Trăng không in bóng (kỳ 6)

Tiểu thuyết của Bùi Việt Sỹ

8

Hồng quân Liên Xô tiến như vũ bão. Ngày quét lũ phát xít ra khỏi đất nước, bọn anh lại được nghỉ một ngày. Khẩu phần ăn cũng được tăng lên gấp đôi. Cả phân xưởng vắng tanh. Dường như mọi người đều trở về nhà mình, mặc cho nó còn tồn tại hay chỉ còn là đống gạch vụn. Lão quản đốc Anđrei thì ôm một bà sồn sồn ở lỳ trong phòng. Quê lão ở vùng sông Volga. Chẳng hiểu thế nào mà lão lại lưu lạc đến đây. Và còn may mắn hơn nữa là không phải ra mặt trận.

Lúc đầu anh và Tatianna cũng định vào thành phố. Nhưng rồi thấy chẳng còn chỗ nào để về nên chui lên mặt đất cho đổi không khí hết buổi sáng. Trưa tụt xuống phân xưởng, ăn uống xong thì tìm được một góc kín đáo ngả lưng. Anh nằm xuống, toàn thân thẳng đuỗi, mắt lim dim định ngủ thật. Tatianna nằm nghiêng, theo thói quen lại vuốt mái tóc vàng và nghịch đôi tai của anh. Rồi vòng tay qua cổ, xoay người anh nghiêng lại. Chẳng hiểu khuy áo ngực đã cởi ra từ bao giờ, Tatianna nắm bàn tay anh đặt lên đặt vào đôi bầu vú non tơ. Không run rẩy như tối hôm trước bên thành cầu bốn con chó có cánh, anh bắt đầu nhào nặn như thợ làm bánh chuyên nghiệp nhào bột. Bàn tay mềm mại của Tatianna lần mò cởi hết hàng khuy của chiếc áo thợ anh mặc trên người. Xoa bộ ngực gầy giơ xương vì gần chín trăm ngày đêm ăn uống thiếu thốn. Rồi bàn tay Tatianna lùi xuống phía cạp quần. Đầu tiên tháo chiếc thắt lưng giả da cứng quèo. Rồi đến những chiếc cúc quần và cái gì phải xảy ra đã xảy ra. Hai cơ thể trần truồng như nhộng dính chặt vào nhau. Tatianna như cưỡi trên người anh. Đột nhiên anh thấy toàn thân mình bay vút lên, lâng lâng, ngây ngất như say sóng. Tatianna thì nhún nhảy trên bụng anh. Không chịu đựng được lâu, cơ thể anh như vỡ òa ra. Tatianna thở hổn hển nằm sấp trên người anh. Hai cơ thể vẫn không rời ra… Khoảng hơn nửa giờ sau, anh nói với Tatianna: “Cho mình thử làm đàn ông xem sao nhé!”. Tatianna cười khúc khích và xoay cho anh nằm trên. Việc gì lúc đầu cũng khó… có khi còn khó hơn phút đầu tiên anh lóng ngóng đứng vào máy tiện. Rồi mọi thứ trở nên nhịp nhàng hơn. Tatianna nằm phía dưới bảo: “Cậu thông minh hơn tớ nghĩ”. Thích chí anh càng làm mạnh mẽ hơn… Nửa ngày hôm đó, và qua đêm đến sáng hôm sau… anh và Tatianna đã làm với nhau đến bốn lần. Đến lúc người anh rũ ra như cành cây héo thì cả hai đều… biết sợ. Mặc dù Tatianna thì tươi tỉnh như bông hoa đang vào độ nở. Anh bước vào ca tiện mà người cứ chao đảo như ở trên mây trên gió. Chân tay run rẩy, mắt hoa đầu váng. Mới đứng máy được khoảng hai giờ đồng hồ mà anh đã bốn lần để ụ động lao vào mâm cặp gãy luôn bốn con dao tiện. Lão quản đốc đi tuần qua thấy lạ ghé vào và đứng lại kiểm tra. Việc gãy bốn con dao tiện là việc nhỏ. Việc tày đình là anh đã tiện hụt hơn một trăm quả đạn pháo. Lão ta tốp máy và gầm lên: “Thằng phá hoại!”. Rồi tóm cổ áo nơi gáy anh lôi xềnh xệch về phòng quản đốc. Một cú tát phải, tiếp theo là cú tát trái nảy lửa khiến anh ngã dụi xuống tấm đệm màu nâu xỉn bẩn thỉu dưới đất. Anh không còn đủ sức để đứng dậy nữa. Lão đến chỗ Tatianna bảo triệu tập toàn tổ đến văn phòng quản đốc. Đến lúc này thì Tatianna hiểu sự việc đã xảy ra và vì đâu nên nỗi. Nhưng Tatianna vẫn giữ vẻ bình thản, thậm chí là thách thức xem mày làm gì được tao? Khi mọi người đã có mặt đông đủ, lão Anđrei lôi ra một que sắt tròn, có lẽ là chiếc que thông nòng súng trường. Không quát lác, lão thẳng tay vụt xuống mông anh ba cái và hỏi: “Tại sao lại như thế?”. “Tôi không biết”. Anh cứng cỏi đáp lại. “Không biết à! Không biết hả?”, kèm theo một câu hỏi là một lần chiếc que sắt thông nòng súng vụt xuống mông anh đau rát. Anh cắn răng chịu đựng. Không van xin. Không khóc lóc. Đánh chán tay. Mông anh đã tướp máu, hắn bảo: “Mày không nói thật, tao đưa ra tòa án binh. Tội phá hoại… là tội chết!”. “Tôi không biết gì hết. Tôi bị cảm!”, anh vẫn kiên gan đáp. Lão cười khà khà bảo: “Ra đấy, người ta sẽ bắt mày phải nói thật”. Thực ra đây chỉ là đòn tâm lý. Nhưng với Tatianna trái tim trong trắng và chân thực đã tin vào lời nói của lão. “Tôi xin nói thật! Lỗi tại tôi!”, Tatianna rành rẽ nói. Anh muốn vùng dậy cãi nhau tay đôi với Tatianna rằng Tatianna nói không đúng. Nhưng cặp mông của anh đã nát bét ra rồi, không còn nhấc nổi nữa. Anh nói trong nước mắt. Bây giờ thì anh mới khóc: “Tatianna! Lỗi là ở mình. Không phải tại cậu.”.

