Trời long đất lở (kỳ 2)

Nam Dao

 

Hai ngày sau khi De Castrie hạ lệnh kéo cờ hàng, Liên Khu 4 làm lễ ăn mừng chiến thắng Ðiện Biên. Ðại diện cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là Kiều Hiểu Quang, nguyên phó Tỉnh Ủy Quảng Tây, hiện đứng đầu đoàn cố vấn Cải Cách Ruộng Ðất, đã tích cực giúp ta xây dựng các đoàn Cải Cách Ruộng Ðất ở cấp Tỉnh và Huyện. Tháp tùng Quang, có Hoàng Quốc Việt – tức Hạ Bá Cang – chủ nhiệm Ủy Ban Cải Cách Ruộng Ðất Trung Ương, Hồ Viết Thắng, Ủy viên Thường Trực và cả Lê Văn Lương, phụ trách Uỷ Ban Tổ Chức Ðảng. Hiện Lương làm phó chủ nhiệm Ủy Ban Cải Cách nhưng trách nhiệm tập trung vào công tác Chỉnh Ðốn Tổ Chức. Gắn liền với Cải Cách Ruộng Ðất, khâu Chỉnh Đốn Tổ Chức này mang tinh thần “không dựa vào tổ chức cũ, lập nên tổ chức mới” theo đúng thông tư ngày 16-03-1953 của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ðể sửa soạn phóng tay phát động quần chúng, Ðảng Lao Ðộng đã tổ chức vào tháng sáu năm ấy một đợt “chỉnh huấn”. Tháng mười hai, luật Cải Cách Ruộng Ðất được Quốc Hội thông qua. Cải Cách đợt 1 tiến hành ngay ở Thái Nguyên và Thanh Hóa.

Kiều Hiểu Quang lòng khòng trong bộ áo đại cán, cao hơn Lương và Việt một cái đầu. Khi Quang nói, tay cứ vung tròn, có thông ngôn đứng sau dịch ra tiếng Việt, và thường dứt câu bằng hai chữ “ hảo a”. Trước một cử tọa toàn là cán bộ, Quang nhấn mạnh, phải dùng chiến thắng quân sự đẩy cuộc cải cách xã hội, xóa sạch nếp phong kiến bằng cách tấn công đến gốc đến rễ của cái trật tự cũ, mang ruộng trả cho người cày, tiêu diệt toàn bộ những lực lượng phản Cách Mạng đi ngược quyền lợi giai cấp nông dân bằng “bạo lực Cách Mạng”. Quang dứt lời, “hảo a”, thì Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương vỗ tay. Tức thời, Ðặng Thí và Chu Biên trách nhiệm Đại đoàn Cải Cách Ruộng Ðất ở liên khu cũng vỗ theo. Tất cả Ðoàn, Ðội ở mọi cấp vừa hoan hô vừa vỗ tay rầm rầm trong tiếng trống ếch thiếu nhi, điểm vào tiếng chày ngũ liên thì thùng gióng vào thinh không như sấm động.

“Trong cuộc Cách Mạng long trời lở đất này, nông dân là quân chủ lực!”, Ðặng Thí hò lên. Kiều Hiểu Quang nhe hàm răng vàng xỉn dài như răng ngựa, kêu “hảo a”, và Chu Biên úp cái loa phóng thanh vào miệng, đọc báo cáo thắng lợi:

“… nông dân mỗi đầu được ba sào, xã … phát hiện 7% địa chủ, vượt chỉ tiêu 5% trong đấu tố, gây nên phong trào thi đua cải cách, đạt những thắng lợi cơ bản… Có nghèo nói nghèo, có khổ nói khổ. Có khổ nói khổ, có thù nói thù. Tiến công, ngày một chắc, tích cực ngày một nhiều, lập trường cách mạng vững, xã hội phong kiến đang rã như bèo tấm trôi sông…”.

Sau báo cáo, đến phần liên hoan. Hoàng Quốc Việt khập khễnh bước đến bắt tay cán bộ. Đặng Thí lân la bên cạnh, nói nhỏ, mặt hơi vênh lên:

– Báo cáo đồng chí, chắc chắn ta tiến công đánh bật rễ cái xã hội cũ rồi… Ở Thanh Hoá chúng tôi, chỉ trong 76 xã, đã thu hoạch:

26 vụ con giết bố mẹ

7 vụ vợ giết chồng

14 vụ anh em giết nhau

4 vụ chú giết cháu

1 vụ bố giết con

86 vụ đốt nhà địa chủ và liên quan…

Việt không đáp, chỉ cười động viên cấp dưới. Nhìn thấy Chính, Việt ngạc nhiên:

– Sao anh lại ở đây?

Chính xoay người để Việt nhìn cánh tay trái bó bột còn cuốn băng trắng, đáp:

– Bị thương hồi tháng hai, anh ạ! Tôi mới ra viện được một tuần. Nhìn Nguyễn Hữu Loan, Chính tiếp – nay về xin xem có việc gì làm tạm, trước khi nhận lệnh mới!

Việt xuề xòa:

– Thôi, sắp chiến thắng rồi, vãn hồi hoà bình thì còn lâu mới lại có lệnh cho bộ đội các anh! Thế cái tay nó thế nào?

– Bây giờ thì xụi, không có cảm giác gì. Nhưng trên Quân Y viện, các anh ấy bảo mổ lại, may có thể phục hồi được sáu mươi phần trăm.

Lê Văn Lương và Chu Biên lúc đó đến cạnh. Vốn đã cùng Chính công tác trong thời kỳ Tổng Khởi Nghĩa, Lương thân mật:

– Thế nào? Sao công tác chính trị mà lại thương tích thế này?

Chính kể lại chuyện mình xin qua phục vụ bên quân đội từ chiến dịch Cao – Bắc – Lạng. Chu Biên lúc ấy chêm vào, giọng như thanh minh:

– Các anh ở chiến trường dễ, biết đâu là ta, đâu là địch. Chúng tôi làm công tác chính trị quần chúng thì khó lắm. Tưởng là ta hóa ra địch là thường! Nhìn Lương, Biên nói lấy lòng – thế nên mới phải chỉnh đốn, anh nhể!

Chính nhăn mặt. Rất tinh ý, Lương nhận ra ngay, hỏi:

– Sao vậy? Anh không đả thông à…

Nhìn Nguyễn Hữu Loan tái mặt, Chính hiểu, một lời bây giờ nặng hơn hòn chì. Loan nhanh trí không để Chính đáp, hỏi lấp:

– Anh lại đau à?

Chính gật đầu, mặt lại nhăn. Loan xuýt xoa:

– Ðấy cứ thế! Mà mấy ông bác sĩ thì chẳng cho thuốc chống đau! Chẳng hiểu có cứu được cánh tay không?

Lúc ấy, cố vấn Quang bước lại. Hoàng Quốc Việt giới thiệu Chính. Quang cúi xuống, lại nhe răng cười, “hảo a!”. Người thông dịch lặp lại, “tốt thôi!”.

*

Sau những báo cáo dài dằng dặc, những phê và tự phê đầy tính hình thức, những hoan hô và đả đảo, là cuộc liên hoan với các đại cán nước anh em. Lại rượu, và thịt, và những lần cụng ly nghĩa tình với lời thề chiến thắng của giai cấp công nông đang xông lên mũi đột phá tiến công của vô sản thế giới. Người người say, nhà nhà say. Say rượu có, nhưng say chữ, say khẩu hiệu, say viễn tưởng một ngày mai thiên đường thì nhiều. Say thật, không ít. Nhưng Chính biết Loan giả say. Mình cũng mượn hơi men say giả. Xế chiều, Chính về nhà Loan. Trầm ngâm, Chính hỏi:

– Cậu thấy Cải Cách với Chỉnh Ðốn thế nào?

– Sợ… chỉ thấy sợ!

Im lặng một lát, Loan ngước lên, giọng lo lắng:

– Chuyện Chỉnh Đốn thì mình chỉ biết những chuyện địa phương. Nhưng mình chắc là có chủ trương từ trên… Cậu có biết gì không?

