Trong giấc mơ tôi (kỳ 2)

Nguyễn Tuyết Lộc

*SANG MÙA BIỂN ĐỘNG

Khi Ba tôi chuyển công tác từ Huế ra Lệ Thuỷ – Quảng Bình anh Hai khoảng 5, 6 tuổi, thường theo Mẹ đến chùa lễ Phật, chơi đùa múa hát với chú điệu Thích Trí Quang, Hoà thượng Thích Trí Quang bây giờ. Chú điệu Thích Trí Quang lớn hơn anh Hai hai tuổi theo tuổi khai sinh, còn theo tuổi âm lịch thì chú điệu tuổi Giáp Tí hơn anh Hai tuổi Ất Sửu chỉ một năm. Hoá ra đúng như người ta vẫn nói “trái đất tròn”, ai ngờ hai người “bạn” thân một thời thơ dại – Hoà thượng Thích Trí Quang và giáo sư Nguyễn Văn Hai, anh tôi – còn duyên kỳ ngộ về sau ở đất Huế đô lúc mỗi người đã có vị trí, thanh vọng riêng trong xã hội, hẳn có những ngần ngại tôi không dám hỏi.

Ông nội chúng tôi là thầu khoán xây dựng nên giàu có. Sau khi đỗ bằng Tiểu học Yếu lược, anh Hai được Ba Mẹ tôi cho vào Huế ở với ông nội tại Ô Hồ, khu vực sau lưng chùa Diệu Đế – Gia Hội – tiếp tục học lớp nhì nhất niên (Cours Moyen Première Année), nhì nhị niên (Cours Moyen Deuxième Année) và lớp nhất (Cours Supérieur) ở Khải Định.

Vì anh Hai là cháu đích tôn nên ông nội rất cưng chiều. Sáng anh đi bộ từ Ô Hồ đến Khải Định, chiều từ Khải Định về Ô Hồ, ăn trưa trong trường, ngày nghỉ thì rong chơi với bè bạn. Khi ông nội mất, do đau buồn anh không tập trung học hành và chỉ thi đậu bằng Tiểu học, viết tắt là CEPCI (Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoise) mà lại rớt vào năm thứ nhất Cao đẳng Tiểu học. Ba Mẹ tôi phải đưa anh về Lệ Thuỷ, nhờ bạn là thầy Trần Tiếu Dư kèm cho anh học lại lớp nhất, nhờ vậy cuối năm anh thi đỗ vào Khải Định với thứ hạng rất cao, được cấp học bổng toàn phần vào nội trú. Từ đó anh hăng say học tập, không lêu lổng bạn bè nữa. Anh đọc đủ loại sách báo từ tiểu thuyết, thơ, kịch, cho đến khảo luận, lịch sử bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Có thứ anh nhịn tiêu dùng tiền Ba Mẹ tôi cho thêm hàng tháng để mua, có thứ do trao đổi với bạn bè hoặc đi mượn ở thư viện L’Accueil, hay chuyền tay nhau mà có. Hầu như học sinh nội trú đều lâm một bệnh chung là đọc sách. Càng đọc càng thấy say. Cả một chân trời mới mở ra trước mắt. Đọc sách, nghiên cứu, sưu tập tư liệu là công việc theo anh Hai tôi trọn một đời, có thể nói đó là hobby lớn nhất của anh.

Vào những năm 1945, chương trình áp dụng cho ban Cao đẳng Tiểu học và Tú tài bản xứ chịu ảnh hưởng nặng nề của chương trình Pháp, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ, tiếng Việt chỉ được xem như một sinh ngữ phụ. Đúng ra đây chỉ là chương trình Pháp thật sự nhưng có chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các trường Việt Nam. Chương trình này kéo dài đến hết Thế giới Đại chiến thứ hai trên toàn cõi Việt Nam. 1945, sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, chương trình Việt được ban hành gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, được đem ra áp dụng trước ở Bắc Việt và Trung Việt, thêm giờ tiếng Nhật, riêng ở miền Nam thì vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục.

Anh Hai gia nhập phong trào Hướng đạo Tráng Đoàn Tây Kết do ông Tạ Quang Bửu lãnh đạo. Cứ đến chiều thứ Bảy và Chủ nhật đoàn mặc đồng phục, tổ chức đi trại hay đi phát gạo cứu đói ở thôn quê. Ai muốn vào hướng đạo đều qua buổi lễ tuyên hứa, và trước khi tuyên hứa, huynh trưởng giải thích rất kỹ về lòng yêu nước, một nước đang bị đô hộ nhưng có cả ngàn năm lịch sử thành công trong việc chống ngoại xâm. Trong ba lời thề của hướng đạo sinh có câu: “Trung thành với tổ quốc”. Trung thành có nghĩa là khi cần thì phải hy sinh đời mình để bảo vệ tổ quốc. Ý nghĩa lời thề cao đẹp như vậy cho nên hướng đạo sinh thường chảy nước mắt vì cảm động khi nói lên lời thề này trong buổi lễ tuyên hứa. Rồi đến phong trào Ducoroy, do Pháp lập ra, tổ chức các hoạt động thể thao cho thanh niên, với cả ý đồ lôi cuốn tuổi trẻ xao nhãng ý thức dân tộc, không còn thời giờ nghĩ đến chính trị nữa. Học sinh Khải Định biết lợi dụng phong trào đó để rèn luyện cơ thể cường tráng phòng khi đất nước cần. Tinh thần yêu nước còn thể hiện trong tinh thần dạy và học. Trong giờ dạy, các thầy kể những chuyện thuộc quá khứ hay đang xảy ra, hoặc ám chỉ trong lời giảng, đất nước đang đứng trước nhiều nguy cơ, rất cần đến sự hy sinh của các bạn. Trong việc học, anh Hai cổ xuý bạn bè cùng lớp hai năm cuối Cao đẳng Tiểu học (Enseignement Primaire Superieur – trung học đệ nhất cấp), phải cố gắng học hành, cuối năm đi thi phải đỗ nhiều và đỗ cao hơn các lớp khác để vinh danh thầy trò lớp mình. Những kỳ thi chọn lọc rất kỹ. Mỗi năm một lần chỉ một thiểu số con em miền Trung từ Bình Thuận trở ra Thanh Hóa, độ 150 người được chọn cho vào học năm đầu của ban Cao đẳng Tiểu học vỏn vẹn ba lớp. Anh Hai phải ở lại trường để học, không về Lệ Thuỷ ăn Tết với Ba Mẹ như mọi năm, cuối năm anh đỗ thủ khoa, bạn bè trong lớp đỗ gần hết, lấy được bằng Thành Chung, còn gọi là DEPSI (Diplôme d’Études Primaire Superieur Indochinois). Tiếp đó là kỳ thi tuyển chọn vào lớp Seconde ban Tú tài Bản xứ (Đệ Tam hay lớp 10 bây giờ). Kỳ thi năm ấy có tất cả 800 người dự thí, nhưng chỉ có 50 thí sinh trúng tuyển, độc nhất một lớp. Chính nhờ sự tuyển chọn với tiêu chí khe khắt như vậy mà anh Hai vô tình đã được quen biết, gần gũi nhiều đàn anh và bạn học xuất sắc đến từ mọi tầng lớp xã hội, với nhiều hiểu biết khác nhau về quan niệm sống và học tập, từ Đồng Khánh qua, từ trường Vinh, Thanh Hoá, Qui Nhơn, và cả Viên Chăn trên Lào về, cùng học sinh các trường tư thục đến. Niên khoá này học sinh bắt đầu được học ngoại ngữ tiếng Anh, rồi lên Première (Đệ Nhị hay lớp 11) thi Tú tài I học tiếp lớp Terminale (lớp Đệ Nhất hay lớp 12). Ở lớp này học sinh phải chọn một trong ba ban chính sau đây: (1) ban Triết (Philosophie), (2) ban Khoa học Thực nghiệm (Sciences Expérimentales), và (3) ban Toán (Mathématiques Élémentaires)… Học hết Terminale học sinh phải thi lấy bằng Tú tài II (Baccalauréat Deuxième Partie) về một trong các ban nói trên. Bằng Tú tài II thường được gọi tắt là Bac. Philo. (Tú tài II ban Triết), Bac. Math. (Tú tài II ban Toán). Anh Hai chọn ban Toán.

