TƯỜNG SẮT

Truyện

Tru Sa

(Tiếp theo và hết)

Một năm nữa trôi qua, tôi lớn thêm một tuổi. Tôi học trường khác. Lễ bế giảng mỗi năm tôi thường tỏ ra tiếc nuối và còn òa khóc khi ôm lấy mỗi người bạn. Tôi không nghĩ mình lại là đứa mau nước mắt nhưng ngày hôm đấy hễ tôi muốn là khóc được. Ai nấy đều tin nước mắt tôi là thật lòng. Nhiều lời khen tặng, nhiều vòng ôm dành cho tôi. Có kẻ đã tặng hết phần thưởng cuối năm cho tôi. Cô nàng hoa khôi của lớp đã hiến tặng tôi nụ hôn đầu đời. Hình ảnh tôi trong họ còn quá trong sáng, và họ sẽ giữ lấy nó cho tới ngày hội ngộ (Dù chẳng bao giờ có ngày đó).

Vai diễn thằng ngốc lừa được tình cảm nhiều người hơn tôi nghĩ. “Học sinh ngoan, hiền lành, hòa đồng dù nhiều lúc hơi hiếu động…”. – Đấy là cát-xê diễn của tôi. Nó quá hậu hĩnh. Và như thế, trong mấy chục năm không ai thù hằn với tôi cả. Nhiều đứa coi tôi như tri kỷ và đấy là một thành công khác, cho vai diễn quá sức xuất thần. Vòng nguyệt quế kết bằng lông nhím này, nó dành cho ngươi, và chỉ chính ngươi…

Những bạn hữu mà tôi luôn muốn bầu bạn đã chết. Ông nội tôi đã đại đồ sát họ bằng ngọn lửa Ares. Giờ đây tôi chỉ biết ngồi viết. Tôi để tang cho sách bằng chữ của mình. Cả buổi tối tôi không làm bài tập, không học bài, thậm chí còn chẳng thèm soạn sách vở cho ngày hôm sau. Tôi ngồi viết, chữ đổ kín trang viết. Hồ như tôi không để mình nghỉ tay. Chỉ viết, và viết. Mong linh hồn của họ sẽ xá tội cho ông tôi. Tôi sẵn sàng lấy hồn mình để trả tội. Trên căn gác chỉ có tôi. Sách, thứ Đạo dẫn lối đã không còn. Lũ hề đang tạm chết. Tôi ngồi dựa vào cây thánh giá và viết tội trạng của mình.

Nghe thấy tiếng cộc cộc của đầu gậy, tôi giật nảy người. Trên bàn viết bừa bộn giấy và vở ghi. Không có lấy một cuốn vở học hay sách giáo khoa. Tôi đọc thật to các công thức, định nghĩa, phương trình toán. Vừa đọc tôi vừa run rẩy nhưng cố không để cảm xúc làm loãng tiếng đọc vạm vỡ. Chiếc batoong đã rời đi. Tôi ngã vật xuống bàn và thở phào.

Những ngày sau đấy tôi cẩn thận hơn. Trên mặt bàn lúc nào cũng có sách giáo khoa, vở ghi trên lớp. Thế nhưng rắc rối lại có ngay.

“Chẳng có hơn mười nghìn”.- Túi tôi rỗng tuếch trong khi tôi luôn thiếu giấy bút.

Tôi xin tiền mẹ, chỉ phần nào đó vì rất có thể ông nội sẽ bắt gặp. Những đứa bạn cùng lớp sẵn sàng bỏ tiền túi để mua cho tôi sách bút. Để họ tự nguyện thế thì tôi đã phải hạ mình. Làm họ vui bằng cách học biết sở trường của họ, nhưng rõ ràng tôi không được trội hơn. Tôi biết hút thuốc từ lâu nhưng vẫn phải vờ như mình chưa ngậm điếu thuốc trong miệng bao giờ. Để họ phấn khích, tôi chối đây đẩy rằng sợ bị cô giáo bắt, chưa đến tuổi hút… Họ nào để tôi yên và đấy cũng là điều tôi chờ. Tôi rít thuốc, ho sặc sụa, giãy chân giãy tay. Cái điệu bộ của tôi làm họ thích chí và cười hô hố cùng nhau. Trò họ chơi, tôi cũng chơi. Món họ ăn, tôi cũng nghiền. Họ uống rượu và xem phim khiêu dâm cùng nhau, tôi cũng xin nhập hội. Vai khỉ của tôi tới giờ vẫn chưa lỗi thời.

