Trong rừng cây du thủ (kỳ 5)

Tiểu thuyết ít chữ của Trần Quốc Toàn

TRONG RUNG CAY DU THU.2

(Phần cuối)

1.

từng ám ảnh nung nấu trí nhớ- như vừa mới ghé qua thềm hoang tháp cũ, “trăng đã tàn chưa” một người mù ngồi chơi đàn tỳ bà hỏi tôi, “dạ chưa, trăng sáng lắm ông ạ” – hãy thương lấy trăng, thương mảnh trăng này cháu nhé” – tôi mon men theo đường rừng, dừng chân nghỉ bên căn nhà hoang, những nét than vẽ lên vách, núi rừng hoang vu quá – tôi dắt ông lão chơi đàn tỳ bà qua những rặng bạc hà, thoảng tiếng suối reo, – thế giới đã bắt đầu chuyển dạ, những trưa, hương muồng ướp lên da thịt đất đai, có lẽ những giả định mà tôi đặt ra giữa đêm mù sương như thế này, như để truy vấn lại từng đường nét cây cỏ vẽ vào cái không gian khi có bầy dồng dộc ghé qua,

vào những đêm trăng như thế, thế giới này đầy sự hoang vu sâu thẳm, tiếng đàn tỳ bà cất lên làm vỡ từng chiếc lá úa khô trên mặt hồ, – tháng ba rồi cháu nhỉ/mùa xuân cũng đã cất cánh bay về lối cỏ nhà ta và trao gửi cho mùa tiếp nối, tháng ba năm nay như huyền hoặc hơn tháng ba của những năm về trước, con đường vào làng đã lấm tấm bông muồng rơi rụng, phải rời khỏi rừng vào sáng mai, bọn dồng dộc đã ngủ trong tiếng gió lá, tôi đắp chiếc áo ấm lên giấc ngủ ông lão, rồi nằm gác tay lên trán suy nghĩ miên man về đầm nước mặn, thuở ấy đầm nước mặn còn là nơi giao thương hàng hoá, tàu bè tấp nập qua lại, bọn chim rúc rỉa vào gành đá tìm mồi, nhìn về phía những ngôi nhà lá nổi trên mặt nước, tôi – đứa trẻ trốn học đạp xe băng qua những con đường muối, những hạt muối cào lại thành từng đống trắng tinh, dưới ánh mặt trời tháng ba, tháng ba, năm nay dường như mùa hạn hán đến sớm hơn, buổi sáng, tôi dắt ông lão ôm đàn đi qua những cây thanh trà rừng, men theo con suối, đến ngôi nhà của lão, bìa rừng đầy hoa dại, nhà cửa thưa thớt, ở đây, mùa khô nghe được tiếng con chim quốc kêu, nhìn thấy những con bò ăn cỏ, và lũ cò chực bên cạnh để ăn mòng máu và ruồi bu trên làn da khô ráp của bầy bò, – thế giới đang cách ly, thi thoảng cháu nhớ ông thì ghé thăm ông nhé, ông sẽ mời cháu uống trà và đàn cháu nghe, để khi gần đất xa trời, chắc là sẽ buồn lắm đấy cháu à, cháu mang ít rau và cá về cháu nhé, thằng cu đen nó bắt ở con suối đá, nhiều quá, ông ăn không hết, tôi nhận rau rừng và cá, lúc ra về cài lại chốt cổng làm bằng tre, cổng làm để tránh khi đêm bọn heo mọi khỏi vào phá mấy luống rau, chớ ông đã mù, mọi việc trong nhà đều do thằng cu đen săn sóc

2.