Trong giai đoạn này, đất nước trải qua nhiều biến cố dồn dập. Sau khi Pháp đầu hàng Đức Quốc Xã thì Nhật thiết lập căn cứ và đóng quân trên toàn cõi Đông Dương.

Riêng ở Việt Nam, ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đánh chiếm mau lẹ, chớp nhoáng chỉ qua một đêm, sáng hôm sau ngày 10, tiếng súng đã chấm dứt, lính Nhật thay lính Pháp tuần tra chiếm giữ khắp nơi từ miền Nam đến miền Trung và Bắc. Thế là chỉ trong vòng trên dưới 24 tiếng đồng hồ, toàn bộ đất nước đã rơi vào tay quân đội Nhật, chính quyền Pháp xây dựng trong hơn 80 năm tại Đông Dương nay hoàn toàn tan rã. Nhật tuyên bố cho Việt Nam độc lập. Thật mỉa mai một thế lực đã là người đô hộ một đất nước, là chủ nhân ông ngỡ vĩnh viễn, là tác giả một trăm năm nô lệ cũng ngỡ là định mệnh cho dân tộc và tổ quốc Việt Nam, lại bé nhỏ, bất lực trước một quân đội hung hãn, lấn lướt về sức mạnh vũ khí và sách lược quân sự.

Trường Khải Định chưa có ai quản lý nên tạm đóng cửa, học sinh phải di tản khắp nơi, cho đến ngày thầy Phạm Đình Ái được cử làm Hiệu Trưởng, thầy trò vội vàng mang khăn gói trở lại ký túc xá tiếp tục dạy và học. Đó là năm đầu tiên trường được dạy bằng tiếng Việt với một vị Hiệu trưởng người Việt. Tiếng Nhật vừa được ghi thêm vào chương trình trung học. Học trò bên ngoài ngoan ngoãn học ngoại ngữ mới, thật ra bên trong chẳng mấy người hăng hái sốt sắng vì mặc cảm hết tiếng Tây đến tiếng Nhật đang đè nặng. Tất nhiên đám học trò có phản ứng và sự việc xảy ra đã làm cả lớp thích thú:

Hôm đó thầy dạy tiếng Nhật giảng cách dùng tiếng Nhật khi nói về “đàn ông” và “đàn bà”, đại khái nói về “đàn ông” thì dùng chữ “Watakusi.” về “đàn bà” thì dùng chữ “Watasi”. Một anh bạn đứng dậy giơ tay nói: “Thưa thầy, như rứa là “đàn bà” không có “ku” phải không?”. Cả lớp được một dịp cười hả dạ. Anh Hai bảo không bao giờ quên được anh bạn đó, người đã dùng óc hài hước để hóa giải mặc cảm nói trên, là bạn thân của anh Hai, từng học một lớp, chung một ký túc xá, nằm sát giường nhau trong suốt 5 năm ở trường Trung Học Khải Định, từ niên học 1940 – 46, sau này là Trung tướng Nguyễn Khoa Nam Quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Ông đã tự sát vào ngày cuối tháng 3. 1975…

Từ 1944 dân chúng đã thiếu ăn vì chiến tranh, đến 1945 Nhật lại bắt dân không được trồng lúa gạo nữa mà trồng đay để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh của Nhật, thêm thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh gây mất mùa tại miền Bắc, bệnh dịch tả lây lan nhanh và rộng khắp trong mùa lũ, Nhật lại cấm vận chuyển lúa gạo từ miền Nam ra Bắc, cũng cấm luôn việc mở kho gạo cứu đói, tất cả góp phần gây ra nạn đói. Người ta gọi đó là “nạn huỷ diệt khủng khiếp” hay “nạn đói năm Ất Dậu”. Xác người chết vì đói nằm ngổn ngang từ Quảng Trị đến khắp các tỉnh miền Bắc, nhất là ở Thái Bình.

Tháng 4. 45 cụ Trần Trọng Kim là một học giả danh tiếng vừa từ Tân Gia Ba (Singapore) về nước làm Thủ tướng, vua Bảo Đại trao trách nhiệm cụ thành lập chính phủ, tìm cách cứu đói cho dân nhưng không thực thi được vì tất cả quyền hành, phương tiện đều nằm trong tay bọn Nhật.

Có một sự hiểu lầm lớn về chuyện người Nhật trao độc lập cho Đông Dương. Độc lập này hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không thể nói chuyện độc lập thật sự. Điều đáng quý đối với nội các của cụ Trần Trọng Kim là sự liêm khiết, có trình độ cao và dù chỉ một thời gian ngắn ngủi, đã làm không ít chuyện ích quốc lợi dân.

Bấy giờ, tại miền Bắc nhiều đảng phái ra đời. Người ta nhận thấy Việt Nam Độc lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, một tổ chức có nhiều kinh nghiệm hơn những đảng phái quốc gia khác về phương diện tranh đấu để đoạt chính quyền và biết lợi dụng tình hình quốc tế để tạo thuận lợi cho mình. Họ đã lập những chiến khu trên miền thượng du Bắc Việt. Sinh viên cũng thành lập Tổng hội Sinh viên. Ở Huế ông Tạ Quang Bửu cùng với Bộ trưởng Phan Anh phụ trách thành lập đoàn Thanh niên Tiền tuyến gồm những học sinh đã đỗ Tú tài. Những người này được huấn luyện để trở nên sĩ quan Quân đội Việt Nam trong tương lai. Việt Minh nhờ thế đã có ngay những vị chỉ huy trẻ tuổi có học vấn rất thích hợp với đội quân tình nguyện, đa số là học sinh, vào những ngày đầu thành lập Giải Phóng Quân.

Đảng, đoàn nào cũng nêu khẩu hiệu yêu nước, tranh đấu dành độc lập.

Việt Nam Độc Lập! Việt Nam Độc Lập!

Đó là niềm mơ ước của toàn dân. Tinh thần yêu nước được dịp bộc lộ, ai cũng muốn có phần đóng góp vào việc giành độc lập cho nước nhà.