Tôi đối đãi người đời bằng thân phận không phải là tôi. Những kẻ tôi mà chưa một lần tôi muốn nhận mặt. Vứt bỏ chúng, tôi không làm được. Chỉ cần thiếu chúng, dù nửa ngày tôi không biết làm sao để bảo vệ mình. Đấy đã là thứ trang phục tối thiểu nhất tôi bắt buộc phải mặc để không bị trần truồng…

Tôi chết từ trong trứng mẹ. Máu trong người tôi từ lâu đã khô kiệt. Tôi là kẻ có tội và cuộc đời tôi chỉ là sự xưng tội.

***

“Cháu muốn theo nghề gì?” – Ông nội gọi tôi lại hỏi khi tôi đi học về.

“Cháu còn đang đi học mà ông”. – Tôi đáp lời, không quên nở nụ cười.

“Không lâu nữa cháu sẽ học xong, sẽ phải tìm việc cho mình”.

“Cháu muốn sưu tập sách”.

“Ồ, cháu yêu, đấy không thể coi là nghề”.

“Viết sách thì sao hả ông”.

“Ý cháu là trở thành nhà văn. Cháu vẫn thường viết cái gì sao?”.

“Dạ không… Viết gì được chứ… Chỉ là cháu thấy nhà văn thường được công chúng ngưỡng mộ. Sẽ làm rạng danh dòng họ Tru”.

“Nghĩ hay lắm cháu yêu. Nhưng này cháu…”. – Ông nội gõ cây batoong xuống đất – “Dòng họ Tru không cần nhà văn. Nghệ sỹ là những kẻ không siêu sinh…”.

“Họ hiểu quá cái thế nhân này rồi. Này ông, họ sống mái vì thứ gọi là Người. Đấy là những Uriel”, – Tôi hét vang trong đầu mình. Cái tiếng nói này đây, đang muốn phá nát tôi để thoát ra ngoài. Cơn giận của gió, là cuồng phong. Tôi muốn người ông mang trong mình chữ thập ngoặc này nghe thấy. Ông chẳng biết được tội lỗi của mình lớn nhường nào. Thiêu đốt sách, chỉ có loài Satan.

“…”. – Tôi câm bặt. Tôi nhường xác mình cho những kẻ vẫn luôn chầu chực trong tôi. Bọn ngươi thèm khát thân xác này lắm đây, giờ thì ta thí nó cho lũ ngươi, chỉ đổi lại các ngươi hãy giúp ta qua mặt ông nội mình, hãy làm ơn.

“Học viện G rất tốt đấy. Cháu nên theo khoa Sử hoặc Luật”. – Ông nội vừa nói vừa xoay đầu gậy batoong.

“Học viện G. Dạ vâng, học viện G”.

Tôi bổ trợ sự thiếu thốn về sách bằng cách tìm đến những cửa hàng sách cũ. Đọc ké và không mua lấy một cuốn dù được giảm giá tới mức cho không. Ông nội tôi còn đấy và ai mà biết ông ấy sẽ làm gì nếu bắt quả tang tôi. Mẹ không bao giờ hỏi tôi tại sao mua nhiều giấy bút. Bà luôn hờ hững như một mảnh sương đi lạc. Miễn là bà chịu tiếp tế tôi bằng cách cung cấp tiền để mua giấy bút là tôi đã phải mang ơn bà.

Những bản viết của tôi ngày một nhiều. Ngoài các cáo trạng tôi viết cho mình, tôi còn ghi lại một thứ bỗng chốc nảy từ đầu mình. Cũng có thể tôi chợt nhớ đến một cuốn sách ngày trước và ghi đôi điều xúc cảm. Cho đến nay chưa một ai biết về hồ sơ mật của tôi. Bẵng đi một thời gian, căn gác của tôi trở lại với sự lộn xộn, bẩn thỉu vốn có. Đám côn trùng sinh sôi trở lại. Ruồi muỗi bay vèo vèo. Mạng nhện chằng chịt trần nhà. Nếu rọi đèn lên trần, sẽ thấy hằng hà xác bướm dính trên lưới nhện. Một căn gác luôn tối, chật chội, bừa bãi và nhiều gián, mối chẳng thể gọi là chỗ ở của người. Nhưng chỉ cái môi trường này mới phù hợp và dành cho tôi. Đây là nhà ngục của tôi, cũng là Nghiệt Kính Đài (4) của riêng tôi. Tôi là tù phạm và kiêm luôn cai ngục. Kẻ tôi ở đây thành khẩn cung khai. Nhà tù, cũng là chỗ nương thân của tôi, đến nay vẫn chưa bị ai phát giác.

