VÔ NGÔN

KC 11[1].2006Ngô Thị Kim Cúc quê Quảng Nam, học Cử nhân Sinh Hóa Đại học Khoa Học Sài Gòn, sau 1975 học khóa I Trường Viết Văn Nguyễn Du- Hà Nội.

Từng làm việc tại Hội Văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên.

Tác phẩm:

-Vị ngọt hòa bình (tập truyện, 1981)

Sắc biển (tập truyện, 1984)

Tam Giang thứ ba (truyện ký, 1984)

Vết cháy (tập truyện, 1985)

Dòng sông buổi chiều (tập truyện, 1988)

Những người uống trà (tập truyện, 1994)

Những biền dâu sống lại (bút ký, 1995)

Thảm cỏ trên trời (tập truyện, 1996)

Ngọt như cà phê (bài báo văn học, 2010)

 

Truyện ngắn

Ngô Thị Kim Cúc

Khi anh đã chìm sâu vào giấc ngủ Seduxen, tôi đến bên giường, ngồi xuống cạnh anh. Đặt tay lên mái tóc dày đã điểm bạc, tôi nhìn vào gương mặt đẹp với đôi mắt đang nhắm ghiền của anh, thầm thì:

-Ông già bị điên! Sao anh cứ tự làm khổ mình vậy. Bớt chức vụ thì nhẹ nhàng đi, làm gì cứ giãy lên như sắp biến thành dân ngu khu đen vậy…

Tôi phì cười vì điều đang nói, vỗ nhẹ lên má anh. Tôi vẫn thích nựng nịu chồng như thế, như nựng nịu một em bé, nựng nịu con trai mình. Cho dù anh lớn hơn tôi hơn hai mươi tuổi, thì với tôi, anh vẫn chẳng khác gì Quan Sang, con trai năm tuổi của chúng tôi. Quan Sang đôi khi còn tỏ ra ghê gớm hơn anh.

-Sao em nói hoài mà anh không nghe. Anh đã có đủ mọi thứ. Vợ đẹp con khôn nhà cao cửa rộng làm vua một cõi. Anh còn sợ ai mà mặt cứ xanh như đít nhái vậy? Có ai tính làm gì anh sao? Ai to gan quá vậy? Anh chỉ cho em để em trị nó!

Tôi bẹo má anh rồi nằm xuống, ôm anh vào lòng. Tôi hôn anh thật âu yếm mà không sợ làm anh thức giấc vì Seduxen đã đưa anh vào giấc ngủ mê mệt. Nó đã thành người bạn không thể thiếu của anh suốt những năm gần đây.

Ngày mới về làm vợ, khi biết anh hay dùng Seduxen, tôi rất lo âu. Câu trả lời của anh thật đơn giản:

-Em đừng lo. Anh biết cách sống chung với mọi thứ tồi tệ mà.  

Sáng sớm hôm sau, anh hoan hỉ chứng minh cho tôi thấy Seduxen có ích thế nào. Một người đàn ông sung mãn sau giấc ngủ, một người chồng tuyệt vời. Lười lĩnh và hạnh phúc, tôi lơ mơ ngủ lại trong khi anh trở dậy, bắt đầu một ngày mới.   

***

Câu đầu tiên tôi nói khi cả hai chúng tôi không còn mảnh vải nào trên người là:

-Em muốn có con với anh.

Hình như anh khựng lại, chỉ một giây thôi. Nhưng anh lập tức đáp lại tôi một cách nồng nàn:  

-Anh còn muốn hơn.  

Nói thì nói thế nhưng tôi không để anh tự do thực hiện ý muốn. Anh được phép trong mọi việc, trừ việc cuối cùng. Tôi luôn giữ được ranh giới mong manh nguy hiểm ấy suốt thời gian đầu đến với  anh.

