Vé trở về (kỳ 8)

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

18. Ngôi nhà

Ngươi ngồi chờ người đàn ông ấy xuất hiện, nhưng mãi vẫn không thấy, bỗng dưng có ai đó hỏi từ sau lưng ngươi: “Ông thấy gì sau ba cuộc chiến?”.

“Ơ… tôi… không biết, vì tôi sinh sau đẻ muộn” – ngươi trả lời.

“Không đúng, con người có hai thứ để đổ thừa, đó là quá khứ và tương lai”.

“Như vậy nghĩa là sao?”.

“Thường thì hầu hết bọn người nắm quyền lực đều đổ thừa cho cả hai thứ, hễ gặp chuyện không hay thì họ bảo do quá khứ để lại cái quá dở, chứ không phải do bọn họ góp tay tạo ra. Còn gặp chuyện hư hỏng do chính bọn họ tạo ra, kéo dài đôi ba chục năm thì họ lại đổ thừa cho tương lai và họ tự xếp mình vào quá khứ. Tỉ như việc đó bây giờ tôi không biết bởi tôi đã nghỉ hưu, không còn quyền lực gì nữa… Tất cả bọn này là lũ dòi bọ. Những kiểu lập luận đó, ta chứng kiến qua ba cuộc đại chiến và thấy lúc nào cũng có loại người này, nhất là…”.

“Ông nghĩ rằng đại dịch này là đại chiến?”.

“Đúng rồi, cả ta và ông đang sống trong Thế Chiến III, một cuộc chiến tranh không có tiếng ồn nhưng tạo ra nhiều tiếng khóc và cũng không biết lấy đâu ra nguyên nhân để kiện một thằng nào đó đền bù chiến tranh. Nhìn chung, đây là cuộc chiến khốc liệt nhất mà ta từng chứng kiến. Và tuổi trẻ, ông không nên đổ thừa do mình sinh sau đẻ muộn mà không biết hai cuộc chiến kia, bởi đơn giản, những thứ lưu giữ trong ký ức của mỗi người không nhất thiết phải thông qua trực chứng, nó có thể lĩnh hội từ những trực chứng và kinh nghiệm của người khác”.

“Nhưng tôi vẫn chưa hiểu ông muốn nói gì?”.

“Ta đã đứng đây từ lúc thanh xuân cho đến khi những cái răng đầu tiên bắt đầu nhức và tóc bắt đầu bạc, dương vật bắt đầu không làm theo ý muốn của mình và mọi thứ bắt đầu lùi dần vào quá khứ. Ta hiểu rằng con người đang tự đào mồ chôn mình. Nhưng ta lại khoái những thằng thời bây giờ. Nhưng chỉ vài thằng thôi”.

“Vậy nghĩa là sao?’.

“Nghĩa là những thằng thực sự thông minh, chúng nó đang là những đại tư bản, chúng nó chẳng khác chi thế giới tư bản và chúng giữ những thằng già như những sinh vật cảnh, khi cần thì ra đứng ngoài ngõ múa may quay cuồng làm đủ các trò vui cho bọn chúng. Nghĩa là những thằng thông minh đã xô ngã chủ nghĩa cách đây hơn hai mươi năm rồi nhưng chúng xô ngã bằng cách cho những thằng già khú đế đứng lên trên tòa nhà bị xô ngã đó để cầm cờ cổ động. Và đặc biệt là chúng không dùng bất kỳ thứ bạo lực nào ngoài việc tạo cho bọn già một gương mặt thanh liêm, ăn mặc chỉnh tề, cơm no ba bữa. Nhưng chúng lại biến bọn con cháu đám này thành những con lợn sữa, lợn sề và cả lợn nái để thịt bất kỳ khi nào cần thiết. Những con lợn này chính là những con tin của bọn thông minh nhằm giữ chân và giật dây bọn già. Chúng thực sự thông minh”.

“Như vậy, theo ông, ai là người đã giật dây cho cuộc chiến này?”.

“Hỏi ngu, không có ai đủ bản lĩnh để giật dây cho cuộc chiến cả, nhưng chính cuộc chiến đã giật dây bọn chúng”.

“Cuộc đệ nhất thế chiến, rõ ràng đây là do con người, đến đệ nhị thế chiến thì Hitler không khai ngòi thì còn ai vào, và bây giờ, gã kia chả khai ngòi thì còn thằng nào vào nữa?”.

“Ồ không, nghĩ quá ngu! Bản thân những thằng đã bị chiến tranh lôi kéo từ lúc chưa lọt lòng mẹ, tụi nó chỉ ra đời để thực hiện cái sứ mệnh mà chiến tranh đã giao phó cho nó. Điều đó cũng giống như không phải thằng chế ra trái bom nguyên tử đã đẻ ra trái bom mà bản thân trái bom nguyên tử đến thời điểm đó phải có, và thằng chế ra đã được đặt sứ mệnh ngay từ lúc nó được thụ thai”.

“Ông tin vào thuyết định mệnh?”.

“Không, ta chẳng bao giờ tin vào thứ gì, học thuyết thì càng rối mù, định mệnh là cách để người ta lừa bịp nhau, bởi vì lừa bịp nhau nên người ta tin rằng thằng đó sinh ra phải được làm vua hay được quyền phát động chiến tranh…”.