Nhưng lão Anđrei không thèm để ý đến lời nói của anh. Lão gằn giọng hỏi Tatianna “Mày nói là lỗi tại mày! Thì lỗi như thế nào?”. “Tại tôi… cả đêm qua… đã vắt kiệt sức Ivan!”. Tatianna nói chậm rãi nhưng chắc chắn. Lão Andrey nở miệng cười hềnh hệch và bảo: “Có thế chứ!”. Dừng một lát lão nói tiếp: “Bây giờ đã tìm ra thủ phạm của vụ phá hoại rồi!… Tất cả giải tán về chỗ làm. Riêng Tatianna ở lại!… Mày thằng khiêng xác thằng Ivan… về chỗ ngủ của bọn con trai”.

Anh như ngất đi vì đau đớn và vì xúc động đến không biết gì nữa. Quá nửa đêm, lơ mơ tỉnh lại được lũ bạn cho uống nước. Người như hâm hấp sốt vì vết thương ở hai quả mông. Gần sáng một đứa bạn đến bên anh thì thào: “Tatianna đi rồi!”. Anh hốt hoảng hỏi: “Đi đâu?”. “Đi ra mặt trận chứ còn đi đâu nữa!” Thì ra hơn hai năm ở dưới phân xưởng, lúc trẻ ranh các anh đã lớn lên nhiều, không chỉ về thể xác mà cả cách ứng xử nữa. Và ba đứa đã liều mạng phục kích bên ngoài và nghe rõ cuộc đối thoại giữa lão quản đốc Anđrei và Tatianna.

– Mày có biết tội phá hoại là ghê gớm thế nào không? Anđrei dằn giọng hỏi.

– Biết thì sao? Mà không biết thì sao? Tatianna thách thức lại.

– Nếu như bây giờ biết điều… tao sẽ cho qua. Và thu xếp gọn gẽ mọi việc. Giọng Anđrei đã hơi chùng xuống.

– Cụ thể là thế nào? Tatianna vẫn bướng bỉnh hỏi lại.

– Thế nào thì mày… đã biết rồi! nhưng giả vờ không biết… thì tao cũng nói thẳng ra. Chả có vấn đề gì! Đúng không?

– Thì cứ nói ra đi!

– Đơn giản thôi! Mày hãy bỏ cái thằng nhãi ranh Ivan đi! … Và yêu tao… như lần trước. Chúng ta đã yêu nhau ấy. Nói đến đây thì Anđrei cười hềnh hệch một cách đểu cáng.

– Đồ chó sói đực! Điều ấy không bao giờ… không bao giờ… mày nghe rõ chưa. Tatianna nói như quát vào mặt lão.

– Mày nghĩ rằng chiến tranh kết thúc… nó còn yêu mày sao? Nó lại thèm ăn của thừa của tao sao?

– Đồ đểu cáng! Mày câm miệng lại! Tatianna gần như thét lên.

– Như vậy là mày đã lựa chọn?

– Đúng! Dù thế nào thì… tao vẫn khinh bỉ mày! Mày hiểu chưa?

– Được rồi! Mày đã lựa chọn… thì tao sẽ đẩy mày ra mặt trận.

– Ra mặt trận!… Tatianna cười ròn tan. – Ra mặt trận là điều vinh dự… Sao mày phải dùng từ đẩy đốn mạt đó?

– Thế thì viết đơn tình nguyện đi!

– Giấy bút đâu? Viết thì viết có gì phải suy nghĩ… Dừng một lát Tatianna mới nói tiếp – Tao có một đề nghị nhỏ.

– Muốn ở lại… gặp mặt… và chia tay với thằng nhóc Ivan chứ gì?

– Đúng! Nhất là bây giờ cậu ấy đang… bị thương!

