Trăng nguyên sơ (kỳ 6)

Tiểu thuyết

Nam Dao

6. cõi tình

Đêm hôm đó, tôi nằm nghe anh con trai Mế ngáy, ngắm trăng chờ sáng trong gian bên giành cho đàn ông. Cạnh bếp là gian đàn bà, Ban Mai chuyện trò gì với Mế đến khuya, thỉnh thoảng lại rúc rích cười. Câu Ban Mai nói, thế anh là người hạnh phúc rồi, lại vang lên như tra hỏi. Tôi có công việc đúng nghiệp vụ chuyên môn. Ăn, tôi đủ. Mặc, cũng đủ. Con hai đứa, chẳng thể bảo là hư, học mãi rồi cũng tốt nghiệp đại học, và rồi chúng sẽ có công ăn việc làm trong một thế giới văn minh phát triển. Vợ tôi, không xấu không đẹp, không khôn không dại, chẳng đòi hỏi gì, sống hiền lành yên phận. Tóm lại, sau một thời ấu thơ có chút mùi tủi nhục côi cút, đời sống tôi an bình đều đặn trôi như bốn mùa một năm. Ai cũng bảo tôi thế là hạnh phúc.

Nhưng tại sao khi nói với Ban Mai, tôi lại bảo biết thế nào là hạnh phúc? Thế còn Ban Mai. Tôi tự trách, sao tôi không đủ quan tâm để hỏi câu Ban Mai hỏi tôi, em có hạnh phúc không? Dang dở như Ban Mai, chắc nàng sẽ bảo không! Có phải vì sợ phải nghe thế nên tôi không can đảm hỏi chăng?

Đêm cứ dài ra với những tồn nghi không giải đáp. May mà gà gáy sáng, một con, rồi sau đó, tiếng gà cất lên từ đầu đến cuối bản. Chúng tôi lục đục uống nước chè, ăn vội nắm xôi, lên đường đi về Mường Thàng khi nắng vừa le lói sau những chòm cọ đâm nghiêng. Ban Mai ngồi lên Honda, bảo sẽ đi hai giờ xe, sau phải cuốc bộ chừng một giờ. Nàng hớn hở: “Anh gặp bà em với cu Tít, chắc vui lắm!”. Không rõ vui thế nào, tôi gục gặc, nhớ mình chẳng mang gì quà cáp, nhắc Ban Mai. “Ôi giào, đừng vẽ chuyện. Mình đi đột xuất mà anh!”, Ban Mai tươi cười, rồ máy.

Gửi xe ở một nhà quen, Ban Mai dẫn tôi men theo con đường dốc ôm vòng những nương ruộng nằm lưng chừng một dãy đồi. Lát sau, chúng tôi băng ngang một con suối, vào khu rừng cây cối râm rạp nhưng cằn cỗi. Chỉ tay về phía trước, nàng bảo:

“Sau kia là ta đến nơi… Hạn hán nên rừng không có vắt chứ mưa thì đi đầu trần thế này chẳng được!”

Bước sau Ban Mai, tôi len lỏi, thầm nhủ chắc chắn sẽ lạc nếu phải đi một mình. Quanh co mãi, cây cối thưa dần, Ban Mai tíu tít “Sắp đến rồi! Chưa gì em đã nghe tiếng cu Tít gọi!”. Nàng ngước lên, cặp mắt mở to, lóng lánh như sắp khóc. Ra đến bìa rừng, Ban Mai đi như chạy. Khói bếp xanh ngắt ở đâu bay lơ lửng. Lưng đồi bên kia, những mái nhà sàn thấp thoáng. Ban Mai miệng giục, chân thoăn thoắt, mặc tôi tuột lại phía sau. Chúng tôi băng ngang chân những nương lúa vàng vọt. Ban Mai vẫy những người làm rẫy, áo chàm bạc thếch dưới ánh nắng gay gắt, miệng reo những câu tôi không rõ nghĩa. Con đường vào bản hiện ra, cũng ngoằn ngoèo như đường vào bản Mỗ, nhưng xơ xác vắng vẻ hơn. Đây, vùng sâu và xa, có nhắc thì xã hội đang ồn ào hiện đại hóa ngoài kia cũng sẽ quên liền, làm sao bì được với những nơi gần đô thị được.

Chạy thẳng vào một căn nhà chìa ra trong đám cây cỏ thiếu nước xác xơ, Ban Mai cất tiếng réo gọi. Cửa mở. Một cụ bà tóc bạc trắng thò đầu khỏi tấm liếp đóng hờ. Ban Mai lên thang trong khi cu Tít ra cửa, nhẩy cẫng lên, gọi mẹ. Khom người, Ban Mai đưa hai tay ra, thằng bé lao vào lòng chúi đầu áp mặt, bẽn lẽn nhìn tôi cười. Cụ bà ngước lên, ánh mắt dò hỏi, tay mở rộng cửa ra dấu mời vào.

