Vì sao

Truyện Hoàng Nga

Một truyện ngắn ít chữ, ít tình tiết, có vẻ nhẹ nhàng, không mấy khác những bông khế bé nhỏ màu tím mà người ta chẳng mấy khi để ý… Cũng như tâm sự, nỗi lòng của những người phụ nữ cô đơn, có quá nhiều, ngập tràn cả cõi đời này nên đã trở thành chuyện bình thường, chẳng có gì để phải băn khoăn…

Vậy mà, câu chuyện tâm tình nhỏ bé giữa hai người đàn bà quanh một món quà gần như sự tình cờ- một cây khế kiểng, bỗng trở thành một nốt lặng, rơi thẳng vào tận chỗ mềm yếu nhứt trong trái tim người đọc…

Hãy hỏi Hoàng Nga, vì sao…

VĂN VIỆT

      tháng bảy mưa ngâu hay em khóc
     chiều về cây khế hỏi vì sao

Trung Hậu

Trời Sydney mưa như thác đổ. Miên gọi điện thoại cho tôi, nói, “thằng” mô mà đòi trời không mưa anh cũng lạy trời mưa là em bắn bể đầu liền. Tôi phì cười.

Nhưng chắc Miên không nghe tiếng tôi cười. Mưa ngoài khung cửa rộng mở át mọi thanh âm chung quanh tôi. Miên lặp lại phía bên kia đầu dây, em nói thiệt, trời như ri mà còn cầu trời mưa, không điên thì cũng khùng, không bắn không được.

Và Miên chặc lưỡi, mưa chi mà mưa lạ mưa lùng, mưa kiểu ni, em không có nhà chừng hai tuần chắc cây khế của em chết quá.

Tôi để cho Miên thở than. Cây khế Miên khuân từ tiểu bang này qua tiểu bang khác, cưng như cưng con. Lúc tôi mới về lại miền nam bán cầu, gặp nhau chưa kịp hết mừng, Miên đã khoe em có trồng cây khế, mai mốt chị tới nhà em cho coi. Vừa từ vùng trời lạnh lẽo Âu Châu qui cố hương, nghe nói đến cây khế, tôi thích quá, hớn hở theo Miên tới nhà xem. Sau thấy Miên cực khổ, tẩn mẩn như nuôi bịnh, tôi la làng. Tôi bảo:

– Ngoài Cabramatta bán một ký khế mười hai đồng, tau đi mua về cho mi năm ký ăn phồng lưỡi, khỏi trồng trọt chi hết.

Miên nhăn mặt:

– Chị không hiểu chi hết thì có. Ai thèm ăn khế mà đi trồng khế. Đây là cả một bầu trời thương yêu nằm trong cây khế của em.

Tôi hỏi cổ tích hả, ăn khế trả ngàn vàng hả. Miên làm thinh. Lát sau Miên tỉ tê hỏi chị nhớ nhà của em hồi nớ không. Tôi đáp răng không. Nhà Miên thuở ấy nằm ngay trên đường tôi đi học, gần một quán cà phê nổi tiếng của thị xã. Vườn thơm lá, cỏ ngoan hương. Ở thành phố, nhà có mảnh đất có thể nói đã hiếm hoi, huống gì nhà Miên còn mênh mông cây trái, nên không cần mời mọc trưa nào tôi cũng cố gắng đi sớm để ghé lại nhà Miên, ngồi dưới gốc mận, gốc xoài, ôn bài với chị của Miên.

Miên lúc ấy còn nhỏ, hay chạy theo bắt tôi kể chuyện phim. Phim kiếm hiệp, Vương Vũ, Địch Long, Khương Đại Vệ… Tôi nhắc, hồi nớ mi hay ngồi trên cây khế. Mỗi bận tôi tới, Miên từ trên cây khế leo xuống chạy ra mở cổng. Về Sydney lâu, Miên kể:

– Em ngồi ngó qua nhà hàng xóm, anh em nhà bên nớ chơi vũ cầu hay lắm.

Tôi nói giữa rừng già tau có thấy người mô. Miên cười. Hồi chị tới nhà em, người ta đi du học rồi. Tôi trợn mắt ngó Miên:

– Rứa thì mắc mớ chi mà mi leo lên cây khế ngó qua nhà người ta?

Miên không nói gì. Bỗng một hôm, Miên phone cho tôi:

– Nì chị, cái người nớ đang ở đây nì.