– Dễ thôi! Miễn là… mày đồng ý cho tao…

– Câm mồm lại! Tao sẽ… ra mặt trận ngay! Đồ sói đực độc ác… đểu cáng.

Sau đó Tatianna viết đơn, khai đã 18 tuổi, xin ra mặt trận làm nữ cứu thương để noi gương người cha anh hùng của mình. Lão quản đốc dẫn giải Tatianna về chỗ ngủ, thu xếp đồ đạc và… ngay sáng hôm đó đưa Tatianna lên mặt đất. Đưa đến ủy ban quân sự, nơi tiếp nhận người tình nguyện tòng quân. Không hiểu bằng cách nào, Tatianna còn viết được cho anh mấy dòng, vo tròn và ném vào chỗ bọn anh nằm. Một đứa đã tình cờ thấy được và đưa cho anh.

Gửi Ivan mối tình duy nhất của Tatianna. Tiếp theo là khổ đầu bài thơ Đợi anh về của Simonov.

Khi Ivan Ivanovitch kể tới đó thì chính Lài lại là người đọc ra khổ thơ đó bằng nguyên bản tiếng Nga dù hơi lộn xộn, chỗ nhớ chỗ quên.

Đợi anh, anh sẽ về/Hãy cố gắng đợi/ Dù tuyết rơi, bão nổi/ Dù nắng cháy em ơi! / Bạn cũ đã quên rồi!/ Thì em ơi cứ đợi/ Đợi anh, anh sẽ về/ Trông chết cười ngạo nghễ.

– Lài cũng biết bài thơ này ư? Ivan Ivanovitch cảm động hỏi.

– Bài thơ Đợi anh về đã được một nhà thơ Việt Nam dịch từ những năm 1950 qua một bản in bằng tiếng Pháp. Đến những năm 1960 bài thơ dịch này được đưa vào giáo trình lớp 10 cấp 3 phổ thông.

– Sao Lài lại biết được bản tiếng Nga?

– Trước khi sang đây, các học viên đều phải học tiếng Nga. Và trong giáo trình ấy có bài Đợi anh về bằng nguyên bản tiếngg mẹ đẻ của nó. Dường như tất cả các học viên đều học thuộc lòng bài thơ này. Nghe nói chính tiến sĩ Joseph Goebbels, bộ trưởng bộ Tuyên truyền chiến tranh của Hitler đã đánh giá bài Đợi anh về của Simonov có sức mạnh bằng một sư đoàn… Bây giờ thì anh kể tiếp đi…

Trời thu đã chuyển sang chiều. Nắng đã nhạt nhưng giữa cánh rừng của công viên Pushkin, những chiếc lá thu muôn bề vẫn vàng rực lên, gợi bao điều thương nhớ và xót xa.

– Cuối khổ thơ ấy là chữ ký của Tatianna, Ivan Ivanovitch thì thào nói.

– Sau chiến tranh, anh đã đi tìm chị Tatianna chứ? Lài hỏi một câu gần như thừa. Song nó là đầu cần để Ivan Ivanovitch kể tiếp:

– Sau mấy ngày anh dưỡng thương, anh đã trở dậy được. Rồi đi làm bình thường. Cố gắng để không xảy ra sai sót gì. Mặc dù lúc nào tai cũng để đến chiếc loa báo thông tin chiến sực hàng ngày… Sau gần một năm thì niềm vui đã vỡ òa. Hồng quân Soviet đã cắm cờ trên nóc nhà quốc hội Đức. Ngày 9/5/1945 phát xít Hitler đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Bọn nhóc các anh đã trở lại cuộc sống bình thường. Được cử vào các trường bổ túc công nông, một năm lên ba lớp. Đứa thì vào Đại học Bách khoa. Đứa thì vào Đại học Lâm nghiệp. Đứa khác thì vào Tổng hợp Leningrad. Anh cũng vào Tổng hợp, nhưng lại ở khoa Triết. Sau bốn năm, anh tốt nghiệp loại ưu, được trao bằng đỏ. Cũng thời gian ấy, Nhà nước Soviet bắt đầu xét tặng Huân, Huy chương cho những người đã từng tham gia chiến tranh Vệ quốc. Lũ công nhân quốc phòng bọn anh cũng được thưởng Huy chương cờ đỏ, cùng rất nhiều huy hiệu, kỷ niệm chương… đeo đầy một bên ngực trái. Đầu năm 1960, anh đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ. Và một năm sau, được một giáo sư coi như con, chỉnh sửa lại Luận án cũ, bổ sung thêm tư liệu, rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Anh gần như là tiến sĩ trẻ nhất của bộ môn “Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học”. Giữa lúc ấy, Liên Xô bắt tay vào thời kỳ Xây dựng chủ nghĩa Cộng sản, với kế hoạch xây dựng 7 năm lần thứ nhất. Như được làn gió mới thúc đẩy, anh thì như con diều gặp gió, mỗi năm cho ra một cuốn sách về đề tài này. Đồng thời tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực tập sinh làm luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ. Đến cuốn sách thứ tư thì được phong hàm giáo sư.