*

Sau cơm trưa, cu Tít đòi mẹ đưa ra bãi trống cạnh một con thác cạn nước, nơi Mường sẽ làm lễ cầu mưa đêm trăng tròn. Nó bẻm mép, mắt đen nháy, chạy nhẩy như một con hoẵng. Vắng nhà lâu ngày, Ban Mai chiều con, không bắt nó ngủ trưa như lệ thường. Không muốn mẹ con Ban Mai mất những phút tư riêng, tôi xin ở lại, lấy cớ mệt. Cụ bà dặn Ban Mai gì đó, rồi rót nước mời tôi. Không ngờ cụ nói tiếng Kinh thật là sõi, hỏi tôi mới biết cụ và cụ ông đã sống một thời gian ở Hà Nội đầu những năm 60, khi cả hai giúp Viện Dân Tộc học trong những nghiên cứu về dân tộc Mường. Cụ bà vào gian cạnh lôi ra hàng chục cạp váy sặc sỡ trên thêu những hoa văn tinh tế. Cụ nhắc ông Từ Chi, một nhà nghiên cứu trở thành bạn của cụ ông, bảo người Kinh thì chỉ có ông ấy mới thực sự hiểu người Mường. Hàng năm, ông ta lên ở trên này có khi cả tháng, lặn lội khắp nơi sưu tầm những truyện cổ truyền khẩu mai một dần trong trí nhớ một tập thể ngày càng mất đi nguồn cội. Nhớ lời kể cụ thuộc Kiều bản tiếng Mường, tôi xin nghe. Mắt sáng lên, cụ bảo chính cụ ông và ông Từ Chi đã cùng nhau làm công việc dịch Kiều. Nhắm mắt trầm tư, lát sau cụ đọc một đoạn, tay gõ nhẹ xuống mặt sàn nhịp cho những câu lục bát vần điệu luyến láy không phải chỉ dân tộc Kinh mới có. Cụ lập đi lập lại, bằng tiếng Mường, Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Thình lình, cụ bảo nay chẳng phải thế, làm gì còn có nơi cho thanh cao mà hòng. Đầy trời đầy đất, chỗ nào cũng gió, cũng cát, cũng bụi.

Nâng những mảnh hoa văn Mường lên, tôi đột nhiên biết mình đã từng nhìn như thế từ một quá khứ hun hút vô định, mặc nước mắt bỗng ứa ra chảy thành vệt. Cụ bà ngạc nhiên, hỏi cớ sự. Như trong mơ, tôi kể tôi côi cút, tôi lớn lên và tồn tại thế nào với cái huyễn tưởng mình họ Bạch gốc Mường vùng Cao Lạng. Cụ bà hấp háy nhìn tôi, buông thõng:

“… thì nghĩ mình thế nào, mình là thế ấy, cứ sống như vậy chứ bận tâm làm gì!”

Đứng lên, tôi bước lại xem bẩy chiếc cồng to nhỏ khác nhau treo trên tường, tay vuốt ve những dấu trạm trổ trên mặt cồng sắc lạnh. Cụ bà đến gần, bảo:

“Cồng này cổ lắm, từ đời nào chẳng biết. Có cái đánh để rước tổ tiên về, cái để gọi hồn người mới chết, cái báo con trâu đi lạc… Nhớ đừng úp mặt cồng xuống, úp là chết. Chỉ cồng sống mới gọi được người chết về!”

Kề tai vào, tay chạm nhẹ, tôi nghe tiếng ngân nga văng vẳng như tiếng gọi từ cõi tít mù tiềm thức, lung linh đong đưa theo vệt nắng chiếu qua song cửa. Bất giác, tôi mỉm cười, lòng nhẹ tênh tênh.

Chiều hôm đó, trong bữa cơm không biết cụ bà nói gì với Ban Mai mà nàng reo lên:

“Thế em gọi anh bằng Bạch công tử nhé ! Người Mường nhà em ăn cốt tươi, chơi cốt thật, anh ạ!”

Cu Tít ôm con mèo đen chuyện trò như nói với người, thỉnh thoảng lại khúc khích cười. Nó bắt mẹ đút cho ăn, rồi vào ôm mới chịu đi ngủ. Khêu bấc đèn dầu cho to lên, Ban Mai đưa con vào gian nhà bên trái. Cụ bà hơi mệt, cũng đi nằm. Một mình, tôi ngắm ánh trăng trên những tàu lá cọ chập chờn lay trong gió, thiếp đi lúc nào chẳng biết, giật mình khi Ban Mai đến lay tôi, dịu dàng bảo:

“Anh đi nằm cho khoẻ, mai lễ cầu mưa kéo cho đến hết đêm mới xong”.

Nửa mê nửa tỉnh, tôi nắm lấy tay Ban Mai. Nàng để yên, một lúc sau mới nhẹ nhàng rút ra, mắt đọng mầu xanh của ánh trăng huyền diệu. Còn tôi, tôi bỗng thấy lòng mình êm đềm như dòng suối lượn quanh Ban Mai. Dẫu trong một ngày hạn, dòng suối có thể cạn, nhưng hy vọng hồi sinh thì không.

Đêm mai, tôi sẽ thức trắng và cầu mưa, như mọi người.

