Văn Hải ngoại (kỳ 300): Bể dâu – Nam Dao (19)

Chia thành từng đám nhỏ, người xuống đủ thì ‘‘taxi’’ – một chiếc ghe đuôi tôm – mới chống ra giữa rạch Bến Nghé, nhắm hướng sông Sài Gòn lướt đi không gây ra tiếng động. Chỉ có gia đình ông chú của Dũng và gia đình Nhân. Họ ngậm tăm, lẳng lặng nhìn nhau, ánh mắt không giấu được lo âu. ‘‘Tài xế’’ thì thào:

– Ðến chỗ an toàn mới nổ máy. Bà con cô bác yên tâm, tui làm ‘‘taxi’’ hai năm rồi, chưa bị bắt lần nào!

Không ai trả lời. Thời gian như sợi cao su kéo dài, căng chỉ chực đứt. Trên trời, chim đêm thỉnh thoảng vỗ cánh bay ngang. Trước mặt, tối hù. Ghe không đèn đóm, cứ trôi về phía trước. ‘‘Tài xế’’ chống mắt nhìn, chèo hờm trong tay, lầm lì, chốc chốc quay ra sau. Chừng vài ba giờ len lỏi trong một vùng kinh lạch, ghe nổ máy. Lúc đó ‘‘tài xế’’ mới vui vẻ:

– Rồi, bây giờ thoải mái được rồi, bà con.

Ánh thở phào, cài cúc áo bé Quỳnh bị tuột ra, hỏi Huyền:

– Mợ có lạnh không? Gió sông khá lớn!

Huyền lắc đầu. Gia đình ông chú Dũng lao xao nói với nhau. Bà cô, chạc tuổi Huyền, răng nhuộm đen đánh vào nhau lập cập, kêu suỵt suỵt. Ông chú hỏi ‘‘tài xế’’:

– Chừng bao lâu nữa mới tới, chú?

– Chắc thêm một ngày à! Ra tới Phước Trung, phải tới chiều! Có nhiều khúc miệt Cần Giờ phải chống ghe chứ không dám chạy máy, nếu không thì sớm được một buổi!

Thật lạ, từ khi bước chân xuống ghe, Nhân lại hết sợ. Giống hệt ở chiến trường, sợ là lúc chờ đợi, chứ khi đã nghe tiếng súng thì lại tỉnh ra. Mọi sự lúc ấy như không, vì có lẽ dẫu muốn khác đi cũng chẳng được. Trước khi đi hai bữa, Ánh đánh tiếng là cùng Nhân và bé Quỳnh ra Huế, để nếu phải về vì đi hụt cũng không gây ra thắc mắc với tổ dân phố. Phần Huyền, nàng khai đi Lâm Ðồng thăm bà con ngoài Bắc vào vùng kinh tế mới. Nhà khóa trái cửa bên ngoài, giữ một dấu hiệu bình thường không để ai nghi hoặc gì.

Quả nhiên, chiều ngày hôm sau ghe cập bến. ‘‘Tài xế’’ neo ghe, nhảy lên bờ chuyện trò với hai người dân địa phương. Dường như họ đã quen công việc này, một người bỏ đi, người kia xuống ghe, vừa chống ghe vừa nói:

– Chút xíu nữa bà con cô bác lên bộ nghỉ, tối nay mới ra tầu.

Vòng vèo trên những con kinh, ghe ngừng cho mọi người lên một khoảnh vườn trồng măng cụt. Nhân đỡ cho Huyền lên trước. Ánh và bé Quỳnh theo sau, tất cả hầu như đã mệt sau gần một đêm một ngày ngồi bó gối trên chiếc ghe đuôi tôm dài không hơn năm mét. Tài xế dặn:

– Bà con ăn gì cho chắc bụng đi! Tui đợi tầu đi mới về. Nếu kẹt mà không đi được, tui đưa bà con trở lại Sài Gòn, khỏi phải lo!

Khoảng chập choạng tối, một chiếc ghe khác ghé vào. Trên ghe, có Dũng và Mai cùng với hơn một chục người. Dũng hớn hở chào Huyền và Ánh, kéo Nhân ra, thầm thì:

– Cú này đi chót lọn. Có mấy đứa cháu một ông Tỉnh Ủy thì chẳng có công an nào dám bắt! Nhưng giữ kín, lộ ra là chúng nó không đi định cư được!