– Đồng thời quên luôn chị Tatianna. Ivan Ivanovtch đang hào hứng như thế thì bị Lài dội cho một gáo nước lạnh vào đầu.

– Anh đã kể hết đâu? Giọng Ivan Ivanovtch trầm xuống. Đấy mới là một mặt của cuộc sống của anh. Gọi nó là mặt phải hay mặt trái cũng đều được cả. Im lặng một lúc Ivan kể tiếp – Phải nói thật là ngay từ phút đầu tiên chui lên mặt đất, anh đã bắt đầu đi tìm Tatianna. Gặp ai ở mặt trận về, anh đều hỏi có biết cô cứu thương Tatianna, người cao dong dỏng, có đôi mắt và mái tóc màu hạt dẻ, dân Saint Petersburg gốc, con gái của đại tá xe tăng Sergey Pantonov, lữ trưởng anh hùng trong các cuộc chiến bảo vệ thành Leningrad không? Về đại tá Sergey Pantonov nhiều người biết và tỏ ra vô cùng thán phục. Còn cô con gái Tatianna làm cứu thương thì… đa số đều lắc đầu… Nhưng rồi cũng có người kể về một cô Tatianna nào đó đã hy sinh bắn đến viên đạn cuối cùng của cây súng đĩa, để bảo vệ các thương binh, trong một trận đánh vu hồi của quân phát xít tại đất Roumania. Rồi lại có người kể về một y tá có tên Tatianna, nhưng đã hy sinh đúng vào ngày phát xít Đức đã đầu hàng ở giữa trung tâm thành phố Berlin. Lúc ấy cô đang tươi cười ngồi trên một chiếc tăng T.34 của Hồng quân thì bị súng bắn tỉa từ một căn nhà đã đổ tầng trên ở một góc phố bắn hạ. Tatianna đã đổ gục xuống. Máu ra xối xả ở ngực. Các chiến sĩ người thì cấp cứu cho Tatianna, một số thì bao vây căn nhà. Và rồi ba thằng nhóc con tuổi mới độ lên mười bị tóm sống ra, tay đứa nào cũng cầm một cây súng trường nòng dài, loại súng chuyên để bắn tỉa. Tatianna đã được chuyển xuống hè để chờ xe cứu thương. Khi ba thằng nhóc ấy được dẫn ra, Tatianna như chợt tỉnh lại, đôi mắt mở to trong sáng. Nhìn ba cái bóng bé nhỏ, với ba cây súng trong tay, Tatianna đã quát lên: “Thu súng! Rồi thả chúng nó ra! Thả hết ra!”. Rồi gục đầu xuống, bất động. Các chiến sĩ đều biết là Tatianna đã vĩnh viễn ra đi. Họ làm theo lệnh cô, thu súng rồi đuổi chúng nó đi… Đấy! Chiến tranh với hàng ngàn thậm chí hàng vạn cái chết khác nhau. Riêng với Tatianna, anh đã được nghe kể không dưới mười cái chết kiểu như thế?

Tuy nhiên anh vẫn còn một tia hi vọng le lói, ấy là Tatianna chỉ bị thương thôi. Đang dưỡng thương ở đâu đó. Hoặc bị thương mất một phần trí nhớ. Đang chờ hồi phục dần để trở về nhà. Đã có lẻ một ngàn trường hợp đã báo tử rồi lại sống, lù lù trở về. Có phụ nữ chỉ đã ba năm, đã quyết định lấy chồng, anh ta là thương binh cụt một chân. Vừa cưới nhau được mười ngày thì trong một đêm mưa tuyết người chồng cũ trở về. Người vợ gào lên “Ba năm qua anh ở đâu?” “Tôi cũng không biết nữa. Bây giờ biết thì tôi tìm đường về nhà”. Người chồng mới thu xếp quần áo ra đi. Anh chồng cũ bảo: “Mưa bão thế này, mai đi cũng được!”. Đêm đó, ba người mỗi người ngủ một góc nhà. Tâm trạng ai cũng rối bời đau đớn. Sáng anh chồng cũ bảo: “Tất cả là do chiến tranh. Không ai có lỗi cả. Đây là nhà tôi, tôi ở lại” Rồi anh bảo vợ sẻ cho anh chồng mới một phần ba thức ăn có trong nhà. Gồm 1/3 bao bột, 1/3 con lợn muối/ 1/3 tải khoai tây”. Bây giờ thì anh ở đâu thì về đấy, đừng bao giờ quay lại đây. Thấy anh còn lảng vảng ở quanh nhà tôi, tôi nói thật với tình đồng đội tôi cũng vẫn lấy nốt cái chân còn lại của anh”. Người chồng cũ cảnh cáo như vậy.

– Chuyện này, em đã được đọc qua một cuốn tiểu thuyết dịch tiếng Việt, trước khi qua đây vài năm. Lài nói chen vào.

– Đúng thế! Một nhà văn Soviet đã dựa trên sự thật của câu chuyện này viết thành cuốn Chiến tranh và Nỗi đauvà hì nh như có dựng thành phim. Nhưng anh chỉ nghe thế, chứ chưa đọc tiểu thuyết cũng như xem phim.