“Ông đang tự mâu thuẫn với mình, bởi ông chả mới nói rằng nó được giao phó nhiệm vụ chiến tranh ngay từ lúc mới đẻ ra là gì?”.

“Ơ, lại hỏi ngu, ta nói rằng thằng đó sinh ra để châm ngòi nổ chiến tranh, đúng, hắn đã sinh ra trong dự tính của một cuộc chiến tranh thứ ba. Nhưng hắn có quyền lựa chọn, hoặc là châm ngòi, hoặc là vứt cái ngòi đó đi. Vậy thôi, nhưng hầu hết bọn ngu xuẩn đều tin vào định mệnh, và khi đã tin thì đến đúng thời điểm, nó sẽ làm, và nó xem việc nó làm là thiêng liêng. Con người cũng giống như ta, một ngôi nhà, ta sinh ra để che chở cho con người, gồm cả người tốt và người xấu, nhưng ta có quyền lựa chọn để người xấu quay về với ta hay người tốt quay về”.

“Ông nói cứ như đùa, ông làm gì có quyền lựa chọn? Người ta có quyền để ông xập xệ hoặc xây dựng lại, có quyền ở hoặc đi…”.

“Ha ha, quá ngu ngốc! Ngươi chưa hiểu được lẽ bí nhiệm của hoàn vũ nên ngươi thấy mình có quá nhiều cái quyền, trong khi đó, mọi thứ học thuyết, quyền lực và phe cánh hay bất kỳ thứ gì mang giá trị của các ngươi không mạnh bằng một con mối đất hoặc một con bọ hung, chưa cần nói đến con nào khác cho ghê gớm”.

“Nghĩa là sao?”

“Nghĩa là… ngươi tự suy nghĩ đi! Mà ngươi có nhận ra điều gì trong cuộc chiến này không? Đây là một cuộc chiến rất đặc biệt, nó ưu tiên cho lòng vị tha được sống sót!”.

“Ờ… Nhưng ông là…”.

“Ngôi nhà. Đơn giản vậy thôi, ngôi nhà là linh hồn con người mà con người cũng là linh hồn của ngôi nhà. Đừng hỏi thêm điều gì, nó đâm vô nghĩa!”.

*

Mi mệt mỏi trở về, sau những ngày dài lang thang với một thứ gì đó không định dạng. Công việc, cơm áo và những suy nghĩ vẩn vơ thoáng hiện rồi mất dấu. Kể từ giây phút một cái tên mơ hồ quanh quẩn trong đầu mi mà mi không hiểu vì sao. Thằng Rô dường như vẫn bặt vô âm tín, mi thấy tội nghiệp cho giống loài của mi, một giống loài cũng thông minh, can trường và mạnh mẽ như bao giống loài khác. Nhưng không hiểu sao, hết bầm dập này sang dập dụi khác, người Việt phải chịu chết đói năm 1945, chịu chết vì đấu tố, cải cách ruộng đất những năm 1953 đến 1956, chịu máy chém kéo lê khắp miền Nam những năm 1958, 1959 cũng là năm cái công hàm đánh mất Hoàng Sa đã ký. Và sau đó, năm 1968, những người lính của hai bên đổ xuống, những bộ đội Bắc Việt mặt còn búng ra sữa với dòng chữ “Sinh Bắc tử Nam” khắc trên cánh tay như một lời thề Sát Thát để vào giết giặc, mà họ chưa chắc đã hiểu rằng giặc đó là anh em, máu mủ, đồng tộc, đồng bào… Đến khi đất nước hai miền hợp nhất, nhiều triệu người bỏ mình trên biển và trong những trại cải tạo…

Nhưng đồng tộc của mi phải sống, phải tiếp tục đẻ con, đẻ trong nghèo đói, đẻ trong mù chữ, đẻ trong cuồng tín, đẻ trong đau khổ, đẻ trong tương lai mịt mờ và tin rằng trời sinh voi thì ắt sinh cỏ. Cuối cùng, người ta cũng xây cho mình được một căn nhà bê tông để tránh lũ lụt. Nhưng trả giá cho việc này, người ta cầm dao mổ lợn xông vào người anh em ruột rà vì phân chia không công bằng, vì thiệt thòi vài tấc đất… Cuộc đời, có đôi khi mi muốn quên đi mọi thứ, kể cả việc quên đi cái bóng cây chim chim đầu làng và hai mẹ con của người đàn bà thi thoảng về ngồi dưới trăng, hay quên đi bộ hài cốt của người lính Mỹ, mà Rô đã khóc, hắn khóc rất nhiều lần với hi vọng sẽ tìm ra được bộ hài cốt để gắn vào hộp sọ cho cha và mong sao dòng họ thừa nhận hắn.

Cũng giống như hắn từng khóc vì lỡ sinh ra trong cuộc đời này, tiếng khóc của hắn lẫn trong hàng triệu tiếng khóc trên xứ người mà với hắn là quê cha đất tổ, nhưng hắn mãi là đứa lạc loài. Mi chỉ mong gặp lại hắn. Nhưng hình như việc này, lúc này khó quá!

