Trong rừng cây du thủ (kỳ 3)

Tiểu thuyết ít chữ của Trần Quốc Toàn

TRONG RUNG CAY DU THU

4,

siêu nhiên, [tiếng thác ghềnh, đá và ký hiệu rêu phong, những liền lặn dấu vết thú rừng, đâu đó trong lòng đất, rễ cây và xương cốt, bám chặt vào nhau, nước ngập ngụa nhưng vẫn hiền hoà, bởi cấu trúc của rừng bền vững, đầm lầy đầy những sinh vật sinh sống, nơi bầu trời, vần vũ suốt hàng nghìn năm như thế, nơi thẳm sâu, đại ngàn vẫn là nơi trú ngụ đa dạng, tiềm ẩn nguồn năng lượng, nuôi nấng hình thể của vỏ trái đất] nhưng, siêu nhiên có chăng cũng là sự hủy diệt mà loài người tinh khôn không thể nào chế ngự được, sự diệt chủng các giống loài chim thú, cây cỏ, côn trùng, giáp xác, mà loài người cũng thành loài quý hiếm [có lẽ, đấng siêu nhiên đang liệt loài người vào sách đỏ] nghe âm thanh của cỏ rung lên với bao nhiêu cơn mưa và ánh mắt chim muông, đất cũng cất tiếng hát cùng những nhịp đập của sóng, trong tiếng reo của lửa, thảo nguyên, những con cá sấu tên lửa miền Tây, tạo thành âm bản, linh hồn một miền đất, cộng hưởng nghìn năm trước và nghìn năm sau, phá cái này để xây dựng cái kia? cưa quả bom để làm chuông đánh thức thị giác, tạo hoá đã là một ngôn ngữ của hình hoạ, và thời gian luôn chảy trong tinh cầu nước mắt của nhân loài,

 

khuya mưa mãi, những chú sâu chết rét, mùa lũ cuốn trôi nhà cửa, đâu chỉ nước mắt con người, mà cây cối, chim muông cũng sót đau khi tan đàn lìa tổ, những chuyến xe mắc kẹt giữa dòng lũ, cái đói tràn lan khắp nơi, những lo toan thường nhật nhường chỗ cho tình người, quả thật, chỉ còn tình người là hiện hữu,

đó là một ngôi nhà cũ, nay bỏ hoang, hồi những bông râm bụt ướt sương buổi tối mùa đông, cứ hễ đêm đến, bọn trẻ chúng tôi thấy sợ khi ra ngoài đường, vì câu chuyện kể về con ma cụt đầu đứng trên ngọn bạch đàn, hay con ma lết chuyên đi ăn cá của những người câu cá đêm, chiếc lưỡi con ma lết như lưỡi ếch, ẩm ướt và dài, một đêm mùa đông thời gian trôi chậm như con cù lần di chuyển từ cành cây này qua cành cây khác, cho đến khi những con chuột xạ kêu chít chít ngoài bếp, tiếng chuột xạ được xem như là tín hiệu tốt cho người ở làng, cứ hễ có tiếng chuột xạ kêu là ngày hôm sau người nghe lại có niềm vui từ tiền bạc, buôn bán, hay tin vui từ phương xa, bóng tối và ánh sáng như vẻ đẹp giữa  quá khứ và hiện tại, con chàng hiu năm nay lại trở về trên nhánh lục bình, căn bếp mùa đông có vẻ như còn đọng chút hình hài của mùa thu, thứ hình hài của những người biết được tiếng kêu của núi, mùa đông, núi kêu, núi rú, núi có tiếng chó tru ma, một vài năm sau những giấc mơ canh nông của cụ Túc, rồi cụ cũng mất, khoảng thời gian về sau, mọi thứ cứ theo cái dòng suy nghĩ của cụ Túc, đồng ruộng được canh tác bằng thủy lợi, không còn thức khuya dậy sớm để canh nước hay tháo nước ra khỏi ruộng, cụ mất, căn nhà bỏ hoang, căn nhà của gió đông, của mây trời, của những điềm lành, nhưng nơi này, đến mùa lũ, thì ngập lên tới nóc, vùng trũng, ánh trăng soi cô độc, thế là, một hôm ngủ mộng tôi thấy dưới tán cây da, một người từ thế kỷ trước bước ra khỏi cỗ quan tài, dây rễ quấn quanh, đôi mắt vẫn sáng, nhưng đầy uẩn ức, cùng một con rắn dài, mình vàng đầu đen  và có hai chân gần cổ, bầy chim Ảo bay quanh, tôi hỏi – Ngài là ai, nhưng ngài im lặng, và bước ra khỏi tán cây da, cùng bầy chim Ảo, phía trời tây chim sáo đá cũng bay về đây, con rắn cuộn lấy xác thân, như cuộn lấy nỗi oan khuất của thế kỷ, – con rắn bảo, nó có tội gì mà lịch sử lại ghi nó là kẻ mưu sát, và cái xác kia cũng bảo, thời nào cũng đầy oan khiên, nói được một câu thì cái xác vào lại cỗ quan tài, dưới tán cây da, trăng đang đổ ngọn xuống vùng đầm lầy xứ sở tôi, sau những  câu hỏi mà chỉ bọn chim trời mới hiểu….