tôi đang cố moi lên từ đất chiếc đồng hồ cát, trên cao lũ chim sáo đá bay theo hướng những chiếc lá vàng, đất sình, những con đường đất nối đuôi chạy xuyên qua triền dốc, xuyên qua cánh đồng gòn, mang dáng vẻ một bàn tay với những đường chỉ móc vào nhau, sự hiện diện của bàn tay có từ trong bụng mẹ, nó chụm năm ngón vào nhau cho đến khi vỡ ối trôi tuột ra ngoài cơ thể, tôi nghĩ về nó, chiếc đồng hồ cát trong giấc mơ, mà tôi đã được báo trước, bởi, bức tranh cha cố tôi treo trên gian nhà gỗ, đám cưới của Peleus và Thertis, ông lão ghi chép trong cuốn sách Sự giễu nhại của thời gian, khi mất, ông chỉ tôi cách chỉnh cho thời gian theo cách con gà trống lên chuồng, nhưng quả thật tôi còn mơ hồ về nó, cho đến khi tôi bới đống đất trong vườn, thứ đất chân núi sình, thì quả là nó đã ở dưới đất và vẫn còn hai bình thủy tinh áp vào nhau bằng khoảng trống ở giữa,

cát chảy, như lúc tôi nhận ra gió thổi, hướng gió vòng quanh vùng chân núi, ông lão đặt tay lên tay tôi, – ông về rồi cháu ạ, tôi biết là ảo giác, nhưng quả là tôi đang ngồi với ông, lúc này cát chảy trong bình thủy tinh, như bị hút vào nó, thời gian trong bình chảy, hay là tôi cũng chảy vào thời gian, như bức tranh mô phỏng trên vách, những chiếc thuyền, mảnh thép, căn hầm, và ý niệm về thời gian,

[tôi cứ bị thổi phồng lên như cách thế giới thổi phồng những tin tức, cuộc đi của hàng triệu dấu vết hãy còn là những lời thịnh nộ, mây mưa gió sấm chớp, cuộc thủy tạo lại hiện ngay trong tiếng gió ngoài phố thổi qua hàng thép gai đã ố màu, kèn trống và tiếng nhạc đưa đám, đêm lấp đầy bình dạ quang của trời đất, bầy chim sẻ lặng im trong lồng, có lẽ là ký ức sâu thẳm chăng?]

để im bặt khung cửa sổ, những tháng ngày sống với dãy nhà trọ, người tứ phương mang trú vết về giọng nói của nhau, hủ tíu, mì xào, thi thoảng nghe đâu đó giọng rao con hẻm, mùi ống cống thoát ra khỏi mặt đất, sách, cà phê, áo trắng cô sinh viên bưng bê thức ăn cho khách, đều cho tôi cái nhìn đầy đủ hơn, có lẽ, tôi đang nhớ thời gian trôi qua những giọt mưa,

hay những giọt mưa trôi qua tôi lặng lẽ, tôi thả hồn vào một bài nhạc cổ, có cây xanh đứng giữa trời làm nơi trú ẩn của bọn chim sẻ, chim dồng dộc, chim chào mào,

ông lão lại hiện về trong giấc ngủ của tôi, sáng nay, khi thức dậy, trong họng tôi còn ứ đầy những hình ảnh xa xưa, đó là chiếc áo cũ, bước chân trần trên đường cái, một vài bông dâm bụt quanh khuôn viên,

bài hát của mây ngàn, trên bức hoạ của Thiết, tôi nghĩ ra mình đã từng uống quá nửa đêm, lên xe và chạy trong đêm đen, tôi đang nhớ một người nhạc sỹ nghèo [tuy nhiên, ông nghèo vì ông giữ cái đạo người làm ra thứ âm thanh của trần thế, hồn có sạch, có trăn trở, đau đớn cho tha nhân, thì ông mới viết nhạc được], còn mang phận người, như chiếc xe đi qua cầu, còn luyến nhớ dòng nước trôi dưới chân mình, lục bình trôi, trăng về trên phố vắng,

chiếc radio tiệm cắt tóc mở cả ngày, những chuyến xe thồ hàng qua lại, khu chợ cả tây lẫn ta đi chung với nhau, nhưng thức ăn đồ uống lại Việt nguyên chất – đây là Việt Nam, các ông nhé, thằng bé nói với ông tây ba lô như thế,

chợ, dường như là chợ trời, thời pháp thuộc thì chợ trời có nhiều nét quê hơn bây giờ, tôi giở tập ảnh cũ của cha cố tôi để lại, thời ấy mọi thứ đều trắng đen, ít chỉnh sửa như bây giờ,

