Ứng cử Quốc hội

(chương 15 Tự truyện Nguyễn Thanh Giang)

Nguyễn Thanh Giang

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, họp từ 15 đến 18 tháng 12 năm 1986, được xem là mở đầu công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Trong trào lưu đổi mới từ 1986 đến 1990, một loạt bài chính luận của tôi được đăng trên các báo của Đảng. Nhiều bài đăng trang trọng trên trang nhất báo Nhân Dân. Tôi được dư luận nhìn nhận như một chính khách sáng giá. Đến nỗi trong một buổi họp đồng môn Đại học Tổng hợp vào mùa thu năm 1990, anh em xì xào bàn tán: Chuyến này lớp ta có lẽ sẽ có Nguyễn Thanh Giang vào Trung ương. Tôi ngượng chín cả người, phải bỏ ra ngoài để dập tắt câu chuyện, không để cho “đề tài” này tiếp tục triển khai.

Hồi học Khoa Lý Đại học Tổng hợp, tôi là cán bộ kháng chiến về, được bầu/cử làm lớp phó. Sau gần ba chục năm ra trường, nhiều anh em cùng lớp, kể cả những người được tôi bồi dưỡng để kết nạp Đoàn cũng đã trở thành đảng viên và có chức tước kha khá. Hầu hết không ai nghĩ rằng tôi còn ở ngoài Đảng.

Tháng 7 năm 1992 bầu cử Quốc hội khóa IX, trước đó hơn nửa năm tôi công bố bài viết sau đây:

Thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt Nam 1980

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 8 tháng 01 năm 1992.

Kính gửi: Ban soạn thảo sửa đổi Hiến Pháp.

Tôi là một trí thức ngoài Đảng, lại vốn chỉ làm khoa học tự nhiên, không hiểu biết gì về hiến pháp học. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1980, tôi thấy có một số ý kiến muốn được phát biểu, mong được ban soạn thảo Hiến pháp tham khảo.

Sau đây là một số ý kiến cụ thể của tôi:

1. Lời nói đầu cần được viết lại theo một trong hai phương án:

Hoặc là nội dung phần này chỉ nên gồm các ý: lịch sử hình thành, phát triển của hiến pháp Việt Nam; lý do sửa đổi; và khái quát đặc điểm của bản hiến pháp này.

Nếu muốn cơ cấu nội dung lời nói đầu như đã viết trong dự thảo công bố thì bố cục của phần viết về đặc điểm của đất nước, của dân tộc, nên viết súc tích hơn, khái quát hơn, và phân minh hơn. Không nên chỉ ưu tiên cho giai đoạn lịch sử từ 1930 trở lại đây.

Không nên để tồn tại những câu không được chặt chẽ lắm. Ví dụ, sau một đoạn viết liền mạch về lịch sử đất nước, câu “Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân ta đã bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi,…” có thể làm tủi vong linh cha ông chúng ta. Bởi vì, không phải chỉ các thế hệ chúng ta ngày nay mới làm được việc đó.

2. Hiến pháp là sản phẩm văn hóa của một quốc gia nhưng lại là tài sản chung của nền văn hóa chung trong cộng đồng nhân loại, bởi vậy rất không nên dùng thể tự xưng “ta” hoặc “chúng ta” như: “Đến nay nước ta đã có ba bản hiến pháp…”. “Từ năm 1986, nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện…”. v.v…

Ai cũng biết rằng không phải chỉ có người trong nước mà nhiều người nước ngoài, hoặc làm nghiên cứu khoa học-xã hội, hoặc có yêu cầu tìm hiểu để triển khai các quan hệ với ta, cũng đọc hiến pháp Việt Nam. Thật vậy, các Điều 25 (Chương II), Điều 80 và 81 (Chương VI) và ngay cả Điều 1 (Chương I) đều chủ yếu dành cho người nước ngoài khi tham khảo hiến pháp của chúng ta.

