Tưởng nhớ một người bạn làm báo

Nhân ngày báo chí Việt Nam 21.6

Trần Văn Chánh

Văn Việt: Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh, viết về nhà báo quá cố Lê Đình Viễn, cũng là cộng tác viên Văn Việt với những truyện ngắn đặc sắc dưới bút danh Kinh Bắc. Văn Việt xin thắp một nén tâm nhang trước linh ảnh nhà báo-nhà văn Kinh Bắc nhân 100 ngày ông qua đời, cầu chúc hương hồn ông siêu thoát.

Tôi với anh Sáu Du (sinh 1949, tên thật Nguyễn Đức Thành, tên khai sinh Lê Đình Viễn, bút hiệu Kiều Phong, Kinh Bắc…) có quan hệ bạn bè ở giai đoạn muộn, tức là sau năm 1975 khá lâu, nhưng qua vài bạn thân chung khác kể lại nhiều lần trong những cuộc trà dư tửu hậu, được biết cuộc đời anh từ thuở ấu thơ cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay có khá nhiều nỗi gian truân phức tạp.

Sinh ra ở đất Bắc, cha là một chiến sĩ cách mạng đã hi sinh trong thời kỳ kháng Pháp, anh theo mẹ vào Nam từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, cùng với hai anh em trai nữa sống trong những điều kiện hết sức khó khăn nhưng đều được người mẹ lo cho ăn học khá đầy đủ. Năm 1969, khi còn là học sinh trung học, nghe theo tiếng gọi của non sông, trong sự bồng bột của tuổi trẻ, anh đã tích cực hoạt động trong các phong trào học sinh đô thị tại Sài Gòn rồi hăm hở vào chiến khu tham gia cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt mà lúc đó cũng như không ít bạn đồng học cùng lứa khác, anh mường tượng dường như là con đường duy nhất để “cứu nước”. Cái tên Sáu Du của anh, sau này tôi mới biết, là lấy từ tên Lục Du, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng thời Bắc Tống bên Trung Quốc. Tuy nhiên, với tính cách một con người lãng mạn có cuộc sống nội tâm thiên về tình cảm, khó chấp nhận những tình huống quá gay go liên quan sinh mạng con người, cũng như cái phương châm cứu cánh biện minh phương tiện, anh đã không theo đuổi đến cùng mộng giang sơn to lớn, mà “bán đồ nhi phế”, từ năm 1972 (khoảng một năm sau sự kiện sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát tại Đại học Luật khoa Sài Gòn), thành thử cuộc đời anh sau 30.4.1975 cũng có nhiều ziczăc. Mặc dù vậy, chưa bao giờ nghe anh than phiền về những nỗi lận đận cá nhân, cuộc sống thiếu thốn riêng, trái lại trong những lúc trà dư tửu hậu, chỉ nghe anh nói toàn chuyện văn chương và bình luận thời cuộc, thái độ trông có vẻ nóng nảy bức xúc lắm. Có phải chăng, đôi lúc tôi nghĩ, dường như đây cũng là cái cách để anh tự an ủi, cho tạm vượt qua những nỗi thống khổ hằn sâu trong tâm khảm khi thấy tuổi đời ngày một già đi mà mình thì đã hoàn toàn bất lực, cả việc nước lẫn việc nhà đều không trọn vẹn, còn cái lý tưởng ấp ủ đóng góp cho quê hương từ thuở đầu xanh kia thì đã có vẻ ngày càng xa rời so với hiện thực chính trị-xã hội hiện thời quá phức tạp?