Tôi ngạc nhiên hỏi người mô. Miên thở dài. Hàng xóm nhà em hồi nớ. Tiếng thở dài của Miên làm tôi chưa kịp nghe chuyện, đã thấy có điều gì uẩn khúc, không mấy vui. Tôi im một hồi, kiên nhẫn chờ nghe chuyện lòng của Miên. Khá lâu sau, Miên nhỏ giọng:

– Ngày xưa lúc người ta đi rồi, em cứ buồn buồn mà không hiểu tại răng buồn. Cái tình cảm hồi nớ nhỏ nhít quá, không định hình chi hết, nên không biết đặt tên chi cho hợp. Tới hồi lớn lên, em lờ mờ hiểu những điều thiên hạ hay nói, định mệnh, duyên phần. Rồi em cũng nghĩ tới những thứ linh cảm mà con người không biết giải thích răng cho đúng. Cái thứ linh cảm tình yêu… Chị thấy đó, đâu phải đợi tiếp xúc nhiều lần, hay phải hiểu nhau như rõ lòng bàn tay mới yêu nhau phải không?

Tôi im. Miên nói tiếp, những dòng sông chảy ra biển lớn là những dòng sông rộng, theo lẽ tự nhiên của đất trời nên sông được hòa vào với biển, còn dòng sông của em là dòng sông quay ngược về nguồn. Miên thở dài. Sông của em là sông hiu hắt, sông buồn. Miên kể hai người tình cờ gặp lại nhau trong một buổi họp, đi ăn trưa, chuyện trò, nhắc nhở chuyện ngày xưa. Khi nghe đến những trưa hè rộn rã, những chiều vàng xôn xao nắng cuối vườn, và chuyện cô bé hay trèo leo chỉ để xem hàng xóm chơi vũ cầu, người đàn ông tất tả đi mua cây khế về tặng cho Miên. Cây khế nằm trong chậu, loại khế Thái Lan trái lớn, ngọt đậm đà, tuy không mấy giống như loại khế nhà Miên trồng ngày trước, nhưng Miên đã cảm động đến muốn khóc. Và sau đó Miên tha món quà hết tiểu bang này sang tiểu bang nọ, thành phố này đến thành phố kia, từ Adelaide qua Melbourne, từ Gold Coast lên tận Darwin, từ miền bắc xuống thủ đô,  từ miền tây lại qua miền đông, rồi cuối cùng về tới Sydney.

Cây khế cho đến khi tôi nhìn thấy, cao chừng một mét, tàng lá chỉ vừa đủ che khuất một khoảng hành lang bé tí tẹo. Mỗi bận sang nhà Miên chơi, tôi hay bắc ghế ra ngồi với Miên, nhìn nắng reo trên những nhánh lá xanh mỏng mảnh. Dưới gốc cây, Miên không nhổ cỏ mà để tự nhiên vài đám rêu phong, vài cành xương gẫy. Miên nói đi ra đi vào thấy gốc khế um tùm cỏ dại là bớt nhớ quê nhà. Bớt nhớ khoảnh vườn ngày cũ.

Tôi đùa quê nhà có chi mô mà nhớ. Miên nói thiệt tình là không có chi ngoài một mảnh đời nho nhỏ, một khoảng trời nắng mưa mỏng mảnh như bàn tay. Thêm một vài kỷ niệm không đặc biệt gì cho mấy. Nhưng nói vậy mà nhiều hôm tôi tới nhà Miên, cũng chỉ để ngồi nhắc nhở chuyện quê nhà, chuyện xưa, chuyện cũ đến hàng tiếng đồng hồ. Miên bảo bạn tôi mất sớm, Miên coi tôi như chị. Tôi đáp hết người, mi chọn chi tau, người có cuộc đời cũng buồn như lá rớt. Miên nói làm đàn bà là thấy buồn rồi, cần chi kể tới gian truân, đoạn trường.

***

Tháng bảy Sydney trời bớt mưa nên lao xao nắng, nhưng lạnh tái tê. Miên than lạnh quá chắc cây khế của em không ra hoa nổi. Năm ngoái cây khế của Miên trổ được chùm hoa nhàn nhạt màu tím hồng. Miên gọi tôi đến, gọi luôn cả pizza nói để ăn mừng. Tôi phì cười trêu Miên khế đơm hoa, lẽ ra phải ăn thịt bò tái chấm mắm nêm mới phải. Miên khui chai rượu đỏ, nói khi mô cây khế của em có trái, mình sẽ ăn khế chua, uống ba xi đế cho đậm đà màu sắc quê hương.

