Vé trở về (kỳ 5)

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

9. Mả hoang

Từ ngày theo ông Lộ sang Đài Loan đến nay đã thấm thoắt hơn ba thập kỷ, từ một cô gái mười tám, Vân thấy mình đang bắt đầu chạm tuổi già, có những nếp nhăn trên khóe mắt, có những vết nhíu trên mu bàn tay. Nhưng hình như đó là những thứ nhìn thấy được, còn những nếp gấp trong sâu thẳm cõi lòng hay những nếp nhăn đầy bóng tối trong tâm hồn Vân, có lẽ muôn đời không ai nhìn thấy được.

Đôi khi Vân muốn về thăm cha mẹ, Vân muốn về dẫm lại trên những con đường mà tuổi thơ của Vân đã băng băng như một con gà con lạc mẹ. Có những bụi cỏ gà hay những bụi dền gai nơi gò mả, dường như vị trí của chúng đã hằn sâu trí nhớ. Mỗi sáng Vân chỉ cần bước ra, ngồi xuống và luồn tay ngắt những bụi dền gai, ngày hôm nay Vân ngắt bụi bên cụm mả Hời, ngày hôm sau Vân lại ngắt mấy bụi bên cụm mả Lạng. Bữa cơm nhà Vân hình như có sự ban ơn của những ngôi mộ hoang này.

Dường như quanh năm suốt tháng chẳng thấy ai nhang khói hay nhổ cỏ cho các ngôi mộ. Và hình như chỉ có mỗi mình Vân là người làm việc này. Vân luôn nhổ sạch những bụi cỏ gà mỗi khi bứt dền gai. Vân làm vậy để những bụi dền gai có chỗ mà mọc. Và thi thoảng, buồn quá, không biết nói với ai thì Vân lẳng lặng mang vài cây nhang ra thắp cho những ngôi mộ.

Dường như cha của Vân đã quên mất sự tồn tại của nàng. Ông chỉ nhớ tới con gái mình mỗi khi tới bữa cơm mà chưa thấy cơm dọn lên bàn hoặc những bữa ông say rượu, ngủ dậy trễ và gọi Vân dọn cơm cho ông. Còn mẹ của Vân, hình như bà đang ở đâu đó rất xa, nàng hình dung bà có gương mặt hơi bầu bĩnh, mũi trái soan, mắt tròn, to và buồn. Nàng tin rằng mẹ của nàng sẽ rất khác với mẹ kế, nếu bà còn ở bên nàng, bà sẽ không khắt khe với nàng và ít nhất, khi nàng có kinh lần đầu, nàng sẽ kể cho bà nghe để bà giúp nàng chứ không phải là nàng sợ hãi và hái cỏ hôi để rịt chỗ máu chảy, mãi cho đến lúc nàng gần như kiệt sức vì sợ hãi và mất máu thì bà Thúy, mẹ của Rô mới biết chuyện, giúp nàng, cho nàng biết đây là chuyện bình thường, con gái là phải vậy.

Và có lẽ, thứ ám ảnh nàng nhất là mùi cỏ hôi có dính máu và những cái khăn đen đủi, những mảnh vải cắt ra từ áo quần thun bỏ đi dơ dáy và đen đúa, chúng được giặt trong cái chậu gạch, dùng làm băng vệ sinh. Hồi nàng còn nhỏ, có thể nói rằng đất nước trải qua những đận khó khăn kinh khủng nhất, gạo không có để ăn, cơm độn bữa được bữa mất. Người ta nuôi heo, nuôi gà bằng lúa nhận từ hợp tác xã về nhiều vô kể nhưng lại xanh lè xanh lét vì thiếu đạm. Bởi heo gà được ăn lúa, ăn cám gạo để chờ xuất khẩu sang Liên Xô, chỉ những nhà cán bộ, công chức mới được lát thịt heo mà ăn. Chồng bà Thúy là một cán bộ quyền thế, ông làm đến trưởng công an huyện đồng thời có đàn em là cán bộ thuế vụ, nên ông có nhiều thứ. Hình như nhà ông có thịt heo loại ngon, có thịt bò, có gạo thơm, có nhiều thứ mà dù mơ mấy lần nhà nông cũng không có được. Thỉnh thoảng bà Thúy gọi Vân sang để cho chén cơm, bà cũng là người dạy cho Vân cách chống đói mỗi khi nấu cơm.