Nhưng ngày 6 tháng 8 hai quả bom nguyên tử của Mỹ trút xuống Hiroshima và Nagasaki chỉ cách nhau mấy ngày. Nhật đầu hàng vô điều kiện. Đồng minh giao cho Anh giải giới quân đội Nhật ở miền Nam, Trung Hoa lo ở miền Bắc, Pháp theo chân Anh đổ bộ vào miền Nam.

Giấc mơ giành độc lập từ tay Pháp, rồi lòng hớn hở Nhật không còn ngự trị trên đất nước nữa vừa mới chớm, khổ thay người dân nay lại phải đối mặt với cảnh Anh đến, Pháp trở lại. Tàu kéo qua từ phía Bắc vào Hà Nội. Quân đội Nhật Bản nghiêm túc, kỷ luật bao nhiêu thì quân đội Trung Hoa hỗn tạp, vô kỷ luật bấy nhiêu, ào ào như châu chấu. Họ đến càng làm nạn đói gia tăng trầm trọng hơn.

Hà Nội bỗng trở thành một khoảng trống chính trị. Lợi dụng cơ hội đó, Việt Minh sửa soạn kỹ lưỡng việc “cướp chính quyền”, cho cán bộ tuyên truyền có mặt khắp nơi “đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “chống Phát xít”, “giành Độc lập”…

Những bài hát được các nhạc sĩ sáng tác thời điểm nóng hổi này ra đời dồn dập gây căm hờn, xúc động sâu xa trong lòng dân chúng.

Bài 19 tháng 8 của nhạc sĩ Xuân Oanh có sức lan toả nhanh, sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt, hoà vào dòng người đấu tranh, vừa đi vừa viết lời hát trên mảnh báo cũ, trên vỏ bao thuốc lá, viết được dòng nào ông hát to lên cho mọi người nghe để hát theo:

Toàn dân Việt Nam đứng lên góp sức

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

19 tháng 8 khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô “Mau diệt tan hết quân thù chung”…

Tiếng gọi thanh niên Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm lay động trái tim con người, hình dung được không khí đấu tranh toàn dân tộc, được ông viết ra trong niềm hứng khởi của cao trào cách mạng.

Này thanh niên ơi, tiến lên đến ngày giải phóng

Đồng lòng cùng đi đi đi sá gì thân sống

Nhìn non sông nát tan thù nung tâm chí cao

Nhìn muôn dân khóc than, hờn sôi trong máu đào

Sau này chính quyền Ngô Đình Diệm đã sử dụng bài này làm quốc ca ở miền Nam, cũng chứng tỏ ảnh hưởng sâu rộng của nó.

Lên đàng viết tại Hà Nội vào những ngày “xếp bút nghiên” lên đường vào Nam:

Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng

Kiếm nguồn tươi sáng

Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông

Từ nay ra sức anh tài

Tiến quân ca của Văn Cao vang lên khắp phố phường Hà Nội.

Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc

Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước

Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca

Lại một bài hát trở thành quốc ca. Lần này là quốc ca của chính quyền Hồ Chí Minh. Thực chất đều là những bài ca yêu nước một thời, có lẽ chàng thanh niên Văn Cao không có ý sáng tác quốc ca cho một nước xã hội chủ nghĩa.

Đến hôm nay khi ngồi viết những dòng chữ này, nghe lại những lời ca đấu tranh năm cũ một thời của một dân tộc khát khao tự chủ, tự do lòng không khỏi nao nao cảm động. Đây là tiềm lực, là sức mạnh lật đổ thực dân, rửa nhục vong quốc, đâu phải do sức mạnh một lãnh tụ, đảng phái duy nhất thiên tài nào!

Ngày 19 tháng 8 đánh dấu ngày đoàn biểu tình kéo đến chiếm Bắc Bộ Phủ làm trụ sở cho chính quyền Việt Minh. Ở Huế Vua Bảo Đại thoái vị, làm “cố vấn” cho Việt Minh rồi đi Trùng Khánh không hẹn ngày trở lại, chính phủ Trần Trọng Kim giải tán.

Thời điểm này số phận của trường Khải Định thật long đong. Trước ngày toàn quốc kháng chiến trường phải di dời ra Liên khu Tư, tức Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Hầu hết giáo sư được phân bố dạy các tỉnh thành đó, số khác đến Chu Lễ xây dựng phòng thí nghiệm, chuyên phục vụ ngành quốc phòng.

Khi tiếng súng đạn Việt Minh và Pháp vang vọng trở lại vào năm 1946, thì trường học dù không bị đạn bom tàn phá nhưng cả hai trường lớn nhất Trung Kỳ là Khải Định và Đồng Khánh đều bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Trong lúc quân đội viễn chinh Pháp trấn đóng tại trường Khải Định thì Hội đồng Chấp chánh Trung Kỳ đóng bản doanh tại trường Đồng Khánh; sau sân chơi của trường Đồng Khánh, lại có các đội Bảo vệ quân tập tành huấn luyện. Góc nào cũng có chòi canh, đặt súng tiểu liên, có lính Pháp tuần tiễu. Công viên trước trường ngay bến đò Thừa Phủ biến thành nơi giải lao cho binh lính. Sau lưng tòa tỉnh, Pháp cho xây lao Thừa Phủ nơi giam giữ tù nhân.

Sau những nỗ lực đàm phán hoà bình giữa Việt Minh với Pháp vào giữa năm 1946 để công nhận một nước Việt Nam độc lập không thành công thì ngày 19 tháng 12 Việt Minh kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”.

*MỘT THỜI TUỔI TRẺ

Trong tình hình vô cùng rối loạn đó, cũng như nhiều thanh niên cùng thế hệ, anh Hai gia nhập Đoàn Giải Phóng Quân do Việt Minh lãnh đạo đánh thực dân Pháp. Tiền thân của Giải Phóng Quân có tên Cứu Quốc Quân, hay Vệ Quốc Đoàn, đó là tên gọi chung chỉ các đội du kích chống Pháp của Việt Minh.

Đủ mọi tầng lớp, đủ mọi thành phần, mọi giai cấp, không phân biệt đảng phái, tôn giáo nào, tất cả đều đoàn kết sẵn sàng tranh đấu, sẵn sàng hy sinh, cùng đứng sau lưng chính phủ, mà chính phủ bấy giờ là Việt Minh, không một chút do dự với mục đích duy nhất là dành độc lập cho xứ sở. Thật ra, sau khi Việt Minh nắm chính quyền thì các đảng đối lập bị Việt Minh ruồng bắt, thủ tiêu hoặc rút vào bóng tối, hay trốn ra nước ngoài vì khác về chủ trương chính trị, điều mà hẳn người Cộng sản đã dự kiến và tiến hành từ lâu.