*

Khi mặt trời leo lên đỉnh cây ven rừng, người ở những bản xa đã về tụ tập ở Mường Thàng, nơi Pộ Mo sẽ làm lễ cầu mưa. Họ tươi tắn chào hỏi nhau. Những cụ già tay chống gậy, răng đen, nhai trầu mép đỏ thắm nhếch lên như cười. Những cô con gái, đầu quấn khăn trắng, trong là áo báng mầu đen cao đến cổ, đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo pắn ngắn ngang lưng. Áo pắn sẻ đôi, kín đáo khoe một vạt hoa văn sặc sỡ quấn quanh phần dưới ngực, thêu bằng chỉ ngũ sắc những chú hươu sao và những con cá chép lượn lờ cạnh nhau. Những chàng trai, quần ống rộng, khăn thắt bụng, áo lụa vàng phanh ngực, cổ choàng khăn tím than, lưng giắt dao quắm, có kẻ khoác áo chùng đen dài đến gối. Họ thỉnh thoảng cất giọng hò lên trêu đám con gái. Đám này chúi vào nhau, cười ríu rít như những con chim rừng rỉa cánh trên những tàn cây khô nắng.

Cụ bà vịn tay tôi, gặp ai cũng nói một câu, miệng cười móm mém. Ban Mai bảo: “Bà ngoại giới thiệu anh là khách đấy, Bạch công tử ạ!”. Thằng cu Tít choi choi như một con hoẵng, í ới gọi bạn rồi chạy biến đi. Vào khoảnh giữa một vạt đất được dọn sạch, cồng và chiêng treo quanh một chiếc trống mầu mun đỏ. Ban Mai thì thào:

“Trống đồng đấy, cổ lắm, cổ đến chẳng ai biết tuổi, chỉ mang ra làm lễ trong những chuyện sống mái của Mường. Lần trước là khi Mỹ dội bom, lâu lắm rồi…”

Chúng tôi bước đến chào Pộ Mo. Đó là một cụ già tóc bạc phơ, cổ cuốn khăn vàng, tròng mắt đục nhưng căng ra như trợn lên. Nghe cụ bà nói, Pộ gật gù, đáp. Ban Mai dịch:

“Pộ bảo họ Bạch thì là họ quan lang, còn Pộ vốn dòng Âu, họ Bùi, làm phụ đạo cho quan hàng chục đời rồi”.

Pộ khom người, nắm lấy tay tôi, lắc lắc. Phải nói thật, tôi ngượng đến chín người, chẳng lẽ lại nói cái họ Bạch của tôi chỉ là do tôi hoang tưởng. Nhưng chẳng biết Pộ nói gì mà dăm cụ ông cao tuổi đến chào tôi, nét mặt thân mật, cười vồn vã.

Giữa trưa, đám thanh niên giong một con trâu đến buộc vào cái cột đóng cạnh dàn chiêng trống. Tiếng hàng chục cái khèn nổi lên. Rồi tiếng cồng âm vang chuyển hồn người vào rừng núi. Con trâu đủng đỉnh nghếch mõm nhìn trời, đuôi phe phẩy đuổi ruồi muỗi, chân lâu lâu lại cào vào mặt đất trơ trụi cỏ. Ba thanh niên cầm những chiếc dùi bọc vải ra đứng quanh chiếc trống cổ. Pộ Mo ôm một bó nhang đi quanh, tay vẽ những vòng ngoằn ngoèo, nhang gặp gió cháy đỏ, chói lên, rồi lại tàn. Cứ thế. Tiếng trống lúc một dồn dập, điểm vào là cồng, chiêng, và tiếng khèn rền rĩ. Đi vòng cả giờ đồng hồ, Pộ lúc một chậm, gần như sắp kiệt sức. Con trâu bỗng thở phì phì, dãi trắng xoá chảy dòng dòng. Gió ơi, gió lên. Gió ơi, gió. Gió đến, thổi để thế gian này còn hy vọng. Ban Mai ứa nước mắt, kêu nho nhỏ, thanh âm hòa vào tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng cồng. Gần như mụ mẫm, tôi nắm chặt lấy tay Ban Mai, và không hiểu động lực nào thôi thúc, tôi gào lên một thứ ngôn ngữ tôi không hiểu, không biết, nguồn cội đến từ bản năng một con thú cùng đường. Khi đó, tôi mơ hồ cảm thấy gió, gió lên, gió phần phật. Tiếng người thất thanh. Mừng rỡ. Gió thốc vào, xoay một vòng, mát rượi. Pộ giơ bó nhang lên trời, mắt trừng trừng nhìn, hô ba tiếng. Bó nhang phừng phực bốc lửa, cháy có ngọn. Dân Mường ồ lên, rồi im lặng. Tiếng chiêng trống bằn bặt. Khi không có gì ngoài tiếng gió, một hồi cồng vang lên. Pộ Mo cất giọng, run run, kéo những thanh âm dài ra tưởng không bao giờ đứt đoạn: Ha da da! Pen tlenh yeng an pen tin hooc gioong leng! Ha da da! Pen ni pen ti kha.  

