Tường tin học

Trần Đĩnh

– Ghi lại lời một thủy thủ viễn dương-

(1) Tôi cần đưa chú thích lên đầu, không ở chân trang như thông lệ. Cấp báo ngay rằng anh thủy thủ sau đã bỏ tàu vượt biên định cư ở tại chính cái nước La Ta Đê mà anh kể cho tôi nghe câu chuỵện dưới này. Vì sao anh định cư ở cái nước xem chừng anh chê bai kia, tôi không thể giải thích. Đành mượn câu “ghét của nào trời trao của ấy” vậy. Tôi phải chú thích từ đầu vì tôi tiếc ghi chép này có phần nào dở dang trong khi tôi rắp đeo bám để khai thác đến cùng anh thủy thủ. Anh đã lẳng lặng ra đi không cho tôi địa chỉ mới. Tôi đành tự an ủi là dù có địa chỉ của anh, tôi cũng chẳng thư từ, điện thoại được cho anh vì nhân danh đạo đức dân chủ, nước ta đang cấm vận nước này. Thôi phải chờ cho họ tiến bộ lên thì tôi mới hy vọng hỏi tiếp anh thủy thủ dại dột bỏ nước. Vẫn cứ phải cảm ơn anh: anh là bố đẻ truyện ngắn này.

*

* *

Đầu tiên là một tin vắn trên báo nước La Ta Đê. Cho hay một hiện tượng thiên nhiên chưa rõ tính chất đã xảy ra – bình thường thôi, đồng bào yên tâm, với lại Nhà nước khống chế nó rồi – tại tâm điểm Về Nguồn, tên gọi của khu vực các ông lớn nước này sinh sống ở chính giữa thủ đô. Tin rất vắn. Đúng truyền thống La Ta Đê là phàm càng nghiêm trọng thì càng phải giấu biệt hay giấu gần hết, giấu thế nào, giấu đến đâu đã có ngành chuyên trách định đoạt, đồng bào không phải mệt lòng. Họ lo cho dân hết mọi chuyện anh ạ, anh thủy thủ nói. Nhưng, em cứ thấy dân ù lì thế nào, ít ra bị ngứa thì cũng phải giơ tay gãi nó mới sướng chứ có phải không anh? Họ quen thế rồi, khổ thế! Anh đã thấy con chim đực ra nhìn con rắn từ từ bò đến chưa? Đấy, như thế đấy.

Anh thủy thủ lại vội chữa ngay:

– Em nói rõ hơn, anh ạ. Dân họ biết cả, có điều là chỉ nói với nhau. Cho nên báo đăng như thế nhưng dân lại đồn rằng: giữa ngọ hôm đó, hôm giỗ Tổ của họ, một quả cầu trắng loá thình lình lao xuống mái nhà Ông To, cách gọi đã được Hiến pháp quy định, ví như bên ta là Chủ tịch nước vậy. Cách nóc nhà chừng ba mét, quả cầu dừng lại. Ba người trong suốt như pha lê bước ra và chẳng dây chẳng thang cứ thế lắc mình tụt xuống mà lừng lững đi vào phòng ăn, đúng lúc Ông To đang dùng cơm. Theo dã sử nước này thì cách đây 7.000 năm, một hôm vào đúng ngọ, cụ tổ của dân họ nghịch đem quật hai hòn bảo là Giái Trời, chắc là cuội chứ anh nhỉ, vào nhau làm toé ra ngọn lửa đầu tiên. Ngọn lửa ai ngờ đốt cháy một đám cỏ khô, thui chín luôn một ổ chuột đồng một mẹ chín con trong đó. Mùi thơm bốc lên, ông Tổ nhắm thử thì thấy quá ư là ngon và người dân nước này từ đấy bắt đầu biết dùng lửa nấu nướng và một dạo gọi chuột là Mẹ Hiền. Để nhớ về nguồn, đúng ngọ hôm giỗ Tổ, Ông To mới dùng bữa, coi như sống lại những ngày ấm áp nhân tạo đầu tiên cùng với ông Tổ. Nước này họ làm cái gì cũng tìm ra ý nghĩa lắm, không à uôm như ta đâu, anh ạ.

Ba người pha lê vào phòng ăn. Hai người hầu cơm sợ quá rụt lưỡi hoá câm. Vợ Ông To không câm nhưng lẩm cẩm. Ông To đã qua nhiều cảnh máu chảy đầu rơi cho nên vẫn vững dạ nghe được thấy ba người pha lê nói: – “Đừng sợ! Chúng tôi nghiên cứu thuần túy khoa học, không đụng gì đến cái ghế của ông”. Nói đoạn lia lên bức tường sau Ông To một vật gì như cái đèn pin Tàu vẫn bán đầy ở chợ biên giới Lũng Nịu ta rồi đi.

