ cười dàn hòa. Tội nghiệp chưa kìa!…

Ly Ly khẽ rùng mình. Để nhổ vào mặt gã đàn ông trước đó Ly Ly còn muốn ngủ với hắn, trong tích tắc, thay vì ca ngợi phẩm hạnh của Lempicka, cô lại phun ra những đơm đặt độc địa với người đàn bà tuyệt vời này. Đó là điều ghê tởm thuở bé đến giờ Ly Ly chưa bao giờ dám làm. Ôi Lempicka, ngàn lần xin lỗi bà!…

*

Ly Ly lật sấp, úp mặt nhẹ nhàng lùa tay khoát nước, từ từ trôi về phía Hoàng. Bây giờ cần rũ hết đi, rũ cho sạch một ngày vô nghĩa rồi dành cho Hoàng một chút gì sau một ngày xa….

Một ngày xa, Ly Ly tưởng tượng bộ mặt Hoàng khi gặp cô sẽ thế nào. Hoặc làm ra vẻ mừng rỡ, coi như không có chuyện gì xảy ra giữa một con quỉ cái và một thằng cáo già trong hang động mát mẻ vắng vẻ rộng thênh thang. Hoàng sẽ hỏi đôi câu chiếu lệ rồi ghì chặt cô, thúc cho tan nát những hậm hực ghen tuông mỗi lúc lại đầy lên suốt cả một ngày. Hoặc Hoàng phản ứng tức thì, trương mắt ếch nhìn cô, lầm lì không nói. Nếu nói thì sẽ văng tục không cần giữ ý: “Đù mẹ cô làm gì với nó mà lâu thế, giờ mới vác mặt về!” Cả hai dự đoán đều trật lất.

Ly Ly không ngờ thấy Hoàng ngủ li bì trên tảng đá đang khi nắng hãy còn rực lên. Nghe nói anh đã ngủ giữa nắng trời từ ba giờ chiều.

Anh Hoàng lạ lắm. Ly Ly vừa về đến Ủy ban huyện, Chủ Tịch Huyện nói ngay. Quá hai giờ không thấy anh đến, tôi cho người đi tìm thì thấy anh đứng trên bờ đê. Đứng từ sáng sớm, ai gọi không trả lời, cứ như người chết giấc, khẽ đụng là đổ liền. Đổ xuống cũng không tỉnh, anh bò một mạch đến tảng đá, ngủ lì ở đấy, gọi mấy cũng không nghe. Tôi phải bảo anh em dựng tấm phên che nắng.

Ly Ly đờ ra, cô không nuốt trôi ngụm nước. Răng Ly Ly không để anh Hoàng đi theo cho vui? Chủ Tịch Huyện hỏi nhỏ, nheo mắt ngụ ý. Ly Ly ráng giữ bộ mặt thật tươi, từ tốn uống hết ca nước. Mặc kệ anh ấy. Rồi em hỏi tội anh ấy tại sao không chịu làm phỏng vấn, để anh phải chờ đợi mất thì giờ. Thôi thôi… Chủ Tịch Huyện cười xuề xòa, tiễn cô ra cổng.

Khuất mắt Chủ Tịch Huyện, Ly Ly ba chân bốn cẳng chạy ra bờ sông. Cô dựng ngược Hoàng dậy, hét vào tai anh. Mặc kệ, Hoàng đổ xuống như một xác chết, tiếp tục giấc ngủ mê mệt nửa mê nửa tỉnh. Cái kiểu ngủ chỉ có Hoàng là một: ai nói gì cũng nghe, đôi khi còn lầu bầu đáp lại, nhưng mắt nhắm nghiền, không tài nào mở ra được, khi tỉnh dậy nếu hỏi sẽ chẳng nhớ gì cả.

Đấy có phải là bệnh không? Ly Ly hỏi một bạn trai cùng lớp thời phổ thông, nay là bác sĩ khoa thần kinh, cái sự mê đi lạ lùng của Hoàng là thế nào. Anh ta sốt sắng tìm gặp Hoàng ngay. Sau cuộc gặp gỡ chớp nhoáng, anh bạn xoa đầu Ly Ly. Mê mày đó. Lão tỉnh như sáo, mê man cái gì.

Không đúng. Những cơn mê của Hoàng mỗi ngày mỗi dày lên và dài ra, nó chứng tỏ rõ ràng một căn bệnh đang tiềm ẩn chứ không là cái tật của những kẻ có tài. Lúc đầu một ngày chỉ diễn ra đôi lần, mỗi lần vài phút, hệt tật đãng trí của mấy ông văn nghệ sĩ Ly Ly từng quen biết. Họ trương mắt chăm chú nghe cô nói, thỉnh thoảng gật gật ừ ừ, kì thực họ đang nghĩ một chuyện gì đó thật xa xôi, hoàn toàn không liên quan đến điều cô đang nói. Hoàng cũng vậy, chỉ có điều anh hầu như mất hẳn ý thức, khi sực tỉnh anh không tài nào biết được mình đã có một khoảng thời gian như vậy, ai nói thế nào cũng chẳng tin. Anh gạt phắt đi, thậm chí còn nổi cáu nếu cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó.

