Nguyễn Thị Dư Khánh
Văn Việt: Nhân dịp lễ giỗ lần thứ 60 cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm lần tiên được tổ chức tại quê nhà (xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), con cháu cụ đã biên soạn cuốn sách “60 năm tưởng nhớ Thầy” (NXB Thuận Hóa, Tháng 8/2014), trong đó có trích in tự truyện vừa hoàn thành của cô Nguyễn Thị Dư Khánh, từng là giảng viên văn học trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi giới thiệu để bạn đọc có thể hiểu thêm về sự kiện “Cải cách ruộng đất”, hiện đang được triển lãm tại Hà Nội.
Cuối đời về lại mảnh đất này
Quê hương, khế ngọt chính nơi đây
Vườn xưa nhà cũ đâu dấu vết
Cam, bưởi, cau, trầu, nhãn, mít… sây
Hương Lan, hương Mộc ôi tinh khiết
Kỷ niệm ấu thơ dạ chất đầy
Bao nỗi can qua còn dâu bể
Về lại vườn xưa, sống mũi cay…
Đó là mấy dòng cảm tác bất chợt của tôi trong chuyến về quê vào những ngày xuân 2012, khi chị Thanh – chủ nhân mới trên mảnh nhà xưa, dẫn tôi men theo những lối đi nhấp nhô sỏi đá, chung quanh chỉ toàn là cỏ dại, lau sậy. Tiếng “gâu gâu” của những con chó quá mẫn cán từ trong những căn nhà thấp lè tè vang ra, át lời “thuyết minh” của chị Thanh: Đây là nền của “nhà-khách” ngày xưa, đây là chuồng hươu, kia là sân đập lúa… Tôi nghe chữ được chữ mất, cố hình dung, nhưng không sao lần được dấu vết: Đâu là dấu tích của hai cây nhãn quả to như quả chanh, ngọt lịm và thơm lừng ôm kín bầu trời, che nắng cho cả một sân gạch rộng lớn mỗi khi hè về. Đâu là dấu tích của vườn hoa đủ mọi hương sắc, chen lẫn với mùi hương tỏa ra từ vườn thuốc Nam sực nức hương nhu, kinh giới, bạc hà… Đâu là dấu tích của bể cạn (sân trước), bể lọc (sân sau) không bao giờ cạn, kể cả những ngày nắng hạn; đâu là nơi chúng tôi liền trầu, kẹo vải, đùa giỡn, vui chơi…?
Tất cả bị xóa sạch hoàn toàn từ một cơn địa chấn kinh hoàng từ non 60 năm về trước. Sáu mươi năm, gần bằng thời gian của một đời người, còn gì!
Tôi không làm sao nhớ được chi tiết cái phút giây chúng tôi lần lượt lếch thếch trốn khỏi quê. Chỉ nhớ mang máng, vào một buổi sáng mù sương, con đường nhấp nhô với những vết chân trâu, trộn lẫn với phân trâu, phân bò nhớp nháp, trời chưa sáng hẳn, chúng tôi cứ dẫm bừa lên, bụng lép kẹp, rét run cầm cập, thót tim khi nghe một tiếng lá rơi, nhất là tiếng chó sủa. “Nhỡ có nhóm dân quân tóm lại, là rồi đời…”
Bấy giờ, tôi mới 10 tuổi, đang học lớp 4 trường làng. Tôi nhớ nhất hình ảnh cô Lam, một cô giáo nói tiếng Nam Bộ có giọng mềm và ấm như chiếc áo lụa màu tím có thắt nơ cô vẫn khoác ngoài mỗi khi đến lớp. Tiếng điểm danh dịu dàng và ngọt lịm của cô thỉnh thoảng vẫn ngân lên trong tôi: Hà Thị Hồng Anh,… Đinh Thị Hoan Châu…, Nguyễn Thị Đạm Hương, Phan Phố,… Nguyễn Thưởng… Chúng tôi chăm chỉ đến lớp, chắc một phần để được nghe cái giọng cô xướng lên tên mình… Những bài ca dao mới ra đời dạo ấy, chỉ là những câu vần vè nhằm mục đích tuyên truyền cổ động, chúng tôi đọc theo cô râm ran cả đình làng, và chỉ vài lần thôi là găm vào trí óc non nớt của chúng tôi cho mãi tới tận bây giờ:
Ta về ta tắm ao ta
Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn.