Tuy an ninh nước này coi tội xầm xì qua tai nhau là đồn tin nhảm và trị nặng nhưng lần này dân vẫn cứ bàn tán. Họ bảo Ông To phịa ra chuyện nghe thấy Người Trời – dân tôn ngay lên là Người Trời – nói không nhòm đến cái ghế là cốt nhắc những ai lăm le thay ông đừng tưởng bở vội. Đã có thiên thư bảo đảm cho ông ở lại trên ghế này. Ghế này an tọa tại thiên thư mà. Thâm lắm.

Ít lâu sau chuyện Người Trời xuống nhòm ghế Ông To rơi tõm vào cái thùng nhớ thủng đáy vốn là nét đặc thù tư duy của người nước này. Phải nhiều năm sau mới lại ồn lên ở quy mô Nhà Trời không cái gì dẹp nổi.

*

* *

Ông To chết khoảng vài năm, người ta sửa ngôi nhà ông thành nhà lưu niệm. Sống huân chương, lương bổng, chết danh hiệu vẻ vang và nhà lưu niệm, quy chế ân nghĩa đã thành nếp như thế.

Phá nhà dễ ợt mà sinh chuyện. Ở một bức tường. Bức tường trong phòng ăn Ông To mà hồi nào Người Trời đã chiếu Đèn Trời vào. Nó nhất định không chịu đổ. Xe tăng ủi, ba cái chạy theo hình chữ V ngược rầm rầm xông vào và rồi cứ thế theo nhau rẽ ngang, thằng nào hăng quá thì leo lên đến nửa chừng là lộn cổ xuống. Mìn nổ. Đánh đến cả tạ, cũng chẳng sầy vẩy nó. Huy động các đơn vị công binh anh hùng từng lấp hẳn một eo biển bằng bèo Nhật cho bộ binh lén xâm nhập nước láng giềng nhưng đến nghiên cứu rồi cũng lắc đầu mà bó xẻng bó cuốc lại thổi kèn lui binh. Bức tường tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của dân đây được.

Cuối cùng đầu hàng. Nhưng để mất thể diện ư? Nhận thua à? Thế là nảy mẹo lưu nó lại như một ưu thế tự nhiên, một vách núi chẳng hạn, biến nó thành tấm cuốn thư đứng trấn ở ngay sau cổng tam quan ra vào. Tấm cuốn thư giữa trời liền trở thành một độc đáo kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc với màu chu sa mịn bóng khác thường của nó. Các nhà khoa học đã tìm hiểu nước men này. Vẻ như nó chứa một chiều sâu âm ỉ của một nguyên tố bí mật hay năng lượng đen tức vật chất đen hay biểu hiện của lực phản hấp dẫn chưa được phát hiện để vào nằm trong bảng tuần hoàn Mendeleev. Báo chí nước này rất thạo việc túm lấy bất cứ cái gì khả dĩ đề cao được giá trị dân tộc rồi làm rùm beng lên. Lập tức bức tường được suy tôn. Ra thơ ngay: “Ngoan cường biết mấy, can trường biết mấy, lấy đâu trụ đấy, lan tràn biết mấy, anh hùng biết mấy”. Nghe đâu nhiều nhạc sĩ đã phỏng lời thơ sáng tác ra một khúc quân hành khá hùng tráng.

Rồi một nhà báo công thần gọi tấm cuốn thư là “Bia trời vạn thuở giữ hương, sách hồng ngàn năm gìn nhớ” và sau đó nhận luôn danh hiệu Bút Vàng Giấy Bạc. Anh ạ, anh thủy thủ trầm trồ, nước này rất giàu ý thơ, cái quái gì họ cũng chuyển sang thơ vè hay hình tượng sinh động được. Chữ hồng trong sách hồng được giải thích trên báo là ngụ hai ý: một, chỉ cách mạng tươi thắm; hai chỉ màu chu sa.

Từ thất bại – không phá nổi – mà chuyển ra thành thắng lợi, anh thấy đấy, người cai trị nước này siêu quá há?

*

* *

Mít tinh khánh thành Viện lưu niệm Ông To rất trọng thể, ở giữa sân lớn và tấm cuốn thư.

Và chuyện chưa hề có từ khi trái đất chửa thành người thế là đã có. Tại chính lễ khánh thành này.

Giữa lúc mọi người đang hô những lời quyết không quên Ông To thì bức cuốn thư bỗng gờn gợn như một làn nước lăn tăn dưới gió thu. Rồi từ làn nước ấy vẳng ra một tiếng nói. Rành rọt, khoan thai và có một cái gì đó cơ học, khách quan, không chút xúc động. Bảo giống như tiếng tích tắc đồng hồ treo tường là đúng nhất.