19.Trở về

Trên chương trình ti vi, hình như không nhắc gì nhiều về dịch COVID-19 ở các quốc gia khác. Cái hay của truyền hình nhà nước độc tài nằm ở chỗ này, mọi thứ bình chân như vại, trừ những hình ảnh gây ám thị bởi việc chống dịch, các phiên trực ở các trạm dã chiến và những lời kêu gọi, thậm chí lệnh chống dịch ban bố trên các màn hình và loa sắt đầu gốc mít.

Nàng bảo rằng con người, trong một chừng mực nào đó cũng không khác với tôm tép, lợn gà cho mấy, nghĩa là sống chuồng nào, ao nào thì quen chuồng đó, ao đó. Cái cảm giác chiều chiều, có một giọng miền Bắc trên loa sắt ngoài đầu trụ sở thôn hay ngoài gốc mít, gốc mít hay cây gáo, dộng vô nhà, ban đầu khó chịu, dần rồi tuy không thấy dễ chịu nhưng chấp nhận được, nhưng nghe hoài cũng quen. Hơn nữa, thế hệ của mi và nàng là thế hệ nhận trọn phong vị văn hóa xã hội chủ nghĩa, mọi thứ sẽ dễ chịu hơn thế hệ trước.

“Nghĩa là sao?”. – mi hỏi.

“Thế hệ trước sống trong phong vị miền Nam, sẽ lãng mạn hơn, bay bổng hơn và đương nhiên thụ đắc một nền giáo dục mà ở đó, giá trị nhân bản, dân tộc và khai phóng làm nền tảng, còn ở miền Bắc, thế hệ trước đã quen sống trong một nền giáo dục đầy quyết tâm, họ quyết tâm đánh Mỹ, quyết tâm giải phóng miền Nam, và đương nhiên, không phải ai cũng chỉ nghĩ đến chuyện bắn nhau, giết thù, họ đặt quyết tâm vào chuyện học hành. Một loại trí thức quyết liệt. Mỗi bên đều có cái hay. Riêng thế hệ của mình, những người sinh sau 1975, mình sống trong cả sự hãnh tiến của miền Bắc và sự tiếc nuối của miền Nam. Mọi thứ trở nên lơ mơ và băn khoăn”.

Mi im lặng, mọi thứ cũng đang im lặng, bởi sau một năm dài dịch bệnh và thiên tai, dường như mọi thứ, kể cả con người đều có khuynh hướng lặn vào bên trong mình. Những lúc như thế này, tình cờ một giọng nói phát ra từ chiếc loa sắt có thể dẫn dắt mi nhanh chóng trở về những năm 1980 của thế kỷ trước. Những năm mà chỉ cần nhà ai đó mời đi ăn đám giỗ thì trẻ nhỏ mừng khôn xiết, ra thành phố thì được ăn những món lạ và không dễ gì ra được thành phố vì vừa tốn tiền xe buýt, lại vừa không có chỗ ngồi hay chỗ đứng.

Hồi đó, chiếc xe Renault chỉ có thể chở được chừng mười người với hai băng ghế hai bên thành xe, một băng ghế trước, sau lưng ghế tài xế và một ghế phụ. Nhưng người ta có thể chất lên đến ba chục, thậm chí bốn chục người, người ngồi, người đứng chen chúc nhau. Mi còn nhớ như in hình ảnh bà dắt mi chạy theo xe, tóc bà bị sổ búi, xõa ra trắng phau, bà không bận tâm búi tóc trở lại mà cứ dắt mi chạy theo xe, mục đích là sờ vào được cái đuôi xe hay thành xe là coi như ổn.

Bà làm vậy vì lúc đó người đi xe nhiều vô kể nhưng xe chỉ có vài chuyến mỗi ngày. Thường thì xe buýt chưa vào bến, đoàn người chờ xe đã bắt đầu túa ra đón, không ai nói ai nhưng người ta mặc định với nhau rằng ai chạm tay vào thành xe trước thì người đó được lên chuyến xe đó. Người già, trẻ con, thanh niên, phụ nữ đều bình đẳng nhau trong lúc chạy đua để chạm vào xe.

Hầu hết thanh niên thắng trong cuộc này và rất hiếm người già nào may mắn được thanh niên nhường cho lên xe trước. May lắm thì có ông Đào, một tài xế lái xe khá là điển trai, nghe đâu ông là lính cận vệ chế độ cũ, nhờ có em trai mang quân hàm cấp tá chế độ mới giúp đỡ nên có được một chân lái xe, ông này vừa giỏi võ lại vừa to con, nhìn có nét lạnh lùng và chẳng sợ ai. Nghe đâu ông từng bốc hai thanh niên to con hơn ông ném xuống đường vì bọn họ véo mông một hành khách nữ, cô này kêu cứu thì họ đe dọa cả xe, ông dừng xe và yêu cầu hai thanh niên kia xin lỗi, bọn họ không những không xin lỗi mà nhào vô đánh ông tới tấp, ông ra đòn, kết quả bọn họ đo ván.

