Vé trở về (kỳ 10)

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

22. Đất quê

Thứ mà Vân muốn tìm trong lần trở về này là gì? Vân đã tự hỏi rất nhiều lần trong lúc thiu thiu ngủ, và lúc tỉnh ra, nhìn bầu trời mênh mông, những cụm mây trôi nhởn nhơ, chúng có đủ màu sắc, hồng, tía, cam, trắng tuyết như một cụm xốp nhiều màu, có nhiều cụm chồng chất lên nhau thành những hình thù kỳ lạ. Cũng có những biển mây giống như một thế giới sinh động có con người, trâu bò, gà heo, xe cộ đang di chuyển bên dưới cánh bay.

Thế giới này thật bao la, con người thì nhỏ nhoi quá. Khi bước vào check in, Vân đã bị ít nhiều cảm giác choáng ngợp trước sự rộng lớn của phi trường và ga đợi. Ngày đầu tiên lên máy bay, cái sân bay trong nước cũng rộng lớn và choáng ngợp, nó khiến nàng loãng ra trong không khí. Còn bây giờ, mọi thứ khiến cho nàng thấy mình cô đặc, thu nhỏ lại và bay như một hạt bụi hay mũi đạn, viên sỏi mà ai đó vứt vào không gian. Nhìn xa hơn một chút là tập hợp những con người được gói ghém, vo tròn trong một viên sỏi và ném vào không gian. Mà đáng sợ hơn là cả cái không gian trong tầm mắt này cũng đang bị ai đó vo tròn, ném vào một đường bay mênh mông của vũ trụ. Và giữa cái vũ trụ bao la buồn thảm, cô tịch ấy, con người có những lý lẽ để nhớ về một chấm bé xíu trên mặt đất, cái nơi mà ai đó đã chôn nắm cuống rốn tuổi thơ, đã chấm dứt tự do bơi lội trong bụng mẹ và bắt đầu một cuộc tồn sinh đôi khi mặn chát nước mắt.

Người đầu tiên mà Vân muốn gặp, hình như không phải cha hay mẹ của nàng, Vân nhớ tới bà Thúy. Bởi cha mẹ Vân đã đi xa, một chuyến đi thật xa, chẳng biết bao giờ gặp lại. Giá như con người là một viên đạn, thì việc bắn đi mũi đạn tàn nhẫn đến cỡ nào người ta vẫn có quyền hy vọng tìm lại được thứ mà mình đã bắn ra. Còn sinh mệnh con người, một khi Thượng Đế đã chơi trò bắn ná, mãi mãi chỉ mình ngài biết ngài đã bắn về phía nào và chỉ mỗi mình ngài có cái quyền hy vọng tìm thấy viên sỏi có tên con người kia. Nhưng, đó là giả sử như có Thượng Đế. Giả sử Vân còn tồn tại được để về thăm quê, điều đó chứng tỏ phát bắn của ngài còn nhẹ và ngài chưa muốn mất đi một viên sỏi.

*

“Chị có định đi du lịch không?” – em gái Vân hỏi.

“Du lịch ở đâu hả dì Ba?”

“Bây giờ nhiều khu khách sạn năm sao đẹp lắm, giá cũng rẻ vì mùa này đang dịch giã, ít ai đi, họ giảm giá còn chừng hai chục phần trăm thôi!”.

“Ờ, chị đang suy nghĩ, chị chưa có kế hoạch gì cả”.

Cô em gái im lặng, dường như Vân cảm nhận được sự thất vọng của các em từ lúc nàng vừa bước xuống máy bay, khi các em hỏi nàng đã lấy hành lý chưa, nàng trả lời rằng hành lý của nàng chỉ có một va li áo quần nhỏ, ngoài ra không có thứ gì. Khi nàng bước lên tắc xi, cái cảm giác rỗng rang của chiếc xe quá rộng mà các em đi đón nàng khiến cho nàng thấy thiếu một thứ gì đó khó nói.