Anh gần như cuồng điên lên vì tôi. Những nôn nao ham hố. Những ghì siết cuồng loạn. Những kiềm chế rã rời… Tôi quan sát tất cả những điều đó, bằng cặp mắt lạnh. Tôi không còn là cô gái ngây thơ quay cuồng trong yêu đương nữa. Tôi đã hai mươi sáu tuổi và đã kinh nghiệm ê chề về sự thất bại bẽ bàng của đứa con gái quá nồng nhiệt trong trò chơi xác thịt. Nhưng tôi cũng đã học được cách làm đàn ông chết lên chết xuống, giống như mình từng bao lần chết lên chết xuống vì đàn ông…

Anh được chọn, bởi vì anh không phải thành viên của cuộc chơi. Anh là một thách đố. Một người đàn ông trung niên thành đạt, đẹp trai và độc thân. Nói chung, anh là đối tượng hoàn hảo, cho bất kỳ phụ nữ nào muốn kiếm chồng.

Tôi đã được nghe nhiều về anh, đã ghi nhớ mọi điều liên quan đến anh, nắm rõ giờ giấc đi về của anh. Và buổi chiều đó, tôi đã chờ anh ở đoạn đường chỉ cách nhà anh mấy mươi mét. 

Thấy tôi nhăn nhó nằm xoài ra trên mặt đường với chiếc Attila đổ kềnh trên đất, anh đã bảo tài xế dừng xe lại. Anh bước xuống, nhẹ nhàng đỡ tôi dậy, cúi nhìn chân tay trầy trụa của tôi và hỏi:

-Cô có sao không?

-Cháu hơi bị choáng- Tôi đáp, tựa cả thân hình vào anh.

-Được rồi, cô cố đi một quãng đến nhà tôi…

Tôi cà nhắc dựa trên tay anh, đi về nhà. Những người giúp việc của anh nhìn tôi. Trong mắt họ là câu hỏi: Cô này là ai vậy?

Tôi là ai ư? Tôi chỉ đang thử nghiệm một bài học giới tính. Tôi muốn biết một người đàn ông như anh sẽ đối xử với một phụ nữ như tôi ra sao. Chiếc váy ngắn và chiếc áo ống màu gạch nung đã giới thiệu những đường nét đàn bà nhất trên cơ thể tôi.

Trong khi anh dùng cồn i-ốt để sát trùng vết thương ở đầu gối và cùi chõ cho tôi, tôi đau rát đến run cả người, bíu chặt lấy tay anh. Trong mắt anh chợt lóe lên thứ ánh sáng tôi đã quá quen ở đàn ông: sự kích động. Con mồi đã ở trong tầm ngắm.

-Sao cô lại bị ngã nặng thế?- Hơi thở rất mạnh của anh phả lên má tôi.

-Dạ, có hai anh chàng chở nhau đâm vào xe cháu rồi bỏ chạy… -Thật tội nghiệp cho hai anh chàng tưởng tượng nào đó đang bị tôi vu cáo.

-Đúng là thanh niên thời nay!- Anh buông một câu đầy chê trách.

-Vâng ạ. May là cháu gặp được chú.

Chăm sóc xong vết thương, anh bảo người nhà lấy trái cây mời tôi. Anh nhìn tôi ăn những quả dâu tây và kiwi một cách nắn nót, với một vẻ thú vị không che giấu:

-Nhà cô có xa không? Cô có đi về được không?

-Dạ, nhà cháu thuê cũng gần đây thôi. Cháu không sao đâu ạ.

-Thế gia đình cô đang ở đâu?

-Dạ, nhà cháu ở vùng ven. Cháu đi làm xa nên phải thuê nhà- Tôi nói, chậm rãi, nhỏ nhẹ. Một đứa con gái ngoan chỉ nên lễ phép trả lời vừa đủ.

-Ra thế. Cô đang làm công việc gì?

-Cháu là nhân viên tiếp thị mỹ phẩm.

-Ồ, tiếp thị là một công việc vất vả mà lại rất bấp bênh. Sao cô không tìm một công việc ổn định hơn?- Giọng anh ra chiều ái ngại.

-Cháu cũng muốn vậy nhưng cháu chẳng quen biết. Cháu đang đi học thêm tiếng Anh. Chiều nay vậy là cháu bị mất buổi học…- Thật đúng giọng một em bé con nhà lành đang phấn đấu vượt lên hoàn cảnh.

-Cô có thích công việc văn phòng không?- Anh nghiêng người sang, nhìn thẳng vào mắt tôi mà hỏi.

