Trong rừng cây du thủ (kỳ 1)

Tiểu thuyết ít chữ của Trần Quốc Toàn

TRONG RUNG CAY DU THU

 

1,

Làng tôi, dưới lớp trầm tích, mộ cổ, lũ kiến tha côn trùng về thung lũng, tháng lá rụng, đêm gầy bầu vú mẹ, mắt cha đầy nỗi âu lo, đến khi những chiếc lá bàng đỏ rực, đất đai lên mầm xanh, sông suối nước tràn lênh láng, hồn người xưa mở đất, âm ỉ cháy phấp phỏng ngọn lửa ma hời, tháng với ngày, trăng với gió, quả gòn khô rụng vỡ những bông tơ trắng xoá, đính những hột đen, trưa bòng bong, nhặt về nhồi gối, mắt lửa đỏ khúc củi gai, khói thơm mùi nhựa, từ lòng biển, gió thổi ùa về vị tảo, thứ tảo mát lạnh, được người ở chợ ủ thành thức uống mùa hè, tôi nói với em, có lẽ, chuyến du hành đến vùng đất bị phủ quyết bởi lịch sử, sẽ là chuyến du hành về nguồn, những khả nghi, có thể là lớp sương mù dày đặc, tôi cần nghe, giọng người đàn ông, người kể chuyện cuối cùng của làng, người viết sử bằng đôi mắt trầm tư,

trên bức tường, con thằn lằn nằm nghĩ ngợi gì nhỉ? Đêm về, khi cơn mưa ngoài trời trút xuống, cảm giác nhẹ nhàng hơn lúc còn đi ngoài đường, cũng tự hỏi con thằn lằn như vậy, nó có thấy rằng mùa thu này thật nhiều thứ hay ho ở ngoài khuya, đặt chiếc bình lên bàn vẽ, ngắm nhìn chiếc bóng đổ xuống bàn, bao giờ, cái ý niệm cũng nằm trong tĩnh lặng, ai đó đã nghĩ về tiền kiếp của những cơn mưa, trong tranh, có đầy đủ mọi hình thù, yêu ghét cũng làm nên tiếng nói của tâm hồn, nhưng nếu ngoài khuya gió thổi qua song cửa, ánh điện đường còn thắp, thì mưa như một cá thể biết khơi vào lòng đêm những âm thanh kết nối với nhịp mùa, xóm làng lúc này, làm những con mèo lười biếng lại lười biếng hơn, thế đó, tôi có một khoảng xanh thầm lặng, cứ nghĩ con thằn lằn đang muốn hoá thành người và cầm cái thanh quạt lửa đi đập muỗi,

lẽ dĩ nhiên, trên kệ sách, sẽ là những cuốn sách dễ chịu nhất cho tạng thức của tôi, tôi đã nghĩ ra một câu chuyện kể, lúc đọc sách, tôi thấy gió ngoài khuya đang hái những chiếc lá rồi thả xuống con đường đất, lúc này, mấy cây bông gòn đã vỡ những quả bông gòn trắng xốp, rục vào chiếc gối bông, ông đã kể cho tôi nghe về ngôi làng của ông, những ngón tay hoá thạch dường như đã đi qua những dấu tích, nay cứ in lên trí nghĩ tôi một vầng trăng kỳ lạ, nó là tháng ngày lễ hội, ngôi mộ thầy chùa nằm trên núi, không biết khi còn là một người trần mắt thịt người trong mộ đã đi đến những đâu, đã nói những gì nhỉ? rồi mấy bụi Kim Quýt nữa, quả chúng giống như chanh, mùi thơm như lá bưởi, mọc rải rác ngọn đồi hình cung, rồi trên đỉnh, có quần thể đá, to như một khu biệt thự, đá nằm im với mây trời, với cái nhìn đầy những bí ẩn, ông nói “một ngày nào đó mọi thứ thân quen sẽ mất đi” và hiện tại, cũng đã mất đi ít nhiều, chỗ của thời gian, đâu phải là những mâu thuẫn của con người với con người nữa, có phải không?