Bởi nhà Vân có năm đứa con gái, một đứa con trai út nên mọi thứ chỉ dành cho thằng út. Năm đứa con gái giống như bầy vịt bầu mang lời nguyền của hai ông bà nông dân mà nàng và các em gọi bằng cha – mẹ. Họ đi làm gạch, Vân và các em gái ở nhà chăm sóc đứa em út, nấu cơm, rửa chén. Vân không được đi học nếu như chưa làm xong việc nhà. Mà nấu cơm trưa xong thì đã sát giờ vào lớp nên Vân thường dọn sẵn chén bát, đồ ăn, chờ cha mẹ về tới ngõ là lo thay áo quần và kẹp tập đi học. Vân không có cặp, chỉ chồng mấy cuốn sách, vở lên nhau rồi quấn một sợi dây thun, kẹp bên hông mà đi tới lớp. Nhiều bữa do không được ăn cơm nên bụng nàng sôi òng ọc, mấy đứa bạn nghe được thì cười khúc khích. Nàng vừa mắc cỡ vừa đói, vừa buồn, có khi cả chóng mặt, hoa mắt.

Bà Thúy bảo Vân nên ăn một chén cơm trước khi đi học, cách hay nhất là cho mấy đứa em chơi với nhau trước nhà, ăn vội một chén, sau đó xới nồi cơm lên và đậy lại. Như vậy cha mẹ sẽ không phát hiện. Nhờ chiêu này mà Vân đỡ đói mỗi khi đi học, mãi cho đến lúc con bé Ba (nó thứ ba và được đặt tên Ba) phát hiện và tố với cha mẹ chuyện nàng ăn trước. Vậy là một trận đòn nhớ đời. Rồi Vân phải nghỉ học, lên thành phố làm thợ dệt, rồi nghề dệt ế ẩm, không kiếm đủ tiền gởi về giúp cha mẹ, nàng đi bưng cà phê, và nàng cũng không biết mình bắt đầu làm đĩ từ bao giờ, hình như là sau cái đêm bà chủ quán lừa Vân bán trinh cho một lão Đài Loan. Vân thấy đời sống này quá dài, dài mãi cho đến khi cha nàng gọi về, nàng mới biết mình sắp được xuất ngoại, sắp sang Đài Loan theo chồng, mặc dù nàng không biết chồng nàng mặt mũi ra sao. Nhưng hình như bữa đó, đột nhiên nàng nhớ tới Rô, thằng con lai mắc dịch đã bóp vú nàng rồi bỏ chạy, mặc cho nàng run sợ, tức tưởi và buồn bã… Cái cảm giác đó thật khó nói. Tự dưng trong lúc này, cái lúc chuẩn bị đổi đời, chuẩn bị được biết cái máy bay là gì, chuẩn bị lên ngồi trên cái ghế của nó thì không thấy thằng Rô mắc dịch đâu. À, mà nó cũng đã ngồi máy bay, nó cũng đang ở tận trời Tây rồi mà!

Nghĩ đến đây, Vân ứa nước mắt vì nhớ tới tuổi thơ, nhớ ngôi nhà, nhớ những nấm mộ hoang thân thương, nhớ những buổi chiều có mùi khói nhang và hai bàn chân đứa con gái nhỏ tên Vân lúc ấy cứ lang thang, không biết nên về nhà hay nên lang thang thêm chút nữa. Trời thì rộng bao la, những buổi chiều đẹp mà buồn ở chốn quê thân yêu. Đã hơn ba mươi năm, Vân vẫn chưa một lần về nhà. Bởi về thăm nhà đối với Vân là một thứ gì đó xa vời vợi, Vân nhớ từng đứa em, nhớ từng gương mặt, từng nét cười và nhớ cả những chiều sáu chị em rủ nhau đi lang thang tìm cỏ gà, đi hái rau dền gai. Nhưng mỗi khi quyết về thăm, mỗi khi rủ chồng cùng về, ông chuẩn bị hành trang và mua vé máy bay thì Vân lại nói thôi. Vân thấy có một thứ gì đó ngáng chân, chặn ngang niềm mong nhớ của nàng!

Đã nhiều năm như vậy, nàng ăn Tết xứ chồng, nàng đã quen với những bông cải vàng xứ Đài, nàng cũng quen với cả những nhành mai, nhành đào hay những cụm hoa lay ơn, cụm hoa cúc, vạn thọ xứ người, nơi nàng đã sinh ra những đứa bé, và nàng cũng biết rằng khi nàng chết đi, đất mẹ nơi này sẽ cưu mang lấy thân thể lạnh giá vì thiếu bếp lửa quê nhà của nàng. Nhưng dù sao, nàng cũng có những đứa con và người chồng già ân cần, bao dung và trắc ẩn. Đôi khi nàng cảm thấy ngại ngùng khi chồng và con nàng đòi về thăm quê ngoại. Nhưng nghiệt nỗi, cái tiêu chuẩn về quê của cha nàng khiến cho nàng và chồng nàng cảm thấy buồn. “Có quà thì về, không có quà thì gởi tiền về cũng được, không cần về đâu!”. Cái câu ấy lặp đi lặp lại đã rất nhiều năm. Và hằng năm, từ chuyện đám cưới các em, các em làm nhà, cha mẹ đau ốm, cha mẹ thiếu tiền đi ăn cưới… Tất cả như một bài ca chứa đầy âm thanh cuồng nộ đối với nàng.