– Từ sau chuyến đi Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa, Ông Cụ về thì nội bộ có những ý kiến khác biệt về việc tổ chức Đảng. Khi xét lại thành phần giai cấp của Đảng viên, ai bị kết là trí thức tiểu tư sản đều thấy bắt đầu có đối xử phân biệt. Một số không nhỏ “dinh tê”. Có vẻ như đang hình thành một thứ quyền lực mới với những đảng viên vừa được kết nạp, số lên đến 10 vạn theo đúng như tỉ lệ đảng viên bên Trung Quốc. Kết nạp lại hết sức tùy tiện, chỉ dựa vào giai cấp bần cố nông, đến nỗi có người cho rằng kết nạp Đảng hệt như chiêu mộ kiêu binh thời chúa Trịnh. Nay nhà Chúa lại được Thiên Hoàng phương Bắc hậu thuẫn. Cũng may mà chiến cuộc vẫn chưa kết thúc nên nội bộ vẫn còn phải nương nhau…

– Còn Cải Cách …Chắc là có liên hệ với Chỉnh Đốn…

– Tất nhiên. Chỉnh Đốn là phải loại đi một số đảng viên cũ và bù lại thu dụng những người thành phần cốt cán. Một công đôi ba việc, nhân dân phải tiến hành Cải Cách Ruộng Đất mới biết ai là cốt cán, ai không. Và nhân dân là ai? Là nông dân, tỉ lệ chiếm đến 95% dân số. Vậy, châm ngọn lửa đấu tranh giai cấp với miếng bả ruộng đất vốn là giấc mơ của nông dân từ hàng trăm hàng ngàn năm nay là “cách mạng nhân dân”. Mang cái bả Cải Cách nhằm phóng tay phát động quần chúng, tất sẽ tiêu diệt phong kiến và “tạch tạch sè” bằng đội quân chủ lực dễ sai dễ bảo, và nhất là dễ say máu với cái lòng tham muôn thuở …

Loan đưa tay chận Chính, ngắt:

– Xã hội ta xưa nay dựa trên nền tảng đạo lý làng xã, không phải một lúc mà quẳng đi được…

-…thì các đồng chí nước anh em bên cạnh đã đi tiên phong sang chỉ đường đi nước bước. Họa hoằn có người có ý kiến, các đồng chí đó sẽ bảo xã hội Việt Nam và xã hội Trung Quốc có chung một văn hoá. Vả lại, kích thích con người bằng những động cơ cấp thấp như trục lợi, căm hờn… dễ chứ không khó, bằng chứng là lắm chỗ nâng chỉ tiêu 5% lên 7% địa chủ để lập thành tích. Trong khi đó, ai cũng kêu ca là miền Bắc nước ta nếu có thì phần lớn chỉ có trung nông.

Loan trầm giọng:

– Không, không phải chỉ có chuyện các đồng chí phương Bắc! Đánh vỡ được làng xã, chắc mầm mống đã sẵn từ lâu. Có lẽ là do những bất công tích tụ đời này qua đời kia chăng…

Chính lắc đầu:

– Cậu nhớ, dân ta có câu “ giầu không hơn ba họ, khó chẳng quá ba đời”. Ruộng đời ông có, đến đời cha thi phải chia ra cho đám 3, 4 đứa con trai. Rồi đến đời con, lại chia nữa, nên chỉ ba đời ruộng đời ông thành ra 16 cho đến 20 mảnh đời cháu. Đất thì có hạn, chia như thế làm sao giầu quá ba đời được! Vậy thì chuyện bóc lột là có, nhưng giới hạn. Vì thế, tôi hiểu chỉ tiêu 5% địa chủ có tính thuần chính trị nhằm gây phong trào quần chúng. Để làm gì? Để cải tạo tận gốc quan hệ sản xuất, đưa vào sở hữu tập thể. Nhưng với nông nghiệp, thế chỉ là tập trung sở hữu chứ có thực sự thay đổi được gì để đời sống nông dân tốt đẹp lên thì tôi chưa chắc…

Loan ngắt:

– Nhìn thì thấy ngay những bất cập, tại sao “trên” không thấy?

– Trên có thể thấy hết – Chính cười nhạt – nhưng vấn đề khác. Vấn đề là quyền lực chính trị. Có những người dùng phương tiện Chỉnh Đốn Tổ Chức để tranh đoạt cho bằng được quyền lực, nhất là trước khi ta chiến thắng quân Pháp…

Loan thở dài, ngắt lời Chính:

– Chiến thắng rồi nên mới sợ! Bây giờ sợ… mình. Hết sợ Tây, đến sợ mình! Cậu nghe báo cáo của Chu Biên rồi. Dân khu tư có câu vè, “Phóng tay như điên, nhờ tay quần chúng. Giết người nổi tiếng là gã Chu Biên!”. Cứ giết, giết… thì sẽ sống với ai? Chỉnh Ðốn đã đe cấp Huyện, chứ không chỉ ở xã theo như chính sách đã phổ biến. Sau Huyện, sẽ đến Tỉnh? Cho nên phải giữ mồm giữ miệng!

*

Trước cơm tối, anh liên lạc của Thường Vụ tỉnh dẫn một người đến xin gặp Chính. Loan ra tiếp. Khi Loan đưa người ấy vào, Chính đứng bật dậy. Ðó là Văn. Ði hai ngày đường, Văn mới tìm được Quân Y viện, rồi mất thêm một ngày mới mò ra Chính. Như không để ý đến cánh tay băng bó của Chính, Văn xáp lại thì thầm vào tai anh. Chính tái mặt, ngồi phịch xuống ghế. Tối hôm đó, Chính bàn bạc với Loan. Ðăm chiêu, Loan cuối cùng lắc đầu. Chính năn nỉ:

– Ủy ban Tỉnh viết cho cái giấy giới thiệu, thế là đủ bảo đảm!

Loan lại lắc:

– Cán bộ xã khi cần thì bảo không biết đọc, để muốn làm gì cứ làm! Cười nhạt, Loan cay đắng – lắm khi cũng không biết đọc thật, chứ chẳng chơi…

Chính im lặng. Lát sau, Chính bật dậy, nắm vai Loan:

– Nhưng là mẹ tôi! Tôi ngoảnh mặt thì tôi có là con người nữa không?

Loan thở dài. Chính hỏi lại. Loan không đáp, chỉ nói:

– Thôi được! Cậu để Văn về thẳng nhà Chung xã Ðoài. Còn lại, tôi lo sắp đặt. Phải tính ra mọi khả năng, và cách đối phó… Giặc ngoài, đánh dễ vì nhận diện được ngay. Giặc trong, chúng ở mọi nơi, lắm khi ở chính trong ta mà ta cũng chẳng biết!

*

Ðội Cải Cách thôn Bùi Chu cho Lựu tức tốc mời Ðội Trưởng Khải Hoàn đang họp trên xã về ngay để đối phó. Khi ban chỉ huy đội vắng mặt, thế lực phong kiến đang vùng lên. Tổ trưởng dân quân Ðơm báo cáo, chúng tìm cách gây hoang mang sợ hãi trong quần chúng nông dân vô sản, bao che cho kẻ thù là địa chủ, hào, bá và bọn phản động Quốc Dân Ðảng. Thôn trưởng Canh đã đầu hàng giai cấp. Trước tình thế cực kỳ nguy ngập, Khải Hoàn bắt Tị về ngay lập tức. Cuối buổi báo cáo Ðoàn Ủy cấp huyện, Khải Hoàn thòng một câu:

– Đoàn cứ cho ít đạn, đâu sẽ vào đấy!

Trên đường về, Khải Hoàn hỏi Lựu:

– Găng thế à?

– Găng chứ, anh Ðội! Vắng anh là chúng nó trèo lên đầu lên cổ quần chúng! Chúng nó đòi trèo lên cả… em nữa đấy! Lựu khúc khích.

– Trèo… trèo làm sao?

– Thì trèo như hiếp dâm ấy mà! Em phải dọa, em mách anh Ðội, mấy thằng dân quân chúng nó mới để cho yên…

– Mấy thằng?

– Ba. Chúng nó lột quần em, xem có phải thật là bá Chước hiếp không? Em thì em bảo, anh Ðội bảo hiếp là hiếp như thế…

– Mẹ mày! Ai bảo mày kể! Phải bảo mật, nghe chưa. Từ nay cấm không được hó hé nói lăng nhăng nữa! Nếu không, quần chúng kêu là tố điêu, chết cả lũ…

– Chết thì chết, em chết với anh Ðội là em mãn nguyện lắm.

