Trăng nguyên sơ (Kỳ 4)

Tiểu thuyết

Nam Dao

4. Bạn triều Lý

Tôi là một kẻ chẳng ra gì. Vô cảm. Ích kỷ. Thậm chí không hơn một tay đầu gấu trấn áp dân oan, tàn nhẫn đến mức khi người kêu cứu thì tôi chỉ chăm chăm hỏi nhà ngoại cảm một câu, ngẫm lại mới thấy ngớ ngẩn, là cái thằng anh chết tiệt của tôi ở đâu. Nó ở đâu thì ở, việc gì đến tôi. Thật mà nói, tôi chưa bao giờ coi nó như một người bạn. Nó khác tôi, tất cả. Nó hão huyễn, tôi thực tế. Nó may mắn có cha có mẹ. Tôi, một đứa con hoang. Nó tham vọng đổi đời. Tôi, quần quật với chỉ đời mình cũng đã quá sức. Nó chỗ nào cũng có người yêu. Nhưng tôi, chỉ có độc một người vợ. Nó làm thơ, còn tôi. Tôi là anh chuyên viên kế toán, ngày ngày ghi chép những con số vô hồn, cộng cộng trừ trừ những bài toán sơ cấp giả hình làm dáng quan trọng. Nó có những người bạn được thần nhân mách bảo cách bảo quốc hộ dân. Tôi chẳng quen biết ai, cô độc như một con sâu. Một con sâu róm vì chẳng biết cười hiền hoà, lại lông lá dị kỳ tởm lợm. Ấy thế, tại vì sao mà tôi lại chỉ hỏi được nhà ngoại cảm tên Hằng cái câu hỏi khốn nạn của một thằng điên đi tìm Đào Hạ Trang.

Lẩn về khách sạn, tôi nằm dài, tai vẫn nghe tiếng dân oan kêu khóc, mắt lại hình ảnh ông già giứt nắm huy chương tung lên trời, ông Cụ râu tóc bạc phơ mặt mày buồn bã cạnh một nhà sư tay cầm thiền trượng miệng nói những điều tôi chẳng hiểu gì cho lắm. Khuya hôm đó, tôi mở VTV, chắc chắn thế nào cũng có tin về vụ “khiếu kiện đông người’’ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng bị công quyền giải tán. Nhưng không, chỉ có hình ảnh thi hoa hậu Việt Nam duyên dáng, tin ta được ủng hộ gia nhập “đúp vê tê u”, tin Việt Kiều “vinh danh” đóng góp với đất nước, tin cúm gà, tin heo tai xanh, bò long móng… đều được những cơ quan có chức năng giải quyết kịp thời.

Tôi thiếp ngủ trong tiếng í éo Tivi, bỗng nhiên mơ thấy một thanh niên trạc tuổi mình. Hắn ngơ ngác nhìn quanh rồi ngửa mặt hú một tiếng thật dài. Tiếng hú rít gió khiến mặt hồ Dâm Đàn gợn sóng, chim chóc hoảng hốt đập cánh bay lên trời. Gần đó, Vị sư già trụ trì chùa Phổ Độ tham thiền nhập định liền chín tuần trăng giật mình mở mắt. Sư buột miệng niệm A di đà Phật, nhìn tượng Mầu Ni thếp vàng, tay bắt quyết chữ Tâm. Tượng mấp máy môi, thanh âm nửa hư nửa thực “Tình là bể khổ, chúng sinh nay qui về … Cái đó… là hết ý!”.

Với tay lấy thiền trượng tùy thân thời giặc dã nhan nhản, vị sư già vận sức vào đan điền. Hít ba hơi nguyên khí hạo nhiên, chân bước theo phép Đào Tẩu khinh công, bóng áo vàng xẹt đi như một chớp lửa. Thanh niên chưa hú hết hơi vị sư đã liệng một vòng đáp xuống, miệng mỉm cười:

“Vô lượng thọ Phật. Kẻ xuất gia này xin chào thí chủ! Bần tăng họ Từ, Phương Trượng chùa Phổ Độ. Nghe tiếng hú của thí chủ, bần tăng đoán thí chủ đang phẫn chí khổ tâm…”

Thanh niên mừng ra mặt, vội vã: “Chắc chùa ở quanh đây. Đệ tử dám hỏi một lời, xin đại sư giải đáp cho!” Thanh niên ngập ngừng:

“Dám thưa Phương Trượng, đệ tử lấy VietNam Airline đáp xuống Nội Bài, đi được đâu mười dậm thì hóa ra mình đang trên xe trâu trên đường dời đô từ Hoa Lư đến đây. Đợi trên bờ tả ngạn sông Nhị, đệ tử có biết một thiếu nữ tên Đào Hạ Trang, người gốc Đống Hải, dặn đến Dâm Đàm tìm. Đệ tử đã hú ba ngày ba đêm, nhưng bặt vô âm tín. Đệ tử rập đầu kính thỉnh Phương Trượng giúp cho…”

Từ nhăn mặt:

“Dây oan đây. Người cởi ra, kẻ buộc vào trong cái bể khổ này!”

Bỗng nhiên Từ nhẩy thoắt lên trạc ba cây sung mọc ven hồ. Khinh thân nhẩy xuống, Từ ghé vào tai thanh niên thì thào:

“Đám Tổng Nhị cục đang tiến đến bao vây… Chúng dùng roi điện, búa tạ, lưỡi tầm sét cứ bạ nghe tiếng đồn nào cũng đến vây bủa. Ta phải đi thôi, ở lại thì bần tăng mắc tội tiếp xúc với một khúc ruột ngàn dặm học phép Bến Diễu Bòa Hình đang bị Nội Mật viện cấm! Đi thôi!”

Thanh niên chưa kịp trả lời thì người bốc lên trong tấm cà sa vàng xẹt đi mất tăm, chắc chắn còn nhanh hơn vận tốc siêu âm. Tai ù, mắt nhắm tịt, thanh niên vẫn đủ tỉnh táo tự nhủ, cái gì ở Đại Việt cũng ưu việt, đúng với lời đồn của rợ Đài Loan, rợ Singapore và rợ Kim ở Đại Hàn đang qua đây lấy giống tốt về trồng người.

*

Khi thanh niên mở được mắt, chàng chỉ thấy một màn đêm đặc sệt. Giơ tay lên, chàng chạm vào vách đá ẩm ướt rêu phong. Khí lạnh thấm vào buốt đến xương. Chập choạng đứng lên men ra chỗ có chút ánh sáng hiu hắt, chàng lờ mờ thấy Từ Phương Trượng ngồi xếp bằng tròn, tay chắp trước ngực, mắt nhắm nghiền, huyệt Bách Hội đỉnh đầu bốc một lớp khói trắng.