Và chồng nàng cũng hiểu điều này, anh thương nàng, an ủi nàng nhưng cũng có lúc nổi quạu và hỏi nàng có phải là con của họ hay không? Ngay cả việc đem gả nàng cho anh, anh cảm ơn họ nhưng đồng thời cũng tỏ ra khinh bỉ họ bởi họ đã vì tiền chứ không hề quan tâm anh là ai, họ không quan tâm đến con gái của họ. Anh chỉ cần bỏ ra hai mươi ngàn đô la cho dịch vụ, nghe đâu dịch vụ ăn hết một nửa và cha mẹ nàng được hưởng mười ngàn là anh đã có nàng. Giống như anh đã mua nàng. Nhưng anh không nghĩ vậy, anh yêu thương nàng, anh nhìn thấy ở nàng một viên ngọc trắc ẩn và trong chừng mực nào đó, nàng là bồ tát cứu vớt đời anh. Vậy thôi. Còn nàng, nàng vẫn luôn đau đáu mong một ngày nà đó cha mẹ sẽ thay đổi cách nghĩ. Nhưng hình như điều đó không hề xảy ra, càng lúc, cách kiếm tiền của họ đối với nàng càng tinh vi, thậm chí, họ đã đục khoét vào nàng nữa là khác. Nhất là cái lần họ gửi cho nàng một đoạn băng video vườn bắp bị cháy dưới nắng hè trong lúc cha nàng múc từng thùng nước nhỏ để chữa cháy và mẹ nàng thì gào khóc. Nàng và chồng đã ứa nước mắt và kiếm ngay ba ngàn đô la gởi về cho họ, xem như là an ủi. Sau này nàng và chồng biết rằng họ đã cố tình đốt vạt bắp và thuê người quay phim, tổng chi phí cả vườn bắp cháy và công quay phim mất chừng năm chục đô la, họ vẫn lãi được hai ngàn chín trăm rưỡi đô mà không cần thu hoạch mệt nhọc… thì dường như không còn chuyện gì để mong ngày về nữa. Nàng chỉ biết buồn! Hình như các em của nàng cũng chỉ biết tiền, tiền và tiền.

“Có thể do nhiễm xã hội nữa, không phải riêng cha mẹ bên đó như vậy đâu em ạ. Dường như xã hội Việt Nam bây giờ rất phát triển nhưng phần rất đông người ta chỉ biết một thứ duy nhất, đó là tiền. Em cũng đừng buồn làm chi!”.

Nghe chồng an ủi, nàng cũng thấy vui đôi chút nhưng thực tâm, lời an ủi của anh như những mũi kim đâm vào vết thương đau nhói của nàng. Nàng cảm thấy mình đang lạc lõng, mình đã bị bỏ rơi tự bao giờ. Nhưng hình như mình cũng có chút may mắn, vì không thiếu những đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc chưa lọt lòng hoặc bỏ rơi ngay sau khi lọt lòng và từ nhỏ đã quen với những vết đau kiến cắn, ruồi bâu… Nàng muốn bật khóc nhưng rồi lại thôi, vì ngày Tết sắp đến, nàng phải lo chuyện mua sắm cho các con, nàng không đủ thời gian để buồn nhiều!

10. Mì Quảng

Rô bắt đầu thấy chán nản kể từ ngày hắn phát hiện ra hắn trị giá ba lượng vàng. Hóa ra mọi chuyện trong cuộc đời này cũng khôi hài và chẳng có gì là thiêng liêng cho mấy, kể cả tình mẹ con nếu như không may sinh ra trong một thời điểm không phù hợp. Cái thời điểm không phù hợp ấy làm cho rất nhiều đứa trẻ không được ra đời và biết đâu trong hàng triệu đứa trẻ không phù hợp ấy trên thế giới này có rất nhiều đứa là thiên tài giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Và ngay trong cái sự phù hợp để ra đời cũng không thiếu cả những thứ lập luận tự cho phép mình đạp đổ thế giới mặc dù trí lực không tới đâu.

