Trong trái tim Thầy Lê Trí Viễn

Trần Quốc Toàn

Năm 2019 này hai đại học sư phạm lớn ở hai đầu đất nước tổ chức hai hoạt động khoa học nhân 100 năm sinh Lê Trí Viễn (1919 – 2019) ngày 21/1/2019 ở ĐHSP Hà Nội, ngày 9/3/2019 ở ĐHSP TP.HCH. Là học trò của thầy Viễn, xin mượn dịp này để được “trả bài”!

1. Tôi được học thầy từ cấp tiểu học tới cao học. Tôi còn nhớ các sách tập đọc cấp 1 hồi ấy, bên dưới các cổ tích thường có ghi rất rõ tên người kể chuyện, Lê Trí Viễn. Một người biết kể chuyện cổ tích, người ấy có thể là thầy của tất cả những đứa trẻ. Số lượng học trò của người ấy khó mà đếm hết. Đứa trẻ mê cổ tích là tôi, học văn cấp một, cấp hai, cấp ba bằng những giáo khoa thầy Viễn góp công biên soạn, khi lớn hơn, lại may mắn được học thầy ở bậc đại học, rồi sau đại học. Lễ khai giảng khoa ngữ văn ĐHSP Hà Nội năm học 1968 – 1969 sinh viên chúng tôi trước khi khai bút thì khai súng. Tiếng súng vút lên từ hàng quân danh dự của đội sinh viên tự vệ đội mũ rơm, đánh thức một ngày vệ quốc thời chiến tranh chống Mỹ, tiếng súng vang xa hơn theo lời thơ ứng tác của thầy chủ nhiệm khoa Lê Trí Viễn:

Khai giảng năm nay có bắn súng

Tiếng súng nôn nao cả tấm lòng

Xin hứa: quyết làm viên đạn nhỏ

Khỏi nòng chỉ biết có xung phong.

Đường đạn tứ tuyệt này dẫn chúng tôi đi tới cùng, say mê văn chương của mình. Những sinh viên văn khoa sư phạm ngày ấy, cả trước và sau khóa học bắn súng đã xung phong theo nghĩa đẹp nhất của chữ này. Từ cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội những viên đạn nhỏ Phạm Tiến Duật, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Hoàng, Lâm Quang Ngọc, Bùi Công Minh, Hoàng Dân, Vũ Đình Văn… và rất nhiều sinh viên văn khoa khác đã nhập ngũ. Họ là những chiến binh, chiến đấu thật sự và nhiều người đã hi sinh, nhưng họ còn là văn nhân, chính những người này đã học thầy, “xung phong” để tìm tới một góc nhìn có thể sử thi hóa cuộc chiến mà họ tình nguyện tham gia, biến những ngày tháng khốc liệt nhất, hào hùng nhất của dân tộc ta, thành văn, thành thơ. Có những học trò như thế, thầy Lê Trí Viễn của chúng tôi xứng đáng là tướng lĩnh của đội quân chữ nghĩa.