Trước khi lủi đi, một trong hai thanh niên đã tuyên bố hùng hồn: “Mi dám mang võ ngụy để đánh thanh niên xã hội chủ nghĩa, mi đợi đó!”. Chỉ một lời hù dọa của tay thanh niên càn quấy mà ông Đào mất ngủ cả tuần, phải xin chuyển qua lái xe tải vì sợ họ tố cáo thân phận thời cũ của ông. Ông nghỉ lái xe buýt là một thiệt thòi lớn cho người già và trẻ em, trong đó có bà cháu mi.

*

Hồi những năm 1980, không có chuyện gì là không thể xảy ra ở vùng quê nghèo.

Dung, một tay cán bộ xã đội hình như sau này lên cấp tá. Lúc xảy ra câu chuyện để đời, Dung chỉ là xã đội trưởng, một chức danh không có lương chỉ nhận tiền trợ cấp, làm công việc chỉ huy các đội viên vũ trang nhân dân, thuộc diện không chuyên nghiệp và thỉnh thoảng kiếm nắm lúa, ít lương thực trong kho, bỏ ở đâu đó để cho em út tới mang đi, đương nhiên mọi thứ phải hết sức bí mật.

Tay Dung này con ông Bảy Tài, mà chuyện ông Bảy Tài thì chắc không cần kể thêm, riêng tay Dung lại có dây mơ rễ má với chị họ của Vân, tên Duyên. Hồi đó đói quá, hầu hết đàn bà con gái hay thanh niên, đàn ông gì chỉ cần thấy hợp tác xã sơ hở thì bằng mọi giá rinh cho được bao lúa, nếu không được bao thì cũng xúc lấy một thúng hay vài lon gạo, miễn là có để cứu đói.

Chị Duyên của Vân năm đó chừng mười tám, người phổng phao, thời nghèo khổ nên con gái hiếm đứa nào đeo xu-chiêng sớm. Mười tám, nếu ra đường thì khoác thêm cái áo dày của bộ đội vào, thường thì khi đi bộ đội về, các anh bộ đội hay mang về mấy bộ đồng phục cá nhân để làm kỷ niệm, rồi tặng cho cha mẹ, em gái mặc để che nắng, che vú khi ra đường. Chị Duyên cũng không ngoại lệ.

Chị Duyên có cái đặc biệt là tuy con nhà nghèo nhưng đến tuổi trưởng thành thì không hiểu sao vòng một và vòng ba phát triển phì nhiêu nhất nhì trong làng. Điều này khiến cho lão Niên nhiều lần cố ý đến gần nói chuyện gì đó để vờ quẹt mu bàn tay nhằm kẽ mông, nhưng lão khó mà gần chị được. Bản năng con gái mới lớn, chỉ cần nhìn qua là biết có con dê già đang tiến lại gần nên bỏ chạy hoặc tránh trớ. Mãi cho đến khi gặp Dung. Tay Dung gặp chị Duyên trong tình huống trớ trêu và hai người cũng lấy nhau trong tình huống tréo ngoe.

Chị Duyên ăn cắp lúa, ăn cắp luôn nửa bao đậu phụng của hợp tác xã, giấu ra bờ rào và chuẩn bị tẩu tán thì bất ngờ Dung rọi đèn pin vào mặt. Vậy là bị bắt, hết chối cãi. Dung đưa Duyên về kho đội, lúc đó chỉ có mỗi mình Dung với Duyên, các đội viên vũ trang đã đi tuần ở các điểm khác. Duyên sụp lạy Dung xin tha tội.

Dung nhìn Duyên từ đầu tới chân, gằn giọng: “Nếu mi cho tao chơi một cái thì tao thả!”. Sau câu nói này một thời gian không xa, Duyên có thai và sau đó Dung cưới Duyên.

Dung lấy Duyên, vừa được gái đẹp lại vừa được tiếp tục làm xã đội trưởng, khỏi bị đưa ra ánh sáng. Ngược lại, Duyên lấy Dung cũng đỡ đi phần vất vả của gia đình, thỉnh thoảng nhà có thêm vài ký lúa, ký gạo, lát thịt mà đắp đỗi. Mọi chuyện cứ như thế êm đềm trôi, cho đến khi mạng xã hội xuất hiện, nghĩa là hơn ba chục năm sau. Lúc này bà Duyên đầy hãnh tiến và kiêu mạn bởi vừa là vợ của một sĩ quan quân đội cấp tá, vừa có em gái họ ở nước ngoài thỉnh thoảng gởi tiền về biếu bà chị uống cà phê. Bà Duyên tha hồ lả lướt và đương nhiên, trong con mắt bà Duyên lúc này, ông Dung chỉ là một tay hãm hiếp trá hình, ông không những hãm hiếp mất cái trinh trắng của bà mà hãm hiếp bà trọn đời.

Bà đôi khi nói rõ với ông rằng thời đại công nghệ mạng, thế giới phẳng, chỉ cần một lời tố giác của bà trên các mạng xã hội thì ông không còn là cái gì trong mắt con cái và đồng nghiệp. Dường như mỗi lần bà Duyên tỏ ra bực tức vì quá khứ thì cách tốt nhất là ông Dung dúi cho bà một mớ tiền để bà đi du lịch. Ông có thể biết hoặc cũng không biết rằng bà Duyên thích xem bóng đá, và đương nhiên trong các chuyến du lịch của bà luôn có một chàng cầu thủ trẻ trong đội tuyển dự bị quốc gia. Mọi thứ hoàn toàn êm đềm bởi trong con mắt thiên hạ, bà là mẹ nuôi của chàng cầu thủ này.

