Trắng Trên Đen 16&17

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

NHỮNG CHIẾC BÁNH RÁN

Nhà trẻ là nhà dành cho trẻ con. Ở đó trẻ con được dạy dỗ để bước vào cuộc sống tương lai, cuộc sống của người lớn. Ngoài những môn học chung, học sinh được các giáo viên mang đến cho chúng những hiểu biết cơ bản để chúng tồn tại được trong cái thế giới phức tạp bên ngoài hai cánh cổng nhà trường. Nam sinh được học cách phân biệt các loại dây điện, cách cưa lượn những đường ngòng ngoèo, lắp ráp và sửa chữa đồ gỗ. Nữ sinh học may vá, thêu thùa, nấu nướng. Thật không đơn giản chút nào khi phải dạy đứa con trai không có cả hai tay thay ổ điện, gần như không thể dạy đứa con gái đan bằng một tay. Các thầy cô của chúng tôi đã làm nổi những việc mà bố mẹ đứa con tàn tật có mơ cũng không thấy.

Tôi nằm trên sàn trong lớp. Một cô bé bưng cái khay bước vào. Một chân của cô ta là chân giả, nhưng theo cách đánh giá của chúng tôi, tức là của cư dân nhà trẻ, cô gần như khoẻ mạnh hoàn toàn. Trên khay là những chiếc bánh rán. Nóng. Vàng rộm.

– Các cậu đâu cả rồi? – cô ta nói – Bọn con gái chúng tớ làm bánh rán, các cậu ấy hứa sẽ rẽ vào bếp để nếm bánh của chúng tớ mà.

– Các cậu ấy ở rạp chiếu bóng.

– Sao lại ở rạp chiếu bóng?

– Hôm nay chúng nó được đi xem chiếu bóng mà, ngày mai thì đến lượt các cậu. Hôm nay bên các cậu có giờ gia chánh mà.

– Thế sao các cậu ấy lại không bảo cho chúng tớ biết? Bây giờ tớ biết để bánh ở đâu đây?

Cô bé đặt khay bánh lên bàn giáo viên, ngồi xuống trước một bàn học, lấy một chiếc bánh trong khay đưa cho tôi.

Bánh rán trộn khoai tây, hành. Tôi ăn cái bánh rán.

– Ngon. – tôi nói – Các đằng ấy rán ngon lắm.

Cô bé không nghe tôi nói gì. Cô tư lự nhìn vào khoảng không trước mặt.

– Lạ thật … Các cậu ấy đi đâu nhỉ?

ẨU ĐẢ

Ở nhà trẻ ít khi xảy ra đánh nhau. Nhưng đã đánh nhau thì đánh nhau dữ lắm. Đánh nhau đàng hoàng, có luật có lệ hẳn hoi. Được cắn, được túm tóc, nhưng dùng dao hoặc quả đấm sắt như kiểu ngoài phố thì cấm ngặt. Nếu hai bên xung đột có mức độ tàn tật chênh lệch thì được phép trả thù. Không có giới hạn thời gian cho sự trả thù, trả thù thì lúc nào cũng được. Tôi biết một cậu, cậu này kể bằng giọng tự hào chuyện cậu ta đẩy ngã kẻ bắt nạt mình cho xe hơi chẹt như thế nào. Mà vụ bắt nạt nọ xảy ra đã một năm rưỡi trước đó. Vụ đẩy bạn cho xe chẹt không thành công, chiếc xe mới bắt đầu chạy, cú va đập không mạnh. Trong buổi họp tối, kẻ phạm tội được trắng án. Người đẩy có một tay, người bị đẩy có hai tay và một chân. Như vậy không thể coi là phạm luật. Một cuộc đấu ngang sức ngang tài trong tình hình như thế là không thể có. Khi nạn nhân xuất viện, hai bên thậm chí còn kết bạn với nhau. Sức mạnh được kính trọng. Ai cũng có quyền có sức mạnh.

Tôi thích mùa thu. Mùa thu, những đứa trẻ hạnh phúc được gia đình đón về nghỉ hè quay lại nhà trẻ. Mùa thu ồn ào, nhộn nhạo, vui vẻ, nhiều thức ăn ngon, nhiều chuyện kể về gia đình, về mùa hè, về bố mẹ. Tôi ghét mùa xuân. Tôi chẳng bao giờ yêu nó hết. Mùa xuân, những người bạn thân nhất của tôi đi nghỉ. Mùa xuân là lúc chúng tôi hi vọng rằng vào chính mùa xuân này sẽ có đứa nào đó trong những đứa năm ngoái không có người nhà đến đón sẽ được về với gia đình. Tất cả chúng tôi đều hi vọng, thậm chí cả những đứa có bố mẹ ở quá xa, thậm chí cả những đứa mồ côi. Chẳng đứa nào đả động tới chuyện đó, chúng tôi chỉ đợi, chỉ hi vọng mà thôi. Tôi không hi vọng. Tôi biết chắc: sẽ chẳng có ai đến đón tôi hết.