Nhà Vòng vẫn là nơi tôi sợ phải vào nhất. Ngày giỗ, tết hoặc một ngày nào đấy do ông nội bắt buộc tôi đều phải vào thắp hương. Quỳ dưới điện thờ, cúng vái trong khi tôi còn chẳng hiểu họ thế nào. Ông nội cung kính với các vị tằng tổ và thường xuyên nhang khói. Chỉ riêng cha là ít được nhắc đến. Còn việc hương đèn thì ông nội chỉ đốt vào ngày giỗ, duy nhất vào ngày đấy. Tại sao ư? Vì cha chỉ là rể. Mẹ tôi mới thực sự là người họ Tru. Cha tôi mang dòng máu lạ và để hoàn toàn được bên mẹ cha đã phải mang họ Tru. Dòng giống của cha được nối tiếp bằng tôi nhưng thứ hạt giống đó bị tước quyền nảy mầm trên đất tiên tổ. Ông nội họ Tru, mẹ họ Tru, cha tôi họ Tru và tôi cũng là người họ Tru.

“Những năm…Trên chiến trận miền nam…”. – Một loạt những chuyện hiển hách của tổ tiên được kể ra. Đáng ra tôi không hề muốn nghe nhưng vì e sợ cây batoong sẽ gõ lên đầu mình tôi phải ngồi đấy. Thành khẩn. Lắng nghe. Cặp mắt chăm chú, hồ hởi và tỏ ra nôn nóng mỗi khi ông nội ngừng kể vì một cơn ho.

Hương cháy và tôi để mặc mình tan rữa theo màn hương.

Anh hùng. Thế nào mới là anh hùng đây? Xông pha chiến trường cứu lấy chủ tướng… Chặt đầu tướng giặc… Lấy xác giữ thẳng lá quốc kì… Tự biến mình thành mồi lửa để đốt sạch chiến trường… Hay… Thế này, thế kia… Trên hết, một người hùng thì phải biết giết người và không ngại giết người. Không ai định tội sát nhân cho người hùng cả. Chiến tranh, đấy chỉ là sự suy vong của tính người. Họ thỏa sức bắn giết, chẻ xác lẫn nhau, để máu ngấm đỏ đất mẹ. Nỗi ăn năn của mỗi người họ là cái chết của những đồng chí, sự lở lét của giống nòi bởi ác nghiệp họ chuốc từ chiến tranh, hoặc rằng họ ngã xuống khi mà tính ác chưa nguôi và còn muốn giết người… Mọi trang sử đều là máu, bức họa đồ khuyết gốc, và là con cá chép hóa rồng từ thịt người. Thánh Phù Đổng là anh hùng lịch sử cũng là nạn nhân của lịch sử. Một đứa trẻ bị ăn thịt tuổi thơ. Chiến thắng, cũng chỉ là Linh Sơn của Quỷ. Vậy sao nhiều người vẫn luôn nhắc về những thứ tàn khốc với sự ngạo nghễ… Tôi quá xa thời đại của họ hay tôi không hiểu được họ…

Cái mẫu từ “Ngày xưa…” luôn làm tôi run sợ, như huyết thống dòng họ Tru mà tôi là kẻ phải kế thừa.