thời xanh xưa, phải rồi, nay thì xanh xương, [con khỉ rừng sâu ôm con trong đôi bàn tay run rẩy, con người đi giết tổ tiên của mình chăng?] hay từ lúc khai thiên lập địa, trước khi là homo sapiens, loài vượn loài khỉ không có mặt, [là huyền sử của vượn của khỉ] ông lão nói vào tai tôi – cháu của ta, triết học về cái hang đã mang lại cho loài người những câu hỏi về tổ tiên mình, ở xứ sở ta, có người đã viết nên quyển triết học về cái hang, – vậy giờ người ấy ở đâu, ông lão nói, – như con vật đi hổng hết hai chân lên trên ngọn cây, chắc hẳn lũ chim tìm nhau trong tâm thức của buổi trưa nắng, bình an dưới một mái nhà, quanh quẩn hồn trong nhà lưu niệm của ký ức, cái ẩn giấu trong cô đơn, là phong thư từ việc đi qua những nghĩa trang lạnh lẽo – anh đã đi qua nơi ấy bằng tất cả niềm xúc cảm thường nhật và bây giờ là việc nằm gợi tưởng về thế giới trên cây chưa?

tôi lại nghe trong não ông lối rẽ của dòng thác xuống nơi bầy bươm bướm đang thắt nơ cho bà lão [có lẽ là vợ ông] những dòng nước ngọt, mát mẻ, và tôi hãy còn là một đứa bé đang ngồi vắt chân lên đá, nhìn trừu tượng về cách thức mà tôi đã lớn lên, ôi – không, một đứa bé hãy còn trừu tượng về đám mây chiều ghé qua miền cỏ hoa này,

[bước ra từ thế kỷ trụi trần, mọi cỏ hoa in vào tâm thức đất, tâm thức gió, một bước đi về nơi vách đá, rêu cong dấu hỏi đã nghìn năm],

hàng hàng cây cọ đứng nhấm nháp sắc màu trong buổi chiều mưa xứ sở, hàng hàng tổ con trùng trong đêm cựa quậy, gọi đó là mống nắng của đêm, là tuyết lãnh của đêm, hay là lối rẽ đã định cho bước chân một hành giả, sự trống rỗng của thế gian, gùi trên lưng ngôn ngữ xương, ngôn ngữ giáp cốt, tia sét bật ra giữa minh mông, chừng như duyên khởi, nơi lửa vẽ ra hình bóng khởi nguyên của loài homo sapiens, là homo sapiens, cánh bướm khiêu khích tôi, tro tàn khiêu khích tôi- và homo sapiens không còn là homo sapiens khi lưỡng cư giữa núi và biển, giữa cây bút truyền thần của loài linh trưởng ngủ muộn, dấu vết homo sapiens là dấu chân cô độc,

ngày đã tàn, nhành rong trôi dạt, trầm hương đốt bên áng thư, linh thứu dấu chân trần còn đọng nơi tiềm thức, gõ vào vách đá xem – à, âm vọng trống mái đã trở lại vùng đất cổ xưa này, cổ xưa mấy ngọn cây trăm nghìn năm ngã xuống nơi rừng thiêng,

những ngón chân đen bám đất, cổ xưa, cây đèn sáp ong chúa tư lự bên viền gạch,

những cuộc hồi hương của lửa làm tôi cảm thấy nhứt buốt cả sống lưng, trong một ngày nắng xâm chiếm căn phòng, thì đột nhiên ý thức về xương, hay, trên những ngọn cỏ bông may quyến rũ tôi trở lại câu chuyện của ngọn đèn dầu lụn bấc,

cái trăn trở luôn nung nấu trong óc sọ, hư vô ngoài hư vô có phải chiều đang nghiêng xuống nơi vành tai chú nghé con, – này hỡi mây, ở chốn này không có chuyện lạm bàn về tình dục, hay tình dục là dòng máu của đất đai, chuyền vào sinh khí vạn vật, chuyện chỉ vậy, mà sao bao nhiêu giấy mực cứ đổ ào ào vào những việc ấy nhỉ? có phải là cõi nhiễm tạp, để làm rối rắm nhận thức của tờ giấy trắng,