– Và anh sợ sẽ vấp phải tình cảnh tương tự… khi chị Tatianna trở về. Lài hỏi xen vào.

– Không phải là sợ… Mà là hy vọng. Hy vọng một ngày nào đó… Mưa, hay nắng… một người phụ nữ sẽ đến tìm anh. Và anh… phải, anh sẽ không bao giờ để cho người đó thất vọng!

– Và anh đã đợi… ba mươi nhăm, ba mươi sáu năm rồi? Lài hỏi tiếp.

– Đúng như vậy!

– Có lúc nào anh cảm thấy… không còn tia hy vọng nào không?

– Có chứ!… Nhưng anh vẫn đợi… Bởi vì chưa bao giờ anh quên được hình dáng của Tatianna. Với đôi mắt to và mái tóc màu hạt dẻ… Với đôi bàn tay mềm mại đã vuốt mái tóc vàng… nghịch đôi tai của anh……

Sau này khi đã có một chút địa vị xã hội anh đã tìm đến báo Quân đội, đến Hãng phim thời sự tài liệu.. gặp các phóng viên, các nhà nhiếp ảnh, quay phim tại các mặt trận… Nhưng càng tìm càng hỏi thì tin tức về người bạn đời vô cùng yêu dấu của anh càng… vô tăm tích… Trường hợp tìm nhau sau chiến tranh như anh và Tatianna ở Liên bang Soviet không phải là cá biệt!…

Khi hai người đã thu xếp đồ đạc bỏ vào cốp xe thì trời đã sẩm tối và se lạnh. Xung quanh mọi người đã về hết. Khu rừng trở nên âm u với khối lá đã sẫm lại đen như tiết gà luộc.

– An ninh ở đây tốt chứ? Lài hỏi Ivan Ivanovitch.

– Em yên tâm! Cảnh sát đi tuần cả ngày lẫn đêm. Thậm chí còn dùng cả trực thăng vũ trang khi cần thiết nữa.

Ivan Ivanovitch vừa nói tới đấy thì ở một chỗ ngoặt đã thấy bóng ánh đèn pha và tiếng còi xe, loại còi đặc trưng của xe cảnh sát…

9

Chủ nhật tuần trước nắng đẹp là tiết trời đặc trưng của mùa thu Nga. Từ chủ nhật tuần này mưa rả rích, cũng là đặc trưng của mùa thu Nga ở chiều ngược lại. Sau mưa thu ở Nga lại giống mưa thu ở phía bắc Việt Nam đến như vậy. Lài thầm so sánh. Hạt mưa nhỏ, nhưng dày rải xuống không lúc nào ngớt. Bất chấp mưa kèm theo gió lạnh, các học viên Việt Nam vẫn hăng say “hoạt động cách mạng” từ sáng sớm đên đêm khuya. Dường như chỉ riêng Lài là nằm ngoài guồng máy hoạt động hết sức đều đặn ấy.

Ivan Ivanovitch đánh chiếc Lada trắng thời thượng đến đón Lài từ khá sớm. Tiếp đó đến đón mẹ con cô giáo Annna. Theo kế hoạch, chủ nhật này Lài chiêu đãi bọn họ món đặc sản nem rán Việt Nam. Mọi thứ nguyên liệu Lài đã chuẩn bị kỹ càng theo lời cậu em trước lúc sang đây. Chỉ thiếu món thịt lợn nạc vai và món rau sống là hoàn toàn đủ. Nhưng thịt mua ở cửa hàng quốc doanh là thịt đông lạnh, làm cũng được, nhưng chất lượng món ăn thua kém đi nhiều. Cậu em đã chỉ cho Lài cái chợ nông trang cách thành phố chừng ngót hai chục cây số. ở đó có thịt bò, thịt gà, thịt lợn… tươi rói, vừa giết mổ buổi sớm. Các loại rau cũng khá nhiều, trong đó có loại rau ăn sống khá giống với rau “xà lách” ở Việt Nam. Theo chỉ dẫn của Lài, Ivan Ivanovitch chở cả đoàn đến đó. Cô giáo Anna che ô đội mưa vào chợ. Đó là khu đất khá bằng phẳng. Có khoảng hai chục quầy hàng. Người mua thưa thớt khoảng dăm chục. Là thổ dân ở đây, nhưng cả Ivan lẫn cô Anna đều ngạc nhiên khi phát hiện ra cái chợ tự phát này. Chỉ 10 phút là Lài hoàn thành nhiệm vụ. Trong căn hộ bốn phòng của Ivan, với sự trợ giúp của Anna, chỉ một giờ, món nem rán vàng rộm, nóng hổi cùng nước chấm, rau salad và bún (bún khô được chần cho nở ra) đã bày biện trên bàn. Ivan cảm thấy dùng dĩa quá bất tiện, “sai năm quân” (chỉ việc dùng tay) cầm chiếc nem thọc vào bát nước chấm nửa mặn, nửa chua, nửa ngọt cùng với các lát tỏi thái mỏng… đưa lên miệng cảm thấy trên đời chưa bao giờ được ăn một miếng ngon đến thế này. Miếng ăn còn ở trong miệng, Ian đã đưa một ngón cái lên (cử chỉ của người Nga khen thứ gì đó xứng đáng được xếp vào loại nhất thiên hạ). Bé Tania thì lính quýnh không biết ăn nem với bún và rau như thế nào, khi thấy chú Ivan “đã liên tục” thì ngước mắt cầu cứu cô Lài.