Thanh niên rập đầu hỏi:

“Bạch thầy, thầy tinh thông quán thế, nhưng tại hạ vẫn chưa được thầy chỉ giáo cho biết Đào Hạ Trang nay ở đâu. Lậy thầy ba lậy, tại hạ không thấy nàng thì chết không nhắm mắt được, xin thầy làm phúc chỉ cho…”

Từ Phương Trượng rứt chiếc lá bách soi trên ngọn bạch lạp, miệng khấn tên Đào Hạ Trang, rồi nhắm mắt thiền quán. Đâu dăm phút sau, Từ mở mắt nhìn thanh niên, nói:

“Quẻ Lữ, thế là đi rồi, hiện ở thôn Đào Xá…”

Thanh niên rập đầu, tức tưởi:

“Kẻ hậu sinh ngu tối, chẳng biết Đào Xá ở đâu, xin thầy chỉ đến nơi đến chốn, kiếp này không đền ơn được thì xin đến kiếp sau…”

Từ nhỏ nhẹ:

“Trước khi đi Đào Xá, bần đạo có việc phải thỉnh cầu thí chủ…”

Nói xong, Từ nhắm mắt, người lặng vào một thế giới khác. Khi Từ mở mắt, vẻ trầm tĩnh cố hữu biến mất. Giọng ảo não, Từ thốt:

“Thái sư Lê Văn Thịnh mưu đồ thoán nghịch ngôi vua Lý Nhân Tông. Cái đám họ Lê này đặt mồ đặt mả thế nào mà đời này qua đời kia hễ cứ nhăm nhe Tể Tướng là lại nghĩ ngay đến chuyện chiếm lấy Lộc Đỉnh của thiên hạ. Thế này thì bần tăng phải cầu thí chủ giúp một tay mới cứu được Vua!”

Nhìn Từ Phương Trượng đang ngước mắt hấp háy ngó ngang, thanh niên thở dài, tiếp:

“Số là cứu ai thì cứu, chứ cứu Vua lắm khi lại thành họa cho chúng sinh…”

Đập tay xuống bồ đoàn, Từ chặn, nghiêm khắc:

“Dù xây chín bậc phù đồ cũng không bằng làm phúc cứu cho một người… Vua thì cũng là người, cứu là cứu một người mà thôi!”

Nghe đến đó, thanh niên ngộ ra lẽ từ bi bao la, liền sụp xuống, đầu đập vào nền đá lát hang, miệng thốt:

“Cứu lấy một con người, dẫu hắn là Vua, là Phật pháp. Đệ lậy ba lậy bái sư, xin t nay qui y…”

Từ Phương Trượng hài lòng, ánh mắt nhân từ nhìn thanh niên:

“Khen cho tiểu tử ngộ được lẽ cơ huyền, hiểu ra căn cơ bản thể của chuyển động là tuần hoàn. Để tránh hỗn mang, một chuyển động vòng với chỉ một tâm điểm là ổn định tối ưu. Vậy ta ban cho tiểu tử pháp danh Nhất Tâm! Từ nay, bỏ cái tên cà chớn đầy bụi là Lơ-mơ lãng tử đi!”

Nhắm mắt, Từ nhỏ nhẹ:

“Nhưng tiểu tử vẫn còn giấu ta một điều…”

“Bạch thày, đệ tử cùng hai người bạn đi tìm một vật quí hiếm có thể Bào Quốc Hộ Dân.”

*

Rậm-ria và Tiểu-quỉ hiện sáng nào cũng ăn phở Thìn ven hồ Hoàn Kiếm đợi bạn, ba ngày sau thì sốt ruột, lắm lúc văng tục không khác gì trẻ bụi đường Hà Nội. Bảnh mắt, Tiểu-quỉ cư ngụ thành Luân Đôn, nơi rượu đỏ ê hề nhất nhì thế giới nên sớm nghiện chất cồn, đòi ngay một ly đế quốc lủi. Nâng lên miệng, Tiểu-quỉ nhõng nhẹo nhại thơ Quang Dũng “Uống đi cho đỏ mũi. Cho lên hương cuộc đời”, tay vuốt mũi, miệng cười khì khì. Rậm-ria húp cạn bát phở váng mỡ, nhếch ria phán:

“Nói cho bạn biết, phải bốn nghìn năm mới làm được bát nước phở thế này đấy, tự hào đi! Này nhé, mùi thì mùi hành thơm nhưng không hắc, nồng nhưng không gây, lại thoáng cái hương gừng gợi vị cay… Gợi thôi nhé, thế mới tài tình. Dân tộc ta là thế, tinh tế…”

Tiểu-quỉ ngắt:

“… và nghèo rớt mùng tơi, huynh ơi!”

Cười hinh hích, Tiểu-quỉ tiếp “nhưng được cái nghèo mà ham, cái gì cũng đòi là nhất, là đỉnh cao!”

Rậm-ria bực bội:

“Nghèo không phải là xấu, giầu không cứ là hay! Bạn phải hỏi, nghèo là vì gì, và giàu thì làm thế nào mà giàu. Và hãy can đảm đối mặt với sự thật, dẫu đau cắt lòng’”

Đưa tay lên vê ria, Rậm-ria búng tay gọi tính tiền phở mắt, trầm giọng:

“Quái thật, sao hắn vẫn chưa tới. E-mail hắn dặn sẽ đi ngay, lẽ ra là đã đến từ hôm kia chứ!”

“Chắc lại có cái bóng hồng nào đó. Em biết tính hắn nên mới đặt là Lơ-mơ lãng tử. Và cứ thấy nhan sắc là hắn động lòng, rồi đi đến đâu thì đi, chết bỏ!”

“Nhưng chuyện chúng ta là chuyện đại sự… Thần nhân lại bảo chú là cả ba người chúng ta hợp lại thì mới có cơ may. Đèo thêm một bóng hồng nào đó vào rồi nhỡ lỡ việc thì sao!”

Người phục vụ, một cậu bé độ mười bốn mười lăm, đến tính tiền với Rậm-ria. Tay này vốn người Hà Nội, trước ở phố Hàng Lược, sau giải phóng thì vào Nam, rồi vượt biên, nổi tiếng hải ngoại với một tập truyện khá hiện thực về cái thực trạng xã hội miền Bắc. Sau đó, Rậm-ria mở một tiệm ăn ở Copenhagen bên Đan Mạch nhưng vừa đóng cửa vì kinh tế Âu Châu đang tuột dốc. Làm ăn bên ngoài khó, Rậm-ria lần này tính kế hồi hương nhưng không nói ra cho ai biết ngoài Tiểu-quỉ. Rậm-ria tay đưa mấy tờ giấy 10000 đồng nhàu nát bẩn thỉu, mắt nhìn cậu bé, hỏi:

“Ông Thìn đâu, mấy ngày tao ra đây ăn mà không thấy. Tao là khách cũ, hai mươi năm mới quay lại đây. Mày nhắn ông ấy là phở vẫn cứ như xưa, ngon lắm…”

Cậu bé cười cười:

“Ông cháu về hưu từ sau Đổi Mới, bây giờ ốm nằm nhẹp ở nhà, mỗi lần ra quán là lại lầu nhầu chửi chúng cháu là phá gia cang, mất truyền thống, cứ kêu nước phở bỏ quá nhiều mì chính. Ông cháu có biết đâu là xương bò đắt, nấu thì phải tăng giá, mà tăng là ế liền… Cháu sẽ nói với ông cháu là khách cũ vẫn khen ngon, để ông cháu yên lòng!”

“Ừ, Rậm-ria đằng hắng, cứ nói thế cho tao. Bảo ông mày là Phở và Chả Giò thành món ăn quốc tế, nổi tiếng còn hơn Điện Biên Phủ và chiến dịch Đại Thắng Mùa Xuân đấy!”

