Trứng…

Truyện ngắn Châu Diên

Chú thích – Truyện ngắn này tôi viết năm 1973. Viết xong, chẳng biết đăng ở đâu, chỉ đưa bạn bè đọc chơi. Nhiều bạn, trong đó có bạn vong niên Ngô Nhật Quang và Phạm Ngọc Khuê, đã thành người thiên cổ. Rồi từ một truyện thành một tập truyện, vẫn chẳng biết gửi đăng ở đâu. Bản viết tay cả tập truyện bị Hoàng Hưng “đánh mất” (cùng 3 bản thảo khác nữa). Nhưng lại có một bản chép tay khác của bạn tôi, nhà giáo Nguyễn Viết Hùng, hiện sống ở Gò Vấp, Sài Gòn. Bản này lang thang tới tay bạn Trí Dũng trước ở phố Hàng Trống- Hà Nội, nay cũng ở Sài Gòn. Bạn Trí Dũng vừa mới đưa Hoàng Hưng chuyển về cho tôi. Nhân tiện chị Minh Thư hỏi có truyện gì không, tôi gõ lại y nguyên bài thơ xinh xinh đó gửi đăng, để tỏ lòng biết ơn những người bạn kẻ còn người mất của mình. – Ch.D

Hình như là các nhà giáo, nếu có chút lòng yêu nghề, thường cũng thích viết văn, làm thơ. Trường hợp của tôi có là ngoại lệ chăng?

Cái phòng làm việc của tôi liền kề với một bờ rào những cây duối già, sù sì, cành là ken vào nhau như những cây cảnh. Lẽ ra tôi đã định nói: phòng làm việc của tôi nằm cạnh một cái chuồng gà. Nhưng nói thế hơi thô. Mà cũng không “tả cảnh” được hết, để bạn đọc dễ hình dung câu chuyện sắp kể. Thực ra, cái buồng xép tôi mới cơi ra để ngồi làm việc, chấm bài, soạn bài cho yên tĩnh, nó nằm sát một bụi duối, và bên kia bụi duối là một mảnh vườn con nhà bên, và ở cuối mảnh vườn con nhà bên liền kề bụi duối là cái chuồng gà.

Và đây, trưa nay, từ cái đám bóng mát âm ẩm ấy bỗng vọng vào tai tôi những tiếng nói xúc động của một lũ trẻ. Âm thanh cũng có cái vẻ gì giống như gió. Khi gió lướt qua, thường ta không nhận thấy, và ta chỉ chợt nhận ra gió khi thấy cây nghiêng ngả, khi thấy tiếng tre cót két, khi thấy những đụn lá vàng đang cuốn nhau đi. Ở câu chuyện này cũng thế, tôi chỉ chợt nhận thấy bên kia vách phòng làm việc của tôi có tiếng người sau khi những tiếng nói con trẻ kia chợt ngừng bặt sau một hồi lao xao. Và chính khi đó tôi mới chú ý. Và cũng vì vậy mà tôi mới bắt vào giữa chừng câu chuyện.

Xin bạn đọc chớ ngờ là tôi nói dối khi tôi kể tên đứa bé này đang nói, đứa bé kia nheo mũi, đứa bé nọ lấy cây nạng thay cho ngón tay chỉ chỏ … Đừng cho rằng tôi không nhìn thấy chúng vì chúng khuất sau vách và sau một bụi duối rậm rì lá xanh… Không, tôi biết chúng từ lâu rồi, cũng như bạn, bạn đọc thân mến, bạn cũng từng gặp chúng nhiều rồi, những đứa bé đáng yêu nhưng vẫn lạ lùng đối với chúng ta.

Thằng Hải:

-Được rồi! Thế là hết ấp bóng!

Có tiếng cộc cộc của một cây nạng gỗ vào gióng tre.

-Để cao lên… Để cái ổ cao lên…

-Bỏ cái lối gõ gõ gậy ấy đi.

-Cái nạng của nó, mày bào là gậy à?

-Thôi, tao không gõ nữa, nhưng phải cho ổ lên tầng trên.

Vẫn có tiếng cộc kèm theo và có tiếng trẻ con cười.