Nó nói:

“Đây là mặt bằng ghi âm audio mang số hiệu Sáo Diều 003 mở đầu đợt nghiên cứu sơ bộ chớp nhoáng của Hành tinh Thấu Suốt bắt đầu hoạt động từ ngày Lệch quỹ đạo Cấp số 5, tháng Đảo Chu Kỳ Méo, năm một phần ba triệu cự li giữa Hành tinh Quần Mã Ngư tới Hành tinh Quái Nhân Quỷ. Đối tượng nghiên cứu là sinh vật hạ-sơ đẳng có tên gọi chung là Giống Người và một tên riêng xét thấy không cần cho vào hồ sơ này”.

“Mở đầu mặt bằng ghi nhận các cơ năng sinh học cơ bản của đối tượng: ăn uống, ngủ ngáy, phát âm, hoạt động hoá-điện của não, các phương diện phức tạp trong quan hệ của đối tượng với người và với xã hội.

Trước tiên cần giới thiệu đặc điểm bao quát nhất của vật phẩm này là bản năng và tri thức sinh tồn được tập trung gắn bó quanh trục mâu thuẫn: thèm muốn và thực lực. Điều này giải thích vì sao trí tuệ đối tượng lại có thiên hướng khuếch tán chập một với tuyến u chỉ đạo hành vi vồ mồi ẩn sâu trong vùng não cổ còn sót lại từ thế hệ tiền bối là các khủng long chúa. Hiện tượng trí tuệ khuếch tán sang vồ mồi cũng có mặt trái của nó – ấy là đối tượng luôn thấp thỏm bị mất quyền lực và quyền lợi. Xung điện hầu như chỉ thấy phát đi dồn dập ở giao điểm đan xen quấn quít giữa tư duy với vồ mồi. Nói cho rõ hơn: đối tượng không xin, không nhận bất cứ cái gì từ bên ngoài mà thuần túy chỉ giành đoạt nhờ vào bạo lực do chính đối tượng tiến hành.

“Đặc biệt đối tượng sử dụng trí lực nhiều nhất vào việc làm cho đồng loại suy nghĩ hệt mình. Phân biệt chi li đẳng cấp giữa cá biệt với tập quần là đặc điểm của thú vật.

– À quên – anh thủy thủ bổ sung. Mặt bằng Sáo Diều 003 vào đầu đã thông báo ngay là đến ngày nào tháng nào, mặt bằng audio khai trương hôm nay sẽ ngừng lại nhường sàn diễn cho mặt bằng video Mắt Vọ.

Khỏi nói cũng thừa hiểu nỗi kinh hoàng ở cuộc mít tinh. Tiếng nói nào đó? Ai? Ai dám có cái giọng coi trời bằng vung kia và ai dám sục vào phanh phui cái thâm cung bí hiểm của cơ thể Ông To như thế?

Nhưng chính điều to gan lớn mật này lại xúi giục tò mò của dân, khiến cho người ta nán lại nghe. Và quen mui thấy mùi ăn mãi, cái sợ giảm đi mà cái thích tăng lên. Trong dân đã có vài người gật gù tán thưởng, có kẻ toan vỗ tay nhưng lại kịp xoa xoa tay vờ như muốn nghiền nát cái tiếng nói hỗn hào.

Bức tường tiếp tục cất tiếng:

“Căn cứ phương châm sống của nước này – có xực mới vực được đạo – mặt bằng Cánh Diều bắt tay nghiên cứu trước tiên sự ăn uống của đối tượng”.

“Xét theo đai lưng, xếp đối tượng vào đẳng siêu cấp, dài hai mét lận”.

“Xét theo bản lĩnh thu nhận năng lượng, xếp đối tượng vào loại siêu tạp và siêu phàm nhưng có xu hướng ngả nhiều về thịt. Tìm thấy lớp trầm tích rất xưa – từ thời niên thiếu nghèo hèn – của các loại bột củ mài, củ báng, dong riềng. Thiếu quá độ tiệm tiến từ các loại bột hạ cấp này sang các loại bột cao cấp, chẳng hạn bột của một loại gạo có mùi thơm đặc biệt quyến rũ. Sự nhảy bỏ quá độ này chứng tỏ đối tượng đã qua những năm tháng rất lầm than rồi đột ngột bước vào chế độ dinh dưỡng cực kỳ sang trọng. Đột ngột này có thể là kết quả của một biến động tự nhiên khiến cho cây cối mùa màng bỗng phong phú. Cũng có thể do một biến động về thứ bậc, giống như sau ganh đua thể thao thì có người nhất trên cao và người thua bên dưới. Quả nhiên, đối tượng suốt bốn mươi lăm năm qua đứng cao hơn hẳn đồng loại, ở một vị trí quá riêng biệt”. (Anh thủy thủ bình: Hành tinh lạ kia cóc hiểu thế nào là chính trị, cái có thể trong nháy mắt làm cho ông nên thằng và thằng nên ông, chứ thể thao thì sao lại thế được, phải không anh?).