Nàng muốn về thăm những ngôi mả hoang, nơi mà thuở nhỏ, mỗi khi buồn nàng hay ra ngồi trò chuyện một mình. Nàng nhớ như in những nấm mộ bằng vôi đắp hình mu rùa, tròn và bầu, người ta gọi là mả Hời. Nàng không rõ Hời là loại người ra sao nhưng người lớn khuyên nàng không nên tới gần khu mả Hời, bởi họ là những hồn ma ngay lúc còn sống.

Nàng thấy có chút gì đó vô lý nhưng không thể tự giải thích về chuyện ma Hời. Cha của nàng nói rằng người Hời họ có tính ma từ trong trứng nước, còn gọi là ma lai. Cứ mỗi khi ma lai đi ăn thì trút bỏ bộ da từ cổ tới bụng, chỉ mang nguyên một cái đầu với bộ ruột đi ăn cứt người. Người nào không may mắn bị ma lai ăn cứt thì sẽ đổ bệnh và chết dần chết mòn. Hồi đó, trong nhận thức nhỏ nhoi của một đứa bé, nàng nghĩ rằng có một ai đó phải thật tiến bộ và thật tàn nhẫn mới nghĩ ra câu chuyện này. Bởi họ nghĩ như vậy để tránh chuyện ỉa vất bậy bạ ở các khu mộ hoang. Thời chưa có công trình vệ sinh cá nhân, nhà nước kêu gọi người dân tự đào hố xí hai ngăn. Nhưng có vẻ như lời kêu gọi này không hiệu quả cho mấy, người ta cũng ỉa vất khắp mọi nơi. Chỉ sau này, khi có các bác sĩ người miền Bắc. Vân nhớ rõ hồi đó ông đội trưởng sản xuất giới thiệu đây là một bác sĩ, vị bác sĩ này đã phát biểu trong buổi họp dân, kêu gọi dân sử dụng phân bắc. Ông nói rằng trong công cuộc cứu đói thần thánh và vĩ đại, trong công cuộc cách mạng thần thánh này, cứt đóng một vai trò tiên yếu nhưng ít ai dám nhắc đến bởi đó là chuyện tế nhị. Cứt giúp người ta giữ được danh dự và hạnh phúc, không phải đi làm đĩ, cứt giúp người ta giữ được thanh danh và cứt gián tiếp xây dựng đất nước, cứt mang lại độc lập.

Vân lấy làm lạ vì kiểu nói chuyện quái gở này. Nhưng rồi cũng chính vị bác sĩ nói giọng Bắc rành mạch phân tích từng thứ. Ông nói rằng ngoài Bắc có cả một cái chợ phân bắc, tức cứt. Người ta đi mua phân bắc về pha loãng để tưới rau. Và trong cái chợ bao giờ cũng có những gian thương, nghĩa là những người buôn cứt đã cố tình dùng đất sét viên thành từng cục bỏ vào thùng phân bắc để bán. Và người nông dân muốn thử chất lượng phân, không còn cách nào khác là thò tay vào thùng phân, nhặt những cục đất sét ra để vo thử, nếu chúng dẻo thì chứng tỏ đó chỉ là đất sét, người ta nhẹ thì không mua, nặng hơn một chút thì hù dọa báo thuế vụ, nếu nặng quá thì người ta sẽ báo công an, thuế vụ. Đương nhiên, ở chợ phân bắc, công an và thuế vụ ngại tới nên thị trường hơi lộn xộn. Ông nói rằng nếu không có cứt, người miền Bắc sẽ sản xuất không được hột lúa cây rau, sẽ không tự cung tự cấp được và sẽ không nuôi quân được, sẽ không có cuộc cách mạng thần thánh nào cả. Ông khẳng định vị trí của cứt trong cuộc cách mạng thần thánh có thể nói là số một, bởi có thực mới vực được đạo. Và ông khuyên người nông dân miền Trung, miền Nam hãy biết sử dụng cứt của mình, bởi đó là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà người ta đã bỏ phí trong quy trình sản xuất.