rồi đêm về những âm ỷ của đêm đốt tâm trí, thứ lửa trong gió nồm dạt vào từng ngõ ngách của cái xóm núi, tôi nghe tiếng bà tôi từ bên kia sông gọi tôi, bà đã chết lâu rồi! tôi biết, và bằng một kết nối vô hình, có lẽ, cơn gió nóng rát tháng bảy đã khiến tôi nhớ lại trong lúc trăng lên, với những cơn mất ngủ, tôi nhìn thấy ánh sáng trên con đường đất, xuyên qua hàng gòn, mấy con chim dồng dộc trưa bay đến để nghỉ chân, thế là, bà tôi hiện về và mở cánh cửa bếp, bước vào và bắt đầu làm món canh rong biển, thứ dưỡng chất làm thanh mát đầu óc, và tỉnh trí cho tôi, và khuya, trăng lên thật cao, cao hơn ngọn núi sau nhà, nơi hòn đá im lặng một sự nghĩ ngợi dường như điều ấy khiến đất quê tôi cứ khuya gió thổi là cảm nhận được khoảng mênh mông của hoàn vũ cùng sự lẻ loi của tỉnh lẻ và giờ bà tôi phải về phía bên kia sông để nghỉ ngơi trong đất, bà đội nón, đeo chuỗi hạt, vút bay trong cơn gió mùa thu, làm tôi buồn bã, gió đã giở linh hồn bà đi từ buổi ấy, tôi nghe tiếng con cú mèo mắt thao láo gọi khuya, mưa thấm trong ống tre, gió lào xào cơn mưa ngâu, con cú mèo gợi nhớ về bà, và từ đó những lối mòn trơ trọi đá sỏi và gai nhọn, tôi nhìn xuống những rặng núi thấp, tôi thấy bầy cò bay về phía đầm nước mặn, tiếng nước đập vào thuyền, có lẽ cõi u huyền mà khi nằm mộng giữa cái xóm nhỏ nằm dưới chân núi này, là những mơ hồ, kỳ lạ, là hoa hồng mai lại nở vào mùa này, chỉ khi tôi leo núi, tôi thấy cả những con đường ngoằn ngoèo trong làng, thấy hoa hồng mai nở vào cái không gian yên tĩnh, và có lẽ khuya khoắt nào đó tôi còn nghe lời của gió núi thổi qua bên kia sông, những khúc kinh của lá cỏ, [có buổi chăn bò, trời về chiều bầy cò nối đuôi nhau thành hình mũi tên bay về núi, nghỉ chân trên những rẫy bạch đàn, nơi có những cái giếng đá ong] trong cái giếng đá ong, là những hang hốc nhỏ, nơi con chim sa sả xanh đục lỗ đẻ trứng, nơi những con rắn hổ đất trú ẩn, [bà tôi lúc còn sống, mỗi trưa, chúng tôi thường đi hái trái trứng cá về cho bà, bà thích ăn trái trứng cá bởi chất ngọt lịm, cũng bởi bà chỉ ăn được trái mềm, bà nhỏm nhẻm với đôi mắt long lanh, bà hay ngồi tịnh vào buổi trưa và buổi chiều, đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao bà lại ngồi tịnh như vậy, chỉ thấy khuôn mặt bà mỗi lúc rời khỏi bức tường, bà vui vẻ hơn, và có nét hiền triết thoáng trong đôi mắt bà]

căn nhà đã bị dỡ bỏ, sự hoang vắng của kỷ niệm cũng mất đi những hình ảnh trong hiện tại, như một lời thở than của từng dòng nước mắt mùa thu, bây giờ, khi sự hỗn độn của thời gian, làm chú tôi phải sắp đặt lại từng áng mây từng sự dịch chuyển giữa các mùa, thế giới náo động với những lời lẽ của bầy nòng nọc ngoài trũng cát, “đó là khi, cuộc song thoại giữa cái chết và sự sống, giữa lớp người người đi trước và những người về sau, như cách thức truyền thừa, chỉ hiểu là trao lại sự hiểu biết, kinh nghiệm, cách thức nhận ra những biến đổi của suy tư ” khơi ánh lửa bấy lâu còn chưa bén ngọn, đi cho hết con đường của nhân sinh,