Nhân nghe, đoán ông Tỉnh Ủy đó chính là cha của Mai, hỏi đối phó với cướp biển định làm thế nào? Dũng đáp:

– Có một trung liên, một súng phóng lựu đạn, hai khẩu AK… Chúng nó kêu đánh Mỹ còn thắng nữa là mấy thằng cướp cạn! Cậu yên tâm.

Mai ra chuyện trò với Ánh và Huyền, chẳng có vẻ gì là sợ hãi. A, Nhân thầm nhủ, cái thế hệ mới ngày nào xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ! Nay vượt biên, họ cũng lì lợm không kém với giấc mơ sang Mỹ làm giầu. Cũng cái nước Mỹ mà họ đã học căm thù thừ tấm bé bỗng thành thiên đường? Hay chẳng qua đó chỉ là nơi ít ra là đỡ tồi tệ hơn quê hương mà họ đã giải phóng để rồi nhận ra thế nào là địa ngục?

Trời tối xuống nhanh như trùm chăn. Gió lay lá cây, tiếng xào xạc như vướng vít lời đay nghiến của những giấc mộng dở dang. Mặt trăng kéo một hình lưỡi liềm chém vào những cụm mây bay ngang, nhát chém ánh lên tóe lửa. Có tiếng chân rậm rịch. Lục đục, đám người sửa soạn xuống ghe ra tầu đợi ở mé khơi. Tự dưng, Nhân bỗng thấy xót xa lạ lùng. Chàng có cảm tưởng như ai đó vừa cứa dao vào lòng mình. Trong bóng tối, Ánh nắm lấy tay bé Quỳnh, long lanh nước mắt. Nhân ngoảnh lại. Huyền đứng cạnh Dũng, xua tay ý bảo Nhân cứ lên ghe, rồi bước theo toán người đi về phía chiếc ghe bên cạnh. Xuống ghe, Ánh và Nhân vẫy Huyền xuống. Mái tóc bạc trắng ánh lên như cước, Huyền cười, tay vẫy lại.

Hai chiếc ghe trôi về phía con tầu bỏ neo cách bờ chừng trăm thước. Chỉ có tiếng khuấy nước, đều đặn, nặng nề. Mặt nước như dát thủy ngân, chập chờn xoay thành vòng, bọt nổi lên rồi vỡ ra lách tách. Ghe cặp vào thành tầu. Thang bỏ xuống, người ở dưới trèo lên, lổm ngổm như những bóng ma vạch mồ chui lên dương thế. Chủ tầu đếm người. Không biết thế nào dư ra mười sáu. Có những kẻ đi ‘‘chui’’. Chắc họ cũng là những kẻ thân thích ruột rà của những người đã trả tiền ‘‘vé’’ cho chuyến vượt biên.

Máy tầu nổ, tiếng động cơ rú lên. Neo đã nhổ. Nhân nhướng mắt quay ngược quay xuôi tìm mẹ. Một lúc sau, Nhân thấy Dũng ở cuối tầu. Nhân bước từng bước một lại gần, hỏi ‘‘Mẹ tôi đâu?’’. Dũng lắc đầu, tay đưa cho Nhân một cái phong bì. Nhân chợt hiểu. Không nói không rằng, Nhân thẳng tay đấm vào mặt Dũng. Mặc cho dăm ba người lạ xông vào đứng giữa, Nhân mở căng mắt nhìn về phía bờ. Nhưng chàng không thể nào nhìn thấy mẹ mình, nước mắt chan hòa, đang chập choạng đi về phía đất liền như một bóng ma quay về âm phủ.

Nhân gào lên ‘’Mợ, mợ ơi!’’.