3. Trên cơ sở nhận thức rằng có chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong cơ cấu nhà nước thống nhất, nhưng không có nhà nước và nhân dân trung ương với nhà nước và nhân dân địa phương, tôi nghĩ rằng ở nước ta chỉ có hai loại hoặc hai cấp thành phố: thành phố thuộc nhà nước (hoặc thành phố quốc gia) và thành phố thuộc tỉnh, không có thành phố trực thuộc trung ương. Có chăng, chỉ ủy ban hành chính của thành phố thuộc nhà nước mới trực thuộc trung ương. Vì vậy, đề nghị sửa Điều 115 là:

“Các đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam được phân định như sau: nước gồm các tỉnh và thành phố thuộc nhà nước, tỉnh gồm các huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã v.v…”. Việc kiến nghị đổi tất cả từ “chia thành” trong Điều 115 thành “gồm các” không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của ngôn từ, mà còn nhằm bảo đảm vấn đề chính trị quan trọng của việc thể hiện nghiêm túc tinh thần và ý chí thống nhất của nhân dân ta, của đất nước ta.

4. Để thống nhất về mặt kết cấu chữ nghĩa cách gọi tên các chương, Chương I nên đặt là “Tên nước – Chế độ chính trị”. Cũng vậy, tên của Chương IV sẽ ngắn gọn hơn: “Bảo vệ tổ quốc”, không cần thêm cụm từ XHCN. Đối với người dân của bất kỳ nước nào, tổ quốc cũng đều vô cùng thiêng liêng. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy ý chí bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta là bất di bất dịch. Tổ quốc đã qua bao nhiêu triều đại, song dù vận nước thịnh suy, nhân dân ta vẫn một lòng gìn giữ vẹn toàn giang sơn đất nước.

Vả chăng, cần chăng là phải đề phòng tình huống khôi hài khi có tên cơ hội hoặc kẻ ngụy biện nào bảo rằng chỉ có tổ quốc XHCN mới đáng được bảo vệ thôi. Vì sự thật là chúng ta chưa hề có CNXH. Cho đến nay ta cũng mới chỉ đang ở chặng đầu của thời ký quá độ. Tôi tin rằng nhân dân ta đều hiểu muốn có CNXH thì trước hết phải bảo vệ tổ quốc đã.

5. Không nên lạm dụng cụm từ XHCN. Việc đưa ý niệm “Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản XHCN” làm cho Điều 76 vừa không xác định vừa mâu thuẫn với một số điều khác. Thế nào là tài sản XHCN? Đối với các di sản văn hóa, di tích lịch sử và tài sản của các thành phần kinh tế khác thì sao?

Ở Điều 13 chỉ cần ghi “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng là bất khả xâm phạm” là đủ. Không cần thêm cụm từ XHCN vào sau tổ quốc Việt Nam.

Trong cơn chao đảo cực kỳ dữ dội này, nếu chúng ta còn muốn thực sự kiên định cái lý tưởng XHCN đích thực tốt đẹp thì ta càng phải tỏ ra điềm tĩnh và có bản lĩnh. Không nên lên gân bằng ngôn từ. Điều cốt yếu là phải bằng các chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể đúng đắn.

Tránh bớt khẩu hiệu và sự thách thức bằng tuyên bố. Đừng làm cho bè bạn bình thường cũng thấy khó chịu mà kẻ thù thì càng lồng lộn chống phá ta.

6. Vấn đề hệ thống tư pháp thuộc cơ quan quyền lực nào và chế độ thẩm phán bầu hay bổ nhiệm là rất quan trọng, bởi vậy không nên để lửng như Điều 129: “Chế độ bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thẩm phán, chế độ bầu và nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân ở tòa án nhân dân các cấp do luật định”.

Để bảo đảm tính độc lập tương đối cho quyền tư pháp, cần có Hội đồng tư pháp tối cao. Hội đồng này cử ra những thẩm phán xét xử và công tố viên. Cũng cần đổi Viện Kiểm Sát Nhân Dân hiện nay thành Viện Công Tố có chức năng kiểm soát các hoạt động của các cơ quan hành pháp và có quyền khởi tố, cáo trạng và kháng nghị.