*

Ban Mai thì thào vào tai tôi:

“Pộ hát tang ca roóng mo ‘tẹ tat-tẹ đạc; con chu-kẹo lọi; toọc-moong’, người Kinh gọi cho gọn là Đẻ Đất-Đẻ Nước. Trong những dịp lễ hội lớn, người Mường nghe Pộ hát để tưởng nhớ đến ba tầng bốn thế giới gốc gác của mình. Phần đầu, là truyền thuyết sinh thành…Thuở trời tách khỏi đất, vũ trụ mới ra đời, Mường Trời được đặt dưới sự cai quản của Bua K’loi, người Kinh gọi là vua Trời. Vua có Thần Sét phụ tá, nàng A Tăng giúp việc. Dưới đất, tức Mường Pưa, có ba anh em là Tá Tài, Tá Cần và nàng Yạ Kịt. Người anh cả Tá Tài chưa hoàn thiện được Mường Pưa thì xảy ra một trận Đại Hồng Thủy. Chỉ còn Tá Cần và Yạ Kịt, cặp trai gái này không cưỡng lại nổi bản năng, gian díu ăn nằm như vợ chồng. Vua Trời giận lắm, kết họ tội loạn luân, phái Thần Sét và nàng A Tăng xuống với nhiệm vụ là đánh sét giết hai đứa dâm loạn. Nàng A Tăng lội suối đi trước, Thần Sét theo sau, và Thần thấy cái đẹp của thân thể A Tăng nhịp nhàng theo độ uốn lượn núi đồi. Cái đẹp ấy khiến Thần thở dài, trầm ngâm, lòng day dứt. Qua bên kia bờ suối, thấy Thần buồn bã, nàng A Tăng hỏi. Thần thực tình nói lòng mình, và kêu, chẳng lẽ vì cái đẹp mà phải tội chết sao. Thần hiểu, và đồng ý tha chết cho cặp nhân tình, sét đánh chỉ đánh vào cây xoan đầu bản và bậu khung cửa sổ. Vua Trời bị lừa, không toàn năng như Thượng Đế. Và Thần Sét, rất người, chối cái trách vụ làm thần. Còn nàng A Tăng, nàng đúng là một người đàn bà, dẫu trên trời hay dưới đất cũng vậy!”

Nhìn Ban Mai, tôi định nói Ban Mai ơi, em chính là A Tăng của anh, nhưng kịp mím môi, chỉ bảo:

“Tôi cũng như Thần Sét…”

Ngửng lên, tôi thấy Ban Mai cười với ánh mắt tinh quái hồ nghi. Tôi đỏ mặt im lặng, giả lắng tai nghe. Phần sau Đẻ Đất-Đẻ Nước, là lễ gọi hồn. Chẳng hiểu gì, tôi chỉ nghe tiếng rầu rĩ não ruột:

Pa hôn pải plái on tứa, on kai, no tì vên kung pô kung mê, ăn kơm ăn ka.
Pô ơi kết bô ta la no pò, thân hò ăn no ở no pô ơi[1]!

Rồi lễ đâm trâu. Hàng chục thanh niên quây quanh con trâu với những cọc tre già vót nhọn. Tiếng chiêng tiếng cồng lại nổi lên. Hàng ngoài, thanh thiếu nữ Mường xếp vòng tròn, miệng hát, tay vung lên đánh nhịp, rồi nắm lấy nhau nhẩy cứ ba bước một, xoay quanh, tụ vào rồi tản ra. Khi bóng chiều lừ lừ nhuộm đỏ đầu những tàn cây, trai gái mang củi đến chất làm thành một chiếc tháp cao quá đầu. Pộ Mo giơ tay đợi mọi người im lặng, cất tiếng ê a, giọng nhừa nhựa quánh sệt. Các vị phụ lão cao niên đứng dậy, và khi đó, tiếng rung chuông thình lình cất lên. Đám thanh niên hú dài, đồng loạt lao những ngọn tre vót nhọn vào mình con trâu. Máu phọt lên có vòi. Con trâu đau đớn nhẩy cẫng lên, sợi thừng buộc nó trì xuống. Nó oằn mình xoay tròn, hồng hộc rống rít, chân đạp cồm cộp xuống đất. Một người trung niên trần trùng trục ở đâu nhô ra, hai tay cầm một ngọn thương sáng loang loáng. Nhắm lưng trâu đâm, ông ta cong người nhấn mũi thương xuống, bắp thịt vai nổi cuồn cuộn. Con trâu khuỵu chân phủ phục, thở phì phì, giãi rớt phòi ra trắng mõm. Bất thình lình, ông ta rút ngọn thương ra, máu òng ọc chảy, và hai thanh niên nhẩy vào đưa nồi ra hứng. Người ta mổ trâu làm thịt. Các bà lăng xăng bắc những cái nồi to cỡ những chiếc thấu đặt lên củi đã cháy thành than. Các ông khoa dao, tay thoăn thoắt mổ bụng, lạng thịt đùi thịt vai. Trẻ con la hét ỏm tỏi, đuổi nhau chạy khắp nơi. Cứ thế, cho đến khi ánh dương lụi dần, ráng hồng phớt lên đỉnh những tàn cây chồi lung lay trong gió, chim chóc xào xạc bay về tổ.

Sau ba tiếng trống đồng ầm ì, giàn khèn lại cất lên. Và lại chiêng, lại cồng. Và tiếng người đồng thanh lập đi lập lại:

Ăn za khoê nói za lứa
Tê co kwi sa ma đượi [2]

Ở Mường Pưa, nơi Thần Sét thôi là thần, nơi nàng A Tăng động lòng trần, và vua K’loi, trước tình yêu giữa những con người, cũng mất hết quyền năng. Khi đó, vua chỉ còn tha thứ, khiến cho mưa thuận gió hòa để lúa gạo ê hề cho những con người có thể sống để yêu nhau. Người gọi vía lúa tiếng vang lên chuyển qua vách núi, từ đời này đến đời kia, cứ như thế vượt mọi mốc thời gian, làm chứng cho sự huyền diệu vô cùng đã sinh thành ra sự sống:

Plái ló ơi vên tun vên nhà ma ở [3]!
Plái ló ơi vên tun vên nhà ma ở! Plái ló ơi vên tun vên nhà ma ở!