Cuộc sống của Rô bắt đầu, nói đúng hơn là sự sống bắt đầu từ khi nào nhỉ? Từ khi mẹ hắn không hay biết về giọt máu của một tay lính Mỹ đang lớn dần trong tử cung và cho đến lúc bà cảm thấy sợ hãi, trốn về quê, đi tìm người lính đó. Nhưng biết người lính nào là cha của cái bào thai đây, ông chỉ huy, tay trung đội trưởng, tay đồn phó, tay lính mới hay là tay lính da đen đi đánh thuê. Làm sao bà biết được bởi có đêm nào là không có một tay lính Mỹ ghé qua cuộc đời bà, để lại cho bà những đồng đô la gáy đỏ. Bà chỉ biết là người Mỹ họ quá khôn, họ không để lại một thứ gì cho Việt Nam sau khi họ rút đi, họa chăng là những đứa con rơi của họ. Nhưng cũng chưa chắc họ chịu để lại. Những đồng gáy đỏ của quân đội Mỹ khác với đồng gáy xanh của chính phủ Mỹ. Lính trong quân đôi Mỹ đều xài đồng gáy đỏ, nó chỉ có giá trị tại chỗ, quy đổi tại chỗ, nếu lính Mỹ rút đi thì những đồng bạc này chỉ là mớ đồ kỷ niệm, không có giá trị tiêu dùng. Cũng may là không ít cô gái điếm đã mang đổi những đồng gáy đỏ ra để sắm vàng. Nhưng hình như không nhiều cô như vậy đâu. Và để có vàng, người ta trả giá không ít.

Cầu mang tên De Lattre De Tassigny người ta gọi là cầu Đờ Lách, sau đổi tên thành cầu Trình Minh Thế, một tướng Cao Đài, từng nằm trong nhóm chống đối chính phủ Ngô Đình Diệm và bị ám sát một cách khó hiểu khi đang tham chiến, nhiều nhà sử học sau này vẫn hay đọc nhầm là Trịnh Minh Thế. Sau 1975, đổi tên thành cầu Nguyễn Văn Trỗi, tên một người lính biệt động cộng sản ở Sài Gòn, từng ám sát hụt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara và bị xử án tử hình năm 1964 tại trường bắn khám Chí Hòa, Sài Gòn. Cây cầu trải qua rất nhiều tên nhưng người ta vẫn quen đọc là Đờ Lách, ngay cả đám trẻ con cũng đọc vậy. Điều đó cũng giống như thành phố Sài Gòn, tuy nó mang tên thành phố Hồ Chí Minh đã ngót nghét nửa thế kỉ và người ta phải dùng tên này trong mọi thứ thủ tục hành chính cũng như hoạt động văn hóa, nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn lúc nói chuyện, ngay cả đám trẻ con cũng vậy. Có những thứ chỉ có thể đổi tên trên giấy tờ chứ không thể đổi tên trong trí nhớ và tâm thức. Bởi muốn làm vậy, người ta buộc phải sửa lại vô thức tập thể, nhưng đó là thứ không thể sửa bằng vài thế kỷ và có khi tốn cả vài thế kỷ cũng không thấm vào đâu.

Chiếc cầu bắc qua sông Hàn, nối trung tâm thành phố với An Hải, một vùng bờ biển hoang vắng có vài trăm gia đình sống tạm bợ. Cầu, nơi mà thi thoảng, bà nhìn thấy một bao tải chứa xác của đồng nghiệp, trần truồng, nhợt nhạt trôi theo dòng ra cửa Thuận Phước, một cửa biển dựa lưng vào bán đảo Sơn Trà. Dường như họ và cả bà đều chấp nhận một cuộc chơi mà ở đó, đồng gáy đỏ là thiên đường, họ có thể gặp một anh lính từ tốn và sòng phẳng, họ cũng có thể gặp nhiều tay lính ức chế và sẵn sàng ngấu nghiến lấy họ. Và cái giá phải trả là có nhiều cô phải mất mạng vì những tay lính cuồng điên này. Câu chuyện nói ra đầy ô nhục nhưng nó vốn dĩ vậy, mọi chuyện dường như xoay quanh đồng gáy đỏ, gáy xanh rồi lại đổi ra vàng. Những cô gái đốt đời mình trong một số thứ rượu và hút chích, số lớn tiền kiếm được vẫn là đưa về giúp cho gia đình. Có nhiều cô gởi tiền về xây nhà thờ họ to lớn, xây nhà cho cha mẹ, em út. Nhưng dường như trong mắt của cha mẹ thì họ chỉ là cái máy in tiền không hơn không kém, họ không được phép bước vào nhà thờ vì họ là gái điếm. Cuộc sống chẳng bao giờ là công bằng. Điều đó cũng giống như cái bào thai bà đang mang. Bà muốn bỏ nó đi nhưng không nỡ. Vì bà hình dung nó đang như con gà con trong cái trứng mà bà chứng kiến lúc lên mười.