Nói xong, Lựu thình lình ngồi sụp xuống, mình tựa vào bờ đê, vén váy, hai chân dạng ra. Khải Hoàn vừa bước, vừa buồn cười, quát:

– Ban ngày ban mặt! Nào… đứng lên!

Lựu phụng phịu:

– Không! Không đứng… Tố điêu thì điêu đứt đi rồi! Nào, ngồi xuống đây anh Ðội! Anh mà không nghe, em kể cho cả làng biết là anh dạy em học tập thế nào nhé…

Khải Hoàn suỵt một tiếng, nhưng ngồi xuống. Lựu quơ nắm tay Khải Hoàn, áp vào bụng dưới, hỏi:

– Anh Ðội, em hỏi thật. Có lúc anh hiếp mà bụng em ấm lên, rồi ọc ra đi giải mà không phải đi giải là thế nào?

– …

– Anh mà không cho em học tập nữa, thì em hỏi cả làng!

– Ấy, ấy… đừng! Chuyện đàn bà, sao anh biết được!

Buột miệng xưng anh, Khải Hoàn nhìn xuống. Mắt cái Lựu nhắm, miệng hé, lưỡi thò ra, tay lại kéo tay Khải Hoàn ấn vào giữa hai cái đùi chắc nịch. Khải Hoàn thầm nhủ, đúng là tuổi bẻ sừng trâu. Quẳng túi zết sang một bên, Khải Hoàn nhìn quanh, rồi tuột quần. Ối giời ôi, Lựu kêu. Một lát sau, Lựu o e tiếng nghé gọi mẹ, rồi hổn hển:

– Anh Khải Hoàn, kết nạp em nhé! Ðợi mãi, chẳng thấy Ðội gọi…

– …

– Kết nạp nhé! Em tiến bộ thế chưa đủ à…

– …

– Nữa, nữa… ôi giời ôi! Kết nạp nhé!

– Ừ, kết nạp. Khải Hoàn hự lên rồi quát – dạng ra, kết nạp đây… đây…

– Nữa… nữa vào… Tiên sư thằng bá Chước… Nữa đi!

Hai người cứ thế dập xuống ưỡn lên, không để ý đến một con trâu mẹ ở đâu lần đến, có lẽ vì nghe lầm tiếng nghé kêu. Nó nhìn, lơ đãng đập đuôi đuổi lũ ruồi nhặng bám quanh, rồi thủng thỉnh bước.

*

Về đến nơi, Khải Hoàn lấy dáng vội vã dấn bước đi thẳng lại trụ sở, mặc cho Lựu lẽo đẽo đằng sau. Để túi zết xuống bàn, Khải Hoàn đằng hắng, tay gỡ kính, tay phất gọi Đơm sai lấy cho cốc nước. Chiêu một ngụm đầy, Khải Hoàn hỏi, giọng uy quyền:

– Mới rời ra mấy hôm đã lắm chuyện. Trên huyện lại đầy việc phải giải quyết..

Tị đợi Khải Hoàn ngồi rồi mới thủng thỉnh:

– Tưởng gì! Thầy bói Lộc định đêm nay làm lễ dâng sao.

Khải Hoàn sẵng:

– Nó làm gì thì làm, tại sao lại bảo là thế lực phong kiến?

– Tại dân cả làng yêu cầu…

– Hừm… điều tra chưa?

– Theo cái Ðơm tổ dân quân, từ hai đêm nay cứ tối tối là đá từ nghĩa địa ném vào nhà vào cửa. Còn đất, có chỗ bồng bềnh như nước, dẵm lên không khéo là ngã… Có người nghe tiếng gầm gừ nổi lên từ lòng đất, nông dân đồn là thổ thần động cơn…

– Láo! Mê tín, hủ bại…

Khải Hoàn ra lệnh tìm rễ, chuỗi lên điều tra. Vợ Thung mặt tái xanh, nghẹn ngào:

– Báo cáo anh Ðội, nguy lắm! Tổ đấu nhà Thạch không dám đi cụng đầu nữa. Cứ tối, vừa họp là đá ném vào rào rào. Chồng em thì nằm rên hừ hừ, đêm cứ thét lên, bác tha cho con, con dại…

Tị nheo mắt:

– Bác nào?

– Thì nhà em gọi bố anh Thạch là bác!

Khải Hoàn quát:

– Anh gì? Thằng địa chủ Thạch, không anh em gì với chúng nó!

Thì thào vào tai Tị xong, Khải Hoàn lừ lừ ngồi lên, mở sổ ra ghi chép. Lát sau, Ðơm điệu vợ chồng thầy bói Lộc đến. Người vợ ấp úng:

– Anh Ðội hỏi, có gì nhà cháu khai hết!

Khải Hoàn nhìn Lộc mắt sùm sụp kính đen, đầu chít khăn, áo the quần lĩnh đang xớ rớ đứng vân vê tay. Khải Hoàn quát:

– Ði đâu mà diện kiểu phong kiến thế này, hả?

Thầy bói lúng túng:

– Báo cáo Ðội, em nghĩ Ðội hỏi việc Thánh, nên phải ăn mặc cho trang trọng, có kiêng có lành…

– Này! gỡ ngay kính xuống xem mù thật hay mù giả! Có biết bói toán là dị đoan mê tín không?

Lộc đưa tay lên gỡ kính, đầu gật lia gật lịa. Khải Hoàn tới, nhìn sát vào hai con mắt Lộc trơ đục, sẵng:

– Người sáng nhìn chưa ra, mù mà dám nói rằng thấy!

– Dạ, dạ… em thấy là nhờ lộc trên, chứ có nhìn gì đâu!

– Thế thấy gì?

– Dạ… dạ… Em thấy âm binh kéo về đầy thôn. Bây giờ dương suy, khéo bị âm binh vật chết cả. Phải cúng ba đêm, đợi khi Bạch Mã vào vòng Thiên Hà thì sửa lễ hướng Nam, bắt quyết rồi khấn Nam Tào về trợ, mới qua được!

Khải Hoàn đập bàn:

– Ðêm nay mà đội không thấy ném đá, đất động thì vợ chồng nhà anh tù rục xương về tội sách động nhân dân làm loạn, nghe chưa!

Không may cho vợ chồng thầy bói Lộc, thôn Bùi Chu đến quá nửa đêm vẫn chẳng thấy động tịnh gì. Ðập tráp, Lộc khóc rưng rức, than:

– Thánh không cho ăn lộc nữa rồi!

Hai vợ chồng bị trói giật cánh khuỷa, giong về Ủy Ban như giong trâu. Chưa đến trụ sở, tiếng gạch tiếng đá lại rào rào bay vào thôn.

– Âm binh về rồi, nhà nó ơi! Vợ Lộc mừng rỡ reo tướng lên.

Lần này, người chết cứu người sống. Thầy bói Lộc lẩm nhẩm bắt quyết, người đảo lên như nhập đồng. Tị sợ quá, ôm chầm lấy Ðơm. Trưởng thôn Canh vừa chạy vừa kêu Trời kêu Phật. Về phần cái Lựu, nó báo với Khải Hoàn:

– Em rõ ràng thấy một người đàn bà áo vàng và một đứa bé mặc toàn trắng. Chính thằng bé ấy bốc đá ném!

– Ở đâu?

– Cạnh nghĩa địa! Bên bờ kênh…

Khải Hoàn quát:

– Ðơm! Dẫn dân quân ra xem đứa nào phá làng phá xóm!

Ðẩy Tị ra, Ðơm lúng búng:

– Ðêm hôm, ở nghĩa địa toàn ma là ma, em hãi lắm…

Thầy bói Lộc hứng chí:

– Ðừng sợ! Cứ để tôi đi trước, tôi bắt quyết dẫn đường. Ðã bảo, âm binh về đông lắm mà anh Ðội không tin. Anh còn không tin, cứ đi với tôi!

Khải Hoàn lắc đầu. Ðến gần Lộc, Khải Hoàn thì thào, lễ dâng sao phải ba đêm liền hả! Lộc gật. Khải Hoàn bảo Tị lên đường trở lại huyện. Tị hỏi, Khải Hoàn đáp:

-… đi ba đêm, cho nó đuổi âm binh xong rồi về mới tiếp tục Cải Cách. Và đừng hé răng cho các đồng chí trên huyện biết!