Quanh đống lửa cháy có ngọn, những vò rượu cần được mang ra để la liệt trên mặt đất. Đám trẻ tiếp tục nhẩy múa theo tiếng cồng đánh lên đệm cho giàn sáo và nhị xâu chuỗi những thanh âm thành lời van xin của rừng, của núi, của nương ruộng khô cằn nứt nẻ những vệt chân ó. Trăng ló ra khỏi đám mây trắng rám bạc trải lên thế gian một màu xanh trong suốt. Có phải trăng này là trăng nguyên sơ? Và nếu thực thế, cầu mưa sẽ rồi có mưa. Những ngày hạn sẽ qua đi như một cơn c mộng,

Tiếng hò tiếng hát vang lừng. Sau lễ, đến hội. Từng đám năm sáu người quây quanh một vò rượu cần, đĩa thịt trâu luộc, bát canh măng rừng, nồi rau đồ có cà rừng, hoa chuối, hoa đu đủ, lá sắn củ… và một thồi cơm nếp. Ban Mai chìa cho tôi thanh trúc cắm vào vò rượu. Tôi uống. Rượu mát, không nồng, thấm vào những tế bào lưỡi, trôi xuống cổ ngọt ngào. Ban Mai đùa: “Bạch công tử thấy rượu Mường nhà em thế nào?”. Tôi khen ngon, bảo uống cứ như uống nước ngọt, chẳng thấy hơi men, làm sao say được! Ban Mai chỉ cười. Khi rượu cạn, người ta đổ tiếp nước suối vào vò. Ban Mai bảo:

“Anh áp tai vào nghe rượu hát”

Quả thế, có tiếng bọt vỡ lục bục trong vò. Rồi tiếng rượu reo, âm vang li ti vẳng lại nghe xa tít tắp.

Lửa nổ tí tách bắt có ngọn lem lém. Trống chiêng tiếp tục bập bùng. Trăng đã lên gần đỉnh đầu soi cho dăm con vạc ăn sương bay ngang, tiếng kêu như thúc giục đêm về. Những vò rượu cần vơi rồi đầy, men rượu bốc đến tầng mây cao nhất mắt còn nhìn thấy được. Bọn con trai túm tụm lại, cười cợt, cất tiếng hát:

Thương noồng em hoỡi

Thương hoỡi ũn à

Chớ để quả còn bên anh

Nó rơi xuống đất mà mất xống đẹp áo chùng

Chớ để quả còn anh tung

Nó rơi xuống đất mà mất tênh xanh áo pắn…

Bọn con gái rúc rích, rồi đồng thanh véo von:

Thương noồng anh hoỡi

Thương hoỡi anh à

Mất xống mặc lòng mất xống

Lột áo mặc lòng lột áo

Cứ chơi lục lạo trong vòng ngực em

Chớ đem vóc ngọc mình ngà chưng ra mà hổ chúng bạn…

Bọn con trai kéo tôi đứng lên. Chập choạng, tôi nhẩy theo bước chân chúng, chúi người ngã khi nào chẳng biết, nhưng lại lồm cồm bò dậy, miệng cũng í á… thương noồng em hoỡi. Với tay lấy ống, tôi lại hút rượu nuốt ừng ực, rượu ngọt, tôi cứ thế, cứ thế như chưa bao giờ là tôi thế cả. Gỡ phăng mọi sợi dây vô hình trói tôi vào một cái tôi không thật, cái tôi sống ở hải ngoại với một thứ công ăn việc làm đòi hỏi quần áo trịnh trọng cà-vạt vét-tông, tôi cởi áo ra quăng lên trời, hét… thương hoỡi ún à, tay chỉ chiếc sơ-mi rơi xuống ngu ngơ kêu nó rơi xuống đất. Cùng mấy đứa con gái, Ban Mai nhập bọn, nắm tay tôi nhẩy vòng vòng. Đứa con gái sau lưng tôi chỉ độ mười sáu. Nó cũng say, ngửa mặt cười, miệng lộ một chiếc răng nanh bít bạc, lóng lánh mê hoặc. Một tay ôm eo Ban Mai, tay kia tôi quàng ngang lưng nó. Cúi xuống, nó cắn vào tay tôi, nhay nhay, mềm ướt. Chớ để quả còn rơi xuống đất, ún à… Hãy lục lạo trong vòng ngực em, ún à… Dưới ánh lửa hồng, những giọt mồ hôi trên mép Ban Mai lóng lánh. Chao ôi, tôi lại khát, áp môi vào nhưng Ban Mai khẽ đẩy tôi ra. Chớ đem vóc ngọc… chưng ra… Đứa con gái ngã chúi vào bụi bờ. Tôi cũng ngã, kéo Ban Mai ngã theo. Không biết nằm đè lên ai, tai tôi nghe quanh đây tiếng rên của đàn bà trong ngọn triều khoái lạc đang nhận chìm hiện thực vào một giấc mơ địa đàng nguyên thủy. Ôi, cái địa đàng này con người có thể tạo ra được ngay bây giờ đấy chứ. Tạo được, khi người ta rộng lượng đến với nhau. Cho nhau. Không dè sẻn giữ gìn riêng tư chỉ vì mình. Không kẹp chân khép háng thóp bụng ghim mớ ước lệ đạo đức vào làm lá chắn ngăn khả năng đến được sự thăng hoa tột cùng của phận người qua nhục cảm thân xác. Tôi tan ra. Tôi hòa vào tiếng thở gấp, tiếng kêu trời. Tôi dập dềnh lên xuống như cơn triều dâng rồi rút trong một khoảng thời gian không đi đâu không đến đâu, mọi hẹn hò với tương lai rỗng tuênh vô nghĩa. Tôi tưới vào con người cứ nấc lên mỗi lần tôi thúc vào cống hiến như tôi tưới vào cuộc sống này tất cả sinh lực, như trời đổ mưa, mưa độ lượng, mưa chan hoà, mưa hối hả cho nhân gian này tươi xanh trở lại.