*

Một cái trứng có vỏ màu trắng đục, bên trong của nó có những sợi chỉ màu hồng, Ngọ (tên của bà lúc nhỏ) nhìn xuyên qua cái lỗ bé nhỏ trên đầu vỏ trứng, nơi có chiếc mỏ xinh xinh đang cố chui ra. Nghiệt nỗi, hình như nó đang bị lạnh, nó cần được giữ ấm. Nhưng mẹ nó hình như không còn, vì ngoài nó ra, có một con gà bé xíu khác tội nghiệp đang nằm sóng soài, cánh ướt và rũ, có lẽ nó đã chịu lạnh khá lâu. Mẹ nó đâu? Ngọ nghĩ vậy và nhìn ra chung quanh nhưng không thấy. Mình phải ủ ấm nó! Ngọ nghĩ vậy và cầm lấy cái trứng có con gà nhỏ xíu bên trong giữa hai lòng tay, cố hà hơi ấm của mình vào. Sau đó Ngọ lần hai bàn tay vào bên trong ngực áo để ủ ấm lấy nó. Tiếng chíp chíp yếu ớt phát ra đều đều, mạnh dần bên trong lớp vỏ mỏng. Ngọ tiếp tục ngồi ủ như vậy cho đến lúc cha nàng gọi về và hỏi nàng đang giấu thứ gì trong ngực. Nàng kể thật với ông về mấy con gà con bị bỏ rơi. Ông nghe xong, im lặng và nói: “Thôi, mi vào trong kia lấy bát mì ăn đi. Hôm nay là đám giỗ ông nội mi đó! Nhà khá giả thì sẽ có tiệc tùng mời bà con hàng xóm, nhà mình nghèo khổ, chỉ đủ để nấu một bữa mì gà mà cúng ông thôi!”.

Nghe tới đây, Ngọ có linh cảm rất lạ và một chút buồn thoáng qua. Ngọ không muốn ăn uống gì nữa. Bình thường, Ngọ rất mê món mì gà, bởi nhà nghèo thì dễ chi có món ngon để mà ăn. Nhiều lần đi chơi, nhìn nhà hàng xóm ăn món ngon, Ngọ thèm và ước ao một ngày nào đó nhà nàng cũng được ăn món này. Nhưng sao hôm nay Ngọ có một linh cảm gì đó khó nói, cho cái trứng chứa con gà bé tẹo đang nằm trong tay nàng. Cha nàng lại hối thúc nàng đi ăn nhưng nàng chần chừ. Mẹ kế của nàng thì không nói gì, dường như suốt đời bà là cái bóng của ông. “Thôi con xuống bếp lấy mì ăn đi, để cái trứng mẹ lo cho!”. Lần đầu tiên được mẹ nói chuyện ân cần, Ngọ lại xúc động.

Bát mì không còn ngon lành nữa, mặc dù Ngọ đang đói bụng. Mỗi khi hít mùi thơm của thịt gà, Ngọ chỉ muốn bật khóc, mà hình như Ngọ đã khóc. Ngọ thương cho con gà mẹ phải lìa con của nó mà làm món mì cho ngày giỗ của ông, Ngọ thương con gà con mất mẹ và phải chết lạnh, Ngọ thương cho cái trứng mỏng manh đang ủ vùi trong tay sau khi trải qua mấy giờ lạnh, rồi được ấm một chút trong ngực áo của nàng thì phải rời đi vì mẹ nàng muốn vậy. Và giờ này, nó lại được mẹ nàng vùi trong tro ấm nhưng nàng vẫn có linh cảm không tốt, nàng biết tính khí của cha nàng thất thường và chẳng biết ông sẽ làm gì nếu nghĩ rằng con gà kia mai mốt sẽ là một con gà mái. Ông thi thoảng uống rượu say vẫn hay gầm lên rằng nhà ông bất phước, đẻ dài một lũ con gái. Ai khen ngũ long công chúa gì đó thì ông ngồi buồn thỉu buồn thiu và khi người đó ra về, ông sai mẹ nàng làm đủ thứ chuyện như một thứ hình phạt.

“Mi phải hủy nó đi!”. Câu lệnh gầm thét của cha làm Ngọ đứt ngang dòng suy nghĩ.

“Tại sao phải hủy? – Ngọ hỏi vặn.