2. Những câu thơ loại “tứ tuyệt đường đạn” của thầy giáo Lê Trí Viễn, viết thời hậu chiến, viết trong thường nhật hòa bình cũng có. Vào ngày nhận huân chương lao động hạng nhất Nhà Nước trao tặng thầy đọc tôi nghe, “củi cong bốc lửa thẳng” (bài Tổng kết). Tôi giật mình. Tôi rưng rưng nhìn ngắm thầy mình, rồi “nửa đời nhìn lại” chính mình, nhìn lại bao nhiêu sinh đạo đã cong như cánh cung để rồi bật lửa. Và tôi hiểu hơn bài thơ khai giảng của thầy! Một bài thơ chính trị đến như bài thơ đánh giặc Mỹ trên kia vẫn có thể thành đồng dao nghêu ngao mà những hương sư dành cho trẻ nít, nếu bài thơ đó hay, nếu trên đời này vẫn còn người lớn biết cách đọc đồng dao phục vụ các tiên khách kim đồng. Đã là “viên đạn nhỏ” thì hẳn thơ này dành cho con nít rồi, dành cho những người ít tuổi hơn khẩu “súng” kia rất nhiều. Hiểu như thế thì trong thơ đã có chuyện. Đó là chuyện trên dưới một “lòng” để nòng súng và viên đạn cùng làm thành một tia chớp mà vật lý gọi là đạn đạo. Đã xuất hiện chữ “đạo” thì ngần ngại gì mà không dạy cho con nít rằng, với cách “xung phong” nhất trí cao (để rồi trí viễn) thì có những lúc, chính đạn đạo biến thành nhân đạo để thực hiện lẽ phải trên đời. Sự liên thông giữa hai thứ đạo kia, ngay từ ngày ấy đã có trong thơ của cậu học trò thần đồng Trần Đăng Khoa. Bi bô mà như sấm truyền: những năm băng đạn vàng như lúa đồng… đã có từ trước nữa trong thơ của thủ lĩnh tinh thần đội nghĩa sĩ Cần Giuộc, Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…

3. Riêng tôi, theo đường đạn khai sáng kia, tiếp tục “văn mạch phương Nam” – một thuật ngữ khoa học văn chương thầy tôi sử dụng khi thầy tiếp tục khảo sát hướng phát triển của lịch sử văn học Việt Nam – để cùng có mặt ở vùng đất mới Nam Bộ, cùng xung phong. Thầy dạy Đại học Sư phạm TP. HCM tôi dạy Trung học Sư phạm Đồng Tháp. Đã nhiều lần theo thầy trên đường thỉnh giảng, sớm mai mở cửa chúng tôi đã thấy  ngoài hành lang. Thầy tập quyền chờ sáng và chờ trò thức giấc để đọc trò nghe bài thơ mình làm hồi đêm. Chúng tôi dạy mà không quên học, tôi lại được thầy lên lớp ở một khóa sau đại học, tổ chức tại Vĩnh Long. Đấy cũng là những ngày giặc gây hấn ở biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc. Thầy trò gặp nhau những ngày ấy, cảm xúc văn chương, vẫn chưa hết mùi thuốc súng thời quyết chiến ngày nào, và kì lạ chưa, có phải vì thế mà, tôi nhìn ra dòng kẻ những trang vở học sinh của mình, của muôn vàn học sinh như mình, như đã nhập làm một với đường phân định biên giới tổ quốc, với các ông thầy. Tôi viết về Lê Trí Viễn:…Thầy mỏng manh như dòng kẻ đỏ / bên lề trang vở cuối non sông… Và tôi hiểu sâu hơn câu Giấy rách giữ lề…

4. Sau trận giặc biên giới ấy mấy năm, một lần vì say kể chuyện con dế đá (thứ dế nòi văn từng đào hang trong các trang văn của Pautopxki, của Tô Hoài…) trên một tờ báo địa phương nọ mà bị một cá nhân quá khích dùng phương tiện phát thanh công cộng quy kết tội “phản động”, bỏ tôi vào rọ cùng với những Nhân văn Giai phẩm ngoài Bắc và bè lũ bốn tên bên Tàu. Tôi không dám mách thầy chuyện này, sợ phiền, nhưng qua những học trò khác, thầy cũng biết chuyện và chính thầy tìm tới nhà tôi. Trước hết, thầy tặng thằng bé Boong con út mới sinh của tôi một hộp sữa ông Thọ. Rồi thầy cho tôi một lời khích lệ: “Em có khả năng. Cứ thế mà đi”. Và ngay chiều hôm đó, tôi đã theo thầy Viễn của mình vào Đồng Tháp Mười mênh mông. Thầy đang chủ trì việc biên soạn một chương trình văn học địa phương. Thầy lại xung phong vào một lĩnh địa khoa học mới: văn mạch phía Nam. Và trong giáo khoa thư viết cho đất ấy, thầy đã dành cho trò nhỏ này một trang tác giả: Chưa ráng như cây lúa nước / Mỗi mùa vươn mấy thước cao / vai lúa chưa mang bông nặng / Đâu biết Tháp Mười bao sâu // Chưa ráng làm con én liệng / Đo dọc đo ngang bầu trời / Không bay khi mùa xuân hết / Nào hay mênh mông Tháp Mười