*

Tỉnh dậy, tôi cố gắng mở mắt. Trời mầu mực nhạt, trăng đã xế về cuối chòm cây đung đưa trong tầm mắt. Chỉ còn tiếng củi thi thoảng tí tách, nhả một làn khói mỏng trắng đục lửng lơ. Gió lặng. Không khí khô ran, và cứ chốc chốc, tiếng khèn đơn côi đâu đó vẳng lại than vãn. Gom mảng ý thức bập bềnh trôi không định hướng, tôi cố tìm một tụ điểm. Nhưng chẳng có gì khác trí nhớ những phút hoan lạc đọng lại khi chỉ độc thân xác mới thật tồn tại. Tôi phổng mũi. Cái mùi tôi hít thở trong giây phút vừa qua có phải là mùi tôi ngửi thấy khi ngồi sau Ban Mai trên chiếc Honda? Tôi lắng tai. Giọng người đàn bà hai tay bíu chặt vào mông tôi nói mà tôi không hiểu nói gì có phải là giọng Ban Mai? Loay hoay, tôi như lạc đường, quẩn quanh trên những lối vòng vèo trôn ốc của một màng nhện giăng đầy mê lộ. Ngồi lên, tôi đưa mắt nhìn quanh. Bên đống củi nay nhấp nháy thoi thóp, Ban Mai ngồi, cạnh là Pộ Mo, im lìm như hai bức tượng bằng vôi, trắng xóa, mông lung. Miệng khô ran, tôi lết đến. Pộ Mo nhìn tôi, ánh mắt mệt nhọc, rồi ngước lên trời. Ban Mai rót cho tôi một bát nước như nước vối, đen xì. Tôi vục miệng vào uống một hơi. Rồi tôi lại nằm vật ra, bên cạnh đống than hồng đang từ từ tắt lịm, mở mắt nhìn vào bầu trờì vẫn chẳng một gợn mây, không một cơn gió. Tôi băn khoăn, đã bao nhiêu lễ cầu mưa của con người, và bao nhiêu lần trời cho mưa để cứu lấy những vạt lúa chết khô vì thiếu nước? Như một đứa trẻ con, tôi hỏi Ban Mai. Nàng không đáp, chỉ cười buồn, quay lại nói một câu với Pộ Mo vẫn cứ lặng lẽ nhìn lên trời.

Tiếng ho khan sau lưng. Quay lại, cụ bà đang khom lưng đi tới, tay ôm một bọc to. Cụ đến cạnh Pộ Mo, thì thào vào tai, rồi vỗ nhẻ nhẹ vào vai tôi. Khi đó, Pộ xoay người đối diện với Ban Mai, nhìn vào mắt nàng, cất giọng đều đều nói như cầu kinh. Pộ nói rất lâu, đôi khi nói nói lại như dặn dò. Chỉ thấy nàng gật đầu, nét mặt nghiêm trang. Tôi trương mắt lên nhìn. Dưới ánh trăng xanh nhớt, tôi bỗng thấy tất cả quay về thời mà trí nhớ chưa có, vô thủy vô chung, tất cả trở thành vô cùng bé nhỏ, con người hầu như bất lực trước định nghiệp huyền bí, lơ ngơ đến thảm thương với những huyễn vọng và ảo tưởng. Lúc này, chẳng hiểu sao tôi lại nhớ thằng anh chết tiệt, cái nó gọi là vật Bảo Quốc Hộ Dân, liên tưởng chuyện Cao Biền trấn yểm long mạch đất Giao Châu, ngọn núi Nà Mèo và cái chày cái cối tượng hình cho Nõ với Nường. Trên trời, trăng nhạt nhòa. Đằng xa, sao mai nhấp nháy. Xung quanh, những cặp gái trai ôm nhau trên bờ dưới bụi ngủ vùi. Vẫn cứ một tiếng khèn xa đưa, ai oán, rì rầm than vãn.

Pộ Mo đứng lên. Cụ bà, rồi Ban Mai cũng đứng lên. Nàng quay sang tôi, dịu dàng:

“Ta đi! Anh ơi…”.

Ban Mai ôm cái bọc cụ bà trao, lẳng lặng lên đường. Tôi bước theo.