*

Hai ngày sóng nước. Biển mênh mang một khối ngọc thạch nhìn bốn phía đến tận chân trời dập dềnh chói nắng. Tiếng động cơ chạy sình sịch. Tiếng chân vịt quạt nước. Thỉnh thoảng, một đàn hải âu bay ngang để lại dăm tiếng kêu đánh vỡ sự tịch mịch dọa nạt. Ngồi trong ca-bin, Nhân bó gối, tay ôm đầu. Hai ngày, chàng không ăn uống nói năng, mắt như chìm vào một nơi trống không. Ánh và bé Quỳnh ngồi bên, không nói gì. Từ khi lên tàu, Dũng lánh mặt. Hôm nay, Mai đi trước, Dũng theo sau. Mắt Dũng tím bầm, nhưng miệng cố nhếch lên như cười. Dũng đến ngồi trước mặt Nhân. Giọng dịu dàng, Dũng kể:

– Tôi nắm tay bác, kéo đi thì bác giằng lại. Bác giúi vào tay tôi phong thư bảo ‘‘Đưa cho Nhân’’ rồi bác lùi lại, tách ra khỏi đám đông. Tôi chưa hiểu gì, bác đã quay ngoắt vào vườn. Tôi chạy theo, nhưng không thấy bác nữa. Tôi quanh quẩn mãi, có ý đợi bác…

Mai xen vào, ái ngại:

– Em kêu anh Dũng là người chót. ‘‘Tài xế’’ dọa, không lên là ghe đi luôn. Lúc đó anh Dũng mới lên ghe!

Vẫn lẳng lặng, Nhân móc túi đưa cho Dũng phong thư. Mở ra, thư vỏn vẹn mấy chữ "Mợ ở lại để tìm Dân. Các con bình yên báo tin ngay cho mợ. Cầu Chúa ban phước lành cho tất cả. Thương yêu các con, Mợ".

Nhân lắc đầu, nước mắt ứa ra. Dũng ngơ ngẩn, mặt cúi xuống như một kẻ tội phạm. Ánh nghẹn ngào:

– Mợ không để lộ ý định ở lại, vì biết như thế sẽ chẳng ai đi. Còn mợ, mợ muốn mình tìm một đời sống với tương lai ở phía trước.

Bé Quỳnh bật lên nức nở, kêu khe khẽ ‘‘Bà ơi’’. Nhân quàng tay ôm vai Quỳnh, môi mím lại. Lát sau, Nhân đứng lên cầm tay Dũng. Giọng trầm tĩnh, Nhân bảo:

– Cậu để mình xem cái mắt cậu có sao không?

*

Ngày thứ tư. Vẫn sóng. Vẫn nước. Gió biển nhè nhẹ thổi như chống cái nắng hừng hực mặt trời đổ xuống những con người dưới này. Trên boong, còn đỡ. Mấy chục nhân mạng dưới khoang thì nóng và ngột, mặc dầu hai tấm ván làm cửa xuống khoang đã được kéo lên cho có gió. Dì Tư, chủ tầu, đứng cạnh anh tài công. Dì đã bắt đầu sốt ruột, hỏi:

– Ði hoài mà hổng thấy bến bờ chi? Liệu có lạc không chú.

– Không đâu dì, lạc sao nổi. Ðúng hướng mà dì. Tui có ghi hải trình đàng hoàng!

Thằng Ba, Biệt động quân ‘‘ngụy’’, đứa con phá làng phá xóm của dì Tư quạu:

– Cha có phải là Trung Úy Hải Quân thiệt không cha?

Người phụ cho tài công, một thanh niên da đen xạm, cướp lời:

– Thiệt chớ sao không? Hồi thời ‘‘mình’’ đó, tui là người nhái, ổng lái tàu tui biết mà!

Thằng Hai, bộ đội Giải Phóng, chen vào:

– Thôi mầy Ba, để cho ảnh lái tầu!

Xế trưa, tài công la, ‘’Bên tay mặt, có một cái tầu. Tầu nhỏ thôi! Chắc tầu đánh cá’’. Thằng Ba mượn ống nhòm, nhìn chăm chú, nói ‘‘Nó chạy về phía mình! Coi chừng cướp biển’’. Trả ống nhòm, Ba quát ‘‘Sửa soạn nghe bây!’’. Ðàn bà con nít xuống khoang. Trên boong, chỉ có ba anh em con dì Tư, Nhân, Dũng và Mai. Súng đạn giấu trong ca-bin mang ra. Ba đưa cho Dũng một khẩu AK. Vốn là lính kiểng Tâm Lý Chiến, Dũng lắc đầu. Mai giằng lấy khẩu súng. Chiếc tầu lạ chỉ còn cách hơn trăm thước, giảm tốc độ, rồi chạy vòng quanh như muốn chặn đầu. Nhân đón khẩu AK từ tay thằng Hai. Khác hẳn thời ở chiến trường, Nhân lên đạn, quên rằng mình là bác sĩ đi cứu chứ không phải đi giết người. Nhìn đám đàn ông đen trùi trũi, tóc cháy nắng hung vàng, tay chỉ trỏ, mọi người biết bọn này chắc là bọn cướp. Thằng Ba lắp lựu đạn vào bệ phóng. Nó trườn đến thành tầu, nheo mắt nhắm.