Giờ đây tôi muốn kết thúc trang viết của mình. Căn gác chật chội, cây đèn bàn luôn được tôi vặn nhỏ tới mức chỉ đủ nhìn. Ở đây, tiếng sục sạo của một con chuột đói, tiếng quẫy mình của một con muỗi bay lạc vào lưới nhện, nhưng rõ ràng nhất vẫn là tiếng thì thầm của chính tôi với trang viết. Tôi chưa bao giờ mở đèn quá sáng. Ngay từ nhỏ tôi đã không ưa mặt trời rồi. Mỗi khi cúp điện, bóng đèn chợt tắt vì đứt dây tóc, nổ cầu chì hay gì đấy miễn là trong một khoảnh khắc nhỏ ánh sáng bị mất đi thì tôi là người vui nhất. Những kẻ quanh tôi, phần lớn là thế thường la toáng lên, rồi loay hoay gọi nhau như sợ rằng mình sẽ lạc mất khỏi thế gian. Riêng tôi ngồi (hoặc đứng) một chỗ, và thấy thanh thản. Tôi tạm vắng khỏi bọn họ trong lúc đấy. Vầng thái dương không mang đến tôi sự tin tưởng. Chính thứ ánh sáng rực rỡ từ cánh chim lửa làm hết thảy chúng ta nhầm lẫn. Chẳng gì quang vinh khi rèm tối buông dày, bình minh còn tàn chết chừng nào xác chết còn thống trị cõi trần gian. Thứ vây bám quanh mỗi người chỉ là một bó chỉ bùng nhùng với một đầu được gắn với cổ tay. Đầu còn lại không rõ nơi đâu. Loại chỉ này mỏng lắm, và trong suốt, có đứt cũng chẳng ai biết. Tự thao túng mình. Tôi căm thù chính tôi. Sẽ nhiều người còn ghi nhớ một tôi trong quá khứ là đứa trẻ ngoan, dễ bảo, chăm học và có nhiều bạn. Vài cô bạn học còn tỏ vẻ ngượng nghịu khi nhớ lại từng bị tôi bẹo má, đét mông. Những bức thư tình của tôi hẳn là họ còn giữ và cất cẩn thận trong cái hộc kéo mà chỉ họ có chìa khóa. Thật quá đỗi đẹp đẽ cho một ký ức tuổi hồng. Màn ảo thuật của tôi quá điêu luyện và các khán giả đều mắc lỡm. Tôi tủi nhục, mắc tội với chính tôi vì đã lừa dối quá nhiều người. Sẽ không hay gì nếu tôi tiết lộ cái tôi gốc của mình với họ. Không một ai tin rằng đấy là tôi. Họ sẽ pha trò với nhau và còn nghĩ rằng tôi có tố chất của một đạo diễn tiềm năng. Thôi nào, để yên thế đi. Gánh xiếc sẽ bị người ta ném trứng thối, bị giỡ đi, bị tẩy chay nếu không thể mua vui. Cây thánh giá nào sẽ xá tội cho tôi. Quờ quạng, cố tìm lấy một cuốn sách để tự trấn an mình, tôi trống rỗng hoàn toàn. Không còn sách nữa, chỉ có những bản án ghi tội mình. Tôi cầm bút lên và viết tiếp…

***

Tôi đỗ tốt nghiệp như bao đứa học sinh bình thường khác. Giờ đây, tôi phải thi đại học. Học viện G, nơi ông nội đã nghía từ trước. Chẳng lý do gì mà tôi lại từ chối nộp hồ sơ để thi vào đấy. Tôi thi khoa Lí Luận Chính Trị-Giáo Dục Công Dân. Tôi không chọn ngành này, đấy là chỉ thị trước mắt của ông nội. Tôi hoàn toàn nghe, hoàn toàn gật và hoàn toàn làm theo như đấy là kim chỉ nam.

Thời gian này tôi viết ít hơn. Một phần vì lý do thi cử, mặt khác tôi bắt đầu e dè mẹ. Bà đã bắt đầu quan sát nhiều đến hoạt động của tôi. Phía dưới căn gác vốn rất lộn xộn bởi bàn ghế cũ, giường chiếu… nhưng nay thì nó đã được sửa chữa lại. Mấy món đồ được dọn đi hết. Nơi đấy được kê tủ bàn mới, trở thành phòng riêng của tôi. Rõ ràng mẹ đã không nói trước với tôi ông nội sẽ sửa lại phòng. Ngày hôm đấy bà nhờ tôi chuyển quà cho một người họ hàng. Đường xa nên tôi phải đi từ sớm. Người họ hàng giữ tôi lại dùng bữa nên phải tối mịt tôi mới về đến nhà. Lúc trở về mọi thứ xong xuôi cả.

Căn gác vẫn còn. Tôi tỏ ra hạnh phúc vì sự quan tâm từ ông và mẹ. Diễn comedy thì quá đơn giản. Ông nội và mẹ là các khán giả mà rất khó để tôi có thể chọc cười chỉ bằng điệu bộ hay giọng nói. Ông nội lúc vui lắm chỉ nhếch miệng cười. Thế nhưng tôi lại không nghĩ họ có thể nhìn ra vai diễn của mình, bởi họ đã gật gù rồi nói sang chuyện khác. Tôi được an toàn.