“Vì đó là một nỗi nhục của tổ tiên. Tao không chấp nhận đứa con gái làm ô nhục tổ tiên!”.

“Thế sao lúc tui mang tiền về xây nhà, rồi nhà thờ, mang rượu tây về cho ông uống, ông không nói câu này?”.

“Đụ mẹ mày, mày ăn nói mất dạy với tao hả?!” – ông vừa nói vừa với tay quơ lấy cây cán chổi ông quen dùng để đánh mẹ con nàng.

Ngọ rút súng chĩa thẳng về phía ông, đanh giọng: “Tui nói cho cha biết, ông mà rút cái cây là tui bóp cò ngay. Ông có quyền lấy mọi thứ tiền bạc của tui, trừ cái thai này!”.

“Đồ thứ nặc nô! Mày hỗn láo với tao, mày nhớ đó!”.

Nói xong, ông cúi xuống lượm lấy tiền của Ngọ vừa quẳng ra rồi đi thẳng. Nàng biết có vài lão nữa cũng bằng tuổi cha nàng đang ngồi ngoài quán nhậu ngã ba. Đời là thế. Trước đây, nàng không bảo vệ được con gà con, cuối cùng nó mất dấu, không chừng nó nằm trong bữa rượu nào đó, thời buổi đói kém, con người ăn không từ một thứ gì và không chừng đói quá, người ta mơ hồ nghĩ đến chuyện bán con cái để mà ăn, nhất là khi đã nhập ma men.

Chưa đầy năm sau, mẹ Ngọ đã trở nên đãng trí, dường như bà không còn sáng suốt kể từ khi sinh đứa con trai út, đứa thứ sáu, và bị cha nàng đánh đập thường xuyên lúc có bầu nên đẻ non xong là bị sản hậu, vì bà quá xúc động đẻ được con trai trong lúc trước đó bà quá lo lắng vì sợ lại đẻ ra một vịt bầu. Đứa con trai đươc ưu tiên nhiều thứ, dường như có thứ gì thì cha nàng cũng dành cho nó. Nghiệt nỗi, nó không được thông minh, suy nghĩ chậm chạp, sức khỏe nó cũng yếu ớt. Có lẽ do bị đẻ non và không được nuôi tốt từ trong bào thai, mà cũng có thể do tuổi của cha mẹ nàng đã cao.

Nghĩ đến đây, Ngọ lại sờ vào bụng, một thằng Mỹ con, chắc chắn là vậy rồi. Nhưng không biết thằng Mỹ đen hay trắng đây, bởi nàng cảm thấy mình từng rụng trứng với nhiều thằng Mỹ chứ chẳng riêng chi thằng Robert. Nhưng rõ ràng, thằng Robert làm tình nhẹ nhàng và yêu nàng như yêu người yêu, hắn không vồ vập nàng như một thứ đồ chơi, có những lúc hắn xem nàng như em gái hay bạn bè và mua quà tặng nàng mà chẳng cần đòi hỏi nàng lên giường. Nhiều lúc, mới đi hành quân về, hắn sà vào lòng nàng như một đứa trẻ và khóc vì mình sống sót sau khi rất nhiều bạn bè, đồng đội đã bỏ mạng. Chỉ có hắn mới bỏ cả tháng lương để rủ nàng đi chơi Đà Lạt trong kỳ nghỉ phép. Hắn hình như yêu nàng mặc dù hắn thừa biết nàng là một con đĩ. Nhiều lần hắn tỏ ra ân cần với nàng như một người yêu. Điều này khiến cho nàng lúng túng, nàng muốn gào vào mặt hắn rằng “Robert ơi, cái thằng mặt lồn này sao mà mày ngu thế, tao chỉ là con đĩ thối, có hàng tá thằng đi qua tao, tao hôi thối, mày thương tao làm chi!”. Nhưng rồi nàng sực tỉnh rằng nàng cần phải kiếm tiền để lo cho cha mẹ và các em. Nghĩ tới đây, nàng lại im lặng.

Nàng vẫn đinh ninh cái bào thai mình mang trong bụng là của Robert, nàng nhiều lần muốn nói với hắn điều này, nàng cũng muốn giữ đứa bé này để sau này khi nàng tuổi già bóng xế, có người bầu bạn với mình.