Bàn tay đang cầm chiếc nĩa có găm miếng kiwi của tôi khựng lại. Tôi ngước lên, mở to mắt  nhìn anh:

-Dạ, cháu thích lắm. Nhưng… cháu làm sao xin được…- Rồi tôi cúi mặt xuống, tỏ vẻ rất buồn bã, cam chịu.

-Làm sao xin được hả?- Anh lặp lại câu tôi nói, với một tiếng cười giòn vui vẻ.

Tôi lại tiếp tục ăn kiwi và dâu, rất tròn vai một em bé hồn nhiên và khờ dại.

Anh bấm remote chọn kênh ti vi và dừng lại ở một chương trình Animal Planet về rừng già Nam Mỹ. Lũ cá sấu đang bơi đến chờ ở đoạn eo sông, nơi bầy linh dương đầu bò sẽ lội qua trên hành trình thiên di. Cả một đoạn sông nhung nhúc linh dương và linh dương. Những hàm răng cá sấu lởm chởm vung lên, chỉ trong nháy mắt, những con linh dương bất hạnh biến mất dưới làn nước đục ngầu.

Sức sống hoang dại bên cạnh cái chết hoang dại…

Anh mỉm cười khi thấy tôi theo dõi ti vi một cách quá say sưa:

-Cô có thích chiều mai lại đến đây xem ti vi không?

Tôi làm như chợt nhớ:

-Chết, cháu vô ý quá. Chú đi làm về còn phải nghỉ ngơi. Cháu cám ơn chú nhiều. Nếu không gặp chú, chẳng biết cháu ra sao rồi…

-Hũu duyên thiên lý năng tương ngộ, đúng không cô?

Anh không giấu được nỗi hân hoan trong giọng nói. Đưa tôi ra sân, đến cạnh chiếc Attila đã được tài xế sửa sang lau chùi tinh tươm, anh hỏi tên, đưa tôi tấm cạc và bắt tay tôi:

-Nếu cô thích công việc văn phòng thì sáng mai đến công ty tôi.

Tôi đọc lướt những dòng chữ trên cạc:

-Chú là tổng giám đốc! Vậy mà sao chú dễ gần quá, sao chú tốt quá.

Câu sau tôi đã nói rất thật. Tôi không nghĩ mọi chuyện lại thuận buồm xuôi gió đến thế, không nghĩ ngay lập tức tôi đã đến rất gần mục tiêu, không nghĩ anh có thể tin người đến độ ngây thơ làm vậy.

Tối đó, tôi không hẹn với bất kỳ thằng đàn ông nào. Tôi muốn mình có chút cảm giác thanh sạch khi đến gặp anh vào sáng hôm sau.

***

Tôi được thế vào chỗ của cô nhân viên văn phòng chuẩn bị xuất ngoại theo chồng. Thật không còn gì tốt đẹp hơn. Tôi đã tỏ ra vô cùng siêng năng chịu khó ngay từ ngày đầu. Sáng nào tôi cũng có mặt sớm nhất và chiều nào cũng là ngưòi cuối cùng rời phòng. Tôi biết anh vẫn kín đáo theo dõi mình, và đúng là chỉ sang tuần thứ hai, anh đã có mặt bên bàn làm việc của tôi vào cuối giờ chiều:

-Cô Mai đúng là một nhân viên gương mẫu. Chiều nay cô có đi học tiếng Anh không?

Suýt nữa tôi đã quên mất chi tiết bịa đặt hôm ở nhà anh. Nhưng tôi nhớ ra ngay:

-Dạ không, hôm nay cháu không có giờ.

-Thế tôi có thể mời cô đi cà phê không?

Cá cắn câu rồi, tôi kết luận rất nhanh.

-Dạ, cháu cũng không hay ngồi cà phê lắm. Cháu thích về nhà chú xem ti vi hơn.

Anh cười thành tiếng:

-Cô Mai đúng là đặc biệt. Tuổi cô người ta ngồi cà phê suốt ngày.

Anh bảo tài xế chạy xe Attila của tôi, còn anh tự lái xe đưa tôi về. Bước vào căn biệt thự xinh đẹp lần thứ hai, tôi không kìm được sự thích thú:

-Nhà chú quá tuyệt vời. Chú đúng là người có tâm hồn nghệ sĩ.