Hoàng cho đó là lối đùa cợt vô duyên, kì thực anh không có, không hề có. Anh vẫn thở, vẫn ăn, vẫn nghĩ rành mạch như mọi người, có sao đâu. Bạn bè anh những ai có máy nhắn tin (phone link) nhận được tin nhắn khủng bố của anh, hết thảy đều ngẩn ra. Hầu hết những tin nhắn đều dọa bắn, dọa giết, chí ít cũng là những câu chửi thề cực kì tục tĩu. Nói thì anh cười: “Chúng mày chỉ bịa!” Có người chìa tin nhắn còn lưu cho Hoàng xem, anh cũng vẫn không tin. Đơn giản Hoàng là người rất yêu bạn bè, không bao giờ anh nghĩ xấu về họ, thế thì làm gì có chuyện đó! Lập luận cù nhầy nhưng khó ai cãi được.

Bạn bè Hoàng đều nghĩ rượu đã làm ra những chuyện đó chứ chẳng phải bệnh tật gì. Họ vẫn chơi với anh như không có chuyện gì xảy ra. Ly Ly không nghĩ vậy. Rượu không là thủ phạm, nếu có thì chỉ góp vào thôi. Có cái gì thực sự bất ổn trong tâm tính của Hoàng đã lôi kéo Hoàng vào những cơn vắng ý thức đáng sợ. Nó xẻ đôi Hoàng thành hai nửa, một nửa Hoàng ngày hôm nay, một nửa Hoàng ngày hôm qua, khốn thay cả hai nửa tuồng như chẳng liên quan gì đến nhau, thậm chí đối chọi nhau như nước với lửa vậy.

Hoàng đang nằm ngắm sao trời. Anh hút thuốc liên tục, hết điếu này sang điếu khác, không một lần để ý đến Ly Ly. Xem ra việc cô đi vắng một ngày không làm Hoàng có một giây xao động. Ly Ly thấy tủi thân, cô tiếc cho cơ hội một giờ trong hốc đá cùng lão Phó Chủ Tịch Văn Xã.

Đã lội tới gần tảng đá Trịnh-Nguyễn phân tranh Ly Ly quay ngoắt trở lại, cô thả lỏng chìm dần xuống đáy sông. Có cái gì mằn mặn ở đầu môi. Mình khóc à? Ô hay, sao lại khóc, có gì đâu mà khóc. Hoàng vẫn thế, muôn năm vẫn thế thôi. Được hay mất Hoàng có gì quan trọng đâu, tại sao phải khóc?

*

Ly Ly ào ào lội lên bờ, cô nhận ra bóng của mình đang kéo dài tới rặng bần. Bóng trăng. Trăng lên từ lúc nào nhỉ? Mới đó đã tối ngày, rõ chán.

Tấp vội váy xống lên người, Ly Ly uể oải đi về phía Hoàng, nằm dài ra cạnh anh. Hoàng quay người gác chân lên Ly Ly, búng mũi cô một búng rõ đau. Một ngày động Gió đã đời chưa? Quá đã! Ly Ly cong cớn. Bọn males mỗi thằng mỗi khác, chẳng đứa nào giống đứa nào! Cô nói gì thế, hả! Hoàng bóp nhẹ cổ Ly Ly, ra vẻ đang siết lại. Cô không thấy tôi một mình như chó đói ở đây hay sao? Ly Ly dẩu môi cười. Đại văn hào thiếu quái gì gái chạy theo, ghen tuông làm gì cho mệt nhỉ! Hoàng hơi sững lại. Tôi mà có con nào… tôi bỏ cô từ tám hoánh!

Hình như Hoàng nói thật, dưới ánh trăng vẫn thấy mặt Hoàng thoáng xụm xuống, tái đi. Thôi không đùa nữa, Ly Ly kéo mặt Hoàng xuống hôn đánh chụt. Nói thế thôi, đi với thằng mặt giặc chán ngấy. Thèm anh muốn chết! Thế à? Vâng. Thế… nhớ anh thật à? Cái giọng mơn trớn của Hoàng nghe quê không chịu được.

Ly Ly vuốt nhẹ tóc Hoàng. Mái tóc rễ tre ấm mềm trong tay cô. Hoàng hôn chờm lên mắt Ly Ly, trượt dần xuống ngực cô, ngâm mặt tại đó yên lặng tận hưởng vị ngọt thanh vẫn dậy lên khi hai bầu ngực phồng căng. Anh hôn từ gót hôn lên trán/ hôn đến lưng chừng đã sáng mai. Hoàng ư ử ngâm nga. Ly Ly luồn hai bàn tay mát lạnh lên lưng anh. Hoàng chợt co lại, mát lạnh đang chạy dọc sống lưng.

Mùi lá bưởi rừng thoang thoảng đâu đây, cả mùi lá sả nữa. Mùi lá sả của ai nhỉ? À, của chị Nụ. Ngực chị đang phồng lên, tiếng hức hức ngọt lịm rưng rưng kéo Hoàng rơi nhanh vào mê đắm.    