Một trong những đặc điểm sinh hoạt của anh Sáu Du là uống rượu nhiều, cả về số lần lẫn số lượng, khá được biết trong anh em “giang hồ” dưới cái tên nhà báo Kiều Phong nổi tiếng về cái khoản gây nên đủ thứ bệnh tật này. Nếu là chỗ bạn thân tin tưởng nhau, ai rủ là anh chịu liền không hề đắn đo, bất kể đường đi lại xa gần, dù khuya hay sớm, lại còn thường đòi uống thêm khi các bạn tương tri đã mệt. Không thuyết phục được bạn chia sẻ thêm, anh thường lảo đảo chạy về nhà ngồi uống một mình, rồi lấy giấy ra viết. Có khi ngay trong buổi nhậu, anh móc tờ giấy lịch ra ghi ở mặt sau, xuất khẩu thành chương ngay một bài thơ, rồi trao cho một người bạn ngồi chung mà anh muốn được chia sẻ, ý tứ bất chợt thần sầu mà bay bổng, nhưng lời thơ thường vẫn đủ vẻ thanh tân của nghệ thuật thơ ca hiện đại. Đây cũng là một cái tài đặc biệt mà thỉnh thoảng chúng ta chỉ được biết qua một số nhân vật tiểu thuyết đời cổ, và sự thật, không ít truyện ngắn, bài thơ hay của anh đã được sáng tác trong những hoàn cảnh cảm hứng tương tự như vậy.

Nhìn bề ngoài vì thế người ta dễ nhận lầm anh Sáu Du như một kẻ sống buông thả, ăn nói bỗ bã, bất cần, nhưng thật ra lại là người rất có ý tứ. Ngoài tính trung thực và đức liêm chính, anh còn là một người sống rất giản dị, biết dè sẻn tiết kiệm từng đồng cho mình và cho người khác. Chúa ghét những hình thức phô trương màu mè bề ngoài, thói xun xoe tự đại, gian lận bằng cấp, nhất là những mô hình thi đua lập thành tích lãnh giấy khen hay huy chương, huy hiệu, danh hiệu trong các cơ quan trường học, mà anh cho rằng chỉ khiến nhân tâm rối loạn, gây chia rẽ, và làm cho con người ta sống hèn kém đi. Có ý chí quyết tâm cao, như khi quyết định bỏ thuốc lá mười năm trước và bỏ rượu gần đây (lúc biết có bệnh) thì tuyệt nhiên không quay lại với chúng nữa. Hiếu học và ham mê đọc sách, chú trọng văn chương, chính trị và triết học (từ triết học Marx đến triết học tư sản), khi rảnh việc nhà hoặc không đi đâu gặp bạn bè thì tay không bao giờ rời khỏi cuốn sách (thủ bất thích quyển). Trong lĩnh vực học vấn, anh luôn tỏ ra khiêm tốn, điều gì không biết thì hỏi, dù hỏi người nhỏ tuổi hơn mình, đúng với câu người xưa, “mẫn nhi hiếu học, bất sỉ hạ vấn” (thông minh và hiếu học thì không thẹn hỏi kẻ dưới mình). Anh cũng rất yêu thương vợ con nữa, chăm lo cho các cháu từng li từng tí từ lúc ấu thơ cho tới khi khôn lớn, kể cả việc nấu ăn, giặt giũ… Đặc biệt biết thủ tín, chí tình với bạn bè, khi đã muốn giúp ai thì hết lòng hết dạ không ngại gian khó, như làm việc cho chính mình. Nhờ vậy, bạn bè cũng biết lướt bỏ qua cho anh một vài khuyết điểm, như cái tính dễ cau có, quá chi li tỉ mỉ đến trở thành khó khăn/ khó chịu; hoặc cực đoan, thiếu khoan dung trước một số kẻ anh cho là dỏm đời hay cơ hội, mà lẽ ra anh phải ráng cảm thông, dung nạp không nhiều cũng ít trong cái kiểu tổ chức xã hội có vẻ ít thuận lợi cho người trung thực, và trong cái cõi ta bà phức tạp đa nguyên đa dạng này.