“Xét về mỹ học ẩm thực, xếp đối tượng vào loại cực khôn. Thích cơm Tàu, rượu Tây, đồ sứ quý cùng dao vàng, thìa vàng, đũa ngọc. Riêng một điều mất thẩm mỹ: ấy là khi lượng thực phẩm nhồi vào quá nhanh, cổ đối tượng phình ra như rắn hổ mang bành, miệng muốn nói năng sai bảo cũng chỉ còn hầm hừ không nên lời. Ở đây, nguyên nhân hoàn toàn cơ học: một đường ống ních đầy thực phẩm thì hỏi thanh đới còn có khe nào để mà rung lên được nữa”.

“Đối tượng chuộng nhất thịt thú rừng. Đối tượng đã xơi tổng cộng ba bàn chân voi, năm đuôi cọp gấm và hai hàm trên beo vàng. Sở thích này luôn được thoả mãn vì đám trông coi mấy Vườn quốc gia thường giết thú nằm trong Sách Đỏ bảo vệ. Mỗi khi làm điều phạm pháp (như giết láo để xuất khẩu lậu), chúng lại gửi biếu Ông To, nói con vật bị chết vì cây đè, sa hố…

Dải băng ghi nhận đặc biệt một số thứ đã nạp vào bao tử đối tượng dưới dạng bào thai như trứng vịt, hươu, chó. Đối tượng đã ăn mười bảy óc khỉ – để bổ não. Sáu cặp tinh hoàn hắc tinh tinh và vượn mặt đỏ – để bổ đường tính dục. Người ta nhân đây ghi nhận dấu vết giải phẫu thẩm mỹ – gồm cả cấy ghép dương vật ngựa – ở bộ phận sinh dục đối tượng nhằm cải thiện khối lượng cùng tính năng công cụ. Thức ăn hiếm hoi lưu lại trong trầm tích là bảy con nhện, ba sinh thực khí lợn đực. Đây là mẹo chữa bệnh của nước này: trẻ hay nghiến răng thì cho nhai thứ dai bậc nhất không gì sánh kịp này.

“Hệ răng – công đoạn nghiền ngoại vi – được nghiên cứu kỹ do phát hiện hai hệ quả lạ. Tất cả hai hàm răng của đối tượng, trừ bốn răng cửa đều chụp mũ bằng vàng. Mũ vàng đều có chữ khắc nổi NCB, Ngân hàng trung ương quốc gia, ngụ ý đối tượng được sử dụng vàng không mất tiền. Hệ quả đầu tiên là mỗi khi đối tượng há mồm nói, vòm họng lại ửng sáng lên như một cái hang được thắp đuốc và điều đó làm cho người nghe thường bị ngẩn ra: đối tượng đã thu phục được nhân tâm bằng lời nói phát sáng. Hệ quả thứ hai kín đáo hơn: vàng vào cơ thể qua nhai nghiền đã làm xáo trộn cân bằng vi lượng: lòng đen mắt đối tượng hóa thành màu vàng. Nhờ biến cải này mà nói chung đối tượng nhìn mọi vấn đề đều tươi vui. Đức tính lạc quan mà người dân La Ta Đê gán cho quốc trưởng của họ xét cho cùng là nhờ ba chục cái chụp vàng chiếm lĩnh hệ nghiền ngoại vi thực phẩm”.

“Quên, anh thủy thủ nhắc, ngay từ lúc bức cuốn thư cất lên tiếng Nhà Trời, an ninh nước này liền tê liệt, không sao ngăn cản được nguồn phát âm quái dị này. Vả chăng cũng không cản được! Tiếng nói truyền đi khắp không gian. Bất cứ ở đâu, người ta cũng nghe thấy nó, y như mang một máy Walkman bên tai vậy. Mấy đêm đầu tiên, Nhà nước đã cho xây một nhà hầm bọc kín bức tường nhưng vô hiệu vẫn hoàn vô hiệu. Tiếng nói xuyên qua mọi vật chướng ngại. Giá có phủ cả núi Hi Mã lên cũng chả làm gì nổi nó”.