5. Đọc sách thầy tôi mới hiểu, chữ nghĩa bao nhiêu cũng chưa đủ với một người thầy! Phải thêm tình nghĩa nữa. Tôi được nghe kể hồi ấy, mới học xong cao đẳng tiểu học, chàng Viễn thư sinh đã phải rẽ ngang vào học một năm sư phạm rồi về Tiên Phước, Quảng Nam dạy trường quê, gõ đầu trẻ tiểu học. Lớp học lưng chừng đồi cao, đi mấy bước là đã vào rừng xanh. Nhớ bạn, tháng tháng anh giáo Viễn trích 6 đồng trong lương tháng 24 đồng của mình gửi ra Hà Nội cho bạn thơ Gia Ninh ăn học. Tôi được nghe, trong một lớp tiểu học đất Quảng của thầy Viễn có anh học trò sau này thành nhà thơ Bùi Giáng. Chính lớp học trò ngày ấy kể tôi nghe, một lần thầy Viễn dạy đọc diễn cảm thơ Pháp, một học trò diễn cảm tuyệt tới mức được thầy ban… 11 điểm! Thang điểm của “nước mẹ” đại Pháp chỉ mười bậc, nấc thang thứ 11 ngạo ngược kia khiến anh giáo Viễn được mời ngay lên phòng hiệu trưởng để nhận khiển trách. Và thầy Viễn tự kiểm, biết làm sao khác, khi học trò giỏi hơn tôi! Có phải nhờ những giáo học pháp kiểu này mà thầy Viễn có nhiều học trò là giáo chức, nhà thơ, nhà văn, hiệu trưởng đại học, tướng lĩnh, chính khách… có vị từng là nguyên thủ quốc gia Việt Nam. Tôi được nghe kể, và tận mắt được thấy, vào những năm đầu thế kỉ XXI, thầy vẫn xưa như trái đất, vẫn là một cụ đồ! Thầy nói: “Người dạy cổ văn phải có kiến thức Hán Nôm vững vàng mới có thể đọc – hiểu tác phẩm từ nguyên tác”. Và không chỉ nói, bất chấp thời cuộc đã “giấy đỏ buồn không thắm / mực đọng trong nghiên sầu” mấy mươi năm rồi, thầy vẫn “bày mực Tàu giấy đỏ” ngay tại nhà mình, mỗi tuần từ 2 đến 3 buổi, để “bảo học” các cán bộ giảng dạy ĐHSP TP.HCM mà không nhận bất kì một khoản học phí nào! Tôi được nghe, để bạn thơ Khương Hữu Dụng có tiền in thạch bản trường ca cách mạng Từ đêm 19 Lê Trí Viễn bán cái chăn len của mình, tiền chăn chưa đủ thì bán thêm tấm áo đi mưa. Lê Trí Viễn tặng bạn văn ngày ấy số tiền bán chăn, bán áo để bạn đọc hôm nay và mãi mãi sau này được đọc trường ca kia, được đọc câu tuyệt bút Một tiếng chim kêu sáng cả rừng!