Tiểu-quỉ phá lên cười ằng ặc, đứng dậy bước khỏi quán nằm ngay đầu một cái ngõ hẹp đâm ra đường, nóng đến chẩy mỡ với ba nồi phở đặt trên than hồng, khách đông ngồi chen như ngồi lên lòng nhau, húp nước xì xà xì xụp đồng tấu bản giao hưởng đầu ngày. Ra đến ngoài, Tiểu-quỉ móc máy:

“Huynh khéo miệng thật, người Hà Nội có khác. Em ăn phở Thìn, thấy thua xa phở Hòa ở Paris. Còn so với phở Nguyễn Huệ ở quận Cam Cali thì phở Thìn vừa ít bánh, vừa ít thịt, nhưng được cái là người ăn phở hơn xa nơi khác ở chỗ đói, húp hết nước rồi mà láo liên như sắp liếm cả bát. Ôi, đất ngàn năm văn vật ta ơi!”

“Này bạn, Rậm-ria khoa tay như dọa, xin chớ mỉa mai cái đất này! Bạn sinh sau đẻ muộn, lại yên ổn ở SàiGòn nên nào biết 12 ngày đêm bom B52 cầy xuống đất mà không lay động được lòng người Thăng Long. Nhưng thôi, chúng ta hòa giải với nhau vì công việc chung là phải tìm cho ra cái vật quí hiếm Bảo Quốc Hộ Dân kìa!”

“Thế nước có chông chênh thế nào mới phải Bảo Quốc, dân còn lầm than ra sao nên mới lo chuyện Hộ Dân. Tiểu-quỉ trề môi – Còn nếu cứ ca cẩm bài ca lạc quan tếu thì, ô hô ai tai, lại ru ngủ kiểu ta phở ngon nhất bốn ngàn năm lịch sử, ta đỉnh cao của lương tri thời đại, ta bách chiến bách thắng, đánh ngã nào là Đế Quốc, Thực Dân, rồi Bành Trướng. Nói vậy để huynh vui lòng, đệ nói ngay, nhưng tình thật vẫn không khỏi xấu hổ…”.

Đứng sựng lại, Rậm-ria kìm nóng giận, giọng nghẹn như có ai thò tay bóp cổ:

“Chính tôi là người cảnh báo sự việc “con khỉ không đuôi” ngày còn thời bao cấp, bạn quên rồi ư? Giờ khác, ta có điều kiện hội nhập vào kinh tế toàn cầu, xuất khẩu lao động hầu huấn luyện tay nghề. Cứ xem con em của chúng ta thì biết tôi không thể lầm. Mấy đứa cháu tôi, chúng học từ sáng đến tối, chăm chỉ, biết lo đến tương lai. So với con tôi sống bên Đan Mạch, tôi công nhận chúng hơn nhiều, và tương lai là ở chúng…”

Nói đến đó, Rậm-ria vùng vằng sang lề đường bên kia ven hồ. Tiếng xe Honda thắng gấp, bánh nghiến mặt đường ken két, rồi tiếng chửi: “Địt mẹ mày, thằng dở người, định chết à!”. Tiểu-quỉ theo chân, nhưng nhìn trước nhìn sau, mắt la mày lét. Khi hắn đặt chân lên hè con đường gạch lát quanh bờ hồ, Rậm-ria bảo, giọng vẫn cứ ấm ức:

“Tôi đi tiên phong cho bạn, bạn suýt vừa giết tôi đấy!”

*

Thuyền ngự ra đến giữa hồ. Lý Nhân Tông ngửng mặt nhìn lên trời, thầm khấn: “Kính lạy Hoàng Thiên, kẻ xác phàm mắt thịt này đã xây 21 chùa, dựng 16 tháp, đổi hoàng hậu 6 lần, ăn nằm trước sau với 105 thị tần cung nữ, tha chém cho hơn 300 tên đầu giặc đuôi cướp làm phúc, thế mà sao không có lấy một mụn con. Nay xin phát thệ xuống tóc nếu ước nguyện nối dòng họ Lý này được chứng giám…”. Trời bỗng sáng rực lên từ phương Bắc. Một chiếc thuyền câu vùn vụt lao tới khiến Thái Sư Lê văn Thịnh đi thuyền sau quát thủ hạ đề phòng, binh khí rút ra, tiếng loẻng xoẻng nghe rợn người. Chiếc thuyền câu đảo một vòng. Trên thuyền có ba người. Một người cúi sụp xuống, miệng thưa: “Muôn tâu Thánh Thượng, kẻ tiện dân tình cờ biết đấng Cửu Trùng hạ giá nên đến lạy chào kính chúc Thánh Thượng an khang!”. Nhân Tông chưa đáp thì Lê Thái Sư quát:

“… không có giấy tờ đi lại mà đến tất là mang lòng tà ám, không cho chúng nó thoát, bắt lại!”.

Nheo mắt nhìn xuống thuyền câu, Nhân Tông giơ tay chặn lại, giọng khoan hòa:

“Ngừng lại! Ai như Từ Đạo Hạnh, phải không?”.

Lúc ấy Từ Phương Trượng ngửng lên, miệng hô “Thánh Thượng vạn, vạn tuế!”. Lê Thái Sư phất tay cho đám thủ hạ thu binh khí, giọng thân mật:

“Thì ra là Từ đạo lão. Từ ngày chia tay trên bến Như Nguyệt, xa mặt nhưng chẳng cách lòng, đệ luôn nhắc huynh với Thánh Thượng, nào ngờ hôm nay lại có cái duyên kỳ ngộ này!”

Từ thầm nhủ, khi ấy Lê mới chỉ là một Trung Úy viện Nội Mật chuyên lo an ninh một bến sông quèn, nhưng sau hắn luồn lách thế nào mà Lý tướng quân từng bình Chiêm phá Tống phải về hưu non để hắn tiếm cái chức Thái Sư, lại kiêm Ban Trưởng Tổ Chức, quần thần từ đó chỉ còn là lũ hình nhân không tim không óc. Rạp đầu xuống, Từ bấm bụng, thốt:

“Thiện tai, thiện tai. Bần tăng kính chào quan Thái Sư. Vô lượng thọ Phật…”

Lê đáp lễ, hỏi: “Những ai cùng đi với Từ lão đạo đấy?”. Từ đáp: “Bẩm Thái Sư, đây là Mục Thận và Nhất Tâm, đều là đệ tử tục gia của bần tăng!”. Cả hai thấy Từ nháy mắt, liền rập đầu lạy.

Thình lình một vòng sáng xuất hiện từ phương Bắc, xoay như lốc trên mặt hồ khiến sóng nổi nhấp nhô. Lê Thái Sư quay hỏi viên Phụ Chính, nhưng hắn bảo việc lạ này đột xuất chứ không nằm trong kế hoạch. Chính ngọ, tiếng reo hò nổi lên. Xa xa, ba chiến thuyền buồm sơn đen lao tới. Chiếc đầu, chăng phướn đỏ, góc trái vẽ một chùm sao, bên dưới là hình chiếc búa tạ vắt chéo một cái câu liêm. Có tiếng quát văng vẳng theo gió bay tới: “Vua tôi chúng bay đến góc bể này là đường cùng. Chịu trói rồi dâng đất nước bay cho Thiên Triều thì mói mong sống, nghe chưa!”