Anh Hai về Lệ Thuỷ tin cho Ba Mẹ tôi biết anh sẽ theo đoàn quân Nam tiến, nhưng vào Huế trễ nên phải cùng một số bạn bè tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào. Một năm sau cả đoàn đang chiến đấu thì bị Phòng Chính trị Phân khu gọi về bắt đi “học tập chính trị” ở Hà Tĩnh vì cho rằng đoàn đã chưa phát huy tính Đảng và chưa có lập trường vô sản khi phát biểu ý kiến với Phân khu Bình Trị Thiên từ Huế lên uỷ lạo chiến sĩ tại Lào. Về đây Anh Hai làm cho tờ báo Chiến sĩ – là cơ quan tuyên truyền Quân khu Tư ở Vinh – một thời gian ngắn, Tổng biên tập tờ báo này (cũng là cựu học sinh Khải Định) chuyển nơi khác, bạn bè mỗi người mỗi đường, anh Hai quyết định về Huế, nên xin phép ông Hồ Tùng Mậu, bấy giờ là chính uỷ, đang nghỉ dưỡng bệnh tại đây, với lý do chuyển công tác. Ông Hồ Tùng Mậu thấy anh tha thiết quá, ông đồng ý cho người cấp giấy tuỳ thân ghi là anh đi thanh tra miền Nam, về mặt quân sự do tướng Chu Huy Mân ký, còn mặt chính trị ông chính uỷ Hồ Tùng Mậu chịu trách nhiệm.

Giấy tờ phòng thân đầy đủ, nhưng từ Hà Tĩnh về được đến Huế không phải dễ dàng nếu không nói là có khi anh Hai suýt bị cán bộ Việt Minh địa phương bắt đem đi thủ tiêu, điều mà họ từng thực hiện với không rõ bao nhiêu người.

Đi đến đâu có giao liên dẫn đường đến đó, trình giấy tờ tuỳ thân, nhưng có nơi cho rằng một người dân tầm thường như anh Hai làm sao có được giấy tờ do chính uỷ và một vị tướng ký được, họ nghi là giấy tờ gỉả, cho giao liên thi hành lệnh chuẩn bị dẫn đi rồi thủ tiêu. Tất cả giấy tờ của anh Hai bị tịch thu hết. May mắn thay, đêm ấy một người bạn cũ đang công tác ở địa phương hay tin và nhờ người rành đường dẫn đi trốn. Vì không có giấy tờ tuỳ thân nào trong người nên anh cũng gặp vô số khó khăn, phải vượt đường rừng, đường núi về đến nhà ba mẹ ở Quảng Bình, Lệ Thuỷ. Đến đây xem như an toàn, không lo lắng gì nữa vì có cậu Nguyễn Ngọc Lễ đang làm đồn trưởng tại đó. Cậu giúp cho giấy tờ và chính cậu gửi anh Hai theo đoàn xe lính Pháp về Huế. Đến Huế, anh định ở với chú Yến (Morin Nguyễn Văn Yến), con nuôi của ông bà nội. Chú thím rất thương anh muốn anh ở lại, nhưng anh thấy gia cảnh chú đang chật vật khó khăn, các em còn nhỏ nên anh tìm nơi khá giả dạy kèm và ở trọ luôn.

Chẳng bao lâu trường Cao đẳng Công chánh mới mở lại ở Sài Gòn tổ chức kỳ thi tuyển tại Huế. Đây là cơ hội để anh Hai được tiếp tục giấc mơ việc học tập của mình. Rất đông cựu học sinh Khải Định vào học các trường chuyên môn như Công chánh, Vô tuyến, Hàng hải và Điện, ăn ở ngay trong khuôn viên trường Pétrus Ký. Một số anh em từng theo kháng chiến bắt được liên lạc với anh Hai, họ bầu anh làm Chủ tịch “Tổng hội Sinh viên Không Xin Phép” để đối kháng với Tổng hội Sinh viên đã có sẵn. Có nhiều đêm sinh viên phải dàn cảnh “dương Đông kích Tây”, nhờ thầy Châu Trọng Ngô ngồi thổi sáo thu hút người nghe ở hội trường còn anh em đi rải truyền đơn chống Pháp trong các phòng học.

Một tuần sau ngày đưa đám học sinh Trần Văn Ơn bị Tây bắn chết, Uỷ ban Kháng chiến Đô thành yêu cầu anh lên Toà Đô chính xin phép tổ chức làm lễ mở cửa mả. Ông Đô trưởng Sài Gòn đồng ý cho tổ chức tại trường Tôn Thọ Tường nhưng với điều kiện không được giăng biểu ngữ, treo cờ xí, không được rải truyền đơn. Uỷ ban Kháng chiến Đô thành chấp nhận. Hay tin ấy, sinh viên các trường đại học, học sinh trung học và quần chúng đến dự rất đông đảo chật cả sân. Đến giờ phút anh Hai – Chủ tịch Hội Sinh viên Không Xin Phép – sắp đọc lời kêu gọi thì bỗng nhiên nào là truyền đơn, nào là cờ Việt Minh do chính Uỷ ban Kháng chiến Đô thành đã không giữ lời hứa tung ra bay khắp sân trường. Phía chính quyền cũng đã chuẩn bị sẵn phái bọn cảnh sát Tây, ta ập đến. Chúng dùng dùi cui đàn áp rất dã man. Những người trong tổ chức phải đốt chợ Bến Thành để số người trong trường có thể chạy thoát thân. Trong khi ấy, một số người khác cầm cờ Việt Minh diễu hành trên đường phố Catinat và đốt xe jeep trước toà Đô sảnh.

Tiếp tục học lại ở Sài Gòn là điều không thể được, anh cũng không còn lòng dạ nào tin vào Uỷ ban Kháng chiến nữa vì họ đã không giữ lời hứa, suýt làm cho chính đồng đội, bạn bè mất mạng, từ đây chỉ còn cách bỏ ngành công chánh ra Hà Nội học Cử nhân Khoa học.

Khi Pháp trở lại Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) thành lập năm 1906 được đổi tên thành Viện Đại học Hà Nội năm 1945 (Université de Hà Nội). Đây là Đại học duy nhất mà người Pháp thành lập cho toàn cõi Đông Dương. Viện Đại học này vừa có chức năng đào tạo vừa có chức năng nghiên cứu, kinh phí do chính quyền Liên bang Đông Dương cấp. Viện gồm các ngành y, dược, luật và khoa học. Đứng đầu là một Viện trưởng người Pháp. Sinh viên phần đông là người Việt, một số ít người Lào, Khmer. Do yêu cầu của người dân miền Nam, Viện Đại học Hà Nội mở thêm một chi nhánh ở Sài Gòn, đặt dưới quyền một Phó Viện trưởng người Việt. Sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, chi nhánh ở Sài Gòn trở thành Viện Đại học Quốc gia Việt Nam. Vào năm 1957, thời Đệ Nhất Cộng hòa, Viện Đại học Quốc gia Việt Nam trở thành Viện Đại học Sài Gòn.

Tốt nghiệp xong Cử nhân Khoa học anh về dạy Khải Định, Huế. Bấy giờ có lệnh tổng động viên toàn quốc, nhưng vì thiếu giáo viên nên anh được đặc cách tiếp tục giảng dạy.

*ĐỨNG VỮNG GIỮA THĂNG TRẦM

Cuộc đời anh Hai qua một trang mới.