5,

khi những đốm mắt nằm xuống trên mảnh đất nơi quê nhà, nước ngầm trong đất có vị ngọt, ngọt vì xương hay từ đất? rồi người làng giờ không còn dùng nước giếng nữa, hay có dùng cũng chỉ để tắm heo, hay tưới rau rác trong vườn, chứ nhiều người trong làng chết trong xóm bởi cái thứ nước tiết ra từ núi, ngọn núi đầy bom đạn và xác người chết, người chết bị vùi lấp, cây củi mọc chồng lên, hồi thủơ mới khai hoang, ông bà tôi đã chôn lại rất nhiều những bộ xương như thế, những ngôi mộ của lính Đại Hàn giờ vẫn còn, rồi sau chiến tranh, những xương cốt của người và thú không còn biết là đâu nữa, đâu ai biết là của lính Miền Nam hay lính Miền Bắc, hay là lính miền Trung quê tôi, người đến ở, khai hoang, có người bị thương vì bom đạn còn sót lại, nên đêm, khi trong làng có người gần chết, lũ chim cú mèo, tìm đến, tôi hiểu vì chúng đánh hơi được xác chết, mùi của người gần chết, còn nghĩ về tâm linh chắc có phần nào đó, tôi không hiểu sâu sắc được, chỉ biết tiếng cú mèo kêu không thể thiếu trong ký ức tôi, và cũng có lẽ cuộc sống cũng đến lúc chết, nên tôi nghĩ ngợi thật nhiều, đôi khi đầu óc giận dữ, và muốn làm một điều gì đó phá vỡ đi những suy nghĩ đời thường, sau chiến tranh, những đứa trẻ như chúng tôi cứ ngơ ngác về quá khứ của cha ông, chúng tôi lớn lên từ rơm rạ, từ lòng mẹ, từ mưa từ nắng, từ cào cào châu chấu, từ tắm sông từ đủ trò nghịch ngợm, nhưng khi lớn lên, con người tuổi thơ chúng tôi bị lôi vào dòng chảy của lịch sử, lịch sử là gì nhỉ? thế đó, cái đau thương và huyễn mộng cũng từ khi chúng tôi biết đọc sách, và từ đó mỗi một tuổi thơ hoặc sai đường hoặc lưu vong hoặc mặc kệ đời sống, tuổi thơ có tội gì chăng? chúng tôi có tội gì không? là tiền định hay là ngoài tiền định, không ai trả lời chúng tôi, cũng như không ai trả lời cho những người trong chiến tranh chăng? hay bao nhiêu sách vở đã làm cuộc sáo trộn? tại sao nhỉ? chúng tôi chỉ cần sống trong cái thời chúng tôi đang sống có được chăng? vậy đầu óc chúng tôi đã nghĩ gì nhỉ, một thứ triết học đường phố, một bức Graffiti, hay Rap, hay sự lột bỏ tất cả mọi ngôn ngữ đạo mạo, để xưng Tao, xưng Nó? Đó là đương đại, tín hiệu của đường phố, của bụi bặm, của trần trụi nhưng đầy huyết khí, chúng tôi muốn lột bỏ những dáng vẻ cô đơn, những sến súa, những ru ngủ, những thứ đã lừa dối chúng tôi, khuya, nơi hàng gòn vẫn gọi cơn say của tôi, tôi biết những người có chữ đang thổi phồng những hiện tượng để phủ lấp sự ngu dốt trong họ, thật ra, những hiện tồn thật đơn giản biết bao, như hơi thở của mọi người đó thôi…