Nhậu nhiều, theo một cách nhìn nào đó có thể được coi là một trong những chỗ hỏng của đời anh, vì người uống rượu nhiều chí tình với bạn chỉ có lãi về mặt tình cảm chứ ít ai theo đuổi sự nghiệp gì được lâu bền, nhất là sự nghiệp thăng tiến chức vụ, do ăn nói thiệt tình dễ bị khinh suất cho người bắt bẻ; nếu cộng thêm cái tính khảng khái ưa ăn ngay xổ thẳng dễ gây mích lòng người khác thì cuộc đời anh không có lúc thất thơ thất thểu mới là chuyện lạ. Bởi thế, anh chủ yếu có năng lực làm báo-viết báo-viết văn nhưng không làm việc được ở đâu lâu. Năm 1975-1977 làm việc ở ban biên tập báo Tuổi Trẻ trong thời kỳ đầu thành lập, được gần 3 năm; sau đó, vì lý do lý lịch “có vấn đề”, bị chuyển công tác đến Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới ở Xuyên Mộc, kế đến lại được rút về công tác tuyên huấn và làm báo nội bộ tại nông trại cải tạo thuộc Nông trường Duyên Hải (TP. HCM); năm 1984 tham gia làm báo Cao Su Việt Nam; đến năm 1986, do được sự nâng đỡ của người phụ trách tờ báo vốn là chỗ anh em trong thời kỳ “tuổi xanh kết bạn xoay trời đất”, anh vào làm việc ở báo Công An TP. HCM một thời gian, mà sau này anh thường tâm sự mục đích gần như duy nhất là để kiếm tiền nuôi hai đứa con thơ dại.

Con người mà, cho dù bản tính ngang tàng, làm sao khỏi có chút mâu thuẫn, hoặc buộc phải sống/ làm việc trong trạng thái đa nhân cách: sau gần 10 năm lận đận, được làm việc cho một tờ báo có lượng phát hành cao nhất trong khu vực phía Nam lúc đó, dường như tâm trạng anh cũng phảng phất có chút tự hào, xen lẫn với chút mặc cảm tự ti phải chịu khuất phục kỷ luật chung vì lý do cơm áo. Nhận xét về một con người vì vậy thiết tưởng cần có sự khoan dung, hiểu được sâu sắc lý do các hoạt động, và biết đặt con người đó vào trong những tình huống, bối cảnh sinh động cụ thể. Tuy nhiên, trong thời gian làm việc tại đây, dưới bút hiệu Kiều Phong, anh chưa bao giờ viết những bài “lá cải” hoặc bẻ cong ngòi bút, mà còn đã thực hiện được nhiều bài viết hoặc thiên phóng sự có nội dung chống tham nhũng, chống áp bức bất công để bảo vệ cho dân lành vô tội, được nhiều độc giả tín nhiệm. Trong điều kiện không có tự do báo chí, hoặc chỉ được tự do trên danh nghĩa, với quá nhiều quy định vô hình không ghi công khai trên văn bản, làm báo-viết báo là một việc khó khăn tế nhị. Anh tâm sự, đôi khi gặp phải những tình huống gay go phức tạp không viết lên sự thật được, lương tâm chức nghiệp bị xúc phạm, thì cảm thấy hổ thẹn lắm nhưng cũng giống như Tôn Ngộ Không bị cái vòng kim cô của Quan Âm Bồ Tát siết chặt, không làm sao khác hơn được, ngoài cái cách tương đối khôn ngoan là tránh không đụng tới những đề tài quá hóc búa, những “ổ kiến lửa”, để khỏi mang thêm cái tội “nhà báo nói láo ăn tiền”. Vì thế, nhiều bạn đồng sự tuy hơi có khoảng cách vì chưa thể chia sẻ hết với thái độ và tính cách sống khá rạch ròi của anh nhưng đa số họ đều kính phục phần tư cách và nhiệt huyết, ngày đám tang anh (4.3.2016), anh em đều đến dự đông đủ để thắp cho anh một nén hương quyết biệt.