Giặc Tây gieo rắc căm hờn
Ngoài bom súng đạn giặc còn tung ra
Xà phòng lược Mỹ nước hoa
Phin đen, phin trắng len pha vải màu
Thuốc thơm, nịt nhựa áo dầu
Đồng hồ bút máy tràn vào như rươi
Âm mưu của giặc tầy trời
Tay thời chúng bắn, miệng thời chúng rao…
Lòng yêu nước, căm thù giặc của thế hệ chúng tôi được len lỏi vào tâm hồn trẻ thơ từ dạo ấy, chính là nhờ cái giọng quá ngọt ngào của cô.
Đó cũng là những ngày tháng máy bay lượn trên đầu hàng ngày. Chúng tôi phải xách đèn đi học vào ban đêm. Lớp của tôi bắt đầu từ 3 giờ sáng, và lớp học tan khi mặt trời lên. Khổ nhất là vào những ngày mưa gió, đang ngủ say, giữa đêm phải mò dậy, quờ quạng đèn đóm sách vở, mò mẫm trên những con đường lầy lội, gió táp vào mặt, có khi làm tắt cả đèn. Khổ thế, vẫn háo hức, vẫn í ới gọi nhau đến trường…
Cho đến một ngày kia, vừa bước vào sân trường, mùi máu nồng nặc, tanh tưởi, khiến cả lũ chúng tôi nôn ọe tứ tung. Que nứa, que tre bê bết máu tung tóe khắp nơi, nhiều vũng máu đã đông sẫm lại! Vì đâu có cảnh máu me thê thảm này?
Thì ra, đây là dấu tích của trận đấu tố tối hôm qua. Nạn nhân là ông Cửu Tân, người bà con xa với nhà tôi, hiền như bụt.
Điều gì đã xảy ra, chúng tôi không thể hiểu.
Các bạn trong tổ trực nhật cùng mấy đứa to, khỏe, gan dạ xúm lại, thu dọn chiến trường… Chờ rất lâu, vẫn không thấy cô giáo, thế là lớp tan. Chúng tôi lần lượt kéo nhau đi về. Riêng tôi thì sợ chết khiếp, bỏ học luôn cho đến khi tai họa ập đến gia đình mình.
Tôi nhớ đó là vào một ngày đầu hè oi nồng năm 1954. Gió Lào quạt khô cây cối ngoài vườn, trong khi sân gạch trong nhà thì ướt đẫm mồ hôi. Thầy cùng mấy chị em tôi lau đi lau lại cho đến khi nền nhà sáng bóng. Chúng tôi nằm giữa sàn nhà khoan khoái thưởng thức thành quả lao động của mình cho đến khi chiều xuống. Mẹ bảo tôi ra bàu để rửa khoai và giặt giẻ lau. Bàu ở ngay sau nhà, là một dòng nước giống như con sông đào, chảy thông ra sông Ngàn Phố. Một con cá giếc mắt đỏ hoe chui vào rổ, vảy cá sáng lấp lóa trong nắng chiều. Tôi xóc rổ khoai một hồi cho cá mệt lử… Vì có thành tích bắt được cá, tối ấy tôi được ngồi mâm trên cùng Thầy, Mẹ và các anh. Thầy vui vẻ và dịu dàng hỏi tôi:
– Ăn cá tự bắt được có ngon hơn cá mua ở chợ không con?
Tôi hí hửng:
– Dạ ngon hơn ạ.