một lần nữa, sự hiện diện của minh triết tro tàn, như quầng trăng toả cái hanh hao nóng bỏng, đêm, khô trên lá, hình nộm rơm rạ giữa đồng làng, bọn chuột ôm con và mơ thấy cây lúa ra nhiều hạt thơm, tiếng cúm núm cứ dồn về chân núi, điều ấy, cho thấy việc mở rộng đất thổ cư có thể sẽ thu lại những thửa ruộng, và việc cấy cày, sự lao động của người nông dân sẽ mất dấu trên bản đồ lúa nước.

con người còn là tấm lòng với tấm lòng với nhau đó cháu của ta (chú thường nói với tôi như thế) và như thế, tôi hiểu được, khi nghĩ về miền cố thổ, là nơi mỗi buổi hoàng hôn, thường là lúc bữa cơm gia đình ấm áp sau một ngày làm lụng vất vả, ngồi bên nhau, sớt cho nhau chén cơm, từng nếp sống của gia đình, và sự trên dưới, thuở còn bày mâm dưới nền đất, ngồi trên cái đòn gỗ, có thêm con chó con mèo ngồi sau lưng chờ được ăn xương cá, ăn chút cơm và hoà chung trong cái không khí ấm áp đó, và ngoài trời, lũ dơi bay chập chờn bắt côn trùng, tìm chuối chín cây, chuyện của người đời thì không nên nói trong lúc ăn, cũng như việc không vui sẽ gát lại,

2,

trời cho mưa cho nắng, sách vở bây giờ là việc ngẫm ngợi, chuyến tàu mùa thu năm nào tôi gặp gỡ với những người tứ xứ cùng đi về phương Nam để tìm kế sinh nhai, thuở ấy, tôi còn là một chàng trai với mái tóc rẽ ngôi, hay mơ mộng một ngày viết được tiểu thuyết, và mãi đến mười năm sau mới viết được, dù rằng đã thử viết, để nhiều lần dở dang, tôi nhớ ngày đầu gặp gỡ chú tôi [lẽ ra là người dưng xa lạ, vì trước đó tôi không có tin tức gì về chú, cũng như, việc viết của tôi bao năm dang dở vì không đủ hiểu biết, mặc dù tôi đã cố gắng rất nhiều để hiểu về nó] cũng trong buổi tình cờ, ngẫu nhiên, những buồn bã trong mắt tôi như muốn nói với tôi rằng, phải trở về quê, như lần gặp gỡ định mệnh, tôi gặp chú trong mùa đông, mà hồn tôi đã mệt mỏi, những bất an, những rối loạn cảm xúc, những điều giam giữ trong tâm tư cần được giãi bày, thế là, tôi đã được giãi bày, và được giải mã vùng mơ hồ hỗn độn.

trời tháng bảy, khi chú tôi đang vẽ lại bầu trời, thì gió thổi từ ngoài biền bãi, với những cánh chim mỏ dài, cong rút vào không khí, [hãy lắng nghe tiếng của ngày xôn xao, trời hiện về nơi ta mây của rừng và những bí ẩn dường như là diễn ngôn của cái không gian nghìn năm, có con người ngồi làm thơ, và việc ấy bắt đầu một buổi bình minh, ngoài những xáo trộn, chỉ sự suy tư làm ra một bản nhạc không lời, cất lên giữa lúc loài người rời khỏi hang động, hang động còn lại lửa, lửa ấy là dấu tích, thấy con thú bị thương là khải huyền của đau thương, thấy lửa nhóm hội là thấy những liên kết vây bủa nhau để khởi động những nhọc nhằn đè lên vai những sinh tồn khốc liệt, nhưng là sự trùng lai, gặp gỡ với việc hình thành những nền văn minh có tên là hoàn vũ, cùng náo động, cùng chở che, cùng trôi dạt, chú bảo cho đến ngày đền đài rệu rã, cũng là lúc thế giới hoàn vũ đã cũ kỹ, có những dấu hiệu rêu phong, là lúc biển cuộn sóng dữ dội hơn, con đường lưu lạc mở ra cho tất cả, vậy, một khi nghĩ ngợi về tháng bảy, cũng như nghĩ đến một dụ ngôn cho người trở về, bởi minh triết tro tàn đã ấn chứng trên tấm bản đồ mang tên hiện hữu, người viết về con người cá thể, là viết trong thứ ngôn ngữ của tro tàn, ẩn trong trầm tích, là thứ minh triết vẫn còn nói mãi không kết thúc được]