Khách nhà tôi gần đây rất nhiều. Hầu hết đều là người đến mua bình gốm của ông nội. Số còn lại thì là hàng xóm, hoặc một ai đấy từ quê lên chơi. Nhiều người là bạn đồng cốt của ông nội. Mùi người nồng nặc quanh nhà. Điều tôi khó chịu hơn là họ còn mang theo con cháu của mình và để mặc chúng chạy nhảy quanh nhà. Tôi chưa bao giờ sống như một đứa trẻ và có lẽ vì thế mà tôi không ưa gì trẻ con. Mấy trò đùa nghịch, sự hồn nhiên của chúng làm tôi nhớ đến những trò ma của tên chín đuôi, và chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ để tôi thấy ê chề, kinh tởm chính tôi và không cách nào khác tôi phải trốn lên căn gác, viết…

“Học viện G rất danh giá. Cháu phải vào bằng được”. – Không biết đã bao nhiêu lần ông nội nói với tôi như vậy. Sau đấy ông nội lại nhắc về tằng tổ họ Tru. Tôi họ Tru. Và người họ Tru…

Trong những ngày ôn thi, ông nội ngồi dưới căn gác, vừa đi vừa gõ batoong xuống đất. Mẹ tôi cũng hay lên phòng với lý do là mang hoa quả hoặc súp để tôi bồi bổ. Họ không nói chuyện ồn ào, thậm chí chẳng nói lời nào với nhau. Những gì họ làm chỉ là đi lại. Những tiếng động nhỏ, và tôi nghe thấy hết. Mỗi bước chân dường như lúc nào cũng có thể đặt lên cầu thang, rồi chầm chậm leo lên từng bậc. Tiếng gậy batoong luôn báo trước với tôi rằng ông nội còn dưới đó. Cái nắp căn gác chẳng đủ chắc chắn để cản nổi ai đâu. Vai tôi trĩu nặng. Cuốn sách tham khảo, bài tập toán, tài liệu lịch sử, đề thi năm… tôi muốn vứt béng mấy thứ này đi để cầm lấy cây bút và viết. Đầu gậy batoong, và ông nội… Ngón tay cầm bút không nghe theo lời tôi nữa. Chúng phản trắc lại tôi bằng cách ghi ra lời giải của bài toán. “Ông nội sẽ lên, bất cứ lúc nào đấy…”. – Tiếng nói thì thầm bên tai. Thật đúng là một chuyện đùa.

“Lúc nào cũng có thể lên…Lúc nào cũng có thể lên…”.

Tôi ngồi trên gác thâu đêm để giữ lấy án đường của mình. Hôm sau, tôi rời phòng cùng cái quần nhem nhuốc cứt đái.

Khách khứa vẫn lui tới nhà tôi. Tôi viện cớ ôn thi để không phải xuống gặp họ. Ông nội không phàn nàn, nhưng không có nghĩa ông sẽ để tôi yên thân. Buồng dưới căn gác không lúc nào vắng đi tiếng người. Đèn sáng choang. Trên căn gác của tôi thì ảm đạm ánh sáng. Ở đấy, không ông nội thì là mẹ. Họ thay trực luân phiên và chỉ đợi một phút sơ sẩy của tôi…

Những ngày ôn thi đằng đẵng kéo dài như thế. Sau cùng tôi cũng hoàn thành việc thi cử. Thời gian tiếp theo chỉ là chờ đợi.

***

Một thời gian dài chờ kết quả, không gặp gỡ ai và chỉ la cà các hiệu sách cũ tôi thấy thật thanh thản. Mấy đứa bạn vẫn thường lui tới nhà tôi nhưng thật may rằng tôi luôn vắng nhà. Đời người sẽ bi thảm đến đâu nếu không có lấy một người bạn. Ngay đến Yozo còn cần Horiki (5). Tôi thì không. Tôi không mong đợi gì dù một miếng nhỏ của quả đào tiên. Bạn, tôi không thiếu, thậm chí còn nhiều. Tôi sợ họ. Thực sự thế. Mỗi khi đi ngòai đường, ngồi trên xe bus, đứng ở quầy sách cũ, mua đồ trong siêu thị… tôi luôn đội mũ và đeo khẩu trang như cách để không ai nhận ra mình. Khi nhìn thấy một người quen, ở đây là bạn cũ, tôi thường hốt hoảng. Sợ rằng kẻ đó sẽ nhận ra dù là cái vẫy tay chào theo lối người qua đường. Còn gì khiếp đảm bằng việc kẻ đó sẽ gọi những bạn bè của mình mà tôi cũng quen lại. Lôi kéo tôi lại. Quàng vai, chào hỏi rồi với sự hồ hởi từng đứa bắt tôi phải chường mặt ra ngoài. Tôi nào biết phải chào đón họ thế nào. Ngay đến việc nhớ ra họ là ai tôi đã phải vắt óc rồi. Mỗi cuộc gặp như vậy tôi thường chào lại họ, rồi thì họ làm gì tôi nhái theo. Sau đấy tôi vờ sửng sốt vì một sự kiện đằng xa để họ tập trung về đó. Cũng có khi tôi tự làm rơi đồ, buộc lại dây giầy. Chỉ cần họ tạm quên tôi đi một lúc, tôi sẽ có thời gian để nhớ lại họ. Tên của họ, thói quen, gia cảnh, câu cửa miệng, cái vảy ngược… Tôi chưa nghĩ mình sẽ thực sự kết bạn với ai ngoài những cuốn sách. Nhưng đấy phải là sách của những người đã chết hàng thế kỉ.