Dù vẫn muốn duy trì chế độ trung ương tập quyền thì ta vẫn phải hết sức cố gắng tổ chức nhà nước sao cho nguyên tắc quyền lực ngăn trở quyền lực được bảo đảm. Thực tế là hiện nay tình trạng quan liêu và tham nhũng trong bộ máy nhà nước ở ta còn tệ hại hơn những năm trước và hơn rất nhiều nước trên thế giới. Nạn ma-phia cũng hình thành rộng rãi và có nguy cơ phát triển ghê gớm. Các cấp chính quyền có xu hướng hoạt động vì chính quyền hơn là vì nhân dân.  Nếu các nhà lãnh đạo không tỉnh táo nhìn thẳng vào sự thật một cách khách quan, hoặc vì quá say sưa tự hào với thành tích hoặc quá nhấn mạnh đến yêu cầu ổn định chính trị mà không tổ chức việc kiểm tra và kiểm soát một cách nghiêm túc, xuê xoa cho nhau, bỏ mặc quần chúng, thì khả năng phân hóa (không phải chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, chính trị) sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Không thể không cảnh giác đề phòng nguy cơ suy yếu trường cửu và thậm chí dẫn đến tan rã.

7. Nên bỏ hai chữ “nhất thiết” trong câu “ngoài thủ tướng các thành viên khác của chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu quốc hội” (Điều 107). Muốn có sự phân biệt tương đối rõ giữa quyền lập pháp và hành pháp thì đại biểu quốc hội không nên kiêm nhiệm những chức vụ lãnh đạo trong hệ thống hành pháp và tư pháp. Vả chăng từ khóa tới, đại biểu quốc hội cần hoạt động thực sự, nên phải dành thời giờ thỏa đáng cho công việc của quốc hội, không còn đủ thời gian và tâm trí để làm việc của chính phủ.

8. Vấn đề đồng bào ta định cư ở nước ngoài phải được xem là một trong những vấn đề lớn của quốc gia, của dân tộc. Cần đặt vào đây những nhiệm vụ chiến lược và đưa vào phạm trù của những quốc sách. Đồng bào ta đã ra đi từ năm 1975 và lại đang ra đi từ khi Đông Âu tan rã và Liên Xô sụp đổ. Bởi vậy, vấn đề này đã và đang phát sinh và phát triển rất mới lạ. Muốn hạn chế sự xuất hiện của các lực lượng chống đối, đồng thời tranh thủ sức đóng góp to lớn của những cộng đồng người Việt Nam này, cần quan tâm thực sự đến họ với tấm lòng ưu ái của máu mủ ruột thịt. Cần tỏ ra rằng chúng ta vẫn xem cộng đồng những người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của nhân dân Việt Nam.

Đề nghị tách Điều 5 Chương 1 thành hai điều. Một trong hai điều đó sẽ được ghi là:

“Nhà nước Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc. Nhà nước tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ với gia đình, quê hương, được giữ quốc tịch Việt Nam và được trở về tái định cư trên đất nước Việt Nam khi có nguyện vọng”.

9. Điều 16, không nên viết “Mục đích chính sách kinh tế của nhà nước là đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân…”,mà nên sửa thành “Chính sách kinh tế của nhà nước nhằm đáp ứng…”.

10. Đoạn cuối Điều 53, không nên viết “Nhà nước ban hành chế độ bảo hộ lao động, chính sách lao động đối với phụ nữ, trẻ em”, mà viết “Nhà nước có chế độ bảo hộ lao động, đặc biệt là đối với lao động phụ nữ và trẻ em”.

11. Bỏ bớt từ “phát huy” trong đoạn “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục tập quán” (Điều 5).

12. Nên bỏ hoặc ít ra sửa đổi lại Điều 8 vì đây chỉ là một khẩu lệnh, không có yếu tố quy định pháp lý. Trong thực tế, nếu có những pháp quy dưới luật đủ bảo đảm thực hiện nghiêm túc các Điều 72, Điều 127 và Điều 3, thì tức là sẽ đạt được mong muốn của Điều 8.

13. Bỏ Điều 42 ở Chương 3 vì đây là một chủ trương chứ không phải một điều luật. Vả lại, một chương như Chương 3, gồm tới bốn vấn đề lớn: văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ mà chỉ gồm 13 điều. Tại sao du lịch chỉ là một trong các hình thức hoạt động của văn hóa-thể thao lại cần phải dành riêng cả một điều cho nó?