6,

xóm Thạch Long hồi ấy vẫn còn heo hút lắm, chỉ một vài ngôi nhà nằm cách nhau giữa những khu vườn rộng, mùa lũ đến, nhà nào cũng sắm sẵn cái sõng gác trên mái chuồng bò, đến khi nước ngập trắng đồng thì lấy xuống, dùng để thả cá ruộng, cá mương, gỡ lưới, bắt cá về kho hoặc nấu canh chua trong những ngày mưa bão, mùa lũ về, nước luồn qua những con sông, luồn qua những cánh đồng trồng khổ qua, nhấn chìm chuồng heo nhà bà Bảy Mùi., nước về nhanh quá, đêm lại gió, một đêm, hai đêm, rồi góp lại thành bão, người người lội nước đi mua dầu hỏa, mua mì gói để phòng khi nước lớn không ra ngoài được, em gái tôi mở thùng mì tôm, thì trông thấy ổ chuột con nằm gọn bên trong, các gói mì bị gặm rách tứ tung:

– chắc tụi mầy đói quá phải không?

đôi mắt em tôi vẫn hồn nhiên như thể việc mấy con chuột ăn vụn mì gói và làm ổ ngay trong thùng mì chẳng có gì là quan trọng cả, và chẳng những thế, em gái tôi còn cho cái thùng mì vào góc phòng riêng của nó, bởi nó sợ mẹ mà phát hiện ra ổ chuột thì mẹ sẽ quẳng ra ngoài dòng nước lũ, và nếu như vậy thì bọn chuột con lạnh cóng mà chết mất,

ở xóm Thạch Long, mưa núi, nước suối làm vỡ những bờ đá tự nhiên, đá lăn xuống dưới chân núi. Buổi sáng, những cây me đổ ngọn, tróc gốc, hố hầm lở lói, nước dâng lên khắp nơi, bầy ròng ròng đỏ ngoi ngoi lên mặt nước lũ, chúng bị vớt lên, người ta đem về rồi thổi lửa, cho vào chảo bánh xèo, cho thêm mấy cọng giá ủ từ đêm hôm trước, món bánh xèo cá ròng ròng cuốn với bánh tráng mì nhứt, vắt chanh vào chén nước mắm nhĩ ớt tỏi, thì không còn lời nào để tả cái hương vị giòn giòn beo béo, có chút ngầy ngậy của cá và nước mắm, thêm cái không khí lành lạnh mùa mưa bão, thì tuyệt vời lắm vậy!

khu vườn nhà bà Bảy Mùi sau trận bão, nào là những quả khế ngọt, mận, bưởi, mãng cầu, ổi, vú sữa, chanh, nằm hỗn độn trên nóc chuồng gà, trên mái tôn nhà tắm, dưới chum vại ủ mắm, góc tường, bờ rào, trái nào cũng tươi cũng ngon, có trái còn non, thế mà rụng sạch tất thảy. cái xóm nhỏ nằm dưới chân núi, giờ đã khác xưa nhiều rồi, không ai gọi là xóm Thạch Long nữa, mà gọi là xóm núi Tình Giang, bởi tôi xa quê lâu lắm mới về nhà, nên mỗi khi nhớ quê là tôi lại thèm gọi tên những gì xưa cũ nhất, rồi khi trở về nhà, tôi đứng trên một bãi đất trồng khổ qua, nghĩ về dòng sông, mỗi đêm tôi và em gái hay ngồi trước nhà nhìn bầy đom đóm nhấp nháy trên đám cỏ,