-Sao cô Mai lại hào phóng lời khen với tôi thế?- Anh cười rất vui.

-Vì chú rất có óc thẩm mỹ, không giống mấy ông nhà giàu mới nổi học làm sang…

Nói chưa hết câu, tôi vội bưng miệng lại:

-Chết, cháu nói bậy rồi.

Anh lại cười. Hình như điều gì tôi nói cũng khiến anh cười được:

-Cô bảo nhà giàu mới nổi là sao? Cứ nói thật tôi nghe đi.

Thế là tôi tuôn ra bằng hết những gì đã được nghe được biết về các ông xuất thân quê kệch, chức to, tiền nhiều mà hiểu biết ít, vợ con nhà cửa xe cộ đều cố khoe mẽ trông như đồ hàng mã, trong khi nhà anh mọi thứ rất thanh tao lịch sự, từ đồ dùng cho tới cây cảnh, từ trong nhà ra tới  sân vườn… Tôi càng nói càng hăng, càng bốc, càng khiến anh cười ngất. Cuối cùng anh cũng kiềm được cơn cười lại để khen: 

-Cô Mai còn trẻ mà cũng thâm thúy lắm.

-Như vậy là chú bảo cháu già trước tuổi phải không…

Anh lặng thinh không trả lời, nhưng lại tiếp tục bằng một câu hỏi khác:

-Gia đình cô Mai đông anh em không?

-Cháu chỉ có một em gái thôi. Em cháu cũng đã đi làm.

-Thế ba má cô còn khỏe chứ?

-Dạ, ba má cháu vẫn làm vườn…

Tôi vẽ ra câu chuyện về một gia đình thanh bạch với cha mẹ là người lao động nghèo đã cố gắng lo cho con cái học hành. Tôi lạ gì chuyện người tốt việc tốt vẫn in đầy trên các báo.

***

Tôi đã sớm biết mình xinh đẹp từ năm lên bốn. Ai gặp tôi cũng vuốt tóc, bẹo má, và trầm trồ:

-Con bé xinh quá.

Lớn hơn một tí, tôi nghe các chú chạy bàn trong quán phở bảo nhau:

-Đứa nào muốn hôn nó thì hôn bây giờ đi, kẻo lớn lên nó không cho đụng vào đâu.

Các chú tha hồ bồng bế và hôn hít tôi. Và trong khi mẹ bận rộn với công việc rửa tô trong bếp, tôi ngồi chóc ngóc trên chiếc ghế đẩu cạnh nồi phở. Các chú bưng phở đi qua đi lại, chốc chốc lại hỏi:

-Bé Mai thích ăn phở gì? Tái gân hay tái nạm?

Tôi nói đại một tên vì tôi nào biết tái gân nạm là gì. Nhưng dù tôi có trả lời thế nào thì cái tôi nhận được vẫn chỉ là một cọng giá hoặc cọng hành. Có chú còn đưa cho tôi lát ớt để được cười rũ ra thấy tôi hấm hứ vùng vằng quăng đi. Thỉnh thoảng lắm, tôi mới nhận được một rẻo bò viên nhỏ đến nỗi dù rất muốn nhơi nó thật lâu trong mồm, tôi đã chẳng thể nào làm được, bởi nó gần như trôi tuột xuống cổ ngay tức thì.

Tôi quen với chuyện bị đánh lừa tới mức chẳng bao giờ thắc mắc trước việc nói và làm không giống nhau của người lớn. Tôi thấy chuyện đó rất bình thường, gần như tất nhiên.

Trong thế giới trẻ con của mình, tôi lại bắt chước chơi trò chơi của người lớn. Năm lớp sáu, trong giờ ra chơi, tôi hỏi cậu bạn ngồi cùng bàn:

-Bạn muốn cầm tay mình hay muốn mình cầm tay bạn?

Cậu bạn mắt to da trắng môi đỏ này trông đúng là một công tử con nhà. Tôi biết cậu ta thích tôi, vì thế cậu ta trả lời:

-Mình thích cầm tay bạn.

Vậy là tôi đưa tay ra và thay vì để yên cho cậu ta cầm, tôi phát vào tay cậu ta rõ đau. Sau đó, tôi lại hỏi và khi cậu ta trả lời ngược lại, thay vì cầm tay cậu ta, tôi lại đấm lên đó.