*

Ðoàn ủy viên cấp Huyện liếc qua hồ sơ tội ác của nhà Thạch. Đăm chiêu, ông ta đưa tay lên vê râu mép, một lúc sau mới chép miệng, nói:

– Nhà nó có năm mẫu ruộng, định mức thì địa chủ đứt đi rồi, nhưng nó có hy sinh một đứa con cho Cách Mạng, đứa kia đang chiến đấu trong hàng ngũ ta, cũng phải châm chước chứ!

Ðội ủy viên cấp xã im lặng nhìn nhau. Một người giơ tay phát biểu:

– Ðồng chí cố vấn kể chuyện con mụ Nguyễn thị Năm cho chúng tôi nghe. Nó là đại tư sản, biếu Cách Mạng năm trăm lạng vàng, đã giấu và nuôi những đồng chí Trường Chinh, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng… đều là những lãnh đạo của ta. Con trai nó làm đến Trung đoàn trưởng, nhưng khi qui thành phần, thì nó vẫn cứ là địa chủ. Theo tôi hiểu, giai cấp nào ra giai cấp nấy, không cứ bảo có đóng góp với Cách Mạng là xóa giai cấp được. Còn châm chước, lẽ dĩ nhiên là có, nhưng châm chước thế nào để đừng mất khí thế quần chúng mới được!

Thế là nhao nhao lên, mỗi người một ý. Khải Hoàn đứng dậy:

– Xã tôi, chỉ tiêu năm phần trăm chưa đạt vì cái thôn Bùi Chu này đất hẹp, người lại đông. Ðấu thì chắc rồi, nhưng có châm chước, chí ít án địa chủ cũng là mười năm cải tạo. Nhìn Tị, Khải Hoàn làm bộ hỏi – đồng chí là chánh án, nông dân bần cố ở thôn ý kiến thế nào, xin đồng chí báo cáo cho biết!

Tị đứng lên, tay rút sổ, chăm chú đọc rồi kết luận:

– Quần chúng chắn chắn muốn án nặng hơn mười lăm năm! Nhà Thạch không chỉ nợ ruộng, nợ máu cũng có!

Ðoàn ủy ngắt:

– Nợ máu thế nào?

Tị lật lật quyển sổ nhàu nát, đọc:

– Vợ Thung, là em dâu lấy Thung, em con chú con bác với nhà Thạch bị nó tát hộc máu tươi…

– Thôi được… Đoàn ủy gượng cười, tiếp – án thế nào thì cứ tùy phản ứng quần chúng. Nay, ta qua phần kết nạp!

Nhìn Khải Hoàn, Đoàn ủy hắng giọng:

– Thôi, xã nào cũng đòi kết nạp rễ, chuỗi. Riêng thôn Bùi Chu, số địa chủ chưa đạt chỉ tiêu năm phần trăm mà đòi kết nạp nhiều thế này, đồng chí Khải Hoàn báo cho hội nghị biết là tại sao?

Sửa gọng kính, Khải Hoàn lấy giọng từ tốn:

– Kính thưa đồng chí Ðoàn ủy, thưa các đồng chí Ðội trưởng toàn xã, Bùi Chu xin kết nạp nhiều vì ở địa phương cuộc đấu tranh rất gay go. Một là người công giáo đông, bao che nhau, cái tổ bìm bịp là Nhà Chung xã Ðoài. Hai là có sự tiếp tay của bọn phản Cách Mạng Quốc Dân Ðảng. Và ba, địa chủ cực kỳ khôn ngoan, khi giảm tô đã xin cúng ruộng, nhưng chính phủ và các ủy ban hành chính địa phương đều linh động trả lại, không mắc mưu giai cấp. Kính thưa các đồng chí, trên có trời, dưới có phép biện chứng, đã gay go thì trong đấu tranh, mặt này mặt kia đều phải có lực, và nếu không đủ, thì ta chủ động tạo lực lượng, biến lượng thành chất, tạo khả năng đập tan giai cấp địa chủ, cường hào hầu giành thắng lợi cuối cùng!

Cả hội nghị đứng lên vỗ tay. Khải Hoàn nghiêng mình như một diễn viên và cũng đưa tay lên vỗ đáp lễ như những vị lãnh tụ của Cách Mạng.

*

Ở Bùi Chu, người ta kháo nhau cả thôn lên quan, nhà nào cũng có người được vào Ðảng. Hai ngày liền, thôn mở hội, không làm ăn gì, chỉ đánh trống, đánh kẻng và vật trâu vật lợn làm cỗ kết nạp. Khí thế Cách Mạng hừng hực, lửa đấu tranh bốc lên mây dọa thiêu cả cõi trời. Và ngay sau đó, là cuộc đấu tố tên địa chủ Thạch. Chủ tịch cuộc đấu là thôn trưởng Canh, đã được kết nạp, đọc thuộc bài “khai mạc”, không vấp váp một chữ. Ðấu trường rào rào vỗ tay, đồng thanh hô đả đảo địa chủ. Thạch quì giữa đấu trường, ngước mắt nhìn trời, thản nhiên như không. Tị hầm hè rồi quát:

– Thằng địa chủ, cúi đầu xuống!

Thạch lì ra không phản ứng. Ðơm bước đến nắm tóc Thạch đè xuống, chửi:

– Tổ cha địa chủ cứng đầu, cứng cổ…

Gục đầu, Thạch cười khà khà. Vợ Thung sắn quần, nhảy tới, giang tay vả vào mồm Thạch, rít lên:

– Mày cười giai cấp nông dân chúng tao hả, hả…

– Tôi không dám…

– Mày xưng tôi với ai? Con, xưng con… Nhắc lại!

– Con không dám, ông bà nông dân ơi… Thạch tiếp tục cười.

Một thằng bé cỡ mười ba, mười bốn sấn vào, tay cầm một cây tầm vông, quát:

– Cười nữa ông đánh gãy răng! Nông dân là quân chủ lực…

Ðấu trường hô lên:

– Tre đực làm gậy tầm vông. Ðánh, đánh…

Khải Hoàn đưa tay ra dấu không cho, đánh ngay địa chủ nằm lăn quay ra là hết đấu với tố.

Giai cấp nông dân lập lại những cuộc diễn tập đã thành thạo trong những buổi cụng đầu tố khổ. Thằng bé cầm gậy tầm vông bắt đầu:

– Thằng Thạch, mày có nhớ đã đánh tao hai mươi roi vào đít không? Tao van mày xin tha, mày không cho, lại bảo tao không biết tội, đánh thêm năm roi. Tại sao mày tàn ác đến thế?

– Ông đi ở nhà con, việc là chăn trâu mà ông đánh đáo thế nào để trâu đạp ruộng người ta, con phải đền. Thế mà hỏi ông, ông cứ chối phắt đi…

– A, đả đảo địa chủ ngoan cố. Ðả đảo…

Thằng bé được thể, quật cây tầm vông vào lưng Thạch. Ngã xuống, Thạch lại nằm lì, miệng vẫn khà khà cười. Dân quân chạy lại xốc cho Thạch quì lên. Tị nhìn vợ Thung. Mụ nhảy xổ ra:

– Thằng Thạch… Nhìn bà cho rõ, ai đây?

– Vợ Thung!

– Không, bà nông dân Thung, nói lại!

– Dạ… bà nông dân!

– Mày nợ máu với bà, mày biết không?

– …

– Ngày 8 tháng giêng năm Ất Dậu, mày đã tát bà một cái sặc máu mũi, đúng hay sai?

Ðấu trường ồ lên, đúng rồi, đúng rồi!

– Vâng, con có tát bà thật. Chuyện đầu đuôi thế này. Nhà con có ăn, nhưng mỗi bữa mỗi người bớt một bát để cứu đói. Bà vào bếp ăn vụng, chồng bà chửi bà. Bà trả miếng, đi qua bàn thờ ông bà nhà con thì bà nhổ nước bọt vào. Thử hỏi không tát bà mà được à?

Ðấu trường im phăng phắc. Cái Lựu nhanh trí hô đả đảo địa chủ. Thế là đả đảo, đả đảo… Thạch đợi rồi nói tiếp:

– Con có tát bà, máu bà là máu cam, bà sổ mũi cũng ra máu…

Ðơm quát:

– Ðịa chủ đã nhận tội có nợ máu. Ðả đảo!