– anh Hai ơi, anh kể cho em nghe truyện chàng Đôn Kihôtê ở xứ Mantra đi,

em tôi vô cùng thích thú bởi lối kể chuyện của tôi, cũng như đêm nào ngoại tôi cũng kể chuyện dưới ánh đèn dầu hiu hắt, phải rồi! Bởi vì tôi thuộc lòng từng câu chuyện ngoại kể, từ “Ngàn lẻ một đêm” cho tới những truyện “Thạch Sanh”, ngoại còn thuộc cả “Truyện Kiều” của Nguyễn Du nữa. Phải rồi và lời tôi kể bao giờ cũng hao hao giống lời của ngoại. ông ngoại tôi thì không thế, lắm lúc ông kéo tôi ngồi uống trà, rồi ông vỗ vai tôi như vỗ vai một người bạn thân thiết lâu năm, ông ngoại tôi tuổi đã ngoài chin mươi, lúc nhớ lúc quên, ông kể về những người bạn của ông nay không còn nữa, ký ức người già bỗng hóa thành một nghĩa trang mênh mông buồn, con người rồi cũng lớn, rồi ai cũng đi xa, nhưng bão lũ hằng năm vẫn đến, tôi nghĩ ở đời cũng giống như thời tiết, lúc an vui, lúc đau khổ, thì cũng như mưa nắng đó

thôi, từ đất quê mà ngẫm ngợi ra nhiều thứ, mưa thì sắm áo tơi ô dù, rét thì mặc thêm áo ấm, bão gió thì chặt bớt cây bớt cành, nhét các lỗ lam để tránh gió lốc lòn vào làm sập nhà, như vậy với đời sống vốn bất toàn này, thì cũng cần chuẩn bị những phương án để tránh những thương tổn trong cuộc sống thế nhân giữa người với người, tôi nhớ có một lần em gái tôi đứng khóc, em khóc vì con bò có đốm lông trắng ở trên đỉnh đầu chết, lúc bão về, gió lốc làm sập mái chuồng, đè lên con bò, tôi nhớ khi con bò còn sống, miệng con bò lúc nào cũng như chực nhe hàm răng ra cười, nên tôi gọi nó là con bò cười, nước mắt em tôi trông giống những dòng lũ đổ lên dòng sông trước nhà, dòng sông nhỏ bỗng biến thành dòng sông lớn, rồi thành biển nước mênh mông.

sau những cơn mưa dài như nỗi thống khổ mà trong lòng thực tại đang mắc kẹt, con chim rũ lông phơi tiếng hót vào buổi trưa nắng lên, hãy yêu lấy những giọt nước mắt ngày hôm qua nhé! nàng nói với tôi như thế, những cây cổ thụ nằm ngay ngắn trong toà dinh thự đang thốt ra những lời của rừng sâu, ai đã mang về đây những vô hồn, ai đã xem chúng tôi là vẻ đẹp tráng lệ? hay là nỗi dị hợm mang cung cách quý tộc, xa đại ngàn là mất luôn vĩnh viễn sự tồn tại, chợt trên vầng trán của tổ tiên, hằn lên vết chém, [phủ quyết, phủ quyết, cái nỗi mất mát đau thương này, lời thở than này, những ước mơ của làng, của câu hát hồn nhiên mùa vụ, dưới những cây đa bóng nghìn năm như muốn tuôn ra, màu sương buốt lạnh tháp đền] khủng hoảng toàn cầu, những đôi mắt ngây ngô Á Châu, những sinh lực còn sót lại đang cố nảy mầm nơi đất khát, chúng ta đã đi qua miền Macondo mất dấu trong