thôi! chú nghé con bị lời nguyền, vì lỡ sinh ra có chòm lông trắng ở giữa trán, chòm lông như bông hoa lạ, cõi đất này kiếm đâu ra chòm lông lạ thường như thế- lão ẩn cư trên núi đã lâu năm chưa về lại nơi ruộng đồng, lão bảo – các ngươi hãy về nơi đã cưu mang loài người, nơi những hạt lúa trên đồng ruộng, còn phần lão, đêm kinh sách là lá rừng, nhạc là suối, bè bạn là những con vật bay nhảy trên cành cây,

mùa thu đến, dòng suối cạn đi, bầy khỉ đuôi ngắn tìm đến bên lão, ngồi vẹt mái tóc trắng, nhóp nhép kêu chiều rừng thiêng,

năm chiếc lá ướm đầy nước sương, bóng tối nằm trong chiếc lá, chiếc lá cuộn loài sâu che chở mảnh hình hài, như để sớm mai mở ra cho chúng thành con bướm cất cánh bay qua bên kia những ngọn đồi, tìm đến nhà cũ của lão,

con bướm kéo cả đàn bướm bay qua năm con suối, bảy ngọn đồi, nghỉ cánh trên vùng lũng nước, cuối cùng cũng đến nhà cũ của lão, nơi đầu tường, vách đã chằng chịt dây leo, hoa tím, hoa xanh, hoa trắng, bung đầy trên vách, nơi vợ lão mở cửa cùng con mèo tròn lông vàng đeo – ô! cuối cùng các bạn cũng đã đến, bà lão dắt dê ra khỏi chuồng, đặt một vòm lá to lên tảng đá, đổ mật ong lên lá, – ta mời các bạn dùng bữa sáng nhé,

tháng mười trong thung lũng, có người ngồi viết sử, gọng kiếng đã gãy những vòng dây nhợ buộc giữ gọng kính cũng ố màu thời gian, – ở đây không được phép nói chuyện về duy lý duy tâm duy vật nhé, người biên sử làng nói với một người đàn ông đang đến làng để nghiên cứu về cách thức mà ngôi làng đã tồn tại,

hòn đất bật dậy ngậm lấy một giọt sương, cây khô bật dậy tự mọc ra lá, gió cuộn vào nhau như thanh tẩy kỳ cọ những vết bụi của đường xa, con kỳ nhông leo lên cái cối đá hửng nắng nhép mắt cười ma quái, còn các bạn ta – những con bướm mà người xưa (có thể là cổ nhân đã nói) cứ cho là vậy,

cánh bướm bay hai bên bờ suối, bướm cánh vẫy làm người viết sử làng ngồi im lặng ngẫm ngợi trong khoảnh khắc chiều hôm, nếu ngày thì là bướm (bươm bướm), còn ngài (bướm đêm), trên ngón tay sần khô như rễ cây, bông lá dang tơ trắng chụm lại thành hình một chiếc vụ nhẹ tênh bay đầy trong không gian, bông lá dang sắc trắng như lông tơ sợi của lũ cò mò cá bên rìa suối vắng, bông lá dang gieo hạt trong gió, những bụi rậm rịt, chờ cơn mưa trút xuống, âm ỷ gieo mầm vào đất, kỳ diệu của đất trời, trong âm rung nứt nẻ vỏ trấu, lắng dịu êm ái, mặt trời như cảm thức những sự lặp lại của sinh diệt, người viết sử làng đã ghi lại cảm thức ấy trong cuốn sổ chép tay của mình [giữa con kỳ nhông và loài khủng long là một, homo sapiens và khỉ và vượn và voọc và người là một, hạt bụi nghìn năm trước đến nghìn năm sau là một, mặt trời mặt trăng trước công nguyên và sau công nguyên là một, cách thức con người tạo ra lửa, lửa vẫn hằn sâu tiềm thức con người đã nghìn năm, rong rêu hay ốc sên hay bông lá dang vẫn nghìn năm cùng tiếng gà gáy, nghĩa là trôi là dềnh dàng, như mây thiên cổ vẫn ở trên trời, thượng nguồn và hạ nguồn, bây giờ vẫn lưu cữu trong nghìn vạn ức hóa thân, hợp lưu, cuồng lưu, mỗi khắc giờ đều có mặt trên cõi đất trời, ôi! thân ta sắp rã ra thành tro bụi, tro bụi hóa vào đất, cái tinh anh ta lại sinh trưởng trong một thể dạng khác, vậy, mọi thứ có mặt và không có mặt trong cõi trời đất này vô thủy vô chung, không sinh không diệt, vì ta là hóa thân của muôn trùng ảo ảnh, có thể là cây cỏ, thú vật, sỏi đá, sông ngòi, vậy là lưu truyền mãi trong dòng dịch chuyển của vũ trụ, trong dịch chuyển ta đã gặp Ezra Pound, Ovid, Zbigniew Herbert, những dịch chuyển chữ, ôi! là đêm tối của cô đơn trong rạt rào những vì sao ẩn trong dãy linh sơn, những mầm thiện ác – không nằm ngoài sự ngẫm ngợi, thiện ác là ảo ảnh trong biện biệt tâm trí giống người, những gân xương lá hút lấy khí trời là minh triết của bộ não nhìn thấy vi mạch sáng ngần sương ngọn cây, rỉ ra trong lúc nghĩ ngợi được – bản thể của sự vật của linh hồn trăm muôn nghìn sinh diệt cũng chỉ trăm muôn nghìn sinh diệt đó nghìn năm đã trú ngụ trong bào thai vũ trụ]

