Truyện cười, giai thoại Liên Xô và Liên bang Nga (kỳ 11)

LKH sưu tầm và dịch

 

1. GIỜ MÌNH NGỦ THÔI!

Đêm đã khuya lắm, Stalin không sao ngủ được. Ông nhấc điện thoại gọi.

Nghe này, đồng chí Molotov, ông còn nói lắp không đây?

– Vâng, vẫn còn, đồng chí Stalin, nhưng nếu cần thiết, vì đảng, tôi sẽ cố gắng…

– Không sao, không có gì, ngủ tiếp đi nhé!

Stalin cúp điện thoại và bấm số Mikoyan, đánh thức anh dậy.

– Nghe này, đồng chí Mikoyan, Ủy ban xô-viết có bao nhiêu ủy viên ở đó? Và có bao nhiêu người đã hy sinh?

– Có hai mươi bảy, thưa đồng chí Stalin, và hai mươi sáu người đã chết.

– À, tốt, không có gì, không có gì, ngủ đi, ngủ tiếp đi nhé, đồng chí ủy viên thứ hai mươi bảy yêu quý của tôi.

Gọi tiếp cho Beria. Beria tiếp máy:

Nghe này, đồng chí Beria, cậu vẫn chơi gái đấy à?

– Không! À, cũng có, nhưng không nhiều. Thỉnh thoảng thôi!

– Chà, không có gì, không có gì, ngủ ngon, ngủ ngon!

. Stalin cúp máy và tự nhủ:

– Tuyệt, đánh thức bạn chiến đâu dậy cả rồi! Cho các vị biết thế nào là mất ngủ! Giờ chắc mình ngủ ngon được rồi đây.

2. BERIA, PUSHKIN VỪA RỜI KHỎI VĂN PHÒNG CỦA TÔI ĐẤY

Stalin:

– Đồng chí Pushkin, cứ nói thẳng, đồng chí cần gì? Chúng tôi sẽ taok mọi điều kiện để giúp đỡ đồng chí. Có lẽ đồng chí cần bút chăng?? Giấy? Cơ hội xuất bản? Mọi yêu cầu của đồng chí sẽ được đáp ứng.

Pushkin.

– Cảm ơn đồng chí Stalin, tôi đã có đủ cả rồi. Nếu được, chỉ xin chỉ kiểm duyệt đừng làm phiền tôi.

Stalin:

– Chính tôi sẽ là người kiểm duyệt của đồng chí.

Pushkin:

– Thế thì tốt quá. Chuyện này tôi đã có kinh nghiệm từ 100 năm trước. Cuộc gặp gỡ này chắc sẽ cho tôi cảm hứng sáng tác.

Stalin:

– Đi đi, đồng chí Pushkin, đồng chí đi làm việc đi. Chúc đồng chí thành công.

Pushkin vừa đi ra, Stalin nhấc điện thoại gọi:

– Đồng chí Beria, nói ngay với đồng chí Dantes là đồng chí Pushkin vừa rời khỏi văn phòng của tôi đấy.

 

3. AI HẮT HƠI?

Stalin đọc diễn văn, hội trường im phăng phắc đầy trang nghiêm. Bỗng bên dưới có tiếng hắt xì hơi.

– Ai hắt hơi? Stalin hỏi. Im lặng.

– Ai hắt hơi? – Stalin không hài lòng, hỏi lại. Im lặng.

"Ta-ta-ta-ta!" – Âm thanh máy tự động vang lên. Beria là người giữ trật tự trong hội trường.

– Ai hắt hơi? – Stalin giận dữ lặp lại câu hỏi. Im lặng.

"Ta-ta-ta-ta!" – Máy tự động của Beria lại reo lên.

– Ai hắt hơi? – Stalin giận dữ hỏi.

– Xin thưa, tôi… tôi đấy ạ! Một người đàn ông lớn tuổi cực kì sợ hãi, lắp bắp thừa nhận.

– Tốt! Có thế chứ! Giữ sức khỏe nhé! – Stalin nói.

4. LỜI VÀNG CỦA LÃNH TỤ

Trong một cuộc họp về các vấn đề Trung Á, thay mặt các bạn học sinh thuộc thế hệ những năm 1930, bé Mamalakat bước lên lễ đài chào mừng Stalin. Người nắm tay cô bé, mỉm cười. Ngay lập tức cả một rừng hoa rải lên người Stalin và cô bé, hàng trăm phóng viên ảnh bấm máy. Một trong số những bức ảnh ấy đã truyền đi khắp nước với hàng chữ: “Stalin – người bạn tốt của thiếu niên Liên Xô”. Nhìn bức ảnh, không ai biết được câu chuyện phía sau: vẫn nắm chặt tay cô bé, miệng vẫn nở nụ cười rất tươi, Stalin nói với Beria bằng tiếng Gruzia: “Mamashope edli aliani!”. Tuy không hiểu, nhưng Mamalakat trân trọng nhập tâm lời lãnh tụ đã nói với em bằng một ngôn ngữ xa lạ và khắc sâu vào kí ức nhiều năm sau. Mãi đến khi lớn lên, em mới hiểu ra nghĩa câu nói ấy: “Beria, dẫn ngay cái của nợ này đi!”.