Nhưng không phải con đường về bản.

*

Chúng tôi lên đèo xuống dốc hai lần thì Ban Mai bảo, sắp đến nơi rồi. Đầu óc còn mụ mẫm, tôi buột miệng:

“Đây đâu phải núi Nà Mèo! Đâu đã đến Mai Châu đâu!”

Ban Mai quay nhìn tôi, giọng nghiêm trang:

“Pộ Mo bảo ta làm một việc trước cho dân Mường đã. Làm mà thành, ta sẽ đi Nà Mèo, Bua K’lời muốn thế!”

Nói xong, Ban Mai quay ngoắt người, tiếp tục trèo lên một con dốc chênh vênh. Khi đó, nắng hoe vàng nhuộm đầu những tàn cây trong cánh rừng phía dưới. Cái nóng chưa hừng hực, nhưng chẳng phải không đe dọa, mồ hôi chưa gì đã dầm dề nhơm nhớp rịn ra trên lưng, trên gáy. Lên đỉnh, con dốc hẹp dần, cuối cùng chỉ một người đi lọt. Ban Mai đến gỡ một lớp lá cọ, sau là cánh cửa bện bằng mây dầy ba bốn tầng. Mở cái then gỗ chặn ngang, nàng lách mình vào.

Ánh đèn pin chóa lên. Ban Mai gọi, tôi theo vào trong khi nàng đang đánh diêm châm lửa vào đống củi khô chụm lại để trên nền đá. Ban Mai dịu dàng:

“Em đốt lửa cho khô, hang thường ẩm ướt, ngay cả trong mùa hè!”

Lát sau, cái hang quãng chục mét vuông hiện rõ trong ánh lửa chập chờn. Không biết từ khi nào ai đã để sẵn củi lửa, trải rơm trong một góc hang, và cắm những ngọn bạch lạp trên ghềnh thạch nhũ trắng như pha lê vắt ngang. Tiếng róc rách vẳng lại từ một cái khe lấp sau tảng đá mầu xám chắn cuối hang trầm bổng chẳng khác tấu khúc của một nhạc công tài tình. Quẳng cho tôi cái chổi, Ban Mai bảo tôi quét hang cho sạch. Nửa nghiêm trang nửa cười cợt, nàng bảo:

“Khéo phải ở đây một tuần, nên giữ nếp sống văn minh đậm đà bản sắc chứ!”

Phần tôi, tôi ngạc nhiên, nhưng hân hoan. Ví mình như Lưu Nguyễn nhập thiên thai, tôi cợt nhả:

“Một tuần chứ cả đời tôi cũng sẵn sàng”

Nàng trề môi không đáp, mở cái bọc ra, xếp lên ổ rơm một cái chăn mầu ngà và những trang phục sặc sỡ. Hỏi, Ban Mai bảo:

“Đây là quần áo hành lễ cầu lòng K’loi…”. Chỉ vào cái chăn, nàng tiếp, đàn bà Mường mỗi người chỉ có một cái chăn này khi lấy chồng. Lúc là thiếu nữ, ai cũng mất cả năm tự mình dệt vải, hái gòn, đánh bông nhồi chăn, rồi thêu thùa những áng hoa văn. Cái chăn này của bà ngoại, bà quí lắm. Thế mà hôm nay bà mang cho em để em lên đây làm lễ với anh, lễ xong thì anh mang về nhé!”

“Nhưng lễ cầu lòng K’loi là lễ gì?”, tôi hỏi.

Bảo tôi đừng vội, Ban Mai đốt trầm, mùi tỏa ra thơm ngát không gian. Nàng châm lửa vào một bó đuốc rồi kéo tôi lách người theo khe đá dẫn đến ngách hang sau. Vào trong, giữa là một hồ nước, khói bốc lờ mờ. Tiếng róc rách phát ra từ nguồn nước trên đỉnh hang tí tách nhỏ giọt xuống triền đá ven hồ. Cuối ngách hang, một thân cây mục vắt ngang. Cây sần sùi, có lẽ xưa là thân một cây đại thụ chết vì không có đủ đất để nẩy mầm sinh sôi. Cẩn thận dò dẫm, Ban Mai tiến lại, giơ bó đuốc lên soi dưới thân cây mục. Nàng reo lên:

“Có, có… Anh ơi lại xem!”

Thật lạ lùng, những cái nấm to bằng hai bàn tay chụm lại mầu đỏ hỏn như da trẻ sơ sinh mọc dưới thân cây mục. Cắm đuốc, Ban Mai quì xuống, miệng đọc một tràng tiếng Mường. Khi nàng đứng lên, tôi thấy mặt nàng chan hòa nước mắt.