Lại đả đảo, đả đảo… Ðến lượt nhà Thung, Khải Hoàn gọi là yếu tố quyết định thắng lợi. Ngượng nghịu, Thung bước ra, mặt trắng bệnh:

– Ðịa chủ Thạch, mày có nhận ra ai đây không?

– Dạ có, ông là ông Thung, bố con tức là bác ông đã mang ông về nuôi khi ông sáu tuổi, mẹ ông đi lấy chồng vứt ông ở cổng chùa…

– Hừm… bố mày nuôi… nhưng không cho tao đi học. Mày lên Vinh, học xẹc-ti-phi-ca trong khi tao, tao phải ở nhà làm việc như trâu như chó. Ðịa chủ bóc lột!

Ðấu trường lại đả đảo, đả đảo. Thạch mỉm cười:

– Dạ đúng, đúng một nửa. Ông lên Vinh với con, nhưng ông trốn học, bị đuổi. Còn làm như trâu như chó thì cũng đúng một nửa. Việc của ông là trông nom sổ công, không phải như trâu. Còn việc như chó, thì thế là… đúng đấy!

Ðấu trường ồ lên, nhưng cười, cười thoả thuê, cười ngặt nghẽo. Khải Hoàn thét:

– Ðịa chủ nói xỏ nông dân.

Thung vẫn chưa hiểu xỏ là xỏ thế nào, đưa mắt nhìn vợ.

– Nó bảo mình là chó mà nhịn được à? Vợ Thung lồng lộn .

Ðấu trường lại đả đảo, đả đảo. Nhưng một việc không ai ngờ đã xảy ra. Thung mếu máo:

– Cũng chó thật! Thôi… Ðội có kết tội “liên quan” tôi chịu! Tôi không đấu ai nữa, có đuổi khỏi nông hội thì cứ đuổi.

Nói xong, Thung òa lên khóc, cắm đầu chạy. Vợ Thung tất tả đuổi theo, the thé:

– Cha tiên nhân thằng Thung, mất mẹ nó lập trường rồi à?

Ðấu trường lại cười, mặc cho anh đội Khải Hoàn hừm hừm và chánh án Tị thì cứ xuýt xoa kêu nhỏ “Toi rồi, hỏng kế hoạch!”.

Hỏng kế hoạch, đành lại bỏ Thạch vào trái sau ngôi chùa, trụ sở của đội Cải Cách. Và thêm một chuyện cũng không ai ngờ được. Ðêm hôm, Thạch rủ rỉ thế nào mà một dân quân thả cho Thạch về nhà, đổi lại là cái nhẫn Thạch chôn được trước kiểm kê. Sáng sớm hôm sau, trước khi thôn gióng trống ngũ liên, Thạch tắm rửa sạch sẽ, khăn áo chỉnh tề, nhưng là áo tang, trắng toát từ đầu đến chân. Quay lại “trình diện” với Ðội ở chùa, Thạch bước, miệng vẫn nhếch một nụ cười bề ngoài trông bình thản đến độ khiêu khích. Ðợi cho Khải Hoàn, Tị, Ðơm và trưởng thôn Canh đủ mặt, Thạch từ sau bước ra Tam Bảo, mặt mũi vẫn còn thâm tím, nhưng nghiêm trang, nói từng tiếng:

– Ruộng năm mẫu, đến ba là ruộng sỏi, ruộng chua, làm mầu cũng khó nữa là trồng lúa. Qui địa chủ, thì thôi, tôi chịu. Nhưng hai đứa con, một chết đã phong liệt sĩ, một thì đánh Pháp ở Ðiện Biên, cũng là công. Công không tính, chỉ tính tội, mà tội thì nhân lên gấp năm gấp bảy…

Chưa ai kịp phản ứng, Thạch rút con dao chọc tiết ra, cười khà:

– Thạch này dẫu có là địa chủ bóc lột cũng biết tự xử…

Thình lình, Thạch nhấn mạnh con dao vào ngực, nơi trái tim, miệng kêu to:

– Cụ Hồ ơi, cụ lầm rồi!

Máu bắn tung tóe trên nền gạch Tam Bảo. Ai nấy sững ra, trừ trưởng thôn Canh. Hắn chạy như điên như cuồng, miệng rít lên:

– Cụ Hồ ơi, cụ lầm! Ông đếch vào, ông đéo đấu với tố nữa!

*

– Ðịa chủ không có quyền chết. Cái chết của nó là do bần cố quyết. Nó gian ác, nó cướp của nông dân, nó tự tử là làm nhụt quyết tâm giai cấp, gây khó khăn cho cách mạng, đánh vào tâm lý quần chúng. Còn ‘‘quả thực” nhà Thạch, vẫn phải cứ phải chia… để lấy lại khí thế!

Bần cố ồ lên, đúng rồi, đúng rồi! Không chia “quả thực” là trúng kế địa chủ gian ác mánh lới, nó lấy dao tự đâm vào tim để phân tán lực lượng Cách Mạng. Bần cố lại ồ lên, đúng rồi! Khải Hoàn giả chép miệng, gượng gạo nói, chia thì chia.

Cắm thẻ nhận ruộng, mỗi gia đình bần cố được ba sào định mức. Nhưng ruộng có cao, có thấp, có gần có xa, nơi đồng mặn, chỗ đồng chua. Cứ ba sào bình quân, tất sẽ bất bình đẳng. Ba sào đồng cao bằng bảy sào đồng thấp, có người đề nghị. Không, không. Cấp trên ở huyện không qui định như thế. Làm sao bây giờ? Khải Hoàn dõng dạc, “ta có cách của ta”! Một bần cố giơ tay, làm gì thì làm, gia đình tôi có bảy đứa con, lại nuôi thêm ba đứa cháu mồ côi mà chỉ ba sào là đói! Khải Hoàn ghi lại, chú thêm, “ …vấn đề mới. Cứ thế này thì bỏ mẹ!”. Lên báo cáo Ðoàn, Khải Hoàn huênh hoang, có vấn đề mới tất có giải pháp mới. Ðoàn ủy viên hỏi, giải pháp thế nào. Khải Hoàn đáp, giọng chắc nịch:

– Chính sách là người cầy có ruộng. Vậy cứ tính theo tay cầy mà phát ruộng là đúng. Ai dám bảo chính sách sai?

Ðoàn ủy gật gù:

– Thế nhưng cũng có chính sách tiến tới một xã hội công bình…

– Tiến tới, tức là tiến là trước. Còn tới, là sau, rồi mới công bình được chứ! Thưa đồng chí, không tiến thì làm sao tới được?

Cuộc chia ruộng tất nhiên khó. Nhưng khó khăn nào Cách Mạng cũng vượt qua. Bằng cách ra nghị quyết chỉ định chia thế này, phân thế nọ. Cắm thẻ xong, có hiện tượng nhổ thẻ lấn bờ cắm lại. Thế là ẩu đả: có khi hai ba gia đình liên minh lại chống hai ba gia đình khác. Thường, liên minh dựa trên quan hệ họ tộc. Và nhất là quan hệ riêng tư với Ðội, với dân quân.

Rút kinh nghiệm chia ruộng, Khải Hoàn sáng tạo ra một phương pháp chia “quả thực” rất khoa học. Mọi hiện vật được đánh số, sau đó bần cố rút thăm lấy số. Số ba, cái cuốc. Số mười bốn, cối đá. Số hai bảy, cái màn… Trên bãi chia “quả thực”, bần cố xếp hàng, mặt mũi hớn hở. Khải Hoàn tuyên bố:

– Phép chia này công bình, ai cũng được rút và thế là ai cũng được chia. Phương pháp này, ai có gì là do số mạng cả…

Ðúng rồi, đúng rồi! Bần cố đồng thanh kêu.