11. Mẹ nuôi

“Nhưng mẹ mình vốn thương cha mình vậy, sao bà nỡ bán mình cho mẹ nuôi? Và những gì ông ngoại và cậu út đối đãi với mình thì sao? Và tại sao mẹ nuôi lại giấu cái thân phận dì ruột của bà với mình. Giữa mẹ nuôi và mẹ ruột rốt cuộc đã chơi trò gì?”. Rô cố vắt óc suy nghĩ về chuyện này, rốt cuộc mọi chuyện cứ rối mù lên. Trong khi đó, mẹ Ngọ của hắn thì chỉ biết khóc, không nói được gì, còn mẹ nuôi tức dì ruột của hắn thì hình như rất giống ông ngoại hắn ở điểm chỉ biết có tiền, cứ có càng nhiều đô la đưa cho bà là mọi chuyện vui vẻ! Tiền, tiền! Rô cảm thấy bứt rứt, muốn đứng dậy đi tìm lão ông ngoại mà vặn cho lão một phát cho lão chết tươi tại chỗ. Nhưng rồi thôi, bởi lão đã quá già, hơn nữa trong hàng triệu lần quát tháo, Rô vẫn nhớ đôi lần ông tỏ ra rất thương Rô, nhất là ông từng xức dầu cho Rô sau khi Rô bị cậu út đánh đến dập môi, sưng mặt và ê ẩm mình mẩy! Hồi đó sao con người tàn nhẫn dữ vậy? Rô lại tự hỏi rồi thấy buồn.

*

Ngày hôm đó, hình như Rô đang vác mấy bó hom khoai mì trên rẫy về, đến nửa đường thì gặp mẹ. Bà đi với một người nữa, nhìn bộ dạng khá giả và lịch sự. Ông chào Rô, nhìn Rô từ đầu đến chân rồi nhìn mẹ Rô, gật đầu. Rô không hiểu chuyện gì, Rô chào mẹ, chào ông ấy rồi tiếp tục vác khoai mì về. Ông ấy đứng lại ở ngã ba đầu xóm, còn mẹ theo Rô vào nhà, mẹ nói Rô hãy mặc quần áo đẹp vào và đi theo mẹ, mẹ muốn đưa Rô về nhà. Ông ngoại nghe mẹ nói vậy thì gật đầu và nói với mẹ là ông mới sắm cho Rô một bộ áo quần mới. Mẹ Rô mở chiếc túi bằng vải trong cạp quần, đưa cho ông hai tờ một ngàn đồng mới cứng. Ông cầm tiền, xoa đầu Rô mấy cái rồi gọi cậu Út lục lọi áo quần hay bất cứ thứ gì của Rô gói vào một cái bao. Hình như mọi thứ Rô có được cũng chỉ lưng nửa bao tải, Rô mang cái bao tải và đi theo mẹ về nhà. Ra đến ngã ba làng thì gặp lại người đàn ông lúc nãy, ba người tiếp tục đi bộ, người đàn ông có ý vác giùm cái bao tải cho Rô vì ông thấy Rô đã mệt. Rô lắc đầu từ chối, ông lại mỉm cười và nói với Rô đừng ngại, cứ để ông mang giùm, ông sẽ không lấy mất của Rô đâu. Nghe ông nói vậy, Rô phì cười vì ông lấy mấy thứ áo quần hôi hám của Rô về để lót chó nằm có khi lại mất chó vì nó sợ mùi lạ mà bỏ đi, ai đời đi nghĩ là ông lấy mất, chỉ ngại thôi! Vậy là Rô không có phản ứng gì khi ông giật lấy cái bao tải để mang giùm.

Ra đến đường cái quan thì gặp một chiếc xe hơi trắng đang đậu bên đường, người tài xế bước xuống mở cửa mời ông Luân (tên người đàn ông vác giùm bao cho Rô) lên xe và sau đó là hai mẹ con Rô. Lần đầu được ngồi xe hơi, nghe tiếng máy vu vu của nó, Rô không thấy thích mà chỉ thấy hình như mình không hợp với thế giới nhà giàu, mình rất khó chịu khi ngồi xe hơi và mình cũng chẳng phải sinh ra để ngồi trên mấy thứ này. Dường như bạn thiết của Rô là núi rừng, là những bụi cỏ gà, là mấy nhánh sim tím và hoa mua. Mỗi khi đói lòng, Rô lại xin chúng vài trái để đỡ xót ruột, và những con giun, con dế miên miên nơi lòng đất, chúng cho Rô thấy một điều gì đó giống như phép màu trong làn da ẩm ướt của chúng, dường như sức sống của chúng vừa gần gũi lại vừa là bậc thầy của Rô về tồn tại. Và mỗi khi bị cậu Út đánh bầm dập, Rô nhìn những lằn roi màu tím thâm trên da, lại nhớ tới những con giun đất ngoi mình thoi thóp mỗi khi Rô nhổ bật gốc khoai mì, lôi cả củ mì và chúng lên khỏi mặt đất, hay tiếng dế búng lách tách trong bụi cỏ, tất cả những âm thanh và hình ảnh ấy hiện ra và làm cho Rô quên mất mình đang bị đánh, Rô nhìn những vết lằn như những người bạn số phận thân thiết. Dường như chính sự thân thiết, gần gũi với mảnh đất mà người ta xem Rô là thứ bỏ đi, thứ gánh nặng này cũng cho thấy rằng số phận của Rô có chút gì đó điêu linh và lang bạt vô định.