“Thế là từ nay La Ta Đê trở thành một giảng đường y khoa miễn phí ngoài trời dắt đưa con người vào thế giới nano của cơ thể con người. Nhiều bác học, giáo sư, sinh viên y nước ngoài vờ du lịch đã đến đây để được theo học miễn phí giảo trình giải phẫu học tinh vi, tiên tiến bậc nhất này. Bảo vệ sở hữu trí tuệ độc đáo, cảnh sát cấm ghi chép ngoài trời nhưng máy ghi âm giấu trong túi người ta, làm sao ngăn được việc người ta sang đĩa chứ, phải không anh?…”

“Thế mới biết mỗi phân vuông trong cơ thể chứa quá ư là nhiều bí mật! Người ta có thói quen ca ngợi ngôn luận, tức là cái ngỡ là tinh anh được phát tiết ra. Không phải, đó chỉ là hiện tượng bên ngoài hời hợt, chỉ là cái ồn ào, ầm ĩ lừa người. Tinh anh phải là sự huyền diệu câm lặng của bộ máy cơ thể. Ở mỗi cá thể, cái cao quý nhất, cái thâm nghiêm nhất chính là công trường lao động cần vụ vô danh vĩ đại này!”.

“Lạ là một khi Ông To đã được Người Trời phanh thây tỉ mẩn rồi thì cách cảm, cách nghĩ của người dân La Ta Đê với Ông To bỗng dưng khác hẳn. Không những giải thù, cới oán – cao như núi, sâu như biển – mà còn đi tới coi ông là ân nhân: ông là hình nhân thế mạng của họ ở trên thớt kính hiển vi. Họ kháo nhau rằng may mà có ông thế mạng chứ ta mà bị Người Trời tóm lấy thì khéo còn kinh khủng hơn nhiều. Mới biết dân bao giờ cũng khiêm tốn hơn mấy cha quyền cao chức trọng, anh thấy đúng không?”.

*

* *

“Bây giờ người ta biết Ông To ngủ mười một giờ một ngày. Chủ quan đòi hỏi nhưng cũng nhờ khách quan – những thiết bị phục vụ ngủ nghê – quá thuận lợi. Từ cái đệm mút mang hình người giả với đủ các địa hình địa vật lồi lõm như thật tới vòm trời giả trên trần tại đó diễn ra mọi vận hành của bầu trời, của vũ trụ. Ngôi sao chiếu mệnh của Ông To bằng ngọc đỏ để Ông To dễ theo dõi quan sát bước chuyển dịch thiên mệnh của nó. Không nên bỏ qua cái giường! Tròn xoe, đường kính ba mét rưỡi, đủ chỗ cho giỡn hội đồng năm sáu mạng. Một bảng điều khiển điện mười hai nút bấm sai khiến chiếc giường nhẹ nhàng thay đổi vị trí, tư thế, mặt bằng, mặt nghiêng, chiều đứng, chiều ngang hoặc quay trái quay phải, hoặc dựng đầu dựng đuôi. Hoặc chỉ gồ lên ở giữa giường như mu luyện. Hoặc chòng chành như thuyền đùa sóng. Nhóm người thiết kế cái giường này hoàn toàn tuân theo chỉ đạo của Ông To: làm sao cho ông tiếp cận sự vật trên giường ở nguyên dạng vũ trụ. Nghĩa là không có mở đầu, không có kết thúc, chẳng trái cũng chẳng phải, chẳng đầu cũng chẳng đuôi, ra ra vào vào một vùng mung lung mê tỉnh như vậy”.

“Tưởng Ông To nói nhiều! Không! Theo tấm cuốn thư thì vốn từ vựng ông sử dụng hàng ngày quá ư nghèo. Những cái dài dòng uyên bác thì do người khác soạn thảo cho nên ông chỉ sở hữu ngót nghét chừng sáu bảy chục từ. Những từ hay dùng đến nhất là “Im!”, “Xéo, biến!”, “Đồ ngu!”, “Tù!”.

“Khi quan hệ thực chất với phụ nữ, cuống lưỡi Ông To cứng lại như một thỏi sắt do đó ông chỉ còn ú ớ hay rú rít, rên rỉ, mất sạch khả năng ngôn ngữ. Điện não đồ ghi nhận lúc ấy ở vùng động kinh – kiêm vùng khoái lạc – xung điện họat động cực mạnh. Điện năng đủ thắp sáng cho đèn và máy sấy khô tay trong toa lét năm sao. Nghiên cứu cho thấy mấy chục mũ vàng của răng cũng có đóng góp lớn vào nguồn điện năng ghê gớm này”.