Kết quả, có gia đình được ba cái cối đá, nhưng một cối là đủ, có mong là mong vớ được cái bát lành, cái nồi, cái mâm, đôi đũa cả. Có gia đình được màn phin, gối gấm, chăn bông… nhưng lại nghèo không có sẵn giường chiếu, chẳng biết màn gối dùng vào việc gì. Có gia đình không hiểu thế nào rút phải chỉ toàn nong với nia… Ðúng là cái số. Ðội phó Tị nói vớt “đức năng thắng số”. Nhưng bần cố thực tế hơn, đòi qui “quả thực” ra tiền. Khải Hoàn thét lên “…thế là không được! Không có chính sách!”. Bần cố xì xào ấm ức. Cuối cùng, Khải Hoàn xin với Ðoàn ủy cho phép bần cố đổi hiện vật lấy hiện vật. Ðoàn ủy báo lên Tỉnh, rồi Khu. Ðược phép, Khải Hoàn tuyên bố đó là thắng lợi của thị trường xã hội chủ nghĩa. Cách Mạng luôn luôn tiên tiến, và nhất là rất khoa học!

*

Trước khi vào thôn, Chính vòng qua nơi chôn cất gia đình mình. Ba nấm mồ vẫn đó, nhưng nay mối đùn, cỏ hoang mọc lên đến đầu gối. Người liên lạc, tên Thăng, là một thanh niên tuổi đôi mươi, linh lợi và vui tính. Cúi xuống giúp Chính nhổ cỏ, anh nhẹ giọng, xin được “ hầu” các cụ.

Chính và Thăng hỏi thăm rồi vào trụ sở Ủy ban thôn. Từ ngày Canh bỏ đi, Ðơm thành trưởng thôn. Còn cái Lựu, nó được thăng lên tổ trưởng đội dân quân, nay đú đởn ra mặt, hơi tí là “tích cực” thế này, “lập trường” thế kia, và bất cứ cái gì cũng thả hai chữ “cao độ” đèo vào cho nó Cách Mạng. Chào đồng chí trưởng thôn, Thăng xuất trình giấy giới thiệu. Ðơm ngước mắt, hỏi trống không:

– Ai là Phan Thượng Chính?

Bước lên một bước, Chính bảo tôi, rồi mỉm cười. Ðơm nhìn chằm chằm vào mặt, nghiêm chỉnh:

– Ðồng chí về thôn với công tác gì?

– Tôi là thương binh, nay bộ đội có nhiệm vụ thăm hỏi gia đình những đồng chí liệt sĩ trong xã…

– Ðồng chí thăm ai ở đây?

– Có gia đình đồng chí Chúc, cha là Thạch. Có đồng chí Phương, mẹ là bà phó Mộc…

Ðơm ngắt:

– Thạch là địa chủ, bị đấu, nay chết rồi!

Chính sững sờ, chưa biết hành xử ra sao thì Ðơm tiếp:

– Đồng chí có liên quan với nó à?

Ðúng lúc đó, Lựu từ gian bên bước ra, khẩu mút-cơ-tông chĩa vào Chính và Thăng. Ðằng sau, sáu dân quân đã chực sẵn xô vào nắm tay trói gô lại. Ðơm gằn:

– Chúng tôi giữ các đồng chí để điều tra. Trên Huyện báo bọn phỉ Quốc Dân Ðảng có kế hoạch đánh phá Cách Mạng…

Lựu hô to, mặt hằm hằm:

– Giải chúng nó ra nhà giam! Trước khi đi, bịt mắt lại!

Chính và Thăng bị trói cả chân lẫn tay, miệng nhét đầy giẻ. Căn phòng giam lờ mờ ánh sáng hắt từ vách tường ngăn bằng gỗ với gian bên kia, hơi ẩm thấp xen mùi khai nước đái thoảng vào. Khi bị nhét giẻ, Thăng đã uốn lưỡi, và từ từ đẩy ra được. Thăng thì thào:

– Vẫn ở trong chùa anh ạ! Họ đưa loanh quanh, đi vòng vòng chứ mình vẫn ở trong chùa. Bây giờ, cứ đợi xem động tĩnh thế nào!

Chính gật, nghiêng người chúi xuống nhìn qua kẽ vách. Ngẫm lại lời trưởng thôn, Chính ngạc nhiên vì trước khi về Bùi Chu, Chính có tạt qua Huyện và trao đổi với Ðoàn ủy đoàn Cải Cách. Trong đợt chỉnh huấn cách đây ba năm, Chính đã khai rõ mình là Nguyễn Trường Võ, con ông bà Nguyễn Trường Cửu, và cũng xin giữ bí danh mình đã dùng từ những năm 30. Nhưng Chính là cán bộ Trung Ương, cấp Huyện không thể biết gì được. Hơn nữa, Ðoàn ủy đã xem hồ sơ bà đồ Cửu, bảo qui địa chủ thì còn chờ vì việc định thành phần chưa đủ xác minh. Thế thì tại sao trưởng thôn lại bảo Huyện báo về rằng có bọn phỉ Quốc Dân Ðảng?

Tiếng trẻ con lao xao khiến Chính lại dán mắt vào kẽ vách. Chúng nó đến chục đứa. Một đứa xưng là Chủ Tịch, đứng lên khai hội. Nó nói:

– Hôm nay nông dân ta đấu con mẹ Cửu, gian ác có tiếng, thành phần phong kiến cường hào, ruộng có đến ba mẫu.

Cả bọn hô, đả đảo địa chủ!

Chính lặng người. Chắc chắn bọn trẻ này đến xem diễn đấu trong những buổi cụng đầu tố khổ, nay bắt chước người lớn, lập lại những cái kịch bản có khổ nói khổ, có thù nói thù… Chúng đẩy một con bé con chừng mười tuổi vào giữa, hét, địa chủ, quì xuống. Con bé líu ríu, quì nhưng giương mắt nhìn:

– Tao đau chân thì đứa khác thay tao làm địa chủ, đến lượt tao đấu…Cha tiên nhân chúng mày, đứa nào cũng cái chức bần cố!

Cả bọn lại hô, đả đảo địa chủ! Một đứa the thé:

– Ðấy, địa chủ nó ngoan cố phản động thế đấy! Chưa quì thì nó đã đòi làm bần cố đòi đấu nhân dân chúng ta!

Cả bọn lại hô, đả đảo địa chủ!

– Ðồ Cửu! Xưa mày bốc thuốc thế nào mà mẹ tao uống rồi ói ra mật mà chết! Có phải mày đầu độc bần cố chúng tao không?

Con bé đóng vai bà Ðồ chu tréo:

– Sai rồi, phải nói chồng mày là Ðồ Cửu, tao là bà Ðồ cơ mà!

Thằng bé vừa tố văng tục, rồi quát:

– Sai còn hơn sót, địt mẹ mày lắm mồm, câm cha mày đi!

Cả bọn nhao nhao, câm đi, sai còn hơn sót!

Một thằng bé khác xông lên:

– Báo cáo với bần cố, con mẹ Cửu này ghê gớm “cao độ”. Nó để chồng nó ngủ với con dâu, làm mất truyền thống dạo dực của nhân dân…

Con bé đóng vai bà đồ lại ngắt:

– Truyền thống đạo đức chứ không phải dạo dực…

– Câm mồm! Nông dân là quân chủ lực, chỉ đúng đánh đúng, dạo dực cũng được…

Một con bé, mặt lem luốc, tay chỉ, miệng hét toáng lên:

– Ðúng, đúng rồi! Con trai nó là Quốc Dân Ðảng, lẩn vào hàng ngũ chúng ta, làm gián điệp cho Tây. Phải bắt con mẹ Cửu này đền tội nhân dân. Phải bắt nó chết!

– Ðúng rồi! Ðúng rồi! Ðả đảo địa chủ Cửu gian ác “cao độ”! Ðả đảo…

Chính ù tai, tiếng trẻ con xoáy vào óc. Ba chữ sai hơn sót đâm vào màng nhĩ rạch một đường buốt đến óc, rồi theo nhịp đập thành máu độc chảy xuống cháy tim.

Trẻ con diễn tập căm thù!