Thực tình, tôi muốn nói với Thầy: “Thường ngày, tụi con chỉ được ăn muối vừng tương cà, mắm nhút, chứ có mấy khi được ăn cá, lấy gì để mà so sánh Thầy ơi”, nhưng tôi không dám.
Chị Xuân và các o giúp việc mỗi ngày đi chợ gánh kìn kịt, nào trầu, nào cau, nào nhãn, nào chuối, nhiều khi cả vải vóc tơ lụa, nhưng chỉ mua về vài lát cá thu, gắp lên đĩa, Thầy không đụng đũa thì ai còn dám ăn, cá gắp ra đĩa lại trút vào, kho đi kho lại cho tới khi thành “cá gỗ” mới thôi. Mâm dưới, chúng tôi cùng các o chú giúp việc, chỉ thỉnh thoảng mới được ăn thứ cá mặn chát đó. Bởi thế, hôm nay, được ngồi mâm trên, được thưởng thức món cá rán tươi rói, thơm lừng, thật là nó ngon không thể tả nổi.
Kể lại chuyện này, trẻ con hôm nay chắc khó tin: Sao một gia đình đại quan lại có thể sống một đời sống tằn tiện và khắc kỷ đến vậy. Nhưng đó là chuyện thật hoàn toàn, ít ra trong ký ức của tôi.
Cơm xong, Thầy và anh Phi sang bàn xa-lông uống nước. Tôi loáng thoáng nghe cái giọng hơi xẵng của anh. Tôi không nhớ nguyên văn, nhưng vẫn nhớ đại ý: Thầy đã bị một đòn chí tử hồi “30”, con không hiểu sao Thầy vẫn không từ quan để đến năm 1945 lại bị một trận tơi tả nữa, và bây giờ… Rồi anh ngập ngừng dừng lại. Thầy không nói gì. Không khí chìm hẳn xuống. Có lẽ cả Thầy và anh đang có chung một dự cảm chẳng lành.
Quả nhiên, ngay đêm đó, Thầy đã bị dẫn đi… và mãi mãi không bao giờ trở về nữa…
Tôi không nhớ rõ cái cảnh mẹ con chúng tôi bị đuổi khỏi căn nhà chính như thế nào. Nhưng sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, thấy căn nhà chính đã bị niêm phong. Bao nhiêu thứ quý giá nhất đã bị “nhốt” ở trong ấy. Tủ đứng, tủ nằm, xa-lông, sập gụ, bát đĩa quý giá và rất nhiều sách chữ Pháp, chữ Hán, chữ Việt…; bao nhiêu câu đối, hoành phi, bao nhiêu tranh ảnh đẹp của gia đình, người thân, có cả ảnh cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, ảnh Thầy chụp chung với cụ Nguyễn Sơn, cụ Võ Liêm Sơn và nhiều nhân sĩ trí thức khác cùng làm việc với ông ở Mặt trận Liên Việt Liên khu IV. Tất cả đều được lồng trong khung kính và treo trang trọng ở gian nhà giữa, phía trên tủ chè có khảm xà cừ, được trang trí bằng những chùm nho chín mọng và những chú chim nhỏ đang há mõm đớp mồi.
Thủa ấy, tôi không hiểu gì về những chuyện hãi hùng đó. Sau này, dần dần mới được “vỡ vạc” đôi điều để hiểu được rằng: Những chuyện như thế không chỉ xảy đến cho nhà mình. Bao nhiêu gia đình khác còn thê thảm hơn. Nhiều người không chịu nổi đã phải nhảy xuống giếng sâu hoặc thắt cổ tự tử. Hai người cô ruột của mình cũng nằm trong thảm trạng đó. Cho mãi tới bây giờ, người ta vẫn nhắc tới nhiều chuyện đau lòng trong cuộc cách mạng long trời lở đất có tên gọi là “Cuộc phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất” vì mục đích người cày có ruộng… Nó được tuyên truyền cổ động rầm rộ từ vài năm trước đó. Điều hài hước và bi kịch là chính chúng tôi, lại là những người hăng hái sốt sắng nhất trong những cuộc xuống đường đó. Chúng tôi lôi cả trống chiêng, nồi niêu xoong chảo… khua vang ầm ĩ từ đêm này sang đêm khác, từ xóm dưới làng trên, cùng đoàn người rồng rắn hô vang: “Đả đảo địa chủ cường hào gian ác”, “Hồ Chí Minh muôn năm” cho đến khi khản đặc cả cổ họng. Tiếng hô “đả đảo”, “muôn năm” rầm rầm như lay động cả mặt đất, lật tung cả cây cối. Thật là những ngày hội tưng bừng, ai cũng có cảm giác như chính mình đang làm nên một cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử loài người.