14. Điều 15, không nên viết “Nhà nước phát triển nền kinh kế hàng hóa nhiều thành phần…”, mà sửa thành “Nền kinh tế của nước Việt Nam là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường…”.

Trong Điều 15 cũng còn nên bỏ “tồn tại lâu dài” ở đoạn “Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần tồn tại lâu dài…”.

Do bản thân hiến pháp đã là bộ luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của nhà nước, chỉ quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất – mới có quyền sửa đổi hiến pháp. Mọi điều khoản đã được quy định ở đây đều phải được hiểu là sẽ tồn tại lâu dài, ít ra cùng khoảng thời gian với bản hiến pháp này. Dầu với ý muốn làm yên lòng các nhà đầu tư và kinh doanh thì việc đưa thêm cụm từ “tồn tại lâu dài” cũng chỉ làm cho đoạn này thiếu chặt chẽ, bởi vì đã là một ngoại lệ thì có thể hiểu rằng tính chất bền vững của điều này sẽ kém các điều khác.

15. Điều 1 nên viết lại là: “Nước Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất, có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

Việc thay đổi thứ tự giữa vùng biển và vùng trời là để bảo đảm lô-gích tư duy từ gần đến xa và thứ tự mức độ quan trọng của các phần lãnh thổ.

*

Bài viết trên càng thể hiện tôi là người thực sự ưu tư quốc sự và có khả năng bàn tính việc nước. Đến bây giờ ngồi đọc lại tôi cũng thấy tự ngạc nhiên về mình. Không biết vì sao đang bận rộn việc cơ quan, lo lắng chuyện con cái ăn học, xếp hàng mua từ bìa đậu đến mớ rau, thiếu chất bổ dưỡng, cả nhà đều còm nhom mà tôi vẫn cất công bàn về Hiến pháp một cách thấu đáo, nhiệt thành đến như vậy. Chỉ riêng điều góp ý thứ 15 trên đây cũng chứng tổ sự mẫn cảm chính trị của tôi đến mức như có giác quan thứ sáu. Từ ngày ấy tôi đã kêu gọi phải quan tâm đến biển, hơn cả trời.

Cho nên khá nhiều người khuyên tôi nên ra ứng cử Quốc hội. Anh em trong ngành địa chất lại càng khuyến khích tôi mạnh hơn. Cho đến khóa VIII vẫn không có nhà địa chất nào được lọt vào Quốc hội. Anh em cho rằng phải có đại biểu trong Quốc hội thì địa chất mới được coi trọng và quyền lợi của người làm địa chất mới được chú ý. Người địa chất là đảng viên có trình độ và uy tín như tôi không ít. Nhưng, vì là người ngoài đảng nên tôi trở thành của hiếm khi chủ trương năm ấy nêu lên là phải cơ cấu cho được 10% người ngoài đảng trong Quốc hội.

Nghe bùi tai, tôi quyết định thử mạnh dạn nhập cuộc. Vì vẫn còn chút ngần ngại, tôi gửi thư hỏi ý kiến một số lãnh đạo Đảng, Chính phủ … Tôi nhận được thư phản hồi khá sớm của bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt. Khi tôi học Đại học Tổng hợp thì Phạm Thế Duyệt học Đại học Bách khoa. Biết tiếng tôi từ bấy, ông khuyến khích tôi khẩn trương làm thủ tục ứng cử. Quả nhiên, tôi làm thủ tục rất xuôn xẻ. Sau khi tham khảo ý kiến của ông Trần Dức Lương, là thủ trưởng cũ của tôi, và bà Nguyễn Thị Thân, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, là người khá thân thiết với gia đình tôi khi cùng công tác với vợ tôi ở Trung Ương Hội Phụ nữ Việt Nam, ông Nguyễn Việt Dũng, trưởng ban Bầu cử của Quốc hội khóa ấy tổ chức buổi tiếp xúc khá trịnh trọng tại Văn phòng Quốc hội.