Ban đầu, người nghe cảm thấy dơ dáy, nhưng giọng thuyết trình vừa du dương vừa rất hấp dẫn của ông khiến cho người ta thích nghe và suy nghĩ nhiều hơn về cứt, không còn thấy buồn ngủ nữa. Nhưng hình như cũng chẳng ai dùng đến cứt của mình để tưới cây hay bón ruộng, người ta dùng phân bò, phân trâu, người ta tiết kiệm bằng cách mỗi khi dắt trâu đi ăn lại mang theo một cái mo cau và một bao tải, chỉ cần trâu đứng khựng lại, mắt long lên, tai vểnh và đuôi cong thì người ta kê ngay cái mo cau vào chỗ cứt rơi. Cứt rơi vào mo cau và văng tung tóe ra đường, người ta hốt sạch những gì rơi vãi. Đó là một cách tiết kiệm, bởi tiết kiệm là quốc sách, là nâng cao sản xuất. Vân nghĩ rằng có lẽ câu chuyện ma lai, tức ma Hời chỉ mới có đây thôi, tức là nó có từ khi người ta phát động phong trào tiết kiệm cứt để tăng gia sản xuất.

Có một thời như thế, người ta đồn đoán rằng người đàn bà ma lai cổ chỉ có một ngấn, họ rất đẹp và mỗi khi đi ăn cứt, họ rũ bỏ áo quần cùng với thân thể, họ chỉ mang đúng một chiếc đầu và bộ ruột để đi ăn. Nàng chỉ thấy buồn cười, (nhưng cũng lén sờ lên cổ thử mình mấy ngấn) vì thỉnh thoảng nghe thêm chuyện có anh chồng là bộ đội Campuchia mới về, họ đã có với nhau hai đứa con và anh chồng đã bắn chết người vợ vì cô là một ma lai, cô đã cởi bỏ hết y phục, chỉ mang bộ ruột và cái đầu để đi ăn cứt. Những câu chuyện đại khái như vậy thời Vân còn nhỏ đầy rẫy, nó cũng giống như chuyện năm 2000 trái đất sẽ nổ. Dường như sống ở trong một xó xỉnh nhà quê, không có ti vi, muốn coi ti vi phải đi bộ hàng cây số để ra thị trấn coi nhờ nhà giàu, người ta trở nên nghèo nàn mọi thứ, trừ trí tưởng tượng và biến những sản phẩm tưởng tượng này thành chuyện xã hội.

Nhưng rõ ràng, những câu chuyện như thế không phải không có tác dụng, mỗi khi có người lạ vào xóm, vào làng ở lại, người ta sẽ chạy lên công an xã để trình báo. Mặc dù thời đó có giấy quản lý tạm vắng và tạm trú, nghĩa là muốn đi khỏi địa phương phải xin giấy tạm vắng của công an xã, nhà có người mới đến cũng phải đi báo công an xã, đưa người mới đến trình diện hoặc mang giấy tạm vắng của người này lên nộp công an để được tạm trú. Thời đó, mỗi khi đi ra khỏi địa phương, phải lên viết đơn xin tạm vắng nói rõ đi đâu, đi mấy ngày, ở chỗ nào, làm gì, nộp cho công an xã, trưởng công an xã sẽ phê vào bên dưới đơn, đại khái là: “Người này có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, được đi ra khỏi địa phương và đề nghị cơ quan an ninh nơi người này đến hãy giúp đỡ cho anh/chị/ông/bà/cháu… được tạm trú”. Nơi đến cũng sẽ nhận giấy tạm vắng và cấp cho giấy tạm trú trong thời hạn bao nhiêu ngày, tùy vào mức độ công việc. Thường thì không quá ba tháng và hết thời hạn trên giấy tạm trú, công dân phải đến trình diện công an, xin gia hạn tạm trú. Thế nhưng đương sự mới đến, chân ướt chân ráo chưa kịp nộp đơn thì người dân chung quanh đã chạy đi khai báo, bởi họ sợ ma lai, sợ Hời, sợ dân tộc nó thư bùa chú…

Có một ngàn thứ để sợ.