Bản thân tôi còn tham gia đội văn nghệ của xóm, của xã, ngày đêm tập luyện toàn những bài hát kích động căm thù. Tôi phụ trách lĩnh xướng trong vai trò người nông dân, đã thốt lên từ đáy lòng mình nỗi đớn đau của kiếp người nô lệ: “Ngày xưa, dưới thời nô lệ, nông dân mình chân bùn tay lấm, quanh bốn mùa đi sớm về trưa”,… để rồi cả lũ hát tướng lên phụ họa: “Nông dân vùng lên”, “nông dân vùng lên” như muốn vỡ cả đình làng…
Kỳ lạ, Thầy tôi không cấm cản gì chúng tôi trong những cuộc hội hè thâu đêm ấy, cho mãi tới cái đêm Người bị bắt.
Thật là một đại bi hài kịch. Cứ tưởng địa chủ cường hào gian ác là bọn ác ôn nào kia chứ! Còn Thầy tôi, một ông quan thanh liêm rất mực, ghét Tây và chế độ quan trường, đã cáo quan từ 1942, và năm 1946 đã cúng toàn bộ vàng bạc của gia đình trong tuần lễ vàng, bản thân đã xắn quần nâu, chống gậy đường trường tham gia Mặt trận Liên Việt. Mẹ tôi, là hội viên Hội Mẹ chiến sĩ xã, lăn lộn góp từng hũ gạo nuôi quân. Bộ đội qua làng, gia đình tôi đón tiếp, chiêu đãi long trọng, chiến sĩ liên hoan hò hát rôm rả từ nhà dưới, nhà trên, sân sau, sân trước… Nhà nghèo hết gạo thì đem mủng (nhỏ hơn thúng) sang vay. Giếng nước công cộng cạn khô thì mang thùng qua gánh nước, ốm đau thì Thầy tôi bốc thuốc, khám bệnh miễn phí… Chú Trung, O Tỉu, O Quý, O Thí, những người giúp việc thân thiết với chúng tôi như anh em trong nhà, cùng ăn, cùng làm, cùng vui đùa, ca hát…
Theo anh Phi kể lại, một lần, chú cháu Ngụ ở sau nhà ốm rất nặng, không dùng nhân sâm thì chết; Thầy đã bàn với Mự (chúng tôi thường gọi mẹ bằng “Mự”) mở chai nhân sâm (bấy giờ là cực quý) cắt một nhánh để cứu chú Ngụ; dùng xong, Mự đem ra phơi cho khỏi mốc, nhưng không ngờ bị mất, người lấy có lẽ là hành khất. Chưa chắc họ đã biết sâm là gì nhưng mục đích chắc là lấy cái đĩa dùng để phơi sâm! Thấy Mự xót quá, Thầy an ủi: “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Mạn tàng hối đạo, dã dung hối dâm” (“Cất giấu sơ sài là dạy cho người ta ăn trộm, trau chuốt dung nhan là dạy cho người ta dâm đãng!). Vế sau thì hẳn có mặt bảo thủ nhưng vế đầu thì đúng mãi mãi…
Vào dịp Trung thu năm 1953, bên cạnh vườn hoa, trước sân nhà khách, dưới ánh trăng rằm, bọn nhỏ chúng tôi còn được Người đọc cho nghe bài thơ Người vừa sáng tác:
Tết Trung Thu tới.