Có lẽ Trần Đức Lương và Nguyễn Thi Thân đều đã nói thuận, đồng thời, buổi tiếp xúc tại Văn phòng Quốc hội đã ghi nhận ấn tượng tốt nên tôi được chấm điểm. GSTS Nguyến Tài Lương, bạn học phổ thông ở Thanh Hóa là đại biểu Quốc hội khóa VIII cho tôi biết rằng trong một buổi họp mà anh được dự, anh đã nghe thấy Chủ tịch Nước Võ Chí Công nói về trường hợp tự ứng cử của Nguyễn Thanh Giang như một nhân tố mới rất đáng quan tâm. Thế là, báo Đai Đoàn Kết đăng bài phỏng vấn và ảnh của tôi. Nhiều ngưởi kể đã được nghe Vũ Mão, ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc hội về quận tôi ở, quận Đống Đa, tuyên truyền, giới thiệu về tôi rất hay. Trong không khí được tưng bừng đón nhận như vậy, rất nhiều anh chị em trong và ngoài ngành địa chất, cả các cụ lão thành cách mạng hơn 40 tuổi đảng mà tôi chưa hề quen biết dồn dập gửi thư hoặc gọi điện thoại tới hoan nghênh, bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành và hy vọng tôi sẽ đắc cử. Tại hội nghị cử tri phường, tỷ lệ phiếu tín nhiệm của tôi rất cao. Phường Thanh Xuân Bắc lúc ấy có bốn ứng cử viên. GSTS Phạm Thị Trân Châu, giảng dạy ở Đại học Tổng hợp, ngoài Đảng, đạt 100%; Nguyến Thanh Giang 96%; GSTS Nguyến Duy Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, trên 80%; PTS Trần Thị Thanh Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ Trẻ em, trên 70%.

“Nguy cơ” đương nhiên trúng cử đại biểu Quốc hội của tôi làm giật mình cánh chuyên chính vô sản cực đoan. Họ tận lực triệt phá “nguy cơ” đó, dứt khoát không để tôi lọt vào danh sách ứng cử viên chính thức.

Hồi ấy, để được chính thức lọt vào danh sách ứng cử viên, người ra ứng cử phải lấy được phiếu tín nhiệm có tỷ lệ quá bán tại hội nghị cử tri phường/ xã và hội nghị cử tri ở cơ quan. Hội nghị cử tri phường tôi tổ chức nghiêm túc, hàng trăm người đến nghe dự kiến hoạt động khi trở thành Đại biểu Quốc hội của tôi nên 96% đã kỳ vọng. Trong khi đó, công an và người của Mặt trận Tổ Quốc dồn dập đến cơ quan chỉ đạo phải triệt hạ cho được khả năng đưa tôi ra để được nhận phiếu bầu của cử tri toàn quốc. Cơ quan tôi có trên 400 người. Nhẽ ra Hội nghị cư tri ở đây cũng phải chính thức loan báo để tất cả những ai quam tâm đều đến dự. Nhưng, nhận lệnh chỉ đạo ngầm, thủ trưởng cơ quan chỉ ký sổ mời đúng 14 người đại diện các tổ chức: ban, phòng, chi bộ, công đoàn, thanh niên … mà đa số trong đó đã được họp kín để nghe chỉ thị của cấp trên. Kết quả là: Chỉ một phần ba thành viên hội nghị cử tri cơ quan, những người không được họp kín trước đó mới dám bỏ phiếu ủng hộ tôi.

Quốc hội khóa IX (1992-1997) có 395 đại biểu được bầu, trong đó chỉ có 33 đại biểu ngoài Đảng. Chỉ tiêu hết sức ngặt nghèo 10% cũng không đạt được!

Đến một hai kỳ bầu cử Quốc hội sau đó vẫn có người xui tôi ra ứng cử, nhưng tôi đã “tấc lòng trinh bạch từ nay xin chừa”! Tôi chỉ còn dám đứng ngoài để bầy tỏ nỗi trông mong vào sự tiến bộ của việc tổ chức “Bầu cử Quốc hội” ở nước ta qua một số bài viết đại thể như sau:

ĐỂ LỰA CHỌN ĐƯỢC NGƯỜI XỨNG ĐÁNG VÀO CƠ QUAN ĐẠI BIỂU CAO NHẤT CỦA NHÂN DÂN

I. Tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007

Nghịch lý trớ trêu đến mức trở thành nỗi cay đắng khôn nguôi là, cho đến nay, Việt Nam không chỉ tụt hậu xa so với thế giới mà còn bị xếp hạng thấp kém so với ngay cả các nước Đông Nam Á, trong khi cựu thủ tướng một quốc gia giầu mạnh nhất Đông Nam Á, ông Lý Quang Diệu đến bây giờ, trong lần đến Việt Nam mới đây, vẫn phải thừa nhận rằng “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi vì so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau bất cứ nước nào trong khu vực”