Em ơi… thế này có phải không? Hoàng ngẩng phắt lên, tiếng chị Nụ nghe rất gần. Đâu có, vẫn Ly Ly đấy thôi. Đúng rồi, vẫn Ly Ly, cô đang rướn lên, túm lấy tóc Hoàng dốc ngược. Hoàng vụt dậy, xốc ngược Ly Ly, bế cô chạy ào ào ra bờ sông, ném mạnh xuống sông. Ly Ly ré lên, vùng dậy ôm chân Hoàng, kéo trượt anh ngã ngửa. Cô chồm lên Hoàng, nghiêng ngửa quần anh trong cơn khát hừng hực. Từng đợt sóng trào qua hai người, ánh lân tinh bắn vương vãi. Hoàng lún dần xuống cát mềm, lún xuống mãi.

Bất chợt Hoàng bật cong người, bế xốc hông Ly Ly, đi thẳng vào lòng sông, vừa đi vừa ra sức thúc ngược, bất chấp nước sông dần nuốt chửng cả hai người. Ly Ly cặp chặt hông Hoàng giật nảy và rú ngược, tiếng rú mê man cháy một khúc sông.

Hoàng rơi vào cơn mê, anh không biết mình đang ngập vào ai nữa, Lý, Ly Ly, chị Nụ hay Thùy Linh? Không biết, không nhớ… Không biết! Không nhớ! Không biết! Không nhớ! Không biết! Không nhớ!… Nay-ày!

Ối trời ơi! 

Hoàng kêu to, phụt mạnh và ngã sấp mặt xuống sông, nằm cứng đơ. Sao thế này… Hoàng ơi! Ly Ly sợ hãi lay Hoàng, lay mãi anh vẫn nằm cứng đơ. Cô đứng chơ vơ giữa bốn bề vắng ngắt. Trăng biến đâu mất tăm, dòng sông bỗng đen như mực, đặc quánh. Sắp mưa.

Ly Ly cầm cổ chân Hoàng ra sức kéo vào bờ. Hoàng giống con cá sấu chết bê bết phù sa, mềm nhũn trên tảng đá Trịnh-Nguyễn phân tranh.

*

Mưa!

Hoàng ơi, mưa! Ly Ly đập lưng Hoàng. Anh chống tay cố ngồi dậy, ngửa mặt hứng mưa. Cơn mưa đầu hạ xối xả đến ngợp thở. Tiếng mưa đập xuống mặt sông nghe như ngàn vạn bước chân con trẻ chạy tơi bời trên cát. Trời đêm tràn ngập nước, chỉ thấy nước đổ rát mặt, không còn thấy gì nữa.

Ly Ly xốc nách Hoàng đứng lên. Cô vừa đẩy vừa kéo anh lên khỏi bờ đê, lê lết đi về phía nhà khách Ủy ban huyện trong đêm đen đầy nước. Đẩy được cánh cửa phòng khách bước vào, Ly Ly kiệt sức đổ xuống sàn nhà, kéo Hoàng đổ xuống theo. Họ nằm im như chết. Căn phòng trống vắng lạnh lẽo. Ly Ly muốn mở toang cửa chạy ra ngoài trời hét thật to: “Trời ơi, sao tôi khổ thế này!” May thay cô đã không hét lên.

Mày không làm thì ai làm, khốn nạn! Ly Ly lầm bầm. Cô gượng dậy, mắm môi kéo tuột hết áo quần Hoàng, tỉ mẩn lau khô cho anh, ủ anh trong tấm chăn chiên hôi rình mùi mồ hôi dầu. Xong việc Ly Ly mới thấy lạnh. Cô ôm áo quần chui vào buồng tắm. Vặn vòi nước hoa sen, nước không còn một giọt. Ly Ly từ từ tụt xuống nền nhà tắm tấm tức khóc.

Nước mắt rấm rứt chảy thầm không nguyên cớ. Chẳng hiểu vì sao chỉ vì cái vòi không nước Ly Ly có thể ngồi khóc ròng, không cách gì cầm được nước mắt. Số phận là cái quái gì nhỉ, mẹ sư bố nó. Ối giời ơi thèm văng tục quá.

Một ánh chớp xanh lè lọt qua cửa sổ tiếp liền là tiếng nổ điếc tai, dựng ngược Ly Ly. Cô đứng dựa tường kinh hãi. Lát sau cô từ từ tụt xuống ngồi bệt trên nền xi măng đen sì hôi hám.

Một ánh chớp tiếp liền một tiếng nổ. Ly Ly vẫn ngồi yên. Kệ mẹ nó, chết thì chết éo gì!

Nửa giờ sau mưa dứt, Ly Ly cũng ngừng khóc. Cô đi vào, ngồi bó gối nhìn Hoàng bây giờ như một con bò chết trong tấm chăn hôi rình.

 Quái lạ? Mình khóc vì lão ta ư, vô lý!

 

N.Q.L.

Comments are closed.