Tĩnh vật

Trần Doãn Nho

Về thăm nhà lần này, tôi thấy chúng.

Nhiều: tảng đá nằm chông chênh một bên cổng vào, gốc cây nhãn bị cưa tận gốc hàng chục năm vẫn còn nằm đó, đống mảnh chai vụn nát chồng chất ở sau chái nhà, đường nước chảy từ mái nhà lâu ngày thành con rãnh nhỏ dài, khoảng tường đổ lâu ngày dây leo bám chặt ở góc vườn, mấy tấm ngói vỡ… Ngay dưới góc tường nhà bên ngoài là những thứ lỉnh kỉnh. Chậu cũ. Xô bể. Ghế xếp. Bì ny lông. Chổi. Và rác, cỏ, đất… Nhất định là chúng hoàn toàn bị lãng quên. Nhưng nhất định là chúng vẫn ở đó, lì lợm ở đó. Từ lâu lắm. Đó là một khoảng không gian bé mọn, buồn nản, bừa bộn, bẩn. Không gian của những lăn lóc vô hồn, vô cảm và trơ trẻn. Đôi khi, khiêu khích. Chúng vô ích. Rất vô ích. Và hoàn toàn vô dụng.

Điểm đặc biệt nhất của chúng là chúng không có gì đặc biệt cả. Ngày đêm mưa nắng sáng tối, người trong nhà vẫn đi qua đi lại, có lúc giẫm lên, có lúc chạm vào, có lúc vấp phải. Chúng dịch chuyển đôi chút và vẫn cứ thế. Chúng nằm đó, yên tĩnh và bình tĩnh, trang hoàng cho một thế giới bị bỏ mặc, bị ruồng rẫy. Chúng mất hẳn tương lai. Chúng có mặt đó, nhưng y như thể đã là quá khứ. Có mặt nhưng không hề hiện hữu. Người ta nhìn chúng hàng ngày, nhưng không thấy gì cả. Chúng không có số phận. Chúng vô nghĩa.

image

Cách đó không xa, ở một góc khuất khác là mấy cái thẩu, dao, kéo, chai nước, cái rá nhỏ, lon nước ngọt… Chúng đến với nhau một cách tình cờ, vô duyên cớ. Chúng nằm im. Rất im. Nhẫn nhịn. Chịu đựng. Vẻ chịu đựng của những số phận bị phụ bạc.

image

Chúng rất đầy quá khứ. Những ai đã ngồi. Những ai đã cầm. Những ai đã nâng niu. Những ai đã quét. Những ai đã cắt. Những ai đã mở. Ai? Ông bà cô dì chú bác cháu chắc khách khứa bạn bè… những ai và những ai… có nguời đã nằm xuống có người đã đi xa có người trụ lại có người vừa lớn lên… Vật đã từng hơi hướm người. Để rồi bị lặng lẽ bỏ rơi. Và bây giờ rất yên, rất tĩnh. Hoàn toàn tĩnh vật! Tôi không khỏi nghĩ đến những bức tranh tĩnh vật. Khác với những sự vật hèn mọn trên, trong tranh, các tĩnh vật nằm cạnh nhau một cách chủ định. Chúng có số phận. Chúng được nâng niu. Chúng nghệ thuật. Chúng có ngôn ngữ. Chúng biết cách tự diễn đạt mình. Chúng có ý nghĩa. Chúng có hồn. Chúng sống. Và chúng nổi danh. Chao ôi, hãy nhìn xem. Những vật – cũng bé mọn, tầm thường – này sao mà ấm cúng, thân thiện và sang cả, trưởng giả đến thế! Kể cả những cái bóng của chúng đổ trên mặt bàn. Chúng được cưng dưỡng.

image(Tĩnh vật Pieter Claesz)

Tĩnh vật dưới này mộc mạc hơn, gần gũi hơn, hiền hậu hơn, bình dân hơn. Có lẽ chúng nằm dưới đất. Dẫu vậy, chúng không thiếu nét đàng hoàng, sạch sẽ, nghiêm túc. Và… sang cả! Chúng như vượt ra khỏi số phận mình; ngay cả cái móp méo vẫn mang nét duyên dáng và hãnh tiến khác thường.

image(Tĩnh vật Nguyễn Trọng Khôi)

Đám thẩu này dường như có chút gần gũi với bọn soong chảo cũ kỹ dưới đây. Cũng như đám thẩu, bọn soong, chảo hoàn toàn yên phận. Đặt đâu cứ ở đó. Tất cả đều nghỉ ngơi thoải mái. Chỉ có cái rá nhựa là hơi khác. Sao nó nằm ở đây nhỉ? Thế nằm chênh vênh, như muốn rớt: một nỗi chờ đợi lặng lẽ. Nói chung thì thẩu hư cấu trong tranh và soong chảo ngoài đời tuy có đôi chút gần gũi mà thực ra vẫn muôn vàn xa cách. Chúng nằm ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Dẫu sao, bọn soong chảo này chưa bị quên lãng. Chúng còn hữu ích. Chúng còn dự tính. Y như thể đang sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.

image

Không xa lắm là một góc, góc khuất lạc loài. Nền xi măng loang lở. Đã trét. Rồi lại lở. Rồi trét. Tấm liếp cửa hư. Cái xô. Chậu. Chiếc giẻ lau nằm vắt. Trước đây, ngay ở đó có một cây nhãn lớn sây trái, nơi đám ve tụ họp làm thành một dàn hợp xướng trưa hè; nơi phủ bóng mát cho cả một thời tuổi thơ hoang tưởng. Bom đạn bắn phá, cây nhãn trốc gốc trong cuộc chiến Tết Mậu Thân. Ngay dưới chân tường là miệng của một chiếc hầm trú ẩn mà bộ đội Cộng Sản đào xuyên dưới nền nhà làm nơi cố thủ. Khoảng đất nhỏ nhoi và tầm thường này đã từng thấm máu người trong cuộc chiến giành giựt từng thước đất của cả hai phe. Vài năm sau, mọc lên một cây sa-bô-chê, cũng sây trái. Kế đó là cái hàng chìa tàu. Bên kia hàng chìa tàu, lâu lắm rồi và xưa lắm rồi là một… láng giềng. Vâng, cô láng giềng! Lụt. Sinh vào mùa nước lũ, nên Lụt nhỏ, ốm o và bẩn thỉu. Nhưng lớn lên, như một phép lạ, Lụt trở nên xinh xắn. Lụt thẹn, tôi thẹn. Rôi Lụt lấy chồng, Lụt đẻ con, Lụt gây lộn với hàng xóm, Lụt đi mất. Và tôi cũng đi mất. Không chỉ Lụt, không chỉ tôi. Cả thế hệ cùng lớn lên với tôi cũng thế, đều đi. Đi đâu ở đâu? Tìm mãi tìm hoài trong xóm chẳng thấy ai. Xóm nhỏ đông người hơn xưa, nhưng vô cùng vắng. Ừ, chẳng còn ai, chẳng còn gì. Nhưng nó, cái góc khuất này, vẫn ở đó. Từ một khung trời khác – to cao, hiện đại – trở về sau nhiều năm, tôi chợt tìm thấy nó,

quạnh quẽ và thản nhiên.

đơn giản và thấm thía.

lạ lùng và thân thiết

imageNó! một góc tôi

Mủi lòng, tôi bỏ đi

Mai kia mốt nọ, lại mủi lòng, biết đâu tôi chẳng trở lại.

Nhất định nó vẫn ở đó, bướng bỉnh, muộn phiền.

Vẫn vật.

Vẫn tĩnh.

Như bao giờ.

(4/2016)

Comments are closed.