“Con về với bác Luân nghe con. Từ hôm nay con ở với bác Luân, và gọi bác Luân bằng cha”.

“Sao vậy mẹ?”.

“Bác Luân sẽ cho con đi học, sẽ cho con ăn cơm và không đánh đòn con như ông ngoại hay cậu Út, bác cũng không nguyền rủa con là con nạ dòng hay con đế quốc…”. Nói tới đây, mẹ Rô im lặng.

“Vậy hôm nay con có về thăm cha một chút rồi đi không?”.

“Không cần đâu con!”.

Rô im lặng, ông Luân thì im lặng ngồi quan sát Rô và mẹ trò chuyện, có vẻ như ông thấy hơi buồn và ngạc nhiên trước đứa con trai mười tám đôi mươi, lưng dài vai rộng, rắn rỏi nhưng lại hơi yếu đuối và đôi mắt lúc nào cũng mệt mỏi vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Một đứa đôi mươi nhưng không thể quyết định được gì cho số phận hay cuộc đời mình, thậm chí cam chịu kiếp trâu ngựa. Bởi Rô to con và khỏe hơn cậu Út, Rô có thể vác một lần ba bó hom khoai mì nhưng cậu Út chỉ vác được nửa bó tới một bó là cùng, và khi vác, cậu bước đi cảm giác như xương đang lệch dần theo mỗi bước chân và cơ của cậu đang rút lại. Thế nhưng Rô lại được ăn phần ít hơn cậu Út và mỗi khi cậu nổi giận, đánh đập thì Rô phải ngồi im thin thít mặc cho những lời sỉ vả đổ lên đầu nối tiếp những trận mưa roi. Dường như Rô có chút gì đó không còn là con người. Nhưng đôi khi, nghĩ buồn, khóc một mình rồi Rô lại tin rằng mọi thứ đều có số phận, đôi dép đứt quai còn phải mang một con số huống chi Rô là con người lành lặn. Và số phận những đứa con lai không cha như Rô, những đứa bị kỳ thị, ngay cả cái nắp cống nó cũng kỳ thị loại con rơi của đế quốc như Rô, thì may mắn được ở với ông ngoại, với cậu, được làm kiếp chó trong một gia đình cũng tốt hơn những bạn bị bỏ hoang của Rô. Nghĩ vậy và Rô thấy lo lắng nếu như mai mốt, ông Luân lại cho Rô đi học, bắt Rô phải sống theo kiểu con người tử tế, bởi điều đó còn xa lạ với Rô quá và không biết Rô có tập được không. Rô sợ khi Rô không học tâp được kiểu sống của con người thì ông Luân lại nản chí và hất Rô ra đường, lại làm kiếp chó hoang và phải giành chỗ ngủ nơi gầm cầu hay ống cống vốn đã ổn định của nhiều đứa bạn con lai khác. Nghĩ tới đây, tự dưng Rô muốn khóc…

“Từ hôm nay, con sẽ được học, việc đầu tiên là học chữ và tiếng Anh”.

“Dạ… Con học dốt lắm! Với lại, có chuyện gì ông cứ sai bảo, con sẽ làm tốt!”.

“Con đừng nghĩ vậy, bố không mua nô lệ, bố cũng không dắt con về làm người ở đợ! Con phải nghe lời bố! Học, vậy thôi!”.

Việc học của Rô diễn ra nghe có vẻ gai góc, vì Rô phải vật với mấy con chữ còn khó gấp bội so với việc vật mấy cây khoai trên đất núi rồi bó lại và vác về đường cái quan. Không có gì khó hơn học chữ, Rô phải công nhận là vậy. Học chữ vừa tốn tiền, vừa khó, vừa mệt và bất an vì đủ thứ chuyện. Nhưng bù vào đó, học chữ không gây đổ mồ hôi và tạo ra một thứ gì đó giống như mùi thơm trong sâu thẳm tâm hồn của mình, khó nói lắm, nhưng nó khiến cho đứa bé đói ăn, sợ sệt và hay khóc trong góc tối cuộc đời của Rô dần trở nên mạnh mẽ, tự tin.

Comments are closed.