Lê Văn Thịnh cười nhạt lơ đi, nhưng Lý Thần Tông vội vã ra lệnh chèo về. Ra đến giữa giòng, trời bỗng mù mây, gió ù ù thốc khiến đàn quạ đập cánh bay lên nháo nhác. Biết âm mưu dùng người nước ngoài giêt vua đã bại lộ, Thịnh làm liều, rút đoản kiếm nhẩy qua thuyền Vua. Bất thình lình, ai nấy thấy một con cọp lông vàng giơ móng vuốt vồ Thần Tông. Nhất Tâm vội xoay gậy điểm vào mõm cọp, miệng la oai oái. Từ Phương Trượng chưa kịp hành động thì Mục Thận quăng lưới. Cọp vùng vẫy, nhưng không sao gỡ ra được, thở khò khè mặc cho Nhất Tâm cứ nhè đít mà đánh đến cả trăm hèo. Lát sau, có tiếng người thốt lên: “Thôi, đừng đánh nữa, tôi đau quá rồi!”. Trong lưới cá, Thái Sư Lê Văn Thịnh nằm chèo queo, tay ôm mặt, tay ôm đít. Chuyện này được ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nói rõ Vua tha tội chết cho Thịnh, đánh xuống làm thứ dân, đầy lên trại Thao Giang. Còn Mục Thận thì được Vua ban cho đất Tây Hồ làm thực áp. Sử thần Ngô Sĩ Liên đời sau bàn: Kẻ làm tôi (phạm tội) thí quân cướp ngôi mà được miễn tội chết , thế là sai trong việc hình, lỗi ở Vua tin sùng đạo Phật.

Nay nói về Từ Phương Trượng và Nhất Tâm. Về đến Kinh, Vua hỏi muốn thưởng gì thì Từ quì xuống xin cho xây một ngôi chùa lấy tên là Phật Tích, đời đời ghi đức giáo hoá lẽ sắc-không của đức Thích Ca Mầu Ni. Về phần Nhất Tâm, chàng chỉ xin đưa chàng đi Đào Xá. Vua thấy lạ gặng hỏi nhưng chàng đỏ mặt lên cười bẽn lẽn.

Từ Phương Trượng tiễn Nhất Tâm đến Gia Lâm thì ngừng chân, nói :

“Vui duyên mới chớ quên nhiệm vụ nhé!”

Nhất Tâm ngạc nhiên hỏi: “Nhiệm vụ gì, thưa Sư Phụ?”. Từ nhắc:

“Thì đi tìm cái vật Bảo Quốc Hộ Dân ấy, quên rồi à!”

Nhất Tâm ứa nước mắt, ôm lấy chân thầy. Đỡ đệ tử lên, Từ thì thào:

“Có thể vật ấy ở đáy núi Nùng, nơi thông ra sông Nhị. Nó mang hình dạng cái chày thọc vào cối, tức là Nõ-Nường trong truyền thống phồn thực. Ta nghe thời Bắc thuộc Cao Biền chôn vật đó để trấn yểm dân khí An Nam, khiến trong đất nước này người người tham lam, nhà nhà gian dối, ai nấy lo no cơm ấm cật cho mình chứ chẳng thèm biết đến người khác, đời đời kiếp kiếp cãi cọ tranh giành đánh đấm lẫn nhau. Lấy được Nõ-Nường, con tế trời đất rồi khiến cho âm thuận dương hòa, diệt mầm chia rẽ làm con dân Đại Việt không mở mày mở mặt ra được! Nhưng muốn âm thuận dương hòa thì phải đến núi Nà Mèo gần Mường Lát ở Hòa Bình – Từ ghé vào tai Nhất Tâm – … và làm thế này, thế này…”

Nhất Tâm lĩnh ý thầy, lậy tạ rồi nhẩy lên con ngựa trắng Vua ban, ra roi chạy về phương Nam.

*

Rậm-ria và Tiểu-quỉ loanh quanh trên 36 phố phường chờ Lơ-mơ lãng tử. Hai chàng hơi bị buồn, liền nhắc những chuyện tình nghĩa. Cách đây gần một thập niên, Tiểu-quỉ rủ Lơ-mơ sang Copenhagen thăm Rậm-ria. Buổi trưa, khi tiệm ăn hết khách, ba người ra vườn sau bù khú. Rậm-ria nghiêm trang:

“Chẳng phải lúc nào cũng có cái duyên hội ngộ này, nhớ tích kết nghĩa vườn đào của Lưu-Quan-Trương, sao nay ta không uống một chén thề, thề rằng sao đổi vật dời, ta vinh nhục có nhau, như anh em ruột thịt?”

Tiểu-quỉ cảm động, nước mắt rưng rưng, cầm ly lên ực ngay rồi rót thêm một ly cho mình, thốt: “Sẵn sàng!”. Ôm vai Tiểu-quỉ, Rậm-ria quay nhìn Lơ-mơ:

“Còn ông anh, ông phải là Lưu Bị mới được!”

Lơ-mơ nguây nguẩy:

“Kết nghĩa thì number one rồi, nhưng vườn không cây, chỉ có độc một chậu quất làm kiểng… Và Lưu Bị thì kẻ hèn này chẳng dám nhận…”

“Thì kết nghĩa vườn quất, trượng phu ai đi câu nệ chuyện lặt vặt! Nhưng tại sao huynh chê chức Lưu Bị?”

“Lý do… có tính bản chất. Lơ-mơ hắng giọng – Hai vị huynh đài còn nhớ, khi Triệu Tử Long bế được ấu chúa A Đẩu về trao tận tay cho Lưu Bị thì hắn đối xử ra sao không? Hắn quăng đứa con còn ẵm ngửa xuống đất, kêu vì mi mà ta suýt mất một chiến tướng rồi ôm lấy Tử Long khóc mùi. Đệ cho thế là hoặc Bị giả dối làm màn biểu diễn ân nghĩa chủ tướng trước ba quân, hoặc hắn chẳng có chút tình gì ngay với đứa con hắn đẻ ra. Vậy thì đệ không cam tâm làm Lưu Bị đâu!”

Rậm-ria thở dài nhưng Tiểu-quỉ nhẩy quẫng lên vỗ vai Lơ-mơ:

“Nếu huynh chê Lưu Bị thì đệ cũng chẳng hợp gì với Quan và Trương. Vân Trường thì phò nhị tẩu mà không lăn tăn, hẳn khác tạng đệ. Còn Trương Phi thì đen thùi lùi, lại nóng nẩy hay làm càn. Phần đệ, huynh nhìn xem. Đệ trắng trẻo thế này- Tiểu-quỉ uốn éo đứng lên- lại cơ trí hơn hắn nhiều. Nếu hai vị đồng ý, cho đệ làm Triệu Tử Long đi, oách hơn hai tên kia nhiều!”

Rậm-ria gật:

“Muốn làm ai thì làm, quan trọng là nội dung. Và nội dung là chuyện kết nghĩa với nhau. Nào, nâng ly!”

