Hiếu Tân tên thật là Tiết Hùng Thái, quê Nam Định, là kỹ sư Cơ khí động lực đã nghỉ hưu.
Tác phẩm đã xuất bản:
–Nhìn ra thế giới (NXB Quán Văn, 2011)
–Mấy vấn đề văn học báo chí và internet (NXB Quán Văn, 2011)
–Hạnh phúc – Những bài học từ một môn khoa học mới (dịch của Rechard Layard, NXB Tri Thức, 2008)
–Thư gửi nhà toán học trẻ (dịch của Ian Stewart, NXB Tri Thức, 2011)
–Từ Hải và Ẩn Sĩ (truyện và tạp văn, NXB Văn Học, 2011).
Đang xuất bản:
–Dấu chân của Chúa (tiểu thuyết, dịch của Greg Iles, Nhã Nam)
–Truy nã (tiểu thuyết, dịch của John le Carré, Nhã Nam)
–Plato và một con rái mỏ vịt bước vào một quán bar…(triết học hài hước, dịch của Thomas Cathcast và Daniel Klein, Nhã Nam)
–Tư duy như một hệ thống (triết, dịch của David Bohm, NXB Tri Thức)
–Cái toàn thể và trật tự ẩn (triết, dịch của David Bohm, NXB Tri Thức).
Hiếu Tân đang sống tại Vũng Tàu.
Truyện ngắn
Thuở ấy, bên cạnh Từ Hải, vị đại vương lừng lẫy oai danh, có một nhân vật kỳ tài, đáng liệt vào hàng “dị nhân”: họ Phàn, tên Cự, tự Bình Cung, ngay từ thời trẻ đã nổi tiếng tài hoa, cả một vùng Liêu Đông rộng lớn không ai là không biết tiếng. Cả Thanh Tâm Tài Nhân lẫn trong Truyện Kiều đều không thấy nhắc đến nhân vật này, có lẽ vì không liên quan nhiều lắm đến câu chuyện chính. Người viết những dòng này, nhân lần giở những thư tịch cổ, thấy những chuyện về nhân vật này thì giật mình kinh hãi, thầm tự nhủ: nếu không có Phàn kia thì chắc gì Từ đã thành Từ, ngay đến thành người còn khó, huống hồ… Nay xin chép ra đây để bạn đọc xem cho vui, và vì trong nguyên bản hơi văn cổ, ý tứ sâu xa, nên xin được phiên ra lời thường thời nay, để khỏi làm mệt trí bạn đọc.
Phàn, người thấp bé loằn choằn, dáng đi lật bật, trông hình dong chẳng có vẻ gì “tao nhân, mặc khách” cả. Tới ngoài hai mươi tuổi, thi thơ vạn quyển làu thông, không còn sách gì trong thiên hạ mà Phàn chưa từng đọc qua. Với Phàn, Khổng Mạnh – Trình – Chu – Lão – Trang chỉ như người quen biết cũ. Đỗ – Lý – Đào – Tô – Vương – Bạch… chỉ như bạn tâm giao thù tạc mà thôi. Cao ngạo, không màng danh lợi nhưng Phàn không giống các ẩn sĩ cứ phải chạy trốn lợi danh, xa lánh cõi tục; Phàn chỉ nhởn nhơ bầu rượu, túi thơ, cười cợt, đàn đúm với đủ hạng người trong thiên hạ. Sáng sớm cùng bọn vương tôn công tử cưỡi ngựa lên chơi trên non cao, hít thở hơi sương loãng, ngắm nhìn thế núi hình sông, chiều ngồi đánh cờ với vị thượng thư bị “biếm” về vùng này từ lâu, ấy thế nhưng đêm khuya còn thấy Phàn ngồi uống rượu, đánh bài với đám phu khiêng kiệu và chăn ngựa ở nhà dưới, rồi say sưa ôm vai mấy con người tục tằn, lầm lũi ấy, nghiêng ngả, lắc lư mà hát ô a những bài hát của kẻ trồng dâu, của người đánh cá. Có người bảo: giao du kiểu ấy, trong thiên hạ chỉ có thể là kẻ điên hay bậc chí thánh. Các bậc quyền quý trong vùng ngầm bảo nhau chớ dại mà động vào gã ấy, cái “hư danh’ của gã lớn lắm, mình dễ mất mặt như chơi. Quả vậy, đám người có danh tiếng đua nhau cầu cạnh làm thân với Phàn, trong khi những con người nghèo khổ thô kệch thường vẫn ngại ngùng, e dè mỗi khi được Phàn cư xử suồng sã. Số người tự nhận là học trò của Phàn rất đông tuy không thấy Phàn ngồi dạy học bao giờ. Có lẽ đám người này, nhân lúc giao du chơi bời, bái phục Phàn mà tôn làm thầy chăng?