*

“Chị chưa có kế hoạch đi du lịch thì tụi em nhờ chị một việc vậy!”.

“Việc chi vậy dì Ba?”.

“Dạ, tụi em nhờ chị cùng đi tới văn phòng công chứng, hoặc mình lên ủy ban phường cũng được. Ở đây bây giờ lên phường rồi chị”.

“Lên đó làm chi vậy em?”.

“Tụi em nhờ chị ký xác nhận… À, vì chị đang ở nước ngoài ít về, mà một lần về thì một lần khó, còn tụi em trong nước khổ lắm chị ơi!”.

“Chị thấy mấy đứa em bây giờ đầy đủ, nhà cửa xe cộ đầy đủ, hơn cả chị bên đó mà sao mấy đứa còn lo lắng nữa!”.

“Dạ, không phải vậy đâu chị ơi, tụi em khổ lắm, suốt ngày thiếu ăn, nhịn ăn nhịn uống mới có…”.

“Vậy mà chị tưởng là lâu nay chị gởi về tặng cho gia đình, tụi em cũng đỡ khổ!”. Vân nói, lồng ngực nàng như muốn vỡ tung và ngộp thở bởi những gì nàng đang chứng nghiệm, một chứng nghiệm không buồn không vui, nó cho người ta cảm giác của một viên sỏi vừa rời dây ná hoặc một mũi tên vừa rời cánh cung, vút trong gió lạnh, có gì đó rất vô định đang đến gần, nó lạnh nhưng không đến nỗi làm người ta run.

“Tiền chị gởi về em chỉ đủ lo cho cha mẹ thôi!”.

“Mỗi tháng, anh chị gởi về một ngàn đô la, trong đó chị nói rõ là cho ba mẹ hai trăm, còn lại chia cho mấy đứa em kia mà!”.

“Dạ, tiền bây giờ mất giá lắm chị ơi. Nhưng cũng nhờ tiền của chị, tụi em đỡ vất vả, chứ thực ra tụi em tự thân lo lấy thân hết. Có được cái nhà, cái xe, người ta cứ nói là nhờ tiền Mỹ, tiền Đài Loan, chứ thực ra tụi em làm vất vả đến tuột quần chị ơi! Đương nhiên là của anh chị giúp, tụi em cũng đỡ vất vả phần nào… Nhưng mà thôi, mình là ruột thịt, em không khách sáo nha chị!”.

“Ừ, em cứ nói đi!”.

“Khổ quá, ba mẹ lúc qua đời chẳng để lại cái di chúc nào cả, vợ chồng em cứ nghĩ ba mẹ giao cho thằng út nhưng mà ông bà chỉ nói miệng là giao cho nó nhưng không để lại tờ giấy nào cả. Thôi thì giờ thừa kế theo pháp luật”.

“Em nói vậy chị rối mù, chẳng hiểu em đang nói chuyện chi?”.

“Chuyện thừa kế của mấy chị em nhà mình đó chị. Giờ xã này đã lên phường, miếng đất của ba mẹ toàn thổ cư nên rất thuận lợi trong việc giao dịch. Giờ bán nó ra cũng được trên chục tỉ đồng. Tụi em đã họp nhau rồi, bán ra chia làm bảy phần, cho thằng Út một phần riêng để nó mua lại nhà, sáu phần còn lại chia đều cho sáu chị em, thằng Út cũng được hai phần”.

“Em nói chuyện này với Út chưa?”.

“Dạ, tụi em đã họp gia đình rồi, hôm trước tết kia. Năm nay may mắn chị về đúng lúc dịch, đất đai ít giao dịch, công chứng cũng rảnh, thôi mình tranh thủ lên đó công chứng”.

“Nhưng mà nội dung công chứng là cái chi em, chị rối mù?”.