– Ðùng!

Lựu đạn nổ, nhưng hụt. Thằng Hai lên đạn trung liên. Chiếc tầu lạ quay mũi lại, chạy thẳng. Thằng Ba lại quạu:

– Ðù mẻ nó, uổng thiệt! Chút xíu là trúng!

Thằng Hai chọc:

– Tụi bay bắn trật hoài, thua tụi tao là phải rồi!

Thằng Ba chửi đù mẻ, mặt hằm hằm. Dì Tư quát nhỏ:

– Mẹ mày nè, đụ cái gì! Tụi bay gây lộn, lộ ra mình phe giải phóng là hết đường định cư đó nghen!

*

Ngày thứ năm, biển hiền lành, tầu lướt như đi trong mơ. Giữa trưa, gặp một chiếc tầu rất lớn, cắm cờ nhìn mãi không ai đoán được là cờ nước nào. Mặc tiếng reo hò và những bàn tay vẫy, nó cứ lừ lừ đi. Trên boong, không bóng thủy thủ. Những người vượt biển sống nay, có thể chết mai. Kẻ không cứu họ, không dám nhìn, phải chăng là để giữ cho lương tâm được một chút an bình? Ánh thốt ‘‘ Giá mà còn có con tầu ánh sáng’’. Ngày thứ sáu, buổi sáng biển vẫn lặng. Trên trời, chim hải âu ở đâu bay hàng đàn. Dũng nổi hứng hát ‘‘Em như cánh chim biển hiền hòa. Chỉ còn tiếng hát này lặng lẽ bay xa. Chỉ còn tiếng nói này ở giữa chốn bao la… Ðất trời rộng mà sao không bến đỗ! ’’.

*

Buổi chiều, gió bốc lên. Chỉ trong dăm phút, trời tối sầm xuống. Tài công chép miệng ‘‘ Dám bão lắm’’. Tiếng sóng vỗ vào thành tầu mỗi lúc một mạnh. Tầu luồn lách tìm đường cưỡi sóng. Thanh niên trên boong lấy thừng quấn quanh người, buộc vào những cái cột, lỡ có bị đánh văng đi cũng không tuột xuống biển. Những người khác, xuống hết khoang tầu. Nhân nói lớn ‘‘Ai có thuốc say sóng, nên uống ngay!’’. Anh tài phụ xuống xếp cách ngồi thế nào để giữ thăng bằng cho tầu, dặn ráng giữ chỗ mình ngồi, đừng dồn hết vào một nơi, có thể làm lật tầu.

Gió rít lên nguyền rủa. Thình lình, mưa xả xuống, hạt quất vào mặt như đánh roi. Nước trắng xóa. Nước mưa, nước biển. Sóng trồi lên cao, đen ngòm. Ðỉnh sóng réo gọi hồn, tiếng hú lúc i í rên rỉ, lúc trì triết riếc móc. Bốn bề, nước bể đen như mực. Con tầu nhấp nhô, đẩy lên đầu sóng, rồi sụp xuống quay cuồng chao đảo không khác gì bị đồng nhập. Dì Tư dưới khoang gào ‘‘Ai niệm Phật Bà Nam Hải, niệm đi! Niệm lớn lên’’. Trong sóng gió, văng vẳng tiếng Nam mô cứu khổ cứu nạn.

Thình lình, một tiếng ầm nghe như vỡ tai. Tầu bể, có tiếng thét. Ánh buộc chiếc phao mỏng mảnh vào bụng bé Quỳnh. Nước ào vào khoang, ai nấy ướt như chuột. Trời nháng sét, tiếng nổ đinh tai, sau tiếng sấm lại ầm ì chuyển đi mỗi lúc một xa. Mọi người dưới khoang hò nhau múc nước đổ ra ngoài. Anh tài phụ nhớn nhác, kêu ‘‘Ngồi múc, đừng đứng lên’’. Con tầu lại trồi lên đỉnh sóng, vẫn réo gọi, tiếng lẫn vào tiếng nghiến răng ken két của định mệnh. Trên boong nhìn xuống, dưới là đáy nước thăm thẳm. Trên đầu con sóng, những cái vòi bạch tuộc vô hình bất ngờ cuốn lấy con tàu mỏng mảnh nhận chìm xuống, khiến con người chao đảo, bụng thắt lại, tay bám vào chỗ bám được, nghiến răng ghì lại những cơ bắp rã rời nhão dần trong giông gió.