– Cháu cứ từ từ! Thế này… được rồi! Cô làm nhiều lắm. Còn có phần để cháu đem về nhà. Mai hay ngày kia… muốn ăn, bảo mẹ rán lại cho nóng là được.

Mọi người đều vui vẻ, hào hứng vì món ăn ngon, lạ miệng. Cô Anna bảo:

– Người Việt Nam sướng quá! Món gì ăn cũng ngon cả.

– Món nem rán này làm ở Việt Nam ăn còn ngon hơn nữa. Lài đáp.

– Thế thì kết thúc lớp học, Lài mới chúng tôi về Việt Nam… du lịch nhé! Cô Anna bảo.

– Việc này thì dễ thôi. Lài nhanh nhảu đáp – Tiền ăn đặc sản Việt Nam, tiền ở Lài xin chiêu đãi. Riêng tiền vé máy bay khứ hồi xin mời giáo sư Ivan Ivanovitch chi. Được chứ?

– Được! Tôi chi hết cũng không sao. Cái quan trọng là Lài phải có “thư mời”. Không có thư mời thì chúng tôi không rời Liên bang Soviet được!

– Việc đó thì quá dễ. Thậm chí cơ quan chủ quản của Lài sẽ “đánh giấy mời” đàng hoàng.

– Như vậy là chúng ta đã thỏa thuận rồi nhé! Ivan chốt lại vấn đề, coi như lời nói của Lài đã được bảo đảm.

Sau khi uống cà phê, bé Tania có vẻ buồn ngủ. Cô Anna đặt cháu nằm xuống đi văng, đầu gối lên đùi mình. Ivan và Lài mỗi người ngồi trên một chiếc ghế đơn. Đột ngột Ivan hỏi:

– Bước ngoặt cuộc đời Lài ở chỗ nào? Có phải sau lần cứu xe đạn bị thương không?

Lài cười và nói:

– Thầy Ivan Ivanovitch dùng từ “bước ngoặt” to tát quá! Nhưng sau lần bị thương đó, ra viện Lài lại trở về đơn vị chiến đấu bình thường với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để đánh thắng”. Bị thương như Lài ở mặt trận bảo đảm giao thông được coi là… nhẹ. Nhiều người mất cả hai chân… hai tay, thậm chí là hy sinh cả tính mạng… là chuyện bình thường… không ngày nào, thậm chí giờ nào, phút nào… cũng xẩy ra. Số lượng bom đạn mà không quân và hải quân Mỹ trút xuống các tuyến đường ra tiền tuyến còn gấp nhiều lần số bom đạn họ đã dùng trong thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên cộng lại… Nhưng thầy (chỗ đông người Lài vẫn gọi giáo sư Ivan Ivanovitch là thầy) muốn gọi là “bước ngoặt”, thì theo tôi nghĩ… có thể là “Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua” toàn quốc của ngành giao thông vận tải lần thứ hai, diễn ra vào đầu năm 1969. Lài vinh dự được đi dự.

– Chắn chắn là ở Đại hội này Lài dược phong anh hùng chứ? Ivan Ivanovitch hào hứng hỏi.

– Về Đại hội… Lài sẽ kể cho thầy và cô giáo nghe… Nhưng phải để cho Lài từ từ nhớ lại đã. Lài bồi hồi, xúc động trong mấy phút.

Lài tư lự, không biết có nên kể hết cả ra hay chỉ đáp qua loa cho xong chuyện? Nhưng rồi chị thấy cần phải nói tất cả, nhất là về mình.

– Cũng có nhiều chuyện tế nhị! Không chỉ có tiếng reo hò, vỗ tay hoan hô mà còn có cả những giọt nước mắt… Những tâm tư chưa được giải toả thấu đáo…

Lài nói thế nào ấy chứ, ở một đại hội vinh quang như thế, những đại biểu đến dự đều là những anh hùng hoặc ít ra là những chiến sĩ thi đua tiêu biểu của toàn quốc, sao lại có chuyện ấy được? Ivan Ivanovitch không tin hỏi lại.

– Lài chỉ nói trường hợp của Lài thôi. Lài đã lấy lại được sự trầm tĩnh, chậm rãi kể. Trước đại hội, các điển hình đã được bồi dưỡng cách thức báo cáo thành tích của mình cho nổi trội hẳn lên. Người ít cũng được chuẩn bị cả tuần. Có người tới nửa tháng. Lại còn học cách trả lời phóng viên các nhà báo trong nước và nước ngoài. Còn được gà, nếu bí quá thì cứ cười, cười càng tươi càng lâu càng tốt. Không được nói liều, nói lung tung là… chết. Phần Lài cũng được chuẩn bị kỹ càng với mười trang viết tay, sau được đánh máy, lược bớt cho dễ đọc. Nhưng sau câu đầu tiên chúc mừng các đại biểu về dự hội nghị, Lài đã không đả động đến một chữ nào trong bản báo cáo của mình. Câu mở màn Lài đã nói: “Tôi không có thành tích gì đáng kể. Tôi đã học hết lớp mười, lại đoạt giải học sinh giỏi văn toàn tỉnh niên học 1964-1965, nên anh chị em cử tôi ra đây báo cáo thành tích của tất cả tập thể thanh niên xung phong, bộ đội công binh, dân công hoả tuyến… và các đơn vị vận tải khác..”.