Chính quằn quại hỏi, mai sau chúng sẽ là những chủ nhân của một xã hội mới ư? Cuộc lên đồng tập thể này đang sửa soạn cả những kẻ kế thừa. Chúng cũng một ngôn ngữ, một hành vi. Là dối trá và căm thù. Tất cả dựa vào cái bản năng thú vật được kích lên bởi lòng tham ngụy trang bằng nào là Cách Mạng, nào là giai cấp, nào là công bằng, nhân ái. Chính chợt nhớ lần đi thăm Phan Bội Châu với cha đâu hai chục năm trước, biết cha rất buồn khi chàng đi theo con đường giải phóng dân tộc bằng bạo lực với sự hỗ trợ của phong trào Cộng Sản quốc tế. Khi ấy, trên đường về xã Đoài, Đồ Cửu thình lình nắm tay Chính, nói như gắt:

– Này, ta bàn trở lại sách của bác Giải San với cái tinh thần quốc tế cách mạng….Giúp mình xong việc giành độc lập, người giúp sẽ hỏi bây giờ phải đấu tranh giai cấp chứ! Lúc ấy phải làm thế nào? Không có giai cấp công nhân, thì rồi nông dân phải đấu tranh với nhau ư? Chỉ có nông dân, đấu tranh giai cấp sẽ biến dạng thành một cuộc giành giật đất đai tư hữu. Người nghèo lấy của kẻ giàu, người không lấy của kẻ có, và dán lên cái cuộc trấn lột cướp bóc khổng lồ ấy danh xưng của một cuộc cách mạng. Xã hội khi đó sẽ chồng chất ân oán hận thù, thử hỏi độc lập như thế thì để làm gì? Độc lập như thế chỉ dẫn đến băng hoại như sự mưng mủ của một cơ thể ruỗng nát! Kẻ tiệm danh giải phóng trở thành người thống trị. Luân thường đảo lộn, đạo lý chỉ độc còn là cái bả quyền lực, miệng một đằng, việc làm một nẻo, ai còn tin ai? Một xã hội đồng thuận sẽ bất khả tồn tại, và mỗi một cá nhân trở thành một ốc đảo, nhân phẩm thu hẹp vào mạng sống và miếng ăn, sống với nhau qua thứ mặt nạ trá hình con người nhưng chung cục biến thành nô lệ của những tham vọng và nhu cầu thấp hèn. Và lại mang ảo tưởng nô lệ như thế chính là mình vì mình, thậm chí vì mọi người, tất sẽ còn tệ hơn là nô lệ ngoại bang. Bởi nói cho cùng, không còn ý thức tự do thì chẳng có cách gì cựa cậy thoát ra cái ách nô lệ được …

*

Sẩm tối, hai dân quân đến điệu Chính đi. Lại bịt mắt, lại đi quanh co. Ðến khi người ta cởi cái băng cuốn quanh, mắt Chính hoa lên. Trước mặt Chính, một người ngồi sau cái bàn, trên để một khẩu súng lục. Người đó hỏi:

– Mày là ai?

– Phan Thượng Chính.

Tiếng cười gằn:

– Không! Không phải. Người đó đứng lên, ghé mắt mình vào mặt Chính, gằn – mày không nhận ra ai đây sao?

Nhìn quen quen, nhưng Chính chịu, lắc đầu. Người đó gỡ cặp kính đen xuống, hỏi lại:

– Nhìn cho kỹ! Nhìn cái mắt chột này… nhận ra chưa?

Chột dạ, Chính biết ngay. Cái hình ảnh mái trường làng ngày xưa, thằng bé Phương nhút nhát và thằng Tẹo quái ác cứ đuổi theo chòng ghẹo hiện ra như mới hôm qua. Chưa kịp đáp, Chính nghe:

– Tẹo đây! Tẹo-chột là tao. Mày là Nguyễn Trường Võ, hà hà… Mai này, tao lấy lại mày cũng một mắt cho công bình! Nhưng tối nay, giữ cả hai mắt mà xem…

Tiếng cười gằn. Rồi tiếng quát:

– Lựu đâu? Cho cái gậy tầm vông, mau!

Một tiếng thét lên. Cánh tay trái bị thương bị chiếc gậy tầm vông quật vào, máu lại tóe ra. Chính xây sẩm, đầu như vỡ toang, mắt loé lên hằng hà sa số những vì sao đủ bảy màu chụm lại thành một ngọn lửa kinh hoàng cứ lớn dần, lớn dần, rồi tỏa ra mênh mông.

Khi Chính tỉnh dậy, chàng thấy Thăng đang cúi xuống, nét mặt lo lắng. Thăng thì thào:

– Ðêm nay, phải trốn. Anh có đau lắm không?

Chính thử nhấc, nhưng cánh tay trái nay liệt hẳn, không nhúc nhích nổi. Xoay mình, cái đau chạy rần rần lên bả vai, khiến nửa người Chính tê điếng hẳn đi. Kìm tiếng rên, Chính cắn răng, đợi cho cơn đau dịu đi rồi nói:

– Không trốn, thì chết!

Thăng bảo:

– Anh Chính ạ! Em xoay người cho anh cắn dây trói tay em, chỉ cần nới nút rút tay ra được là có cơ thoát…

Thăng nói xong, lê đến và xoay người, nhưng tiếng khúc khích cười gian bên khiến Thăng ngừng lại nghe ngóng. Giọng Tẹo vang lên:

– Ghé mắt vào mà xem ai đây!

Chính cố gắng ngóc đầu lên. Giọng Xoan lạnh lùng:

– Nó ở đâu?

– Bên kia cái vách!

Áp mắt vào kẽ vách, Chính nhìn thấy Xoan ngồi trên chiếc chõng, dưới ánh đèn hoa kỳ vặn to, chập chờn nửa thật nửa hư. Tẹo đến cạnh Xoan, ngồi xuống choàng lấy vai:

– Xoan bằng lòng chưa?

Mím môi, Xoan không đáp. Tẹo đưa tay lên gỡ chiếc khăn cuốn tóc. Xoan để yên. Mái tóc Xoan òa xuống như thác đổ, mượt mà trôi theo sống vai. Tẹo thò mũi vào hít hà, tay sờ lên yếm, vuốt ve mân mê. Xoan vẫn để yên, mặt im lìm lạnh ngắt như người không chút sức sống. Tẹo hổn hển, giọng đứt quãng:

– Bằng lòng nhé! Hứa rồi…Nào… còn nhớ không?

Xoan gật. Tẹo đẩy cho Xoan nằm xoài trên chõng, mồm kêu, nhé, Xoan nhé. Nỗi thèm khát trong hai mươi nhăm năm thành một trận lốc quây lấy Tẹo, cuốn cho đầu óc xoay như con vụ quăng ra khỏi đầu dây kìm giữ. Tẹo cởi yếm rồi tụt quần Xoan, miệng như phát rồ, cứ nào…nào. Thình lình, Xoan bật dậy. Môi mím chặt, nàng kéo áo, giọng đanh lại:

– Tôi hứa gì, tôi nhớ! Nó còn sống sờ sờ bên kia, đã chết đâu mà anh đòi gì tôi!

Chính nghe tiếng Xoan đập vào tai như lời tuyên án tử hình. Hơi thở nghẹt lại, ngực tức như có ai dằn xuống bằng đá tảng, đầu óc Chính mụ dần, mắt nhòe nhoẹt hình ảnh Xoan bước đi, lạnh lẽo, tàn nhẫn, và không bao giờ có thể còn là Xoan một ngày xưa. Bao nhiêu dằn vặt vì Xoan chợt biến đi khiến Chính cảm thấy xa lạ với quá khứ chính mình. Như được giải thoát khỏi thứ hệ lụy nặng đến lệch đi một đời người, đây là lần đầu chàng không còn thấy chút tội lỗi gì vì chuyện mình ăn nằm với một người đàn bà không phải là Xoan, đẻ hai đứa con, để rồi tròng sợi dây oan nghiệt có thể siết vào cổ mình. Chính sợ. Nhưng Chính không hề mảy may căm hận. Chàng chỉ cảm thấy một nỗi xót thương tràn lên như sóng nước. Xót thương mình và xót thương người. Xót thương những hình bóng xưa. Nhất là xót thương người đàn bà buồng bên cạnh thoắt trở nên xa lạ như chưa từng là kẻ đầu gối tay ấp với mình. Người đàn bà ấy đứng dậy, mặt trắng bệch như xác chết, mằt trừng trừng nhìn, môi vẫn mím, quay lưng bước đi. Chính nhắm mắt, ôm mặt tránh cái nhìn thách thức đang chọc thủng bức vách ngăn đôi một niềm oan nghiệt.

Hít hơi vào đầy buồng phổi, Chính nghiêng mặt ghé răng cắn vào dây trói tay Thăng. Trước mắt, chàng chỉ còn cái sống là cái phải cưu mang tức thì, không chần chờ được nữa.