Mùa thu ấy, Sergey trở về buồn thiu. Sergey mà buồn thì lạ lắm. Tất nhiên, sau kỳ nghỉ đứa nào cũng buồn một tí, đứa nào chẳng nhớ nhà. Nhưng những cuộc gặp gỡ với bè bạn, những ấn tượng mới, những cuốn giáo khoa mới, nhanh chóng xua tan nỗi buồn ấy. Chúng tôi lên lớp, chúng tôi trưởng thành thêm.

Sergey là một chàng trai mới lớn. Cậu ta đến nhà trẻ trên chiếc xe đẩy. Cậu ta có chuyện bàn với các bạn. Sergey bàn với Genka là chính.

– Có thằng hẹn đánh nhau với tớ, cậu ạ.

– Sergey, cậu là thằng khoẻ nhất trong nhà trẻ cơ mà. Đứa nào lại không biết điều đó? Đứa nào dám chơi nhau với cậu?

– Thế mới nên chuyện. Hắn ta không phải ở trong nhà trẻ, mà ở ngoài.

– Vì cớ gì các cậu định choảng nhau?

– Vì gái. Hắn doạ sẽ ném tớ vào áo quan đem chôn. Hắn nói thế trước hôm tớ về đây. Hắn bảo đến mùa xuân này tớ mà ló mặt ra là nó giết liền.

Mọi người đều biết có một cô gái ở ngoài kia đang chờ đợi Sergey. Một cô gái khoẻ mạnh, bình thường, xinh đẹp. Các cô ở chỗ chúng tôi thậm chí không dám màng đến chuyện tán tỉnh Sergey. Các cô biết học xong Sergey sẽ cưới cô gái nọ.

Genka không hỏi Sergey về cô gái. Không có lệ hỏi nhau những chuyện như thế. Nếu bạn muốn, tự cậu ta sẽ kể. Không thích thì thôi. Việc riêng của cậu ta.

– Tớ cũng chẳng biết nên khuyên cậu thế nào. Tớ chưa ở ngoài bao giờ. Hắn ta khoẻ lắm à?

– Tất nhiên. Hơn tớ một tuổi, đang học trung học kỹ thuật.

– Thế thì toi. Hắn sẽ giết cậu. Hắn đá một cái là cậu toi.

– Tớ biết. Nhưng đành phải chơi thôi.

Genka suy nghĩ. Ở nhà trẻ chẳng đứa nào thông minh hơn Genka. Genka thừa biết như vậy. Đây là nhà trẻ. Sự thật rất khó giấu. Mọi người biết nhau hết. Chúng tôi biết cậu nào khoẻ nhất, cô gái xinh nhất học lớp mấy.

– Sergey này, tớ nghĩ cậu vẫn có thể hi vọng. Không lớn, nhỏ thôi, nhưng vẫn là hi vọng. Cậu phải quật ngã hắn. Hắn ngã thì xông vào bóp cổ. Hắn hơn cậu hai cái chân, hắn lại khoẻ hơn. Cậu chẳng có cách nào khác.

Tự Sergey cũng hiểu như vậy – chẳng có cách nào khác. Từ đấy trở đi Sergey bắt đầu tập “đánh võng”. Trong năm, mọi học sinh đều tập “đánh võng”. Ở sân trường người ta lắp những khung sắt cho học sinh “đánh võng”. Ông thợ điện cùng thầy giáo thể dục lấy ống sắt hàn lại với nhau làm thành vài dụng cụ thô sơ. Những buổi nhậu nhẹt ít hẳn đi. Các thầy cô hài lòng: học sinh dành gần hết thời gian rảnh rỗi cho sân trường. Sergey, chàng trai có uy tín, bỏ hút thuốc. Những cậu quyết định tập môn co tay cũng bỏ hút luôn. Nói cho đúng, nhiều cậu không chịu được đã hút lại. Sergey thì không, cậu ta chịu được.

Ngày nào cũng như ngày nào. Một giờ buổi sáng, hai giờ buổi chiều, thứ bảy và chủ nhật bốn giờ. Chín tháng liền, cả nhà trẻ “đánh võng”.