Cả hội trường ngơ ngác nhìn nhau. Một vị trong đoàn chủ tịch ngắt lời tôi:

– Đề nghị đồng chí Nguyễn Thị Lài đi vào trọng tâm. Báo cáo về thành tích cá nhân của mình trong việc mở đường 20 và 18. Là người đại đội trưởng gương mẫu thế nào? Đặc biệt là thành tích phá bom nổ chậm… Bom bị phá mà mặt đường không bị hư hại… Đó, chỉ cần bấy nhiêu đó là đủ.

– Dạ! Vâng! Nếu các đồng chí muốn báo cáo về thành tích cá nhân, tôi xin đơn cử đây gương hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Vân. Chị Vân từ Nam Định theo đoàn thanh niên của tỉnh vào đường 20 sau tôi ba tháng. Mặc dù chỉ là đội viên, sức vóc không to lớn, khoẻ mạnh như tôi, nhưng trí thông minh, tinh thân xả thân để bảo vệ mạch máu giao thông thì không ai sánh kịp. Chính chị Vân đã là người nghĩ ra sáng kiến phá bom nổ chậm bằng phương pháp nổ mìn văng định hướng. Hàng trăm quả bom nằm giữa tim đường, nhưng dưới bàn tay của chị, đã được hất tung lên trời, mà mặt đường chỉ để lại mấy xây xát nhỏ. Chỗ hõm nhất cũng chỉ nhỏ hơn ổ gà ri. Và chính chị Vân đã là người hướng dẫn cho tôi từng động tác nhỏ để tôi về cung đường của mình cùng thi đua với chị lập nên kỳ tích biến “bom Mỹ thành pháo nổ tiễn các đoàn xe ra mặt trận”. Nếu không có sự quả cảm thông minh của chị truyền lại cho tôi thì chắc chắn rằng, tôi đã không vinh dự được có mặt ở Hội nghị vinh quang này. Nói tới đây nước mắt tôi ràn rụa chảy dài xuống hai má – Nhưng đau đớn thay, bom trải thảm B52 đã cướp đi tuổi thanh xuân phơi phới của chị. Đến xác cũng không tìm thấy một mảnh. Bởi thế, nếu Hội nghị muốn phong anh hùng cho tôi thì tôi xin khất lại để phấn đấu thêm. Và danh hiệu vinh quang này hãy để cho tôn vinh cho chị.

Lài bước xuống diễn đàn mà nước mắt vẫn chứa chan trên khuôn mặt quá xúc động. Rất nhiều người đã ngỡ ngàng về bài phát biểu của chị. Đã có người quy kết cho Lài là kẻ “phản thùng”. Vì trước đó, Lài dã được phổ biến rằng thành tích của chị Vân là rất xứng đáng với danh hiệu anh hùng, nhưng lý lịch có “tì vết” một chút. Cha xuống tàu há mồm đi Nam trong thời hạn 300 ngày chuyển quân giữa hai miền, vì sợ bị quy là địa chủ, làm tay sai cho giặc. Ngoài ra họ còn giải thích cho Lài thêm, có trường hợp vô cùng dũng cảm, dám lái máy ủi, ủi cả trăm trái bom nổ chậm xuống vực, nhưng khi được phóng viên phỏng vấn: “Rằng sao anh gan rứa?”. Anh đã nửa đùa nửa thật: “Vì người yêu của tôi”. Thế là bị quy vào “tội” anh hùng cá nhân. Lúc đó Lài đã muốn viện dẫn ra lời của Napoléon “Nếu một người lính, không dám mơ đến một ngày nào đó, trong tay cây gậy thống chế, thì đó là người lính tồi”. May mà Lài lại kìm được.

– Nếu Lài chỉ nói về mình, khả năng tới 99% tôi đã được phong danh hiệu anh hùng.

– Còn cuối cùng thì sao? Ivan Ivanovitch hỏi.

– Danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc Lài nghĩ thế cũng là quá xứng đáng rồi – Nói thật ra tất cả những người tham gia cuộc chiến này đều đáng phong anh hùng cả. Có nhiều người tiếc cho Lài. Nhưng đồng chí Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ đi theo lại tỏ ra thông cảm với Lài. Đồng chí ấy chia sẻ: “Cũng cần phải có người nói thẳng, nói thật như cháu”.