*

Rô vẫn bặt vô âm tín, câu chuyện tìm xác cha của Rô vẫn còn bỏ dở, nhiều lần mi muốn nhờ ông Dung một tiếng nhưng không biết bắt đầu từ đâu bởi mối quan hệ giữa mi và ông Dung có được cũng rất mỏng manh và nguy hiểm. Khoai, con nuôi của bà Duyên quen biết mi, nó tự nhận là bạn vong niên với mi, nó là tuyển thủ quốc gia, đôi lần Khoai dắt mi tới thăm bố mẹ nuôi, dần thành quen. Mi biết được ông Dung cộng tác cho một cơ quan chuyên tìm kiếm tung tích liệt sĩ và hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ. Ông Dung đặc biệt tin cậy ông Hai Đen, bởi Hai Đen tuy lớn tuổi một chút nhưng đầu óc sắc sảo và biết tính toán, biết kín tiếng.

*

“Chủ nghĩa tư bản quái gì mà ghê vậy hè?” – ông Dung hỏi Hai Đen.

“Nó giãy chết bảy đời rồi, ông nhìn lại đi!” – Hai Đen đáp.

“Tôi không nghĩ vậy, nó là cái quái gì rất kỳ lạ, ông thấy đó, cùng là đàn ông với nhau, nhưng thằng Mỹ, khi nó sống thì bọn đàn bà mình chạy theo làm đĩ cho nó, khi nó chết thì bọn đàn ông cũng chạy theo làm đĩ cho cái xác của nó. Buôn bán xác của nó là cái đéo gì nếu không phải là làm đĩ vì đồng tiền bát gạo chứ. Mẹ kiếp!”.

“Cậu nghĩ vậy đâm ra đánh mất tính nhân đạo của công việc!”.

“Thực ra, mọi công việc đều bắt đầu bằng tuyên ngôn nhân đạo, nhưng hình như khi bước vào hành động, nó thuần vì tiền và người ta bất chấp tất tần tật chú ơi!”.

Câu chửi đổng của Dung khiến Hai Đen chạm chỗ đau, bởi Dung vốn nể Hai Đen kín tiếng, nhưng Dung vẫn chưa thấy hết độ kín tiếng của đối tác. Bởi chuyện cũng đã lâu, mấy mươi năm rồi, nhưng nó làm cho Hai Đen không thể nào ngủ ngon giấc mỗi khi nghe tiếng sột soạt bên giường hay tiếng mèo kêu đêm. Tiếng kêu lành lạnh, sắc nhọn của nó vút vào bóng tối khiến ông có cảm giác như có ai đó bằng nước đá hoặc bằng một khối hơi lạnh đang khẽ chạm đầu ngón tay vào gáy ông. Những lúc như vậy, ông không thể nào chợp mắt. Càng mất ngủ, ông càng thấy sợ với những gì thuộc về màu trắng đục, bởi nó ám gợi những hộp sọ và xương khô, về một tia nhìn.

Cái hộp sọ, ông còn nhớ như in bữa đó, Dung mang về đưa cho ông, đây là một phi vụ lớn, nó cho khoản tiền có thể lên đến vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn đô la nếu như chính người thân của chiếc hộp sọ lính Mỹ này đến nhận và trả ơn.

Nó được dò tìm bởi cha của Dung, một người đàn ông từng trải, có thâm niên lâu dài làm quân báo trong dãy Trường Sơn và ít ai hiểu được công việc cụ thể của ông, cũng ít ai hiểu được rốt cuộc ông đứng về phía nào, Dung chỉ nhớ rằng trước 1975, thi thoảng ông về thăm gia đình và mặc áo quần lính biệt kích với mũ nồi đỏ. Rồi sau 1975, ông bẵng đi một thời gian chừng ba năm, lại trở về thăm vợ con với bộ quân phục sĩ quan chế độ mới. Mẹ của Dung chỉ nói cho anh biết rằng ông là quân báo, sau này lại nói cho anh biết ông là sĩ quan cách mạng. Nhưng ông làm gì thì không rõ. Mà với Dung, rõ hay không cũng không quan trọng lắm, miễn sao mỗi khi ông về có quà cho anh là đủ. Hình như cũng hiểu tâm tính của anh, mỗi khi ông về nhà, chắc chắn phải có cho anh một món quà nào đó. Và cái hộp sọ lính Mỹ là món quà có tính thiết thực nhất đối với Dung, không chừng nó giá trị hơn rất nhiều mấy chỉ vàng cũng như sự hiện diện của ông trong đám cưới của anh với Duyên.

