Trắng Trên Đen 35-38

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

BIG MAC

Từ trên màn hình, một ngôi sao tivi răng trắng bóng liến thoắng quả quyết với tôi về tính chất ưu việt của nền dân chủ Hoa Kỳ. Tôi không nghe cái thông báo ấy làm gì. Tôi đã biết tất những gì cô ta sẽ nói rồi. Cô ta có lý, tôi tin thế. Cô ta có quyền tự hào về Tổ quốc của cô ta. Về Hiến pháp, về quốc thiều Mỹ, về lá cờ Mỹ. Cô ta có “Tuyên ngôn Độc lập”, có tượng nữ thần Tự do và có Mac Donals.

Ngôi sao tivi hào hứng kể cho tôi nghe về hệ thống các quán ăn nổi tiếng. Anh hề buồn bã với nụ cười xuẩn ngốc từ trên biển quảng cáo loè loẹt nhìn xuống tôi. Hamburger và nước khoáng có ga – thử hỏi còn gì đơn giản hơn? Một kiều nữ Mỹ trong bộ cánh của dân làm ăn hoài công xác quyết với tôi rằng cái hamburger tuyệt trần đời chính là cái hamburger ấy đấy, rằng nước khoáng có ga tuyệt trần đời chính là cái nước khoáng có ga nọ. Rõ tào lao. Trong cuộc sống của tôi chất lượng thức ăn đâu phải là điều quan trọng nhất.

Tôi biết các quán Mac Donald’s đều được thiết kế đúng chuẩn mực quốc tế về phục vụ mọi loại khách hàng không phân biệt. Tôi biết xe lăn của tôi có thể đi qua mọi cửa của Mac Donald’s. Những người hầu bàn lịch sự nhất thế giới sẽ giúp tôi sử dụng phòng vệ sinh trong quán, sẽ cắt nhỏ cái Big Mac cho tôi ăn, sẽ cắm ống hút vào cốc Coca Cola của tôi và đưa lên tận miệng tôi.

Tất tần tật. Thế là đủ. Thế là quá đủ. Đó là món quà quá sang trọng đối với một người tàn tật. Hamburger và nước khoáng có ga. Bánh mì và nước. Nền tảng của những nền tảng. Quyền được bảo đảm một chỗ đứng dưới ánh mặt trời cho mỗi công dân.

Đó là dân chủ.

I GO

Tiếng Anh. Ngôn ngữ của giao tiếp quốc tế, ngôn ngữ của những cuộc đàm phán các loại công chuyện. Hầu như cái gì cũng có thể dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nga. Từ thi ca của Shakespeare cho đến bản hướng dẫn sử dụng tủ lạnh. Hầu như bất cứ cái gì. Hầu như thôi.

***

Chiếc xe lăn. Một chiếc xe lăn Mỹ. Trong tay tôi là cần điều khiển. Chiếc xe ngoan ngoãn chở tấm thân bất động của tôi trên phố trong một thị trấn nhỏ nhoi trên đất Mỹ.

Tôi vượt đèn đỏ. Trong chuyện ấy chẳng có gì lạ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được đi ngang phố. Chiếc xe lăn hãy còn chưa ngoan ngoãn tuân lệnh bàn tay bại liệt của tôi.

Những chiếc xe hơi dừng lại.

Từ trong chiếc xe ở hàng ngoài cùng bên trái, một anh lái xe tươi cười thò đầu ra, vẫy vẫy tay và nói to điều gì đó với vẻ khích lệ.

Một viên cảnh sát đi tới. Nhìn bộ mặt hết hồn của tôi, ông ta biết ngay vì sao tôi phạm luật.

– Ông không việc gì đấy chứ?

– Không, không sao.

– Ông quyết định ra đường như thế là phải lắm. Chúc ông may mắn.

***

Người đàn bà ngồi trên xe lăn phóng ào ào bên cạnh tôi. Trên miệng bà ta là ống thở. Tựa xe ngả hẳn về phía sau gần như là nằm ngang, thành thử bà ta nhìn đường qua một cái gương gắn trên xe. Bên thành xe, một dòng chữ lớn rực rỡ: “Tôi yêu đời”.