Bữa kia có người họ Lương từ phương xa đến, vốn nghe danh Phàn đã lâu, muốn xin gặp mặt để đàm đạo văn chương. Hôm ấy trong nhà Phàn khách khứa đông, toàn những bậc “thức giả”, kẻ mới đến biện thuyết say sưa, rồi cao hứng đến gần kệ sách quơ tay rút hú họa một quyển, nhìn qua tên sách lật hú họa một trang, lấy ngón tay trỏ vào một chữ trong đó. Xong, ông ta đưa quyển sách cho mấy người đứng đó, còn mình nhắm mắt, khoanh tay đọc một hơi hơn một vạn chữ, mọi người dõi theo thấy không sai, không sót chữ nào, thảy đều lắc đầu lè lưỡi. Khách khoái chí định lặp lại trò đó với một quyển khác thì chủ nhân ngăn lại – “Hân hạnh, chúng tôi được thấy nhỡn tiền tài năng của tiên sinh, giờ xin mời quý khách cùng ra vườn sau, uống trà, thưởng hoa, rồi thong thả cùng nhau đàm đạo”. Phàn cho người nhà dẫn khách khứa ra vườn, còn mình xin lỗi ra sau. Một vườn cây um tùm chẳng có hoa, chẳng có bàn trà nào cả, bể nước, non bộ cũng không, chỉ thấy trên các cành treo rất nhiều lồng chim to nhỏ các cỡ, thảy đều sơn son thếp vàng. Khách đến gần xem chim, thì chỉ thấy một loài: vẹt, phải, mỗi lồng một con vẹt, bên lồng lại có tấm biển con đề chữ. Ghé mặt đọc những biển con ấy, khách giật nảy mình: “Khổng tử”, “Mạnh tử”, “Tuân tử”, “Chu Hy”, “Hàn Phi Tử” – Mỗi lồng chim gắn tên một bậc danh gia. Khách chưa hết hoảng hồn về trò chơi ngông của chủ nhân, thì bên tai đã vang lên “Luận ngữ”: con vẹt mang tên đức Khổng đang đọc thao thao. Từ cái cây đối diện cất lên rẽ rọt tiếng “Đạo Đức Kinh” là con vẹt mang danh Lão tử. Bên này, con “Mạnh tử” vừa cất tiếng thì hàng bên kia lại vang lên “Khư níp” từ cái lồng Trang tử, rồi “Cô phẫn”, “Thuyết nan” rõ là chú vẹt “Hàn Phi” rồi tất cả cùng cất lên một lúc, rào rào rất vui tai, nhưng không còn nghe rõ ra lời gì nữa. Mọi người đưa mắt nhìn Lương tiên sinh, nhưng không thấy ông ta đâu cả, bèn lục tục trở lại phòng khách vừa khi Phàn từ trên gác xuống đang đứng vươn vai: chủ nhân đã kịp làm một giấc ngon lành! “Chúng tôi qua đây chơi đã nhiều mà sao hôm nay mới được thấy kỳ quan của bác”. Khách hỏi – “Thì mãi đến hôm nay lũ vẹt của tôi mới gặp được địch thủ ngang tài, à mà vị khách quý của chúng ta đâu rồi!… Ôi, tôi thật là thất lễ. Mời các bác dùng trà”. Mọi người vui vẻ bàn tán về vị khách lạ lùng, ra đi lúc nào không ai hay, trong khi đó chủ nhân ngồi gục đầu ủ rũ:
“Tôi thương các bậc thánh nhân tiền bối, lao tâm khổ trí bao nhiêu để làm ra các học thuyết cao siêu – Phàn thở dài ảo não – để rồi các Bất Lương tiên sinh mang những ý cao lời sáng của các ngài ra làm phù phép hại đời. Lũ vẹt của tôi chẳng làm hại ai đâu các bác ạ. Như Bất Lương tiên sinh kia, nếu suốt đời không thành đạt thì cũng chỉ tốn cơm cha áo mẹ là cùng. Giá – áo – túi – cơm hay giá – thơ – túi – chữ cũng thế thôi, không hại đến ai. Nhưng ác thay, tài ba kiểu ấy bao giờ cũng là con đường tốt nhất dẫn đến quyền cao chức trọng, phú quý vinh hoa. Thương thay lũ trẻ, thương thay giống nòi, một khi những Bất Lương tiên sinh kia lên cầm quyền giáo hóa. Thương thay xã tắc, đau thay, đau thay!…”.
Phàn ôm ngực, mặt nhợt nhạt, lệ rơi lã chã. Các khách văn lặng lẽ nhìn nhaụ Thường những lời lẽ của Phàn, những buồn vui của Phàn ít người biết khi nào giả, khi nào thật, khi nào đứng đắn, khi nào bông lơn. Cái số ít người ấy, Phàn coi là gan ruột với mình. Nhưng hôm nay thì mọi người đều thấy rõ, tuy không ai bảo ai, rằng Phàn đang nói những lời từ máu huyết của mình. Và những phút thế này hiếm lắm.
Người đời thường cho Phàn là kiêu ngạo, ngông cuồng. Có lần bàn về đức khiêm nhường của bậc thánh nhân, Phàn lấy tay chỉ vào ngực mình thốt lên: “Thánh nhân là ta!”. Mọi người bối rối nhìn nhau. Phàn hỏi “Sao, các người không tin ư? Ta thề rằng nếu không phải như thế, thì những sách thánh hiền để lại chỉ đáng đem gói mắm, còn cơm gạo ta ăn để đọc những sách đó đem nuôi loài khuyển thì hơn!”. Có lần đồ đệ của Phàn, một thư sinh mười hai tuổi nhân bình một bài thơ của Phàn có nói lên một ý lạ mà Phàn chưa ngờ tới, mọi người sững sờ trước cái thần của bài thơ vừa hé lộ, xuýt xoa ca ngợi Phàn là bậc thánh. Phàn đến cầm tay đứa học trò nhỏ, nói: “Thánh nhân là ta mà không phải là ta, thánh nhân là con đó”. Khi có người hỏi Phàn sao chơi bời cả với hạng phàm phu tục tử, Phàn bảo: “Để biết những điều mà thánh nhân không biết, để hiểu những điều mà thánh nhân không hiểu”. Người kia kinh ngạc hỏi: “Thánh nhân không hiểu biết bằng kẻ phàm phu ư?”. Phàn nói “Thánh nhân hiểu rộng biết nhiều, nhưng có điều thánh nhân hiểu mà ta không cần”. Phàn thường đưa ra những câu hỏi oái oăm làm mọi người rối trí. Có lần Phàn hỏi: “Trong thánh nhân có kẻ ti tiện không?”. Mọi người xanh mặt. Phàn lại hỏi: “Trong kẻ ti tiện có thánh nhân không?”, Mọi người hoang mang chưa biết trả lời sao, thì Phàn tự trả lời: “Ta e rằng có tất!”, rồi trầm ngâm nói thêm: “nếu không thế sao gọi được là người”. Có lần khi luận về sách Mạnh Tử, Phàn bảo: “Người kia cậy tài, ta cậy cái ngu của ta. Kẻ kia cậy mạnh, ta cậy cái hèn của ta”. Có người rụt rè thắc mắc e trong nguyên bản không phải thế, xin được giải nghĩa lại cho rõ. Phàn chỉ cười, nói: “Được, được!” rồi thôi, không thấy nói thêm chi cả. Đại loại lời lẽ của Phàn là thế, thường lạ tai và ngược đời, có người cho là lời lẽ của kẻ cuồng, không đáng để tâm, nhưng cũng có người chịu khó suy ngẫm, rồi đem ra tranh cãi với nhau, mà khi tranh cãi thường mỗi người hiểu một cách.