Sách của người chết, đấy mới là điều tôi cần. Công tội của họ đã được định đoạt chán chê. Họ là tri kỉ, cũng là ân sư của tôi. Để đến được với họ tôi cần một cây bút để viết. Con người sinh ra từ đất, và sẽ thành đất. Những cái chết bất tử. Kafka, Dostoievski, Joyce, Michelet, Blake… Họ không sống như một con người. Đấy là những linh hồn còn nặng lòng với loài người. Mang cái xác dễ hoại thư, họ cầm lấy bút và dốc kiệt máu mình, xối thành thứ mực thiêng. Họ liều mạng để viết. Liều mạng để hoàn thành sứ mệnh đời mình. Những hình thái mê cung, một thực thể sương mù, con đường muôn lối cụt, dải khăn tang bằng văn tự, loài người trong khán phòng không con người hay chăng mọi điều đấy chỉ là sự gột rửa lại chân lý. Không thứ minh triết nào sáng suốt bằng sự đọa đày trong tội lỗi. Đừng nhắc về ánh sáng hay tối tăm vì ngày tạo dựng đầu tiên đã qua rồi. Vừa đi, tôi vừa lẩm bẩm :

“Nhà tu hành không mặc áo”

“Nhà tu hành không mặc quần”

“Nhà tu hành đang xấu hổ…”.

Về đến nhà, tôi thấy cửa mở. Như thường lệ, tôi nói to để ông nội và mẹ biết mình đã về. Nhà cửa từ trong ra ngoài vẫn sáng sủa bởi nhiều ngọn đèn. Sàn nhà sạch, bếp sạch, một mảnh rác cũng chẳng thấy. Trong nhà không có người nhưng phòng nào cũng sáng đèn. Cửa mọi gian buồng cũng mở toang như có khách. Phòng ông nội, phòng mẹ, rồi thì nhà tắm, buồng khách… đều như vậy. Điều này thật không đúng. Ông nội dù thích sự sáng sủa nhưng chưa bao giờ rời khỏi phòng mà vẫn để đèn. Đi trong màn ánh sáng dày thành từng lớp, tôi đi lên phòng mình. Đứng trước cửa, tôi sững sờ vì ngọn đèn sáng rực tỏa từ căn gác của mình. Ông nội ngồi ở dưới nhà. Cây batoong được nắm chặt lại khi ông nhìn thấy tôi. Ông gọi tôi vào. Cái khuôn mặt già nua, mốc meo dần đi vì tuổi tác này luôn khiến tôi phải nhìn tránh đi giờ đây còn gớm ghiếc hơn khi giận giữ.

“Cháu đã trượt …”. – Ông nội nói thế.

“Cháu xin lỗ…”. – “ Không”. – Ông nội cắt ngang lời tôi – “Đây không còn là việc ai có lỗi nữa rồi”.

“Cháu đang cố gắng làm cái quái gì vậy…”.

Tiếng quát kéo dài. Chưa bao giờ tôi thấy ông giận dữ như vậy. Con mắt ông đục ngầu, trợn trừng như muốn trút mọi thịnh nộ lên tôi. Trong những trường hợp thế này, tôi sẽ phải cầu cạnh đến lũ kẻ tôi. Một vai diễn lãng tử hồi đầu và tôi sẽ thoát nạn. Cùng lắm chỉ bị quát mắng vài ngày hoặc cấm túc một tuần. Lời khẩn cầu của tôi bị chặn ngang và đứt đoạn hoàn toàn. Ông nội lấy ra nhiều mảnh giấy nhàu nát, ghi chằng chịt chữ. Những dấu gạch xóa lem nhem, chữ nọ đè lên chữ kia, các gạch đầu dòng, rồi một chữ thật lớn chồi lên, in đậm như vào trang giấy. Chữ của tôi. Đúng là thế. Những bản án tôi viết cho mình, giờ đây đều lộ ra ngoài. Ông nội đọc từng chữ trên giấy bằng ngữ giọng giận dữ đến khàn đặc. Đâu chỉ vài trang giấy. Ông nội lấy từ dưới bàn một quyển vở A4 khổ 200 trang. Và cũng như vậy, ông nội đọc chúng lên. Những lời đọc như hóa thép và vang ồ ồ.