“Chị công chứng hoặc là ủy quyền các giao dịch cho em, hoặc là từ chối quyền thừa kế. Đương nhiên việc từ chối là trên giấy tờ thôi, chứ phần chị tụi em vẫn chia, gởi sang Đài Loan cho chị!”.

“Chị biết rồi, cảm ơn em! Em nói bất ngờ quá, cho chị chút thời gian để tham khảo các em đi nha. Vì chị em mình lớn nhất trong nhà, nếu chỉ hai chị em mình nói rồi quyết, mấy dì cậu sẽ nghĩ mình không tốt đẹp. Không khéo rạn nứt…”.

Dì Ba im lặng, không nói gì thêm. Hình như đây là lần thứ hai dì ba thất vọng với người chị của mình.

23. Chùa làng

Chùa bây giờ xây lớn và không còn dấu vết nào của ngôi chùa cũ.

Ngày xưa, nghe đâu trong quá trình mở cõi về phương Nam, các chúa nhà Nguyễn đã xây dựng ngôi chùa này.

Chùa xây cùng thời với nhà thờ Phước Kiều, và hình như cả chùa và làng đúc, nhà thờ đều mang tên lót có chữ Phước. Chung quanh khu vực dinh trấn Thanh Chiêm có chùa Phước Thọ, Phước Lan, nhà thờ Phước Kiều, nơi mà ngài Alexandre de Rhodes đã sáng tạo ra bảng chữ cái theo ký tự La Tinh, nền tảng của chữ quốc ngữ sau này.

Chữ Phước là dấu ấn của các chúa, lót tên của mình vào đó. Việc kỵ húy chỉ dành cho con người, còn những gì thuộc về tôn giáo, có tính chi phối lịch sử, các chúa không ngại gắn tên mình vào và miễn kỵ húy. Nhưng, những gì có gắn đến giới cần lao thì cấm tuyệt, phải kỵ húy. Ví dụ như đồng Chu Bầu ở giáp giới Hội An, Điện Bàn phải đọc trại thành Châu Bầu. Kể cả việc đặt tên con, thân phụ của chí sĩ Phan Châu Trinh phải đọc trại Phan Chu thành Phan Châu, nghe đâu ban đầu ông là Phan Chu Trinh, sau này mới đặt Phan Châu Trinh để tránh chạm húy Nguyễn Phúc Chu.

Những ngày sau 1975, chùa không có sư, chỉ thỉnh thoảng có ông Thoại sang thắp nhang, đánh chuông và gõ mõ.

Đôi khi buồn quá, Rô lại bỏ nhà sang ngồi ở sân chùa. Tượng Phật cũ kỹ, mắt nhắm ghiền, nhưng mỗi khi mệt mỏi, Rô nhìn ngài và cảm thấy ngài đang nhìn mình, đang mỉm cười, khuyên nhủ Rô hãy bình tâm, thả lỏng mà vui sống.

Rô không hiểu gì về đạo Phật, Rô chỉ thấy ngài đẹp và hiền từ, Rô đến ngồi dưới chân ngài.

Rô chưa bao giờ thấy mọi thứ cứ như một giấc chiêm bao như lúc này, nhìn cây bồ đề năm cũ, vẫn bức tượng ngài Thích Ca, vẫn khoảng sân này, chỉ có ngôi chùa đã mất dấu, thay vào đó là chùa lầu với kiến trúc hiện đại, có gì đó hơi lai tây mà cũng không ra tây.

Nhưng mọi thứ cứ như không thật, nó khiến Rô phải hỏi liệu lúc này, có thật cây bồ đề có thật bức tượng có thật ngôi chùa có thật sự tồn tại của Rô ở vị trí này hay không?

Rô không phải là một người mến đạo hay ngộ đạo, Rô chưa từng đọc nửa trang kinh, và tìm hiểu về giáo lý nhà Phật thì càng không.

