Trắng Trên Đen 29-34

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

GIẤY RA VÀO

Nhà già. Không phải nhà tập thể, không phải nhà thương. Một bức tường bê tông cốt sắt vững chãi bao quanh, hai cánh cổng thép. Nhà già toạ lạc ngoài rìa thành phố. Hàng xóm là một trại chung giam tù hình sự. Ở trại hình sự mọi sự rõ ràng, đấy là nhà tù, là hàng rào kẽm gai. Tù sướng hơn tụi tôi, hết hạn thì ra ngoài tự do. Chúng tôi chẳng hi vọng vào cái gì. Người ngoài cấm vào. Người trong không được ra khỏi cổng nếu không có giấy phép của chủ nhiệm. Một giấy phép bình thường, có chữ ký và con dấu. Một tay công an cựu trước công tác ở trại tù hàng xóm nghiêm chỉnh canh cổng ra vào. Lão đã già đối với nghề công an, nhưng còn dùng được cho cái cổng nhà già. Lão ngồi đấy, mở cổng đóng cổng cho cấp trên. Công việc đơn giản, quen thuộc, lại được thêm tí tiền còm vào lương hưu.

Trong những người ở nhà già, người nào khoẻ mạnh hơn, lanh lợi hơn thì có thể trèo qua hàng rào hoặc đào hầm mà chui ra ngoài. Chứ đối với lũ tàn tật ngồi xe lăn như tụi tôi, lão gác cổng khốn kiếp nọ đúng là một con chó săn nòi .

Một anh chàng tàn tật nọ đặt taxi. Trước đấy, anh ta đã bàn với các bạn để họ giúp anh ta ngồi vào xe. Ba ngày trước chuyến dã ngoại anh chàng đã kiếm được giấy phép. Đâu vào đó cả, kế hoạch đã vạch, điểm đi có người giúp lên xe, điểm đến có người đón. Và, thế là anh ta đã ngồi trong xe, cái xe lăn gập lại được nằm trong cốp.

Chiếc taxi lăn bánh ra cổng. Bác tài bấm còi. Từ trong bốt gác lão già thấp bé với cặp mắt sắc ti hí và dữ tợn thủng thẳng bước ra:

– Ai trong xe?

Bác tài ngớ ra:

– Người chứ còn ai.

– Có giấy phép không?

Bác tài bối rối đón tờ giấy trong tay khách, đưa cho lão. Lão nghiên cứu kỹ lưỡng tờ giấy bằng con mắt thạo việc.

– Giấy tờ không có vấn đề, cho đi. Tôi biết thằng này mà, nó cứ quanh quéo luôn bên cổng ra vào. Có điều lần trước nó ngồi xe lăn và không có giấy phép.

– Nhưng bây giờ thì có giấy chứ? Mở cổng ra nào.

– Đồng chí không hiểu ý tôi rồi. Ở đây ghi: “Giấy phép cho đi ra ngoài khu vực nhà tàn tật nội trú”. Văn bản chính quy hẳn hoi. Tôi có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh. Nó muốn đi bộ ra khỏi đây thì được, không muốn thì thôi. Cơ mà ngồi trên xe để ra thì không được.

Bác tài phát cáu. Là người đã đứng tuổi, bác không quen bị giễu cợt. Bác liền đánh xe về phía nhà già, đi vào trong. Sau nửa giờ tranh luận với ông chủ nhiệm, bác tài bước ra, tờ giấy phép vẫn cầm trong tay, nhưng giờ nó đã được thêm vào một dòng chữ viết tay bên lề: “và được đi ra bằng xe”. Góc tờ giấy có thêm một con dấu. Anh chàng tàn tật khoái chí. Hẳn ông chủ nhiệm ngày hôm đó có tâm trạng vui vẻ. Chứ theo nguyên tắc thì giấy phép nọ phải huỷ, người đầu đơn phải viết lá đơn mới và phải chờ vài ba ngày nữa để người ta giải quyết vấn đề phức tạp nọ. Chiếc xe lăn bánh về phía cổng một lần nữa. Lão gác cổng xét nét nghiên cứu tờ giấy phép đã được sửa chữa, trả lại nó cho bác tài, rồi miễn cưỡng bước ra mở cổng.

Họ đi trong im lặng mấy phút. Bỗng dưng bác tài cho xe dừng lại. Hai tay nắm chặt vô-lăng, bác hít một hơi dài. Đoạn, không nhìn đến người khách trên xe, bác nói bằng giọng căng thẳng, gần như giận dữ, với khoảng không phía trước:

– Này, anh bạn trẻ, nói anh đừng giận, chứ tôi không lấy tiền của anh đâu. Cũng không phải vì anh tàn tật. Thời trẻ tôi phải ngồi tù mất ba năm, tôi nhớ vụ đó suốt đời. Từ ngày ấy tôi căm thù bọn “cá” .