Đừng bao giờ chấp nhận những đề nghị người khác đưa ra mà cứ chủ động quyết định theo ý mình. Đó là kết luận của tôi.

***

Sáng này anh thức dậy mà không yêu tôi, cũng không cả âu yếm. Anh gối đầu lên cánh tay tôi và mở mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà, vẻ bần thần.

-Cặp yến phụng mới mua đẻ được hai trứng rồi anh.

-Chắc bọn nó có nghe ngóng được gì đó.

-Mấy chậu lan hài cũng nở hoa rồi.

-Nếu không sao bọn nó không giới thiệu đầy đủ chức vụ của anh. Có lẽ bọn họ định thay đổi gì đó nên bọn này nghe hơi nồi chõ…

-Sáng này em sẽ đi mua thêm pyjama cho hai bố con và mua ba lô mới cho Quan Sang đi học. Em đã hứa với con rồi.

-Đằng sau chuyện này là gì, anh chịu không đoán được. 

Vợ chồng tôi vẫn trò chuyện với nhau kiểu thế này, đã mấy năm nay. Chỉ khi nào biết chắc anh đã ngủ say, tôi mới lựa những lời cần nói nhất rót vào tai anh, thay vì nói lúc anh đang thức. Tôi luôn hy vọng những điều mình nói sẽ xuyên qua giấc ngủ, lọt vào đầu anh. Bởi vì lúc anh thức, không cách gì chúng tôi trò chuyện cùng nhau. Chẳng bao giờ anh chịu nghe tôi tôi nói quá hai câu. Anh luôn cho rằng mình biết đích xác phải làm gì, vì anh hiểu rõ cuộc sống này hơn tôi,và luôn coi ý kiến tôi chỉ như lời con trẻ. Ban đầu tôi rất giận dỗi vì điều ấy, nhưng về sau tôi hiểu là có hờn giận thì cũng chỉ mất thì giờ. Và từ đó, mỗi người trong chúng tôi cứ việc nói mà chẳng cần quan tâm đến phản ứng của người kia. Chỉ cần nói điều muốn nói, như một cách thông báo.  

-Em nghĩ sao? Có chuyện gì không?

Anh lay vai tôi để buộc tôi phải tham gia vào chuyện. Anh đã thực sự căng thẳng, thắc thỏm mãi bởi trong cuộc họp quan trọng ngày hôm trước, người ta chỉ giới thiệu anh với duy nhất một chức danh.   

-Em nghĩ, chắc người ta quên, hoặc người ta lược bớt chức vụ cho đỡ dài dòng.

-Nhưng những người khác vẫn được giới thiệu đầy đủ… Không thể lơ mơ như em được. Bọn này anh quá rành mà- Giọng anh đầy bức xúc. Rồi anh hỏi tôi- Thế sáng này em thích ăn gì, bíp- tết hỏa diệm sơn hay phô-ma Pháp?

-Em ăn phở.

-Phở Pasteur hay Phở 24?

-Phở Nguyễn Du.

-Thì Nguyễn Du.

Anh nói vuốt đuôi rồi ngồi lên, đi vào phòng tắm.

Tôi nhìn theo anh, tự hỏi tại sao chồng tôi cứ mãi vật vã khổ sở vì một điều chẳng có nghĩa lý gì như thế?

***

Sáu tháng sau ngày cưới, tôi sinh một đứa con trai hai ký chín. Da nó phẳng phiu, mặt nó mũm mĩm, tay chân nó tròn trịa dễ thương, và anh không ngớt xuýt xoa:

-Hai tai nó giống y tai anh, cả hai bàn tay nữa, em thấy không…

-Không giống anh thì còn giống ai- Tôi hùa theo, nhưng không thể không tự hỏi liệu anh có ẩn ý gì không.

Cô bạn từng cặp kè cùng tôi ở bất cứ cuộc vui nào trước đây, khi đến thăm tôi đã kêu toáng lên:

-Ê, con so sinh non mà sao bự vậy? Bộ ông tổng giám đốc nhà mày thuộc giống ngắn ngày hả?