Còn gì thê thảm hơn lúc này. Tay chân tôi tê cứng và chôn lại một chỗ. Những thứ này dù đã có lúc tôi muốn công khai ra để một ai đấy biết được tôi đã thống khổ thế nào khi trót mang kiếp người. Nhưng không phải thế này. Tiếng đọc của ông nội chứa đầy phẫn uất, chữ bị bẻ gãy, bị nát nhừ trong họng ông nội. Và khi ông nội nhả thành tiếng đọc. tôi quên khuấy đi mình đang ở đâu. Giờ đây, đầu óc tôi quay cuồng cả lên. Mấy tiếng nghe như vạn quả Đại Hồng Chung được đánh cùng lúc, như tiếng niệm Định Tâm Chú. Quỷ Môn Quan được khai mở và hàng vạn ác hồn tìm đến tôi để thỏa lòng khát máu… Người ông này không chịu dừng, và tiếp tục đọc bằng hết tội trạng của tôi. Tiếng đọc lớn, và thật vang hệt như ông muốn ai cũng nghe thấy được. Từng trang cứ thế mở. Giấy đơn, giấy đúp, vở ô ly, vở kẻ ngang, sổ nhật kí. Chữ được quật từ giấy và đốt kiệt quệ. Tiếng đọc dồn nhau không ngắt không nghỉ tiếng tràn lên tiếng ồ ạt đè nghiến rồi lại ồ ạt từng lớp từng lớp một như đội quân Nam Hán. Chiếc ghế tam cấp bị đá đổ, và tôi đang chới với dưới sợi thòng lọng…

“Dừng lại đi…Dừng lại đi…”. – Tôi nói lớn, và quỳ mọp xuống.

“Những thứ này là gì….”.

Tôi im lặng.

“Ông không thể hiểu nổi cháu đang làm cái quái gì. Mấy thứ này đều từ phòng cháu, có đúng là nét chữ của cháu…”.

“Chính là chữ của cháu”. – Tôi bật khỏi thế quỳ và đứng ngay ngắn trước mặt ông. Lần đầu tiên tôi đứng vững được như thế trước ông mình.

“Ai đã bắt cháu làm thế này”.

“Không ai cả”.

“Nói thật với ông…”.

“Chính cháu đã viết. Phải, chính là cháu!”.

“Đống giấy lộn này chỉ toàn cặn bã. Một con người, theo đúng nghĩa không thể thế này được. Nói với ông, Tru Sa! Thành thật với ông…”.

“Cháu chỉ đang tự cứu mình và cứu cả ông nữa”.

“Cứu ư? Vết xe đã đổ thì đừng đạp lên”.

“Cha cháu là ai?”.

“Là con của ta, chồng mẹ cháu và là cha cháu”.

“Cha cháu họ gì?”.

“Họ Tru”.

“Cha cháu không họ Tru và không họ gì hết. Kẻ không nương náu!”.

“Không. Không tốt tí nào, người đã chết từ lâu lắm rồi… Lâu lắm rồi…”.

“Cháu sẽ viết, và sẽ còn viết…”.

Miệng ông nội mở ngoác ra. Răng ông còn đầy đủ, và đều xỉn vàng, ố đen. Dường như ông nội muốn cười lên, nhưng không thành tiếng. Hàm răng nghiến lại ken két. Có cái nào vỡ không. Chịu. Sau một câu nói mà tôi nghe không rõ, ông nội giơ cao cây ba toong. Một cú đánh ngay đỉnh đầu tôi. Câu hỏi của ông nội vẫn vậy và tôi tiếp tục chọc điên ông bằng câu trả lời của mình. Đây là lần đầu tiên ông nội đánh tôi mạnh và túi bụi đến như vậy. Mồ hôi ông vã ra, chảy cả xuống mặt tôi. Đầu gậy be bét máu. Cả máu tươi lẫn máu khô. Nhìn ra ngoài cửa, tôi thấy mẹ đứng đấy. Bà nép vào một bên cánh và len lén nhìn tôi.

Một tiếng “Rắc…” vang lên. Cây batoong gẫy làm hai. Tôi lịm đi.