Một hôm có người khách khác thường đến thăm Phàn. Người khách cao lớn, đẹp một cách hào hùng, vừa có cái oai phong của một dũng tướng, lại vừa mang cốt cách phong nhã hào hoa. Khách tên là Hải, họ Từ, một cái tên không xa lạ gì với dân chúng vùng này. Hai bên đàm đạo, từ chuyện thế sự nhiễu nhương đến binh pháp mưu lược cùng lấy làm tâm đắc. Những chuyến viếng thăm của Từ càng dày, tình giao hảo hai bên càng thân. Trong nhà Phàn, Từ đi đứng nằm ngồi thoải mái như ở nhà, còn Phàn tự cho phép mình nói năng với Từ bằng khẩu khí của người chăn ngựa. Đó là cách đặc biệt Phàn dùng để tỏ biệt nhỡn với bạn như kiểu Nguyễn Tịch xưa dùng mắt xanh tiếp khách tâm giao. Một ngày kia Từ đến giã biệt Phàn để ra đi. Đi đâu? Không cần biết – Bốn phương trời, vạn nẻo đường, những dấu chân vô định – Kẻ trượng phu phải tung hoành ngược xuôi cho phỉ chí, không gì đè nén được, không gì ràng buộc được, phải cho thiên hạ biết đến ta. Từ hăm hở nói – Chỉ có thể thôi ư? Phàn hỏi.
Từ muốn rủ Phàn cùng đi – chẳng lẽ một người ngang tàng như anh mà mãi chịu chôn vùi trong cảnh tù túng – Không, ta bao giờ cũng đến được nơi cần đến, ta tung hoành theo cách của ta, ẩn dật theo cách của ta, anh làm sao biết được? Thôi, anh đi, ta chỉ gửi theo anh ba chữ: Giữ lấy mình. Phàn vỗ vào bờm ngựa của Từ, quay gót trở về không ngoái lại.
Nửa năm sau, Từ đến thăm Phàn trên cỗ xe tam mã. Không phải chỉ có mình Từ, cùng đi còn có một người đàn bà đẹp như ngọc, nhưng trong vẻ duyên dáng yêu kiều vẫn hằn một nét buồn thẳm sâu. Vương Thúy Kiều, người kỹ nữ – bây giờ là Phu nhân – có số phận éo le này, Phàn đã biết. Nhan sắc của nàng quả bất hư truyền. Nhưng mà cái thiên hạ gọi là “tài” của nàng, thì chỉ là chuyện hão, vài trăm bài thơ ngâm vịnh – tùng, cúc, tuyết, sương, mây hoa, trăng, núi chẳng có gì ngoài sự khéo léo tầm thường, dăm bài nghe xé lòng, nhưng chỉ là tiếng kêu đau bột phát mà thôi.