3.

trăng dần sáng, cơn mơ hoang nhập vào cơn mơ, ôi! nỗi hoài mong trong sự sống, những lời, không thốt ra từ khoảng tối, có cơn mưa đổ ào ạt vào họng núi lửa, đã gầy trên khuôn mặt của ông lão mặc áo vải, này con, con có nghe lời

ta nói đó không, từ phía trăng ngả qua sông mê, kẻ lữ hành cô độc đáp lại; con

vẫn ở đây, bến đò này, thưa thầy, hãy mở cho mình một sinh lộ con nhé, trong lúc gặp bất trắc, hãy nhớ lời ta dặn, những thứ nước làm rối tâm loạn trí con nên tránh xa, vì khúc ca bi thiết này mà ta đã trải qua một cuộc trần gian lận đận, kẻ hiểu ta chỉ có loài chim biết hát và cỏ thảo, ta mang đến đây cho con sự huyền

nhiệm ấy,

– này con, những hiểu biết của con bây giờ còn quá mong manh, không

nên nói, không nên chìm đắm quá nhiều vào những việc không liên quan đến con,

nếu có những rác rưởi trong lòng, con nên dọn từ đây, quyết không được trễ nãi mà lỡ việc trước mắt, ta đã thấy vẻ đẹp của thế giới ở cách nhìn sự vật bằng một con mắt trầm tư sâu thẳm, – hãy ở yên đó, nơi những nỗi buồn, âu lo, rồi con sẽ thấy được điều ta đang thấy; gió thổi qua vùng núi Lũng, thổi qua vùng nước Bạc, thổi tung mùa bông vải, thổi những ngọn lửa dần sáng người làng đốt rẫy, ôi! có những

giấc mơ kinh hãi, những lời và lời như điềm báo mộng; đã tạm yên rồi con à, ta cưỡi nón qua sông mê, còn con quay lại nơi đất cũ, ta chẳng hi vọng con tìm được điều gì ở đó, nhưng ở đó ta tin con sẽ tìm được lại hình hài của con trong hình ảnh của núi sông, trời đất đều có sự bao dung, cây cỏ chim thú, con người, ở đây vẫn còn tấm lòng đó con; những lời nguyền rủa chẳng khác chi là lời của phù thủy,

nó sẽ ám ảnh vào tâm trí của đồng loại, con không nên làm theo, mà hãy hát lên khúc ca bi thiết nhất của loài chim trên bầu trời rộng, như những ngọn đồi đứng trầm lặng giữa trời đất, mà nghìn năm vẫn giữ nét đẹp mặc khải đó, hãy giữ cho mình hơi thở đó nghe con;, nói rồi ông lão mặc áo vải ngửa nón để làm thuyền qua sông,

4.