***

Một nhà hàng Tàu. Cửa vào hẹp. Bốn cái bàn.

Một anh bồi chạy ra.

– Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông. Xin ông thứ lỗi cho, cái xe lăn của ông không đi lọt cửa này đâu, đáng tiếc là như vậy. Nếu ông vui lòng, xin rẽ vào gian bên cạnh. Tôi đoan chắc ông sẽ không phải ân hận. Cũng thực đơn ấy, cũng đầu bếp ấy, phòng ốc hai bên trang trí y hệt nhau. Có cả giấy chứng nhận đấy ạ. Tuyệt đối không có sự kỳ thị nào.

Tôi bối rối, tôi không biết nên nói thế nào cho cậu ta yên lòng, tôi cam đoan với cậu ta rằng tôi vào gian bên cũng được, không có vấn đề gì. Anh bồi bàn dẫn tôi đến tận cửa vào.

Gian này nhỉnh hơi gian kia một chút. Một anh bồi bàn khác dẫn tôi tới một bàn trống, anh ta gạt những chiếc ghế sang bên để lấy lối cho tôi đi.

Mấy người khách trong nhà hàng dịch chân sang bên để khỏi vướng lối tôi đi. Số khác không hề để ý đến cái xe lăn của tôi. Khi bánh xe lăn đè phải chân người nào đó, họ hét lên. Còn phải nói, trọng lượng của xe lăn đâu có nhỏ. Chúng tôi xin lỗi nhau.

Anh bồi bàn ngạc nhiên nhìn tôi:

– Sao ông cứ xin lỗi mãi thế? Ông cũng có quyền ăn trong nhà hàng này như họ cơ mà

***

Một cô gái Mỹ ngồi xe lăn tự hào chỉ cho tôi xem cái mini buýt có bậc lên xuống chạy bằng điện cho người đi xe lăn. Cô kể ở nước Mỹ trạm xe buýt nào cũng có những chiếc xe như thế.

– Cô này, liệu có thể thiết kế lại những xe du lịch thông thường thành xe cho người tàn tật không? Như vậy có khi còn rẻ hơn đấy – tôi hỏi.

Cô gái ngượng ngùng và bối rối nhìn tôi:

– Nhưng nếu thế thì chiếc xe được thiết kế chỉ chở được một người ngồi xe lăn thôi! Ngộ nhỡ có một chàng trai và bạn gái của anh ta thì sao? Theo ông, họ phải đi trên hai xe khác nhau à?

***

Hầu như có thể dịch mọi thứ sang tiếng Nga. Từ thi ca của Shakespeare cho đến bản hướng dẫn sử dụng tủ lạnh. Hầu như bất cứ cái gì. Hầu như thôi.

Tôi có thể nói chuyện dài dòng về nước Mỹ. Tôi có thể kể ngày này qua ngày khác về những cái xe lăn, những thang máy biết nói, những con đường bằng phẳng, những ban-công treo, những xe buýt nhỏ có bậc lên xuống chạy bằng điện dùng cho xe lăn. Về những thảo chương viên khiếm thị, những nhà bác học bại liệt. Về chuyện tôi đã khóc khi nghe nói tôi phải trở về Nga và phải bỏ lại đây cái xe lăn.

Nhưng cách biểu đạt đắt nhất cho cảm xúc nảy sinh trong lần đầu tiên khi tôi bắt cái kỳ quan kỹ thuật Mỹ này rời chỗ mà lăn đi là câu nói hàm súc, ngắn gọn: “I go”.

Câu này không dịch sang tiếng Nga được.

TỔ QUỐC

Tôi và Katia rẽ vào một tiệm chạp phô mua thức ăn. Katia vào sâu bên trong, còn tôi đợi ngoài cửa. Các tấm séc du lịch đều mang tên Katia, tôi ký lóng ngóng lắm. Tôi chật vật mới giữ nổi tay mình, chữ ký của tôi dù sao vẫn gây ra nghi ngờ. Chọn thức ăn xong, Katia đến quầy trả tiền. Sau quầy là một người Ả Rập đứng tuổi. Ông ta sôi nổi giải thích cho Katia chuyện gì đó, ra hiệu bằng tay một cách tuyệt vọng. Katia không biết tiếng Anh. Tôi buộc lòng phải tham gia câu chuyện.