Tiểu-quỉ vui vẻ, nhắc nào, nào, và hào hứng:

“Ba anh em ta phải làm một cái gì chung với nhau mới được!” Nhìn hai vị huynh đài ngơ ngác, Tiểu-quỉ cười hà hà, đề nghị: “Ta viết chung một tiểu thuyết chẳng hạn. Văn chương mà chỉ thuần truyện ngắn thì “đoản” lắm. Nhị vị huynh đài thấy thế nào?”

Lơ-mơ giật mình, khép chân lại thủ thế, tự nghĩ mình mới có chục bài thơ lục bát, hổ thẹn thầm nhủ chớ đánh đu với tinh. Rậm-ria cười cười hỏi, nhưng viết gì cơ chứ? Tiểu-quỉ vỗ vào đầu bình bịch, kêu toáng lên:

“Cái viết thì trong này rồi. Ta lấy tít là Bạn Triều Lý. Đệ nghĩ cả năm nay mới được hai câu đầu vào truyện. Nghe đây: Mặt hồ Dâm Đàm chao nghiêng khi chim báo bão đập cánh trên đầu rừng cây cơm nguội gập mình trong gió đầu đông se sắt lạnh hơi đồng. Lúc ấy, đoàn di tản từ Hoa Lư về Thăng Long dừng lại trên bờ sông Nhị, ngơ ngác nhìn về phương Nam, luyến nhớ quê cha đến cất chân không được, tay đưa lên chùi những giọt lệ ròng ròng chảy trên má trên môi…”

Dĩ nhiên, tiểu thuyết ấy chưa sinh thành để đánh động văn hóa Giao Chỉ, gần đây lạm phát thơ và truyện chớp, rất phù hợp với xu thế nghe-nhìn, ăn fastfood, uống coca. Lý do thì nhiều, kể ra làm gì, lực bất tòng tâm là chuyện bình thường đối với lớp đặc tuyển một dân tộc thông minh, cần cù và hiếu học. Chỗ nào cũng vậy, ấy cái nước mình nó thế, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc!

Đợi đến ngày thứ năm, cả hai sốt ruột, phải uống bia liên tục. Ngà ngà, Rậm-ria nhìn Tiểu-quỉ, hỏi:

“Thần nhân có mách bảo thêm điều gì trong mơ nữa không? Hay là chuyện mơ mộng lại là chuyện nhà văn đi tìm hứng?”

Nghe đến đấy, vốn mơ ước làm chuyện lớn, Tiểu-quỉ nghiến răng nhẫn nhục nhìn ra dòng xe máy chạy vòng vòng quanh bờ hồ. Quả thật thời gian sau này Tiểu-quỉ than mất phong độ, loay hoay tìm đường đổi mới, đang âm mưu thành trưởng môn phái Z. Phải nói ngay, mười năm trước, khi Tiểu-quỉ xuất hiện thì giang hồ nổi sóng, hải ngoại kêu nếu trong nước có ông truyện ngắn Hua Tát với thủ pháp hiện thực trần trụi thì ở ngoài ta có Tiểu-quỉ, nhà văn trẻ dùng thủ pháp hiện thực huyền ảo, nhìn ra cái chết sau quá khứ dập vùi vì pháo thuyền trên giòng Dương Tử. Văn phái Z chủ trương đổi D và cả GI thành Z, ziải phóng chị em, tranh đấu cho nữ quyền, đòi hỏi bạch hóa zâm zục, zia ziết, ziậm ziật. Một số nhà văn gốc Bắc nói ngọng R thành D, tuyên bố thực sự cách tân, đòi biến cả R sang Z, chẳng hạn zun zẩy, zùng zợn, vv… Miền Nam thành đồng, cũng nói ngọng, đi vô thành đi zô, đề nghị đổi V thành ZZ, thí zụ, đi về thành đi zzề, vẩn vơ thành zzẩn zzơ. Tiểu-quỉ yêu cầu trật tự, ra nghị quyết bỏ ZZ, chủ yếu zùng đúng ba tiêu chí, đứng hàng đầu là Zâm Zục, sau mới đến Zùng Zợn, và chót cùng là Zạo Zực. Lý zo đưa ra, zăn chương miền Bắc có truyền thống nên thủ cựu phải lên hàng đầu, còn miền Nam, đứng sau, bù lại được hai tiêu chí đổi R thành Z, vì tiền nhân dặn miền Nam “đi sau nhưng về trước”.

Thấy Tiểu-quỉ im lặng, Rậm-ria cười cười:

“Sao tôi hỏi mà bạn không đáp, khinh nhau thế!” Rậm-ria mỉa: “Thần nhân mách bảo trong mơ cũng huyền ảo lắm đấy chứ! Nhưng đâu cứ phải đợi Trăm Năm Cô Đơn của châu Mỹ La Tinh! Tây Du ký, rồi Liêu Trai Chí Dị mà không huyền ảo à? Nhà văn đâu cứ phải học ngoại ngữ rồi đi bắt chước như khỉ đâu…”

Trúng chưởng, Tiểu-quỉ hộc một đống máu bầm, người cong xuống, mắt đỏ lừ ngước lên, trả miếng:

“Nhà văn cũng không cứ phải thật dốt, và viết lách như pha mắm muối, làm mãi một món Tự Lực Văn Đoàn! Cuối cùng, đóng cửa tiệm vì thế thì… ăn mãi phải chán!”

*

Tiểu-quỉ không dằn được nữa, nói thẳng:

“Tưởng anh vì cái vật Bảo Quốc Hộ Dân, rủ đi dọ hỏi, nhưng suốt thời gian về đây anh chạy qua Bát Tràng xem cái khả năng xuất đồ gốm bán sang Âu Châu, nại rằng dọ hỏi thì có thể rầy rà mang tội danh gián điệp…”

Rậm-ria tái mặt, nhưng bình tĩnh đáp:

“Bạn biết không, bây giờ khác thời cấm chợ ngăn sông, ta đã mở ra hội nhập với cả thế giới. Thế thì, xuất khẩu lấy ngoại tệ là cần lắm chứ. Với lại tôi tìm gốm Bát Tràng vì đó là sản phẩm truyền thống, chăc chắn sẽ làm vẻ vang cho văn hóa ta, đâu phải chuyện thường!”

“Tiệm ăn đóng cửa, anh kẹt không biết xoay sở thế nào nên mới vẽ chuyện ra chứ đừng nói kiểu vẹt là làm giầu tức yêu nước, đúng theo khẩu hiệu dân giầu nước mạnh. Về đây, anh thấy anh em họ hàng ai cũng bán nhà trong phố cổ lấy cả năm ba trăm cây vàng, anh mới tiếc, anh nghĩ anh xưa vượt biên là một lầm lẫn… Bây giờ, cái gì trong nước cũng tốt, cũng đẹp. Cha mẹ thì tảo tần găm hầu bao đợi ngày Việt Nam lên sàn thị trường chứng khoán, con em thì học đến mụ người ra, ngày không dưới 10 giờ, học trường rồi đi học bổ túc, để hướng tới tương lai… Anh có biết hôm qua vụ nổ ở Hồ Tây là do dân oan “khiếu kiện đông người” không? Hiện nay, mỗi năm như vậy trung bình có 200000 vụ đòi nhà đòi đất, đòi cả năm mười năm mà chính quyền lơ đi trong khi một ngàn năm trước, Lý Thái Tông cho phép người khiếu kiện có quyền gõ mõ vào thẳng cung Vua, và xử thì chỉ trong 10 ngày là giải quyết! Xã hội công bình sống theo nếp sống văn minh ở đâu?”