***

Sau trận đòn nhừ tử tôi được đưa vào nhà Vòng để sám lỗi với tổ tiên. Trận đòn không để lại thương tật gì trầm trọng dù tôi đã bị đánh ngất. Người tôi chỉ hơi ê ẩm. Tôi bị bỏ đói và chỉ được uống nước. Nước rất lạnh và buốt. Tôi nghĩ chúng được rót ra từ một chai nước trong tủ lạnh. Các ngọn đèn trong nhà Vòng đều được bật sáng. Từ lúc tôi vào đây chúng đã bật, và giờ vẫn thế. Khác với mọi khi, mấy cái bóng đèn được thay mới. Loại bóng đèn vàng, với công suất lớn tới mức tôi luôn bị đổ mồ hôi và mất nước.

Cửa nhà Vòng bị khóa nhiều lớp. Ông nội là người giữ chìa. Hàng ngày ông vẫn vào nhà Vòng, nhưng không vào trong. Chỉ đi lại bên ngoài rồi hỏi vọng vào. Cây ba toong của ông được nối dài lại bằng một đoạn thép ruột đặc. Tiếng batoong gõ xuống đất nghe bong bong, hệt như người ta đánh cồng. Ông nội vẫn mong đợi một lời nhận lỗi từ tôi. Có lẽ rằng đây là hiện thực dối trá nhất mà chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ vướng vào. Tôi đây, một sự ngoại lệ của dòng họ Tru. Như ông nội nói, cha tôi đã mắc tội với tiên tổ vì chết quá trẻ. Bây giờ thì là tôi. Có lẽ rằng, khi mẹ thụ thai tôi, bà đã mang trong mình những quả trứng định mệnh(6).

Tôi đã có giấy báo từ học viện G. Nghĩa là tôi đã đỗ, nhưng điều gì đã khiến ông nội nghĩ rằng tôi đã thất bại trong kì thi này. Mẹ nói tôi phải nghe lời ông nội.

“Ông nội đang giận lắm. Con phải ngoan vào”. – Mẹ nói thế đấy.

“Cha con ngoan lắm phải không?”.

Mẹ không nói và tôi cũng không nghĩ bà sẽ thành thật.

“Cha không ngoan đâu. Con tin chắc. Cha đã chết”.

Mẹ tránh ánh nhìn của tôi. Lời bà nói vẫn chỉ thế. Tôi không hỏi về chuyện căn gác nữa, giờ đây nó không quan trọng. Diễn trò, điều này cũng vô nghĩa rồi. Các khuôn mặt già cỗi đang nhìn tôi qua khung ảnh. Họ giận dữ, họ trợn trừng, họ muốn xin Ngọc Đế cấp phép để được hiện hữu trên trần gian giáng cơn thịnh thộ xuống đứa nghịch tổ là tôi. Tôi sẽ không tránh họ. Quỳ mọp giữa nhà Vòng, tôi nhìn vào gian thờ. Gương mặt cha lẻ loi. Tôi cũng lẻ loi. Tôi và cha, đều là kẻ không nương náu.

Mấy ngày sau. Tôi nghe thấy tiếng ầm ĩ bên ngoài. Có vẻ như rất nhiều người đến nhà tôi. Rồi sau đấy tôi nghe thấy tiếng búa, đục, máy khoan, rồi tiếng hô hào chuyển đồ đạc. Khi im ắng hơn tôi nghe thấy tiếng mặc cả của một bà đồng nát. Tôi chưa kịp nghe họ kì kèo thế nào thì tiếng búa, đục, máy khoan lại vang lên và trấn áp tất cả. Mấy người thợ đi lại rầm rầm và đang khiêng theo thứ gì đấy.

***

Viết. Giờ đây tôi muốn viết.

Cây diêm cuối cùng trong đêm giáng sinh. Tôi cần viết ra. Trước khi những tội chứng bị cháy đen và tiêu biến khỏi hồng trần.

Tôi đã tìm thấy cây bút. Tôi cắn nát đầu bút để thấy được ngòi. Mực đổ ra. Mực tươi nóng. Tôi sẽ không lãng phí giọt nào…

__________________________________________________

(1) Chi tiết trong tiểu thuyết Đi Tìm Nhân Vật của Tạ Duy Anh.

(2) Trong tiểu thuyết Ông Già Và Biển Cả của Hemingway.

(3) Tiểu thuyết của George Orwel.

(4) Nơi các oan hồn sau khi chết bị giải đến và soi chiếu tội lỗi lúc còn sống.

(5) Nhân vật trong tiểu thuyết Mất Tư Cách Làm Người của Dazai Osamu.

(6) Tiểu thuyết của Mikhail Bulgakov.

Comments are closed.