Trước đó, anh cũng đã nghỉ làm việc sớm ở báo Công An vì lý do sức khỏe, rồi vì thiếu nhiều thứ động lực thúc đẩy nên sau đó hầu như chẳng còn làm gì cả, ngoài việc thường xuyên gặp gỡ anh em tâm sự, nói chuyện văn chương và bình luận thời cuộc; chỉ thỉnh thoảng mới sáng tác một, hai bài thơ hoặc truyện ngắn để phản ảnh việc đời hoặc tả nỗi bức xúc này khác.

Cuối đời, từ năm 2011, được sự khích lệ của một người bạn thân, anh tham gia phụ trách trang Văn hóa-Văn nghệ cho tờ Suối Nguồn, một đặc san có nội dung Văn-Sử-Triết-Tôn giáo do Hòa thượng Thích Minh Cảnh thuộc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang chủ biên, NXB Hồng Đức xuất bản trung bình khoảng 3 tháng một kỳ. Tại đây, tuy không phải chỗ để kiếm tiền, ai cũng thấy anh luôn làm việc với tinh thần đầy trách nhiệm nhưng lại rất thong dong vui vẻ, có thể vì đã trúng vào chỗ “quê nhà” của anh, nơi không có những tình cảnh “lưu đày” là cảnh anh vốn muốn thoát ra vì trong đó người ta thường bắt buộc đôi khi phải đối xử nếu không giả dối thì cũng thiếu thành thật, phải hơn thua nhau mọi chuyện để kiếm sống, hoặc phải tranh thủ để đạt được những thứ này thứ khác.

Trong khoảng thời gian này, gặp nhau hầu như mỗi ngày, anh thường bày tỏ với tôi nguyện vọng muốn viết một tập hồi ký, vừa kể chuyện đời, vừa để bày tỏ sự phản tỉnh, tự kiểm điểm lại mình một số nhận thức anh cho là sai lầm về chính trị và sự lựa chọn theo đó mà suốt thời trai trẻ anh đã thiếu điều kiện chín muồi về tư tưởng cũng như chưa đủ kinh nghiệm thâm nhập thực tế để kịp nhận ra hết. Tôi khuyến khích, nhưng góp ý thêm (dù biết anh nhận ra vấn đề khá trễ sau này nhờ thu lượm ngày một thêm được nhiều thông tin liên quan thực tại chính trị và lịch sử chứ khoảng những năm 1975-1980 thì vẫn còn “đỏ” lắm): anh không tự hào về quá khứ thì đành rồi, nhưng cũng không nên tỏ sự hối tiếc chuyện cũ vì nếu đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc đó, sự lựa chọn của anh dù có “lạc đường” như bao thanh niên nhiệt huyết khác cũng có điểm đẹp đáng được trân trọng. Anh viết được vài trang hồi ký đưa cho coi, nhưng sau đó bỏ dở, chủ yếu có lẽ vì lý do sức khỏe đang ngày càng tồi tệ.

Không viết được thì anh nói, làm báo miệng, thường phát biểu những câu văng mạng khi đánh giá về tình hình kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội hiện thời đang ngày càng xấu đi, tôi và vài bạn khác phải can anh nên bớt nóng nảy. Tuy nhiên, vẫn thích nghe anh nói chuyện thời sự các mặt, gặp anh thì đỡ tốn tiền mua báo (chỉ tốn ít tiền cà phê hoặc xị rượu, mà lắm khi anh giành trả), và giảm được khoảng thời gian lướt mạng, vì anh thất nghiệp có nhiều thì giờ đọc để theo dõi, lại nhớ dai, có khả năng-kinh nghiệm dự đoán tương lai về thời cuộc rất khá, như khi thấy vài biểu hiện bất thường trong chính giới đã đoán trúng kết quả bầu cử của Đại hội 12 trong khi không ít người khác đoán sai…. Tôi bận việc ít vào mạng internet, chỉ đọc lơ mơ vài báo giấy (gần đây thì chuyên đọc các loại báo “lá cải” để theo dõi sự tăng trưởng của tình trạng tội ác và ô nhiễm thực phẩm trong nước), phần nhiều nhờ anh mà có được thông tin này khác, một thứ thông tin đã được anh gạn lọc, phân tích kỹ, chứ không tin tưởng mù quáng.