cơn mưa dai dẳng vùng Colombia huyền ảo của một văn hào, đã nhìn thấy những dự báo của Osanu Tezuka trong bộ truyện tranh Chim Lửa, đã hì hục vục đầu vào những ngôn tình sướt mướt, những nền tảng Thần Học, nhưng, dường như, thế giới cứ liên tiếp xô ra những điều làm ta phải nghĩ ngợi, như vậy, làm gì có chuyện tiểu thuyết sẽ chết, hay hồn thi ca sẽ mãi theo loài người như một liệu pháp chữa lành những khô cằn, những trống rỗng, hãy đốt lửa lên và nhảy múa, điều đó khơi lên sự vui sướng hoang dã của những người du mục, thuyền thúng, hay những ngọn đồi như khối u của lạc đà trữ nước để tồn sinh qua sa mạc? và sông suối như máu chảy từ tim thượng nguồn dưỡng nuôi hoa màu và điều tiết nguồn dưỡng chất cho đất đai, biển dung hoà tất cả để chắt lọc từng hạt muối, từng điệu vũ, cơn sóng,

giữa những mùa, ngày và đêm, mặt trăng và nàng đã nói với tôi, nơi chốn sinh ra con cái, những hôn phối, biền ngẫu, nơi linh hồn của tổ tiên là nơi có tiếng chim, có con người làm ra văn chương, làm ra nhà cửa, những hành vi sinh tồn, nòi giống, có chăng là lời từ tổ tiên? hay trong bản thể mỗi

giống dân đã có sẵn trong cách nghĩ rồi, xa xôi, ánh điện thị xã sáng lên, những chuyến xe bắc nam ồn ã bến xe, chuyện của giới tính xin gát lại một bên, mọi người đều có suy nghĩ riêng về nó, có thể, con chim gù mái lại đẹp trong cái nhìn của chúng ta, đó là thị giác, khơi ánh đèn dầu, ngồi soi cái bóng trên tường, nghĩ ngợi về những câu chuyện về giới tính, đã rất lâu, khi trở lại sứ sở, những hành vi sinh tồn, ngẫu phối, những mùa động dục của chim thú, riêng con người thì chiếm trọn bốn mùa, mô phỏng lại chuyện phòng the, trai gái? dường như điều ấy đã diễn ra rất lâu rồi, nay có nói ra

chỉ thêm thừa mứa, trên bàn tiệc những li chén, rượu và thuốc lá, việc làm tình bằng khẩu ngôn lúc nào cũng là chuyện phiếm, chuyện vốn dĩ đã là, cũng là cái thói quen, ngồn ngộn trong đời sống trần gian, có lẽ là món ăn tinh thần chăng?

nếu nghĩ vậy thì cũng không hẳn vậy, ánh đèn dầu khơi vào lòng bóng tối những âm thanh cổ điển, lúc khởi lên tiếng côn trùng, ký hiệu trong hang động, thật gần với trời đất, cõi trong lành, du dương,

hôm đi lạc phố, gặp lãng nhĩ thiền sư ngồi bên hiên nắng cuối thu, tiếng chim toang hoác, những bông hoa cuối vụ đã úa tàn, khoảng không gian thoáng mát hiện ra, lãng nhĩ thiền sư nhớ rừng, bảo: hôm nào trời ngưng bão, ngưng nỗi buồn mưa gió, thì lãng nhĩ sẽ về thăm chốn cũ,

thăm bà tư bên góc núi mỗi sáng thủơ còn bé, lãng nhĩ thường gánh củi đổi bữa ăn sáng, mùi bánh xèo vỏ dòn dòn, bánh đúc, bánh bèo chén, rồi nhìn lên hòn đá lớn, nơi người đàn ông ngồi soi kính lúp, ai qua đều hỏi: anh làm gì lạ thế? người đàn ông vui vẻ đáp: à! mình đang nghiên cứu mặt trời,