Qua cách thù tiếp của chủ nhân, người đàn bà lịch lãm này hiểu ngay rằng ông ta không ưa mình: đôi mắt ông ta nhìn như xoáy vào tâm can, thế mà lời lẽ thì lại rất văn hoa kiểu cách. Về phần Từ, chàng chưng hửng khi thấy bạn không mấy tán thưởng văn tài của người vợ yêu mà chàng rất đỗi kiêu hãnh. Nhưng đó không phải là cái chính. Lúc chỉ có hai ngườị Từ đùa rằng đã không chỉ theo đúng lời khuyên của bạn (hãy giữ mình) mà còn làm được hơn thế nữa! Phàn chỉ nói: “Anh lầm!” nhưng trong bụng nghĩ “Than ôi, đem cái tâm của mình mà sánh với tâm của Kiều, Từ đã tự rút ngắn mình đi biết bao nhiêu. Giữ mình ư? Trọn vẹn làm sao được, một khi còn chưa tự hiểu mình?”.
Nhưng Từ đâu nghĩ được điều đó. Từ, lúc này không còn một mình một ngựa, mà trong tay đã có năm ngàn tinh binh, và cả một dải đất lớn kéo dài mấy huyện. Chàng muốn được có Phàn làm quân sư, nhưng Phàn từ chối, sau nể tình, cho một người trò yêu (vốn trước đây là người đánh xe) theo Từ làm mưu sĩ. Từ tha thiết xin nghe những lời chỉ giáo của Phàn về thế thuận nghịch, tiến lui trong bước đường sự nghiệp trước mắt. Phàn nói:
“Từ nay mọi hành vi, cử động của anh sẽ chạm đến vận mạng của nghìn vạn con người, muốn hay không, anh đã bước vào chính trị. Lẽ đời có vay có trả. Nếu chỉ với năm ngàn quân mã tung hoành trong mấy huyện miền núi này, thì tài ngang trời dọc đất của anh cũng chỉ làm đến lục lâm thảo khấu mà thôi. Không, tài của anh xứng với nghiệp vương bá. Đang lúc kỷ cương rối loạn, quan lại tham nhũng nhung nhúc như dòi bọ, dân tình khổ nhục như trâu chó, chỉ một tiếng “nghĩa” xướng lên, trong tay anh có ngay hàng chục vạn binh mã, ấy không phải là chuyện quá khó, và chắc ngôi vương bá sẽ đến trong tầm tay. Ta lo là lo điều khác cơ. Nói, anh đừng giận, kẻ ôm mộng bá vương, nếu trí không vượt khỏi tầm nghĩ của người đàn bà, thì sao khỏi mang mầm họa cho mình và cho đời. Ta sẵn sàng giúp anh, để vay binh quyền thế lực trong nỗi thống khổ của hàng vạn con người hèn kém, nhưng lại lo: khi nghiệp lớn đã thành, anh giúp ta trả lại sao đây?… Không, cứ để ta nói nốt. Ta hiểu lòng anh như ta hiểu chí anh: hoài bão của anh trong sạch và tốt đẹp, nhưng đời có cái lẽ khắc nghiệt của nó: cái gì trong rồi có lúc đục, đó cũng là lẽ thường. Sống quyền quý xa hoa mà mong mang cái “tâm” của người áo vải là chuyện nực cười. Nhưng ta muốn anh nhớ cho điều này: món nợ này lớn lắm. Núi xương sông máu đưa anh đến nghiệp bá vương thì không thể mong đền bồi, nhưng cũng còn vớt vát được trong muôn một, nếu kẻ cầm quyền còn biết nhớ đến ba điều ước mong ngàn đời của người dân đen, mà chưa đời nào có được:
-Ba điều ấy là gì?
-Tự do. Công lý. Yên bình.
Từ tạ ra đi trong lòng rưng rưng cảm khái, Từ tự thấy mình lớn đẹp lên ngàn lần. Trong tai chàng còn văng vẳng giọng của Phàn khi tiễn biệt: – “Hãy biết mình!”.