Nhưng dường như có một chứng nghiệm nào đó về sự đổi thay, về cái nhìn đối với sự vật, về cảm nghiệm của con người, có một thứ gì đó thoáng qua, nó cho thấy đời sống vốn rất thật và trần tục này có điều gì đó không thật và sự hiện hữu này như một ảo giác. Nhất là khi người ta bị cuốn theo một thứ gì đó.

Dưới cội bồ đề này, dường như có một con mắt đang nhìn Rô, nó đã từng nhìn Rô mấy mươi năm trước, khi mà Rô còn là đứa trẻ tuy có gia đình nhưng bụi bặm chẳng kém đứa lang thang, cũng rày đây mai đó, cũng bị trao đổi, mua bán, thậm chí bị làm giá trắng trợn để kiếm ăn.

Ngay cả một người có gắn máu mủ ruột thịt như ông ngoại, cậu, dì, dường như họ đều nhìn thấy ở Rô một sự vô tích sự, một vết nhục, cho đến ngày may mắn ghé đến, họ nhìn thấy ở Rô một món tiền hời.

Cuộc sống là vậy, người giết ta đầu tiên, bán ta đầu tiên và ném ta vào địa ngục đầu tiên không ai khác ngoài người thân của ta nếu họ đã chọn thế. Nghĩ đến đây, Rô thở dài và nhớ tới Vân.

*

Con người có thứ mâu thuẫn lạ lùng, khi chưa gặp, chưa nhìn thấy thì nhớ quay quắt, muốn đảo lộn núi non, lòng biển để mà tới dù chỉ nhìn mặt một cái rồi lại đi. Nhưng trong một phút giây ngẫu nhiên ngẫu nhĩ nào đó, mọi thứ hiện ra trước mắt một cách xa lạ không cùng. Trường hợp của Rô với Vân là vậy, mọi nhớ nhung trở nên ráo hoảnh, khi Vân cho biết rằng nàng đã phải nỗ lực và chịu đựng mọi khổ đau để có ngày hôm nay.

Nhưng cuối cùng, dường như kẻ xa lạ chẳng hề can hệ gì đã cứu lấy đời nàng, ôm choàng cuộc đời đau khổ của nàng trên xứ người. Không những vậy, người chồng già ấy đã chia sẻ với cả mọi sự chịu đựng của nàng trước một gia đình ruột thịt khốn nạn chỉ biết tùng xẻo vào túi tiền của nàng.

Chỉ ngần ấy thôi, Rô đã thấy mọi sự trở nên ráo hoảnh và nhận ra một sự ấm áp khác của một người mà lúc tuổi trẻ Rô từng bất nhã, lầm lỗi, từng muốn và người ấy cũng từng muốn Rô. Nhưng đó dường như những xúc cảm xác thịt đầu đời, nó không thể thắng thứ tình yêu mãnh liệt mà Rô đang có với Vân lúc này, một thứ tình yêu nhẹ mà sâu, như một vết thương, như hai vết thương, hai người cùng mang những vết thương tuổi thơ na ná nhau trong cuộc đời.

Rồi hai người cùng chịu đau những cơn đau để tự làm lành, rồi hai người trở nên thấm thía trước cuộc đời và nhận ra mình đã hàm ơn cuộc đời cùng những vết thương. Một thứ tình yêu có gì đó nhoi nhoi nhưng không thúc giục người ta phải lăn xả vào làm tình với nhau. Hình như chưa lúc nào Rô cảm nhận mình yêu Vân như lúc này. Nhưng tình yêu ráo hoảnh và nó có gì đó của tình bạn gần gũi mà xa cách, thật khó nói.

Những lúc như thế, chỉ một buổi cà phê, mà trong con mắt của người khác, đây là những Việt kiều chịu xài tiền, bọn họ có thể típ cho nhân viên chút đỉnh để ăn kem, ăn ly chè hay khá hơn thì bát phở. Những lúc như thế, câu chuyện lại xoay quanh gia đình riêng chung.