mặt trời cũng vui vẻ thả xuống lũng đồi những ảo hình của nghìn năm, hương tháng chạp với bao nhiêu dư vị của nắng, trời đổ bòng bóng, như khơi lên những da diết nhớ,

rồi chú tôi bảo: hôm nào trời gió mát, cứ đưa lãng nhĩ đến gặp chú, mùa đông đã đến thật gần [như muốn nói với giọng thầm thĩ với con người rằng, hãy ở yên một chỗ, những thay đổi lớn lao này hãy cứ xem như một bộ phim, mà ở đó con người chỉ ngồi một chỗ mà cảm nhận] chẳng có gì còn là nhiễu nhương, vì nhiễu nhương cũng tự nhiễu nhương nó rồi, chú cười dưới bầu trời đã vàng võ mấy nghìn năm, xem ra cách thức con người ta tồn tại thật quá nhiều nhiêu khê, phức tạp, thật quá nhiều điều để nói,

chiều buông tóc xuống ngôi làng, chú ngồi thấy mình mắc võng bụi tre nằm ngẫm ngợi một điều gì đó rất lâu, như là bất chợt điệu ru nước mắt hay điệu ru con cò con vạc, những nhàu nhĩ, hay là người làng trở về bên hiên nhà mình,

lãng nhĩ thiền sư thấy mình mơ hồ như nắng ngói, từng giọt phù trầm thành phù ca đất cũ, từng đắng đót chén rượu ủ lâu trong lòng khơi lại chút hương đất nơi thôn dã, như có lần lang bạt đất Sài Gòn, lãng nhĩ học hết những tinh hoa từ đất từ gỗ, để phổ hồn bầu trời vào tâm thức một chiều thu,

tôi lại nhớ sài gòn như chiều mưa nhớ ánh đèn dầu và nhớ Thường Duy, anh bạn bác sĩ của tôi. Nhớ như nhớ một người tình từ thuở bơ vơ,

hạt nước mắt quẫy cựa

như mỏ chim sắt

đợi bạn rót leo lắt đêm,

sao trời mờ,

Duy hát,

mặc cho túi hết tiền biết khuya nay không về

xa xôi lắm,

cắn ký ức

cái bóng đèn trong ô cửa

hút đi, hộp thuốc lá thơm giọng Quảng

thứ rượu vỡ tim đất Hời tôi rót uống lên óc

nghe tiếng gà nghìn năm trước

đâu đó trong gió có cỏ cây

uống đi Duy,

mai chỉ còn trong kỷ niệm

mai Sài Gòn tôi đi về phương khác

có thể giữa thời đại nhiễu nhưỡng này vẫn còn những thằng ăn mày xứ sở

ngôi sao nằm lệch sông núi

đông tây kim cổ nằm chếch địa tuyết

những hồn rắn hồn sâu bọ loi ngoi lốp ngốp

Uống đi Duy

kẻ mơ ngày, cơn gió mùa thu thổi về, cánh đồng chờ ngày gieo sạ, làng như lá phổi điều tiết nhịp sống của người dân, như thể những tồn tại luôn là những hình ảnh sống động, trước khi Việt về, trời hoàn lưu những cơn bão, người gánh củi về chân đồi để đổi gạo, là hình ảnh còn đọng trong ký ức, giữa một quang gánh chiều mưa tơi tả, là lời của thi ca, bà Năm ngồi góc chợ bày bán mọi thứ, hay tiếng chuông neo trên đỉnh núi, mỗi khi chùa khai lễ, quá khứ khép lại như cánh chim chiều về núi trú ngụ, năm tháng như một trang bản thảo, và vạn vật đã khắc hoạ mình lên đó những biến thiên của thời gian,