Lũ một tay thì tập “đánh võng” cho cơ bắp cánh tay duy nhất của mình phát triển. Bất thình lình, các chàng trai đồng loạt mang tay giả. Những cánh tay giả vô dụng bằng nhựa bỗng trở thành thứ không có không được. Thời gian luyện tập càng dài thì những cánh tay giả càng được cải tiến. Nó được đổ chì cho nặng thêm cho lưng khỏi bị vẹo, cho xương sống không bị cong về phía nửa thân còn khoẻ. Hơn nữa, chính cái tay giả cũng trở thành vũ khí cần thiết khi đánh nhau.

Ở nhà trẻ chúng tôi có một cậu không tay. Không hoàn toàn. Ai không có bàn tay thì có thể luyện cùi tay để đánh nhau bằng tay giả. Cậu này thì đến cả tay giả cũng không mang được. Hai tay giả của cậu ta là hai thứ đồ chơi vô tích sự, chỉ tổ vướng. Cậu ta bỏ, không mang chúng nữa. Cậu ta “đánh võng” nhiều hơn tất cả mọi người, hơn cả Sergey. Cậu ta ngồi trên ghế đẩu, hai chân quặp lấy gầm ghế và ngả người về phía sau cho đến khi đầu chạm đất. Cứ thế mà “đánh võng” bất kỳ lúc nào. Ngay cả khi làm bài tập. Học thơ, nhẩm lại bài học cậu ta cũng “đánh võng”. Cậu ta bảo làm như thế dễ thuộc bài hơn. Tối tối cậu ta dùng gót chân nện vào tập báo treo trên tường một lúc lâu. Cách cậu ta làm là thế này: nhảy tưng lên, lấy gót chân nện vào tập báo, nhảy lùi lại rồi nện tiếp. Mỗi ngày cậu ta kiêu hãnh dùng răng lôi một tờ ra khỏi tập báo. Một hôm, tập báo trên tường đã mỏng đi trông thấy rời khỏi đinh treo rơi xuống đất. Chả là trong lúc cậu ta luyện tập lớp sơn rơi xuống lả tả. Cậu ta vẫn điên khùng tiếp tục nện gót vào chỗ gạch lộ ra. Những người lớn chạy đến, sơn phết lại bức tường, nhưng không rầy la mắng mỏ, họ biết cậu ta không cố ý. Họ vui vẻ bảo cậu ta lấy bức tường bê tông ở nhà chứa xe mà tập. Anh chàng không tay dạy sớm hơn mọi người, ra ngoài nện gót vào bức tường bê tông vô tội. Giờ thì sáng sáng cậu ta có thể luyện tập đôi chân mà không làm phiền giấc ngủ về sáng của người khác. Một chàng trai mạnh mẽ.

Sergey có đủ hai tay. Cậu ta rèn luyện thân thể theo cách bình thường. Chỉ khi nào tập xà ngang cậu ta mới đeo ba lô. Thoạt tiên trong ba lô chỉ có một trọng lượng nhỏ để bù cho đôi chân bị thiếu, sau Sergey mới cho thêm những quả tạ vào đấy. Ngay cả với ba lô nặng trĩu trên lưng cậu ta vẫn có thể co tay được hơn bốn chục lần một lượt.

Thậm chí giáo viên thể dục cũng khoái cái sáng kiến dùng ba lô để tập của Sergey. Thế là ông ta cũng đeo ba lô đến chỗ tập. Giáo viên thể dục chỉ có trách nhiệm hướng dẫn học sinh tập bài thể dục nhẹ buổi sáng, chứ giờ tập thể dục thực sự thì hầu như chẳng ma nào đến. Nhưng năm ấy giáo viên thể dục bỗng trở thành giáo viên chính của trường, quan trọng hơn cả giáo viên toán. Ông ta giúp các chàng trai rất tận tình, tự nghĩ ra những dụng cụ luyện tập cho người tàn tật. Ông cảnh báo sự tập luyện quá mức là có hại, giảng những bài dài về giải phẫu cơ thể. Một giáo viên thực tốt.