Đặt vấn đề so sánh Việt Nam với các nước Đông Nam Á như vậy là vẫn chưa đúng tầm. Ngay ngoại trưởng siêu cường Hoa Kỳ Condoleezza Rice cũng phải thốt lên lời khẳng định sự so sánh có quy mô toàn cầu: “Việt Nam, nơi có sức sống mãnh liệt nhất mà tôi từng đến”.      

Nghịch lý cay đắng nêu trên là hệ quả của một nghịch lý lớn khác: trong nhiều thập kỷ gần đây, Việt Nam luôn luôn phải đi trong cái thế chổng ngược đầu xuống đất. Đó là cái thế mà trong cơ cấu xã hội, quan trí luôn luôn thấp hơn dân trí. Quan trí ở dưới dân trí. Năm ngoái, nghe ông ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh trả lời chất vấn ở Quốc hội người ta đã thấy ngao ngán; năm nay, nghe ông Nguyễn văn Hiện người ta càng hết sức ngạc nhiên. Một ông chánh án tòa án nhân dân tối cao của một quốc gia mà cả khả năng tư duy lẫn trình độ văn hóa ứng xử đều kém hơn một học sinh trung học. Ông Thủ tướng mới lên với khả năng ứng đối mạch lạc hơn, thái độ tự tin hơn, may chăng có làm cho người dân quên dần nỗi xấu hổ về một ông Thủ tướng của mình mà phải càm mảnh giấy để đọc, khi ứng đối với một vị lãnh đạo nước ngoài!

Đối với quốc gia, quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan lập hiến và lập pháp duy nhất, là cơ quan giám sát tối cao mọi hoạt động của nhà nước, là cơ quan cao nhất quyết định các vấn đề trọng đại của quốc gia. Cho nên xác định mục tiêu lựa chọn đại biếu Quốc hội mà viết như Thông báo hội nghị lần thứ tư ban chấp hành trung ương Đảng khóa X: “lựa chọn và bầu được những đại biểu Quốc hội trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư … ” , hay nói như tổng bí thư Nông Đúc Mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4: “ …để bầu được những đại biểu Quốc hội thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân … những người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đều chưa đủ và chưa đúng yêu cầu cơ bản. Đại biểu Quốc hội không chỉ cần “trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, hay “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân” mà cơ bản phải có khả năng thực hiện những trọng trách của Quốc hội. Đó là, có trình độ bàn thảo để “quyết định các vấn đề trọng đại của quốc gia”, “giám sát tối cao mọi hoạt động của nhà nước” và tham gia “lập hiến và lập pháp”. Chỉ với những đại biểu như vậy mới đảm bảo để “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” như nói ở trên.

II. Vấn đề ứng cử Quốc hội

Muốn nhân dân chọn được người thực sự xứng đáng cho cơ quan đại biểu cao nhất của mình thì phải đề cử được, và tạo điều kiện để, những người tài cao đức trọng ra ứng cử Quốc hội. Tình trạng “Đảng cử dân bầu” đã ngăn trở rất nhiều khả năng những người tài trong nhân dân được đề cử và ứng cử đại biểu Quốc hội. Nó là một tệ nạn biểu hiện sự độc quyền độc đoán tai hại của đảng Cộng sản Việt Nam, đến mức đó đây đang rộ lên ý định tẩy chay cuộc bầu cử năm 2007 này. Phương thức thông qua hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì qua bao nhiêu năm đã lộ rõ là một thủ đoạn xảo quỵệt mà trơ trẽn của Đảng, chỉ cho những người của mình được đề cử vào Quốc hội. Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi, một công cụ của Đảng dù hiệp thương rộng hay hiệp thương hẹp cũng chỉ dám theo chỉ thị của Đảng để chọn những người “trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” mà thực chất là trung thành với Đảng trong khi Đảng đã trung thành bán mình cho mấy vị ngoại bang: Marx, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông. (Tệ hại hơn nữa là Đảng bắt quân đội cũng chỉ được trung với Đảng (chứ không trung với nước) để quân đội phải sẵn sàng xả đạn vào đầu và lái xe tăng chà nát thây những nhân dân nào dám chống chủ nghĩa xã hội như ở Thiên An Môn chăng?).