Rậm-ria bị Tiểu-quỉ dập pháo liên tục, ngạc nhiên nhưng lấy vẻ mặt nghiêm và buồn, chép miệng:

“Thời kỳ quá độ, chỗ nào chẳng vậy! Chuyện ba chúng ta về đây, làm sao tôi quên được, nhưng phải chờ Lơ-mơ có mặt, mà hắn thì thế là 5 ngày nay trốn biệt chẳng hiểu ở đâu! Còn chuyện phê phán xã hội, bạn cứ chờ, chúng ta sẽ làm cho ra lẽ…”

Một chiếc Honda ghé vào lề. Người ngồi trên vẫy Rậm-ria, ới:

“Doanh nhân yêu nước ơi! Lên ngồi sau ngay, ta đi, trễ giờ đến nơi rồi!”

Nhẩy lên xe, Rậm-ria hẹn về ăn trưa. Tiểu-quỉ trề môi:

“Chắc đàn anh lại sang Bát Tràng làm cái việc vẻ vang cho văn hoá ta chứ gì!”

*

Nhất Tâm cắm một bó nhang, vái ba vái, rồi phủ phục trước nấm mộ trên cắm một cái bia đá khắc chữ ngoằn ngoèo. Trăng bán khai thuở nguyên sơ lấp ló e thẹn sau những đám mây bạc lởn vởn vờn quanh chọc ghẹo. Không kìm được, chàng nức nở buột miệng:

“Ta đến đây nhưng nàng nay đâu? Gào tên nàng đến rách họng ở Dâm Đàn, rồi trải qua một cuộc phân tranh chính-tà khiến mạng ta tưởng đã đến chỗ tuyệt, ta mới biết nàng ở Đào Xá. Nhưng, thật đau đớn cho ta, nấm mồ này là nơi nàng vùi xác tục để hồn phiêu diêu về chốn Niết Bàn… Đào Hạ Trang nàng hỡi, mối tình này thác xuống tuyền đài cũng chẳng thể nào tan…”

Nhất Tâm đập đầu vào thành mộ, máu toé ra có vòi. Thiếu nữ quì đằng sau nhẩy xổ lại lôi áo, miệng hốt hoảng:

“Công tử, chớ liều mình, mệnh hệ có thế nào là liên lụy đến cả làng tiện nữ!”

Đó là Đào Nhí, người gặp Nhất Tâm chiều hôm nay. Nhất Tâm hớn hở hỏi: “Cho tôi hỏi cô Đào Hạ Trang, người làng bảo nhà ở đây!”. Đào Nhí ngạc nhiên: “Dạ đúng, nhưng bà cô tổ dòng họ Đào chúng tôi đã mất từ đầu triều Lý Thái Tông rồi!”. Nhất Tâm tưởng mình bị lỡm, cười: “Cô nương đùa? Tôi mới được đức Vua Lý Nhân Tông, cháu gọi Thái Tông bằng ông, cho con ngựa trắng này hôm qua để đi đến đây…’’. Đào Nhí, mặt nghiêm trang, vòng tay ngắt: “Công tử chê chúng tôi là người cầy sâu cuốc bẫm, nhưng dẫu ngu hèn đến đâu chúng tôi cũng biết năm nay là năm Nhâm Tý, Thiên Thuận năm thứ năm tức năm 1132 sau Công Nguyên. Ngày sinh nhật vua Lý Thần Tông được 17 tuổi, Vua vừa ban chiếu báo rồng vàng từ điện Vĩnh Quang bay ra cung Lệ Quang, miễn sưu thuế cho toàn dân một năm…”. Nhớ đến lời Từ Phương Trượng báo sẽ trút xác để nhập vào Dương Hoán lên làm Vua, Nhất Tâm vội vã: “Có phải Thần Tông kế vị Nhân Tông không, thưa cô nương…”. Nhìn Đào Nhí gật đầu, Nhất Tâm tính nhẩm rồi thốt: “Ta đi từ sáng, chiều đến đây nhưng thế mà lại mất đến trên 17 năm…”. Thất thanh kêu: “Thế Đào Hạ Trang đâu?”, Nhất Tâm ngã vật ra đất, nằm hôn mê cho đến đêm. Khi tỉnh dậy, Đào Nhí báo bà cô tổ họ Đào nổi tiếng ca ngâm từ thời Lý Thái Tổ đã qui tiên được 133 năm rồi. Nước mắt đầm đìa, Nhất Tâm khẩn khoản xin Đào Nhí đưa mình ra viếng mộ. Không ngờ người đàn ông này liều mình quyên sinh, Đào Nhí lấy lá nhai ra đắp vào trán rách toạc một đường, nắm quần Nhất Tâm, giọng run run: “Công tử chớ dại, tiện nữ xin lấy thân này đền duyên cho bà cô tổ, chứ nói dại công tử chết thì… thì…”. Bất chợt, có tiếng cười, rồi tiếng hát lảnh lót vẳng lại từ trăm năm trước:

Yêu nhau, cởi yếm í à cho nhau

Về nhà dối cha dối mẹ,

dối rằng ơ à qua cầu mà gió bay, í a…

*

Rậm-ria và Tiểu-quỉ nhẩy nhổm lên reo khi Lơ-mơ lãng tử thò mặt vào quán phở Thìn. Kéo Lơ-mơ ngồi xuống, Tiểu-quỉ ngạc nhiên hỏi:

“Ủa, ăn mặc thế này? Anh làm thầy chùa từ khi nào vậy?”

Dựa cây Đả Cầu bổng vào chân bàn, Lơ-mơ nhỏ giọng:

“Từ thời Lý, chuyện cách ngàn năm nay, tìm chỗ vắng vẻ tôi sẽ từ từ thuật lại cho các bạn, thề không giấu diếm gì cả. Vả lại…”. Lơ-mơ nhìn khách ăn phở xung quanh, im bặt.

Ba người kéo nhau ra ngồi trên ghế đá bắc dưới cây đại thụ rễ sần sùi trườn lên khỏi mặt đất cạnh đền Ngọc Sơn. Tiểu-quỉ vừa châm thuốc, hút chưa được một hơi thì tiếng xe bình bịch chí ít cũng trên 200 phân khối đập vào màng nhĩ chói chang. Có tiếng cười ngạo nghễ: “Ba anh giai đi bụi…”.

Lời chưa dứt, xe đã vọt qua, đen trùi trũi như một con ngựa không cương hóa dại lồng lên. Rậm-ria lắc đầu:

“Dân Hà Nội nay giầu, ăn chơi cũng hạng nhất!”

Quay đi ngoảnh lại, chàng kỵ mã cưỡi chiếc xe đã sáp lại:

“Một vòng bờ hồ, mất đúng 3 phút 26 giây, anh giai nghĩ thế nào? Thi quốc tế được chứ?”