Và, nghĩ cho cùng, Dung thấy thương ông Bảy Tài, người cha hờ của anh, cả một đời chỉ đóng vai cha hờ, nuôi nấng anh em nhà Dung như một lão bộc. Mỗi khi cha của Dung về, ông lại phục vụ như một đầy tớ trung thành. Nhiều lần Dung tự hỏi không biết có lúc nào mẹ xúc động và có những tình cảm riêng tư với ông hay không. Nhưng, có vẻ như đã có câu trả lời cho Dung, từ khi con bé út sinh ra đời, cha của Dung không về nhà nữa. Cho đến khi mẹ của Dung qua đời, ông Bảy Tài đứng lo liệu đám tang với danh nghĩa là chồng. Và hình như, chuyện người cha về thăm, xưng cha con với Dung cũng chỉ trên lời dặn của mẹ, còn trên giấy tờ, Dung là con ông Bảy Tài. Dung thấy tội nghiệp ông và tội nghiệp cả cha của anh.

*

Nhận hộp sọ từ tay Dung, Hai Đen hứa sẽ tìm mọi cách để truy tìm nguồn gốc của bộ hài cốt và sẽ tìm cho được phần còn lại. Dung rất bất ngờ bởi chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, Hai Đen thông báo đã tìm được đầy đủ bộ hài cốt. Với Dung, đây là một kỳ tích của Hai Đen, còn với Hai Đen, đây là một cuộc cách mạng thần thánh, bởi nó dám cởi bỏ và đạp qua mọi quy chuẩn, giá trị đạo đức mà theo Hai Đen nó quá cũ kỹ và lạc hậu.

Đây là một cuộc cách mạng lớn đối với cuộc đời vốn dĩ chìm đắm trong đau khổ, khói lửa chiến tranh và sự chịu đựng đến nhục nhã của một kiếp người. Hai Đen đôi khi tự nhủ, nếu như để có một niềm tự hào nào đó của bản thân và tự trả lời thành thật với mình, có lẽ đó là nỗi tự hào về sự chịu đựng, chịu đựng trước cả cái xấu và cái tốt của người khác.

Bởi trong cuộc sống, kinh nghiệm và tuổi đời đã mách bảo với Hai Đen rằng không có cái tốt nào mà chứa toàn tốt với tốt, nó hẳn nhiên phải chứa cả cái xấu, thậm chí cái ác nấp bóng phía sau. Cũng như chẳng có cái xấu nào mà không hàm chứa cái tốt, ngay cả việc nó xấu đến cùng thì nó vẫn nói rằng cái tốt của nó là dám xấu đến cùng, dám xấu công khai.

Đôi khi lẩn quẩn, Hai Đen lại đặt những câu hỏi đại thể là tại sao người Việt cứ khổ mãi, tại sao bọn đàn bà lại chịu đựng để làm đĩ Mỹ, tại sao bọn đàn ông lại chịu đựng để làm một công việc còn tệ hại hơn bọn đĩ là buôn xác Mỹ. Nghĩa là đàn bà làm đĩ cho Mỹ sống, đàn ông làm đĩ cho Mỹ chết.

Cái đĩ của đàn ông còn đáng sợ hơn bởi với những bộ hài cốt không lời, bọn họ cố gắng tô thêm một chút đạo đức, một chút tình người, một chút nhân văn, một chút ân cần và chua chát, một chút đồng cảm với gia đình, đáng sợ hơn cả là một chút bao dung và độ lượng. Tất cả những cái chút ấy ráp lại làm một bộ áo quần mới cho bộ hài cốt, khiến nó sinh động và có giá hơn. Tất cả cái chút ấy được rút tỉa từ lương tri đã bốc mùi, tất cả cái chút ấy được múc lên từ cái ao suy nghĩ vốn dĩ đã ngập ngụa bùn đen của đồng tiền, tội lỗi và mặc cảm.

Mà đã làm đĩ thì phải làm đĩ hạng sang, một bộ hài cốt Mỹ có giá vậy tại sao bộ hài cốt của ông chú họ vốn mang dòng máu Tây, lẽ nào không có giá. Cha của ông chú họ, tức ông nội chú của Hai Đen từng là lính khố đỏ cho Pháp, ông được đưa sang Pháp theo đội quân viễn chinh từ những năm 1930, nghe đâu ông bị thương và được truyền một lượng máu Tây khá lớn. Và khi ông trở về nước, ông đẻ ra chú Minh, một người tóc vàng, mũi lõ, mắt xanh và dáng bộ to lớn. Đặc biệt chú Minh tính khí thất thường, nóng nảy, hung hãn và ưa đánh nhau. Chú Minh đi lính biệt kích của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và tử trận ở Khe Sanh. Hai Đen nghĩ đến chú theo cách của một con buôn biết làm cách mạng. Và đây là một cuộc cách mạng mà Hai Đen tin rằng nó vô tiền khoáng hậu. Và đương nhiên, nó phải được bí mật tuyệt đối.

Cho đến lúc cháu gọi chú Minh bằng bác ruột dời mộ chú từ Khe Sanh về quê, đã phát hiện ra mộ của bác chỉ còn một hộp sọ. Mọi thứ trở nên cay đắng và có chút gì đó mà theo Hai Đen, đó là sự áy náy của đạo đức chính thống còn sót lại trong cơ thể.