 

5. THẦY GIÁO TRIẾT HỌC VÀ “NHÀ KINH ĐIỂN SỐ 1” CỦA CHỦ NGHĨA MÁC.

Jānis Stens là người thông thái, rất giỏi triết học. Vảo nửa sau những năm 1920, theo yêu cầu của Stalin, Jānis Stens được mời làm giảng viên dạy riêng cho Stalin về triết học Hegel. Stalin hiểu lơ mơ, lẫn lộn lung tung. Mỗi khi Stalin lẫn lộn lung tung như thế, ông giáo cực kì nóng tính ngươi Latvia kia liền túm vạt áo học trò mà lắc nhiều lần, tìm cách nhồi vào óc học trò luận điểm của Hegel bằng một phương pháp chẳng mấy hay ho. Jānis Stens thường kể cho đám bạn bè nghe về khả năng tầm thường của Stalin trong tư duy lí thuyết. Những lời nhận xét của Stens đến tai Stalin. Đến nửa sau những năm 1930, Jānis Stens bị bắt, bị giam nhiều lần, cuối cùng bị xử bắn, còn Stalin thì được tuyên bố là “nhà kinh điển số 1” của Liên Xô về chủ nghĩa Mác.

 

6. CHÍNH TRỊ VÀ Y HỌC

Trước Đại hội XIX, Stalin bị đột quỵ, liệt một tay, sức khỏe rất tồi tệ. Các bác sĩ được triệu tới. Sau khi hội chẩn, họ nói rằng tình hình khá nghiệm trọng, muốn giữ mạng sống, lãnh tụ phải gác lại mọi công việc để nghỉ ngơi hoàn toàn. Họ dẫn ra hàng loạt trường hợp, người này nhờ được nghỉ ngơi mà phục hồi sức khỏe, người kia vì tham công tiếc việc nên đã thành thiên cổ, giá hạc vân du.

Stalin hỏi: – Các đồng chí nói xem, y học có phải là khoa học không?

Các bác sĩ trả lời: – Thưa đồng chí Stalin, y học đúng là khoa học.

– Thế có tiến bộ trong khoa học không?

– Tất nhiên trong khoa học lĩnh vực nào cũng có tiến bộ.

– Thế tức là trong y học cũng có tiến bộ?

– Vâng, thưa đồng chí Stalin, nhưng không phải ở trường hợp này. Khoa học vẫn chưa chữa được bệnh đột quỵ.

– Tức là trong y học có tiến bộ, nhưng khi bệnh tật ập xuống đầu đồng chí Stalin thì tiến bộ không có nữa?

Về sau, một bác sĩ người Ấn Độ được mời tới, ông ta dùng nhiều thuốc kích thích, thậm chí cả doping chữa trị cho Stalin, nhờ thế lãnh tụ đã bất ngờ đứng dậy và đi lại được (vị bác sĩ này được trao giải thưởng hòa bình mang tên Stalin). Đến Đại hội XIX, dẫu rất muốn, Stalin vẫn không thể đọc báo cáo tổng kêt. Phải cố gắng lắm, ông mới bước được lên lễ đài và phát biểu mấy câu rất ngắn gọn. Ông phát biểu chỉ cốt để chứng minh rằng lãnh tù vẫn khỏe, vẫn đủ sức làm việc! (Để chứng minh mình chưa già, các Pharaon Ai Cập thường chạy một vòng thật rộng trước sự chứng kiến của nhiều người).

Sau sự việc trên, những vụ án liên quan tới các bác sĩ liên tiếp xảy ra.

 

 

Nguồn: Борев, Ю.Б. Сталиниада. Москва: Советский писатель, 1990

Yuri Borisovich Borev (28/5/1925 – 30/7/2019), tác giả chuyên khảo Mỹ học, xuất bản 23 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng, tổng cộng hơn một triệu bản. Cuốn Những phạm trù mỹ học cơ bản,  do Hoàng Xuân Nhị dịch (Trường Đại học Tổng hợp xuất bản, 1974) là từ chuyên khảo này. Ông là tác giả của hơn 550 bài báo khoa học, chừng 50 chuyên khảo về mỹ học, văn hóa, lý thuyết và lịch sử văn nghệ, phương pháp luận phê bình, ký hiệu học và thông diễn học nghệ thuật, mỹ học tiếp nhận, thi pháp học, … được dịch ra hơn 40 thứ tiếng.

Cuốn Сталиниада (Staliniada) tập hợp những giai thoại, truyện cười được thu thập từ thời Stalin, bất chấp những nguy hiểm có thể có. Đến thời perestroika, một số mẩu được công bố trên báo nhưng cuốn sách vẫn bị cấm. Cuốn sách ra mắt bạn đọc lần đầu tiên ở Ba Lan; còn ở Nga, năm 1990 Hội Nhà văn mới cho xuất bản. Ngay lập tức sách được dịch ra nhều thứ tiếng, với tổng cộng hơn hai triệu bản.

Comments are closed.