“Liên quan tới cơ quan phát âm là cơ quan nhận âm, tai đối tượng. Đường hầm sáu phân từ ngoài vào màng nhĩ là một cấu trúc hết sức tân kỳ. Từ tai ngoài vào tai giữa, vách tai đầy lông, nói lại này, lông sinh học hẳn hoi. Hệ lông chiếm giữ tiền duyên này ở Ông To là những sinh vật trá hình. Ranh mãnh, láu lỉnh tới mức ma quái. Dài, rậm, chúng bện vào nhau theo kiểu các thảm đan bằng sợi dừa xuất sang Mỹ. Và chúng luôn chĩa chổng ngược ra ngoài theo kiểu ăng ten. Khi âm thanh nào lọt vào mà không hợp Ông To, hệ lông liền xòe ra thành một cái nút bịt kín tai lại. Nhưng khi là những lời Ông To ưng nghe thì chúng lại nép rạp vào nhau, biền thành một nệm lông mềm mại, nhẵn nhụi cuồn cuộn chuyển tải tín hiệu vào nhanh gấp đôi bình thường. Đặc biệt khi phát ngôn của Ông To làm người nghe phát oải thì hệ lông lại khe khẽ rung, tạo nên môt nền âm thanh nhạc nhẹ du dương đánh lừa năng lực định giá mỹ học của Ông To do đó có tác dụng giúp Ông To cứ thả cửa nói mà không biết chán. Đôi khi người nghe hơi bị chột dạ. Bởi Ông To nghe nhạc khoái quá đã có lúc lỡ ngừng nói mà ư ử theo điệu nhạc ngầm mất một vài giây. Những khoảnh khắc vô tư nhất trong đời Ông To. Cuối cùng, một lợi hại nữa cần nêu: khi Ông To lỡ lời, hệ lông nói trên liền tự động rung mạnh, kiểu như chó rũ lông khi bị mưa, các âm tố tạo nên tiếng nói liền bị nhiễu loạn và tiếng nói phát ra sẽ hòa tan vào trong không khí…”.

“Màng nhĩ cũng có cơ chế kiểm duyệt nội sinh tuyệt vời không kém. Nó được trang bị một bộ cảm ứng đón bắt từ xa âm thanh xấu toan lọt vào tai Ông To. Nhận báo động tín hiệu bậy bạ sắp xâm nhập với một lượng bất thường, chẳng hạn tiếng hò la, một hạch nội tiết ở rìa màng nhĩ sẽ tiết ra một chất nhầy bền ngang sắt thép phủ kín màng nhĩ lại. Tan báo động, nước nhầy lại rút hết về hạch. Đến đây, Hành tinh Thấu Suốt cho hay nó đã ghi nhận chức năng đặc thù này làm đề tài nghiên cúu. Nó đưa cơ chế phản vệ mầu nhiệm này từ tai xuống âm đạo phụ nữ để kịp thời bê tông hoá cửa vào mỗi khi có hành vi xâm phạm cưỡng bức. Đặc biệt thí nghiệm cho thấy nam giới nào cố tình vi phạm vùng bế quan toả cảng sẽ bị dính chặt vào đó cho tới khi xướng to tên tuổi, địa chỉ vào một loa phóng thanh để xa gần am tường rồi thì màng nhựa kia mới co lại, giải thoát cho kẻ cuồng quá hóa liều. Hành tinh Thấu Suốt cho hay làm được điều này thì bình đẳng nam nữ sẽ hoàn toàn bảo đảm về bản chất. Tóm lại, cơ quan nhận âm ở Ông To là một chiến lũy kiên cố.

“Dần dà, dân nước La Ta Đê quên khuấy mất Ông To. Ông hoá thành con chuột bạch trong phòng nghiệm không hơn không kém. Nghĩa là một khi khoa học thâm nhập thì thần tượng nào cũng chỉ còn là một vật phẩm xem xét. Ông To nay thật sự chỉ là một mảnh tước trên khu di chỉ khảo cổ học. Ông hết là người đặt ra lối sống, lối nghĩ, lối sợ cho người dân nước ông theo. Bây giờ họ hiểu rõ sơ đồ vận khí náo hoạt, lắt léo, len lỏi trong các ngóc ngách lục phủ ngũ tạng ông, bây giờ họ nghe rành rọt sự chuyển lăn róc rách của bài tiết, sự tích đọng, tồn kho ngọt ngào, êm ả đầy hứa hẹn của tinh dịch trong những nang, những tuyến vặn xoắn ruột gà trong bụng ông, bây giờ họ chứng kiến sự tách chia râm ran nhưng có hạn của các tế bào trên khắp cơ thể ông. Bây giờ ông để dân chiếm hữu chứ không phải ông chiếm hữu dân nữa. Bây giờ ông là pho tượng trong suốt – chứ không phải đồng đen – đứng trong giảng đường ngoài trời – chứ không phải tại chốn thiên thu mà ông cầu mong suốt…”.