Trong trường thầy và trò có nhiều khuynh hướng khác nhau, người ca tụng chủ nghĩa Quốc gia, người thì theo chủ nghĩa Mác Lê, lại có người chẳng nghĩ đến chuyện chính trị chỉ nghĩ đến việc dạy và học thôi. Tinh thần của thầy trò trường Khải Định là như vậy. Tình thầy trò rất khắn khít, tôn trọng và tin cậy nhau. Thầy trò trường phục nhất là ông Huỳnh Đình Hòa, hiệu trưởng. Ông là một cựu đảng viên Quốc Dân Đảng từng bị Việt Minh khi cướp chính quyền ở Quảng Nam lột hết áo quần bắt đi tuần hành trong phố. Ông nói với anh Hai rằng: “Tôi để cho Tôn Thất Dương Kỵ dạy Sử mặc dù tôi biết nó thiên Cộng, bởi vì tôi muốn học trò có kiến thức rộng rãi về chính trị, hiểu rộng biết nhiều, có suy nghĩ, tự nhiên họ sẽ biết lựa chọn”.

Ngày nay nghĩ lại, thấm thía cách nhìn, cách nghĩ “khai phóng” của một giáo chức, không xuất phát từ chính kiến cá nhân bản vị mà lo cho tiền đồ “tư tưởng” của thế hệ tương lai. Nó nhắc cho những nền giáo dục, những quan chức lãnh đạo giáo dục – dù ở bất kỳ chế độ nào – vị kỷ cam tâm nói điều mình không nghĩ và tiến tới nghĩ theo cái người khác nghĩ, tức bán rẻ tri thức và lương tri của kẻ sĩ.

Cho đến năm 1955, trường Khải Định cũ trước bị Tây chiếm đóng đã sửa chữa xong, toàn bộ giáo sư học sinh lâu nay tạm trú ở Đồng Khánh được chuyển về trường cũ và đổi tên là trường Ngô Đình Diệm. Nhưng chỉ sau một năm, trường lấy lại tên lúc ban đầu: Quốc Học. Bấy giờ ông Huỳnh Đình Hoà giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục, thầy Phạm Đình Ái là Giám đốc Học chánh Trung phần (thầy cũng di tản ra dạy Khu Tư về) chỉ định anh Hai làm Hiệu trưởng Quốc Học vào niên học 1955.

Từ đây các anh chị Khải Định, Đồng Khánh không còn đứng chung một sân để chào cờ mỗi sáng đầu tuần, không còn những giờ ra chơi từ sân bên ni qua tìm các chị để chòng ghẹo, tán tỉnh ở sân bên nớ nữa. Cùng thời gian đó, trường Đồng Khánh mở lớp đệ tam, đệ nhị nhưng chưa có đệ nhất.

Đối với anh Hai, chuyện đáng nhớ nhất, có ý nghĩa to lớn nhất trong thời gian làm Hiệu trưởng Quốc Học là thầy và trò của trường đã có kiến nghị tập thể, đề đạt nguyện vọng với chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập một trường Đại học cho cả miền Trung.

Số là sau khi ông Ngô Đình Diệm nhận chức Tổng thống năm 1955, ổn định xong vấn đề chính trị, trong những câu chuyện với cha Cao Văn Luận nhiều lúc ông nhắc đến sự cần thiết phải thành lập một Đại học Huế. Ai cố vấn cho ông không rõ. Hay đấy nhất thiết nằm trong tầm nhìn của một lãnh đạo quốc gia? Có điều gợi ý và quyết định liên quan tới nhân vật đứng đầu nền Đệ Nhất Cộng hoà của miền Nam là một sự thực không thể phủ nhận – mà cái gì thuộc về lịch sử thì phủ nhận làm chi và có phủ nhận cũng không thể được.

Cha Cao Văn Luận – người từng góp công đưa ông Ngô Đình Diệm về nước – đã rời Giáo xứ Hướng Phương ở Quảng Bình về Huế dạy môn triết tại trường Khải Định từ niên học 1949, đó là năm đầu tiên môn triết được ghi vào chương trình giảng dạy lớp đệ nhất. Ngay năm 1950, nghĩa là khi lớp triết đầu tiên này của trường Khải Định thi xong, cha đã chọn một vài học sinh ưu tú cho đi du học. Cả những năm sau này từ khi làm Viện trưởng, mong ước của Cha là gửi sinh viên cũng như giảng viên du học nước ngoài càng nhiều càng tốt. Cha vận động các trường Đại học cũng như hội đoàn hảo tâm của Mỹ, Anh, Pháp, Đức… nhận và giúp đỡ sinh viên từ chuyện ăn ở đến chuyện học hành. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhân tài, vị linh mục khả kính này quả là một chiến lược gia có tầm cỡ.

Theo ông Ngô Đình Diệm, Huế từ trước đã là một trung tâm văn hóa của cả nước, có thi cử, có Quốc Tử Giám. Dân miền Trung hiếu học nhưng nghèo, nhiều thanh niên ưu tú muốn lên Đại học mà không thể vào Sài Gòn học tiếp. Viện Đại học Huế sẽ là chứng minh cụ thể với dân chúng, với quốc tế cũng như với bên kia rằng chính phủ nhất định bảo vệ Huế.

Nhân dịp ngày mồng 3 Tết năm 1957 Tổng thống ra Huế dự lễ giỗ thân sinh là cụ Ngô Đình Khả, cha Luận đề nghị với anh Hai thầy trò trường Quốc Học nên tổ chức buổi đón tiếp trang trọng. Anh Hai bàn với hội đồng giáo sư, các trưởng lớp, trưởng ban của trường nhân dịp này đề đạt Tổng thống mở một trường Đại học ở miền Trung cho con em nghèo, hiếu học. Ý này hợp với nguyện vọng của Tổng thống trước đây nên ông đồng ý ra ngay nghị định thành lập Viện Đại học Huế tự trị mặc dù có sự chống đối dữ dội của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Dương Đôn và các vị khoa bảng ở Sài Gòn. Họ nói rằng Huế chỉ nên lập một chi nhánh của Viện Đại học Sài Gòn, đặt dưới quyền Viện Đại học Sài Gòn và Bộ Quốc gia Giáo dục, mà không phải một đơn vị độc lập.