Tiểu-quỉ ngắm thanh niên thân cao mười thước, vai ngang tám tấc, tay dài như tay vượn, mặt vuông vắn chữ điền, nhếch miệng cười thiện cảm, ỏn ẻn:

“Quá được! Nhanh hơn cả công an giao thông. Con xích thố này mua đâu mà giống tốt thế?”

“Khá khen kẻ mắt xanh nhìn ra ngựa quí. Mượn của Vân Trường làm dăm ba phi vụ, nhưng nếu anh giai muốn, thương lượng thuận mua vừa bán thì cũng có thể để cho anh giai dùng…”

Rậm-ria chen vào:

“Phi vụ gì mà cần ngựa tốt thế này?”

“Chẳng nói giấu gì ba anh, kẻ hèn này kinh doanh với thương hiệu ‘Ân Trả Oán Đền’, tiền trao thì bảo đảm giao hàng trong ba ngày. Bảng giá như sau. Chém chân hoặc tay phải: 300000 $, Chân hoặc tay trái: 200000$. Thanh toán phần xác, bằng dao: 2000000$, bằng súng: 1500000$. Tạt át xít (vào mặt để đánh ghen): 1000000$… Công ty có giá khuyến mại vào dịp Tết, Giáng Sinh và ngày lễ Độc Lập… Các anh có cần dịch vụ nào không?”

Trời bỗng tối sầm xuống. Thanh niên một tay che mắt, tay kia chỉ lên không, mồm nói:

“Anh giai xem gấu đang gặm mặt trời kìa!”

Quả thế, một chớm đen như mõm chó lấn vào vòng sáng khiến mặt trời lẹm đi, lát sau chỉ còn là một lưỡi liềm có viền sáng như lửa bắt quanh. Bóng tối ngay giữa ban ngày khiến chim chóc chíu chít nháo nhác, gà hoảng hốt o e, chó tru lên từng hồi tựa chừng hóa dại. Thế gian chìm vào một chậu mực tím khổng lồ. Tiếng ngựa hí. Tiếng quát: “Chẩu, chẩu”. Ba người níu vào nhau. Lơ-mơ bảo: “Đừng buông tay ra, kẻo lạc!”.

Gấu ăn no, nhả dần con mồi. Mặt trời ló dạng, thiên nhiên như lột xác nhưng lơ ngơ như một đứa bé dở người đang lớn. Tiểu-quỉ chợt rú lên: “Tháp gươm biến đâu mất rồi?”. Rậm-ria ngoảnh lại, hoảng hốt: “Cái đồng hồ trên nóc Bưu Điện cũng không còn…”. Lúc bấy giờ, Lơ-mơ sống lại cảm giác ngày chàng vào Hà Nội, xe chở khách của Việt Nam Airline hóa thành xe trâu trên con đường dời đô từ Hoa Lư về theo chiếu chỉ cũa Lý Thái Tổ. Nhìn quanh, đám phụ nữ đều mặc yếm trắng váy thâm chứ không còn điệu đàng quần xệ áo thun môi đỏ má hồng. Đám đàn ông kẻ đóng khố người cởi trần mình mẩy xâm hình rồng rắn chứ chẳng hoành tráng vét-tông kà-vát mặc dầu trời nóng xấp xỉ 30 độ C. Lơ-mơ thốt:

“Chưa biết năm nay là năm nào, nhưng chắc chắn chúng ta đã quay về thời Lý!”

Nhẩn nha, Lơ-mơ thuật lại chuyện đi tìm Đào Hạ Trang, bái Từ Đạo Hạnh làm thầy, cứu giá Lý Nhân Tông, cuối cùng khóc trên mộ Đào Hạ Trang đã ra người thiên cổ, và rồi từ chối ước nguyện xe duyên của Đào Nhí, cô bé gọi Hạ Trang bằng cố tổ. Nhỏ nhẹ, Lơ-mơ chắp tay vái bạn:

“Xin hai vị huynh đài từ nay gọi tại hạ là Nhất Tâm, pháp danh do sư phụ ban cho đệ!”

Chưa biết Rậm-ria và Tiểu-quỉ đáp ứng thế nào thì vó ngựa cồm cộp đập trên đá lát, và tiếng ồm ồm: “Nỉ hảo, nỉ hảo!”. Đó là thanh niên ba người gặp trước Nhật Thực, cưỡi xích thố chạy ngang, vừa ra gioi vừa thét :

“Mại zô, mại zô dịch vụ Ân Đền Oán Trả. Chính Tổng Giám Đốc là Triệu Tử Long đi khuếch mại, mua một cho một, bảo đảm không vừa lòng sẽ hoàn trả tiền. Mại zô…”

Về chuyện đi tìm vật quí hiếm Bảo Quốc Hộ Dân, Nhất Tâm không giấu diếm, kể ngọn ngành cho bạn nghe. Rậm-ria trầm ngâm:

“Xuống đáy núi Nùng chỗ thông ra sông Nhị thì phải nhờ ông chú mình trong chiến tranh chống Mỹ nguyên phụ trách hệ thống địa đạo trong nột thành để bảo vệ những yếu nhân khi bị bom. Nói, chắc ông cụ sẽ giúp, nhưng chắc chắn ít nhiều cũng phải có tí thù lao. Đất nước ta còn nghèo, nhất là những người chót vể hưu! Đồng ý như vậy nhé.”

Dĩ nhiên. Ba người bạn triều Lý ngoéo tay nhau, cách ký hợp đồng mười kỷ trước thời hiện đại.

*

Chuyện không thể ngờ nổi khiến Nhất Tâm choáng váng ngã ngồi xuống đất. Rậm-ria đỡ Nhất Tâm lên, giọng hậm hực:

“Tiểu-quỉ thuê Triệu Tử Long đến dậy cho tôi một bài học, bạn ạ! Nhưng tôi chạy được! Bây giờ, tôi nâng giá để Triệu Tử Long dậy lại cho Tiểu-quỉ cũng bài học ấy…”

Thấy Rậm-ria còn đủ cả chân tay, mặt mũi nguyên vẹn chưa bị a-xít tàn phá, Nhất Tâm yên lòng, can:

“Không thế được! Hưu chiến để bàn bạc. Chúng ta đã kết nghĩa vườn quất năm nào, thề sinh tử có nhau, một thằng chết thì hai thằng kia chết theo. Phần tôi, chưa tìm ra vật quí hiếm thì tôi còn muốn sống, bạn hiểu chứ!”

Nói xong, Nhất Tâm đi tìm Tử Long, đề nghị:

“Tôi trả ngài giá gấp ba, nếu như ngài để cho chúng tôi bình yên, tránh được nội chiến!”

Tử Long cười, không nói yes, không nói no, chỉ buông thõng “để xem!”. Trước cái thế lơ lửng con cá vàng kiểu gươm treo trên cổ nền hoà bình đang bị đe doạ, Nhất Tâm quyết định tìm hỏi Tiểu-quỉ cho ra lẽ.

“Hiền đệ, sao mà đến cớ sự này?”