*

* *

Màn audio đã li kì, màn video theo anh thủy thủ còn li kì và hấp dẫn hơn nhiều. May sao, anh lại được chứng kiến.

“Hôm ấy, khí tượng báo sắp có nhật thực toàn phần. Quả nhiên! Đúng ngọ – lại ngọ, đúng cái giờ thủy tổ người La Ta Đê đập hai hòn Giái Trời tìm ra lửa và xơi bữa chuột đồng quay đầu tiên cách nay vạn năm – trời bỗng tối sầm, sao hiện lên chi chít như vãi vừng. Mười lăm phút sau, trời quang. Và cũng lúc với màn sao biến đi, để cho màu xanh thăm thẳm của bầu trời xuất hiện trở lại, bức cuốn thư chợt loang loáng phát sáng. Mặt cuốn thư dềnh lên một màn màu nguyệt bạch. Và thình lình hình ảnh nổi lên ở trên đó. Nổi lên lắc lư như tìm hướng rồi lần lượt bong ra, bồng bềnh bay đi”.

“Đó là những tấm toàn ảnh ký, hologram, ba chiều, lập thể, riêng rẽ, rõ nét cực kỳ. Video Hành tinh Thấu Suốt thì hỏi còn chê được vào đâu nữa chứ hả anh? Rõ từng sợi tóc, từng lỗ chân lông những người hiện ra ở trên ảnh. Màu sắc có thể nói là trung thực tuyệt đối. Haifai với haiđi này thì phải cho đến 5 con hai mất”.

“Dập dờn như những bong bóng xà phòng trẻ con thổi, những ảnh này cứ thế phùn phụt, tua túa cất cánh theo nhau tung mình đi la đà khắp chốn cùng nơi. Phút chốc cả kinh thành La Ta Đê hoá thành một Hạ Long cạn mà đảo biển, tàu thuyền, hải âu là hàng triệu triệu tấm toàn ảnh ký phiêu bồng nhu múa, như vờn mà bay lượn. Vướng vật thì tránh. Không kịp thì phân đôi, tách ba, nhân lên thành gấp mấy hình ảnh cũ nguyên vẹn. Nhiều tấm bám vào cánh tay người, nhất là cánh tay nõn nà của con gái, quăng quắc như những tăm nước suối lạnh ôm lấy thành cốc pha lê vậy”.

“Sinh hoạt của Ông To cùng tập đoàn cầm quyền nước La Ta Đê bày ra hết! Thật là những kỷ niệm chương, những huy hiệu lênh đênh lưu động, tặng phẩm mà các vị đã ngoài ý muốn đem xã hội hóa, đã miễn phế nhuận bút đem ra thương mại hoá. An ninh đã cố thu nhặt, bóp, nghiền, chòi, đập cho rụng, cho tan. Công cốc! Chúng nhẹ hơn không khí ạ! Chưa đụng đến, chúng đã dạt xa, dạt xong lại quần tụ. Vả lại, nguồn phát hành ảnh phẩm cứ còn nằm đó, trên bức cuốn thư kia, làm nguồn tán phát vô tội vạ và vô cùng tận cơ mà”.

“Anh có biết không, anh thủy thủ nói. Hành tinh Thấu Suốt còn hớ một điều. Anh bảo những quả bóng ảnh ghi hình các ông cốp xứ này ăn cắp, ăn bẩn và làm tình đểu giả cứ bay chấp chới tứ xứ đông đoài nam bắc thì có gay go không? Tội nhất cho trẻ con. Chúng dại dột đuổi bắt, nhiều khi bố mẹ phải mắng chửi, thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Thương là thương phụ nữ, nhất là con gái mới lớn. Mặt ai ra đường cũng cúi gằm và đỏ như mai cua biển luộc. Trong khi, có những người lại kiếm lời bằng lập các câu lạc bộ đen thu thập thành các lếch xông sưu tập về công cuộc làm tình làm tiền của các ông cầm quyền bên đó. Bây giờ thấy chỗ nào túm tụm đàn ông là đoán được ra ngay người ta đang xem chuyện gì. Ác ôn là lại in thành sách có minh họa ảnh thật phổ biến kinh nghiệm nữa. Rồi bảo lãnh đạo thế này mới đúng là sâu sát! Tởm lắm anh ạ! Ai đời Ông To gọi một nữ bộ trưởng đến bắt cởi truồng ra… Gớm sao khoen ngọc mà đeo lủng liểng cả chùm loong coong leng keng thế này ở chỗ kín của Ông To… Gọi là kín cho nó tử tế chứ anh bảo, thôi, em không tả thêm nữa. Chuyện cung phủ lòi ra hết!”.