Ban Mai ra hang ngoài, mang trang phục vào. Nàng nghiêm trang, mắt nhìn tôi dịu dàng. Chân bước theo, tôi đi như một kẻ mộng du. Bên cạnh hồ nước ở hang sau, Ban Mai lẳng lặng trút hết quần áo ra. Ngọn đuốc cắm trên đất vẫn cháy, hắt lên thành đá những cái bóng chập chờn hư thực. Sững người, tôi chong mắt nhìn Ban Mai lỏa lồ như một khối đá trắng đang vén tóc khỏa chân vào nước. Nguồn nước nóng, khói trên mặt hồ tỏa ra như sương khói, và người đàn bà trước mắt tôi như sắp biến đi. Có cái gì đó thật mong manh. Có cái gì đó ngậm ngùi khôn tả. Trần truồng, tôi trầm mình vào làn nước nóng, nước ôm lấy tôi như một bào thai còn trong bụng mẹ. Tôi nghe mơ hồ nghe tiếng Ban Mai:

Plái ló ơi vên tun vên nhà ma ở! Lúa ơi, về ở nhà ở đụn. Trổ mầm, lúa cần nước. Bua K’loi ơi, xin hãy làm mưa. Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống, lấy nương tôi cầy… Đừng bỏ đói chúng tôi…”

Không dằn được, tôi hỏi lại nàng câu nàng chưa đáp.

“Chuyện Bua K’loi tha thứ Tạ Cần và Yạ Kịt là cái gốc của lễ cầu mưa. Con gái con trai Mường ăn nằm với nhau đêm qua là để xin Bua làm mưa, như Bua đã từng tha thứ Tạ Cần và Yạ Kịt. Nhưng anh thấy đó, Bua K’loi không động lòng thương. Dân gian Mường có câu không cứ bắc lên nấu là thành chõ xôi, không phải bắc lên ninh là thành đôi lứa. Pộ Mo không còn cách gì khác hơn là sai chúng ta lên đây làm lễ cầu lòng K’loi…”

*

Ban Mai bảo sau khi tạo thiên lập địa, thế giới Mường Pưa chia đôi. Chuyện rằng:

“ … nàng Hươu sao gặp chàng Cá Chép. Kẻ trên bờ, người dưới nước, nhưng chính sự kỳ bí huyền nhiệm của cuộc tồn sinh đã đẩy họ vào vòng tay nhau. Hươu sao đăm chiêu ‘… ở hai cõi, ta làm sao yêu nhau trọn đời?’. Cá Chép quyết liệt ‘Chứ sao không? Lòng hai ta sẽ làm động cả vũ trụ vật thể lẫn phi vật thể! Nếu Trời-Đất lương tri, thì rồi mai đây mọi cõi thế gian chỉ là một cõi hai ta khai sinh ra, gọi là cõi tình. Đó là cõi vĩnh hằng, em tin anh đi’. Nàng Hươu khép mi, thả mình ngụp lặn trong lòng tin vào hạnh phúc, để mặc chàng phủ lên thân xác những vết xước nhục cảm đánh dấu niềm hoan lạc lứa đôi. Cõi người nhân lên theo sự nẩy mầm của những trồi xuân. Nàng Hươu hạ sinh trăm con. Chàng Cá vui mừng, xin vợ cho con về biển. Nhưng là Hươu, nàng làm sao bơi lội như loài cá. Nhưng là Cá, làm sao chàng lên rừng sinh sống với cỏ cây. Mâu thuẫn. Vũ trụ giằng co giữa âm và dương, lưỡng nghi tạo ra những đối cực khiến thiên nhiên áp đặt đến độ không còn cách gì khác là nàng Hươu sao và chàng Cá chép buộc phải chia tay. Nàng Hươu mang trăm con lên núi. Cõi tình chỉ còn là hoài tưởng. Bua K’loi nổi giận, quát: ‘Mới thử thách xem cái cõi tình bền vững thế nào thì chưa gì chúng nó đã chẳng dám sống chết có nhau. Cái chúng nó gọi là tình chỉ là hiện tượng cõi vật, chưa thăng hoa thành hồn trong cõi phi vật thể!’. Bua ra oai trừng phạt khiến hạn hán triền miên. Cây rừng không xanh, lúa chẳng kết hạt. Trăm đứa con theo mẹ vật vã đói khát khóc kêu, nhưng lòng Bua K’loi chẳng động. Nàng Hươu đành cầu cứu chàng Cá. Phải tự cứu, con đành chia đôi. Và chàng Cá mang năm mươi đứa con về biển, thành người Kinh. Đám năm mươi đứa còn lại ở với Nàng Hươu, thành người Mường của rừng của núi”.

“Nhưng lễ thế nào cho K’loi động lòng?”, tôi bồn chồn không nhịn được, ngắt ngang.

Ban Mai đứng lên, dịu dàng:

“Lễ làm sao phục hồi được cõi tình bỏ ngỏ, anh ạ!”

Nhìn bức tượng ngồn ngộn ấy không có lấy một mảnh vải che, tôi sững sờ, thầm nhủ nếu Ban Mai là nàng Hươu thì tôi nguyện làm chàng Cá đến độ sống chết bất cần. Lấy khăn lau nước đọng trên thân thể nàng, tôi thành khẩn nói, tay tôi run lên như khi chăm chút một cổ vật quí hiếm.

Ban Mai hỏi, giọng hoài nghi:

“Có thật sống chết bất cần không?”

N.D.


[1] Ba hồn bảy vía con trai, con gái, ở đâu thì về cùng bố, cùng mẹ, ăn cơm, ăn cá. Bố ơi chết bỏ tôi làm sao vậy, thân mình ăn đâu ở đâu, bố ơi!

[2] Ăn ra khói, nói ra lửa. Để cho quỉ xa ma sợ

[3] Vía lúa ơi, về đụn về nhà mà ở!

Comments are closed.