Đôi bàn đẩy trở thành niềm tự hào của Sergey. Bàn đẩy là tên được đặt cho hai miếng ván nhỏ có quai cầm mà học sinh không chân dùng để đẩy chiếc xe lăn thấp có lắp vòng bi. Sergey tự tay hàn đôi bàn đẩy bằng nhôm của mình trong tiết học lao động. Bàn đẩy bằng nhôm đế cao su dùng chẳng được mấy nả. Tối tối Sergey đốt một đống lửa trong sân trường, nung cho chì chảy ra rồi đổ vào đôi bàn đẩy của cậu ta. Đôi bàn đẩy ngày một nặng thêm. Như mọi khi, Sergey di chuyển bằng xe lăn trong khu vực nhà trường, khác ở chỗ giờ đây cậu ta luôn có sẵn trong tay một đôi tạ. Đến mùa xuân thì mỗi bàn đẩy của Sergey đã nặng chẵn năm kí. Sergey quyết định dừng lại ở mức năm kí ấy.

Chúng tôi lặng lẽ tiễn Sergey đi nghỉ hè. Chúng tôi biết qua tập luyện trong những tháng mùa đông Sergey khoẻ mạnh vững chắc hơn trước nhiều, nhưng vẫn chưa đi đến đâu. Cứ mỗi lần Sergey đạt được một kết quả nào đó, chúng tôi lại nghĩ dù sao mặc lòng cái đó vẫn còn ít, còn quá ít. Mọi người đều biết tuy Sergey luyện tập hàng ngày đấy, nhưng kẻ thù của cậu ta, ở thành phố quê hương Sergey, cũng đang luyện tập, cũng đang làm nảy nở mỗi bắp thịt trên cơ thể toàn vẹn của hắn. Khi Sergey lần đầu tiên co xà ngang được năm chục cái, chúng tôi tin đối thủ của cậu ta chắc chắn co được không dưới một trăm. Khi Sergey nâng tạ bằng tay trái được tám lần thì hắn phải làm được hai mươi lần.

Mùa hè qua nhanh. Lại một mùa hè nữa ở nhà trẻ. Như mọi khi, các bậc cha mẹ lại dẫn con cái họ trở lại nhà trẻ. Sergey cũng trở về. Không ai hỏi Sergey về vụ đánh nhau, Sergey cũng không kể. Chỉ một lần Sergey đến chơi với anh em, Genka mới nhắc sơ qua chuyện ấy bằng một câu bâng quơ về vụ nghỉ hè. Sergey hiểu ngay, cậu ta ngượng ngùng cụp mắt xuống. Từ chối câu hỏi của Genka thực bất tiện.

– Không có đánh nhau đâu. – Sergey nói khẽ – Không có chuyện ấy. Ngay tối đầu tiên, về đến nhà là tớ đi tìm hắn. Hắn đang đứng hút thuốc với một thằng cha nào đó. Tớ hỏi hắn còn nhớ tớ không? Hắn bảo: nhớ. Tớ mới dùng bàn đẩy phang cho hắn một phát cật lực vào đầu gối. Cái chân gãy tức khắc, trẹo ra đàng sau. Hắn gục xuống, kêu ầm ĩ, gọi mẹ. Tớ tương thêm hai cú nữa vào bụng. Hắn thở khò khè. Tớ quay lại thằng bạn hắn, đã tưởng phen này phải đánh nhau với hai thằng một lúc, hoá ra thằng kia đã chạy tót đi gọi người lớn rồi. Một thằng cha mách lẻo. Người ta chạy tới, gọi bác sĩ. Họ hỏi tớ đánh hắn bằng thứ gì mà ra như thế, tớ bảo tớ đánh bằng tay. Rầm rĩ cả lên. Hoá ra trong túi hắn có một con dao.

– Rồi sao?

– Chẳng sao hết. Bố hắn đến nhà tớ. Ngồi xuống với bố mẹ tớ. Họ uống rượu với nhau. Tớ kể cho bố hắn nghe đầu đuôi câu chuyện, có sao nói vậy. Tớ với hắn về sau làm lành với nhau. Một anh chàng bình thường, có điều hơi yếu đuối. Cả mùa hè hắn phải chống nạng. Cũng lạ, tớ rủ hắn đi câu, hắn bảo hắn không được phép chống nạng đi xa. Bố mẹ hắn cũng lạ. Tớ cố giải thích cho hai ông bà ấy hiểu rằng nửa nhà trẻ chúng mình phải đi nạng, thế mà họ không hiểu. Đi câu mùa hè vừa rồi thú đáo để. Tớ câu được một con măng. Một mùa câu tuyệt vời.

Buổi tối, các chàng trai thảo luận hồi lâu. Họ không sao hiểu được vì lẽ gì anh chàng nọ mới gãy có một chân lại không dám đánh nhau. Hắn còn đủ cả hai tay với một chân khoẻ mạnh cơ mà. Ấy là chưa kể con dao trong túi. Hắn lạ thật, mà tay bạn hắn cũng lạ thật.

Comments are closed.