Bật máy đếm, bác nhấn ga. Chiếc xe mở hết tốc lực chạy khỏi nhà già, khỏi nhà tù, khỏi lão gác cổng khốn kiếp. Tự do. Sướng thật.

THẰNG NGỐC

Trạm xe buýt. Tôi và vợ tôi đi đâu đó. Chúng tôi đợi xe. Cuối cùng thì cái xe buýt đã đến. Sau tay lái là một gã thanh niên đeo kính đen rất mốt. Alla xốc tôi lên, nàng đặt chân phải lên bậc xe, thành thử chân nàng phải chịu trọng lượng của cả hai chúng tôi. Gã lái xe nhìn chúng tôi mỉm cười, rồi bất thình lình, gã nhấn ga. Do cú giật mạnh bất ngờ, Alla bật ngửa, nàng xoay người nửa vòng, gối khuỵu xuống, vẫn ôm chặt tôi trong tay. Nhờ luyện tập judo mà Alla mới không bị ngã. Nàng đứng thẳng lên, đặt lại tôi vào xe lăn.

Một người đàn ông xỉn xỉn đứng trong trạm xe buýt không nhịn được cười. Ông ta cười hi hí một lúc rồi tới bên chúng tôi. Alla lảng ra xa, nàng không hiểu rằng với hạng người như thế tôi vẫn có thể trò chuyện.

– Nó ngốc. – người đàn ông nói với tôi – Một thằng ngốc.

– Tại sao?

– Bởi vì anh có cái xe lăn, anh có thể nhìn thấy ánh mặt trời, nhìn thấy những con chim trên mặt đường kia, chứ còn sau tai nạn hắn ta sẽ ra sao thì có trời biết. Nghề của hắn là một nghề nguy hiểm.

Tôi hiểu ra. Tôi mỉm cười. Đúng là một thằng ngốc.

PLASTILIN

Nặn bố dễ ợt. Còn dễ hơn nặn cái nấm. Chỉ cần vo tròn rồi ép dẹp hai viên plastilin là xong.

***

Khi tôi còn bé, tụi tôi thường nặn bằng plastilin. Cô quản giáo to béo phát cho chúng tôi mỗi đứa hai miếng. Một miếng phải vê thành ống dài, miếng kia thành cái bánh mỏng. Chắp cái ống vào cái bánh thì thành cái nấm. Bài tập đơn giản cho những đứa bé mới lớn là như vậy.

Tôi đặt một tay lên cục plastilin. Tôi gỡ miếng nọ khỏi miếng kia. Tôi định lấy tay dàn mỏng một miếng plastilin trên mặt bàn. Không được. Tôi lăn nó trên mặt bàn, nó không trở thành mỏng hơn, chẳng trở thành dày hơn. Tôi lấy miếng khác, kết quả vẫn như trước.

Mỗi đứa làm bài tập theo cách của nó, chẳng đứa nào giống đứa nào. Đứa nặn được cái nấm thẳng và đẹp, trong tay đứa khác cái nấm trở thành méo mó, vẹo vọ, bé tẹo. Cô quản giáo đến với từng đứa, đứa nào cũng được cô cho một lời khuyên, cô sửa lại mũ nấm cho đứa này, sửa chân nấm cho đứa khác. Cô đến bên tôi:

– Xem em làm thế nào rồi nào? – cô ngọt ngào hỏi tôi.

Tôi đặt miếng plastilin này trên miếng kia. Dù sao thì giờ đây cấu trúc ấy đã hao hao giống cái nấm, tôi nghĩ thế.

– Cái gì thế này? Em nặn cái gì vậy?

Cô giáo cầm lấy những miếng plastilin của tôi, nắn đi nắn lại cho nó mềm ra bằng những ngón tay khoẻ mạnh, với động tác nhanh nhẹn và thành thạo.

– Bây giờ em hiểu phải làm thế nào rồi chứ?

Tôi gật đầu. Bây giờ tôi hiểu rồi.

– Còn bây giờ, các em hãy nhìn xem em nào làm được cái nấm đẹp nhất. Cái nấm đẹp nhất là cái nấm của Ruben.

Tôi nhìn lên bàn. Cái nấm nhỏ trước mặt tôi đúng là giống nhất, đẹp nhất. Nhưng tôi cóc cần. Nó chẳng phải của tôi.