Phàn thực hiện lời hứa giúp Từ dấy nghiệp, bài hịch văn mà Phàn viết ngay đêm ấy quả là một áng “thiên cổ hùng văn”. Trên đường tiến quân của Từ, áng văn ấy đã lôi cuốn hàng vạn con người hăm hở đến với Từ trong khí thế long trời lở đất. Chỉ một năm sau, trong tay Từ đã tung hoành mười vạn tinh binh, tràn qua các kinh thành như nước vỡ bờ. Người học trò thao lược của Phàn, trước vốn là dân đánh xe ngựa, được Phàn gọi là “Khổng Minh thời nay” đi theo Từ làm quân sư, trên bước đường dong ruổi chinh chiến, vẫn thường lệ mỗi năm một lần về thăm thầy cũ. Lần về thăm ấy, Phàn hỏi tỉ mỉ về sự tình trong quân của Từ, nhất là cuộc báo ân báo oán vừa rồi, tiếng đồn vượt qua năm trăm dặm bay về tận đây. Thầy trò nhìn nhau, lắc đầu ngao ngán. Trong quân, mọi việc đều có sự can thiệp của người đẹp Thúy Kiều; con người mà lòng nhân hậu thì đã rõ ràng, nhưng vì quá thành công trong việc làm cho đấng phu quân tin vào cái “tài” của mình mà khiến cho mọi sự trở nên rối bét.
Đấy, để tóm cổ mấy con mụ chủ chứa, mấy thằng ma cô và một bà vợ cả hay ghen, đã điều một ngàn quân, chia làm hai ngả dưới quyền hai viên tướng, hai kẻ lúc thường trận mạc thì chui nhủi ở tận đâu, nay nhảy ra xung phong đi lập công đầu. Hai kẻ hèn nhát bất tài ấy bây giờ là tướng tâm phúc của phu nhân, và cùng với chúng, sự a dua xiểm nịnh đang được lên ngôi. Và trận máu đổ đầu rơi rùng rợn của lũ Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Ưng Khuyển, cô cháu nhà họ Bạc… đến giờ còn làm sởn gáy dân chúng quanh vùng. Thế mà, mọi thứ lầu xanh lầu đỏ nhan nhản trong vùng vẫn yên ổn hành nghề bán thịt buôn người, với hàng trăm Tú Bà các cỡ, hàng ngàn Mã, Sở các loại, bao đời hoa vẫn bị dập vùi tan nát mà nào một ai thèm đoái hoài? Dân trong các vùng có quân của đại vương tràn qua như thác lũ, được một giấc mơ đổi đời – những tưởng bão tố nổi lên quét sạch loài sói lang hung ác, loài dòi bọ thối tha – nào ngờ trời yên mây tạnh, ai lại về phận nấy!
Phàn trầm ngâm nói. Xưa nay không phải không có những người đàn bà kiệt xuất, nhưng chữ “bụng dạ đàn bà” vẫn là chỉ cái thói thường nhỏ nhen, làm hỏng việc lớn. Ác thay cái bụng dạ ấy không chỉ ở đàn bà. Đem binh mã đi bắt mấy mụ đàn bà về trả thù riêng thì quả là chỉ có bụng đàn bà mới nghĩ ra nổi. Ta tiếc thay cho Từ, không tự hiểu mình. Tài sức Từ lay thành nhổ núi, và cái kỳ vọng ta đặt vào Từ ngàn lần lớn hơn cái mộng bá vương của y. Buồn thay, ngay từ lúc này ta đã nhìn thấy trước cái kết cục không hay rồi. Nhưng thôi, dù hay dù dở, sự nghiệp của Từ chẳng còn đáng để ta bận tâm nữa rồi.
Và cũng từ đấy, người ta không thấy nói gì đến Phàn nữa.
Vũng Tàu, 28/5/ 1989