trời dần sáng, tiếng gà gáy nghe như từ trăm nghìn năm trước ở vùng Óc Eo,

Sa Huỳnh, và màu phù sa từ thời Hùng Vương, từ đôi tay vợ chồng Chử Đồng Tử

và Tiên Dung hãy còn cây gậy thần trong cơn vần vũ của đất trời, ôi! Là cơn vần vũ của đất trời mở ra một hiện diện mới của đền đài và cứ thế trăm nghìn năm là cơn vần vũ, đến cánh phượng đỏ rực trên vùng biển mơ hồ như có con chim mùa hè từ trời cao đáp xuống những tán lá xanh, ôi! tiếng gà đánh thức những giấc mơ hoang, kẻ lữ hành cô độc thấy trời xanh trở lại, nhưng tiếng ông lão vẫn còn vọng,

trong âu lâu tiềm thức của mình, khi trời dần sáng, ông ngửa nón làm thuyền qua

sông, gõ vào mênh mông đêm, nghe tiếng thiên nhiên trôi qua đôi mắt của loài chim sâu, lích chích,

lích chích, đêm ngày vẫn ở cùng người đọc sách, – qua những thâm u, lặng lẽ, mưa vẫn trú ngụ

trong tai chúng ta,

mưa từ lòng thẳm sâu tiếng mẹ ru con, và có mùa lá ngô khô úa, bãi bờ là

những chiều lọt nắng qua mắt lưới, nghe đâu đó tiếng vọng thuyền ngư diêm xưa, tô vẽ nét

hoang hoải của sóng tháp

thế là đến lúc tự lập trình trong bộ não, những trầm âm vỡ rạc trên đất đá; cái đang âm ỷ, cháu của ta, ký tự thành hình trên trang giấy, dựng lên những mảnh,

những tuần tự rời rạc, nhưng khi ký ức sinh khởi, ta thấy như là điện tâm đồ những vi mạch nối kết để thắp sáng khoảng không gian hồi tưởng; như khi ngoài trời những đóa hoa thay nhau trang điểm cho thiên nhiên sắc màu, ôi! hỡi ôi, người họa sĩ tâm hồn,

có phải, chúng ta đã quá đỗi quen thuộc, thì cháu của ta những người đã vẽ ra nét quyến rũ của đời sống, họ đang thu mình vào phần còn lại của thế giới, để ngăm nhìn, suy tư, ngẫm ngợi, viết, mỗi ngày càng dày thêm những bất an thường trực, bất an đó bao giờ cũng làm tâm tư buồn bã, và ký tự từ đó sản sinh ra những khúc triết, những hành vi vốn thuộc về khởi thủy mặt trăng ta cho con những cuốn sách, mong con mang theo bên mình ở mỗi chặng hành hương chữ nghĩa, con đường này

khó đi đó con à! nhưng thầy ơi, vì chẳng có gì báo trước con đường ta đi và sẽ dừng lại ở bến

bờ nào thật ra ta chỉ cho con là ở chỗ ấy là nơi không có dấu chân nào cả, chỉ khi con dám

bước đi bằng chính niềm khao khát của con thôi, là khi ấy tự con hiểu ra những tên gọi của sự lung lạc đêm, nhìn ra ngoài bên kia, những bông cau rơi, mùa nước cạn, và thấy lòng dày đặc những câu hỏi? nội thức, nơi cần được nuôi dưỡng hàng ngày, phải chán ghét lắm cái cảnh ngu ngơ vui buồn lẫn lộn, mới chạm tay vào ký tự, để nhấc nó lên hay hạ nó xuống, hay có lúc chỉ thoáng qua dạo chơi và thử nói một điều gì đó chẳng liên quan gì đến đời sống thực tại; và ký ức bỗng đâu nảy giấc từ trong chiếc lá non đầu ngõ, mùa, và tiếng chim sâu vẫn văng vẳng bên tai, hình như lúa thóc đã chất vào kho, rơm rạ đã vun thành đống, chỉ chờ cơn mưa hạ điền, là chúng

ta, sẽ ra ngoài trời đựng đầy túi áo, hình ảnh của làng mạc hoang sơ vậy,

(Còn tiếp)

Comments are closed.