*

Nửa đêm, biển lặng đi như ngủ. Trăng to bằng cái nón lơ lửng trên trời, phủ lên mặt nước thứ ánh sáng huyền ảo lấm chấm lân tinh. Những con người vừa chống chỏi sóng gió lả đi, nằm bất động. Trừ tài công, Nhân và thằng Ba. Tầu tắt máy, lờ lững trôi. Tài công dựa vào cửa cabin, ngất ngư, miệng nhắc đi nhắc lại ‘‘ Thiệt ghê, tầu mình vậy mà nhỏ’’. Thằng Ba mặt xám xịt, luôn mồm đù mẻ, không biết chửi sóng hay chửi gió. Bò xuống khoang, Nhân phát giác ra một đứa nhỏ chừng hai, ba tuổi, mặt úp xuống nước lên độ nửa lưng khoang tầu. Bên cạnh một người đàn bà có lẽ xỉu chắc từ lâu, mắt nhằm nghiền, tay vẫn còn nắm áo con đã chết ngộp.

*

Ngày thứ chín.

Sau cơn bão, máy tầu khục khặc không chạy như trước. Ngoài ra, chân vịt hư. Anh tài phụ lặn xuống thay, nhưng loay hoay cả ngày không được. Theo luồng nước, tầu trôi, nhưng nay Tài công không còn định được vị trí. Ba ngày liền, mẹ đứa nhỏ chết vì ngộp nước ngồi ôm con, lúc khóc gào lên, lúc thút thít, trông thật tội nghiệp nhưng không ai giúp gì được. Người đi cùng xin liệm nó để chôn vào biển. Mẹ nó nhất định không chịu.

Ngày thứ mười.

Cá nuộc bơi theo con tầu chết máy, hàng đàn, nhởn nhơ chẳng sợ hãi gì. Có những con dài đến hai thước, lắm khi nhô lên như diễn tuồng làm xiệc. Nước biển xanh và trong, rất quyến rũ, như gọi mời. Xác đứa nhỏ đã có mùi. Mẹ nó cứ ôm ghì lấy, ai nói gì thì lạy van, nói chôn nó bây giờ cá sẽ rỉa xác.

Dì Tư bắt đầu lo cuống lên, rỉ tai là nay phải tiết kiệm đồ ăn và nước uống. Dì tới ngồi cạnh người đàn bà bất hạnh, to nhỏ cả buổi. Ðáp lại, chỉ có tiếng khóc ấm ức. Thằng Ba nói:

– Không chôn, người trong khoang này bịnh hết, chịu sao nổi! Nó chết bốn ngày rồi, không sống lại được nữa đâu.

Thế là người ta giằng xác đứa nhỏ, bọc vào một mảnh vải, buộc thừng xung quanh rồi móc vào một cái neo nhỏ dùng để neo ghe. Có tiếng niệm Phật. Rồi tiếng người mẹ rú lên. Ðàn cá nuộc vẫn tung tăng quanh tầu.

*

…Ngày thứ mười tám.

Hết nước uống. Hết đồ ăn khô. Hết đồ hộp. Hết bánh tét, cơm sấy. Hết tất cả, kể luôn sức để mà hy vọng. Thằng Ba mang khẩu trung liên lên boong, bắn hàng tràng. Hỏi, nó bảo để kêu cứu chứ còn làm gì nữa. Mọi người đều lả đi, không ai cãi lại.

Bé Quỳnh thoi thóp thở, đầu dựa vào vai Ánh. Nàng nắm lấy tay Nhân, miệng mỉm cười, thì thào ‘‘ Số mệnh cả. Nhưng cứ gần nhau, em cũng hạnh phúc, kể cả sống hay chết’’. Nhân quành lấy vai Ánh, khẽ xiết lại. Chàng nhắm mắt và thỉnh thoảng hình ảnh mẹ chàng lại hiện ra, mím môi lại nói ‘’ Sống, phải sống! ’’.