Tôi điều khiển cần lái cho xe lăn tiến đến bên quầy. Katia né sang bên.

– Chuyện gì vậy?

– Tôi không thể nhận séc của ông bà. Tôi chỉ nhận các séc mệnh giá dưới mười đô-la, mà bà lại đưa cho tôi séc năm mươi đô.

Tôi đang ở nước Mỹ. Tôi đã ở nước Mỹ hai tuần. Tôi bình tĩnh. Tôi lại mó máy cần điều khiển. Lưng ghế xe lăn dâng lên gần như thẳng đứng. Tôi cho xe lăn đến sát quầy.

– Tôi hiểu rồi. Ông muốn nói séc này giả. Ông hãy nhìn tôi này. Ông nghĩ tôi làm giả séc được sao? Trông tôi có giống một hoạ sĩ không? Tôi có giống một tên lừa đảo không? Hãy nhìn cái xe lăn của tôi. Ông có biết nó giá bao nhiêu không? Tôi mua hàng của ông hôm qua, hôm kia, tôi mua của ông hôm nay, ngày mai nữa, có khi tôi còn mua của ông. Đó là nước Mỹ. Ông bán, tôi mua. Chỉ có một trong hai cái đó thôi. Nếu séc thật, ông bán hàng cho tôi. Nếu séc giả, do tôi tự vẽ, ông hãy gọi cảnh sát.

Ông ta nhìn tôi ra chiều kính trọng. Rõ ràng là ông ta ưng cách xử sự như vậy.

– Được rồi. Tôi nhận. Ông người Palestin?

– Không phải. Tây Ban Nha.

– Ông từ Tây Ban Nha tới?

– Từ Nga.

– Bao giờ ông về Nga?

– Ba hôm nữa.

– Chắc đã nhớ quê hương rồi.

– Không, tôi không nhớ.

– Sao vậy?

– Ở đó tồi tệ lắm. Không có những chiếc xe lăn, những vỉa hè, những cửa hiệu như của ông. Tôi chẳng muốn về chút nào. Nếu có thể, tôi sẽ ở lại đây vĩnh viễn.

Ông ta lắc đầu, vẻ trách móc. Nhìn tôi bằng cái nhìn bề trên, hơi buồn.

– Trẻ con, đúng là trẻ con. Ông thì biết cóc gì cái cuộc sống này? Không thể sống ở đây được đâu. Con người như là cầm thú ấy. Thiên hạ sẵn sàng giết chết nhau chỉ vì một đô la. Tôi làm việc mười bốn giờ một ngày, tôi đang để dành tiền. Ky cóp thêm ít nữa, xong là tôi về quê, về Palestin. Nhưng ở đó lại đang có bắn nhau. Ở quê anh người ta có bắn nhau không?

– Không.

Thanh toán xong, chúng tôi từ biệt ông và bỏ đi. Tôi cho xe lăn chạy ra khỏi cửa hiệu. Tôi cho xe quay lại, nhìn ông già Palestin qua kính quầy hàng. Ông ta là một người hạnh phúc. Ông ta có Tổ quốc.

TỰ DO

San-Francisco. Thành phố mộng mơ của tôi, thành phố đông người trong địa ngục tư bản. Thành phố của những kẻ bị ruồng bỏ, những kẻ kỳ quặc.