Rô nói rằng Rô đã yêu và ngủ với một người đàn bà là góa phụ, Rô nói rằng người đó luôn mang cho Rô cảm giác bình an, che chở và đương nhiên cả những cảm xúc xác thể. Với Rô, đây vừa là ân nhân, vừa là kẻ tội lỗi lại vừa là một người mẹ thay thế khoảng trống bao dung bị thiếu hụt nơi anh.

*

Mi thực sự mừng vui vì Rô đã trở về, trong một bối cảnh thế giới nóng như chảo lửa vì dịch bệnh. Tình bạn của mi và Rô vẫn như xưa. Những chiếc camera bí ẩn như vô hình nào đó gắn trên các ngọn cây và những hốc mắt của các hộp sọ rỗng vẫn đang dõi nhìn vào tình bạn của mi. Một tình bạn chứa nhiều muộn phiền tuổi thơ và người ta hay gọi nó là những thế hệ, những lớp bản lề. Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì, tức cách gọi tên thế hệ hay định nghĩa về tính cách thế hệ chẳng có gì ăn khớp với bản chất của nó.

Bởi mọi thứ không phải là tên gọi, mà là cái nhìn, mọi cái nhìn không chỉ bằng con mắt thường tình bắt gặp của người với người, mà đôi khi đó là những cái camera đã gắn chặt trong lịch sử, nó gắn trên các ngã tư, ở các dải phân cách xa lộ, trên cao tốc hay nơi cơ quan nhà nước, trong đồn công an hay trong những hộp sọ rỗng không…

Tất cả, đều cố gắn nhìn và nhận dạng thế hệ của mình. Và đáng kể hơn cả, có lẽ là những cái camera đang gắn trong não trạng của rất nhiều người, khi chết đi, nó sẽ tồn tại trong hai hốc mắt hộp sọ.

Mi nghĩ vậy và cười, hỏi Rô: “Mi có rảnh không, đi làm mấy ve!”.

Rô cười khà khà: “Bế téc rồi hả?”. Chữ bế tắc nói bằng giọng Quảng nghe buồn cười, và hình như bao nhiêu năm sống trên quê cha đất tổ của hắn, khi bước vào Việt Nam, hắn vẫn giữ thứ gì đó rất riêng!

“Đi uống thôi, nhưng liệu có ai bám đuôi không?” – Rô hỏi.

“Là sao?”.

“Tao luôn có cảm giác có ai đó đang nhìn mình từ sau lưng hoặc đâu đó. Hồi xưa và bây giờ vẫn vậy, mỗi khi tao bước chân vào đất mẹ…”.

“À…!”.

Những con mắt nhìn xuyên thấu từ ba mươi, bốn mươi, năm mươi năm trước, dọi qua những tấm tôn hoen gỉ, lỗ chỗ đốm nắng để tìm bầu trời của nó.

Và những con mắt gắn chặt nơi rừng già, trên những chiếc võng dù treo hiu quạnh giữa hai gốc cây.

Những con mắt nhìn xuyên não trạng và cố gắng tìm cho mình một mảng sáng hợp thời.

Những con mắt gắn trên tường văn phòng, nó cố chống chọi một cái nhìn khác dõi ra từ hai hốc mắt của những hộp sọ trống rỗng.

Những con mắt dõi vào tương lai và cố gắng để khỏi trượt vào hố thẳm thời gian, nó gắn trên trí nhớ như một chiếc camera hành trình đang ghi lại một cách không toàn diện những gì diễn ra trên xa lộ lịch sử…

Vé trở về là một cuốn hộ chiếu vaccine? Vé trở về là những tờ tiền gáy xanh, gáy hồng hay gáy tím? Vé trở về là một điệu ru mơ hồ chưa từng nghe những phảng phất giữa tâm hồn? Vé trở về là một mối tình dang dở? Vé trở về là trống không với một lời hứa hoàn toàn không có thật khi mọi thứ mọc ra từ tro bụi?

Đôi khi y tự hỏi mình rất nhiều câu ngớ ngẩn, ý nghĩ đi qua như một chuyến đi tùy tiện, không cần vé.

(Hết)

Comments are closed.