Chiều rơi chập choạng, thằng Ba bắn một phát hỏa châu lên trời, chửi đù mẻ liên hồi. Nhưng lát sau, nghe văng vẳng có tiếng động cơ. Thằng Ba thét lên, đù mẻ, mang ra bắn nốt viên hỏa châu cuối cùng, ánh lân tinh chụp lên tầu như một vòng kim cô, loang ra rồi loãng dần. Tiếng động cơ gần lại. Rồi đèn chiếu lên, quét trên mặt sóng. Thằng Ba kêu ‘‘Bà con ơi, thét lên, gào lên…’’. Thế là ai còn sức, người ấy hả miệng ra, kêu ‘‘Save us! Cứu chúng tôi với!’’. Thằng Hai bộ đội và thằng Tư du kích nói với Nhân và Dũng, ‘‘Coi chừng bọn cướp biển!’’. Không nói không rằng, chúng lên đạn khẩu AK. Nhân ngăn lại, bảo chờ xem động tịnh.

Chiếc tầu lạ cặp vào. Một người đàn ông đứng tuổi đầu quấn khăn nhô ra. Ông ta nói bằng thứ tiếng không ai hiểu được. Dũng hỏi bằng tiếng Anh. Ông ta lắc đầu, ra dấu ý không hiểu gì. Nhưng ông ta trông không có vẻ như cướp biển. Dì Tư lấy một cái xô bằng nhựa đi quyên tiền, quyên nữ trang, vàng… Dì cầm cái xô, vẫy vẫy. Ngôn ngữ này, ai cũng hiểu.Thằng Ba nâng cái xô, bám vào mạn chiếc tầu lạ, đưa lên. Ông già đầu quấn khăn nói một tràng. Dì Tư rất nhạy, hiểu ngay, vào khoang tìm thêm một cái xô, lại vẫy vẫy… Một sợi thừng to bằng cổ tay quăng từ chiếc tầu lạ lên boong. Tài công, thằng Hai, thằng Tư và Nhân túm lấy, buộc vào đầu tầu mình. Ông già đầu quấn khăn đợi cho đến khi tài công ra dấu mới rồ cho máy chạy. Chiếc tầu bắt đầu di động kéo theo tầu đám người vượt biển. Ánh lúc đó mới thì thầm ‘‘…Có số mệnh cả’’ và ôm ghì lấy bé Quỳnh đã lả đi.

*

Tờ mờ sáng, tầu kéo vào một cái vũng nhấp nháy ánh điện, chắc là một cái cảng nhỏ. Đến gần nơi thuyền bè neo, và ông già đầu quấn khăn lại xuất hiện, nói một tràng, một tay chỉ về phía đất liền, tay kia nắm sợi thừng. Ông giơ chiếc búa lên, chặt dây. Nhân tự nhủ, thế là thoát chết. Bờ bến là đây, mờ ảo trong sương mai trắng xóa. Ðám thuyền nhân vứt xuống nước những chiếc phao nổi và thuyền nhẹ. Từng toán nhỏ, kẻ biết bơi đẩy thuyền, đẩy phao vào bờ. Toán cuối cùng, phải phá tầu để khỏi bị kéo ra biển. Thằng Ba giành nhiệm vụ này. Khi cách con tầu chừng ba mươi thước, nó lắp lựu đạn vào súng và bóp cò hai ba lần liền. Tầu bốc cháy. Ðạn trong tầu nổ, tiếng ầm ầm. Thằng Ba quăng khẩu súng phóng lựu đạn ra xa, miệng rất chân thành nhưng giọng cải lương, ‘‘Thôi nhé, giã từ vũ khí!’’.

Chỉ nửa giờ sau khi tất cả lên bờ, có tiếng còi hú. Một lát, cảnh sát đã đến bao quanh. Họ nhìn đám thuyền nhân kẻ nằm người bò trên bãi, chẳng tỏ ra vẻ gì ngạc nhiên. Một người, chắc là sĩ quan, đến hỏi ‘‘Có ai nói được tiếng Anh không?’’ Thằng Hai, bộ đội Giải Phóng và thằng Ba, Biệt Động quân đồng thanh ‘‘Yes, sir’’.

Comments are closed.