“Bong bóng rồi nhiều đến mức xe hơi phải lắp quạt đằng mũi để quạt chúng đi kẻo không thấy rõ đường. Xe buýt lắp ba quạt đại, bong bóng nổi cuồn cuộn lên như sóng dồi ở trước mũi xe, nom ngộ ra phết anh ạ. Tàu thủy chạy thì sóng dồi đằng đuôi, xe hơi thì sóng lại dồi đằng mũi. Dĩ nhiên các vị cầm quyền đã ra lệnh bịt kín cửa xe các vị lại… Nhà nước đã thuê một công ty tạo bão nhân tạo của nước ngoài về lắp hẳn một hệ thống ống thổi ken chặt dọc suốt biên giới, kể cả bờ biển, để lùa quét cái tập quần bong bóng tai ác kia sang các nước láng giềng và ngoài khơi. Kỳ tài! Chúng có bị tung thốc lên cao, chúng có thưa thoáng. Đúng có thế! Nhưng rất nhanh, chúng phản đòn: với chúng lên cao cũng tựa như về căn cứ địa luyện cán chỉnh quân xong lại cuồn cuộn tập hợp thành những con sóng từ tít tắp trời xanh dồn dập, tới tấp quật trả lại… Suốt rẻo biên giới cứ là mù mịt, các nước láng giềng điện phản đối vung tí mẹt, cuối cũng đành tháo gỡ hệ tạo bão…

Từ đấy đâu đâu cũng phơi phới, lượn lờ những ảnh nay đã thành một bộ phận chính yếu của cảnh quan giả tuyết khá huyền ảo ở cái đất nước nhiệt đới này. Chịu nổi không anh, các ông to ấy? Thế mà cũng kỳ tài không kém, các vị to đầu La Ta Đê vẫn như muôn thuở, chẳng ai từ chức hay tự sát. Duy bỗng một hôm báo chí thông báo các vị cầm quyền từ nay đổi tên cúng cơm cùng tên chức vụ. Tiếp đó trình làng chân dung mới của các cụ. Khác hết, khác hẳn. Nếu như không có dấu chứng nhận của Công chứng Nhà nước kèm theo thì khó ai tin được đó lại chính là các vị lãnh đạo quen thuộc của họ. Các cụ đã bí mật ra nước ngoài nhờ trí trá giúp cho bộ mặt. Dân bảo đổi đến mức này khéo mà các cụ hạ cánh an toàn!”.

“Sợ lắm anh ơi, anh thủy thủ kêu lên, sợ là sợ cho tài đón đầu như thần của Hành tinh Thấu Suốt ấy. Vài hôm sau khi các cụ trình làng chân dung mới thì các tấm ảnh cũng đổi theo luôn! Ở trên ảnh bây giờ, cụ nào cũng đều hai đầu cũ mới. nom như con đại bàng hai đầu ở trên quốc huy một số nước. Đúng là không cho chúng… ông thoát thật! Cuộc chỉnh hình thẩm mỹ vì uy tín quốc gia trên kia ngoạm mất toi hai phần ba ngân sách văn hóa và y tế của La Ta Đê thế là vẫn dưới cơ Người Trời… Bong bóng vẫn túa ra bay và các ông cốp của La Ta Đê vẫn nhởn nhơ bày ra ở đó hai bộ mặt trên cùng một cần cổ mải miết làm hai việc cơ bản nhất của các vị là làm tình và làm tiền”.

“Còn em, thú thật với anh, em cũng nhót được một tấm đấy ạ. Mua chợ đen. Ông To sex ma ra tông ba tiếng lận với sáu gái teen. Về đến Sài Gòn, em bị hải quan lột, văn hoá đồi trụy mà. Cãi rằng bên kia nó đầy đường nhưng họ không nghe. Sau phải tòi ra một chai. Hôm nào em mang đến hầu anh coi. Khéo mà anh cũng lỉnh vụng sang đó tham quan mất…”.

*

* *

Chú thích cuối truyện:

Tình cờ vào một blog Thủythủlưuvong tôi đọc thấy: Em sang La Ta Đê vì là thế này. Không phải em thích gì những cái ba láp ê hề ở đó mà là vì ở đó em được gần với nền dân chủ ngoài trái đất, nó tuy ngoại lai dùng công nghệ quá siêu bức ép dân phải thu nhận nhưng em đã bén hơi và linh cảm thấy là sớm muộn rồi thì cũng chả đâu thoát được nó anh ạ. Chi bằng té trước. Chờ anh.

T. Đ.

Comments are closed.