-Di chuyển ổ, nó sợ, nó không ấp nữa.

-Không sợ. Gà nào cũng thích ấp trứng. Không biết tại sao ấy nhỉ?

-Thế nó có thích ăn không?

-Cũng thích. Nhưng nhịn cũng được.

Một lát im lặng. Tôi đoán: có lẽ chúng nó đang kê ổ gà lên một tầng cao hơn. Để làm gì? Chẳng hiểu nữa. Trẻ con thường làm gì cũng thích hợp lý. Chắc hẳn chúng vừa làm xong một công việc hợp lý. Chắc hẳn nữa, rằng chúng đang hả hê. Và bây giờ câu chuyện của chúng đã xoay sang hướng khác.

-Thế là có hai quả, một của tao, một của thằng My. Còn mày không có, nhưng khi nào nở, chúng tao vẫn cho mày chơi.

-Tao cũng ra ao bơi chiều nay, rồi tao cũng mò được trứng.

-Xì! Đây là trứng rùa! Mày đừng hòng mò được. Mày định bơi một chân à?

-Rồi tao cũng nhặt được một quả trứng bồ câu như của thằng Hải xịt!

-Cũng chưa chắc đấy là quả bồ câu. Tao nghi là trứng chim sẻ. Thằng Hải xịt nó nói khoác đấy!

-Tao cam đoan bồ câu.

-Hí! Mày ăn nói thiếu chủ ngữ!

Cả bọn phá lên cười. Một lát, tiếng thằng Hải xịt:

-Mày cứ như cô Ninh ấy! “Các em à, các em phải nói năng cho có chủ ngứ! … (Nó nhấn giọng vào hai tiếng chủ ngứ).

-Thế mà nó ấp thật, chúng mày ạ!

-Ấp thật, chứ lại không à? Đang ấp bóng, lại có trứng đặt vào, sướng hơn tiên.

-Nhưng có phải trứng nó đẻ ra đâu?

-Mày ngu lắm, giống vật thường hay nhân đạo. Gà nuôi vịt là thường.

-Tao không ngu. Gà nó ngu thì có. Cho trứng gì vào mà nó chẳng ấp? Trứng nào chẳng giống trứng nào?

* * *

Tôi mỉm cười một mình. Tôi khẽ bóc một tờ lịch. Tiếng tờ lịch khẽ xột xoạt trong căn phòng bé tí. Nhưng tôi thấy như nó vang lên. Và tôi sợ lũ trẻ giật mình. Tôi ghi vào đó bằng mực đỏ, mực ở cái bút tôi đang chấm bài, cái bút tôi đang khen và đang chê những đầu óc non nớt trong lớp học của mình, và tôi trân trọng ghi: “bắt đầu Ấp”. Tiếng “Ấp”, tự nhiên tôi viết hoa. Tôi lại mỉm cười một mình: vừa sai chính tả, vừa thiếu chủ ngữ. Xin bạn đọc thông cảm cho, tôi không giễu cợt, cũng không thiếu mô phạm, chỉ vì xúc động quá, thực sự tôi cũng thấy hồi hộp như lũ trẻ, tôi cũng như chúng, tôi mong chờ mười lăm, hai mươi, hai mươi lăm hôm nữa, đó sẽ là cái gì…

* * *

Cho đến một buổi trưa hôm ấy.

Tại sao những điều bất ngờ xảy ra cho con trẻ lại cứ hay xảy ra vào buổi trưa nhỉ? Tôi nghiệm ra vậy, chẳng biết có đúng không. Buổi sáng, đối với trẻ em rất có ít chuyện bất ngờ. Và nếu có chuyện gì bất ngờ thì chúng cũng nhìn bằng con mắt bình thản, trong trẻo, không lo sợ, có lẽ vì chúng còn bận, không bận đi học thì bận đi trâu, không bận đi thi thì bận đi gặt, đi mót.