*

Chó sủa. Một con. Rồi cứ bước đến đâu, chó sủa đến đó. Gió quật vào những rặng tre trên con đường đất khấp khuỷu. Ðến đầu thôn, những bức tượng Phật, tượng Chúa bị treo cổ lúc lắc, tiếng dây nghiến kèn kẹt trên những cành cây khẳng khiu đâm ngang. Thăng dìu Chính, vừa đi vừa tính toán. Không thể đi dọc bờ kênh được, Thăng thầm nhủ. Bờ trống trải, dễ lộ và không có đường ngang ngõ tắt. Thăng hỏi. Chính nghiến răng kìm cái đau ngấu nghiến cánh tay trái, chỉ lối qua bãi tha ma. Ði đến sáng, liệu có vượt được khu vực của xã không? Thăng lo lắng. Chính gật. Cả hai men theo những mô đất, lội qua ruộng, bỏ lại tiếng chó nay thỉnh thoảng tru lên từng chập. Trước mắt, dăm quả cầu màu vàng, màu hồng bay lên từ những cái mả mới đắp, nhưng khi người đến gần thì tắt lịm đi. Trừ một quả, màu trắng, lơ lửng khoảng đầu gối, cứ lượn lờ phía trước dẫn đường.

Sáng bạch nhật dân quân mới phát hiện hai thằng Việt gian Quốc Dân Ðảng đã trốn thoát. Khải Hoàn lồng lộn như một con trâu phát dại, gầm gừ, chửi Lựu, chửi Ðơm. Xoan nghe tin, cũng đến trụ sở. Môi mím lại, nàng nhìn Khải Hoàn, lạnh lùng bước sang nơi giam bà Ðồ Cửu. Nhìn bà nằm phủ phục như một đống giẻ, Xoan nói, giọng lạnh lùng:

– Báo với bà là anh Võ, anh ấy chết đêm qua rồi!

Bà Ðồ bật dậy, hai mắt mở thao láo, buột miệng rên lên một tiếng rồi lại ngã ngật xuống. Xoan không ngoái lại, lẳng lặng bỏ đi. Phải, Võ đã chết. Và nàng tiếc. Tiếc đã không trần truồng cho Tẹo muốn làm gì thì làm trước mắt Võ, tức đồng chí Phan Thượng Chính, kẻ đã bội phản một người vợ hy sinh tất cả cho chồng đi Cách Mạng.

Xoan bước, như người mất hồn. Ghé qua nhà thay quần áo, nàng choàng lên người bộ áo đại tang ngày chôn ông Ðồ Cửu mười ba năm về trước. Rồi nàng đi, dật dờ như một chiếc bóng. Trưa ngày hôm đó, một đứa bé chăn trâu tất tả chạy về gọi làng gọi nước. Họ ùa nhau chạy ra lối vào đầu thôn. Ðứa bé chỉ tay lên. Ngay đằng sau bức tượng Ðức Mẹ lủng lẳng, Xoan treo cổ, mắt trợn nhìn lên không, khăn tang trắng toát vật vờ đong đưa như múa may với những cơn gió vô tình thổi ngang thôn Bùi Chu. Trên mặt tượng Đức Mẹ, nước mắt ràn rụa nhỏ tí tách xuống mặt đất. Còn mặt Xoan, khô tanh như đồng cằn mùa hạn hán không có lấy một thoáng nước mắt. Đôi môi nàng vẫn mím chặt, như khi sống. Lưỡi người treo cổ không thè ra ngoài. Như vậy, hẳn là lưỡi phải đâm vào trong, xuyên xuống ruột, chọc thủng một tấm lòng đầy thương tích.

Sẩm tối, nhà bà Ðồ Cửu tan tác. Bần cố xô vào hôi “quả thực”. Sáng hôm sau, chỉ còn sách. Sách nằm ngổn ngang. Có Lưu Cầu Hải Ngoại Huyết Thư. Có cả Công Ước của Lư Thoa… Những bức thư. Thư gửi Ðồ Cửu của những người như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… Và cả bức thư gửi từ Paris của cậu Thành, con trai Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy ở Nam Ðàn. Nhưng có dăm người không hôi được của, đành mang sách về làm mồi châm lửa. Tiếc nhất là không còn một tập gần năm trăm trang, trước tác của Nguyễn Trường Tộ, chưa đề tựa, viết vào hai năm cuối đời. Những người chậm chân hôm sau nhặt nhạnh tất cả về để nhóm củi. Thế là đúng chính sách. Phải xóa, xóa hết, xóa cho sạch nề nếp phong kiến để xây dựng một xã hội của giai cấp nông dân, đội quân chủ lực tiên phong làm ra lịch sử.

Không biết sự việc diễn tiến thế nào, một tuần sau Ðội trưởng đội cải cách bị triệu hồi về Huyện vì một số khiếu nại oan sai. Khải Hoàn ở biến trên Hưng Nguyên, chỉ còn đội phó Tị, trưởng thôn Ðơm và tổ trưởng dân quân Lựu trụ lại Bùi Chu. Bất ngờ, Huyện phái một đoàn cán bộ xuống chỉ định lại ban hành chính thôn, trói “tổ chức cũ” điệu đi đâu không ai biết. Ðồng chí Ðội trưởng của “tổ chức mới” trịnh trọng tuyên bố vừa làm vừa học, sai thì sửa, Cách Mạng là thế. Sai đâu? Ừ, sai đâu sửa đấy! Ðồng chí đáp, phải tiến hành phê và tự phê. Nhưng sai đấy thì sửa đâu? Sửa đâu khi chính sách lúc nào cũng đúng đắn, chỉ có khâu thực hiện lệch lạc do cán bộ thừa hành cấp dưới phạm khuyết điểm? Ðúng rồi! Bần cố lại hò lên đồng loạt. Quần chúng cách mạng lúc nào cũng hiểu rõ ai là ta và ai là địch!

Bà Ðồ Cửu tự do. Ðội sửa sai cho người dìu bà về nhà. Nay nhà bà đã được “chiếu cố”, quần chúng cách mạng rỡ sạch, không tường, không mái, ngay cả cái sân gạch cũng bị cậy lên. Ðội đành dựng tạm một cái lều cho bà qua đêm. Nghe tin Võ chết, bà lặng đi nhưng không khóc được, chỉ âm thầm cầu nguyện. Nhưng đến khi bà biết là Xoan đã treo cổ, bà mới khóc, nước mắt chảy dài thành trên khuôn mặt nhăn nheo thành những vệt trắng như muối đóng váng trên cánh đồng mặn nước bên bờ Kênh Sắt. Nửa đêm, bà ra nơi chôn cất Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Trường Cửu. Nằm giữa mộ chồng và mộ cha chồng, bà quơ tay, chỉ thấy hơi lạnh nhói buốt từ lòng đất đóng băng như cái ác lên ngôi âm ỉ đánh độc cuộc đời. Sự căm hận điên loạn của những con người mới hôm nào còn chất phác báo trái đất có thể lộn nhào sau chỉ một cái đẩy nhẹ vào lòng tham để tạo ra ác nghiệp. Đó là căn nguyên của cơn địa chấn. Con Mực ở đâu đến cạnh, lặng lẽ liếm tay bà. Nó nay cũng không nhà không cửa. Nằm gục đầu bên cạnh, nó ngửng nhìn những vì sao tít tắp trong vòm trời thăm thẳm. Chó hoang thình lình kéo đến một bầy. Chúng đánh hơi ngửi ra thần chết. Con Mực nhổm lên, gầm gừ, bảo vệ một thân người lạnh dần trong đêm đen, đêm cuối cùng một đời người.

Sáng ra, lại tiếng trống ngũ liên. Lại tiếng loa lanh lảnh gọi. Lại họp. Lại phê và tự phê. Vẫn như thời Cải Cách, chỉ khác là nay Ðội sửa sai khênh xác bà Ðồ về trụ sở và báo cho Văn vẫn tu ở nhà Chung xã Ðoài. Về nhận xác mẹ và chôn cất xong, Văn ra Phát Diệm, sau là một trong những vị linh mục hiếm hoi kiên quyết ở lại phụng sự Chúa trên miền Bắc.

Comments are closed.