Để thoát khỏi tệ trạng “Đảng cử dân bầu” tồn tại đã lâu, cần gấp rút soạn thảo và ban hành một bộ luật mới về bầu cử quốc hội. Ở đây chỉ xin đề cập đến một vấn đề lớn trong nội dung bộ luật mới đó: vấn đề ứng cử Quốc hội.

Những quy định trước đây đối với người ứng cử xem ra rất đơn giản. Hồ sơ ứng cử chỉ gồm :

  1.  Đơn xin ứng cử.

  2.  Sơ yếu lý lịch có xác nhận của tổ chức, đơn vị hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

  3.  Tiểu sử tóm tắt và 3 ảnh mầu cỡ 4×6. Hồ sơ này phải nộp chậm nhất 60 ngày trước ngày bầu cử Quốc hội.

Quy định này quá đơn giản và lỏng lẻo. Ở một số nước, ngoài quy định tuổi tác và thời gian cư trú (Hiến pháp Hoa Kỳ quy định: “Không một người nào sẽ được bầu làm dân biểu nếu chưa tới 25 tuổi, nếu chưa làm công dân Hiệp chủng quốc được 7 năm, và nếu khi được bầu không cư trú tại tiểu bang đã tuyển lựa mình”, “Không một người nào sẽ được bầu làm thượng nghị sỹ nếu chưa đến 30 tuổi, nếu chưa làm công dân Hiệp chủng quốc 9 năm, và nếu khi được bầu không cư trú tại tiểu bang đã tuyển lựa mình”. Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức: “Người có quyền bầu cử là người đủ 18 tuổi. Người có thể được bầu là người đạt độ tuổi thành niên” …), người ta còn quy định một số điều kiện như ứng cử viên phải lấy được một số lượng chữ ký ủng hộ của cử tri theo quy dịnh của từng nước (cao như ở Bỉ là 200 đến 500 chữ ký; thấp như ở Canada chi 2 chữ ký). Có nước quy định ứng cử viên phải nộp một khoản tiền cược trước.Ở Anh 150 Bảng, ở Pháp 1.000 Franc, ở Nhật 100 Yên… nếu ứng cử vào hạ viện. Ứng viên thượng viên hay tổng thống phải nộp một khoản tiền lớn hơn. Số tiền này chỉ được hoàn lại nếu họ nhận được một lượng phần trăm số phiếu thuận nhất định. Ở Pháp là 5%, ở Italia là 1,5% tổng số phiếu bầu. Tiền cược của những ứng cử viên không thu được lượng phiếu bầu quy định sẽ bị sung vào công quỹ.

Một số nước nghiêm cấm những công dân có nghề nghiệp, chức sắc liên quan đến hoạt động của Nghị viện không được ra ứng cử. Muốn trở thành nghị sỹ thì phải từ bỏ chức sắc, nghề nghiệp đang đảm nhiệm. Cộng hòa Pháp còn quy định: tỉnh trưởng, thẩm phán, các thành viên tòa án hành chính, tổng thanh tra kinh tế quốc gia, tổng kỹ sư vận tải, đại biểu hội đồng vùng, những quan chức do nhân dân bầu, không thể được bầu làm đại biểu ở hạ viện ở bất cứ đơn vị bầu cử nào mà họ đang thi hành nhiệm vụ hoặc đã thi hành nhiệm vụ ấy trong vòng 6 tháng trước ngày bầu cử.