đêm len màu khói, trăng sáng tinh khôi, tôi tạm vắng mặt ở chân trời khách lữ một thời gian, kể như, cũng là cách thức giữ gìn công việc của kẻ mơ ngày, những căn cước và ghi chú, theo thời gian sẽ bồi thêm những ý tưởng, thử cho mình nương theo một thoáng ảo hiện của tồn sinh, có lẽ, là chuẩn bị cho việc suy tư sâu hơn, cũng là khả thể, sau những ngày ngồi viết lặng lẽ, chú tôi ngày về nơi chốn cũ, tôi thấy lời văn của chú như hơi thở của đại ngàn, một cuộc rong chơi để lại nhiều kỷ niệm, và bao giờ người nhớ nhau cũng bởi sự cộng hưởng, tất cả là ngẫu nhiên, trong đời sống vô thiên lủng này, chú tôi bảo vậy, hình ảnh của trăng đã là viễn xứ, một ngàn cây góp lại thành rừng, và một ngàn năm góp lại thành mùa linh giác…

mưa đã dứt sau khi chú tôi trở về, thầy nhóm lửa, lửa hằn sâu trong khoang trí nhớ, áp tay vào cây cọ, tôi phải vẽ ư? tôi cần ra ngoài trời, để nhìn thấy chú tôi đang nhóm lửa [lửa của cây sầu đông vừa khô lại sau khi nắng ấm toả trên đất đai, lửa thơm và khói bung vào chiều đông, thứ khói khơi dậy niềm kiêu hãnh của xứ sở tôi, que than vẽ vào đất, thứ hình hài của tâm thức,

rồi một ngày nào đó, sẽ hiểu được nét cọ của que củi quê nhà, nơi lòng tôi ủ hồn con cá ông tôi đi cày đồng sâu cặp nách mang về làm bữa cơm chiều, đêm mùa đông, trời không mưa, mùa của khói đầu ngõ nhà ai, mùi của khói hay là mùi của người làng bắt đầu mang tiếng đàn cố thổ vọng đêm trăng, lúc tiếng dế kêu lên, kêu lên nhịp sống đồng làng, hương gốc rạ, cứ như bảo tôi hãy cứ ngồi mà nhấm nháp cái bình yên trong lòng, cứ bảo tôi này, cậu nhóc, sao cậu cứ buồn chi, căn cớ gì phải buồn để bỏ ngõ những hồn nhiên, những giấc mơ mây trôi, lắng nghe, ngoài kia, chú tôi đang chăm sóc cây trời, chú bón vào gốc cây những trầm tích, cái chú tôi quan tâm là những câu chuyện về người dân cày, về cách mà họ đã làm cho đất có ngôn ngữ, cách mà chữ nghĩa tự triển nở cùng tâm thức của lũ chim biết nói tiếng người làng, à, là con chàng làng hay con chim sâu, tổ màu rơm rạ, à, là giọt nước đêm còn neo

[cứ đi trong sương mù, tà dương hương lữ thứ, một dòng sông trôi, nhập nhoạng nhân sinh, ấy là điềm xưa, tô lên màu cúc tần ô tiếng của chim huyền, rồi đâu đó trong lớp giấy cũ, chợt hiện ra một quãng thời gian, mà ở đó, người đàn ông kể chuyện cuối cùng của làng hãy còn ngồi thả những cánh chim đêm, cùng tiếng thở dài, ngày mai, và có chăng nữa, thế giới vẫn biến động theo cách thức mà nó đã vận hành, như con tàu nhả khói than đen, tiến về vùng miên viễn, có lẽ sẽ còn những dấu vết] đêm, ngoài kia, một nhành cây ướp đầy bóng tối, đi về đâu nhỉ? không đi về đâu cả, ở đây, lúc này, thực tại là nơi chốn rồi, mở ra một nơi, ở đó, có bầy sóc nâu nhớ gió mùa đông lạnh, dưới bầu trời mùa đông, tôi lên thuyền của lão Khứa, lão bảo, hãy hái một chùm ảo ảnh, rồi thắp nó lên giữa đại dương, con à! lão bảo, vì sao ta chẳng bao giờ nói cho con biết về đại dương, với những gì chứa trong nó, con à! mọi thứ khép lại trong niềm u tịch nhất, khi đi vào sâu những ngẫm ngợi, cách ta nghĩ về mọi thứ, về mặt vật chất hay, là ý niệm sống, cũng là cách nghĩ, để về sau, con không còn hoảng hốt trước những gì mà thời gian mang đi,