Gió mát trăng trong
Thiếu niên nhi đồng
Vui sướng vô cùng
Trông lên ảnh Bác
Hơn bóng trăng tròn
Đọc bài thơ Bác
Hơn bánh quà ngon
Bác khen Bác dạy
Như cha với con
Công ơn của Bác
Như nước như non
Còn Tết Trung Thu
Còn ơn Bác Hồ
Đến Tết năm sau
Bác về Thủ đô.
Đúng vào dịp Tết Trung Thu năm sau (1954), bộ đội, cán bộ kháng chiến và sau đó không lâu, Bác Hồ đã từ chiến khu về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Như thế là Thầy đã tiên đoán chính xác vận mệnh của dân tộc. Còn vận mệnh của Người? Theo lời mẹ tôi kể lại, thì đầu xuân năm ấy, chị Thảo ghé thăm nhà. Tiễn chị ra đi, ông ngậm ngùi: “Thầy tin con biết, mệnh Thầy đến năm nay là hết…”. Vậy là Thầy cũng tiên tri được vận mệnh chính mình. Nhưng chắc Thầy không thể ngờ, đúng vào lúc cuộc kháng chiến mà Người đã thành tâm dốc hết sức lực và tài sản để đến ngày thành công, cũng chính là lúc ông bị lôi lên đấu trường để rồi ra đi mãi mãi.
Và chúng tôi đã vĩnh viễn mất đi người cha vô cùng kính yêu kể từ ngày đó. Tính đến nay, đã 60 năm trời…
**
Ngày 11 – 12 – 1995, với gia đình chúng tôi là một ngày trọng đại. Sau bao nhiêu năm tha hương, mỗi người một ngả, nay, hầu hết anh chị em, con cháu trong đại gia đình chúng tôi đã tề tựu tại Hà Nội để rước di hài của Thầy Mẹ về an tang vĩnh viễn tại quê nhà.
Không sao có thể diễn tả niềm xúc động sâu xa của những đứa con “bị quê hương ruồng bỏ”, nay lại được cùng hương hồn Thầy Mẹ về quê trong sự đón tiếp nồng hậu của chính quyền địa phương và đông đảo bà con gần xa nơi quê cũ. Ngồi trên xe, từ xa, chúng tôi đã thấy đoàn người nối dài cùng cờ phướn… đón đợi chúng tôi.
Xe dừng bánh. Bao nhiêu người nhào ra ôm chúng tôi. Một bà già gầy nhom, nhăn nheo, nước mắt giàn giụa, cầm tay từng đứa một.
– Trời ơi! Đạm Hương, Dư Khánh. Cả O Thảo, O Xuân nữa nì! – Rồi bà liếc quanh – Cả chú Phi, chú Phê… Ai cũng sắp tra cả rồi hè. Gặp được các Chú, các O là chết được rồi. Trời thật có mắt. Không ngờ các O, các Chú giừ lại được ra ri! – Rồi như chợt nhớ ra – Chơ O Nhuần, O Hoa mô?.
Bà là ai mà nhớ vách vách từng người trong gia đình chúng tôi thế này? Tôi thoáng nghĩ trong đầu. Bởi, không thể nào hình dung được đây chính là O Thí, người thiếu nữ đằm thắm, duyên dáng, với thân hình thon thả, mái tóc đen nhánh năm xưa – người giúp việc thân thiết của gia đình chúng tôi.