Ở các nước dân chủ đa nguyên đa đảng, cũng như ta, các đảng chính trị cũng đóng vai trò chính yếu trong việc giới thiệu ứng cử viên. Các đảng phái tổ chức các hội nghị đảng để lựa chọn ứng cử viên. Ở Hoa Kỳ, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có quyền đương nhiên giới thiệu ứng cử viên tổng thống và các ứng cử viên quốc hội. Các đảng phái khác chỉ được quyền giới thiệu khi trong cuộc bầu cử lần trước giành được từ 3% đến 5% phiếu bầu trong mỗi bang. Ở Anh, trước năm 1969, ứng cử viên quốc hội không cần thuộc đảng phái nào, nhưng ngày nay ứng cử viên của họ cũng do các đảng chính trị giới thiệu. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, chỉ những đảng có từ 5 ghế trở lên trong nghị viện mới được giới thiệu ứng cử viên vào nghị viện khóa tiếp theo. Những đảng mới thành lập muốn được giới thiệu phải trình cơ quan phụ trách bầu cử cấp liên bang những chứng từ có liên quan đến hoạt động của đảng mình như: điều lệ, cương lĩnh, số lượng đảng viên và các cơ quan cấu thành.

Việt Nam vẫn còn chế độ độc đảng nên nếu chỉ giành quyền giới thiệu ứng cử viên cho đảng phái chính trị thì không thể thoát khỏi tệ trạng Đảng cử dân bầu như bấy nay. Vì Đảng chỉ gồm trên dưới 3 triệu đảng viên được kết nạp theo khuôn thước chủ nghĩa Marx- Lenin nên muốn Quốc hội thực sự đại biểu cho trí tuệ và nguyện vọng của nhân dân thì phải mở rộng cửa đón nhận các ứng cử viên tự do. Tuy nhiên để tránh tình trạng ứng cử tùy tiện, dẫn đến số ứng cử viên quá đông, cần đưa ra một số điều kiện để khống chế số lượng thông qua một quy trình bầu cử sơ bộ tự nhiên. Theo thiển ý chúng tôi, quy trình đó được quy định bởi các điều kiện sau:

–         Ứng cử viên phải lấy được ít nhất 120 chữ ký tin nhiệm của các công dân. Con số 120 này chỉ là ước định về một khả năng sẽ có không nhiều quá, cũng không ít quá số lượng ứng cử viên sẽ có. Khi số ứng cử viên tự ứng cử qúa đông thì chỉ chọn đến người có số thứ tự bằng số đại biểu Quốc hội dự kiến sẽ bầu. (Danh sách ứng cử viên được xếp từ trên xuống theo số lượng chữ ký tín nhiệm).

–         Số chữ ký trong một khu vực lấy phiếu tín nhiệm (tạm gọi là đơn vị ứng cử) không được quá 40. Điều kiện này nhằm đảm bảo ứng cử viên phải có uy tín trong một cộng đồng tương đối lớn chứ không chỉ khu biệt trong một địa phương, một dòng tộc, một cơ quan, một doanh nghiệp …

–         Đơn vị ứng cử là một huyện, quận, một bộ, ngành, một tổ hợp các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất hay nghiên cứu có it nhất 500 người. Đối với Việt Kiều, đơn vị ứng cử là một quốc gia có Việt Kiều sinh sống. Các tổ chức chính trị mới thành lập ở trong nước nếu trình bầy  được chính cương điều lệ rõ ràng trước ngày Hội đồng bầu cử đuợc thành lập, có số thành viên trên 40 cũng được xem là một đơn vị ứng cử.

–         Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam cũng được ứng cử tự do (Cần hủy bỏ ngay “Mười chin điều cấm kỵ dảng viên CSVN”) .

–         Người được một cá nhân, một tổ chức đề cử nếu thỏa mãn những điều kiện trên cũng được chấp nhận.

–         Việt Kiều chỉ được ứng cử chứ không bầu cử.

Ứng cử viên và người được đề cử đáp ứng được các điều kiện trên, có giấy chúng nhận của xã, phường không can án, có giấy xác nhận bệnh viện không mắc chứng tâm thầm, không nghiện ma túy đều phải được hội đồng bầu cử ghi tên vào danh sách để nhân dân bầu cử vào Quốc hội.         

Mấy thiển ý trên đây có thể khó được đa số chấp nhận ngay. Việc bàn thảo đòi hỏi phải có thời gian. Để bảo đảm kỳ bầu cử Quốc hội này tương đối có thực chất, nên hoãn ngày bầu Quốc hội khoảng một quý so với dự kiến 20 tháng 5 năm 2007.

Hà Nội ngày 30 tháng 1 năm 2007.

Comments are closed.