– Sao ở Việt Nam việc phong anh hùng khó đến như vậy sao? Ở Liên bang Soviet chỉ cần một hành động dũng cảm như cứu xe đạn pháo của Lài là đủ phong anh hùng rồi. Hoặc giả như có người thấy cháu bé chập chững lạc vào đường ray xe lửa. Xe lửa thì đang tới gần, để cứu đứa bé, người ấy đã lao ra nằm đè lên đứa bé. Cả hai cùng lọt thỏm giữa đường ray, mặc xe lửa chạy bên trên. Chỉ một hành động ấy cũng đã phong anh hùng rồi. Ivan Ivanovitch phân trần.

– Không sao! Đó là chuyện bình thường đối với Lài. Điều cốt yếu nhất là “xe phải thông, đường phải thoáng”, đúng như khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để chiến thắng”. Lài nói tới đây thì nhoẻn miệng cười. Hai lúm đồng tiền trên má duyên một cách kỳ lạ.

– Sau đó Lài lại trở về tuyến đường chứ? Ivan hỏi.

– Không! Lần này thì Lài tư lự thật sự – Cấp trên trao cho Lài một nhiệm vụ đặc biệt. Và như lúc đầu thầy Ivan Ivanovitch có hỏi: “Bước ngoặt của đời Lài bắt đầu từ đâu?” Bây giờ thì Lài có thể tạm gọi… có thể “bước ngoặt của đời Lài” bắt đầu từ khi nhận nhiệm vụ đặc biệt này.

Thầy Ivan Ivanovitch và cô Anna im lặng, chờ đợi câu chuyện tiếp theo của Lài. “Kể hết hay chỉ kể phần nhiệm vụ. Còn chuyện riêng tư thì sao? Thầy Ivan Ivanovitch đã kể tất cả câu chuyện của thầy thì sao mình lại đi cắt xén chuyện của mình. Người ta đã bảo nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì còn một nửa sự thật thì lại là sự dối trá mất rồi”. Lài vừa tìm cách đi vào câu chuyện sao ngắn gọn nhất, vừa đấu tranh với mình như thế!

Đêm hôm trước bế mạc Đại hội thì sáng sớm hôm sau, có người bảo Lài lên gặp đồng chí phó bí thư tỉnh ngay. Trong phòng đồng chí phó bí thư có một người đứng tuổi, dáng thấp đậm, vận quân phục nhưng không đeo quân hàm. Lài biết đây là một chỉ huy quân đội cấp cao. “Đây là đồng chí Lượng, phó cục trưởng cục Tài chính, Bộ Quốc phòng”. Đồng chí phó bí thư tỉnh giới thiệu khách với Lài. “Xin chào thủ trưởng”. Lài nhanh nhẩu đáp lại. “Đồng chí Lượng muốn giao cho Đại đội trưởng thép của tuyến lửa miền Trung một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và tối mật, không biết đồng chí có dám đảm nhận không?”. Đồng chí phó bí thư rào đón tước. Lài đứng nghiêm, ưỡn ngực đáp: “Báo cáo các thủ trưởng. Trước cờ Đảng, tôi đã xin thề: “Trung với Đảng. Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nay tôi xin đảm nhiệm bất cứ nhiệm vụ nào, các thủ trưởng giao phó”.

“Tốt lắm! Những lúc nước sôi, lửa bỏng thế này được người như đồng chí, chúng tôi rất mừng và tuyệt đối tin tưởng. Tuy nhiên cũng nói để đồng chí rõ là các đồng chí không đơn độc. Phía trước, phía sau có rất nhiều đồng đội yểm trợ đắc lực cho các đồng chí”. Người sĩ quan quân đội thấp đậm rào trước, đón sau. “Xin thủ trưởng cứ nói cụ thể ạ!”, Lài sốt ruột nói. “Nguyên do là thế này! Có một chuyến hàng cần phải chuyển gấp vào miền Nam, chi viện cho tiền tuyến lớn. Nhưng xe chưa khởi hành thì đồng chí đại đội trưởng, chỉ huy xe bất ngờ phải mổ ruột thừa. Được đồng chí phó bí thư tỉnh ủy giới thiệu, tôi muốn giao cho đồng chí đảm nhận nhiệm vụ thay đồng chí đại đội trưởng trên. Là người dày dạn kinh nghiệm trong tuyến lửa, lẽ ra đã được phong anh hùng, nhưng đồng chí đã từ chối. Việc này cũng không sao. Việc bây giờ là phải phối hợp với đồng chí lái xe, cũng đã rất dày dạn kinh nghiệm chuyên chở hàng vào miền Nam, đưa xe vào đầu tuyến đường 18 hoặc 20 (gần tới nơi sẽ có chỉ dẫn bằng đường dây hữu tuyến sau)”. “Việc này đối với tôi là một vinh dự rất bất ngờ. Tôi xin hứa với thủ trưởng sẽ xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Dù có phải hy sinh xương máu cũng không từ nan”, Lài thẳng thắn nói.

“Nếu vậy thì tốt rồi. Đồng chí có 30 phút để chuẩn bị. Sau đó sẽ có xe con đưa đồng chí và tôi đến địa điểm để xe chở hàng”.

“Rõ!”, Lài dập chân đáp nhanh gọn.

B.V.S.

Comments are closed.