Chúng tôi ai cũng ứa lệ và đành tạm biệt O vì ai cũng có việc của mình trong ngày lễ trọng đại: tiếp khách, chợ búa, nấu nướng… Chỉ buổi tối, sau khi mọi chuyện xong xuôi, chúng tôi mới có dịp đến thăm hỏi… những gia đình thân cận. Đất nước đã đổi mới cả chục năm rồi nhưng những người nông dân quê tôi vẫn quá nhọc nhằn, lam lũ. Nhìn O Thí tóc bạc trắng, da dẻ nhăn nheo, lưng còng… phải gánh trên vai một gánh nặng gia đình: một ông chồng yếu ớt, một đứa con gái tật nguyền… Nghe lời O kể về những ngày đói khổ chưa qua, nhìn ánh mắt và nụ cười vẫn còn đôi chút tinh anh, rạng rỡ ngày nào mà O vẫn còn giữ lại, để dành cho tất cả anh em chúng tôi trong giây phút này, thấy thương quý O vô cùng và cứ có cảm giác như mình là người có lỗi khi chỉ có thể thổn thức cùng O, biếu O dăm bảy trăm bạc… rồi lại… “biến”. Chẳng có thể làm được gì hơn, ngoài việc lưu lại nhiều dư vị ngọt ngào, cay đắng trong lòng.
Hơn 40 năm xa quê, nay mới được trở lại lần đầu, tôi đã tranh thủ những phút giây rỗi rãi hiếm hoi để bước chân trên những nẻo đường xưa: con đường đến trường, con đường đến chợ Gôi, chợ Choi, con đường ra sông Phố gánh nước, tắm giặt, bơi lội, con đường lên núi hái sim, chặt củi, con đường bé tẹo ngập đầy bùn, cỏ để cất tép, cất tôm hay bắt châu chấu cào cào vào mùa gặt… Tôi chỉ tìm, chỉ nhớ. Sao chúng biến đi đâu cả rồi? Nó chẳng còn chút gì của ngày xưa…
Nhiều lúc tôi nín thở, cố hít hà, mong tìm lại một chút “hương xưa”, của một thời quá vãng: một mùi ruộng ải, một mùi toóc rạ, một mùi lúa mới; một tiếng quẫy mạnh của chú cá dưới ruộng, dưới ao… một tiếng í ới gọi nhau mỗi sáng quanh nồi nước chè xeng vừa mới nấu; cả mùi dưa kho mặn bay ra theo những làn khói mềm quấn trên những mái nhà tranh mỗi chiều se lạnh… Những âm thanh, hương vị, hình ảnh… làm nên đặc sản của một vùng quê đã hằn sâu trong ký ức, trở thành nỗi nhớ niềm thương…, sao tất cả cũng biến đi đâu hết cả rồi?!
Tháng 12, trời se lạnh, mưa phùn đã làm cho hầu hết các nẻo đường quê nhớp nháp, bùn lầy… Cháu Khắc Anh lần đầu về quê, vô cùng ngạc nhiên:
– Không ngờ mảnh đất này lại sinh ra những nhân tài như Ông Niêm, Ông Viện!
– Ông Niêm, Ông Viện thì đã ăn thua gì so với danh y nổi tiếng như Hải Thượng Lãn Ông, như thi hào dân tộc Nguyễn Du, như chí sĩ Phan Đình Phùng, Lý Chính Thắng… Biết bao nhiêu những nhân tài khác cũng sinh ra ở mảnh đất này: Học giả Hoàng Xuân Hãn, thi sĩ Huy Cận, nhà khoa học Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đình Tứ… và biết bao nhân vật ưu tú khác nữa…Quê mình được xem là một vùng địa linh nhân kiệt đó cháu ơi! Chỉ mấy vòng “vô lăng” của cháu là sẽ đến được nơi đã sinh ra các danh nhân nổi tiếng cô vừa kể. Đây cũng là vùng sơn thủy hữu tình đẹp tuyệt vời đó cháu. Xưa kia, từ cái cổng chính nhà mình, mỗi chiều nhìn về phía Tây là cả một vùng trời đẹp rực rỡ, với mặt trời lặn tỏa ánh sáng cả một vùng sơn thủy non xanh nước biếc. Chính nơi đây, xưa kia là một cây đa che nắng cho cả một vùng trời, làm chỗ dừng chân lý tưởng cho bao nhiêu lữ khách, là chỗ để chiều chiều mọi người nghỉ ngơi, hóng mát, là nơi trẻ con thích thú bày mọi trò chơi trốn tìm hay bịt mắt bắt dê. Quanh những bờ ruộng nơi này, chiều chiều chú Phê đi thả ống lươn, sáng mai, thu hoạch cả rổ. Lươn quê mình, nấu với chuối xanh nó có hương vị đặc biệt lạ lùng…
Tôi còn “ba hoa” và thi vị cảnh những ngày lũ lụt, chèo thuyền lên núi hái củi, cất vó, bắt được những chú cá chép to đùng, vảy sáng lấp lánh cả sàn thuyền…
Tôi “xổ” hàng tràng, chẳng biết để quảng cáo lòng yêu quê hương cho thằng cháu lần đầu được biết quê cha, hay chỉ đơn giản muốn được sống lại với quê xưa của mình, dù chỉ bằng ký ức, bằng ngôn ngữ.