Tháng sáu, tháng bảy ở quê nhà mùa hè, cây khế đơm bông kết nụ, thời tiết xứ người khắc nghiệt não nề, cây khế của Miên hắt hiu vàng tai tái lá. Miên than trời đã nghịch ngợm mùa đông, còn lạnh thấu xương thấu thịt kiểu ni, người ta thiếu điều chết cóng huống chi cái cây khế tội nghiệp của em… Tôi nói mi nhận cây khế của người ta, là nhận nợ trăm năm. Tôi vui miệng nói chơi, không ngờ Miên thở dài. Chị nói trăm năm, thiên thu, nghe mà tủi. Tôi lặng người, lờ mờ hiểu ra chuyện tình yêu của Miên. Không trăm năm, không thiên thu… Tôi ngập ngừng hỏi:

– Không trăm năm, không thiên thu thiệt hả Miên?

Miên buồn rầu như sắp khóc:

– Không. Tình của em là tình trà dư tửu hậu. Tình thêm mắm dặm muối, thêm hương thêm vị cho đời sống có chút nồng nàn thôi chị.

Tôi nghẹn lời, không dám lên tiếng. Tôi nhớ đến mối tình của mình, nhớ nỗi đau đớn không chịu đoạn lìa, thấy thương thân, thương Miên đến muốn khóc. Miên nói người ta có hậu cứ, có một nơi để quay về, còn em thì sầu đàng trước mặt, khổ đàng sau lưng. Và Miên cười buồn:

– Hồi nhỏ mẹ em dạy khi lớn lên, phải sống cho tử tế với tha nhân, để khi buồn có người sẵn sàng làm bờ vai cho mình dựa, rồi ngược lại cũng phải cố gắng trở thành bờ vai cho người khác nghiêng đầu khi cần… Cuộc đời, thiệt là… Có những bờ vai cứ tưởng là của mình, nhưng khi buồn, thì lại không được phép nghiêng đầu.

Khi buồn, Miên nghiêng mặt xuống kỷ niệm, xuống những hạnh phúc  nhỏ nhoi của mình. Từ một đôi câu nói ân cần an ủi, từ một vài gặp gỡ vội vàng, đến trang thư, cuốn sách được tặng, Miên đều chắt chiu gìn giữ. Tôi nói với Miên ca dao bảo, anh buồn có chỗ thở than, em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya, và tiếp, đời người đàn bà không có chỗ thở than buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya, mi không biết răng. Miên lặp lại câu nói của tôi, đáp làm đàn bà thiệt khổ. Tôi đùa:

– Hay là mi quăng cây khế đi cho đời bớt khổ.

Miên nhìn lên bầu trời trên cao:

– Mà chắc tới lúc mô đó cũng phải quăng đi mới dễ sống.

Miên thêm. Quăng đi, như quăng những món đồ không vừa vặn hằng ngày. Tôi nắm lấy bàn tay Miên, những ngón tay gầy guộc, với các nếp gân xanh xao, tôi hỏi, mi đủ sức quăng đi không. Miên chặc lưỡi cười, không trả lời.

Thình lình một hôm Miên gọi điện thoại bảo Miên sẽ đi xa hai tuần và đòi chở cây khế xuống nhà tôi. Tôi nói tôi không chịu trách nhiệm nhưng Miên cứ tỉnh bơ căn dặn một tuần tưới nước mấy lần, cửa sổ phải mở ra như thế nào cho có ánh sáng lọt vào phòng. Tôi la:

– Mi đừng có khùng. Tau không có chăm sóc, tưới tắm chi hết.

Miên làm thinh. Cũng chẳng thèm nghe lời tôi phản đối. Một ngày trước khi đi, Miên khệ nệ mang chậu cây tới. Nhìn cái rờ-moọc lớn tướng Miên mượn của ai đó móc đàng sau xe, chung quanh chèn đủ loại cây dài cây ngắn, rồi gỗ đá, thùng bọng lung tung xèng để giữ chậu cây thăng bằng, tôi lại la:

– Mi đi hai tuần chớ bộ ngày dài tháng rộng chi mà mang cái thứ ni tới đây.

Miên không trả lời, cứ lụi hụi tháo gỡ mớ dây ràng rịt quanh chậu khế. Mãi cho đến khi mang được món quà tình yêu đặt trên thềm nhà tôi, và ngồi phệt ngay xuống tam cấp, Miên mới khẽ nói:

– Em đi chuyến ni sanh tử một mối tình. Về, lỡ có buồn, em để cái cây ở lại đây luôn.

Tôi nhăn mặt:

– Cái con ni “vui” hỉ. Mi sanh tử tình yêu mắc mớ chi tới tau mà bắt tau gánh cái trách nhiệm tưới tắm chăm sóc vô duyên ni chớ.