Tôi thụi nó một cái:

-Đồ quỷ, mày tính đốt nhà tao hả?

-Nhà tranh dễ đốt chớ biệt thự khó đốt lắm. Mà này, bộ lão không có ý kiến ý cò gì sao?

-Thấy ổng vui lắm, còn trong bụng ổng ra sao có trời mới biết.

-Mày đừng coi thường. Mấy lão già thâm căng cố đế lắm- Nó dặn dò tôi.

Quả thật tôi chẳng đoán được đằng sau vẻ phấn chấn thái quá của anh có còn gì nữa không. Khách nào đến thăm, anh cũng khoe “tai và tay chân chú nhóc giống hệt tôi”. Lúc nào anh cũng lăng xăng cười nói đúng như một ông bố già sinh được quý tử.

Con trai của anh với người vợ trước đang du học ở Mỹ. Đã hơn hai mươi năm, nhà anh mới lại có tiếng khóc trẻ con.

Ngày này sang ngày khác, tôi dần yên tâm thấy anh yêu quý thằng bé rất thật lòng. Từ chuyện đặt tên đến việc chăm sóc, bú mớm của nó, anh luôn chọn những gì tốt nhất.

Khi tôi thắc mắc sao lại đặt tên con là Quan San, anh cả cười, mắng yêu tôi:

-Bà mẹ trẻ này ít hiểu biết quá. Không phải Quan San muôn dặm đâu. Tôi ngu gì đày con tôi ra biên ải. Tên con tôi là Quan, nghĩa là làm quan, và phải là Quan Sang. Quan mà không Sang thì chỉ là thứ nhà giàu mới nổi học làm sang, đúng không mẹ nó?

Anh cười khanh khách, có vẻ rất khoái trá. 

Tôi không cười. Trong tôi bỗng nhoi nhói một cảm giác thật lạ. Người cha này quá tốt. Nhưng vẫn có gì đó trong anh tôi không sao hiểu được.

***

Khi tôi báo tin có thai, anh có vẻ khựng người, chỉ một giây. Nhưng anh lập tức bộc lộ niềm vui cuồng nhiệt bằng vòng tay ghì siết lấy tôi:

-Em có chắc không?

-Chắc mà. Em đã thử que rồi.

-Vậy thì cưới ngay.

Anh bế bổng tôi lên, quay tròn mấy vòng. Và khi anh dừng lại, tôi thấy mắt anh ngân ngấn nước. Trong tôi gợn lên một xúc cảm rất lạ lùng. Tôi không phân biệt được đó là sự áy náy, lòng biết ơn, hay cái gì như là mầm mống của tình yêu…

Bởi tôi biết rõ đứa con ấy không phải của anh. Trong thời gian lui tới nhà anh, tôi vẫn không dứt bỏ hẳn nếp sống cũ của mình. Tôi không quen thiếu đàn ông và những trò vui buổi tối. Những công tử quen tên nhẵn mặt trong giới ăn chơi của tôi, ai cũng đẹp mã, sang cả như vua, cũng xài và thải đàn bà cùng với cung cách hoang phí tàn bạo như thế. Tôi biết rõ sắc đẹp của mình chỉ đủ để các chàng đưa tôi vào bộ sưu tập và bỏ tiền cung phụng tôi ăn xài, chứ chẳng bao giờ có thể hy vọng điều gì hơn. Xuất thân của tôi quá thấp so với gia thế của họ, và tôi cũng đã quá thâm niên trong thế giới phù phiếm này. Hai mươi sáu tuổi với mười năm lăn lóc, tôi thấy mình đã chán chê như một người già. 

Đám cưới linh đình của tôi với anh hầu như chỉ có hai loại khách: khách của anh gồm toàn những ông to bà lớn, và họ chẳng thèm che giấu sự tò mò lộ liễu khi ngắm nghía cô vợ quá trẻ đẹp của anh. Còn khách của tôi toàn dân chơi trẻ trung, sành điệu. Các bạn gái tôi thướt tha kiều diễm không kém các hoa khôi, người mẫu, thỉnh thoảng lại đến thì thào vào tóc tôi: “Ê, kiếm đâu ra ông chồng quá đã vậy?”. Các chàng tình hờ lâu năm của tôi cũng không kiềm được chút đành hanh: “Em thật đúng là cao thủ!”.