Chỉ xét về chuyện này thì thầy trò trường Quốc Học và nhất là cha Cao Văn Luận đáng được ghi công, vì khi thời gian càng lùi lại, không ai phủ nhận được sự ra đời và hoạt động của Viện Đại học Huế đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam, cụ thể là nhiều thế hệ nhân tài góp phần xây dựng đất nước. Quả là một đề nghị có tầm nhìn thế kỷ! Trong đó anh tôi, Nguyễn Văn Hai (với quyết tâm và thái độ tích cực), cũng có vinh dự chia sẻ. Đại học Huế được thành lập, ông Nguyễn Quang Trình Tiến sĩ Quốc gia Vật lý làm Viện trưởng được bốn tháng – từ tháng 3.57 đến tháng 7.57 – thì cha Luận thay thế, cha “bốc” luôn anh Hai theo và anh được chuyển ngạch sang dạy tại đây. Cha rất quý mến anh, cha nói “vì đầu óc tổ chức” của anh hiện đại. Viện mới thành lập được khoa Văn, Luật, Khoa học và Sư phạm… giảng viên còn thiếu. Chỉ nói riêng phân khoa Khoa học thôi, môn Toán vỏn vẹn có hai người là thầy Nguyễn Văn Trường và anh Hai, giáo trình cũng do hai người tự soạn, công việc vẫn rất hiệu quả. Cha Cao Văn Luận phải cùng thầy Lê Thanh Minh Châu ra nước ngoài mời giáo sư. Nhờ cha quen biết giới trí thức nhiều trong thời gian bảy năm ở Pháp, nhờ thực tâm quý mến hiền tài, chẳng bao lâu Đại học Huế quy tụ nhiều giáo sư trẻ, lỗi lạc, đầy nhiệt huyết về giảng dạy. Nào là Tiến sĩ Đại học Sorbonne Lâm Ngọc Huỳnh Khoa trưởng Văn khoa; Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Hải Khoa trưởng Luật khoa; Tiến sĩ Đại học Sorbonne Nguyễn Quới Khoa trưởng Sư phạm; Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Hữu Trí; Giáo sư Lê Tuyên nổi tiếng với phương pháp phê bình hiện tượng học, vừa làm Giám đốc Học vụ Văn khoa Đại học Sư phạm, vừa chịu trách nhiệm tổng quát các ban Việt Hán, Pháp, Anh, Sử, Địa, vừa dạy Văn học Việt Nam và giảng văn; Giáo sư Tiến sĩ Sử Địa Nguyễn Thế Anh; Giáo sư Sử Địa Lê Khắc Phò tốt nghiệp ở Pháp; Kỹ sư Hóa học Tôn Thất Hanh; Tiến sĩ Anh văn Đại học Aix-Marseille Lê Văn làm Khoa trưởng Đại học Sư phạm kiêm Xử lý Thường vụ Đại học Văn khoa (thầy là người lập ra Trường Trung học Kiểu Mẫu Huế); Tiến sĩ Luật Đại học Aix-en Provence (Pháp) đảm nhiệm chức vụ Quyền Khoa trưởng Đại học Luật khoa là bà Tăng Thị Thành Trai, phu nhân của thầy Lê Thanh Minh Châu; Giáo sư Vũ Đình Chính, Bác sĩ Thú y Đại học Lyon (Pháp) đảm nhiệm chức vụ Khoa trưởng Đại học Khoa học.

Mới nhìn qua tên tuổi cũng như học vị của các giáo sư cấp quốc tế như vậy mình đã phải cúi đầu ngưỡng mộ và kính trọng rồi, và sinh viên trước 75 thật may mắn được quý thầy cô như thế đào tạo. Một thời “vàng” rất giá trị của các bạn đó, khó mà tìm lại được. Tất cả nhờ đóng góp chính của cha Luận xuất phát từ tâm huyết và uy tín cá nhân là thu hút được nhân tài từ nhiều nguồn, nhiều phía, từ trong nước đến ngoại quốc về giúp giảng dạy ở Đại học Huế.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên, nhất là sinh viên trong nghiên cứu và học tập, ngay từ khi thành lập, Viện Đại học Huế đặc biệt quan tâm xây dựng Thư viện Đại học. Sách đủ các loại với nhiều thứ tiếng khác nhau như: Việt, Anh, Pháp, Hán. Số sách này hoặc do Viện mua, hoặc do các cơ quan chính quyền Sài Gòn hay nước ngoài tặng. Thư viện Đại học đặt tại số 20 Lê Lợi, Huế. Mặt khác, Thư viện còn giúp sinh viên các ngành thực nghiệm có nơi học tập, nghiên cứu.

Hai năm sau, dù còn nhiều khó khăn nhưng Viện Đại học Huế cũng mở thêm Viện Hán học. Phải nói ở miền Nam, Viện Đại học Huế là Viện Đại học duy nhất có Viện Hán học (số 15 Phan Đình Phùng) dù tồn tại được bảy năm thì giải thể (1959-1965). Điều quan trọng nhất là cùng lúc, Đại học Y ra đời vì lý do bác sĩ Việt Nam thiếu quá nhiều, nhất là ở miền Trung. Cũng như khi thành lập Viện Đại học, giới Y khoa Sài Gòn cũng chống đối quyết liệt. Họ viện cớ cả nước Việt Nam chỉ cần một Đại học Y khoa Sài Gòn là đủ lắm rồi vì số bác sĩ giảng viên Y khoa của Việt Nam rất thiếu, may lắm vừa đủ cung ứng cho Đại học Y khoa Sài Gòn chứ không thể cung ứng thêm cho một Đại học Y khoa thứ hai nào nữa.

Giáo Sư H. Krainick, trưởng phái bộ Đại học Freiburg, Đức, được xem như là Giám đốc Học vụ, tuyên bố với sinh viên ông quyết tâm đào tạo các bác sĩ ra trường tại Huế có trình độ ngang hàng với bất cứ nơi nào tiên tiến trên thế giới.

Đích thân Tổng thống Ngô Đình Diệm cho phép thành lập trường và sau này Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người miền Trung, cũng cương quyết chẳng kém, ra lệnh cho tất cả các cơ quan, sau Tết Mậu Thân, không được di chuyển trường Y ra khỏi Huế.

Viện Đại học và trường Y Khoa Huế là niềm tự hào của nhân dân Huế, nhân dân miền Trung, có ý nghĩa và tầm cỡ chính trị to lớn thời đó, là một quốc sách mà chỉ Tổng thống mới có quyền quyết định.

Ngẫm lại cũng lạ, các vị Khoa trưởng Y Khoa buộc rời trường trong những hoàn cảnh khác nhau: Giáo sư Lê Tấn Vĩnh bị một số giảng viên Y khoa Sài Gòn ganh tị, ông không tham quyền, viện cớ bị bệnh ông về lại Pháp điều trị rồi gởi đơn xin từ chức, Bác sĩ Lê Khắc Quyến làm chính trị thì bị quân đội cách ly khỏi Huế, Bộ Giáo dục không can thiệp. Còn Gíáo sư Bùi Duy Tâm ỷ y mình lập nhiều đại công thì Bộ ra quyết định giải chức.

Khi Viện đã ổn định việc dạy và học, giảng viên tạm đầy đủ, anh Hai cũng như thầy Lê Thanh Minh Châu được cha Viện trưởng cử đi tu nghiệp và học ở Pháp. Anh xin từ chức dân biểu sau hai năm ở Quốc hội khoá I. Cùng lúc anh Thạch tôi vừa tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý và vợ là chị Đào Ngọc Bích Tiến sĩ Hoá cùng Đại học Grenoble Pháp về Việt Nam, cha Luận chu đáo thu xếp ngay cho cả hai vợ chồng anh chị chỗ ở (Cư xá Giáo sư Đại học số 2 Lê Lợi) và chỗ dạy tại Đại học Huế.

Trong thời gian làm Giám đốc Nha Học chánh Trung phần, anh Hai mở trường Trung học Đệ Nhị Cấp Bán Công là trường Bán Công đầu tiên ở miền Trung. Anh chỉ mở thêm một lớp đệ tứ duy nhất niên khóa 1959 – 1960, thu nhận giới hạn khoảng 20 đến 30 học sinh. Tôi rời trường tư thục đệ nhất cấp Bồ Đề về học ở đây sau những năm hết lang thang từ Đồng Khánh đến Jean d’Arc (trường Chúa) qua Bồ Đề (trường Phật). Thỉnh thoảng anh Hai nhắc tôi, lớp đệ tứ này mở ra chủ yếu để tôi có nơi học trong tầm kiểm soát của anh. Không rõ anh nói đùa hay thực nhưng tôi không dám hó hé một tiếng. Anh mời các thầy giỏi dạy đệ nhị cấp phụ trách lớp “đặc biệt” này, thầy Lâm Toại dạy Pháp văn, thầy Hồng Quang Anh dạy Toán, thầy Nguyễn Xướng dạy văn.