Miên cười buồn:

– Em giao cho chị. Nếu cái cây chết mà tình vui, thì không có chi để than trách. Còn buồn, cứ coi như em tìm ra được người đoạn tuyệt kỷ vật.

Giọng của Miên nghe tỉnh như nói chuyện đi chợ, đi mua sắm quần áo, nhưng xót xa không chịu được. Tôi tò mò ngồi xuống bên cạnh Miên:

– Răng khi không mi quyết liệt dữ rứa? Chuyện chi mà mi đòi sanh tử?

Miên ngồi im một lát rồi nhỏ giọng, thì em có nói tới giai đoạn mô đó, phải có một thái độ rõ ràng cho đời sống mình. Miên thở ra:

– Không hiểu răng tự nhiên lúc gần đây, em có cảm giác mình già rồi, nên muốn trắng ra trắng, đen ra đen.

Tôi rớt mắt trên cụm rêu non bám trên gốc khế. Hai chữ già rồi của Miên nghe thương chi lạ. Tôi chạnh lòng nghĩ đến đời sống của chính mình và cái hạnh phúc nhiều người hắt hủi, ruồng rẫy trong khi tôi và Miên kiếm tìm mỏi đời vẫn không với tới được. Trái tim tôi chới với đập lên mấy nhịp xót xa. Miên co hai chân lên, mặt nghiêng trên cánh tay để vòng quanh gối, mắt u hoài nhìn cây khế như nhìn người yêu. Giọng Miên rưng rức, đã tới lúc phải quyết định hoặc có hoặc mất hết chị nờ. Tôi đáp Miên nói giống y như đang đánh bạc. Miên giễu, chị không nghe cải lương nói đời là một ván bài hả. Tôi hỏi, mà em với anh là những con tẩy lủng phải không. Miên cười.

Lát sau Miên nói, giọng buồn thiu:

– Đàn ông yêu đương, nhiều khi giống y như nhu cầu cần ăn cơm, uống nước. Ăn xong, no. Uống nước xong, hết khát. Còn đàn bà mình răng mà khổ quá. Cứ cưu mang, day dứt triền miên. Em làm hết cách để thoát ra khỏi nỗi buồn, nỗi khổ tâm mà không được. Muốn tìm cái kết thúc cho nhẹ lòng đây chị.

Tôi cũng gắng tìm một câu để an ủi Miên nhưng mãi vẫn chẳng biết phải nói điều gì. Lòng tôi tàn hoang như cái nắng tháng bảy mong manh đang tàn vội trên hiên nhà.

Chúng tôi ngồi thêm với nhau một lát rồi loay hoay mang chậu khế vào phòng. Miên bịn rịn mân mê nhánh lá, dặn lại lần nữa tưới tắm chăm sóc cho kỷ vật của Miên như thế nào. Tôi ậm ừ. Và lầu bầu. Cây khế trồng trong chậu là coi như đã bị bức tử, bị đem vô nhà không nắng không mưa, có chăm sóc tưới tắm cách chi cũng uổng công. Tôi thêm, kiểu chi rồi cũng không thọ, kiểu chi rồi cũng phải thành kính nghiêng mình, tiễn đưa linh cữu. Miên bật cười. Đột ngột Miên buông tay, nói thôi em về rồi đi thẳng ra ngoài. Y hệt như khi Miên đến.

Tôi đứng lại với cây khế. Không tiễn Miên, nhưng tôi lắng nghe tiếng xe Miên vang lên. Nhỏ dần. Nhỏ dần. Và cuối cùng là im ắng. Mất hút.

Lòng tôi nặng trĩu. Nhớ tới lời Miên nói có những bờ vai cứ tưởng là của mình, nhưng khi buồn, thì lại không được phép nghiêng đầu, nước mắt tôi bỗng ứa ra. Tôi biết chắc chắn Miên sẽ chẳng bao giờ đòi hỏi một đổi thay nào đó có thể mang đau thương lại cho kẻ khác, cũng chẳng bao giờ chọn phần hơn về phía mình…

Miên của tôi… Chắc chắn rồi sẽ về một mình với đường không bóng lá. Sẽ lòng rỗng tay trơn với mưa rơi, nắng hạn. Và hẳn, sẽ một đời không vòng tay.

Miên của tôi…

Trời tối nhá nhem, nhưng tôi cứ đứng mãi, nghĩ đến đoạn đường dài tăm hơi khi Miên về.

Tôi biết chắc, cây khế nếu còn sống, sẽ hỏi vì sao Miên cười mà nuốt lệ.

Comments are closed.