Theo anh, thể chế chính trị ở Việt Nam nếu không sửa đổi một cách căn bản và hệ thống theo con đường dân chủ hóa mạnh mẽ đời sống xã hội với các quyền tự do thực chất về mọi mặt để hòa nhập vào đại bộ phận thế giới văn minh thì trước sau gì cũng không tránh khỏi sụp đổ, vấn đề chỉ còn là thời gian, nhưng nếu để cho nó sụp đổ thê thảm gây nhiều xáo trộn thì cũng chẳng tốt lành gì cho dân, cho nước. Vì thế, về mặt quan điểm, anh tỏ ra rất ủng hộ những người cộng sản cả già lẫn trẻ và tầng lớp trí thức có tư tưởng tiến bộ, thật tâm cải cách, muốn chuyển hóa chính trị theo đường lối ôn hòa, cho đó là sự lựa chọn duy nhất đúng, thực hiện càng sớm càng tốt, để ổn định chính trị, thống nhất nhân tâm. Về phương diện kinh tế, phải thực hành nền kinh tế thị trường có điều tiết nhưng không để kéo thêm cái đuôi sọc dưa lòng thòng “xã hội chủ nghĩa”, mà một trong những nội dung cần giải quyết là vấn đề xác định rõ quyền tư hữu, bằng cách trước hết xóa bỏ nguyên tắc ghi trong Hiến pháp “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, rồi thực thi theo một lộ trình hợp lý, tránh tất cả mọi sự lạm dụng có thể xảy ra của những phần tử đặc quyền đặc lợi. Đây là những điều kiện tiên quyết về chính trị-kinh tế nhằm khắc phục có hiệu quả hơn đối với quốc nạn tham nhũng đã và đang tiếp tục đẩy nông dân, công nhân và nhân dân lao động nghèo vào con đường lao đao lận đận không lối thoát, cũng như đối với nạn phá hủy môi trường tàn tệ, tình trạng đời sống văn hóa-đạo đức xuống cấp tới mức lâm nguy, kèm theo những thứ tệ nạn xã hội khác đang hoành hành trên diện rộng vô phương cứu chữa, để tiến tới phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội một cách bền vững. Cũng là điều kiện tiên quyết để đối phó hiệu quả với những mối đe dọa lãnh thổ từ bên ngoài. Một trong những điều anh ưu tư nhất là vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc, cần có tính thực chất chứ không chỉ rêu rao ngoài cửa miệng….

Càng nghe anh nói thì anh càng hứng thú, như tạm được ru ngủ để quên đi biết bao nỗi buồn lớn nhỏ khác trong cuộc đời. Có điều, trong khi bàn luận việc gì, anh cũng biết chú ý lắng nghe những ý kiến đối lập, chứ không bất lịch sự giành nói và cắt ngang lời của người khác.

Anh cũng có nguyện vọng viết thêm vài truyện ngắn để gộp chung với một số truyện cũ sẵn có đã viết trước, in thành một tập sách với số lượng ít để chia sẻ tâm tư với bạn bè, nhưng ý định khiêm tốn đó chưa thành thì đã vĩnh viễn ra đi mang theo cả một bầu tâm sự phức tạp trong niềm tiếc thương của không ít bè bạn thân quen.