Bởi vì, anh chính là loại người cùng một đẳng cấp với cha mẹ họ. Chính từ các vương tôn công tử này mà tôi đã nghe đã biết đến anh và từ đó đã lên kế hoạch để chinh phục anh.

Phải, gia đình tôi nghèo, mẹ tôi đi rửa bát thuê, nhưng tôi xinh đẹp, thông minh, và tôi luôn biết rõ mình muốn gì.

***

Tôi làm rất tốt vai trò bông hoa trang trí bên anh ở bất cứ đâu. Trong những buổi cúng giỗ linh đình của gia tộc nhà anh. Trong những dịp long trọng mà madame tổng giám đốc trẻ luôn được sự chiếu cố nhiều nhất của quan khách. Trong tổng công ty của anh, nơi các cô gái trẻ đẹp chỉ có thể chiêm ngưỡng tôi từ một khoảng cách không thể vượt qua…

Trong thế giới hưởng thụ không giới hạn của chúng tôi dạo trước, anh đã được mang ra cười nhạo như là một đại gia cù lần khốn khổ chẳng giống ai, chẳng bao giờ dám bén mảng đến các thế giới vi vu đầy hoan lạc cho dù đã góa vợ mười năm. Còn trong thế giới quan chức của anh bây giờ, không còn chuyện gì thích thú để xầm xì dòm dỏ hơn việc cô gái trẻ đẹp tung tăng là tôi đã lấy một Cáy-đại-nhân nhiều tuổi hơn cả bố mình làm chồng.

Với tôi, tất cả chẳng là gì hết. Ai muốn nói gì là việc của họ, tôi không quan tâm. Điều tôi muốn tôi đã làm được: lấy được chồng, lại là ông chồng sang trọng giàu có, sau khi đã vung vãi cả mười năm thanh xuân nhất vào các trò vui không giới hạn.   

Đó là cách hay nhất tôi trả lời với lũ đàn ông quen biết vẫn thản nhiên rãy tôi ra sau khi đã tha hồ tận hưởng, là cách mà tôi bước đi trong cuộc đời này, theo kiểu của mình.

***

-Đuổi những chuyện nhảm nhí ra khỏi đầu đi, ông già nhiều chuyện. Vợ thì yêu mình thế. Con thì hay ăn chóng lớn thế… Người ta nói nghé ai mặc kệ, miễn sao trâu mình mà…

Tôi chưa nói hết câu, đã thấy anh nằm xoay người lại, mở mắt nhìn tôi. Người tôi đơ cả ra. Vậy là tối nay anh không dùng Seduxen? Hay anh có dùng mà không hiệu quả?

-Nằm xuống đây với anh.

Tôi lập cập nằm xuống trong trạng thái dở tỉnh dở mê. Anh có nghe được câu cuối cùng tôi nói?

-Em biết không, sau cải cách ruộng đất, cả dòng họ nhà anh trắng tay, sát đất. Anh phải tìm cách thoát. Trong quân đội, cứ việc gì khó nhất, nguy hiểm nhất thì anh xung phong. Bao nhiêu năm trầy trật, rốt cuộc rồi anh cũng được vào đại học, được đi nghiên cứu sinh nước ngoài, và có một vị trí… Nhưng anh luôn sợ rồi lại có thể bị mất, mất hết…

Tôi chẳng biết phải nói gì, chỉ cố ôm anh thật chặt.  

-Cám ơn em đã sinh con cho anh. Con anh sẽ phải có một cuộc đời khác bố… 

Cùng với câu nói, nước mắt anh rơi xuống má tôi, nóng hổi. Và nước mắt tôi cũng rơi.

-Em xin lỗi anh…

-Sao lại xin lỗi…

-Em đã dối anh. Quan Sang không phải con anh- Không hiểu sao tôi có thể nói ra sự thật một cách dễ dàng đến thế. Có lẽ việc được anh san sẻ nỗi đau lớn đã khiến tôi muốn làm điều gì đó thật tốt đẹp với anh.  