***

Con gái tôi nặn bố nó. Nặn bố dễ ợt. Dễ hơn nặn cái nấm. Chỉ cần lăn hai miếng plastilin tròn thành dẹt. Hai miếng plastilin giống nhau, hai bánh xe của một cái xe lăn.

***

Còn bây giờ, các em ơi, ta hãy xem em nào nặn được cái nấm đẹp nhất.

KHÔNG BAO GIỜ

Không bao giờ. Một cụm từ khủng khiếp. Khủng khiếp nhất trong tất cả các từ có trong ngôn ngữ loài người. Không bao giờ. Sánh được với nó chỉ có một từ, ấy là “chết”. “Chết” là cái “không bao giờ” thật to. Là cái “không bao giờ” vĩnh viễn, cái chết xoá sạch sành sanh mọi hi vọng, mọi khả năng. Không còn “có thể” hoặc “biết đâu đấy” gì hết. Không bao giờ.

Không bao giờ tôi đặt chân lên được đỉnh Everest. Sẽ chẳng có những cuộc luyện tập kéo dài, những buổi khám sức khoẻ, những trạm trung chuyển, những nhà trọ. Tôi sẽ không nguyền rủa thời tiết, những con dốc trơn và những vách đá dựng đứng. Sẽ chẳng có những khe dừng chân, những ngọn núi to nhỏ, sẽ chẳng có gì hết. Có thể, nếu như tôi gặp may, nếu như tôi may mắn lắm lắm, thì một lúc nào đó tôi sẽ được thấy Tây Tạng. Nếu như tôi hết sức may mắn thì có khi tôi sẽ được đưa tới điểm tập trung đầu tiên, đến cái “không bao giờ” đầu tiên và cũng là cái “không bao giờ” cuối cùng. Tôi sẽ nhìn thấy những ngọn núi, những nhà leo núi điên rồ thách thức bản thân và thách thức thiên nhiên. Sau khi trở về, nếu như họ gặp may để trở về nguyên vẹn, họ sẽ vui vẻ, với một chút ngượng ngùng, kể cho tôi nghe chuyện bên kia biên giới của cái “không bao giờ” của tôi có cái gì. Họ sẽ đối xử tốt với tôi, tôi biết, chính tôi cũng điên rồ chẳng khác gì họ. Mọi sự sẽ tuyệt lắm. Có điều tôi chẳng bao giờ leo lên được đỉnh mà thôi.

NGƯỜI ANH EM

Chúng tôi đi cùng mấy người bạn từ ngoại ô vào thành phố. Trời nóng kinh khủng, xe buýt không có. Bắt được một xe quá giang lúc này là chuyện vô vọng. Ai dại gì chở ba thanh niên khoẻ mạnh cộng với một kẻ tàn tật ngồi xe lăn.

Một may mắn bất ngờ xuất hiện. Một xe buýt quân sự. Phải kiếm bằng được chỗ ngồi. Không có lựa chọn nào khác. Mấy anh bạn trẻ nâng bổng chiếc xe lăn có tôi ngồi trong lên, họ đàm phán với anh lái xe. Lái xe khăng khăng một mực “không được phép”, “điều lệnh”, đại khái thế.

Từ phía cuối xe một anh bộ đội chạy tới chỗ anh lái xe, kêu to: “Người anh e. e. e. m…”. Anh ta say khướt, hung hăng. Họ tranh luận một hồi. Chúng tôi được đi.

Đám tân binh nhường chỗ cho chúng tôi. Tôi nửa nằm nửa ngồi trên cái ghế hẹp, tôi đau. “Người anh em” đến chỗ tôi. Anh ta đứng liêu xiêu, áo ngoài mở phanh, bên trong là áo nịt lính thuỷ.

– Đằng ấy ở Afghanistan về hử?

– Không.

– Tớ hỏi vậy thôi. Trước khi đến Afghanistan tớ chưa hề biết thế nào là tàn tật. Rồi bạn bè trở về, đứa què, đứa cụt, đứa mù. Nhiều đứa chịu không nổi, gục đấy. Còn đằng ấy sao?

– Thường. Tớ có vợ, có việc làm.

– Vững lòng nhé!

Xe buýt đi vào thành phố. Anh em khiêng tôi ra. Anh bộ đội kêu to câu gì đó với tôi qua kính xe.

Tớ sẽ nhớ cậu mãi, người anh em ạ.

Tớ nhớ hết. Nhớ cái áo lính thuỷ của cậu, nhớ cặp mắt điên dại của cậu.

Tớ sẽ nhớ cậu mãi, người anh em ạ.

Tớ sẽ vững lòng.

Comments are closed.