“Đệ không muốn trả cái giá 3 triệu cho ông chú Rậm-ria làm hướng đạo xuống đáy núi Nùng, chê đắt thì Rậm-ria bảo đệ không có lòng với những công thần chống Mỹ cứu nước, tính toán như một thằng tài phiệt rẻ tiền kiểu lũ tư sản mại bản miền Nam trước 75… Đệ đáp, tư sản thế còn hơn bọn lợi dụng nhân công trong nước làm đồ mỹ nghệ như gốm Bát Tràng bán đổ bán tháo cho Tây Phương, giá trả cho người lao động chỉ 2 đến 3% giá bán lẻ bên Âu Châu. Rậm-ria bảo thế cũng còn hơn bọn thầu khoán ở Sài Gòn thời Thiệu-Kỳ ăn cắp để có tiền gửi con đi học trường Tây như đệ… Huynh bảo, chửi đến cha đệ mà đệ không phản ứng thì đệ là cái giống gì?”

Đợi Tiểu-quỉ dằn xúc động xong, Nhất Tâm dịu dàng:

“Thế Tiểu-quỉ phản ứng thế nào?”

Nuốt nước bọt, Tiểu-quỉ nói một thôi:

“Đệ bảo, thứ nhất Rậm-ria về đây là đi kiếm mối làm ăn, và làm thì phải móc nối với những kẻ có thế lực, có tiền, chứ cái quán ăn ở Copenhagen chẳng đáng một đồng chinh. Để “sửa soạn tâm lý thuận lợi”, Rậm-ria nay nói ngược tất cả những điều đã nói cái thời “con khỉ không đuôi”, huyễn tưởng nào là tương lai qua lớp trẻ hiếu học mà thật ra học chỉ vì cha mẹ ham bằng cấp, học thật thì ít, cái học thuộc lòng sau này biến mình thành vẹt thì nhiều. Thứ hai, nói đến ăn cắp thì thời Thiệu-Kỳ có, nhưng so với thời “đúp bờ vê tê u” này thì hơi bị lép, và nay chẳng chỉ ăn cắp mà còn ăn cướp, rút ruột đến 40% ngân sách những công trình phải vay quốc tế thế này thì chẳng khác gì bán nước vì con cháu sẽ nợ đời đời kiếp kiếp, đành bán đất, bán trôn nuôi miệng. Thứ ba, Rậm-ria cứ cho mình là nhà văn, nhưng thật mà nói, 15 năm qua chẳng viết được một cái gì đáng viết. Đồng thời, Rậm-ria ấm ức với cái nghề “nhà bếp”, chê bai dè bỉu mọi người, mở mồm là giọng điệu làm cha thiên hạ bắt chước kẻ Rậm-ria tâm phục là MT, cũng lại một nhà văn hiếm đẻ, bế tắc uống rượu, làm dáng quên mình…”

Nhất Tâm giơ tay ngăn, miệng nói “thôi, thôi!” nhưng Tiểu-quỉ tiếp:

“Để đáp đệ, Rậm-ria đi và độ hai mươi phút sau thì công an đến tìm đệ ‘làm việc’. Huynh biết về việc gì không? Họ hỏi cái vật quí hiếm ta đi tìm là vật gì, huynh là ai, vân vân và vân vân?”

Nhất Tâm rùng mình. Cục diện bây giờ khác rồi. Tiểu-quỉ thở dài:

“Đệ nghĩ đệ thôi cái việc đi tìm…”

Nhất Tâm thấy mình bỗng thật cô đơn. Không, không thế được! Dẫu một mình, chàng tự nhủ, sống chết ra sao thì cũng bất cần, ta phải tìm cho bằng được cái vật Bảo Quốc Hộ Dân, tìm như tìm ý nghĩa chính đời mình. Vả lại, cơ may đến thế, bỏ lỡ thì có ai thay ta mà làm cái việc sinh tử này. Cố kìm tiếng thở dài, chàng nói nhỏ:

“Dẫu gì thì cũng chớ hợp đồng với Triệu Tử Long. Biết đâu nó lừa, trúng kế là thân bại danh liệt. Rậm-ria cũng liên lạc rồi điều đình với Tử Long dậy cho đệ một bài học. Chuyện mỗi ngày một rách, cũng chỉ vì… Phần ta, ta đi dàn xếp với Rậm-ria cho êm thắm… Ta hẹn đệ mai ở đây!”

Đúng hẹn, Nhất Tâm cùng Rậm-ria đến Thủy Tạ, nơi bán nước giải khát ven hồ trông sang bên kia là đền Ngọc Sơn. Tiểu-quỉ đã có mặt, đang uống bia với hai người con gái. Một tên Đài Trang, trán dô, răng khấp khểnh, mắt ma quái, dáng cao cao, người mình dong. Tiểu-quỉ giới thiệu đây một thành viên của Văn phái 3Z đang độ tiếng nổi như cồn. Người kia, tên Ban Mai, tóc dài, mặt trái xoan, mũi thanh thanh, miệng lúc nào cũng như đang cười. Chuyện trò một lát, Ban Mai đứng dậy nói: “Chúng em biết các anh bận việc, xin phép đi trước, hy vọng có dịp gặp lại”

Đúng lúc đó thì Thụy, một người bạn của Đài Trang, xuất hiện. Anh ta cũng chào rồi cùng đi với Trang và Mai, hẹn ba người bạn triều Lý nếu rảnh tối đến ăn bò tùng xẻo trên đường Cổ Ngư sát Hồ Tây.

Bây giờ, chỉ còn ba người. Nhất Tâm xin phép nói trước, tóm tắt sự việc và kết luận: “Chúng ta về đây với những nỗi niềm bức xúc, mỗi người một khác, nhưng chẳng ai thật sự vui được! Vậy thì, nghĩ đến mối thâm kình kết nghĩa, tạm chia tay nhau, ký hiệp định hòa bình, ngưng gửi quân hay khí giới nhằm chiếm thế thượng phong nhưng thật mà nói, chỉ có lợi cho công an và Triệu Tử Long mà thôi. Còn chuyện Bảo Quốc Hộ Dân, thôi cứ để đó. Chuyện này bây giờ lộ rồi, cục diện đã đổi, sẽ phức tạp hơn nhiều…”

Cả Rậm-ria và Tiểu-quỉ đều gật đầu. Nhất Tâm vui vẻ:

“Để kỷ niệm cuộc hàn huyên không đổ vỡ, xin mừng chúng ta một chai rượu tình…”

Đi ra quầy, Nhất Tâm gọi một chai Napoleon VSOP và xin 3 cái ly pha lê. Đến lúc quay lại bàn, Nhất Tâm nghe từ xa tiếng Tiểu-quỉ và Rậm-ria nổi lên như đánh nhịp cho nhau:

Tao bế tắc

Mày bế tắc

Nó bế tắc

Chúng ta bế tắc

Các anh bế tắc

Chúng nó bế tắc

Nhìn mặt Tiểu-quỉ xanh lè, mũi đỏ hẳn lên vì xúc động, mắt đục ngầu. Nhìn mặt Rậm-ria tái ngắt, gân xanh thái dương co giật, ria quặp xuống. Nhìn mình thoáng qua trong bức gương choán nửa bức tường, cô đơn, hụt hững, Nhất Tâm ứa nước mắt. Khi đến cạnh hai người bạn nay như hai hình nhân chỉ biết chia nhau một động từ, Nhất Tâm nghẹn ngào:

“Cả thế gian này bế tắc!”

N.D.

Comments are closed.