Tôi những muốn dồn những ký ức chồng chất của hơn 40 năm xa cách trong những thời khắc vội vàng, ngắn ngủi. Bất lực! Đau xót! Nuối tiếc!… Đọng lại sau chuyến về quê lần ấy là tiếng khóc thảm thiết của cháu gái Thuấn Anh, con người chị cả của tôi trên đồi Phúc De:
– Ông bà cô bác cậu mợ ơi! Con cầu xin ông bà cậu mợ cô bác… linh thiêng, chỉ giùm nơi yên nghỉ của mẹ con, cho con được thắp nén hương cho mẹ. Mẹ ơi, mẹ ở nơi mô? Mẹ linh thiêng chỉ cho con con đường đến mẹ,… mẹ ơi! Mẹ ơi!…
Tiếng “Mẹ ơi…” thổn thức đau đớn âm vang giữa núi đồi Phúc De như cứa vào gan ruột.
Tôi ôm đôi vai rung lên bần bật của cháu, không thốt lên được lời nào, dù trong lòng cũng chỉ muốn gào lên theo cháu:
“Mẹ cháu chết đói chết thảm trong cảnh nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai biết mẹ cháu ra đi lúc mô để mà chôn cất cháu ơi!… Thôi cháu cứ khóc đi cho lòng vơi nhẹ! Cả nhà sẽ cầu nguyện cho linh hồn mẹ được siêu thoát nơi tiên cảnh…”
Ngày mẹ cháu mất, cháu lên 10. Nay cháu cũng đã trở thành người thiên cổ. Cầu mong nơi suối vàng, hai mẹ con cháu sẽ được sum họp cùng nhau.
*
* *
Sau chuyến về quê năm ấy, cháu Nguyễn Chí Linh, đích tôn của Thầy Mẹ đã nung nấu kế hoạch khôi phục mái nhà xưa trên mảnh đất vốn của Thầy Mẹ. Nhưng mãi đến năm 2011, ngôi nhà tưởng niệm mới hoàn thành…
Tuy không thể khôi phục lại như xưa, nhưng từ nay, chúng tôi lại có một nơi chốn để đi về. Bà con ở quê tôi đã có nơi hội họp, cưới xin; những người hiếu học quê tôi có nơi đọc sách, bình thơ. Căn nhà tưởng niệm của gia đình tôi đồng thời là câu lạc bộ thể thao cho bà con trong xã, cho thầy trò của các trường Phổ thông lân cận đến vui chơi tập tành, thi đấu. Nếu không may, lũ lớn tràn về, căn nhà của gia đình tôi cũng có thể cứu được hàng trăm con người…
Cám ơn cháu Nguyễn Chí Linh – cháu thật xứng đáng là đích tôn của ông bà nội. Cháu đã làm một việc hiếu nghĩa biết bao cho dòng họ, hữu ích biết bao cho quê hương…
(Trích từ hai phần “Tha hương” và “Trở về quê cũ” trong tự truyện “Chuyện chưa kể hết” của Nguyễn Thị Dư Khánh vừa hoàn thành tháng 5/2014)
(*) Nhan đề của người biên soạn.