Thầy Hồng Quang Anh đẹp trai như tài tử La Thoại Tân, dạy chuyên toán các lớp đệ nhị cấp và luyện thi tú tài. Thầy thường cùng kỹ sư Hồ Đăng Lễ đến nhà chị Dạ Thảo chơi. Chị Dạ Thảo được xem là hoa khôi dạy đệ nhất cấp trường Bán Công, học sinh cứ ngỡ thầy “mê” chị Dạ Thảo, nhưng vài năm sau chị lên xe hoa với kỹ sư Lễ. Khi chồng chị làm Giám đốc Ty Công chánh Huế, gia đình chị chuyển về ở đó, đối diện với nhà tôi.

Tôi rất thích giờ Pháp văn của thầy Lâm Toại. Phát âm của thầy rất chuẩn “Tây” và lại rất tận tâm với từng học sinh một. Ở Đồng Hới ngay từ lớp năm (lớp một bây giờ) tôi đã học tiếng Pháp, cô giáo Hà Thúc Lãng không cho học sinh nói tiếng Việt trong giờ học Pháp văn. Lớp tư, lớp ba đã thêm những bài học thuộc lòng dài hơn. Anh Hai còn gửi tôi lên cha Nguyễn Văn Thuận học thêm tiếng Pháp khi cha vừa tốt nghiệp tiến sĩ Giáo Luật ở Roma về – cha Thuận là cháu gọi anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày đó bằng cậu ruột. Cha có lịch dạy riêng tôi cùng năm, bảy frère từ Providence (trường Thiên Hựu) qua, và hai, ba sœur trường Jean d’Arc, mỗi tuần chỉ học được hai buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi đồng hồ. Nhưng vỏn vẹn được mười ngày, tức là ba buổi học, tổng cộng 4 tiếng rưỡi đồng hồ, thì cha Thuận được cử làm Giám đốc Tiểu Chủng Viện, phải nghỉ dạy nhóm chúng tôi vì cha rất bận rộn với nhiệm vụ mới. Hơn nửa thế kỷ sau tôi nghe nói cha trở thành Đức Hồng Y và đã mất. Khi tôi viết bài này thì Toà Thánh Vatican đang bổ túc hồ sơ phong Thánh cho Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Một phóng viên trẻ, Quốc Anh, tặng tôi tấm hình của cha Thuận mặc trang phục Hồng Y bên dưới hình ghi: Đức Hồng Y Phăng-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận. Tôi nhìn mãi để tìm một nét nào còn lại trên khuôn mặt của cha, minh chứng đây là cha Nguyễn Văn Thuận thời tôi được học với cha, nhưng tuyệt đối không nhìn ra ngoài chiếc kiếng cận và những dòng chữ ghi tên cha. Vì trước đây cha mảnh khảnh thư sinh, còn trong hình, dưới chiếc áo choàng Đức Hồng y trông cha to lớn, nét mặt, mắt mũi giống như người phương Tây.

Thấy tôi có năng khiếu Pháp văn nên thầy Lâm Toại tận tâm hướng dẫn cho tôi. Thầy có cuộc sống khép kín và khắc khổ. Tôi thường lên chơi với con gái của thầy là Lâm Cẩm Hương ở Kim Long. Sau này Cẩm Hương học Văn khoa, Đại học Sư phạm Huế. Nhà thầy có vườn rất rộng, từ ngoài cổng muốn vào đến nhà phải đi qua hai hàng cau dài trồng thẳng tắp rất đẹp, hòn non bộ như tấm bình phong lớn che chắn ngôi nhà chính. Nhà bằng tranh thấp lè tè, mỗi lần lên chơi gặp trời mưa tôi thích ngửa mặt lên để hứng nước mưa từ những rẽ tranh rơi từng giọt vào miệng vào mắt rất ngọt ngào. Chính giữa là phòng khách cũng là nơi thờ Chúa. Đây là một gia đình lễ nghĩa, ngoan đạo.

Thầy Nguyễn Cửu Triệp, giáo sư trường Hàm Nghi Thành Nội, dạy Vạn vật, đây là môn “khó nuốt” nhưng học sinh lại thích và chờ đợi nhất vì thầy vẽ đẹp, giảng hay, chỉ cuộc chiến giữa vi trùng và bạch cầu thôi mà rất hấp dẫn, làm học sinh nhớ bài thầy giảng ngay trong lớp bằng những hình vẽ sinh động, không cần học thuộc lòng. Thầy Nguyễn Cửu Triệp là người rất bình dân, được học trò quý mến, thầy nổi tiếng là người con có hiếu, hết mực “phụng thờ” mẹ. Chung quanh quan hệ mẫu mực của thầy đối với mẹ có một giai thoại được học trò truyền tụng: một hôm có một bà dáng dấp quê mùa, đi chân đất, tay kẹp nón lá, le te đi vào trường trung học Hàm Nghi thì bị bác Lợi cai trường chận lại, quát: “Mụ tê, đi mô rứa?”. “Mụ tê” cứ lon ton đi tiếp, không thèm trả lời. Bác cai trường phóng theo, giật tay bà, bà già cũng không vừa, cự lại ngay: “Mần chi rứa! Kệ tui, tui vô gặp thằng Cứt con tui”, và bà kêu lớn: “Cứt ơi, Cứt ơi, mạ đây nì”. Trong khi bác cai ngẩn người, chưa biết phản ứng thế nào thì giọng đàn ông ồm ồm vọng ra từ hành lang một lớp học: “Mạ ơi, con đây, con đây. Có chuyện chi không rứa mạ ơi”. Và giáo sư Nguyễn Cửu Triệp người thấp, mập tròn bệ vệ bước nhanh xuống bậc cấp, khua tay về phía bà già. Thì ra đó là mẹ của giáo sư, và cái tên độc đáo bà già vừa gọi là “nick name” của giáo sư ở nhà. Đặt những cái tên rất xấu cho con cái là một thói mê tín ở Huế ngày xưa để ma quỷ khỏi quấy rối, hại con mình. Còn dị bản kể rằng, đáp lại tiếng “Mạ đây nì” là tiếng “Mạ ơi, Cứt đây!” thì cầm chắc là chuyện xạo 100%, xin các bạn đừng dại tin, có tội với vị thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò Huế, trong đó có tôi.

Khi đường công danh sự nghiệp của anh Hai ngày một mở rộng dưới chế độ Ngô Đình Diệm thì anh cũng gặp vô số áp lực cùng nhiều vấn đề phức tạp trong quyền hạn quyết định của anh, có lúc đe doạ đến tính mạng. Như chuyện Đức Cha Ngô Đình Thục ra lệnh không được cho Phật giáo mở thêm các trường Bồ Đề tại miền Trung, trong lúc ông Ngô Đình Cẩn ủng hộ Phật giáo và đồng ý với anh chuyện mở thêm trường lớp Bồ Đề. Ông Cẩn cho rằng việc này không quan trọng, và không nên cấm đoán việc phát triển giáo dục. (Còn thêm ý của người em út của cụ Ngô thế nào thì ngoài tầm phán đoán của người viết). Hoặc chuyện Đức Cha Thục muốn cử anh Hai tôi vào Sài Gòn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, anh viện cớ là “trong đó” họ không thích người miền Trung giữ chức vụ Bộ trưởng vả lại bằng cấp của anh chỉ mới cử nhân. Cho đến một hôm Ba Mẹ tôi đang ngồi uống trà trên chiếc chõng tre sau vườn hoa, anh Hai vừa xuống xe hơi đã vội vã vào gặp Ba Mẹ.