-Em không phải xin lỗi. Anh đã biết trước mà…

Anh kéo tôi vào lòng, ôm tôi bằng cả hai tay. Nằm vắt trên ngực anh, nghe rõ tiếng tim anh đập dồn dập, tôi không thể phân định được tâm trạng mình. Giọng anh vẫn rất dịu nhẹ:

-Anh đã có hai con trai, anh còn muốn gì hơn…  

-Không người nào tốt với em như anh… Em sẽ… em sẽ đẻ thêm con, anh nhé…

Tôi nói thành lời những ý nghĩ vừa hiện ra trong đầu. Tôi sẽ bù đắp cho anh bằng mọi cách…

-Em biết không, ngay cả Quan Vinh cũng đâu phải con anh… – Giọng anh nghe cứ nhỏ dần đi.

-Anh nói sao?

Tôi ngồi phắt lên, nhìn anh không chớp.

-Chị ấy ngoại tình hả anh?

Anh chỉ lẳng lặng kéo tôi nằm xuống lại. Không hề có một lời nào. Sờ tay lên mặt anh, tôi chỉ thấy đầm đìa nước mắt.

Rất lâu, như cả một thế kỷ. Rồi anh lại nói, như thể với chính mình:

-Đời người qua nhanh quá. Thoáng một cái năm mươi năm… Vậy mà sao nỗi sợ vẫn còn nguyên đó…   

Tôi ôm anh chặt hơn, như đang chở che cho một em bé cần nương tựa.

-Đừng sợ nữa, có em đây mà.

-Anh luôn cảm thấy mình nhỏ bé, yếu hèn, thua cuộc…  

Tôi hôn lên đôi mắt ướt đầm, đôi môi đang nói những lời như mê sảng, hôn lên gương mặt nát nhàu đau khổ của anh:

-Chôn mọi thứ tệ hại ấy đi. Đừng để nó ám anh suốt đời như thế.   

Lại một thế kỷ nữa trôi qua. Rồi có tiếng con trai tôi vừa chạy vào phòng vừa gọi.

-Mẹ ơi… Bố ơi…

-Vào đây, con trai…

Anh ngồi dậy, chạy đến bế Quan Sang lên, hôn trơ trất khắp người thằng bé. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi tự dưng nhắc lại câu đã nói:

-Em sẽ đẻ thêm con, anh nhé…

Anh ôm quàng cả tôi vào trong tay.

-Đừng băn khoăn nữa em… Anh không thể có con được đâu. Anh bị di chứng quai bị từ nhỏ mà…

Điều anh tiết lộ khiến tôi sững người ra, chợt hiểu hết mọi lẽ từ trước đến nay, và trong tôi bỗng dâng trào cơn giận.

-Vậy ra anh đã lừa em, anh đã đóng kịch với em… -Tôi vừa giật áo anh vừa kêu.

-Anh không lừa em. Anh thèm có đươc sự mạnh mẽ của em. Em có một sức mạnh mà anh không thể có. Không ai có thể ngăn được em khi em muốn…

Trời ơi, bấy lâu nay tôi vẫn yên chí mình là kẻ đã quyết định mọi chuyện. Thì ra, tôi vẫn chỉ là một con bé ngơ ngáo, thô thiển đầu óc. Chính anh mới là người điều khiển tôi, là người quyết định mọi việc, bằng sự câm lặng của mình. Một sự câm lặng đã chôn cuộc đời anh suốt mấy mươi năm…

Tiếng anh lại rơi vào tai tôi như từ một nơi xa lắm:

-Ai cũng nghĩ anh đã có trong tay tất cả. Ngay cả em cũng thế. Chỉ mình anh biết rõ là không phải… Anh là kẻ chẳng có gì… Thực sự không có gì hết… Một cuộc đời thất bại… Hoàn toàn thất bại…

Buổi tối này quả thật tôi không hề chờ đợi. Cuộc sống này vượt ra ngoài hình dung của tôi, kẻ luôn xem mình là trung tâm của vũ trụ, luôn nghĩ mình biết mình cần gì và biết cách để đạt được điều muốn có.

Tôi chỉ còn biết xuôi tay đứng yên, im lặng…

Vậy thật ra tôi là ai, và anh là ai, trong cái cõi sống hư hư thực thực chẳng thể phân biệt này?

Comments are closed.