bản tường trình về những chuyến đi vào ban mai, là lúc có người con gái cùng nét mặt của lễ lá, à, đó là lúc chú tôi kể về chiến tranh, bởi tranh nhau quyền lợi mà chia rẽ đi cái tình cảm vốn dĩ nằm trong hồn người, chiến tranh cùng những vết thương còn chảy máu, con người sau chiến tranh là con người còn chảy máu, hoặc con người của vết thương, [trên con đường đến Kim Các Tự, người con gái có nét đẹp của hoàn vũ đã nằm xuống trong sự buồn bã của sách, phương Nam, nơi tôi ngồi với cuốn sách Kim Các Tự] đã có khi những tiểu luận về Gunter Grass, Imre Kertész… do dịch giả Jennifer Trần chuyển ngữ, tôi lại mê say nghĩ ngợi, và kể lại cho anh bạn bác sĩ Thường Duy nghe, lẽ thú vị là tôi được mời cà phê, mời hút loại thuốc lá thơm, và nghe chàng ta đàn hát nhạc của Quốc Dũng, đêm phương Nam bớt đi một ngôi cô đơn, rồi khi rượu say, chúng tôi chia tay nhau trong nỗi mộng mị ấy,

gió tháng năm mang về những khúc nhạc nghe như sự hiền lành đang trú ngụ trong làng, ngôi làng có con sông bắt nguồn từ hồ núi một, nơi những ngọn núi cao của chú tôi, luôn là lời văn làm say mê lòng người, nơi tôi nghe câu hát “nhìn lên ngọn núi chóp vùng, có hai con thỏ nằm chung với mèo” núi tiếp núi, sông tiếp sông, từ sự liên kết ngẫu nhiên đó, những câu chuyện được kể lại, và theo một cách nhìn khác, có lẽ, là lời của sông nước chăng?