Anh ngồi xuống kề Mẹ, nói nhỏ:

– Không xong rồi Mẹ ơi. Ông Ngô Đình Cẩn gọi con lên và báo cho con biết Đức Cha Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long vừa ra Huế để chuẩn bị lễ nhận chức Tổng Giám mục sắp đến, Đức Cha muốn con phải cải đạo. Ông Cẩn còn lặp lại lời Đức Cha: Thằng ni rất cứng đầu, nói chi hắn cũng không nghe lời, lần sau về Huế phải trị hắn mới được.

Mẹ tôi thở dài, lo lắng. Bởi ai cũng biết, trong gia đình họ Ngô thì Ngô Đình Diệm là Tổng thống, Ngô Đình Nhu là cố vấn, Ngô Đình Cẩn có tiếng là con hùm xám miền Trung, nhưng trên tất cả những vị này là Đức Giám mục Ngô Đình Thục. Ông là bào huynh nhưng được các em coi như bậc cha chú “quyền huynh thế phụ”, ông cũng là “Đức Cha” của họ, nói gì ba vị này phải nghe theo không dám cãi lời. Ông Thục là người có rất nhiều ảnh hưởng đối với giới chức cao cấp dân sự cũng như quân sự, không những họ kính nể ông mà còn sợ ông nữa, huống gì anh Hai. Vậy là không yên rồi, dù ông Cẩn hiểu đôi chút tình hình địa phương, có muốn che chở cho anh cũng không cách gì được. Vì khi Đức Cha đã ngăm nghe có nghĩa là Đức Cha sẽ thi hành “án”.

Bàn nhau một hồi, Mẹ tôi nói:

– Con nên im lặng tìm đường mà rút kẻo không giữ được thân mô, càng sớm càng tốt vì tình hình ngày càng bất ổn.

Anh Hai vào ngay Sài Gòn, tìm gặp ông Nguyễn Quang Trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục kiêm Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn xin một học bổng học Tiến sĩ ở Pháp. Được sự giúp đỡ của ông Trình, anh Hai vô cùng mừng rỡ. Đối với anh, không gì hạnh phúc bằng được đi học. Anh nhanh chóng thu xếp gia đình, nhất là yên tâm khi có anh Thạch thay anh lo cho Ba Mẹ và em út. Sang Pháp, anh học tại Đại học Sorbonne và tốt nghiệp với hạng danh dự. Tại đây anh gặp Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc. Anh nói ông Ngọc là một sinh viên rất giỏi, tốt nghiệp Tiến sĩ toán trước anh một năm tại Nante. Hai người cảm mến nhau về việc học hành và đạo đức nên trở thành bạn thân của nhau. Cả hai lại cùng chung một thầy hướng dẫn luận án tốt nghiệp đó là Viện sĩ Lichnérovi thuộc Viện Hàn lâm Thế giới.

Năm 1967 chị Ngọc Bích đổi vào làm ở Bộ Giáo dục Sài Gòn, anh Thạch cũng vào theo, rồi cả hai vợ chồng xin chuyển về Đại học Cần Thơ. Anh Thạch làm Khoa trưởng Khoa học ở đó. Vì thiếu giáo sư giảng dạy môn Toán nên anh Thạch mời Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc về dạy. Ông Ngọc có lòng cảm mến anh Thạch và xem anh như em trai vậy, nên khi anh Thạch mời, ông nhận lời ngay. Từ đó ông ở lại miền Nam Việt Nam dạy Đại học Sài Gòn cho đến năm 1975. Anh Thạch nói ông Ngọc là người rất dũng cảm không sợ một áp lực nào, cả chính quyền miền Nam Việt Nam lẫn CIA của Mỹ. Anh Thạch kể, một hôm nhân lúc Viện Đại học Sài Gòn đang họp bàn kế hoạch Viện, ông Ngọc bỗng đứng dậy, yêu cầu các giáo sư đứng lên dành một phút im lặng để tưởng niệm. Ông Viện trưởng bấy giờ là bác sĩ Trần Quang Đệ cũng phải đứng lên theo. Không khí thật trang nghiêm. Sau phút im lặng đó, ông Ngọc tuyên bố: “Chúng ta vừa dành một phút tưởng niệm công ơn người đã hy sinh đời mình để dành độc lập tự do cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.

Cả hội đồng viện nhìn nhau sửng sốt, tái mặt, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và CIA biết nhưng không làm gì được ông nên lờ luôn chuyện này, một phần do các trường Đại học ở miền Nam bấy giờ như trường Đại học Huế, Cần Thơ, Sài Gòn được hưởng quyền tự trị. Theo anh Thạch, trong thời gian giảng dạy ông Ngọc ở tại cư xá dành cho giáo sư Đại học Sài Gòn, một ngày ăn một lần vào buổi tối và không tiếp khách. Có người nghĩ ông hoạt động bí mật cho chính phủ Hà Nội. Cuộc sống có những sự việc và mối quan hệ ngoài tầm hiểu biết giới hạn của mình. Sau năm 75, năm 1997, tôi qua Mỹ thăm anh Hai tôi, anh Hai biết rất rành rẽ về ông Ngọc và nói tình thân giữa hai người. Anh nói trước kia, mỗi khi vào họp ở Bộ Giáo dục anh thường ở một trong những căn hộ ở đường Catinat (Đồng Khởi bây giờ), có hôm ông Nguyễn Đình Ngọc đang họp mật với các cán bộ Cộng sản phòng trong thì ông Bùi Tường Huân đến gặp anh Hai. Anh Hai phải vội mời ông Huân ra ngoài uống cà phê. Qua lời anh Hai tôi mới biết Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc đúng là một cán bộ hoạt động bí mật, và sau này ông có hàm thiếu tướng, giữ chức Cục trưởng của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Với nhiều dè dặt, tôi mạo muội nhận xét rằng có thể những ấn tượng của một thời trai trẻ với không khí Vệ Quốc Đoàn ngày nào còn dư âm trong lòng anh Hai, và cũng có thể giữa những người con của Mẹ Việt Nam dù bão táp lịch sử xô dạt về nhiều phía, thậm chí có sự khác biệt về chỗ đứng, chính kiến giữa họ – những trí thức khoa học có đẳng cấp – cùng một tấm lòng tha thiết muốn đóng góp cho khoa học, cho tri thức, cho sự hưng thịnh tổ quốc của mình đã tạo ra mối quan hệ bằng hữu tương kính mà tình thân giữa Tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hai, anh tôi là một ví dụ. Ông Ngọc từng muốn bảo trợ, mời anh Hai về tiếp tục giảng dạy ở Việt Nam, nhưng anh từ chối.

Comments are closed.