Nghiệt nỗi, thằng em rể chết tiệt, nó đã mang bộ hài cốt đi chôn. Hai Đen thừa biết thằng này cũng chả tốt lành chi, hắn giảo hoạt và xảo trá còn ghê gớm hơn rất nhiều người cùng thời với Hai Đen. Hai Đen tin rằng ngay lúc ấy, giờ phút ấy, thậm chí sát na ấy, con người tốt trong hắn trỗi dậy, hắn động lòng trắc ẩn và quyết định mang bộ hài cốt đi chôn. Nhưng vấn đề, đằng sau cái tốt bất thường bao giờ cũng sẽ có cái không bình thường, bởi tốt xấu không chỉ là bản chất mà là một chuỗi các quan hệ nhân quả.

Một kẻ suốt đời làm việc tốt có mục đích thì lẽ đương nhiên mục đích cuối cùng của hắn phải là một việc tốt thật to tát, kinh thiên động địa. Bởi chỉ có cái việc tốt kinh thiên động địa này mới giúp cho hắn thực hiện được mục đích kinh thiên động địa nào đó của hắn.

Việc xấu cũng vậy thôi, việc bước qua mọi thứ giá trị đạo đức hoặc lòng trắc ẩn, đó là mục đích kinh thiên động địa, và đương nhiên đằng sau cái xấu kinh thiên động địa này, không chừng, nó lại làm rõ được gương mặt của thứ đạo đức kinh thiên động địa vốn dĩ làm chuẩn, mẫu trong xã hội bấy lâu nay. Và cái giá người ta trả cho thứ đạo đức này là thế giới băng hoại một cách thụ động.

Hai Đen tự hào, thậm chí tự mãn về khả năng đoán sự việc của mình. Y như vậy, thằng em rể bắt đầu bày trò đồng bóng, cầu cơ và hình như hắn muốn sai khiến linh hồn của bộ hài cốt không đầy đủ kia. Hắn nhanh chóng xây được nhà, mua thêm mấy lô đất thị trấn. Điều Hai Đen lấy làm lạ là tại sao hắn lợi dụng được linh hồn của một ai đó làm giàu cho hắn, đây là chuyện không thể bàn, bất luận thế nào, nó cũng là một thứ thần bí không thể bàn. Rõ ràng, thằng em rể của lão phải có một thứ năng lực quái gở nào đó. Điều này càng khiến cho lão quyết định giữ bí mật thêm một lần nữa, bởi lão không thể kể câu chuyện này với bất kỳ ai. Với lão Dung sĩ quan thì lại càng không được kể. Bởi hắn có thể lấy đó làm cái cớ sai khiến Hai Đen lún sâu vào những tội lỗi của hắn. Mà kỳ thực, tội lỗi của hắn cũng là tội lỗi của Hai Đen, tội lỗi giống như mâm thịt chó ngon, nó không cho phép đứa nào được hất đổ, bởi khi hất đổ sẽ mất ăn và dính mùi hệ lụy.

*

Thằng Rô vẫn bặt vô âm tín, nghe đâu khu vực nó đang ở bị dịch nặng lắm, hình ảnh một nước Mỹ phải đào một rãnh dài để chôn người chết do dịch cúm Vũ Hán là điều chưa từng có trong lịch sử. Cái rãnh chôn người ấy giống như một lời thách thức về quyền lực siêu cường của đất nước này. Một đất nước mang đô la đi khắp thiên hạ và khiến cho thiên hạ phải vâng phục, thậm chí thiên hạ phải dạng chân đón nhận sức mạnh của thanh niên, trai tráng của siêu cường này.

Y chỉ thấy buồn cười, điều này làm mọi hình ảnh trong y như sống dậy. Y nhớ tới bờ hồ, một bờ hồ như một hố đen trong bóng đêm, bởi lúc ấy y vừa ăn cơm tối xong. Nơi đây mệnh danh là nơi sầm uất, phồn thịnh bậc nhất nước Việt xưa kia, hồi đó, Faifo hay còn gọi Hải Phố, Hội An chưa là gì với nó, thậm chí quay ngược chiều kim lịch sử, đi tiếp một bận nữa đến thời Lâm Ấp, nơi này tuy xa lạ với quốc gia phía Nam này nhưng người ta vẫn hết sức ngạc nhiên không hiểu vì sao mọi thứ mà các nhà khảo cổ tìm được, cũng có mang dấu vết Lâm Ấp. Và cái bờ hồ kia, nơi của nhiều đền thờ nhìn ra, nó nói lên điều gì?

Nơi đây, từng có một nền văn minh rất riêng mặc dù chẳng mấy ai xem nó là văn minh, người ta quen xem nó là chợ búa. Điều đó cũng như nơi đây từng có một bề dày văn hóa, dưới mỗi viên ngói hay trong mỗi thau đồng chứa nước có thả chùm hoa bưởi đặt trước các đền miếu là cả một chuỗi dài mùi hương thời gian, nó được định giá bằng vài chục ngàn đồng hoặc thế giá bằng một buổi đi chợ, nếu may mắn hơn, nó được xem như một sự hên xui trong một ngày tồn tại, thay vì phải chật vật mò cua bắt ốc hoặc hái rau từ vườn mang ra chợ, người ta nhận được một thứ gì đó hoặc tiền bạc có gắn thêm lòng tín ngưỡng về một bậc nào đó trong lịch sử.