6. Một hôm, thường trực tạp chí Thế Giới Mới, có bạn viết cần gặp, tôi ra phòng khách, bạn viết ấy chính là thầy Lê Trí Viễn. Thầy tới nộp bài cho trò! Số là, tôi được toà soạn phân công tới nhà thầy đặt bài, tôi đã hẹn ngày tự trở lại lấy bài, vậy mà thầy gắng viết xong trước ngày hẹn rồi tự tay mình mang tới. Thầy chúng tôi là vậy, nghiêm khắc nhưng không bao giờ cậy quyền, không muốn phiền hà tới ai. Hôm ấy, tôi pha ấm trà mới mời thầy, thầy uống xong tách nước là đứng ngay dậy cáo từ “để anh còn làm việc”. Ngày 13-5-2007, thầy cưỡi xe ôm, đội mưa tới đầu hẻm nhà tôi. Lại khom mình che mưa ôm một chồng sách vào nhà. Cả nhà giật mình trước món quà quá lớn, bộ toàn tập LÊ TRÍ VIỄN MỘT ĐỜI DẠY VĂN VIẾT VĂN gồm 7 cuốn khổ lớn, bìa cứng, nhiều nghìn trang. Giật mình trước cách tặng quà! Tặng cha, nhưng người ông Lê Trí Viễn gọi con trai lớn của tôi ra, rồi bảo nó đọc lớn tiếng cho em nó, mẹ nó, cha nó nghe lời đề tặng thầy đã viết sẵn: “Với tình nghĩa thầy trò rồi anh em trong cõi học & cõi văn, thân gửi anh chút chữ nghĩa dấu vết một đời”.

7. Lại một cổ tích Lê Trí Viễn! Thầy hô “biến” và cái nhà tầng mới cất của tôi chuyển ngay thành thành một lớp “xóa mù cao cấp” giữa thành phố Hồ Chí Minh hiện đại nhất nước! Thầy tôi, cứ có cơ hội là lên lớp. Có một vài mét vuông trên tường là “cả đời họ viết trên bảng đen chữ trắng” nhưng có vài phân vuông giấy trắng trong tay cũng viết! Đây là bài thầy viết cho Bùi Mạnh Nhị (đang là chánh văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước) ngày chú ấy xin đi học thêm:

TIỄN BÙI MẠNH NHỊ ĐI THI TIẾN SĨ

Nhị đi thầy chúc đỗ ông nghè

Đỗ ông nghè mà tổng chẳng đe

Nhưng trái tim thầy rồi sẽ trống

Nhị đi, thơ lạnh, lấy gì che

12/1988

Bài thơ chỉ bốn dòng và in liền hàng nhưng cũng được phân làm hai đoạn rất rõ. Hai câu trên chỉ là sự, là luận, hai câu dưới mới là tình. Hai câu trên mới chỉ có vững vàng một giáo chức mẫn cán, hai câu dưới đã có chân thành và yếu đuối một con người. Hai câu trên chỉ là việc làm trong môi trường sư phạm chung ai cũng có thế nhìn vào để mà phán xét cho nên, dù muốn thân mật hơn thì thầy vẫn cứ mực thước, tề chỉnh, đúng phép xã giao, câu thơ chỉ là câu chúc như một lời nói thường: Nhị đi thầy chúc đỗ ông nghè. Câu chúc còn chưa hết, lời dậy đã xuất hiện: Đỗ ông nghè mà tổng chẳng đe… Đã đưa ra lời dạy, đã được dạy học thì nhà giáo Lê Trí Viễn sẽ làm thật giỏi, dùng chỉ hai dòng thơ mà dạy được những hai bài học. Một bài đúng chuyên ngành văn học dân gian mà trò Nhị của mình sẽ theo đuổi (đặng mà có bằng tiến sĩ khoa học bên Nga) đưa câu tục ngữ Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng làm luận đề phân tích, làm đối tượng nghiên cứu, làm bài tập thực hành, làm tình huống sư phạm… để từ bài ngữ văn chuyển thật nhanh tới tiết đạo đức cần hơn cho đứa học trò sắp xa thầy về khoảng cách địa lí và vị trí xã hội: Đỗ ông nghè mà tổng chẳng đe. Cái sự khẩn trương làm cho xong hai bài học trong chỉ 14 chữ thơ càng rõ hơn khi thầy lấy vế sau của câu trước làm vế đầu của câu sau, ba chữ đỗ ông nghè được dùng liền nhau: Nhị đi thầy chúc đỗ ông nghè / Đỗ ông nghè mà tổng chẳng đe như cách tăng tiết tấu giờ dạy, tạo hứng thú trong một giờ đạo đức rất dễ tẻ nhạt. Bằng cách liên điệp từ như thế, ông thầy cao tay nghề đã lấy chữ để tạo sóng mà đẩy ý lên cao, kết thúc hoàn hảo giờ dạy đúp, một tiết hai bài. Sau chữ nhưng, tới hai câu dưới, khi thoát khỏi môi trương sư phạm chung, nhà giáo Lê Trí Viễn đã thành người thơ, tự mở lồng ngực mình trở về sống nơi nội tâm: Nhưng trái tim thầy rồi sẽ trống / Nhị đi, thơ lạnh, lấy gì che. Lạ thay, chính trong chốn nội tâm này, nơi riêng tư không ai thấy này, chính khi đã rời bỏ môi trường sư phạm chung, tình cảm thầy trò lại được đề cao hơn lúc nào hết. Phải chăng, với người chỉ sống bằng nghề dạy học thì học trò chính là lẽ sống của họ, là thơ, là thi vị của cuộc đời họ, thiếu vắng những người học trò thật sự là học trò, cái lồng ngực mới phanh ra kia trống huếch trống hoác và trái tim người thầy yếu đuối làm sao. Nhìn rộng ra, trên một cơ thể giáo dục, thầy là trái tim, trò là da thịt, trái tim kia đưa hồng cầu tới nuôi hồng da thịt, nhưng chính da thịt lại chở che cho nó. Thiếu học sinh, thì dù trái tim chỉ là cái máy bơm, bơm chất nước tri thức đơn thuần, bơm ấy cũng chẳng được bơm! Xin được nói rõ hơn về quan hệ máu thịt này bằng một trích dẫn từ văn Nguyễn Khải, ông nói: “Nhà giáo mà tách rời học trò của mình và cái mục đích dạy người, đào tạo người thì chẳng còn gì để nói”. Bài thơ này, tưởng đã hết chuyện đã “chẳng còn gì để nói”, hóa ra không phải thế! Tác giả giữ được cho tới chữ cuối cùng những ý tứ để bạn đọc khám phá. Với riêng tôi, sự khám phá này là một chuỗi liên tưởng thú vị! Bác Hồ của chúng ta nói, Miền Nam trong trái tim tôi. Nhà thơ Tố Hữu nói trái tim mình: Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ / Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều / Phần cho thơ và phần để em yêu… Nhà thơ Dương Thuấn thì làm phép tính ngược lại, anh đếm và biết: Đàn ông có ba quả tim / Một quả cất để ở nhà / Một quả mang trong lồng ngực / Một quả đem giấu ở vườn hoa… Bên trái tim thơ của Lê Đạt có một lá bài Tây, quân át cơ: Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ. Nhà số lẻ phố trò chơi bỏ dở. Mộng anh hường tim môi em bói đỏ. Giàn trầu già khua những át cơ rơi… Một người tình của “thời hoa đỏ” nhấn một mũi dao sắc như lá liễu vào trái tim thơ Thanh Tùng… Em để lại trong tim tôi một mũi dao / Thi thoảng lại nhấn sâu thêm một chút / Tôi mang nó suốt đời, / Còn em thì không biết / Những mùa thu ướt máu vẫn đi về …

Trong trái tim thầy giáo Lê Trí Viễn là học trò chúng tôi!

T.Q.T

50537145_333460890835598_9040259404724699136_n

Lê Lưu Oanh, tiến sĩ văn học, con gái thầy Lê Trí Viễn, thay mặt gia đình cảm ơn khách dự tọa đàm

50429463_332762767449096_5388151208588345344_nTác giả với thầy Lê Trí Viễn

Comments are closed.