Rốt cuộc, khoảng thời gian nêu trên, trong hoàn cảnh rất khó khăn về sinh hoạt cá nhân và bệnh tật, anh Sáu Du chỉ viết thêm được vài ba truyện ngắn, năm ba bài thơ. Ngoài ra, anh cũng đã cùng với tôi chủ biên 2 tập thơ Cùng một lứa bên trời lận đậnGặp gỡ nhau…, mỗi tập đều tuyển “108 bài thơ rượu giang hồ khí cốt”. Biết anh giỏi thơ, sành cả về phương diện lý thuyết thi ca, nên trong lúc tuyển chọn, tôi phần nhiều lấy ý kiến quyết định của anh làm chuẩn, rồi mới tham khảo thêm người khác. Bản thân anh cũng đã có vài bài phân tích-lý luận có chất lượng về thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, đăng trên đặc san Suối Nguồn. Truyện ngắn đăng báo cuối cùng của anh, ban đầu trên nguyệt san Công Giáo & Dân Tộc rồi sau được đưa vào một tuyển tập truyện ngắn của nhóm Văn Việt (xuất bản năm 2015 tại Hoa Kỳ), là truyện “Chử Giang và tôi”, kể chuyện đời thường trong một xứ đạo Công giáo, với nghệ thuật cấu tứ và thể hiện nội dung đáng được coi thuộc trình độ khá cao. Bài thơ được in cuối cùng của anh là bài “Đành thôi”, đăng trên đặc san Suối Nguồn số 19 (tháng 12.2016), liền sau đó được người bạn là Nguyễn Hải phổ nhạc. Ngày đám tang và cúng 49 ngày của anh tổ chức tại gia đình, anh Nguyễn Hải đích thân vừa đàn vừa hát, cử tọa ai nghe cũng thấy ngậm ngùi, thương cảm:

đành thôi không nói nữa

đành thôi anh ngậm ngùi

về đâu về đâu chứ

tình mình như sông trôi

(…)

mai sau dù không hẹn

thì anh vẫn quay về

xin làm chăn chiếu đợi

khóc một đời đam mê.

Nhìn chung, cả đời anh sống tương đối nghèo (nói “tương đối”, vì đại đa số dân chúng còn nghèo hơn), không chú ý kiếm nhà cao cửa rộng, cũng không giữ được chức vụ gì đáng kể trong những tổ chức đã tham dự. Chẳng dám chắc trăm phần trăm có phải anh cũng ham muốn bình thường như phần đông người khác mà chẳng đạt được đâm ra bất chấp bất cần đời, do mâu thuẫn bản thân của con người lè phè ham vui với nhiều mặt hạn chế, khuyết điểm, “tài bất cập chí” (tài không theo kịp chí), hay do anh đã thấm nhuần và thực hành theo câu nói của người xưa, từ đó lựa chọn một thái độ sống dứt khoát: “Khi quốc gia đang ở trong tình trạng hắc ám về chính trị mà lo chạy theo danh lợi để cầu được giàu và sang là điều đáng hổ thẹn” (Bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã – Luận ngữ, thiên “Thái Bá”).

Anh Sáu Du về sau ngày càng điếc đặc (khoảng trên dưới 90%), nghe đâu vì là tật di truyền không đeo máy trợ thính được, nên khi cần trao đổi gì với người khác (kể cả với vợ con) chỉ có cách “bút đàm” và nhắn tin qua ĐTDĐ. Tin nhắn của anh tôi xem xong thường xóa bỏ, nhưng những tin cuối cùng trước khi anh qua đời trong vòng chừng một tháng thì đến nay vẫn còn lưu giữ để làm kỷ niệm. Trong số đó, có 2 tin đáng chú ý trước khi anh mất chừng hai tuần, nhắn qua một người bạn thân khác rồi người đó nhắn lại tôi, cho thấy mãi đến khi sức tàn lực kiệt, tuy anh không làm gì được để đóng góp thêm cho đời, mà lòng vẫn còn trĩu nặng những niềm lo âu trăn trở: “Vì sao. Vì đâu mà nền văn hóa Việt Nam suy tàn?” (tin nhắn lúc 21 giờ ngày 21.2.2016); “Chỉ mong dân hai miền thật sự thống nhất thương yêu nhau, đừng để bọn âm mưu bán nước chia rẽ” (tin nhắn lúc 22g57 ph cùng ngày).

15.6.2016

Comments are closed.