Buổi trưa, sau khi no nê, sau khi một phần lớn công việc đã hoàn thành cho cả ngày, lúc đó chúng mới có dịp nhìn nhận mọi việc kỹ hơn, và lúc đó chúng mới hay ngạc nhiên. Chúng ngạc nhiên để còn cả một buổi chiều làm một việc gì đó cho hết ngơ ngác, để tới khi chiều xuống, chúng lại thanh thản như không, lại đùa vô tư, lại ngủ một giấc ngon lành chờ cái buổi sáng hôm sau trong trẻo sẽ lặp lại …

Vâng, đúng buổi trưa hôm ấy …

Ở bên phòng làm việc của tôi, chợt tôi nghe thấy những tiếng kêu:

-Rắn! Eo ơi! Rắn!

-Một con chết rồi, một con vẫn còn sống mày ạ!

-Con gà mái nó mổ chết đấy.

Tôi vội nhảy bổ sang.Trước mặt tôi, ba đứa trẻ đứng lặng trước chuồng gà mở toang cửa. Con gà mái sau mấy chục ngày ấp bóng và ấp nhầm, gầy rạc, đang đứng bên cạnh ổ. Con gà cũng có vẻ ngơ ngác. Như thể nó cũng biết chia sẻ sự nhầm lẫn với con người. Nó há mồm ra thở. Chùm lông cổ phập phồng theo nhịp thở. Còn lũ trẻ thì cứ tiến vào nhòm cái ổ, sau lại lùi ra xa, rõ ràng là chúng không biết nên làm gì bây giờ. Thực ra thì lúc này đầu óc chúng vẫn căng ra làm việc.

-Tại sao thế nhỉ? … Rõ ràng là trứng mà! Của tao ở ngoài ao, tao cho là trứng rùa, còn của mày, mày bào là bồ câu đẻ rơi, thì mày nhặt được ở đâu?

-Chắc gì của mày là trứng rùa?

-Thế mày nhặt ở đâu?

-Còn ở đâu nữa? Cũng ở chính bụi duối này. Của tao có lẽ là trứng rắn. Nhưng của mày chắc gì là trứng rùa?

-Ừ, làm sao tao biết được? Tao thấy ở ao thì tao đoán nó là trứng rùa.

Những câu trao đổi đó có cái ma lực nào đó khiến chúng trở nên bất động. Chúng nó bỗng thấy sợ. Không đứa nào dám thò tay vào ổ gà nữa.

May quá, chính lúc ấy, tôi đánh liều lấy cả hai tay bưng cái ổ gà ra và hất hai con rắn trong ổ xuống đất. Một con rắn bé tí như cái tăm vót thô đã chết cứng. Một con nữa yếu ớt khẽ ngọ ngoạy. Đó cũng chỉ là những con giun. Nhưng rành rành là chúng có đầu, những cái đầu to hơn thân, và ngay từ khi còn yếu ớt thoi thóp thế, cái đầu đã thành hình tam giác, và chắc chắn trong cái đầu ấy đã tiềm tàng nọc rắn.

Tôi muốn tìm một lời an ủi chúng, lũ trẻ thất vọng kia, nói cho các em biết rằng các em nghịch như vậy không phải là có ý xấu, rằng các em rất yêu đời, các em rất tôn trọng sự sống. Nhưng tôi không tìm được lời ngay lúc ấy. May sao một chú gà trụi ục ịch chạy tới. Bằng mấy nhát mỏ, chú gà trụi nuốt gọn những nỗi buồn sợ của thầy trò chúng tôi. Và chúng tôi òa lên cười với nhau. Cuộc đời thế mà cũng giản đơn.

Nhưng khi trở lại phòng làm việc riêng, ngồi trước tờ giấy trắng đang soạn dở dang bài tập Hình học, tôi thấy hơi khó làm việc tiếp. Có lẽ từ một nhà giáo tôi trở thành người viết văn vào lúc này đây. Chính vào lúc này khi tôi thấy cần dặn dò các em nên cẩn thận khi nghịch trứng.

 “Ừ, làm sao tao biết được. Tao thấy ở ao, tao đoán là trứng rùa”. Câu nói ấy của đứa nào nhỉ? Của thằng Hải xịt mũi hay thằng My? Chỉ của hai đứa ấy thôi, chứ còn thằng bé kia nó cụt chân, nó chỉ chơi ghẹ thôi.

Hà Nội, tháng 10/ 1973

Comments are closed.