Tôi đang đứng trên vỉa hè. Ngày cuối cùng của tôi trên đất Mỹ. Ngày mai tôi sẽ được đưa ra phi trường, tôi sẽ được đặt vào trong máy bay. Máy bay sẽ đưa tôi về nước Nga đúng hạn. Ở đó, trên nước Nga xa xôi, người ta sẽ đặt tôi lên đi văng và tuyên án chung thân tôi trong bốn bức tường. Những người Nga tốt bụng sẽ cho tôi ăn, sẽ uống vodka cùng tôi. Ở đó tôi sẽ no nê, và có lẽ còn ấm nữa. Ở đó sẽ có tất cả mọi thứ, trừ tự do. Người ta sẽ cấm tôi nhìn thấy mặt trời, cấm tôi đi chơi trong thành phố, cấm tôi ngồi trong quán cà phê. Người ta sẽ hạ cố giải thích cho tôi hiểu rằng tất cả những thứ sang trọng ấy là để dành riêng cho những công dân bình thường, những công dân có tấm thân toàn vẹn. Họ sẽ cho tôi thêm một ít thức ăn, một ít rượu, và lại nhắc lại thêm một lần nữa, một lần kế tiếp, về sự vô ơn của tôi. Họ sẽ nói với tôi rằng tôi là đứa đòi hỏi quá đáng, rằng cần phải chịu đựng thêm chút nữa, một chút thôi, chỉ chút xíu thôi, khoảng năm chục năm gì đó. Tôi sẽ đồng ý tuốt và tôi gật lia lịa. Tôi sẽ làm tất cả những gì người ta ra lệnh và câm nín chịu đựng sự hạ nhục, nỗi xấu hổ. Tôi sẽ nhìn nhận sự bất túc của tôi như một tai hoạ không tránh khỏi và tôi sẽ chết dần chết mòn. Còn đến khi nào tôi chán ngấy cuộc sống chó má này và tôi xin người ta một chút thuốc độc, thì dĩ nhiên họ sẽ từ chối. Cái chết nhanh chóng bị cấm trong đất nước xa xôi và nhân đạo này. Tất cả những gì người ta cho phép tôi, là tự đầu độc mình bằng vodka và hi vọng sẽ kiếm được chứng ung thư dạ dày hoặc nhồi máu cơ tim.

Tôi đang đứng trên vỉa hè. Nếu đẩy cần điều khiển hết mức về phía trước thì động cơ rất mạnh của cái xe lăn chạy điện sẽ đưa tôi đến chốn bất tường. Chuyến máy bay sẽ cất cánh không có tôi. Sau hai ba ngày điện dự trữ của xe lăn sẽ cạn. Không tiền, không giấy tờ, tôi không thể sống nổi trong đất nước tuyệt vời và tàn nhẫn này. Cái lớn nhất mà tôi có thể hi vọng, đó là có thêm được một ngày tự do. Sau đó là cái chết.

***

Đó là nước Mỹ. Nơi cái gì cũng mua được, cái gì cũng bán được. Một đất nước tàn bạo, kinh khủng. Ở đấy đừng hòng có ai thương xót mình. Nhưng tôi đã chén đẫy tình thương ở nước Nga rồi. Tôi thích sự làm ăn bình thường hơn.

Đó là nước Mỹ.

– Có cái gì bán đấy?

– Ngày tự do. Tự do đích thực. Ánh nắng, không khí. Những cặp tình nhân mi nhau trên ghế trong công viên. Một anh chàng hippi chơi ghi ta. Quyền được nhìn thấy cô bé nọ cho sóc ăn trên lòng bàn tay thêm một lần. Lần đầu tiên và là lần duy nhất trong đời được thấy thành phố ban đêm, ánh sáng của ngàn vạn pha đèn ô tô. Lần cuối cùng tôi được ngắm những biển hiệu nê-ông, được mơ mộng chút xíu về cái hạnh phúc không thể có là được sinh ra trên đất nước tuyệt vời này. Hàng chính cống, chất lượng cao. Chế tạo tại Hoa Kỳ.

– Giá bao nhiêu ?

– Rẻ hơn giá cuộc sống chút xíu thôi.

– Tôi mua, khỏi trả lại tiền thừa.

***

Rồi sau đó, ở nước Nga, cả tháng trời ròng rã tôi sẽ nốc vodka từ sáng đến tối, tôi sẽ khóc ròng đêm đêm, và trong cơn mê sảng do rượu gây ra tôi sẽ sờ soạng nắm lấy cần điều khiển của chiếc xe lăn không hề có, chiếc xe huyền thoại. Và ngày nào cũng vậy, tôi sẽ tiếc hùi hụi rằng trong khoảnh khắc quyết định mình đã sai lầm.

Comments are closed.