Lê Học Lãnh Vân
Sáng nay, ngày 20/8/2022, buổi gặp gỡ hai nhà Sử học Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư được tổ chức tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh trong chương trình Trăm Năm Sử Việt. Hai vị đều sinh năm 1920, năm nay quá bách tuế.
Bài viết ngắn dưới đây xin thuật lại vài điều tác giả cảm thấy thú vị…
Cụ Nguyễn Đình Đầu luôn nêu bật giá trị sống của mình là tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Ông cũng nói rõ ông kính trọng cụ Hồ như một ông Thánh vì ông là người theo đạo Chúa. Với tâm trạng của người cao tuổi còn đang hoạt động gần với thế hệ 8X, 9X… tôi hiểu thế hệ này ít chú ý tới quan niệm về các giá trị sống như vậy của cụ Đầu (dù không phải họ không có tinh thần cộng đồng, ái quốc). Cụ Đầu đã nhắc ít nhất ba lần chữ yêu nước, điều này khiến tôi nhớ tới thế hệ cha, anh chúng tôi. Các ông, dù trong thời đất nước phân đôi có nghiêng về Hà Nội hay nghiêng về Sài Gòn thì cũng giữ lòng kính trọng ông Hồ Chí Minh. Con số các ông như thế rất nhiều, không ít tướng tá Sài Gòn dù chống Cộng sản vẫn có cảm tình với ông Hồ. Lý do: ông Hồ lãnh đạo chống Pháp, và theo các ông giành độc lập từ Pháp là yêu nước. Những dòng viết này không phải để biện minh cho cuộc chiến ba mươi năm làm hao tổn trầm trọng sinh lực quốc gia, mà để nói lên một thực tế: dưới thời Pháp thuộc đa số người Việt mong muốn giành độc lập. Cuộc chiến ba mươi năm vừa qua, dù đồng ý hay không, chúng ta nên thấy rằng nó phản ánh lòng dân thời đại đó! Thấy điều này, hy vọng lòng mỗi người bớt cay đắng về trách nhiệm gây ra cuộc chiến.
Cũng xin mở ngoặc rằng không ít người cùng thời đại có kiến thức khác. Thí dụ hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chống lại việc áp dụng thuyết Cộng sản tại Việt Nam, nên hai ông chủ trương giành độc lập bằng các biện pháp ôn hoà. Tuy vậy, hai ông vẫn thông cảm với việc ông Hồ Chí Minh và “các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đồng minh với Nga Xô để giành độc lập”.
Những câu hỏi được người tham dự đặt ra về việc các nhà sử học ứng phó ra sao trước một vấn đề sử học nhạy cảm về chính trị. Cụ Nguyễn Đình Tư trả lời dứt khoát rằng theo cụ thì viết về sử phải viết sự thật. Không thể viết không đúng sự thật. Tất nhiên, chúng ta sống trong xã hội nào phải theo lề thói xã hội đó. Điều sự thật nào chưa được cho công bố thì chúng ta để đó tới khi công bố được. Thí dụ được cụ Tư đưa ra là Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc và Cải Cách Điền Địa ở Miền Nam. Hai công cuộc đó có cùng mục đích, nhưng cách tiến hành và hậu quả lại rất khác nhau ở hai Miền. Hiện nay chưa thể nghiên cứu, viết bài so sánh thì đợi tới lúc có thể.
Cụ Tư cho rằng chúng ta sống trong xã hội, có nhiều điều chúng ta thấy trật nhưng chưa sửa được thì phải đợi. Và nhà sử học phải phân biệt sử với chính trị, viết sử chứ đừng viết chính trị! Cụ Nguyễn Đình Đầu cũng cho rằng cần nói lên sự thật. Nhưng chúng ta cũng cần bỏ qua những dối trá của quá khứ!
Nhận xét trên của hai bậc “thế ngoại tiên sinh” này được tôi xem bài học quý về kinh nghiệm và triết lý xử thế. Và chúng cũng khiến tôi nhớ lại những lời khai mạc ông Dương Trung Quốc nói đầu buổi gặp mặt, đại ý, trân trọng cám ơn hai cụ Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư đã tham gia đóng góp với tạp chí Xưa & Nay trong lãnh vực sử học tế nhị này.
Chữ tế nhị gợi những chối bỏ, kỳ thị, cấm đoán, và thậm chí những biện pháp mạnh hơn… Tại sao sử học, một lãnh vực của khoa học, lại bị vướng vào vòng trói buộc đó? Những lãnh vực khoa học khác thì sao? Xã hội có nên tách biệt hẳn chính trị với sử học, chính trị chỉ nên dùng những kinh nghiệm do bài học từ sự thật lịch sử mang lại chứ không đứng lẫn vào, đứng trên sử học.
Bài viết này tin rằng nếu xã hội tiến về hướng đó, nền sử học và khoa học Việt Nam nói chung sẽ có bước tiến mạnh mẽ…
Ngày 20 tháng 8 năm 2022