Những dự cảm rời, cho ta thấy cơn mưa của phương trời cũ hội về nét mặt của rêu phong, phải mất bao nhiêu lâu để trồng cây ánh sáng của đêm kỳ bí, của loài chim kỳ bí, của một miền đất của một người trai bỏ trốn mọi thứ, và chồi non mọc trên não của chàng, đêm, trăng như chuông, những trái chuông xanh, chuông của giáo đường của chùa chiền của rắn rết, hồn chàng đau, như những dòng sông vỡ mạch, như hoàng hôn mùa gió dạt, đứng dưới chiều, cái mông quạnh và hư vô chiếm trọn trong đôi mắt, (hãy ngủ đi những con chim thần) hãy ngủ đi rừng hương và những con thằn lằn con còn cuộn mình trong trứng, chiều trải dài ra và cái bóng ngắn lại và bãi hoang và chàng đã chết sau khi con chim chết trên ngạch cửa, hồn chàng bay về nơi vườn cũ, gió lạnh, mái nhà mưa rớt, lũ ếch nhái nằm trên lá mít, nước đọng trong máng xối, con mèo nằm im xó bếp, con chuột tro than hiện hồn về trên nóc nhà, những đám mây tạo hoá rỏ nước mắt, bây giờ, hồn lũ trẻ năm xưa hiện về trên khoảnh sân, chúng tắm mưa, chúng gọi tên chàng:- này Tít, lại đây tắm với chúng tao này, (tắm và thọt chim nhé), trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có duyên, đồng tiền có lỗ…từ ngôi nhà cỏ, năm xưa, mẹ chàng bước ra và dùng nón che cho hồn chàng, lúc này, mưa dữ dội hơn, tôi thấy cả cha chàng cũng hiện về chiều hôm ấy, thật ra, ở chỗ tôi, cách chỗ chú tôi một đường ngăn của địa lý, nơi nước bạc, giống cá đục mùa nước xạ hai, sinh sôi và đẻ trứng, phiên chợ Dinh mỗi tháng, cá tôm nhiều vô kể, đêm, trên sông, tôi đã nằm mơ màng và thấy nhiều giấc ma quái, tôi thấy Tít, những ngày cũ ở núi Thạch Long, thấy chàng chết trên núi, và mộ chàng cỏ đã tràn, và mùa đông cứ trôi trong lạnh lẽo, mùa đông buồn làm sao, kiếp người dầu vui mấy, chứ khi chết đi rồi, cũng lạnh như mùa đông (hay là sự cô độc, cô độc từ lúc chào đời, và hay chăng khi ngủ khi mộng chỉ mình ta biết ta đã gặp những gì) đêm trăng cứ khuyết, trăng khuyết làm tạo vật cũng lùi về sự tàn úa, chú tôi có con đường riêng và đã đã đến tận cùng nơi chú cần đến, và tôi người ở lại với lũ chim trời, cứ tới xế chiều lại đứng trước bao suy nghĩ của hư vô, thật ra, sự sống vẫn tiến triển trong cái im lặng đó thôi, trời đất, hoàn vũ, và mọi thứ, chỉ có cái ẩn trong sự sống mãi cựa quậy, mãi dịch chuyển quanh cái trục của hư vô,tiếng ca nhi trên sông mê, là bộ dạng của nghìn xưa nơi đầm lầy, lại mang một ý niệm ẩn sâu trong sự lở lói, con nước đêm trăng mờ mờ sương khói, cây Tịch đứng im, và lũ chim Cưa đang truyền cho nhau tiếng hót của gió, gió miền rêu phong, hay là nơi chốn nhân gian còn nguyên vẻ đẹp của ca nhi, vượt qua đêm lửa tháp, chú tôi vo tròn từng sự ngẫm ngợi, có nghĩa là khi tôi trở lại làng, người trong làng mang thuỗng ra đồng bới lên từng hòn đất khô, để chờ cơn mưa, núi Thạch Long mùa này, trái thiên tuế bắt đầu mọng quả, người làng mang về treo góc bếp hung khói, đợi ba tháng mùa khô qua, lũ lụt tràn về, là lấy xuống, bổ quả ra nạy lấy hạt cơm bên trong đem nấu món Xa Xưa, tôi nhớ lắm, vì nước lụt, làng tôi bị chìm trong nước, dường như thuở ấy, muốn đi chợ trong mùa lũ, thì nhà nào cũng có sõng, cứ chống chèo qua ruộng lúa ngập nước, khi ngọn gió từ đỉnh Hoàng Mai, thổi xuống đám lau rũ nước, là lúc cửa Đông cũng rút hết nước ra biển, mùa nước xạ hai, bọn cá Đục, hình rọc rưa, cá bắt về kho măng thì ngon tuyệt, còn món Xa Xưa thì tôi nghe bà tôi kể lại, lúc bổ trái thiên tuế ra, chuẩn bị trước sườn heo, ớt trái, và ngũ gia vị, ướp trước, sau đó hầm chung với cơm trái thiên tuế, canh lửa, tiếng nước sôi nghe như núi lửa đang trào nham thạch, cái mùi của núi bay ra khỏi nồi, khói thơm lừng, món này chỉ mùa đông, mà phải mùa đông ăn với bún sợi nhỏ mới ngon, nước rất ngọt, cơm trái bùi bùi beo béo lại có mùi của núi non, nên những bà già trong làng thường làm vào mùa đông, mùa của ký ức,

(Còn tiếp)

…………………………………

Tranh minh họa: Trần Quốc Toàn

Comments are closed.