là lúc dấu chân bước trên lối đi cô đơn, vì con đường này không có bản chỉ dẫn, không một tín hiệu xác tín, chỉ có bản thể thời gian, cùng sự chuyển dịch sẽ cơ cấu mọi thứ, là cái vô tận, vũ trụ là vô tận, cấu trúc nơi sự ngẫm ngợi ít nhiều sinh ra từ sự rung động, và chú tôi cứ trò chuyện với tôi mãi, dù khi không ngồi đối diện, nhưng trong tôi vẫn đang thấy chú ngồi như một ảo ảnh, chú nói là lời của gió, của bóng đêm thẳm sâu, của nội hàm và ngoại biên, những cái cây đã ngoi lên khỏi mặt đất này như thể thế giới đã dành riêng cho sự tìm lại khuôn mặt của những cơn mưa bay suốt tự buổi chim cùng lũ dơi biết được cách thức đập cánh nhấc mình hoà với sự triển nở của bầu trời, ngồi một nơi với bao điều ngẫm ngợi lại nhận ra rằng vùng bán cầu băng tuyết đang rã ra cùng thể dạng của những chiếc vi cá mập nằm tứa máu trên khoang tàu để mơ máu của vi cá mập tẩm ướp niềm mơ ước kinh hãi của loài người, bổ béo cho thân xác vốn đã trù phú những tiệc tùng, cùng lẽ đó, phía bán cầu nóng bức xa mạc từng cơn ho gió khạc ra lửa từng vòng tròn nóng đỏ, nướng khô mặt đất và ở chính giữa lòng trái đất những cơn mưa mang trong nó sự hủy diệt, cũng từ những tác động của con người, cây ngoi lên khỏi mặt đất để tìm sự tự do mà chim chóc là một biểu tượng, [dưới chân ta mọi thứ đều rã ướt, ta thấy con cháu ta đang chìm ngập trong sự rã ướt, nước mắt ta không thể chảy từ mạch nguồn cha ông, ta chỉ còn những chiều trống vắng, bản tường trình về những vùng đất ta đã đi qua, là kinh nghiệm cả đời thao thức, dù cuộc sống ta có đầy đủ mọi phương tiện đi nữa, thì nỗi buồn hoàn vũ vẫn là nỗi buồn ám ảnh ta suốt cả hành trình sống, ta đã đặt lại căn cước cho nơi chôn nhau cắt rốn, đã trở về lần cuối, để nói với đất rằng, ta mãi là thứ ngôn ngữ sinh ra từ đất, rốt cuộc thì bọn họ là ai? có phải là dấu viết của hủy diệt, mà sơ khai chỉ còn là ám ảnh tận cùng, mọi danh hiệu mà họ cho ta có chăng cũng chỉ là thứ ảo ảnh, thời khắc mà ta phẫn nộ với mọi thứ kìm hãm sự tiến bộ của nhân loại, là bước chân ta lại nghe động đậy sự rục rữa của những ngón chân, ta thấy chỉ còn duy nhất những kinh văn, biên sử, ta về làm vị giáo chủ của ảo ảnh, rồi ai sẽ đọc lời ta khải truyền, hay chỉ còn là những năm tháng chờ đợi, đâu đó ảo tượng người xưa lại một lần nữa đến trong tâm trí ta, như rót vào hồn niềm tin sự ngẫm ngợi, mây trôi như thời gian để lại những vui chơi nơi trần gian]

Comments are closed.