Một con phố không lớn lắm, nó mang dáng dấp và sắc thái của một phố núi nhưng kỳ thực nó là đồng bằng, nó từng là một nơi hội tụ của phù sa và chở trên mình nó rất nhiều dòng chảy của hàng hóa và tâm tính. Nơi đây từng được xem là cái rốn thương mại của đất Bắc, đồng thời nó từng được xem là nơi của những thương thuyền chở đầy chum vại, gốm sứ từ nhiều quốc gia đến để trao đổi mua bán, để từ nơi này, người ta lại chở về rất nhiều chum, hũ, bình hoa, độc bình bằng gốm của làng Bát Tràng. Và, nơi đây từng là nơi mà các sư sãi khi nhắc đến, họ ít nhiều cũng động lòng bởi mùi thơm của đậu nành lên men chuyển màu thành đen. Chỉ có nơi đây, một cái chợ lớn của đất nước với những hàng cây mà mãi đến sau này, vài trăm năm sau, qua bao đổi thay, người ta cũng không nỡ chặt bỏ đi và nó như một cụ mộc đứng giữ bờ hồ, nó cũng là nhân chứng của rất nhiều dâu bể. Một con phố đi ngược đi xuôi cũng không tới ba cây số vuông, nó nằm riêng lẻ, mặc cho khu phố hiện đại bên cạnh nó chộn rộn, nhộn nhịp và bất an, nó tĩnh tại với những chiếc lồng đèn nhại mẫu Trung Hoa nhưng khi nhìn nó, người ta không hiểu sao lại cảm thấy nó có không khí rất riêng, ánh sáng cũng rất riêng của xứ Việt. Nó không thể là lồng đèn Trung Hoa. Điều lạ nhất ở khu phố này là vậy. Y bật cười vì những suy nghĩ cực kỳ vớ vẩn của mình.

Y men theo bờ hồ, nơi mà y đồ rằng vài trăm năm trước, nó là một bến thuyền bên tả ngạn sông Hồng, nó là cái cớ để làm nên một phố Hiến nức tiếng châu Á. Và chỉ có nơi này, nơi những người Trung Hoa đầu tiên đến xin tá túc, họ không phải Tàu Phúc Kiến hay Tàu Minh Hương nuôi ý chí phản Thanh Phục Minh như người Hoa ở Đà Nẵng, Hội An, Gia Định, Đồng Nai, Lái Thiêu… Mà họ là những người Hoa chạy sang xin nhà Trần cho họ tá túc bởi ý chí phản Nguyên phục Tống của họ. Theo thời gian, nhà Tống cũng tiêu vong, nhà Nguyên cũng không còn, họ ở lại đất Việt như một định mệnh mới. Đương nhiên, nơi đâu có người Hoa, nơi đó nhanh chóng trở thành một cái chợ hoặc trung tâm thương mại sầm uất và phồn thịnh. Hơn nữa, ngay từ trứng nước của việc bỏ đi, tìm một nơi chốn yên bình nào đó để buôn bán, làm ăn đã cho thấy dường như ý chí phản nhà này, phục nhà kia chỉ là lớp vỏ bề ngoài, ý chí làm chủ đất mới hoặc làm dân đất mới là câu chuyện đáng bàn. Và hình như ý chí làm chủ đất mới của người Hoa bao giờ cũng mạnh hơn.

Phố Hiến mang dấu vết của một khu phố người Hoa cho đến bây giờ, miếu thờ Quan Công hay miếu thờ các thần linh Trung Hoa mọc ra khá nhiều. Nhưng có một điểm khá thú vị, y nghĩ vậy, là quá trình làm chủ hoặc cố gắng làm chủ vùng đất mới của những người Hoa đầu tiên sang tá túc xứ Việt với quy mô lớn này nhanh chóng bị đổi màu, họ trở thành người Việt từ rất sớm, với đầy đủ tâm tính của một người Việt mặc dù phổ hệ và hình thức của họ rất Hoa. Và cũng từ giờ phút mang tâm tính Việt, khả năng buôn bán của họ được chuyển hóa thành khả năng cày sâu cuốc bẩm, cho dù đó là cày sâu cuốc bẩm trên thị trường, trong cửa hàng hay ngoài chợ. Sự chuyên cần, ít giảo hoạt và trải tâm hồn mình ra với thiên nhiên, đất đai, cây cỏ đã nhanh chóng biến những người Hoa nuôi ý chí phục quốc thành những người Hoa lai Việt thích làm thơ và hay la cà quán xá. Có lẽ nhờ vậy mà quán xá ở phố Hiến bây giờ lúc nào cũng đông khách trong tĩnh lặng, người ta ít ồn ào, một nơi mệnh danh Kẻ Chợ bỗng dưng trở thành nơi có thể phát nổ thơ ca bất kỳ giờ nào.

Sự tĩnh lặng của nó khiến cho y nhớ đền điều gì đó không hạn định, thi thoảng có điểm vài bông gạo đỏ và vài tán lá cọ. Những tán lá cọ dẫn dắt trí nhớ của người ta trở về nơi rừng núi bản nguyên của nó với bát ngát đồi chiều, thân cọ xù xì, đen xám và ẩm ướt.

(Còn tiếp)

Comments are closed.